Em Là Thư Tình Mà Thế Giới Viết Tặng Anh

Chương 6-2: Ông nội biến thành bức ảnh, tôi treo nội lên tường



(1)

Hồi học lớp 12, tôi viết một bài văn tựa đề là “Ông nội của tôi”.

Lúc thầy giáo Ngữ văn chấm bài, thầy vừa viết lời phê vừa nói: “Viết khá lắm, rảnh thì về thăm ông, ông lớn tuổi rồi, dễ đi bất chợt lắm.”

Khi ấy tôi rất tức giận, cái gì gọi là “đi bất chợt” chứ?

Một năm sau đó, lúc tôi học đại học năm nhất, ông nội bị phát hiện mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, không lâu sau thì qua đời.

(2)

Ông nội thấy tức ngực, đi bệnh viện khám. Sau khi có kết quả, ông nội hỏi bà nội: “Tui bị gì?”

Bà nội nói: “Viêm phổi.” Nói xong, nước mắt lập tức tuôn rơi.

Ông nội hỏi nhỏ: “Ung thư phổi à?”

Bà nội thấy không giấu được, bèn gật đầu nói: “Giai đoạn đầu, có thể chữa trị.”

Ông nội chầm chậm gật đầu, sau đó ngồi một mình ở ngoài sân suốt buổi chiều.

Một hôm nọ, ông nội tìm thấy sổ khám bệnh của mình, vô cùng vui vẻ nói với bà nội: “Sao bà gạt tui? Ung thư giai đoạn cuối mà lại nói giai đoạn đầu là sao?”

Bà nội hơi khựng lại, nói: “Giai đoạn cuối vui lắm hả? Ông làm gì mà hào hứng vậy?”

Ông nội vui vẻ nói: “Giai đoạn đầu thì phải chữa trị, tui già rồi, tốn kém nhiều uổng lắm. Giai đoạn cuối thì không cần phải chữa, để tiền lại cho con cháu, tốt quá còn gì!”

Bà nội lau nước mắt: “Có ai ngốc như ông không cơ chứ.”

(3)

Tôi và ông nội tán gẫu về rất nhiều việc đã qua, có những chuyện mà tôi hầu như quên mất.

Hồi trẻ, ông nội là cán bộ huyện, vì vậy tôi thường xuyên bị vài người lớn nói là con ông cháu cha.

Vào một buổi chiều mùa đông nọ, ông nội buồn bã về nhà, nói: “Tui từ chức rồi.”

Theo lời ba tôi kể là “Để cho người khác làm.”

Trong nhà không có ai hiểu ông nội, bà nội cãi nhau với ông nội, đập rất nhiều đồ đạc, các cô van nài ông nội phục chức.

Chiều hôm đó rất lạnh, tôi bám theo ba rang đậu phộng ở gian nhà chính, ba tôi vừa bóc đậu phộng vừa bỏ vào miệng, nói: “Ông nội con dở quá, đầu óc không thông được mà, người ta ai cũng tham có mỗi mình ông con là không tham, làm cái chức đó mà gia đình chẳng được lợi lộc gì, cái nhà này nghèo mạc kiếp.”

“Thiên Bảo.”

Tôi ngoảnh đầu lại, ông nội đứng đằng sau ba con tôi.

“Ông nội dẫn con đi chơi.” Ông nội nói.

Dưới ánh chiều tà, bóng của hai ông cháu trải dài trên con đường nhỏ ở ngoài ruộng.

Ông nội chắp tay sau lưng, lặng thinh bước đi.

Tôi hỏi: “Ông nội ơi, sao ông nội khóc vậy?”

Ông nội dụi mắt, chớp mắt mấy cái, không nói gì.

Một lát sau, ông nội hỏi tôi: “Con thấy ông nội dở không?”

Tôi lắc đầu.

Ông nội nói: “Ông nội nhận một bao thuốc lá của người ta thôi mà buổi tối không ngủ được, cứ bứt rứt không yên, sau đó ông nội không nhận đồ của ai nữa.”

Tôi nhìn ông nội khóc, không biết làm gì ngoài gật đầu.

“Ông nội chỉ muốn làm quan tốt thôi.”

Tôi tiếp tục gật đầu.

“Không phải họ bỏ ông nội, là ông nội không chịu nổi họ, ông nội không thể theo họ để làm những việc đó.”

Ông nội chắp tay sau lưng đi đằng trước, tôi lẽo đẽo theo sau, từ mảnh ruộng này tới mảnh ruộng khác, mãi đến khi mặt trời sắp xuống núi.

Lúc về, ông nội nói với tôi: “Con lớn lên phải trở thành người cao thượng, trong sạch, có tài có đức, không được chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mà cần phải nghĩ cho nhân dân.”

Tôi gật đầu, nhưng hoàn toàn không hiểu ông nội nói gì.

Về đến nhà, ông nội đi chậm lại, nghĩ ngợi một chút rồi nói: “Con vào đi, ông nội đi dạo thêm mấy vòng nữa.”

Ông nội xoay người đi về hướng cũ, ánh chiều tà tà, ông nội đi thật chậm, cái bóng của ông đổ xuống đất rất dài, rất dài.

Tôi muốn đi cùng ông nội nhưng không dám, sợ ông nội vừa khóc vừa nói với tôi những lời mà tôi không hiểu.

Bây giờ ngẫm lại, đó là lúc ông nội cần người bầu bạn nhất, mà tôi lại không ở bên ông.

(4)

Những khi rảnh rỗi, ông nội thích ngồi ngoài sân phơi nắng, bà nội sợ ông nội ngồi lâu sẽ mệt nên chỉ sau một lát là ra dìu ông nội vào.

Tôi nhìn hai bóng dáng già lọm khọm ấy từ đằng sau, cười nói: “Tình cảm quá đi…”

Ông nội nghe thế, cười khà khà không ngừng, còn bà nội thì mắng: “Cả bó tuổi rồi, ở đó mà tình với chả cảm, bà nội thấy ông nội mày tội nghiệp quá thôi…”

Đó là lần đầu tiên tôi thấy bà cụ quanh năm ở thôn quê đỏ mặt.

Sau đó, bà nội không dìu nữa mà để tôi dìu ông nội đi dạo.

Trong lúc đi dạo, ông nội nói nhỏ với tôi: “Mày nói làm chi để bà nội mắc cỡ.”

Tôi cười.

Ông nội nghiêm mặt: “Mày cười cái gì, không chỉ bà nội mày đâu, ông nội không sống được bao lâu nữa, bà nội mày dìu ông nội thêm được mấy lần? Bây giờ mỗi lần được bà ấy dìu, ông nội quý lắm.”

(5)

Ông nội nói: “Hôm nay nắng đẹp quá.”

Tôi nói: “Trời ấm ạ.”

Ông nội nói: “Gió cũng dễ chịu, không to quá.”

Tôi nói: “Dạ, ăn no, thoải mái.”

Ông nội nói: “Ông nội sắp biến mất rồi.”

Tôi không đáp lại.

Một lát sau, tôi nói: “Ông nội mà biến mất, con sẽ không còn ông nội nữa.”

Ông nội nói: “Con chỉ không còn ông nội thôi, còn ông nội thì không còn gì nữa. Không còn cháu trai, không còn cháu gái, không còn con cái, không còn anh, không còn chị. Cũng không còn hàng xóm.”

Bà nội đi qua dọn dẹp, ông nội nhìn bà nội, nói: “Không còn cả vợ.”

Tôi cúi đầu, môi mím chặt, nghẹn ngào, thân thể hơi run, nước mắt rơi lã chã.

Một lát sau, tôi nói: “Ông nội ơi, con đọc thơ cho ông nội nghe nha.”

Ông nội nói: “Ông nội không hiểu thơ.”

Tôi nói: “Bài này ông nội sẽ hiểu, tên ‘Ông nội là cụ già’.”

Ông nội gật đầu.

Khi tôi hiểu chuyện, ông nội đã là cụ già

Ông cứ già thế, hệt như chưa từng trẻ

Nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ sẽ có một ngày ông không còn nữa

Tôi luôn cho rằng dẫu già thế nào, ông vẫn sống tới năm sau

Song có một ngày ông biến mất, tựa như bức tường dày

Gió mưa nhiều, ắt có ngày sụp đổ

Không còn nữa

Dừng lại rồi

Hồi ông còn sống, tôi biết rất ít về ông

Những lời ông nói, tôi không nhớ rõ

Chỉ rõ rằng ông thương tôi nhiều lắm

Ông là ông nội của tôi.

(6)

Có rất nhiều người đến viếng ông nội.

Vì là cháu nội đích tôn, tôi bận tiếp đãi khách khứa, bưng trà rót nước, chạy đông chạy tây.

Ngày hôm ấy có người khóc, có người cười, có người ồn ã.

Cuối cùng đêm cũng buông.

Bóng đêm rất tĩnh lặng, mọi người đã về hết, tôi và chú út túc trực bên linh cữu, ngồi ở ngoài sân chịu trách nhiệm trông chừng bếp lò.

Chúng tôi mặc áo khoác, ngồi vây quanh bếp lò để sưởi ấm.

Tôi đứng đậy đi tới trước linh đường, thẫn thờ.

Gió thổi tung hai dải dây trắng bên linh đường. Mũi tôi se lạnh, nước mũi cứ muốn tràn ra.

Không biết qua bao lâu, chú út đi tới vỗ vai tôi, nói: “Lần từ biệt này là cả đời, có đau lòng không?”

Nước mắt của tôi thoắt cái tràn bờ mi.

(7)

Sau khi ông nội qua đời, tôi thường về thăm bà nội.

Lúc ở một mình, bà nội thích thu xếp đồ đạc, tôi phát hiện bà nội giữ rất nhiều quần áo hồi bé của tôi, định để dành cho em trai tôi mặc, sau này má tôi sinh em gái, vậy là không mặc được, nhưng bà nội vẫn giữ lại.

Bà nội cho tôi xem mấy bộ quần áo nhỏ xíu đó, em gái tôi vui vẻ mặc vào, một lát sau, nó nói với tôi: “Anh hai, trong túi áo có giấy.”

Tôi lấy tờ giấy mở ra xem, là tờ giấy ông nội viết vì sợ tôi đi lạc. Trên tờ giấy viết tên ông nội, địa chỉ nhà nội, phía dưới còn có dòng chữ:

Nếu là bọn buôn người, cầu xin bán nó về nhà tui, nó là mạng sống của tui, muốn bao nhiêu tiền cũng được.

(8)

Bà nội sống cùng gia đình chú út.

Một hôm nọ, tôi gọi điện thoại cho chú út, chú út kể: “Có hai lần chú thấy bà nội con bưng chậu nước nóng dùng để rửa chân vào phòng, lúc tới cửa thì khựng lại, như nhớ ra gì đó rồi quay người bưng nước trở ra.”

Người già dễ suy nghĩ nhiều.

Chú út không cho ai nhắc tới ông nội trước mặt bà nội, nhưng đâu thể canh chừng bọn trẻ con mãi được.

Con trai chú út rất nghịch ngợm, càng cấm nó nói thì nó càng muốn nói. Nó bị chú út xách ra ngoài đánh, sau đó nó quay mặt vô nhà gào khóc.

Bà nội vội vàng đi ra hỏi chuyện gì, nó khóc to: “Ba không cho con nhắc tới ông nội, con vừa nhắc là ba liền đánh con.”

Bà nội mắng chú út: “Sao lại không cho nhắc?”

Chú út nói: “Sợ má nghe lại buồn.”

Bà nội nói: “Mày tưởng không nhắc là má không nhớ à? Ở đây mấy chục năm, cửa nhà là do ổng lắp, nhà xí là ổng xây, đèn đầu giường trong phòng ngủ là ổng bắt, bàn chải đánh răng và kem đánh răng là do ổng mua, bếp lò là do ổng làm, giếng cũng qua một tay ổng, chén bát là ổng sắm, ti vi là tự ổng chọn, quần áo của má cũng ổng mua hết, vết sẹo trên tay má là do ổng vô ý làm bỏng, cái cây ngoài sân cũng tay ổng trồng. Mày tưởng không nhắc là má không nhớ à?”

Tôi nói với chú út: “Cứ để bà nội đi chơi với bạn, đánh bài cũng được ạ.”

Chú út nói: “Một bà cụ ở nông thôn thì lấy đâu ra bạn.”

Tôi chợt nhớ ra bà nội không giống với những cụ bà ở thành phố Tô Châu, rảnh rỗi là sẽ đi ăn trái cây, đánh bài cùng bạn bè, bà nội tôi chỉ biết làm nông.

Bà nội không có bạn bè, bà nội chỉ có ông nội, nhưng ông nội mất rồi.

Bà nội chỉ còn lại một mình, cũng chỉ có thể chịu đựng một mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.