Gần tới ngày ra viện, bệnh viện phát cho tôi một phiếu điều tra mức độ hài lòng của bệnh nhân. Nội dung trên phiếu điều tra vô cùng tỉ mỉ và chi tiết, từ việc chăm sóc của y tá tới thái độ của bác sĩ, gần như bao hàm tất cả những người tôi đã tiếp xúc trong khoảng thời gian này.
Tôi điền lần lượt từng hạng mục. Tới dòng nhận xét về bác sĩ điều trị chính, tôi tích "Hài lòng" vào tất cả các mục như khả năng điều trị, y đức... Chỉ có điều, ở dòng "Viết thêm đề xuất", tôi đã điền vào một câu: "Quá ít cười."
Phiều điều tra nộp xong chưa đầy nửa ngày, Mr. Tô đã xuất hiện trước giường bệnh của tôi, một tay cầm theo bản điều tra, một tay gõ lên lan can giường bệnh.
Tôi ngồi phắt dậy, khuôn mặt ngơ ngác, không hiểu tại sao bản điều tra kín của bệnh viện lại lọt vào tay anh được.
"Cười nhiều có chữa được bệnh không? Có mổ được thành công không? Có làm tiêu tan u bướu trong cơ thể không? Có thể cứu sống nổi con người không?"
Lần đầu tiên tôi nghe anh nói một câu nhiều chữ như vậy. Trong lúc đầu óc đờ đẫn, tôi chỉ đáp lại một từ: "Có thể."
Nét mặt anh cứng đờ. Anh nhét bản điều tra vào lòng tôi rồi nói: "Điền lại đi."
Tôi đành phải sửa lại dòng đã viết bên trên, đổi thành: "Bác sĩ Tô chan hoà, nhân ái, y thuật cao minh, như Hoa Đà tái thế."
Bấy giờ anh mới mãn nguyện cầm bản điều tra đi.
Về sau, tôi nghe các y tá kể lại, bản điều tra nào có phải bệnh viện phát, nó chỉ được sử dụng trong nội bộ khoa. Cô ấy cũng tò mò rằng sao chỉ mình tôi được nhận.
Một thời gian sau đó, lần thứ hai tôi bắt gặp bản điều tra ấy là trong chiếc khung ảnh đặt trên bàn anh.
Bệnh nhân nào đó, bác sĩ điều trị chính nào đó – Anh nói đó là lần đầu tiên tên của tôi và anh được viết chung với nhau.