Đường Xưa Mây Trắng

Chương 19: Trái Quýt Của Chánh Niệm





Trưa hôm ấy khi mang cơm vào rừng cho sa môn Siddhatta, Sujata thấy ông đang ngồi dưới gốc cây pippala, đẹp như một buổi sáng mai.

Nét mặt ông rạng rỡ, toàn thân ông tỏa chiếu sự an lạc và thanh tịnh.

Đã hàng trăm lần Sujata trông thấy cảnh tượng vị sa môn ngồi tĩnh tọa trang nghiêm hùng tráng và đẹp đẽ dưới gốc cây pippala, nhưng hôm nay cô bé cảm thấy một điều gì rất khác lạ.Nhìn Siddhatta, Sujata tự nhiên cảm thấy tất cả những buồnlo của mình tan biến và niềm vui phát hiện trong lòng cô như một ngọn gió mùa Xuân.

Cô có cảm tưởng rằng cô không còn ham muốn hay mơ ước một cái gì trên cuộc đời này nữa cả.

Tất cả vũ trụ như đã trở nên hoàn toàn tốt lành, hoàn toàn đẹp đẽ và trong nhân gian không cần phải nhọc nhằn lo lắng nữa.

Sujata tiến tới mấy bước.

Cô bé cảm thấy rất an ổn và nhận ra rằng niềm an lạc và thanh tịnh của thầy đã tỏa chiếu và đi vào trong con người của cô.

Siddhatta mỉm cười nhìn Sujata.

Ông nói:– Con ngồi xuống đây.

Thầy cám ơn con đã cúng dường cơm nước cho thầy trong suốt sáu tháng qua.

Hôm nay là ngày vui nhất của thầy, bởi vì đêm qua thầy vừa tìm ra đạo lớn.

Con hãy vui mừng đi.

Mai mốt thầy sẽ ra đi để chỉ bày cho mọi người con đường thầy mới tìm ra được.Sujata nhìn lên, ngạc nhiên:– Mai mốt thầy sẽ ra đi? Thầy bỏ chúng con sao?– Mai mốt thầy sẽ ra đi, nhưng thầy sẽ không bỏ các con.

Trước khi từ giã các con, thầy cũng sẽ dạy cho các con con đường thầy mới khám phá.Sujata chưa được yên tâm.

Cô bé định hỏi thêm, thì Siddhatta đã nói tiếp:– Thầy sẽ ở lại đây với các con ít ra cũng là một tuần trăng nữa.

Thầy sẽ dạy đạo cho các con.

Sau đó thầy mới lên đường, nhưng như vậy không có nghĩa là thầy sẽ xa các con mãi mãi.

Thỉnh thoảng trên đường hành đạo, thầy sẽ ghé thăm và chơi với các con.Nghe nói sa môn sẽ ở lại một tuần trăng trước khi lên đường, Sujata mới tạm yên dạ.

Cô bé quỳ xuống, mở gói lá chuối và dâng cơm lên.Siddhatta thọ trai, trong khi Sujata ngồi một bên, nhìn vị sa môn đang thong thả bẻ từng miếng cơm nhỏ chấm vào muối mè để ăn.


Cô thấy lòng hân hoan không biết chừng nào mà kể.Thọ trai xong, Siddhatta bảo Sujata đi về, và hẹn xế chiều sẽ gặp lại cùng với bọn trẻ trong xóm.Chiều hôm ấy, bọn trẻ đến rất đông.

Ba đứa em của Svastika cũng đều có mặt.

Các cậu con trai đều đã tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc tươm tất.

Các cô bé đều choàng sari màu, Sujata mặc sari lụa màu ngà, Nandabala màu đọt chuối, Bhima màu hồng.

Bọn trẻ ngồi quanh Siddhatta dưới gốc cây pippala, rực rỡ như những bông hoa.Sujata đã đem đến rất nhiều trái dừa và những thẻ đường thốt nốt để thết đãi thầy Siddhatta và cả bọn.

Chúng cạy dừa và bẻ ra từng miếng để ăn với nhau rất là vui vẻ.

Đường thốt nốt càng làm cho dừa ngon thêm.

Nandabala và Subash cũng đem theo mấy mươi trái quít.

Chúng chia nhau bóc quít ăn.

Sa môn Siddhatta ngồi giữa bọn trẻ, rất vui.

Bé Rupak mời ông một miếng dừa và một miếng đường thốt nốt, đặt trên một cái lá pippala.

Nandabala dâng ông một trái quít.

Ông tiếp nhận mọi thứ và cùng ăn chung với bọn trẻ.Bữa tiệc ngắn chưa chấm dứt, Sujata đã lên tiếng:– Thưa các anh chị, các bạn và các em.

Thầy nói hôm nay là ngày vui của thầy vì Đạo Lớn đã được tìm ra.

Sujata cũng cảm thấy hôm nay là một ngày vui rất lớn của Sujata.

Vậy thưa các anh chị, các bạn và các em, tất cả chúng ta hãy xem ngày hôm nay là một ngày vui lớn.

Chúng ta họp lại hôm nay để mừng ngày thành đạo của thầy.

Bạch thầy, Đạo Lớn đã thành, chắc thầy không ở lại với chúng con được lâu.

Chúng con xin thầy dạy cho chúng con những điều mà chúng con có thể hiểu được, để chúng con được thấm nhuần ơn đức của thầy.Nói xong, Sujata chắp hai tay lại hướng về sa môn Gotama, dáng điệu kính cẩn và tha thiết.


Nandabala và bọn trẻ cũng đều chắp tay hướng về Siddhatta với vẻ chí thành.Siddhatta im lặng.

Một lát sau ông ra hiệu cho bọn trẻ bỏ tay xuống, và nói:– Các con là những đứa trẻ thông minh, thế nào các con cũng hiểu và làm theo được những lời ta dạy.

Đạo Lớn mà ta tìm ra rất sâu kín và nhiệm mầu, nhưng nếu người nào chịu học hỏi hết lòng cũng có thể thấy và hành theo được.

Con đường ta tìm ra được gọi là con đường tỉnh thức.

Khi các con bóc một trái quít ra ăn, các con có thể ăn quít một cách tỉnh thức hay không tỉnh thức.

Thế nào gọi là ăn quít một cách tỉnh thức? Đó là trong khi ăn quít, mình biết là mình đang ăn quít, mình cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít.

Khi bóc quít mình biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ vào miệng, mình biết là mình đang gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình biết là mình đang tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít.

Trái quít mà chị Nandabala vừa tặng thầy hồi nãy có tất cả là chín múi.

Thầy đã ăn từng múi trong sự tỉnh thức như thế và thầy thấy được rằng trái quít là rất quý giá, rất mầu nhiệm.

Trong suốt thời gian ăn trái quít thầy không quên trái quít, vì vậy trái quít có thật đối với thầy trong thời gian đó.

Trái quít có thật thì người ăn quít cũng có thật và như vậy tức là ăn quít trong sự tỉnh thức.Này các con, còn thế nào gọi là ăn quít một cách không tỉnh thức? Đó là trong khi ăn quít, mình không biết là mình đang ăn quít, mình không cảm nhận được hương thơm và vị ngọt của trái quít.

Khi bóc quít, mình không biết là mình đang bóc quít, khi gỡ một múi quít bỏ vào miệng, mình không biết là mình gỡ một múi quít bỏ vào miệng, khi tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít, mình không biết là mình đang tiếp xúc với hương thơm và vị ngọt của múi quít.

Ăn quít như thế thì không thấy được sự quý giá và mầu nhiệm của trái quít.

Ăn quít mà không biết là mình ăn quít, thì trái quít không thật sự có mặt.

Trái quít không thật sự có mặt thì người ăn quít cũng không thật sự có mặt.

Các con, đó là ăn quít mà không có sự tỉnh thức.Này các con, ăn quít trong tỉnh thức có nghĩa là trong khi ăn quít ta xúc tiếp thật sự với trái quít, óc ta không suy nghĩ vẩn vơ đến những chuyện khác, chuyện của ngày hôm qua, chuyện của ngày mai, vì tâm ta an trú trong giờ phút hiện tại cho nên trái quít mới thật sự có mặt.

Như vậy, sống tỉnh thức là sống trong giây phút hiện tại, thân và tâm an trú trong giây phút hiện tại.Người tu tập phép tỉnh thức khi cầm trái quít trong tay và nhìn vào trái quít có thể thấy được những điều mà người khác không thấy.

Nhìn trái quít trong tỉnh thức, các con có thể thấy được cây quít, các con có thể thấy được cây quít nở hoa trong mùa Xuân, các con có thể thấy được ánh nắng và giọt mưa đang nuôi lớn trái quít.


Nhìn sâu hơn nữa các con có thể thấy được muôn vật trong vũ trụ đang tiếp tay nhau để làm cho trái quít có mặt.

Nhìn một trái quít như thế người tu tập phép tỉnh thức có thể thấy được những sự mầu nhiệm của vũ trụ và đồng thời cũng thấy được sự giao tiếp trùng trùng của mọi vật trong vũ trụ đối với nhau.Này các con, đời sống hàng ngày của chúng ta cũng giống như một trái quít.

Nếu trái quít có thể có chín múi hoặc mười múi hay mười hai múi, thì mỗi ngày cũng có hai mươi bốn giờ.

Mỗi giờ là một múi quít.

Sống một ngày hai mươi bốn giờ cũng như ăn cả một trái quít: con đường mà ta tìm ra là con đường sống tỉnh thức suốt hai mươi bốn giờ một ngày, thân và tâm luôn luôn an trú trong hiện tại.

Ngược lại tức là sống trong quên lãng.

Sống trong quên lãng tức là sống mà không biết mình sống, sống mà không thật sự tiếp xúc với sự sống, bởi vì thân tâm mình không an trú trong hiện tại.Nói tới đây, sa môn Gotama gọi:– Này Sujata.– Dạ, Sujata chắp tay nhìn lên chờ đợi.– Con nghĩ sao, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy làm nhiều lầm lỗi hay ít lầm lỗi?– Bạch thầy, khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy ít phạm vào lầm lỗi.

Mẹ con thường dạy: làm con gái con phải có ý tứ khi đi, khi đứng, khi nói, khi cười và khi làm việc.

Con thấy rằng sống có ý tứ cũng như sống tỉnh thức.

Nếu con để tâm vào công việc, nếu con có ý tứ trong khi đi, đứng, nói, cười thì trong đời sống hàng ngày con tránh được những ý nghĩ, những lời nói và những động tác có thể gây nên sự đổ vỡ và làm kẻ khác phiền lòng.– Đúng như vậy, Sujata.

Khi một người biết sống tỉnh thức, người ấy biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì và vì vậy người ấy có thể tránh được những ý nghĩ, lời nói và động tác có thể gây nên khổ đau cho mình và cho kẻ khác.Này các con, sống tỉnh thức tức là sống trong giờ phút hiện tại, và biết được những gì đang xảy ra trong bản thân mình và hoàn cảnh mình.

Sống như thế ta tiếp xúc được với sự sống, và nếu tiếp tục sống tinh cần như thế ta có thể hiểu biết được bản thân ta và hoàn cảnh ta một cách sâu sắc, và sự hiểu biết đưa tới sự chấp nhận và sự thương yêu.

Khi mọi loài hiểu biết nhau, không còn nhiều khổ đau.

Này Svastika, con nghĩ sao? Người ta có thể thương được không, nếu người ta không hiểu?– Bạch thầy, không hiểu thì khó có thể thương.

Xin thầy nhìn em Bhima của con.

Có một hôm bé Bhima khóc hoài, khóc cả đêm, làm cho chị nó là bé Bala nổi cáu lên, phát cho nó một cái thật mạnh vào mông.

Bhima bị chị đánh lại khóc to hơn.

Con đến ẵm Bhima và con biết rằng Bhima đang sốt.

Có thể nó khóc vì đang bị nhức đầu.

Con gọi Bala mà nói: “Này Bala, hãy tới sờ đầu em mà xem”.

Bala tới sờ đầu em, hiểu ngay.

Mặt nó dịu lại.


Nó ôm em vào lòng, rồi ru em với tất cả sự thương yêu.

Em Bhima nín khóc, dù nó vẫn còn sốt.

Bạch thầy, đó là nhờ Bala đã hiểu, cho nên con nghĩ rằng nếu không hiểu thì không thể thương.– Con nói đúng lắm, Svastika.

Có hiểu mới thương, và có thương mới biết chấp nhận.

Này các con, tập sống cho tỉnh thức các con sẽ từ từ hiểu: hiểu mình, hiểu người, hiểu vạn vật và các con sẽ có lòng thương.

Đó là những điều sơ lược về con đường mầu nhiệm mà ta đã tìm ra.Svastika chắp tay:– Bạch thầy, chúng con có thể gọi con đường ấy là con đường tỉnh thức được không?Siddhatta cười:– Được chứ, các con có thể gọi đạo của ta là đạo tỉnh thức.

Ta cũng ưa cách gọi ấy của các con lắm.Sujata chắp tay xin phép nói:– Còn thầy là người đã tỉnh thức, đã biết sống tỉnh thức và sẽ đi dạy đạo tỉnh thức cho mọi người.

Vậy chúng con có thể gọi thầy là người tỉnh thức được không?Siddhatta gật đầu:– Các con đặt tên cho ta như vậy, ta bằng lòng lắm.

Cứ gọi ta là Người Tỉnh Thức.

Cách gọi ấy ta thấy đơn sơ mà thân mật.Mắt của Sujata sáng lên.

Cô bé nói:– Tỉnh thức nói theo tiếng Magadhi là budh.

Người Tỉnh Thức nói theo tiếng Magadhi là Buddha.

Vậy từ nay chúng con gọi thầy là Bụt.Siddhatta gật đầu.

Tất cả bọn trẻ đều hoan hỷ.Nalaka, mười bốn tuổi, là người con trai lớn tuổi nhất trong bọn.

Cậu lên tiếng:– Lạy Bụt, chúng con rất sung sướng được Bụt dạy cho chúng con về con đường tỉnh thức.

Con nghe em Sujata nói gần sáu tháng nay Bụt ngồi tu dưới gốc của cây pippala này, và chính đêm qua Bụt đã thành đạo dưới gốc cây pippala này.

Thưa Bụt, cây pippala này đẹp nhất trong rừng.

Chúng con muốn đặt tên cây này là cây Tỉnh Thức, có được hay không? Cây Tỉnh Thức tức là cây Bồ Đề, bởi vì chữ bồ đề (bodhi) cũng cùng một họ với chữ bụt, cũng có nghĩa là sự tỉnh thức.Sa môn Siddhatta Gotama gật đầu.

Ông rất hoan hỷ.

Ông không ngờ trong một buổi nói chuyện ngắn ngủi với bọn trẻ nhỏ trong rừng mà ông đã có tên, đạo của ông mới tìm được đã có tên, và cây đại thọ nơi ông tìm ra đạo lớn cũng đã có tên.Nandabala chắp tay:– Chúng con xin bái biệt Bụt hôm nay.

Trời đã gần tối, ít hôm nữa chúng con sẽ xin trở lại để được Bụt dạy dỗ.Bọn trẻ nhất loạt đứng dậy chắp tay búp sen để cám ơn và từ giã Bụt.Chúng ríu rít vui mừng như một đàn chim.Bụt cũng vui, Bụt đã quyết định ở lại rừng này trong một thời gian để chiêm nghiệm về cách đem gieo rắc những hạt giống của đạo tỉnh thức trong cuộc đời, đồng thời cũng để có thời gian thể nghiệm đầy đủ niềm an lạc lớn lao do sự chứng đạo đem tới..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.