Sau khi cha mẹ qua đời, tôi phải một mình đối mặt với những áp lực khổng lồ tới từ xã hội và người khác, chịu đủ mọi sự sỉ nhục và tổn thương,
trong đó nghiêm trọng nhất là lần bị giam giữ xảy ra vào tháng 7 năm
2002. Trong quãng thời gian bị giam giữ, mỗi ngày tôi đều bị dọa dẫm,
mắng mỏ và đánh đập, còn có hai lần phải chịu sự giày vò không cho ăn
uống kéo dài trong bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Tôi nhớ là chính trong
quá trình bị cắt nguồn thức ăn và nước uống lần thứ hai, tâm lý của tôi
đã lần đầu tiên phát sinh những sự biến hóa to lớn.
Tôi nhớ ra
rồi, đó là buổi sáng ngày 17 tháng 7 năm 2007, tôi đã hơn ba mươi tiếng
đồng hồ không được ăn uống. Ánh dương rọi vào phòng qua ô cửa sổ khép
hờ, khiến cho tôi cơ hồ ngất lịm. Giữa lúc nửa mê nửa tỉnh, tôi đột
nhiên nghe thấy một giọng nói mơ hồ không rõ ràng: “Cố gắng lên, anh có
thể cầm cự được mà. Hãy gọi điện thoại cho Cố Thành Kiệt, nhờ ông ta
nghĩ cách cứu anh.”
Tôi mơ mơ màng màng hỏi: “Anh là ai?”
Anh ta không nói gì thêm nữa, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự tồn tại của anh ta, thậm chí từng có mấy khoảnh khắc tôi còn cảm thấy anh ta chính
là tôi. Không biết qua bao lâu sau, tôi lại một lần nữa mơ mơ màng màng
cất tiếng hỏi: “Anh là ai?” Lần này, tôi vẫn không nhận được câu trả lời của anh ta, vậy nhưng lại nghe thấy một giọng nam phì phà phì phò, cứ
như thể trong cổ họng có một cục đờm mà không nhổ ra được vậy: “Tao là
ai à, tao là ông nội mày!”
Xung quanh vang lên vô số tiếng cười
ngặt nghẽo. Khi nhớ lại chuyện này, tôi đột nhiên lờ mờ cảm thấy giữa
những tiếng đó dường như thấp thoáng có tiếng khóc yếu ớt của một cô
gái.
”Lão Mã.” Giọng nam phì phò kia lại một lần nữa vang lên.“Lại xuất hiện ảo giác rồi. Thời gian đã qua được bốn mươi bảy tiếng,
chắc là cũng tạm ổn rồi chứ?”
”Ừm.” Một người khác cất giọng nặng nề: “Không thể để nó chết được, kiếm chút nước giội cho nó tỉnh lại đi.”
Trong lòng tôi lập tức dâng lên niềm hy vọng, sau đó, tôi dường như đã phải
trải qua một cuộc đợi chờ kéo dài hàng thế kỷ, cuối cùng mới cảm nhân
được sự mát mẻ truyền ra từ trên mặt. Là nước, theo bản năng tôi giơ hai tay lên, đồng thời há miệng, cố gắng gạt nước trên mặt vào trong miệng
mình. Sau một cơn đau dữ dội kéo dài trong đầu, tôi gắng gượng mở mắt
ra, nhìn thấy ánh đèn mờ tối trên trần nhà. Tôi khẽ quay đầu qua một
bên, thấy bên ngoài tối tăm mù mịt hình như trời đã về đêm.
“Hay
là cho nó uống ít nước tiểu nhé?” Giong nam phì phò kia lại vang lên lần nữa. “'Bây giờ tao không đi được. Tiểu Dũng, Tiểu Hạo, hai chúng mày
qua đây giúp tao nào!”
Sau một tràng những tiếng bước chân, hai
dòng nước âm ấm phun vào mặt tôi. Tôi lờ mờ hiểu được rằng đó là nước
tiểu, vậy nhưng khi đó khát vọng cầu sinh đã chiếm chủ đạo trong tâm lý. Tôi há miệng ra, để mặc cho nước tiểu chảy vào trong cổ họng của mình.
Mấy giây sau, tôi cảm thấy ghê tởm đến mức khó mà nhẫn nhịn nổi, thế là
bèn ra sức nôn mửa liên hồi. Ngay sau đó, một bàn chân đạp lên trán tôi. Tôi yếu ớt ngã gục xuống, lại tiếp tục nôn. Trong khoảnh khắc đó, tôi
phần nào đã tỉnh táo trở lại, trong đầu ngợp đầy một nỗi căm phẫn khó mà miêu tả bằng lời.
“Đủ rồi đấy.” Người được gọi là lão Mã kia
nói. “Làm như thế này chưa chắc đã có hiệu quả, chờ sau khi nó tỉnh lại
xem thế nào đã rồi tính tiếp. Nếu vẫn không ổn, hai ngày nữa…”
Tôi không nhớ được những lời tiếp theo của hắn ta, chỉ nhớ là câu nói đó
khiến tôi cảm thấy căm phẫn và tuyệt vọng vô cùng. Lời của “lão Mã” vừa
mới dứt, những người khác lập tức cười sằng sặc, giữa những tiếng cười
đó tôi lại một lần nữa loáng thoáng nghe thấy tiếng khóc của một cô gái…
Đầu óc bất giác nhói đau, bên tai tôi lại một lần nữa vang lên tiếng rít
quái dị kia. Tôi đưa tay ôm đầu, khẽ “hừ” một tiếng rồi liền quay trở
lại thế giới thực tại trong thời điểm tháng 7 năm 2012. Tôi lật giở lại
những trang trước của tập tài liệu về những vụ chết người kia, thế rồi
nhanh chóng nhớ ra, Vu Khang, Trần Đồng Kính, Mã Thạch Nguyên, Dương
Dũng, Dương Hạo - năm người chết được ghi lại trong tài liệu - chính là
những kẻ đã giam giữ tôi vào mùa hè năm 2002. Từ tháng 8 năm 2003 đến
tháng 7 năm 2005, tôi đã dùng biện pháp ám thị để lần lượt giết chết cả
năm người bọn họ, đây chính là sự trả thù đối với vụ giam giữ năm đó.
Trong quá trình giam giữ, bọn họ đã ngược đãi tôi đủ điều, ví dụ như đánh
mắng sỉ nhục, không cho ăn uống, ép uống nước tiểu... Nhưng tôi cứ luôn
có cảm giác những điều đó vẫn chưa phải là tất cả, cũng không phải là
nguyên nhân chủ yếu khiến tôi quyết định trả thù bọn họ. Khi đó bọn họ
nhất định đã từng làm ra một chuyện gì đó còn tàn độc và đáng ghê tởm
hơn, nhưng tôi nhất thời lại không thể nào nhớ ra được.
”Nhất
Tân?” Bà xã đi tới bên cạnh tôi, nhẹ nhàng vuốt ve đỉnh đầu tôi. “Anh
không sao chứ? Vẫn chưa xong ư? Muộn thế này rồi, hay là anh cứ đi ngủ
đi đã rồi có gì để sau hãy tính!”
“Em yêu.” Tôi nắm lấy
cánh tay của cô ấy, một mặt tiếp tục đào xới ký ức của mình, mặt khác
cất giọng hơi hoảng loạn hỏi: “Em còn nhớ việc anh bị người ta bắt đi và giam giữ trái pháp luật vào mùa hè năm 2002 không?”
Bà
xã lập tức ngây người ra đó, toàn thân trở nên đông cứng trong khoảng
ba, bốn giây, sau đó mới cố tình tỏ ra bình tĩnh nói: “Hồi đó anh bị
người ta bắt đi không ít lần, anh muốn nói tới lần nào đây?”
“Lúc đó là tháng 7 năm 2002.” Tôi nói. “Em quên rồi ư? Khi đó em còn nói là muốn đến bên anh nữa.”
“Lần nào em cũng đều muốn đến bên anh cả.” Cô ấy nói. “Em thực sự không nhớ được chuyện này.”
Tôi thở dài một hơi, những sợi dây thần kinh vốn đang căng cứng lập tức
buông lỏng phần nào, mảnh ký ức về sự kiện giam giữ đó cũng nhanh chóng
trở nên mờ nhạt. Một lát sau, tôi khẽ vỗ mu bàn tay của bà xã, mỉm cười, nói: “Được rồi, anh biết rồi. Em đợi anh thêm một lát nữa nhé, anh sắp
xem xong rồi đây.”
Cô ấy nhìn tôi bằng ánh mắt băn khoăn
rồi lặng lẽ gật đầu. Tôi lật trở lại trang thứ mười sáu của tập tài liệu kia, đồng thời cố gắng nhớ lại cuộc gặp mặt cuối cùng của mình và Lý
Tùng.
Đó là ngày 26 tháng 7 năm 2007. Theo như những
thông tin mà Đường Bác Hiên liên tục cung cấp, trạng thái tinh thần của
Lý Tùng mấy ngày nay vẫn luôn rất ổn định, nhưng đến trưa ngày Hai mươi
sáu, Chủ nhiệm Viên đột nhiên gọi tới cho tôi, nói thẳng vào chuyện
chính: “Có tình huống mới rồi đây, sáng hôm nay Lý Tùng đã liên lạc với
bác sĩ nói là mình đột nhiên cảm thấy hơi khó chịu, sau đó liền hỏi xem
có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.”
Tôi hỏi: “Bác sĩ đã trả lời như thế nào?”
”Đương nhiên là vẫn đề nghị không dùng thuốc rồi.” Chủ nhiệm Viên nói. “Vừa
rồi ông ta còn liên lạc với tôi, hỏi tôi là nên làm thế nào. Tôi đáp ứng cho ông ta thêm một số lợi ích nữa, bảo ông ta cứ chờ chỉ thị là được.”
Việc chủ động nhờ cậy sự giúp đỡ từ bác sĩ này chứng tỏ tâm lý của Lý Tùng
đang ở trong tình trạng khá khó chịu, điều này đồng nghĩa với việc thời
cơ đã chín muồi. Sáu giờ tối hôm đó, tôi đến Bệnh viện Nhân dân số 1
thăm vợ của Lý Tùng, đồng thời ở lại trong phòng bệnh kiên nhẫn chờ đợi. Đến gần tám giờ, Chủ nhiệm Viên nhắn tin cho tôi, nói là Lý Tùng đã tới bệnh viện. Hai phút sau, Lý Tùng và Đường Bác Hiên lần lượt đi vào
trong phòng bệnh. Tôi nhanh chóng quan sát khí sắc của Lý Tùng một chút, thấy đôi hàng lông mày của ông ta cụp hẳn xuống, khóe môi hơi xệ, hơi
thở rất phều phào, trông có vẻ vô cùng uể oải. Ông ta sững người ra
trong khoảng mấy giây, thế rồi liền nhận ra tôi, hỏi: “Tiểu Trương, sao
cậu lại tới đây thế?”
Tôi vội vàng đứng dậy, nói: “Cháu đến đây thăm cô nhà... Bí thư Lý, chú không ngại việc cháu xưng hô như vậy chứ ạ?”
Ông ta nhìn thoáng qua vợ mình một chút, thở dài một hơi vẻ hết sức nặng
nề. Tôi tranh thủ dịp ấy nháy mắt ra hiệu cho Đường Bác Hiên, bảo anh ta hãy kiếm cớ ra ngoài. Anh ta hiểu ý, lập tức nói ngay: “Bí thư Lý,
không phải ngài vẫn luôn muốn nói chuyện với phóng viên Trương thêm lần
nữa ư? Tôi xin phép ra ngoài sắp xếp tài liệu cho cuộc họp ngày mai.”
Ly Tùng uể oải đáp “ừm” một tiếng, Đường Bác Hiên liền đẩy cửa bước ra
ngoài. Tôi đỡ Lý Tùng ngồi xuống. Để làm tăng thêm không khí bi quan
trong phòng bệnh, tôi cũng thở dài một hơi bằng giọng nặng nề. Chịu sự
tác động từ tôi, Lý Tùng liền thở dài tiếng nữa, sau đó chậm rãi nói:“Ôi, hôm nay bác sĩ có nói là bà ấy chắc chỉ sống được không đầy một
tháng nữa thôi.”
Tôi buông lời an ủi cho có lệ: “Chắc bác sĩ sợ phải chịu trách nhiệm đấy thôi. Cô nhà nhất định sẽ khỏe lại nhanh thôi mà.”
”Khó lắm.” Ông ta nắm lấy bàn tay đã trở nên gầy đét vàng vọt của vợ. “Ôi,
dù sao cũng sống được đến chừng này tuổi rồi. Kỳ thực được giải thoát
cũng là chuyện tốt, tôi thật lòng chẳng muốn nhìn bà ấy sống tiếp trong
sự đau khổ thế này.” Ông ta hơi dừng lại một chút, đột nhiên hỏi: “Tiểu
Trương, cậu thử nói xem, cái chết liệu có thể mang tới cho con người ta
sự giải thoát không?”
”Chuyện này…” Từ trong câu nói này tôi nghe ra được ham muốn thổ lộ của ông ta, thế là bèn thử dẫn dắt: “Cháu còn
ít tuổi suy nghĩ chưa được thấu đáo, về vấn đề này mong được nghe chú
chỉ dạy cho.” Chờ đợi một lát, thấy ông ta vẫn cỏ vẻ do dự, tôi liền
tiếp tục dẫn dắt: “Bí thư Lý, hình như chú đang có tâm sự, nếu chú không ngại thì cháu sẵn sàng lắng nghe.
”Ôi...” Ông ta thở dài một
tiếng, nhắm hờ đôi mắt lại. “Tôi cũng không rõ mình bị làm sao nữa,
nhưng mấy ngày nay tôi thường xuyên nằm mơ thấy những người thân đã
chết, hơn nữa cứ vừa mơ là liền tỉnh dậy ngay, sau khi tỉnh dậy thì
không sao ngủ tiếp được nữa.”
Để có thể nhận thêm sự tin tưởng từ ông ta, tôi khẽ gật đầu, nói: “Thật không giấu gì chú, cháu cũng từng
gặp phải tình trạng này rồi. Hồi cháu mới tốt nghiệp đại học, cha mẹ
cháu tự sát, thế là suốt một năm liền cháu chẳng thể ngủ ngon giấc được
lần nào.”
Ông ta tỏ ra khá kinh ngạc. ''Vậy thì chẳng trách, tôi
biết ngay cậu cũng là một người có quá khứ dữ dội mà. Cuộc sống của cậu
xem ra chẳng dễ dàng gì, có anh chị em gì không vậy?”
”Có...” Tôi buột miệng nói, nhưng ngay sau đó lại vội vã sửa lời: “À, không ạ.”
”Ừm.” Ông ta đang đắm chìm trong tâm trạng của bản thân, chẳng hề để ý gì tới những lời nói lộn xộn của tôi. “Tiểu Trương, cậu cũng từng phải chứng
kiến cái chết của người thân rồi, theo cậu thì con người sau khi chết đi liệu có còn tư tưởng và cảm giác không? Liệu có linh hồn không?”
Tôi nhất định phải dẫn dắt ông ta nói ra suy nghĩ của bản thân, thế là chỉ
thoáng suy nghĩ một chút rồi bèn nói: “Cháu cũng không rõ nữa.”
”Năm 1958, bà nội tôi qua đời.” Ông ta im lặng suốt một hồi lâu, sau đó mới
chậm rãi nói tiếp: “Đó là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với cái chết. Tôi
hỏi cha mẹ tôi thế nào là chết, bọn họ liền nói cho tôi biết, chết tức
là linh hồn rời khỏi thể xác, đi tới một thế giới khác. Bắt đầu từ lúc
đó tôi liền nảy sinh lòng tò mò vô hạn đối với chết, cũng tin chắc rằng
thực sự có một thế giới khác tồn tại. Năm 1966, tôi phải về nông thôn
tham gia đội sản xuất, khi đó nơi tôi đến là một thôn miền núi ở vùng
Đông Nam, điều kiện các mặt đều rất tệ, trong thôn còn thường xuyên có
người chết. Có lần, một nhà sáu người cùng ăn một loại rau dại không rõ
tên gọi đào được trên núi, thế rồi chỉ sau một bữa cơm đã chết sạch. Thi thể của bọn họ được xếp thành hàng, tôi đi tới sờ lần lượt vào từng
người một, phát hiện bọn họ chỉ là những đống thịt mà thôi, chẳng khác
gì trâu, bò, heo, cừu cả. Khi đó tôi bỗng cảm thấy những thứ như linh
hồn, một thế giới khác, tất cả đều là do con người bịa ra để lừa gạt
chính bản thân mình. Tôi nghĩ không thông, thế là bèn đi hỏi bí thư xã,
ông ấy trả lời những thứ như linh hồn, địa phủ đều là âm mưu mà xã hội
phong kiến dùng để trói buộc tư tưởng của nhân dân, đều là những thứ
không hề tồn tại, một thanh niên của thời đại mới thì cần phải có sự
giác ngộ như thế. Tôi đã vui mừng suốt mấy ngày vì sự giác ngộ của bản
thân, nhưng rất nhanh sau đó đã rơi vào sự tuyệt vọng, bởi lẽ nếu không
có linh hồn, con người sau sau khi chết đi cũng không được tới một thế
giới khác, vậy thì chết chỉ đơn thuần là chết mà thôi, chẳng có một chút ý nghĩa nào cả, thậm chí sau khi chết cái “tôi” cũng sẽ tiêu vong...
Tôi không thể chấp nhận sự thật này, vì nếu quả đúng là như thế thì chết rốt cuộc là một thứ cảm giác thế nào đây? Nếu nói là hoàn toàn không có cảm giác, vậy thì không có cảm giác là một thứ cảm giác như thế nào?”
Nói tới đây, ông ta liền dừng lại, đôi hàng lông mày và khóe miệng đều xệ cả xuống.
Tôi thật không ngờ một quan chức kiểm tra kỷ luật nổi tiếng về tính tình
kiên nghị, thủ đoạn cứng rắn như ông ta mà lại có một trái tim nhạy cảm
đến thế. Hồi ông ta còn trẻ, sự suy nghĩ về “tôi” và “cái chết” rõ ràng
là không hẹn mà nên với rất nhiều nhà triết học theo chủ nghĩa bi quan.
Thế nào là “tôi”? Sau khi chết, “tôi” có còn ý nghĩa gì nữa không? Những vấn đề đánh thẳng vào bản chất tư tưởng của nhân loại này hiển nhiên
chỉ có thể giải đáp bằng triết học và tôn giáo.
Đứng từ góc độ
tâm lý học và xã hội học mà xét, cái chết tượng trưng cho sự kết thúc
của một sinh mệnh, là một trạng thái mâu thuẫn tới cực độ với bản năng,
cho nên mỗi sinh vật ngay từ khi sinh ra đã có nỗi sợ hãi đối với cái
chết rồi, đó là một phần không thể chia tách, không thể thay đổi trong
bản năng. Cái chết là một quy luật của thiên nhiên, còn sinh mệnh thì
chính là quá trình mà một cá thể sinh mệnh đối kháng với thiên nhiên,
cho nên một trong những ý nghĩa cơ bản trong sự tồn tại của sinh mệnh
chính là đối kháng với cái chết. Văn minh nhân loại là biểu hiện điển
hình của việc sinh mệnh đối kháng với cái chết, nhân loại không chỉ cố
gắng kéo dài sinh mệnh về mặt sinh lý, còn muốn thông qua ý thức để loại trừ nỗi sợ hãi đối với cái chết. Đứng từ góc độ này mà xét, tất cả
những kiến giải có liên quan tới linh hồn, luân hồi hay là một thế giới
khác kỳ thực đều là sự né tránh và đấu tranh của xã hội cũng như bản ngã đối với nỗi sợ hãi về cái chết. Đúng như tôi đã nói từ trước, xã hội
chính là sự ngụy trang tập thể theo bản năng của nhân loại, khái niệm về linh hồn và luân hồi thì chính là một bộ phận quan trọng cấu thành nên
sự ngụy trang này.
Quay trở lại chủ đề chính, những người nhạy
cảm đa phần đều bi quan, bởi lẽ bọn họ thường xuyên có thể nhìn thấu sự
ngụy trang của xã hội và bản ngã, từ đó suy nghĩ và nhận thức được sự
tàn khốc của chân tướng. Lý Tùng chính là người như thế, ông ta phải
tiếp xúc với cái chết quá sớm, suy nghĩ về ý nghĩa của cái chết quá sớm, ngoài ra còn phải sống trong một hoàn cảnh mà xã hội đang kịch liệt phê phán tín ngưỡng tôn giáo, thế nên ông ta mới cực kỳ nhạy cảm với khái
niệm về “cái chết”. Ông ta sớm đã nhìn thấu sự che đậy của xã hội đối
với nỗi sợ hãi về cái chết, đồng thời tin rằng sau khi con người chết
đi, “tôi” sẽ chẳng còn chút ý nghĩa nào nữa cả, và thế là nỗi sợ hãi
trời sinh đối với cái chết không còn được giấu giếm bởi thứ gì nữa, bắt
đầu thức tỉnh và không ngừng lớn mạnh trong tiềm thức, sau đó tham gia
vào quá trình hình thành nên tâm lý của ông ta, trở thành bộ phận quan
trọng cấu thành nên bản ngã và ý thức của ông ta, căn nguyên trầm cảm
của ông ta chính là như thế. Tôi đoán, năm 1973, việc ông nội ông ta qua đời nhất định đã lại một lần nữa tác động đên sự nhận thức của ông ta
về cái chết và khiến nỗi sợ hãi kia bùng phát.
Tôi nhìn chằm chằm vào Lý Tùng, lẳng lặng gật đầu, chờ ông ta kể tiếp.
“Ôi…” Ông ta thở dài một hơi khe khẽ rồi lại nói tiếp: “Bắt đầu từ lúc đó,
tôi vẫn luôn đắm chìm trong sự đau khổ. Năm 1973 ông nội tôi bị người ta mắng chửi đến chết trong một cuộc đấu tố, người hại ông còn được biểu
dương giống như anh hùng vậy. Ông nội tôi là một đảng viên kỳ cựu, từng
vì đất nước này mà vào sinh ra tử, tại sao lại có một kết cục như vậy
chứ? Qua chuyện đó, tôi bắt đầu tin chắc rằng con người sau khi chết đi
hoàn toàn không có linh hồn gì cả, bằng không, tại sao lại không có cái
lẽ công bằng ở đời như thế? Trong quãng thời gian đó, tôi ngày ngày đều
suy nghĩ về cái chết, từ đó nảy sinh sự sợ hãi sâu sắc đối với cái chết. Ông nội tôi qua đời vì một cơn đau tim, tôi bắt đầu lo nghĩ tim của
mình liệu có vấn đề gì không, liệu mình có đột ngột chết đi hay
không...” Nói đến đây, ông ta hạ thấp giọng khẽ thở dài tiếng nữa, đột
nhiên nhìn tôi, nói: “Tiểu Trương, đây là một cuộc trò chuyện cá nhân
giữa cậu và tôi, tuyệt đối không được để người ngoài hay biết, rõ chưa?”
Tôi khẽ gật đầu. “Bí thư Lý, chú yên tâm đi, cháu hiểu mà.”
Ông ta cố nặn ra một nụ cười, nói bằng giọng nhẹ nhàng hơn. “Có điều những
năm nay, tôi vẫn thường xuyên tự nói với mình rằng dù không có linh hồn
thì sức mạnh tinh thần cũng là thứ thực sự tồn tại, sau khi con người
chết đi, sức mạnh này sẽ đại diện cho cá thể đó và sống tiếp, chỉ thay
đổi sang một hình thức khác mà thôi. Chính bởi vì như thế nên tôi mới
phải sống sao cho ra được cái tinh thần của mình, khiến sức mạnh tinh
thần trở nên mạnh mẽ.” Nói xong những lời này, tâm trạng của ông ta rõ
ràng đã tốt lên nhiều, liền nhìn tôi và nở một nụ cười tự nhiên. “Cảm ơn cậu nhé Tiểu Trương, cảm ơn cậu đã chịu khó nghe tôi nói nhiều như vậy. Hãy nói về bản thân cậu đi, cậu ắt hẳn cũng có những cảm nhận riêng của mình.”
Tôi nhìn ông ta, giống như nhìn một con cừu đang chờ bị
giết mổ. Tôi thì giống như một gã đồ tể lăm lăm cầm dao trên tay, lúc
này đã gạt lớp lông cừu qua một bên và tìm được vị trí mà trái tim con
cừu đang đập thình thịch bất an rồi.
Xem ra đã tới lúc tặng cho ông ta một đòn trí mạng.
Muốn đối phó với chứng trầm cảm thì cần phải đồng thời dùng thuốc và các
liệu pháp tâm lý. Những năm nay, bệnh tình của Lý Tùng được khống chế
một cách hữu hiệu, một phần nguyên nhân là nhờ ông ta kiên trì dùng
thuốc, nhưng quan trọng hơn vẫn là các liệu pháp tâm lý của bác sĩ trong một thời gian dài.
Trong tâm lý học lâm sàng, có rất nhiều bệnh
tâm thần và chứng rối loạn tâm lý là do người bệnh có nhận thức không
hợp lý với một sự vật đặc biệt nào đó mà ra, chẳng hạn như người mắc
bệnh sợ chó thì cho rằng bất cứ con chó nào cũng đều cắn người bừa bãi,
một số người bị mắc chứng lo âu thì lại có thói quen khuếch đại các nhân tố bất lợi trong hiện thực. Muốn giải quyết các chứng bệnh kiểu này thì cần phải bắt tay vào từ căn nguyên tâm lý, lại thông qua các phương
thức như trao đổi, phân tích, dẫn dắt để thay đổi suy nghĩ và thái độ
của người bệnh đối với sự vật đặc biệt kia, từ đó cải chính những nhận
thức sai lầm, khiến cho các rối loạn tâm lý có liên quan biến mất. Trong lâm sàng, liệu pháp này được gọi là “trị liệu hành vi nhận thức“.
Căn nguyên trầm cảm của Lý Tùng là nỗi sợ hãi đối với cái chết, nỗi sợ hãi
này bắt nguồn từ suy nghĩ bi quan quá Độ của ông ta trong thời niên
thiếu về khái niệm “cái chết”. Đứng từ góc độ này mà xét, căn nguyên
trầm cảm của ông ta chính là sự nhận thức không hợp lý đối với “cái
chết”. Nếu tôi là bác sĩ, việc cần làm đầu tiên chính là sử dụng liệu
pháp trị liệu hành vi nhận thức để thay đổi sự nhận thức của ông ta đối
với cái chết, qua đó cải thiện tình cảm trầm cảm của ông ta.
Phương pháp cụ thể thì có rất nhiều, chẳng hạn như trích dẫn một số câu chữ
trong kinh văn tôn giáo, kể ra các sự kiện huyền bí, thậm chí là bố trí
ra một hoàn cảnh ám thị có liên quan tới quỷ thần, từ đó khiến cho Lý
Tùng lại một lần nữa tin vào sự tồn tại của linh hồn và luân hồi; hoặc
cũng có thể dùng biện pháp thôi miên, dẫn dắt cho Lý Tùng được trải
nghiệm cảm giác cận kề với cái chết, từ đó làm giảm bớt nỗi sợ hãi của
ông ta đối với việc “sau khi chết thì tôi không còn tồn tại”; ngoài ra,
cũng có thể kể lại những câu chuyện khích lệ tinh thần của bản thân hoặc là những người bệnh khác, từ đó làm tăng hứng thú và sự tự tin của Lý
Tùng đối với cuộc sống.
Xét từ lời nói cũng như sự biến
hóa trong tâm trạng của Lý Tùng, sở dĩ ông ta có thể kiểm soát tình
trạng trầm cảm hoàn toàn là bởi những năm nay ông ta vẫn luôn tin rằng
nhân loại có sự tồn tại “sức mạnh tinh thần”, tin rằng con người sau khi chết đi sẽ tiếp tục tồn tại trong một hình thức khác là sức mạnh tinh
thần. Loại tư tưởng này rất có thể là do bác sĩ truyền cho ông ta, là
thành quả của liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức.
Bác
sỹ tâm lý của Lý Tùng quả thực rất giỏi. Anh ta biết rằng muốn chữa được chứng bệnh trầm cảm của Lý Tùng thì nhất định phải làm thay đổi chấp
niệm sau khi chết tôi không còn tồn tại” của ông ta. Song anh ta cũng
hiểu rõ, Lý Tùng từng phải trải qua một thời kỳ hỗn loạn, hơn nữa còn
từng tiếp nhận sự hun đúc của chủ nghĩa duy vật trong một thời gian dài, do đó rất khó tin vào sự tồn tại của linh hồn. Cho nên đến cuối cùng
anh ta đã quyết định sẽ xuất phát từ góc độ khoa học, dựa vào việc trích dẫn, thậm chí là bịa đặt những lý luận và khái niệm có liên quan, từ đó khiến Lý Tùng tin rằng “sức mạnh tinh thần” thực sự có tồn tại. Phương
pháp này đã phát huy tác dụng, bất kể lý luận là thật hay giả thì Lý
Tùng cũng đã chấp nhận quan niệm về “sức mạnh tinh thần”, từ đó tin rằng con người sau khi chết đi sẽ tồn tại với một hình thức khác, và nỗi sợ
hãi đối với cái chết cũng vì thế mà suy giảm. Có thể nói thế này, quan
niệm về “sức mạnh tinh thần” chính là cột trụ tinh thần cốt lõi nhất mà
những năm nay Lý Tùng dùng để chống lại nỗi sợ hãi và chứng trầm cảm.
Một khi cây cột trụ này sụp đổ, chứng trầm cảm của ông ta nhất định sẽ
lại một lần nữa bùng phát, hơn nữa sẽ còn mãnh liệt và dữ dội hơn so với trước kia.
Tôi nhanh chóng suy nghĩ xong xuôi mọi việc rồi nói:“Bí thư Lý, thực ra suy nghĩ và cảm nhận của cháu cũng rất giống với
chú. Hồi nhỏ cháu cảm thấy con người thực sự có linh hồn, nhưng sau khi
cha mẹ cháu qua đời, họ chưa từng báo mộng cho cháu lần nào, kể từ đó
cháu không còn tin vào điều này nữa.” Tôi khẽ cười một tiếng, thoáng
dừng lại một chút rồi mới nói tiếp: “Có một thời gian cháu từng bị trầm
cảm nặng nề, trong lòng ngợp đầy nỗi sợ hãi đối với cái chết, sợ rằng
sau khi chết đi mình sẽ chẳng còn lại gì nữa có. Có điều về sau, trong
một lần trò chuyện với mấy người bạn chuyên nghiên cứu về vật lý, cháu
nghe bọn họ nói rằng linh hồn thực ra có tồn tại, đó là hình thức biểu
hiện của một loại từ trường, hoặc cũng có thể nói là một loại hình thức
vật chất ở một chiều không gian cao hơn. Tuy cháu không hiểu lắm nhưng
vẫn lờ mờ cảm thấy con người không chỉ là một đống thịt, bên trong mỗi
người thực ra còn tồn tại một sức mạnh không thể nhìn thấy bằng mắt
thường.” Tôi vừa nói vừa nhìn vào mắt Lý Tùng. “Đó có lẽ cũng chính là“sức mạnh tinh thần” mà chú vừa nói tới.”
“Đúng vậy.” Sắc mặt dãn hẳn ra, ông ta gật đầu lia lịa, nói: “Một người bạn của tôi cũng từng
nói như vậy, cho nên cái chết tuyệt đối không phải là điểm cuối cùng của sinh mệnh.”
Tôi lại nói tiếp: “Quãng thời gian trước, cháu có
dịp được trò chuyện với một vị giáo sư vật lý, còn hỏi ông ấy về sức
mạnh tinh thần. Ông ấy nói cho cháu biết, xét về mặt lý luận thì con
người sau khi chết đi quả thực có thể tiếp tục tồn tại ở một hình thức
nào đó mà hiện giờ còn chưa thể biết được, nhưng bất kể hình thức đó là
gì thì cũng chỉ là một loại năng lượng mà thôi, không còn là “người”
nữa. Con người sau khi chết đi tuy không hoàn toàn biến mất, nhưng cảm
nhận và cảm giác về “tôi” thì sẽ biến mất hoàn toàn. Hoặc cũng có thể
nói thế này, sau khi con người chết đi, khái niệm về “tôi” sẽ hoàn toàn
không còn một chút ý nghĩa nào nữa...”
”Khụ...” Ông ta khẽ ho một tiếng, lại đặt tay lên vị trí trái tim, sắc mặt sau nháy mắt đã trở nên nặng nề vô hạn. “Không thể nào... Bạn tôi đâu có nói như vậy.” Ông ta
ngước mắt lên nhìn tôi, giọng nói toát ra một vẻ rất không tự tin.“Những lời này thực sự là do một giáo sư vật lý nói với cậu ư?”
”Dạ phải.” Tôi khẽ gật đầu. “Về sau cháu cũng hỏi mấy người bạn chuyên
nghiên cứu về vật lý kia, câu trả lời của bọn họ về cơ bản không có gì
khác biệt. Tóm lại, con người sau khi chết đi có khả năng vẫn còn tồn
tại, nhưng cái “tôi” thì sẽ không còn tồn tại nữa. Cho nên, việc một số
người đánh đồng hình thức tồn tại của con người sau khi chết với linh
hồn rõ ràng là một hành vi phản khoa học...”
Lời còn chưa dứt, Lý Tùng đã lại ho lên một tiếng nữa, cặp mắt thì gần như nheo lại thành
một đường thẳng, trên trán rỉ ra những giọt mồ hôi lấm tấm.
Tôi
lại tiếp tục tấn công: “Ngẫm ra, lời của bọn họ kỳ thực rất có lý. Cháu
vốn cũng học về tâm lý học, hồi đại học từng học môn tâm lý học xã hội,
cháu nhớ là có một tiết thầy giáo từng giảng về sự che giấu của xã hội
đối với bản năng, trong đó có nhắc đến nỗi sợ hãi của loài người đến với cái chết. Thầy giáo cháu đã nói như thế này: Thời cổ đại, con người dựa vào tín ngưỡng tôn giáo để né tránh nỗi sợ hãi mà cái chết mang lại,
đến thời hiện đại, đa phần mọi người đều mong có thể đứng từ góc độ khoa học để chứng thực sự tồn tại của linh hồn, mục đích cũng vẫn là để né
tránh nỗi sợ hãi mà cái chết mang lại. Có rất nhiều người thích nghiên
cứu linh hồn từ góc độ khoa học, có điều căn nguyên không phải là bọn họ xem trọng khoa học mà chẳng qua là bọn họ sợ hãi cái chết, thế nên mới
hy vọng linh hồn thực sự tồn tại. Đứng từ góc độ này mà xét, bản chất
của bộ môn khoa học nghiên cứu về linh hồn kỳ thực không hề khác gì tôn giáo.” Tôi dừng lại một chút rồi mới nói tiếp bằng giọng nhấn mạnh:“Chú hãy thử nghĩ kĩ mà xem, cái gọi là sức mạnh tinh thần có gì khác
biệt với khái niệm “linh hồn” trong tôn giáo không? Theo cháu thấy thì
không, nó chẳng qua chỉ là một cách gọi khác của linh hồn mà thôi.” Tôi
khẽ ho một tiếng, cất giọng bi thương: “Dù là linh hồn hay sức mạnh tinh thần thì cũng đều là những thứ không hề tồn tại.”
Lý Tùng hít sâu một hơi, sau đó liền cúi đầu xuống, bờ vai hơi run rẩy, cuối cùng mới “ừm” một tiếng bằng giọng nặng nề.
Cuối cùng tôi lại nói thêm: “Dù sao đi nữa cháu cũng cảm thấy cái chết chính là điểm cuối cùng của sinh mệnh, là sự kết thúc một cách triệt để của
tư tưởng và ý thức. Sau khi con người ta chết đi, cái “tôi” sẽ hoàn toàn không còn tồn tại nữa, chết tức là hết, chẳng để lại gì trên đời, cũng
chẳng có chút ý nghĩa nào cả...” Tôi nhìn Lý Tùng, thử thăm dò: “Chú
nghĩ sao?”
Ông ta tựa người vào giường bệnh, tay trái thỉnh
thoảng lại đặt lên vị trí trái tim, tay phải thì không ngừng đưa lên day hai mắt. Phải mất mấy giây sau ông ta mới có phản ứng, ngẩn ngơ đưa mắt nhìn tôi, lộ vẻ suy tư nói: “Ừm, cậu nói thế kỳ thực... rất có lý...
Tôi…” Ông ta lại một lần nữa hít sâu một hơi, sau đó nhắm mắt lại khẽ
lắc đầu, chìm vào dòng trầm tư.
Tôi thở phào một hơi, không nói
gì thêm nữa, không ngừng thở dài để tạo ra một bầu không khí u ám, từ đó làm tăng khả năng khuếch tán của tâm trạng tiêu cực.