Đường Mộc Vẫn Thế

Chương 9



9

Lên lớp mười hai, tôi rốt cuộc cũng có thể đeo cặp kính cận mới cắt. Sau đó ra sức vùi đầu vào tiến độ học tập căng thẳng hơn ngày trước rất nhiều.

Trì Dã cũng càng thêm trắng trợn.

Anh bắt đầu mang sữa bò đến cho tôi vào mỗi sáng, giấu ở trong áo, lúc lấy ra vẫn còn rất ấm.

Các bạn nam trong lớp mà ồn ào thì anh sẽ nhíu mày đạp một chân qua: "Biến đi!"

Tôi vẫn luôn không hiểu, một chàng trai như anh tại sao lại thích tôi.

Mãi đến khi chúng tôi đã ở bên nhau, có lần tôi hỏi anh chuyện này, anh cười nói: "Em không giống bọn họ."

Thấy tôi cứ nhìn mình, anh lại tiếp tục giải thích: "Sau khi chúng ta ngồi cùng bàn, suốt nửa học kỳ em không nói với anh câu nào cả. Lúc đó anh đã nghĩ, con bé này cũng có bị câm điếc đâu, cũng thường xuyên phát biểu lắm chứ, có phải mình đắc tội gì với người ta không nhỉ."

"Sau đó anh âm thầm quan sát, thế mới phát hiện ra em cũng chẳng nói chuyện nhiều với ai, nhưng em học giỏi lắm, thầy cô ai cũng thích. Anh còn phát hiện em có một gương mặt búp bê điển hình, trông ngoan không tưởng nổi, tiết tự học hôm đó em nhìn anh, ánh mắt còn vương chút khiếp đảm e sợ, tim anh lập tức bắt đầu đập rộn cả lên, kêu bình bịch ầm ĩ trong lồ ng ngực. Lúc đó anh đã nghĩ, xong rồi, không những thầy cô thích, hình như anh cũng thích...."

Anh nói không quá đầy đủ.

Ngoại trừ việc anh thích, thì ban đầu đối với tôi anh còn có đồng tình.

Trong lớp ai cũng biết, gia cảnh của ủy viên học tập Hứa Đường không tốt, ba bị tê liệt và đang trong tình trạng là người thực vật.

Lúc đóng phí lớp, giáo viên sẽ luôn nói: "Hứa Đường không cần đóng, điều kiện gia đình của bạn ấy không tốt lắm."

Đây hoàn toàn là sự tốt bụng của thầy cô. Nhưng giây phút đó tôi rốt cuộc vẫn cúi đầu, trên mặt nóng ran.

Vì Trần Giai Ny và các bạn từng thảo luận với nhau ở sau lưng: "Cô chủ nhiệm bất công thật đấy, điều kiện gia đình không tốt cũng đâu chỉ có mình cậu ta, không phải là học giỏi hơn người khác chút thôi sao, khi nào cũng ra vẻ đáng thương, giả heo ăn thịt hổ."

Tôi nghĩ thiện cảm của Trì Dã tất nhiên cũng được xây dựng trên mấy phần thương hại.

Nếu không anh sẽ không trăm phương ngàn kế đối xử tốt với tôi như thế.

Lén lút nạp tiền vào thẻ cơm của tôi, nhét chocolate trong ngăn bàn, anh còn lật xem tư liệu của tôi, vào đúng ngày sinh nhật tôi anh mua một đôi giày hàng hiệu làm quà.

Tôi vô cùng xấu hổ, là kiểu xấu hổ mà ăn sâu vào cả lòng người. Bởi vì tôi biết rõ, đôi giày vải bạt dưới chân tôi đã bung keo.

Đôi giày này là do anh lén đặt vào rổ xe của tôi lúc tan học. Khi tôi cầm nó trả lại cho anh, vành mắt đã đỏ bừng.

Thật không thể chịu nổi.

Ngồi ở trong lớp, anh đi tới trước mặt tôi, nhỏ giọng hỏi---

"Hứa Đường, cậu cận thị bao nhiêu độ thế, cắt kính ở đâu vậy?"

"....Hỏi làm gì?"

"Mắt kính của cậu trông đẹp quá đi, để mình hỏi cửa hàng thử xem người không cận thị có thể đeo được không?"

"Không cận thị thì đeo làm gì?"

"Không làm gì, muốn xứng đôi với cậu chút thôi."

Trì Dã luôn như vậy, lộ liễu chẳng kiêng nể gì.

Tôi kinh hồn bạt vía, chỉ sợ bạn học ngồi trước ngồi sau nghe thấy chúng tôi nói chuyện, nghẹn đến nỗi mặt mũi đỏ bừng mà nhìn anh. Nhưng lại chỉ thấy ánh mắt thẳng thắn bằng phẳng của thiếu niên, mày rậm nhướng lên, nhếch miệng cười với tôi một tiếng.

Không thể nghi ngờ, rằng anh là ngọn lửa nồng nhiệt, là linh hồn vĩnh viễn không sợ hãi.

Nhưng tôi không chịu nổi phần nhiệt liệt này, tôi hỏi anh: "Cậu thực sự rất thích mình sao?"

Lúc hỏi chuyện, giọng nói của tôi rất nhẹ, trên mặt cũng nóng bừng.

Anh sửng sốt một lát, nhìn quanh bốn phía rồi dường như cũng có chút cảm giác có tật giật mình, ghé vào mặt bàn ngồi xích lại gần tôi, vành tai đỏ như máu: "Cậu đột nhiên trực tiếp như vậy, mình ngại á."

"Thật đấy Hứa Đường, mình thật sự thích cậu, mình thề luôn."

Trong tiết tự học ấy, đôi mắt anh nhìn về phía tôi đen nhánh lại sáng ngời, hình như đáy mắt có ánh sao lấp lánh.

Hứa Đường mười tám tuổi dùng hai tay cố hết sức bấu chặt vào bàn học, đột nhiên không dám nhìn anh, cuối cùng cố nén hoảng hốt đổ mặt nói một câu: "Vậy cậu thi cùng trường đại học với mình đi, nếu cậu thi đậu thì mình hẹn hò với cậu."

Giọng nói nhỏ như muỗi kêu.

Nhưng anh ngồi gần sát, nghe rõ ràng rành mạch, im lặng mất mấy giây mới chợt nổ tung lên: "Vãi ạ, sao cậu không nói sớm! Còn không tới một năm chứ mấy, cậu coi mình là thần tiên à? Đưa sách đây cho mình!"

Trong nhận thức của tôi, thành tích học tập của Trì Dã không tốt, sẽ không hề có cơ hội thì đậu cùng một trường đại học với tôi.

Đây chẳng qua là lý do để tôi từ chối anh mà thôi.

Nhưng tôi không ngờ rằng tên côn đồ Trì Dã, dường như đã thay đổi thành một người hoàn toàn khác vào năm lớp mười hai.

Anh bắt đầu điên cuồng học bù.

Sau này tôi mới biết được anh cũng không phải là học dốt, mà chỉ là lười học thôi.

Nhà anh giàu có hơn so với tưởng tượng của tôi rất nhiều, ba mẹ anh đã sắp xếp xong xuôi từng con đường hoạn lộ thênh thang cho anh từ lâu. Anh vô cùng thông minh, là kiểu đầu óc mà suy một ra ba, một chút liền hiểu.

Nhà anh lại có tiền, báo danh vào lớp phụ đạo đắt nhất, sau đó cứ như bị trúng tà, vùi đầu khắc khổ học tập.

Kết quả chính là một năm sau anh thật sự đã thi đậu.

Nghỉ hè năm đó Trì Dã không xuất hiện trước mặt tôi, nghe nói là vì thi tốt quá nên bị ba mẹ anh cưỡng ép lôi ra nước ngoài thăm người thân.

Tôi cũng không có nhàn rỗi, vẫn tiếp tục làm thêm kiếm tiền.

Trong lúc này đã xảy ra một chuyện lớn, Trần Mậu Quyên mắng chửi vợ của Hoàng Hồng Bân. Sau đó vợ của ông ta kéo theo một đám người nhà ngoại tới lôi Trần Mậu Quyên ra giữa đường rồi lột s@ch quần áo bà ta ra.

Bọn họ vừa lột vừa mắng: "Không phải mày muốn cởi sao, cởi cho sạch sẽ! Hôm nay nếu con gái mày ở đây là tao cũng lôi nó ra lột cho bằng sạch!"

Vì câu nói kia mà tôi run rẩy cả người, đi tới nhà cô ở mấy ngày.

Thế mà sau khi về nhà tôi mới biết, mặc dù Trần Mậu Quyên đã không ra ngoài vài ngày nhưng cũng chẳng hề rảnh rỗi là bao, bà ta cứ ngồi bên cửa sổ rồi mắng chửi cả ngày như người điên.

Những câu từ khó nghe kia, tất cả đều dành cho Hoàng Hồng Bân và vợ của ông ta.

Sau khi việc đó xảy ra thì Hoàng Hồng Bân biến mất như chưa từng xuất hiện.

Mà ba tôi, bởi đã quá lâu không trở mình nên trên người bị lở loét vì bị tỳ đè trong thời gian dài, tỏa ra một mùi hôi thối.

Trong những cơn chửi rủa không dứt bên tai ấy, có rất nhiều lần tôi đã không thể chịu đựng mà tan vỡ.

Tôi một bên vừa khóc vừa lau chùi cơ thể đã héo rút của ba, một bên lại suy nghĩ trong lòng rằng, ba ơi, tại sao ba lại còn sống, ba giải thoát sớm một chút được không....

Cô bảo tôi cứ yên tâm học đại học, mỗi ngày cô đều sẽ qua đây thăm ba.

Rõ ràng mọi thứ đều đã dàn xếp ổn thỏa, nhưng tại sao tôi lại vẫn ác độc như thế?

Hứa Đường mười tám tuổi, lại đang mong chờ ba mình, nhanh nhanh c.hết đi.

Tôi bắt đầu chăm sóc ông ấy từ năm mười sáu tuổi, lau chùi toàn bộ cơ thể của một người đàn ông tê liệt, dọn dẹp đại tiện tiểu tiện, từ sợ hãi hoảng hốt đến quen việc dễ làm.

Rồi từ quen việc dễ làm đến khi nội tâm đã hoang vu và tuyệt vọng...

Tôi ngóng trông ông ấy còn sống, trông mong có một ngày tôi có thể đẩy người ba đã tỉnh táo của tôi đi ăn một tô mì nước nguyên vị.

Rồi cũng lại ngóng trông ông ấy mất đi, để ông ấy có thể giải thoát, cũng để tôi có thể giải thoát.

Mới chỉ có ba năm ngắn ngủi mà thôi, cho nên nhân tính rốt cuộc là thứ gì?

....

Sau khi nhập học tôi mới gặp lại Trì Dã.

Anh trực tiếp tới kí túc xá nữ tìm tôi. Vẫn hoàn toàn lộ liễu trắng trợn như mọi khi, cười rộ lên xán lạn rực rỡ.

Kỳ nghỉ hè dài dằng dặc trôi qua, anh rám đen hơn chút, nhưng vẫn là khuôn mặt mày kiếm mắt sáng như cũ.

Tôi từng đọc được trong sách, rằng tướng mạo kiểu này tục xưng ma thấy sợ.

Phong mục kiếm mi, là dáng vẻ của một vị tướng quân binh quyền vạn dặm.

Song mi thiên nồng, thẳng đứng giương lên, quang minh lỗi lạc, lại uy tín mười phần.

Người như thế sống dưới ánh sáng mặt trời, thiện ác tựa hồ đều chỉ trong một suy nghĩ.

Anh không thể nghi ngờ là vô cùng bắt mắt.

Trong những con mắt ngạc nhiên của bạn cùng phòng, tôi cúi đầu kéo anh ra ngoài.

Anh thuận thế nắm tay tôi.

Dưới tán cây ngô đồng trong trường học, tôi cố gắng tránh thoát khỏi tay anh.

Anh không chịu thả, cười đến vô cùng trương dương: "Hứa Đường, đừng nói với mình là cậu nói không giữ lời nhé?"

Tôi cúi đầu, im lặng không nói, đương nhiên chính là không giữ lời.

Anh hơi cong lưng xuống nhìn chằm chằm vào tôi, nụ cười nơi khóe miệng chậm rãi đọng lại, mặt mày lại lộ ra mấy phần nguy hiểm: "Mình theo đuổi cậu lâu như thế, cậu không đồng ý thì mình cũng không có gì để nói. Nhưng cậu đồng ý rồi lại đổi ý, thì chính là đang đùa mình, mình sẽ tức giận đấy."

Vẻ mặt tôi đột nhiên trắng bệch.

Trì Dã không phải là một người có tính tình dễ chịu, đương nhiên là tôi biết.

Anh đánh người vừa nhanh vừa ác, một cú đạp trong căn tin ở trường học ngày đó tôi vẫn còn nhớ rất rõ ràng.

Anh không sợ trời chẳng sợ đất, cũng chỉ có khoảng thời gian anh theo đuổi tôi, mỗi lần cười với tôi thì sự kiêu ngạo và sắc bén trên người anh mới lắng xuống.

Không biết anh có đánh con gái không nữa, nhưng tôi thật sự sợ, nghiêm túc nói với vẻ mặt trắng nhợt: "Không có đùa cậu, nhưng mình cảm thấy...."

Lời còn chưa dứt tôi đã kinh ngạc thốt lên một tiếng. Cái tên này trực tiếp xách tôi vào lòng, hai tay nâng mặt tôi lên nhìn thẳng vào anh.

Tôi sợ tới mức trừng to cả mắt: "Cậu, cậu làm gì đấy?"

Anh cười vô cùng xán lạn, cúi người nhẹ nhàng mổ một cái lên môi tôi.

Tôi ngơ ngác, trong đầu hoàn toàn trống rỗng.

Đôi người của anh sâu hun hút, đầu lưỡi đẩy quai hàm, chân thành nói với tôi: "Đóng dấu, sau này em là người của anh."

Cây ngô đồng trong trường, từng hàng từng dãy, xanh mướt như ngọc.

Cành lá rậm rạp che phủ cái nắng gay gắt như đổ lửa.

Nhưng mặt của tôi lại chợt bùng cháy lên, thiêu đốt tới đỏ bừng.

Chàng trai trông có vẻ chững chạc kia đang đứng ngược sáng, ánh nắng vừa hay chiếu vào đôi tai đã đỏ thấu của anh.

Ngoài cái này ra thì cũng coi như chững chạc đàng hoàng.

Lúc mới bắt đầu tôi không biết bản thân mình có thích anh hay không, nhưng sau này tôi đã khẳng định là có.

Không ai có thể cự tuyệt một tình yêu nhiệt liệt như thế.

Tôi đã ẩn nấp nơi bóng tối âm u quá lâu, anh giống như một chùm pháo hoa, tới gần tôi, thiêu đốt tôi.

Chí ít vào giờ phút này, cả người tôi đều đang sống.

Đã không còn bối rối về gia đình, đã không còn những cơn mắng chửi tục tĩu của Trần Mậu Quyên.

Thì ra, Hứa Đường cũng có thể đường đường chính chính mà sống như một con người.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.