Đường Xưa Mây Trắng

Chương 21: Hồ Sen





Bọn trẻ đi rồi, Bụt đứng dậy đi thiền hành.

Người đi ra phía bờ sông.

Người vén cao chéo áo, lội qua sông.Qua sông, Bụt theo con đường giữa hai ruộng lúa đi tới cái hồ sen quen thuộc.

Người dừng lại bên hồ.Ngắm những ngó sen, lá sen và hoa sen trong hồ, Bụt thấy vị trí và hình dáng khác nhau của mỗi thứ.Bụt biết những củ sen không bao giờ vượt ra khỏi bùn, Bụt biết có những cọng sen còn đang nằm dưới mặt nước, có những lá sen còn cuốn lại, một nửa ở dưới nước, một nửa ở trên không.

Có những bông sen đã trồi lên khỏi mặt nước nhưng búp còn ngậm.

Có những bông sen đang hé nở.

Có những bông sen đã nở lớn.

Lại có những cái gương sen không còn mang theo cánh sen nào.

Có những bông sen màu trắng, có những bông sen màu xanh, có những bông sen màu hồng.Quán sát hồ sen, Bụt thấy con người cũng vậy.

Mỗi người có một căn tính khác nhau.

Devadatta không giống Ananda, Yasodhara không giống phu nhân Pamita mẹ nàng, Sujata không giống Bala.

Tính tình, đức độ, sự thông minh và tài trí mỗi người một khác.

Con đường giải thoát mà Bụt đã tìm ra cần được diễn bày nhiều cách để có thể thích ứng với mọi lớp người.

Khi Bụt dạy dỗ bọn trẻ con trong xóm, người đã tự nhiên tìm được những phương tiện để diễn giải đạo lý cho chúng hiểu.

Những phương tiện này có thể được gọi là những cánh cửa mở ra để con người đi vào và hiểu được giáo pháp: có thể gọi đó là những pháp môn.


Vậy pháp môn là kết quả tự nhiên giữa sự tiếp xúc giữa Bụt và quần chúng, chứ không phải là do sự sắp đặt đơn phương của Bụt khi ngồi dưới cội bồ đề.

Nghĩ như vậy, Bụt thấy rằng đã đến lúc người cần trở lại với xã hội con người.

Trở lại để cho vành xe chánh pháp bắt đầu chuyển động trên con đường gieo rắc những hạt giống của đạo giải thoát.

Bốn mươi chín ngày đã đi qua từ khi đạo tỉnh thức đã được chứng đạt.

Bụt quyết định trưa mai sẽ rời tụ lạc Uruvela, tạm biệt khu rừng êm mát bên sông Neranjara, tạm biệt cây Bồ Đề và bọn trẻ.

Bụt định đi tìm hai vị đạo sư của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta.

Bụt tin rằng hai vị này nếu được Bụt chỉ bày sẽ có thể đạt tới quả vị giác ngộ rất mau chóng.

Bụt dự tính sau khi giúp hai người này, Bụt sẽ đi tìm năm người bạn đồng tu khổ hạnh để giúp họ, và sau đó người mới trở về Vương Xá gặp quốc vương xứ Magadha.Sáng hôm sau, Bụt mặc áo cà sa mới, ôm bát và đi vào thôn Uruvela khi trời còn mờ sương.

Người tìm tới nhà Svastika.

Bụt báo tin cho chú bé biết là người sẽ rời khỏi Uruvela sáng nay.

Svastika thức các em dậy.

Tất cả đều buồn rầu khi nghe tin Bụt sắp đi.

Bụt xoa đầu từng đứa để từ giã.

Svastika và mấy đứa em muốn đưa tiễn Bụt ra khỏi làng, nhưng Bụt còn muốn từ giã Sujata, cùng với bọn trẻ, người đi vào xóm.

Khi Bụt đến nhà Sujata thì cô bé đã dậy.

Nghe tin Bụt sắp đi, Sujata khóc.


Bụt nói:– Ta phải tạm xa các con để đi lo cho tròn trách vụ, nhưng ta hứa là sẽ trở lại đây thăm các con mỗi khi có dịp thuận lợi.

Ta cám ơn các con.

Các con nhớ sống và làm theo những lời ta dặn, như thế là các con sẽ không bao giờ xa cách ta.

Sujata, con hãy lau nước mắt và cười lên đi.Sujata lấy chéo áo sari lau nước mắt và gượng cười đểBụt vui lòng.

Bọn trẻ đưa Bụt ra cổng làng.Tới bờ sông, vừa định chia tay với bọn trẻ thì Bụt trông thấy một sa môn trẻ từ phía ruộng đi lên.

Thấy Bụt, vị sa môn này chắp tay chào rồi nhìn sững Bụt.

Một lúc sau, ông ta mới nói:– Sa môn, dáng điệu ngài trầm tĩnh lắm.

Thần sắc ngài rạng rỡ.

Ngài tên là gì, và ai là vị đạo sư của ngài?Bụt trả lời:– Tôi tên là Siddhatta Gotama.

Tôi đã học với nhiều thầy, nhưng hiện tại thì không ai làm thầy của tôi cả, còn thầy, thầy tên gìvà đang đi đâu?Vị sa môn đáp:– Tôi là sa môn Upaka.

Tôi mới từ đạo tràng của đạo sư Uddaka Ramaputta tới.– Đạo sư Uddaka có mạnh giỏi không, thầy?– Đạo sư Uddaka mới tịch cách đây mấy hôm.Nghe nói đạo sư Uddaka đã tịch, Bụt thở dài.

Như vậy là Bụt không có dịp để giúp ông ta.

Bụt hỏi thêm:– Vậy thì thầy đã có dịp thọ giáo với đạo sư Alara Kalama chưa?Sa môn Upaka nói:– Tôi cũng đã từng được học với đạo sư Alara Kalama.

Đạo sư cũng đã tịch rồi.Như vậy là hai vị thầy đầu mà Bụt từng theo học đã theo nhau tịch.


Bụt hỏi thêm:– Vậy thầy có biết sa môn Kondanna không?Upaka đáp ngay:– Có, tại đạo tràng cũ của đạo sư Uddaka, tôi có nghe nói rằng sa môn Kondanna, cùng với bốn vị sa môn bạn hữu hiện đang tu ở Isipatana, trong Vườn Nai, gần thành Baranasi.

Sa môn Gotama, xin ngài cho phép tôi từ biệt.

Tôi còn phải đi trọn ngày hôm nay mới tới được nơi tôi muốn tới.Bụt chắp tay từ giã sa môn Upaka, rồi quay lại bọn trẻ, người nói:– Các con, bây giờ ta sẽ lên đường đi Baranasi.

Ta sẽ đi tìm gặp năm người bạn tu khổ hạnh của ta.

Thôi nắng đã lên rồi, các con về đi.Nói xong, Bụt chắp tay từ giã.

Người đi dọc theo bờ sông đi về hướng Bắc.

Người biết rằng con đường này tuy dài hơn, nhưng dễ đi hơn.

Sông Neranjara đi lên hướng Bắc và sẽ đổ vào sông Hằng.

Gặp sông Hằng, người sẽ theo bờ sông đi ngược về phương Tây.

Chừng sáu ngày đường Bụt sẽ tới làng Pataligrama.

Tại đây người sẽ vượt ngang sông Hằng.

Bên kia sông là kinh đô Baranasi của vương quốc Kasi.Bọn trẻ chắp tay đứng nhìn Bụt cho đến khi người đi khuất.

Đứa nào cũng buồn hiu.

Sujata lại khóc.

Svastika cũng muốn khóc, nhưng cậu bé cầm lại được.

Các em mình còn đứng đó, khóc sao cho tiện.

Cuối cùng Svastika nói:– Chị Sujata, em chào chị.

Em phải về đưa trâu đi ăn.


Các em, ta về nhà đi thôi.

Bala, hôm nay em phải tắm cho thằng Rupak.

Đưa Bhima đây anh ẵm cho.Trên con đường bờ sông, bọn trẻ âm thầm đi về xóm cũ.***Thầy Ananda là một vị sa môn tính tình nhu hòa rất dễ mến.

Người thầy rất đẹp.

Thầy có trí nhớ thật diệu kỳ, bất cứ Bụt dạy điều gì, thầy đều ghi nhớ không sót một mảy may.

Thầy đã nhắc lại mười một điều mà Bụt nói trong kinh Chăn Trâu, theo thứ tự trước sau.

Vị sa môn trẻ Svastika nghĩ rằng tất cả những gì mà chú vừa thuật cho thầy nghe, thầy đều đã ghi vào trong ký ức của thầy đầy đủ.Trong khi thuật lại giai đoạn Bụt còn ở trong rừng với bọn trẻ, Svastika thường thỉnh thoảng ngước mặt nhìn ni sư Gotami.

Chú thấy hai mắt bà lóng lánh.

Chú biết bà rất ưa được nghe những chuyện này chú đã cố gắng thuật lại với thật nhiều chi tiết.

Bà rất vui khi nghe chú kể tới những chuyện như chuyện bọn trẻ cũng ngồi im lặng ăn quít với Bụt ở trong rừng.Rahula nghe Svastika kể chuyện cũng rất lấy làm thích thú, còn thầy Assaji nữa.

Thầy là người nghe im lặng nhất từ cả ngày hôm qua cho đến ngày hôm nay.

Chú biết thầy là một trong năm vị sa môn từng tu khổ hạnh với Bụt tại Uruvela.

Chú rất muốn được thầy kể lại cuộc gặp gỡ giữa Bụt và năm thầy sau sáu tháng xa cách, nhưng chú chưa dám.Vừa lúc ấy thì ni trưởng Gotami lên tiếng:– Chú có muốn đại đức Assaji kể cho chú nghe về những gì đã xảy ra cho Bụt từ khi Bụt rời khỏi Uruvela không? Đại đức Assaji đã từng thân cận với Bụt trong suốt mười năm nay, chính ta cũng chưa được nghe ai kể hết về những gì đã xảy ra trong mười năm hành đạo của người.

Thưa sa môn Assaji, chúng tôi có thể thỉnh cầu đại đức kể lại cho chúng tôi nghe về quãng đời đó của Bụt được không?Thầy Assaji chắp tay đáp lễ:– Xin ni sư cứ gọi tôi bằng thầy, vừa đơn giản vừa thân mật.

Vâng hôm nay chúng ta nghe chú Svastika kể cũng đã nhiều rồi, và cũng lại gần đến giờ thiền tọa buổi tối.

Vậy chiều mai xin mời ni sư, đại đức Ananda và hai chú sang liêu xá tôi.

Nhớ gì, tôi sẽ xin tường thuật lại hết cho quý vị nghe..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.