Anh chở tôi đến trước cổng công ty, mở cửa ghế sau, lấy ra một cây gậy đưa cho tôi. Tôi nhìn chàm chằm vào cây gậy, nhăn mặt lại thì thầm nói: “Không cần không được sao?”
Gió thổi qua làm tóc mai che khuất nét mặt anh, tôi không thể thấy được. Anh im lặng, kiên quyết cầm nó trong tay.
Thế nên chúng tôi đã chiến tranh lạnh mấy hôm nay.
Dạo này tôi phát bệnh viêm khớp càng ngày càng nặng, thường xuyên đau nhức đến nỗi đi lại không xong, nhiều đêm đau quá không chịu được, anh sẽ cầm một túi nước nóng làm ấm chân tôi, ôm chân tôi vào lòng ngực, thế nhưng tôi vẫn không ngủ được. Đầu gối có đôi lúc sẽ sưng phù lên, ngón chân tê dại, đông cứng lúc nào không biết. Tôi sợ rồi sẽ có một ngày chính mình không tự đứng được nữa. Càng sợ hãi, tôi càng không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác. Mấy hôm trước lúc tôi ngủ dậy xong bị ngã xuống giường, anh đưa cây gậy cho tôi, tôi liền phát hỏa với anh. Tôi không muốn nổi giận với anh làm gì, tôi cũng không muốn thừa nhận bản thân mình yếu đuối.
Tôi im lặng, anh cũng im lặng, chúng tôi không thèm nhìn mặt nhau.
Cuối cùng anh thở dài rồi nói: “Hôm nay anh đưa em lên.”
Tôi tránh tay anh đưa tới, khăng khăng: “Em không cần gậy.”
Tôi không phải người què, không phải người tàn tật, lại càng không phải ông cụ chân yếu đến nỗi không tự đi được. Tôi có thể đi, tôi không già đến nỗi như thế, tôi vẫn tự mình làm được. Niềm kiêu hãnh không cho phép tôi sống như một lão già sắp gần đất xa trời.
Anh nắm chặt tay tôi, vỗ vỗ vai tôi, nói: “Đi thôi.”
Lúc này vẫn còn sớm, chưa có nhiều người đến công ty. Anh đưa tôi đến văn phòng xong lại đi ngay. Một nhóm nhỏ nhìn thấy như vậy liền trợn mắt há mồm to nhỏ với nhau bị tôi nhìn thấy, hừ lạnh một tiếng, như chim sợ cành cong lập tức rã đám.
Trong công ty này không ít người biết về quan hệ của chúng tôi, nên tôi không thích đến công ty anh làm gì, gặp gỡ đồng nghiệp của anh cũng không nhiều. Đổng sự biết rõ quan hệ của chúng tôi, còn tự mình đưa tôi vào công ty. Tôi rất biết ơn ông ấy, nhất là khi ông ấy bình thản nói về anh.
Tôi mở máy tính lên, bắt đầu kiểm tra mail. Hơn hai mươi phút sau, tôi bỗng thấy một cô gái sợ hãi thập thò đứng bên cửa. Tôi gọi cô ấy vào, cô ấy lập tức đỏ mặt, nhìn tôi không biết phải làm sao. Tôi nhận ra cô gái này, năm ngoái cô ấy vừa mới chuyển đến công ty tôi, lần đó tôi có tham gia phỏng vấn, biểu hiện cũng không tồi.
Tôi vừa mới nhớ ra tên cô ấy, đã thấy cô ấy xoay người chạy trốn. Tôi bất đắc dĩ lắc đầu, tự hỏi xem có phải mình đã nặn ra được một hình tượng tổng giám đốc lạnh như băng rất thành công hay không.
Một ngày nọ tôi vô tình nghe mấy cô gái ngồi nói chuyện phiếm với nhau mới biết là thì ra hôm đó cô ấy đến coi xem đồng tính luyến ái là như thế nào, nhưng chưa gì đã đi rồi, còn thiếu chút nữa bị người ta đánh.
Đúng chín giờ, Tiểu Phương đến phòng tôi báo danh. Tiểu Phương chính là người mới đến mà đổng sự bảo tôi chiếu cố, bộ dạng mày rậm mắt to, nét mặt kiên định, dáng đứng thẳng tắp, làm gì cũng lưu loát chắc chắn như đinh đóng cột. Lật xem hồ sơ cậu ấy tôi mới biết, cậu ấy đã nhập ngũ, sau khi xuất ngũ mới học đại học. Quân nhân xuất ngũ ít ai theo kinh doanh, người như cậu ấy chẳng mấy ai được coi trọng. Tôi tin mắt nhìn người của đổng sự, ông ấy sẽ không vì Tiêu Phương là con cháu trong nhà mà ưu tiên cậu ấy, càng đọc sơ yếu lý lịch và bản ghi chép lúc phỏng vấn của cậu ấy tôi càng chắc chắn, thanh niên này là người có năng lực.
Cậu ấy chào hỏi tôi lễ phép, rồi lấy trong tập hồ sơ ra một dự án đặt ở trên bàn tôi.
Tôi bảo cậu ấy ngồi xuống sô-pha, đưa cho cậu ấy xem những bản hợp đồng đầu tư cũ vừa tìm lại tối qua, còn bản thân ngồi đọc kĩ dự án của cậu ấy.
Thấy cậu ấy có vẻ nôn nóng, tôi bảo thư ký pha cho cậu ấy ly cà phê, còn mình thì uống sữa nóng. Mặc dù ở nhà tôi và anh hay khắc khẩu, tôi ghét uống sữa này sữa nọ, nhưng khi ở công ty, tôi đã quen uống thứ này rồi. Cho dù hương vị không giống với hương vị ở nhà nhưng sự ấm áp này cũng đủ để an ủi tay chân cứng lạnh như đá.
Chúng tôi làm việc đến tận trưa. Có mấy lần cậu ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi muốn nói gì đó nhưng lại thôi.
Tôi lấy cớ bảo thư ký đi lấy cơm trưa, hỏi cậu ấy: “Cậu có việc gì thì hỏi đi. Đổng sự bảo tôi chiếu cố cậu, tôi nhất định sẽ làm hết sức mình.”
Cậu ấy là người Bắc Kinh, nói chuyện lúc nào cũng dùng những từ như “ngài” hay “xin”, mới đầu còn nghe không quen tai, nhưng sau hơn nửa tháng đã dần thân thuộc, lúc rảnh rỗi còn nói vài câu vui đùa, không hề câu nệ như vậy.
Tôi thấy cậu ấy khó xử, phất tay nói: “Được rồi, có gì cứ nói, đừng rề rà như vậy.”
Dường như cậu ấy đã hạ quyết tâm, ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào tôi, đôi mắt cậu ấy rất sáng, rất giống đôi mắt của cha nuôi anh, kiên định và sắc bén mà chỉ có quân nhân mới có.
“Lúc sáng tôi nghe nói có một tiên sinh đưa ngài đến.”
Sắc mặt tôi thay đổi. Tôi đã sớm biết cậu ấy muốn nói gì.
Quả nhiên.
“Họ nói đó là… người yêu của ngài.”
Hình như cậu ấy khó khăn lắm mới bật ra được hai chữ “người yêu” này. Tôi không hiểu vẻ mặt của cậu ấy, cái vẻ mặt mà trong hơn ba mươi năm tôi qua tôi đã thấy biết bao lần.
Khinh thường, ghê tởm, ngạc nhiên, khó chịu.
Nếu là ba mươi năm trước, tôi đã cho cậu ấy ngay một quyền ngã lăn xuống đất, đạp đầu cậu ấy nói rằng: “Ông đây là đồng tính luyến ái đấy, mày có ý kiến không?” Nhưng mà bây giờ, tôi chỉ im lặng nhìn cậu ấy, nói với cậu ấy bằng ngữ điệu như đang nói chuyện bình thường: “Phải, đó là người yêu tôi.”
Trong nháy mắt cậu ấy không biết phải làm sao, rồi sau đó rõ ràng là phản cảm. Cậu ấy đứng dậy, xoay người đi ra cửa, dường như quãng thời gian ngu ngốc với tôi vừa qua rất thống khổ. Thời điểm mở cửa, cậu ấy còn thấp giọng nói một câu: “Thật ghê tởm.”
Ha. Tôi cười nhạo, ngửa đầu tựa vào lưng ghế, thất thần nhìn lên trần nhà.
Anh là người yêu của tôi. Tôi yêu anh, tôi muốn được chung sống với anh, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau đau khổ cùng nhau hạnh phúc, chỉ đơn giản như vậy. Không biết từng nghe ai nói “tôi không phải đồng tính luyến ái, chỉ là tôi yêu người đó, có cùng giới tính mà thôi”. Xã hội này có thể cho phép cô gái hai mươi tuổi lấy ông lão tám mươi, cho phép phi công trẻ lái máy bay bà già, vì sao không cho chúng tôi một chút bao dung?
Tôi nhìn ly sữa đã uống hết một nửa trên bàn, cầm lên uống toàn bộ. Ấm áp trong dạ dày, nóng trong tim. Tôi thấy mình đã bình tĩnh được một chút, cầm bút lên, tiếp tục giúp Tiểu Phương sửa lại dự án kia.
Đến chiều, đổng sự gọi điện thoại bảo tôi lên gặp. Tôi đứng dậy, đoán chắc đổng sự gọi tôi vì chuyện của Tiểu Phương, liền tiện tay cầm lấy dự án đã sửa, dọn sẵn đường cho cậu ta.
Trong công ty có nhiều nhân tài, nhưng người có thể nuôi dưỡng nhân tài để trở thành tổng giám trong tương lai thì không nhiều, nói đúng hơn là chỉ có hai người. Hoặc là tôi, hoặc là đổng sự. Đổng sự thì bận rộn nhiều việc, cuối tuần còn phải bay đến Nghiễm Châu tham dự một triển lãm bán hàng nên ông ấy không có thời gian bồi dưỡng cậu ta. Thế là chỉ có tôi. Cũng chỉ một mình tôi. Vậy nên tôi không để ác cảm với cậu ta ở trong lòng, bởi vì tôi biết, bất luận là như thế nào, con đường thăng tiến của cậu ta cũng sẽ chấm dứt, sẽ phải cúi đầu trước tôi.
Lúc đi qua các phòng ban tôi nghe được tiếng nhiều người thì thầm, vừa nói họ vừa liếc trộm tôi. Xem ra sáng nay để anh đến công ty đúng thật là kích thích thần kinh của không ít người.
Tôi đi vào phòng đổng sự. Trong phòng chỉ có ông ấy và Tiểu Phương, ông ấy ngồi đằng sau bàn làm việc, Tiểu Phương đứng trước mặt ông ấy, cúi đầu như đang nghe giáo huấn.
Tôi gật đầu chào đổng sự, rồi hỏi: “Gọi tôi đến có chuyện gì?”
Đổng sự chỉ sang cái sô-pha bảo tôi ngồi xuống, liếc mắt nhìn qua Tiểu Phương một cái rồi nói với tôi: “Tôi nghe Tiểu Phương nói giữa hai người có chút mâu thuẫn.”
Tim tôi đập mạnh một cái. Đổng sự không phải là người thích vòng vèo, ông ấy nói ra câu nào cũng đều là mệnh lệnh, không giống như khi trao đổi với người bình thường.
Người quân nhân trẻ trung vừa mới xuất ngũ kia như vung gươm lên, không nhìn thẳng vào mặt tôi nhưng vẫn quật cường nói: “Không phải chỉ là chút mâu thuẫn. Tôi không muốn theo người như vậy học tập.”
Lông mày của đổng sự nhíu lại, quát lớn: “Cậu ngậm miệng lại cho tôi.”
Cậu ấy không nói nữa, lại im lặng.
Tôi nhìn Tiểu Phương, rồi lại nhìn đổng sự. Trên mặt đổng sự thể hiện rõ sự khó xử, mà thanh niên trẻ kia chỉ biết cúi đầu, lấy sự im lặng để biểu đạt bất mãn của mình.
Tôi hiểu rồi.
Tôi nói tôi để tập hồ sơ này trên bàn. Đổng sự nhìn tôi, trong mắt dường như có chút áy náy.
“Dự án của cậu tôi đã sửa qua rồi, cậu đọc lại xem.”
Tiểu Phương vẫn im lặng.
Tôi lại cười rồi nói: “Chúng ta hợp tác hơn nửa tháng rồi, tôi đã chỉ bảo cho cậu hết tất cả những gì tôi biết, thái độ này của cậu, có làm tổn thương người quá không?”
Cậu ấy im lặng một lúc lâu, rồi nhỏ giọng nói xin lỗi.
Tôi lắc đầu, nhìn đi chỗ khác.
“Không có gì phải xin lỗi. Không chấp nhận được chính là không chấp nhận được. Tôi hiểu.”
Cậu ấy liếc nhanh tôi một cái, dường như bất an.
Tôi cũng không nói dông dài với cậu ấy nữa, dứt khoát nói với đổng sự rằng: “Tôi muốn nghỉ phép.”
Đổng sự biết là tôi cố tình muốn từ chức, nghỉ phép chỉ là cái cớ. Ông ấy đứng dậy, đi qua bàn làm việc đến trước mặt tôi, đưa tay lên vỗ vỗ vai tôi.
“Tôi chỉ chuẩn cho cậu một tuần nghỉ phép, sau một tuần, cậu phải quay về làm việc cho tôi.”
Câu nói này giống hệt câu nói hơn mười năm trước.
“Cậu là một nhân tài. Tôi không thể dễ dàng vứt bỏ như vậy.”
Tôi cười với đổng sự. Trong lòng tôi vẫn biết ơn ông rất nhiều, nếu không có ông, có lẽ tôi sẽ không có được một công việc tốt đẹp, có lẽ chúng tôi vẫn còn đang sống trong một cái phòng thuê nhỏ hẹp, hai ba tháng phải chuyển đi một lần. Tôi rất biết ơn ông ấy, nên lần này, tôi chủ động lùi bước.
Tôi đi nhanh ra bên ngoài, sau khi cửa thang máy khép lại, tôi dựa lưng vào tường, tay nắm chặt bắp đùi để giảm cơn đau nhức ở đầu gối. Một nữ nhân viên đang cầm văn kiện đi thang máy nhìn thấy tôi, ân cần hỏi tôi có phải khó chịu lắm không. Tôi liền bỏ tay ra, nhìn thoáng qua cửa inox thấy sắc mặt tái nhợt của chính mình, lắc đầu.
Tôi đi thẳng về nhà. Lắm lúc xuýt đụng vào người khác.
Đang lúc anh có ở nhà, thấy tôi trở về thì kinh ngạc. Anh hỏi tôi có chuyện gì, tôi chỉ lắc đầu, không muốn nói gì cả.
Làm bữa tối xong, anh để lên bàn. Thấy anh đặt ở cạnh tôi một cây gậy gỗ, tôi cầm lấy nó, đi từng bước một đến bàn ăn.
Anh nói đổng sự gọi điện cho anh, anh biết cả rồi.
Anh nói không sao cả, coi như tôi ở nhà nghỉ ngơi.
Anh nói…
Tôi chợt ngắt lời anh, hỏi: “Chân của em có phải tàn phế rồi không?”
Sự im lặng của anh làm tôi sợ hãi, trong nháy mắt tôi ước chi mình không hỏi câu này.
Nhưng cuối cùng anh lại nói: “Sẽ không, nếu dưỡng bệnh tốt, sẽ không ảnh hưởng đến mọi hoạt động.”
Tôi cầm đôi đũa lên rồi nói: “Vậy tốt rồi.”
Tôi biết lúc đó chúng tôi đều khăng khăng lừa dối lẫn nhau, tôi từ từ hỏi anh, anh từ từ xoa dịu tôi, không giống như vậy, sự thật tàn nhẫn sẽ hủy diệt mọi thứ.