Buổi hòa nhạc do trường trung học tổ chức nhằm gây quỹ cho thư viện trường vốn là sự kiện thường niên tại Shrewsbury, thường diễn ra vào đầu tháng Tư, trước khi sẵn sàng dồn tâm sức học hành chăm chỉ cho kỳ thi mùa xuân. Năm nay, ban đầu người ta dự định sẽ tổ chức chương trình thường lệ với phần trình diễn âm nhạc và đọc diễn cảm một đoạn hội thoại ngắn. Emily được đề nghị đảm nhiệm tiết mục sau và đã nhận lời sau khi nhận được sự chấp thuận miễn cưỡng của bà Ruth, mà nếu không nhờ cô Aylmer đích thân đến tận nhà nài nỉ thuyết phục thì chắc bà sẽ chẳng đời nào tán thành. Cô Aylmer là cháu gái Thượng nghị sỹ Aylmer, và dẫu chẳng chịu lép vế trước bất kỳ điều gì khác bà Ruth vẫn phải nhún mình trước gia thế. Sau đó cô Aylmer lại đề nghị cắt bỏ hầu hết phần âm nhạc và toàn bộ phần đọc diễn cảm, để thay vào đó bằng một vở kịch ngắn. Ý tưởng này đã giành được thiện cảm của học trò, và sự thay đổi được tiến hành ngay lập tức. Emily được phân một vai diễn y như được đo ni đóng giày sẵn cho cô, bởi vậy cô vô cùng hứng thú với chuyện này và hào hứng tham gia các buổi tập được tổ chức hai tối một tuần ở trường dưới sự kèm cặp của cô Aylmer.
Vở kịch đã khuấy động bầu không khí ở Shrewsbury. Trước đây học sinh trường trung học chưa từng đảm trách một nhiệm vụ nào giàu tham vọng đến mức đó: nghe đồn rất nhiều sinh viên học viện Queen sẽ bắt chuyến tàu tối từ Charlottetown tới đây xem kịch. Chuyện này khiến đoàn diễn viên có phần phát rồ phát dại hết cả lên. Sinh viên trường Queen vốn là các diễn viên kịch lão làng. Tất nhiên họ đến để phê bình rồi. Vậy là mỗi diễn viên trong nhóm kịch lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm phải làm sao cho vở kịch ấy trở nên đặc sắc không thua kém gì bất cứ vở kịch nào của Học viện Queen từ xưa đến nay, và hết thảy các dây thần kinh của mọi người đều căng như dây đàn để hướng tới cái đích đó. Chị gái của Kate Errol, vốn tốt nghiệp từ một trường đào tạo nghệ thuật diễn xuất, nhận trách nhiệm hướng dẫn cho nhóm, và khi buổi tối trình diễn đã cận kề, sự phấn khích hừng hực trong cả các nhà dân lẫn nhà trọ ở Shrewsbury.
Trong căn phòng nhỏ sánh ánh nến, Emily ngắm nhìn Emily – trong – gương với vẻ hài lòng tột độ - một cảm giác hài lòng khá hợp tình hợp lý. Đôi má đỏ bồ quân, cặp mắt xám sâu thăm thẳm rạng rỡ trên nền váy màu tro của hoa hồng, và vành lá nhỏ nhắn bện bằng những chiếc lá màu bạc ôm lấy mái tóc đen khiến cô chẳng khác gì một nữ thần rừng trẻ trung. Tuy nhiên, cô không cảm thấy mình giống một nữ thần rừng. Bà Ruth đã bắt cô phải cởi đôi tất ren ra thay bằng đôi tất len cashmere; thực ra bà nhăm nhe bắt cô phải mang một đôi tất len dày nhưng lỗ lực không thành, nên đành vãn hồi vị thế của mình bằng cách khăng khăng bắt cô phải mặc váy lót bằng vải flannel.
“Bùng nhùng phát kinh lên được,” Emily uất ức nghĩ; tất nhiên là đang ám chỉ cái váy lót. Nhưng thời đó, chân váy thường rất phồng và thân hình mảnh mai của Emily vẫn đủ sức mang thậm chí cả một cái váy lót bằng vải flannel dày cộp.
Cô vừa đeo chiếc vòng Ai Cập lên cổ thì bà Ruth đường bệ tiến vào.
Chỉ cần liếc mắt nhìn cũng đủ nhận thấy bà Ruth đang vô cùng giận dữ.
“Em’ly, bà Ball vừa ghé qua đây. Bà ấy đã nói một chuyện khiến ta rất sửng sốt. Có phải tối nay cháu sẽ tham gia diễn một vở kịch không?”
“Tất nhiên nó là một vở kịch rồi ạ, bác Ruth. Chắc chắn bác đã biết chuyện đó rồi.”
“Khi cháu xin phép ta tham gia vào buổi hòa nhạc này, cháu đã nói với ta rằng đó là một tiết mục hội thoại,” bà Ruth lạnh lùng nói.
“Ơ… ơ… nhưng cô Aylmer đã quyết định thay nó bằng một vở kịch nhỏ rồi ạ. Cháu cứ tưởng bác biết rồi, bác Ruth; thực lòng cháu cứ tưởng bác đã biết. Cháu cứ đinh ninh là cháu đã nhắc lại với bác chuyện đó rồi.”
“Cháu nào có nghĩ đến chuyện gì đại loại như thế đâu, Em’ly; rõ ràng cháu không cho ta biết tí gì vì cháu biết thừa ta sẽ không cho phép cháu tham gia diễn một vở kịch.”
“Thật sự không phải như thế đâu, bác Ruth,” Emily nài nỉ, vẻ nghiêm trang. “Cháu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ giấu giếm nó. Tất nhiên, cháu không thích nói nhiều với bác về chuyện này vì cháu biết bác không tán thành buổi hòa nhạc chút nào.”
Khi Emily nghiêm trang nói chuyện với bà Ruth, bà nhất quyết cho rằng cô thực sự trơ tráo mặt dạn mày dày.
“Vụ này ăn đứt hết tất cả những vụ khác rồi đấy, Em’ly. Từ trước tới nay ta vẫn luôn biết rõ cháu là kẻ ranh mãnh, nhưng thật không thể nào tin nổi cháu lại có thể ranh mãnh đến mức này.”
“Chuyện này chẳng có chút xíu gì để gọi là ranh mãnh hết, bác Ruth!” Emily nôn nóng nói. “Cháu có phải con ngốc đâu mà lại đi tìm cách giấu giếm chuyện chúng cháu đang tập kịch trong khi cả Shrewsbury đều đang bàn tán về nó. Cháu không hiểu tại sao bác lại có thể tránh được những bàn tán về nó chứ.”
“Cháu đã biết rõ vì bệnh viêm phế quản nên ta chẳng cất bước đi đâu được. Ồ, ta hiểu rõ mọi ngọn ngành rồi, Em’ly ạ. Cháu đừng hòng đánh lừa được ta.”
“Cháu không tìm cách đánh lừa bác. Cháu cứ tưởng bác biết rồi… chuyện chỉ có thế thôi. Cháu cứ tưởng bác chẳng bao giờ đả động đến nó là vì bác phản đối toàn bộ chuyện này. Sự thực là như thế đấy, bác Ruth. Một màn đối thoại và một vở kịch thì có khác gì nhau đâu chứ.”
“Chúng khác nhau một trời một vực đấy,” bà Ruth nói. “Kịch với chả cọt chỉ là thứ tội lỗi thôi.”
“Nhưng vở kịch này nhỏ đến thế cơ mà,” Emily tuyệt vọng năn nỉ; và rồi bật cười vị nghe giọng điệu này quá kỳ cục chẳng khác gì màn xin lỗi của chị bảo mẫu trong cuốn tiểu thuyết Ngài Midshipman Easy. Khiếu hài hước của cô thể hiện thẳng chẳng đúng chỗ chút nào, tiếng cười của cô đã khiến bà Ruth nổi giận.
“Dù lớn hay nhỏ thì cháu cũng không được tham gia vào đó.”
Emily lại nhìn chằm chằm, mặt hơi tái đi một chút.
“Bác Ruth… cháu phải tham gia… vở kịch sẽ hỏng mất.”
“Thà để một vở kịch hỏng còn hơn để một linh hồn hỏng,” bà Ruth bật lại.
Emily không dám cười. Nguy cơ trước mắt này quá nghiêm trọng.
“Bác đừng quá… quá… phẫn nộ như thế, bác Ruth.” – suýt nữa cô đã dùng đến từ bất công. “Cháu rất xin lỗi vì bác không ủng hộ các vở kịch… sau này cháu sẽ không tham gia nữa… nhưng bác chắc cũng thấy rõ tối nay cháu phải tham gia.”
“Ôi chao, Em’ly yêu dấu, ta không ngờ cháu lại là nhân vật không thể thiếu như thế đấy.”
Chắc chắn bà Ruth đã điên tiết lắm rồi. Cái từ “yêu dấu” ấy nghe mới khó chịu đến mức nào chứ! Emily vẫn kiên nhẫn.
“Tối nay thì đúng là vậy đấy ạ. Bác cũng thấy đấy, làm sao người ta có thể tìm được người thay thế vào phút chót được. Cô Aylmer sẽ không bao giờ tha thứ cho cháu mất.”
“Cháu để tâm đến sự tha thứ của cô Aylmer còn hơn cả sự tha thứ của Chúa cơ à?” bà Ruth tra vấn với dáng vẻ của một người đang khẳng định vai trò cầm trịch của mình.
“Vậng ạ… hơn cả sự tha thứ từ Chúa của bác,” Emily lầm bầm, không thể giữ nổi kiên nhẫn trước những câu hỏi thiếu khôn ngoan đến độ ấy.
“Cháu không thấy kính trọng cha ông à?” là câu chất vấn thích đáng tiếp theo của bà Ruth. “Này, nếu họ mà biết một kẻ hậu duệ của mình đang diễn kịch thì thế nào họ cũng phải đội mồ dậy cho mà xem!”
Emily chiếu cố ban cho bà Ruth một ví dụ điển hình của vẻ mặt Murray.
“Nó sẽ là một bài tập luyện thượng hạng đối với họ cho xem. Tối nay cháu sẽ đảm nhận vai diễn của mình trong vở kịch, bác Ruth ạ.”
Emily nói khẽ khàng, nhìn xuống bằng đôi mắt kiên quyết từ chiều cao tuổi trẻ. Bà Ruth thấy dội lên trong lòng một cảm giác bất lực đầy khó chịu: chẳng có cái khóa nào để khóa cửa phòng Emily, và bà chẳng thể dùng vũ lực ngăn cản cô.
“Nếu cháu đi thì tối nay không cần quay về đây nữa đâu,” bà nói, tái nhợt vì giận dữ. “Nhà này chín giờ là đóng cửa rồi.”
“Nếu tối nay cháu không quay lại đây thì sẽ chẳng bao giờ cháu quay lại nữa.” Emily quá giận dữ trước thái độ vô lý của bà Ruth nên chẳng buồn quan tâm xem hậu quả sẽ ra sao nữa. “Nếu bác khóa cửa nhốt cháu ở ngoài thì cháu sẽ quay về Trăng Non. Mọi người biết hết về vở kịch rồi; đến cả bác Elizabeth cũng sẵn lòng cho cháu tham gia.”
Cô bé chộp lấy áo khoác và chụp lên đầu cái mũ nhỏ gắn lông đỏ được vợ của ông Oliver tặng nhân dịp Giáng sinh. Ở trang trại Trăng Non, mọi người không mấy ủng hộ khiếu thẩm mỹ của bà Addie, nhưng cái mũ này vừa như in và Emily rất thích nó. Bà Ruth đột nhiên nhận ra, khi đội cái mũ đó, trông Emily mới chín chắn và trưởng thành đến mức kỳ quặc ra sao. Nhưng nhận thức đó vẫn chưa thể xoa dịu được cơn giận của bà. Em’ly đã đi rồi… Em’ly đã dám coi thường bà và chẳng thèm coi ý kiến của bà ra gì; cái con bé Em’ly ranh mãnh, xảo quyệt đó; phải dạy cho Em’ly một bài học mới được.
Đến đúng chín giờ, trong cơn giận dữ và lòng quyết tâm không gì suy chuyển được, bà Ruth khóa hết mọi cửa rả lại và lên giường đi ngủ.
Vở kịch đã thành công rực rỡ. Ngay cả các sinh viên trường Queen cũng phải thừa nhận điều này và nhiệt liệt vỗ tay hoan hô. Emily đã ném mình vào trong vở kịch với ngọn lửa hừng hực và nguồn năng lượng được khơi nguồn từ cuộc đối đầu với bà Ruth, quét sạch mọi ý thức vướng víu về đám váy lót bằng vải Flanen và về cô Errol đang kinh ngạc một cách đến là dễ chịu, chính cô Errol đã từng đưa ra lời phê bình về màn trình diễn của Emily rằng cô có phần hơi quá lạnh lùng và dè dặt so với một vai diễn đòi hỏi sự phóng túng mãnh liệt hơn. Đến cuối buổi diễn, Emily suýt chết chìm dưới cơn mưa những lời khen ngợi. Đến cả Evelyn Blake cũng nhã nhặn nhận xét,
“Thật tình, bạn thân mến ạ, cậu cũng phi thường ra phết đấy; một nữ diễn viên ngôi sao; một nhà thơ, một tiểu thuyết gia đang lên; sắp tới, cậu sẽ mang đến bất ngờ gì cho chúng tớ đây?”
Emily nghĩ, “Cái đồ chỉ giỏi ra vẻ ta đây thật không thể chịu đựng nổi!”
Emily nói, “Cảm ơn cậu!”
Rồi còn chuyến đi bộ về nhà cùng Teddy trong niềm hạnh phúc hân hoan, màn tạm biệt vui vẻ bên cổng nhà, và sau đó… cánh cửa khóa chặt.
Cơn giận dữ của Emily, vốn suốt buổi tối hôm đó đã được thăng hoa thành năng lượng và tham vọng, bỗng đột nhiên ngùn ngụt bừng cháy trở lại, quét sạch hết thảy mọi điều đã xảy ra trước đó. Làm sao chịu đựng nổi khi bị đối xử như thế này cơ chứ. Cô đã chịu đựng quá đủ từ bà Ruth rồi; đây đúng là giọt nước làm tràn ly. Cho dù có mong mỏi được học hành đến nơi đến chốn thì người ta cũng không thể vì thế mà kiên nhẫn chịu đựng tất cả mọi chuyện. Người ta vẫn mang nợ phẩm giá và lòng tự trọng của mình một điều gì đó.
Có ba việc cô có thể làm lúc này. Cô có thể nện cái nắm đấm cửa bằng đồng kiểu dáng lỗi thời ấy cho tới khi bà Ruth xuống nhà mở cửa cho cô vào, như trước đây cô đã có lần làm thế - và bởi vì thế mà sau đó sẽ phải chịu đựng hàng bao nhiêu tuần nhục nhã. Cô cũng có thể lao lên phố thượng và phố hạ để tới nhà trọ của Ilse – các cô gái vẫn chưa ngủ đâu – như cô đã từng làm một lần trước đây, và chắc chắn đây cũng là cách xử lý bà Ruth giờ đang trông chờ ở cô; và rồi Mary Carswell sẽ kể với Evelyn Blake và Evelyn Blake sẽ phá lên cười nham hiểm mà kể lại mọi chuyện cho cả trường biết. Emily không định chọn bất cứ phương án nào trong hai cách trên; ngay lúc phát hiện ra cửa bị đóng, cô đã biết đích xác mình sẽ làm gì. Cô sẽ đi bộ về Trăng Non; và ở lại đó!
Hàng mấy tháng trời âm thầm giận giữ dưới những xúc phạm liên miên của bà Ruth giờ đã bùng nổ thành một ngọn lửa phản kháng ngùn ngụt cháy. Emily hiên ngang tiến ra cổng, đóng sầm nó lại đằng sau lưng không phải bằng sự đường hoàng của nhà Murray mà với thái độ thấm đẫm cảm xúc mạnh mẽ của một người mang trong mình dòng máu Starr, rồi cô bắt đầu cuộc hành trình dài bảy dặm đi bộ giữa lúc nửa đêm. Cho dù đoạn đường ấy có dài gấp ba lần bảy dặm thì cô cũng vẫn cứ dấn bước như thế thôi.
Cơn giận dữ quá mãnh liệt, và nó vẫn tiếp tục mãnh liệt như thế, khiến cho chuyến đi bộ dường như chẳng lâu la chút nào, và dẫu trên người chỉ khoác có độc chiếc áo choàng vải nhưng cô vẫn không hề cảm thấy cái lạnh buốt da của đêm tháng Tư.
Tuyết mùa đông đã tan nhưng mặt đường trần trụi vẫn gồ ghề và đóng két băng cứng ngăng ngắc – không có chỗ để chân dễ chịu nào cho đôi dép trẻ em mỏng quẹt mà ông Jimmy đã tặng nhân dịp Giáng sinh. Emily thầm nghĩ, với một tiếng cười mà theo cô là vừa cay độc vừa mỉa mai, rằng xét cho cùng, cũng may là bà Ruth đã khăng khăng bắt cô phải đi đôi tất cashmere và mặc chiếc váy lót flanen.
Đêm đó có trăng, nhưng bầu trời bị che phủ bởi những đám mây xám vón cục, và quang cảnh hoang vắng ảm đạm khắc nghiệt trải dầy đầy khắc khổ dưới ánh trăng xám nhờ. Gió quất từng cơn đột ngột, rền rĩ ngang qua không gian. Emily cảm thấy trong lòng trào dâng sự mãn nguyện đậm chất bi thương vì không khí đêm nay thật sự hòa hợp với tâm trạng bi thảm cuồn cuộn bão dông trong lòng cô.
Cô sẽ không bao giờ quay lại nhà bà Ruth, chuyện đó thì đã chắc như đinh đóng cột. Dẫu bà Elizabeth có thể nói gì đi chăng nữa – và bà sẽ nói rất nhiều, chắc chắn đấy – dẫu cho bất kỳ ai có nói gì đi chăng nữa. Nếu bà Elizabeth không cho phép cô đến trọ ở bất cứ nơi nào khác thì cô cũng sẽ bỏ học luôn. Cô biết rõ việc này sẽ gây nên một chấn động ghê gớm ở Trăng Non. Dẫu sao cũng mặc. Khi cô đang trong tâm trạng bất cần thế này thì có vẻ như các chấn động khác là chuyện đáng hoan nghênh ấy chứ. Đã đến lúc ai đó nổi dậy rồi. Cô sẽ không làm mình bẽ mặt thêm một ngày nào nữa… sẽ không có chuyện đó đâu. Cuối cùng, bà Ruth đã đi quá xa rồi. Chẳng ai có thể an nhiên dồn một người mang dòng máu Starr vào cảnh tuyệt vọng được đâu.
“Thế là mình giải quyết xong xuôi mọi vấn đề với bà Ruth Dutton rồi,” Emily long trọng tuyên bố, cảm thấy mãn nguyện ghê gớm vì đã loại bỏ được cách gọi “bác”.
Khi cô về gần nhà, mây đột nhiên quang hẳn, và đến lúc rẽ vào con đường mòn trên địa phận trang trại Trăng Non, cô gần như nín thở trước vẻ đẹp khắc khổ của ba cây dương Lombardy cao vót sừng sững in bóng trên nền trời chan chứa ánh trăng. Ôi, kỳ diệu xiết bao! Trong một thoáng, cô gần như đã quên hết sạch mọi sai lầm của bản thân và cả bà Ruth nữa. Rồi cảm giác cay đắng lại dào dạt ùa về trong lòng; ngay cả sự diệu kỳ của Ba Nàng Công Chúa cũng chẳng thể dụ dỗ xua đuổi nó đi.
Ánh sáng xuyên qua cửa sổ bếp của Trăng Non chiếu ra ngoài, đổ xuống mấy cây bu lô trắng cao vót trong rừng cây bụi nhà ông John Ngạo Mạn, không khỏi mang đến ấn tượng ma quái. Emily nghĩ không ra người nào ở Trăng Non lại vẫn chưa đi ngủ chứ: cô vẫn đinh ninh khi tìm về được đến nhà thì nơi này đã chìm trong bóng tối, đồng nghĩa với việc cô sẽ phải lẻn vào bằng cửa trước và leo lên căn phòng riêng yêu dấu, để dành những lời giải thích đến sáng hôm sau. Tối nào trước khi đi ngủ, bà Elizabeth cũng hết sức cẩn thận khóa và chèn cửa bếp, nhưng cửa ra vào thì chẳng lúc nào cửa đóng then cài. Chắc chắn dân lang thang hay đám trộm cướp sẽ chẳng đời nào thô lỗ đến độ tiến thẳng tới cửa trước của trang trại Trăng Non.
Emily băng ngang qua vườn và ghé mắt nhòm qua cửa sổ bếp. Ông Jimmy đang ở một mình, ngồi ngay bên bàn, bầu bạn cùng hai cây nến. Trên bàn có một chiếc bình bằng gốm đá, và đúng lúc Emily nhòm vào thì ông đang lơ đễnh thò tay vào trong bình lôi ra một chiếc bánh rán mũm mĩm. Mắt ông Jimmy đang dán vào một miếng thịt bò giăm bông to tướng treo trên trần nhà còn môi ông Jimmy thì đang mấp máy không thành tiếng. Hẳn lúc này ông Jimmy đang sáng tác thơ, chẳng có lý do gì để nghi nghờ điều này hết, dẫu chẳng dễ gì lý giải được tại sao ông lại làm vậy giữa đêm hôm thế này.
Emily rón rén vòng quanh nhà, khẽ khàng mở cửa bếp rồi bước vào bên trong. Ông Jimmy tội nghiệp sửng sốt đến độ suýt nữa tắc nghẹn nguyên nửa cái bánh rán và mất mấy giây liền không thốt lên được lời nào. Đây có phải là Emily không… hay là ma quỷ hiện hình? Emily trong chiếc áo khoác màu xanh thẫm, chiếc mũ nhỏ gắn lông màu đỏ quyến rũ đến mê người; Emily với mái tóc mang màu đen của bóng đêm bị gió thổi rối bồng; Emily với đôi dép lê trẻ em tả tơi dưới chân; Emily bộ dạng khổ sở chật vật đứng ở Trăng Non trong khi đáng nhẽ ra giờ này cô đang phải say sưa giấc nồng trên chiếc giường thiếu nữ ở Shrewsbury?
Ông Jimmy nắm chặt hai bàn tay lạnh toát mà Emily vừa chìa ra về phía ông.
“Emily, nhóc yêu, có chuyện gì vậy?”
“Thôi, cứ vào ngay phần chính đi ạ; cháu đã bỏ khỏi nhà bác Ruth rồi và sẽ không quay lại đó đâu.”
Ông Jimmy không nói gì mất một lúc. Nhưng ông đã có một vài hành động. Đầu tiên, ông nhón chân băng ngang qua bếp và cẩn thận đóng cánh cửa phòng khách lại, rồi nhẹ nhàng tiếp củi vào đầy ắp cái bếp lò, kéo một cái ghế tựa lại gần lò, ấn Emily vào trong ghế và nâng đôi bàn chân trầy xước lạnh toát của cô đặt lên nền lò sưởi. Sau đó, ông thắp thêm hai cây nến nữa, đặt chúng lên bệ lò sưởi. Cuối cùng, ông lại ngồi xuống ghế của mình, đặt hay tay lên đầu gối.
“Nào, giờ thì kể lại tường tận mọi chuyện cho bác nghe xem nào.”
Emily, vẫn đang sùng sục phẫn nộ và hừng hực ý chí phản kháng, bèn kể lại khá chi tiết câu chuyện.
Ngay khi đã mơ hồ nắm bắt được thực chất mọi chuyện, ông Jimmy liền chậm rãi lắc đầu… cứ tiếp tục lắc lắc… lắc đầu một lúc lâu và nghiêm trang đến độ Emily bắt đầu bồn chồn cảm thấy thay vì mang hình tượng đầy kịch tính của một người bị đối xử bất công thì bằng cách nào đó có vẻ như cô lại đã biến thành một đứa nhóc ngốc nghếch. Ông Jimmy lắc đầu càng lâu thì cô càng ít dùng đến thứ ngôn ngữ khoa trương cường điệu. Đến khi cô kết thúc câu chuyện bằng lời kết ngang ngạnh, “Dù sao đi nữa, cháu cũng sẽ không quay lại nhà bác Ruth đâu,” ông Jimmy bèn quay đầu lần chót và đẩy cái lọ gốm sang phía bên kia bàn.
“Ăn bánh rán đi này, mèo con.”
Emily ngập ngừng. Bánh rán vốn là món khoái khẩu của cô; và bữa tối của cô đã cách đây lâu lắm rồi. Nhưng món bánh rán có vẻ hơi lạc điệu so với sự phản kháng và tình trạng lộn xộn. Nó có chiều hướng phản động rõ rành rành. Mơ hồ cảm nhận được điều này, Emily bèn từ chối món bánh rán.
Ông Jimmy tự lấy cho mình một cái.
“Vậy là cháu sẽ không quay lại Shrewsbury hả?”
“Quay lại nhà bác Ruth thì không đâu ạ,” Emily đáp.
“Cũng giống nhau cả thôi,” ông Jimmy nói.
Emily biết rõ như vậy. Cô biết thừa đừng nên bấu víu vào cái hy vọng hão huyền rằng bà Elizabeth sẽ cho phép cô đến trọ ở bất kỳ nơi nào khác.
“Mà cháu lại còn đi bộ xa xôi ngần ấy trên những con đường đó nữa chứ.” Ông Jimmy lắc đầu. “Chà, cháu đúng là gan lắm đấy. Gan cùng trời luôn ấy chứ,” ông cắn mấy miếng rồi trầm ngâm bổ sung.
“Bác đang trách mắng cháu phải không ạ?” Emily xúc động hỏi; xúc động tột cùng bởi vì cô cảm thấy cùng với cái lắc đầu của ông Jimmy, một sự ủng hộ nào đó từ sâu thẳm trong tâm hồn cô cũng đã bị rũ đi mất.
“Khônggg, nhốt cháu ở ngoài như thế thì đúng là một nỗi hổ nhục hèn hạ chết tiệt – đúng y như Ruth Dutton vậy.”
“Vậy bác cũng thấy là sau mỗi nỗi sỉ nhục đến mức ấy thì cháu chẳng thể quay lại đó được, đúng không ạ?”
Ông Jimmy cẩn trọng nhấm nháp cái bánh rán, như thể nhất quyết muốn cố gắng xem liệu ông có thể gặm sát chừng nào tới cái lỗ mà không làm vỡ nó.
“Theo bác nghĩ, sẽ chẳng có người bà nào của cháu từ bỏ cơ hội học hành một cách dễ dàng như thế đâu,” ông nói. “Dù sao đi nữa thì về phía người nhà Murray sẽ không có chuyện đó,” ông nói thêm sau một lúc trầm ngâm, dường như chợt nhớ ra ông biết quá ít về người nhà Starr để có thể nói năng võ đoán những chuyện liên quan đến họ.
Emily ngồi im như tượng. Theo như lối nói trong môn cricket mà Teddy từng sử dụng, ông Jimmy đã hạ được trụ môn giữa của cô ngay bằng quả bóng đầu tiên. Ngay khi ông Jimmy, giữa lúc cảm hứng độc ác đó dâng trào, lại lôi cả bậc tổ tiên vào cuộc, cô đã cảm thấy chẳng còn lại bất cứ thứ gì ngoài các điều khoản quanh mình; những vị phu nhân quá cố thân thương của trang trại Trăng Non – bà Mary Shipley và và Elizabeth Burnley và tất cả những người khác – ôn nhu, kiên quyết và đầy tự chủ, đang cúi nhìn cô, kẻ hậu duệ bốc đồng ngu ngốc, với vẻ thương hại kinh khủng. Có lẽ bác Jimmy nghĩ rằng rất có thể có khiếm khuyết nào đó trong dòng máu Starr của cô. Vậy đấy, làm gì có chứ, cô sẽ chỉ ra cho ông thấy!
Cô đã trông đợi sẽ nhận được sự cảm thông lớn hơn từ phía ông Jimmy. Cô đã biết bà Elizabeth sẽ trách mắng cô và đến cả bà Laura cũng sẽ lộ rõ vẻ dò hỏi chứa ý thất vọng. Nhưng cô những tưởng ông Jimmy sẽ đứng về phía cô. Từ trước đến giờ ông vốn vẫn luôn như vậy mà.
“Các bà của cháu có bao giờ phải chịu đựng bác Ruth đâu,” cô bật lại.
“Họ phải chịu đựng những người ông của cháu.” Có vẻ như ông Jimmy nghĩ rằng câu nói ấy đã đủ sức thuyết phục lắm rồi – đúng ý như cách nghĩ của bất kỳ ai từng biết Archibald và Hugh Murray.
“Bác Jimmy, lẽ nào bác cho rằng cháu vẫn phải quay trở lại, chấp nhận sự quở trách của bác Ruth và tiếp tục như thể chuyện này chưa từng xảy ra?”
“Cháu thì nghĩ thế nào?” ông Jimmy hỏi. “Lấy một cái bánh rán đi, mèo con.”
Lần này thì Emily cầm chiếc bánh rán. Có lẽ cô cũng nguôi ngoai phần nào. Này nhé, đã ăn bánh rán rồi thì ta đâu thể giữ mãi thái độ bi thương được. Cứ thử mà xem.
Emily tuột khỏi đỉnh núi bi kịch để đến với thung lũng dỗi hờn.
“Bác Ruth tỏ ra rất đáng ghê tởm suốt hai tháng vừa rồi; kể từ khi bác ấy không ra ngoài được vì bệnh viêm phế quản. Bác không biết chuyện đó là như thế nào đâu.”
“Ồ, có chứ… bác biết chứ. Ruth Dutton có bao giờ khiến bất kỳ ai có cảm giác dễ chịu với bà ấy đâu. Thấy ấm hơn rồi chứ, Emily?”
“Cháu ghét bác ấy,” Emily kêu lên, vẫn kiên trì tự biện hộ cho bản thân. “Thật khủng khiếp khi phải sống dưới cùng một mái nhà với người mà ta ghét bỏ…”
“Quá độc hại,” ông Jimmy tán thành.
“Mà đâu phải lỗi tại cháu chứ. Cháu đã cố gắng yêu quý bác ấy; cố gắng làm vừa lòng bác ấy; bác ấy thì lúc nào cũng chê trách cháu; cho dù cháu làm gì hay nói gì – hoặc không làm gì hay nói gì – thì cũng đều bị bác ấy gắn cho những động cơ hèn hạ. Cháu đã bao giờ nghe nhắc đến chuyện không được ngồi ở góc trong cùng dãy ghế ở nhà thờ đâu; rồi lại còn vụ không giành được cái ghim cài ngôi sao nữa. Bác ấy lúc nào cũng bóng gió sỉ nhục cha mẹ cháu. Và lúc nào bác ấy cũng tỏ thái độ tha thứ cho cháu vì những chuyện cháu nào có làm đâu; hoặc những chuyện chẳng cần tha với thứ để mà làm gì.”
“Nghiêm trọng hóa vấn đề… quá mức. Cháu biết thừa nếu quay trở lại, bác ấy thế nào cũng bảo ‘Lần này ta tha thứ cho cháu, nhưng đừng bao giờ lặp lại chuyện này.’ Rồi bác ấy sẽ khịt mũi; ôi, tiếng khịt mũi của bác Ruth đúng là cái âm thanh đáng ghét nhất trần đời!”
“Cháu đã bao giờ nghe tiếng một con dao cùn cứa qua tấm giấy bồi dày cộp chưa?” ông Jimmy lẩm bẩm.
Emily phớt lờ ông và cứ tiếp thế tiếp tục.
“Cháu không thể lúc nào cũng sai được; nhưng bác Ruth thì cứ cho là vậy; và còn nói bác ấy phải ‘chiếu cố’ cho cháu. Bác ấy bắt cháu phải thường xuyên uống dầu gan cá tuyết; nếu ngăn cản được thì bác ấy chẳng bao giờ cho phép cháu ra ngoài vào buổi tối – ‘những người bị viêm phổi nhất thiết không được ra ngoài đường sau tám giờ.’ Nếu bác ấy thấy lạnh, cháu sẽ phải mặc thêm áo khoác. Lúc nào bác ấy cũng hỏi những câu khó chịu và cháu có trả lời ra sao thì bác ấy cũng không chịu tin. Bác ấy đã, đang và sẽ luôn luôn tin rằng do là kẻ ranh mãnh nên cháu luôn chơi trò giữ bí mật với bác ấy. Cháu có bao giờ nghĩ đến những chuyện kiểu như thế đâu. Đấy, như vụ tờ Thời đại Shrewsbury hồi tuần trước chẳng hạn. Bác Ruth thường chẳng bao giờ để lỡ bất kỳ thông tin nào trên Thời đại. Bác ấy quở mắng cháu suốt mấy ngày liền sau khi bác ấy phát hiện ra một sáng tác của cháu được đăng trên đó dưới tên “Emilie’. ‘Tốt hơn hết cứ xuyên tạc tên của cháu theo một cách chưa từng có nào đó đi để rồi cố mà đánh vần nó,’ bác ấy chế nhạo!”
“Chà, chẳng phải làm thế thì có phần hơi ngờ nghệch sao, mèo con?”
“Ôi, cháu đoán là các bà các cụ của cháu chẳng làm chuyện đó bao giờ! Nhưng bác Ruth đâu cần thiết phải nhai đi nhai lại như thế cơ chứ. Chuyện đó mới đúng là khó chịu không để đâu cho hết; giá bác ấy cứ nghĩ gì nói nấy đi rồi coi như xong thì đã đành. Thế này nhé, cháu làm dính một vết gỉ sắt nhỏ xíu trên cái áo choàng trắng thôi, thế mà bác Ruth cứ lải nhải về chuyện đó hết tuần này sang tuần khác. Bác ấy cứ nhất quyết đòi tìm cho ra nó bị dính từ lúc nào và tại sao; khi chuyện này dai dẳng suốt ba tuần rồi thì cháu bắt đầu nghĩ nếu bác ấy mà nhắc lại lần nữa thì thế nào cháu cũng phải hét lên cho xem.”
“Bất cứ người đúng đắn nào cũng sẽ cảm thấy y như vậy thôi,” ông Jimmy nói, mắt vẫn dán vào miếng giăm bông bò.
“Ôi, bất cứ chuyện nào trong những chuyện ấy cũng chỉ vặt vãnh như vết kim châm thôi, cháu biết; và chắc bác thấy cháu ngốc lắm khi cứ lấn cấn mãi với nó; nhưng…”
“Không đâu, không đâu. Thà phải chịu đựng hẳn cái chân gãy thì vẫn còn dễ chịu hơn cả trăm vết kim châm đấy. Bác thà bị đập vào đầu rồi thế là xong còn hơn.”
“Vâng, thế đấy ạ; lúc nào cũng vậy, chẳng có gì ngoài những vết kim châm. Bác ấy không cho phép Ilse đến nhà… cả Teddy hay Perry cũng bị vậy… chẳng có ai ngoài ông anh Andrew ngu ngốc ấy. Cháu mệt mỏi đến chết đi được vì anh ta rồi. Bác ấy không cho phép cháu tham dự buổi vũ hội của học sinh năm nhất. Các bạn ấy tổ chức một buổi đi xe trượt tuyết ăn tối ở quán trọ Brown Teapot và nhảy nhót tí chút; ai cũng tham gia, chỉ có mỗi cháu là không; nó chính là sự kiện của mùa đông. Nếu cháu đi dạo trong Miền Chính Trực lúc hoàng hôn, thể nào bác ấy cũng chắc như đinh đóng cột là đang có chuyện xấu xa nào đó; bác ấy chẳng bao giờ muốn đi dạo trong Miền Chính Trực, vậy thì hà cớ gì cháu lại thế? Bác ấy nói cháu đánh giá bản thân quá cao. Cháu có thế đâu cơ chứ, có phải thế không, bác Jimmy?”
“Không,” ông Jimmy trầm ngâm nói. “Cao thì có cao thật; nhưng không phải quá cao.”
“Bác ấy nói cháu lúc nào cũng di chuyển hết thứ này đến thứ khác, hễ cháu nhìn ra ngoài cửa sổ là bác ấy lại tất tả băng qua phòng rồi chỉnh hết các góc rèm cho cân xứng đâu ra đấy y như cũ. Rồi thế nào cũng lại ‘Tại sao… tại sao… tại sao’; lúc nào cũng thế, lúc nào cũng thế, bác Jimmy ạ.”
“Bác biết, bây giờ cháu đang cảm thấy dễ chịu hơn nhiều vì đã gạt hết tất cả những chuyện đó ra khỏi cuộc sống của mình,” ông Jimmy nói. “Không ăn thêm cái bánh rán nữa sao?”
Thở dài đầu hàng, Emily nhấc chân ra khỏi lò sưởi và bước tới bên bàn. Lọ bánh rán nằm giữa cô và ông Jimmy. Cô quả thật đang đói ngấu.
“Bà Ruth cho cháu ăn uống đầy đủ chứ?” ông Jimmy băn khoăn lo lắng hỏi.
“Ôi, có chứ ạ. Ít nhất bác Ruth cũng vẫn giữ gìn được một truyền thống ở Trăng Non. Bác ấy nấu nướng khá thịnh soạn. Nhưng không có đồ ăn vặt đâu ạ.”
“Trong khi cháu luôn thích được nhấm nháp ngon lành trước khi đi ngủ, đúng không nào? Nhưng lần vừa rồi về nhà, cháu đã mang theo một hộp rồi đấy thôi?”
“Bác Ruth đã tịch thu rồi ạ. Có nghĩa là, bác ấy bỏ nó vào trong chạn và cứ đến bữa ăn mới mang ra bàn. Món bánh rán này ngon thật đấy ạ. Và cứ mỗi khi ăn uống vào những giờ giấc không thích hợp thế này, lúc nào ta cũng có cảm giác phấn khích và phá luật, đúng không ạ? Sao bác lại tình cờ thức vào giờ này vậy ạ?”
“Một con bò cái bị ốm. Bác thấy có lẽ nên thức canh nó thì hơn.”
“May làm sao có bác ở đây. Ôi, cháu lại suy nghĩ sáng suốt được rồi, bác Jimmy ạ. Dĩ nhiên, cháu biết bác cho rằng cháu hơi ngu ngốc một chút.”
“Ai mà chẳng ngu ngốc theo một cách đặc biệt nào đó,” bác Jimmy nói.
“Vậy thì, cháu sẽ quay lại và sẽ cắn quả táo chua mà chẳng hề nhăn mặt.”
“Nằm xuống tràng kỷ chợp mắt một chút đi. Ngay khi trời sáng bác sẽ thắng con ngựa xám đánh xe đưa cháu quay về.”
“Không đâu, thế thì chẳng ổn chút nào đâu ạ. Vì một vài lý do. Trước hết, đường sá kiểu ấy thì bánh xe hay bò ngựa muốn chạy được cũng không dễ. Thứ hai, bác cháu ta mà đánh xe ra khỏi đây thì chẳng thể nào tránh nổi bác Elizabeth sẽ nghe tiếng, rồi bác ấy sẽ phát hiện ra chuyện này, mà cháu không muốn thế chút nào. Bác cháu ta hãy cứ để sự ngu ngốc của cháu là một điều tuyệt mật chỉ có cháu và bác biết thôi, bác Jimmy ạ.”
“Vậy cháu định quay trở lại Shrewsbury bằng cách nào?”
“Đi bộ ạ.”
“Đi bộ? Tới Shrewsbury hả? Giữa đêm hôm thế này sao?”
“Chẳng phải cháu vừa đi bộ từ Shrewsbury giữa đêm hôm thế này sao ạ? Cháu có thể làm lại chuyện đó và nó cũng chẳng vất vả gì hơn so với việc nảy tưng tưng phía sau con ngựa xám trên những con đường kinh khủng đó đâu ạ. Tất nhiên, cháu sẽ kiếm món gì đó có thể bảo vệ đôi chân cháu tốt hơn chút ít so với đôi dép lê trẻ con. Trong cơn xúc động cháu đã làm hỏng mất món quà Giáng sinh bác tặng cháu rồi. Trong cái tủ đằng kia vẫn còn một đôi bốt cũ của cháu. Cháu sẽ đi đôi ấy; và cả cái áo choàng dài có đai cũ nữa. Sáng ra là cháu đã quay lại Shrewsbury rồi. Cháu sẽ khởi hành ngay khi bác cháu ta ăn bánh rán xong. Vét cho đĩa sạch bóng đi thôi, bác Jimmy.”
Ông Jimmy đành đầu hàng. Xét cho cùng, Emily còn trẻ tuổi lại dẻo dai, đêm nay trời đẹp, và có một số chuyện bà Elizabeth biết càng ít càng tốt bấy nhiêu cho hết thảy mọi sự liên quan. Thở phào nhẹ nhõm vì hóa ra sự tình lại biến chuyển tốt đẹp đến thế - thoạt đầu ông thật lòng chỉ sợ cái tính “bướng bỉnh” vốn vẫn ẩn sâu trong lòng Emily sẽ trỗi dậy và rồi thì, úi chà chà! – ông Jimmy ngồi xuống tập trung vào món bánh rán.
“Chuyện viết lách dạo này thế nào rồi?” ông hỏi.
“Dạo gần đây cháu cũng viết được kha khá; mặc dù buổi sáng ở phòng cháu hơi lạnh nhưng cháu vẫn rất thích; khao khát cháy bỏng nhất của cháu là một ngày nào đó sẽ sáng tác được thứ có giá trị.”
“Rồi cháu sẽ làm được thôi. Cháu nào có bị đẩy xuống giếng đâu,” ông Jimmy nói.
Emily vỗ vỗ lên bàn tay ông. Hơn ai hết, cô ý thức được rõ ràng ông Jimmy có thể làm được những gì nếu ngày xưa ông không bị đẩy xuống giếng.
Sau khi hai bác cháu đã ăn bánh rán xong, Emily khoác chiếc áo choàng dài có đai và xỏ chân vào đôi bốt cũ. Cách phục trang đó quá xoàng xĩnh, nhưng vẻ đẹp như vầng trăng non của cô vẫn tỏa rạng át hết tất cả, y như một vì sao trong căn phòng cũ kỹ mờ tối leo lét ánh nến.
Ông Jimmy ngước mắt nhìn cô. Trong mắt ông, cô thật xinh đẹp, trẻ trung, tài năng mà mấy món trang phục ấy quả là nỗi hổ thẹn.
“Cao ráo oai nghiêm… cao ráo oai nghiêm như mọi phụ nữ trong dòng họ,” ông mơ màng lẩm bẩm. “Ngoại trừ bà Ruth,” ông bổ sung.
Emily bật cười… và “làm mặt hề”. “Đến cuộc tra vấn sắp tới của hai bác cháu, thể nào bác Ruth cũng sẽ vươn cao hết cỡ cho mà xem. Nguyên chuyện này cũng đủ thỏa mãn bác ấy từ giờ cho đến tận cuối năm rồi. Nhưng không cần lo đâu, bác kính mến của cháu, từ giờ thì còn lâu cháu mới làm thêm bất cứ chuyện gì ngu ngốc nữa. Chuyện này đã làm sáng tỏ mọi vấn đề rồi. Bác Elizabeth hẳn sẽ phát hoảng lên khi thấy một mình bác lại chén sạch sành sanh hết cả lọ bánh rán, bác Jimmy ạ.”
“Cháu có muốn một cuốn sổ trắng nữa không?”
“Vẫn chưa cần đâu ạ. Cuốn sổ bác tặng cháu lần trước vẫn còn hẳn một nửa. Khi cháu đã không thể viết truyện được thì một cuốn sổ trắng cũng đủ dùng lâu lâu đấy ạ. Ôi, bác Jimmy ơi, ước gì cháu có thể viết được.”
“Rồi sẽ đến lúc, rồi sẽ đến lúc thôi,” ông Jimmy động viên. “Cứ đợi chút xíu đi; chỉ chút xíu nữa thôi. Nếu chúng ta không theo đuổi thứ này thứ kia thì đôi lúc những thứ đang được bám theo chúng ta mới có thể bắt kịp được. “Một ngôi nhà được xây dựng nhờ sự thông thái, và nó được gia cố bởi sự hiểu biết. Bằng tri thức, những căn phòng sẽ đầy ăm ắp các tài sản thú vị quý giá’ – ăm ắp các tài sản thú vị quý giá, Emily ạ. Sách Cách ngôn”
Ông đưa Emily ra ngoài rồi cài then cửa lại. Ông tắt hết nến, chỉ để lại một cây. Ông cứ nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu, cho đến khi, hài lòng nhận ra bà Elizabeth sẽ chẳng tài nào nghe tiếng ông được, ông Jimmy hăm hở nói,
“Ruth Duttton tới… tới… tới…” – nhưng lòng can đảm của ông Jimmy đã không được như ông kỳ vọng – “…tới thiên đường đi!”
Emily đi bộ quay trở lại Shrewsbury dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Cô những tưởng sau khi đã bị tước mất cơn giận dữ và phản kháng vốn là động lực, chuyến đi sẽ buồn thảm mệt mỏi lắm. Ấy vậy nhưng hóa ra nó lại biến chuyển thành một điều đẹp đẽ… Emily là một trong “những nô lệ trọn đời của cái đẹp” mà thi sĩ Carman từng ngợi ca, nhưng đồng thời lại cũng chính là “những chủ nhân của thế giới”. Cô mệt mỏi, nhưng chính sự mệt mỏi ấy lại bộc lộ bản thân bằng sự thăng hoa của cảm xúc và trí tưởng tượng, y như cô vẫn thường trải nghiệm mỗi khi mỏi mệt quá độ. Dòng suy nghĩ chạy rằn rặt trong đầu. Những đoạn đối thoại tưởng tượng sáng suốt nối tiếp nhau tầng tầng lớp lớp, và cô nghĩ ra được nhiều cách nói dí dỏm đến độ chính cô cũng tự thấy bất ngờ một cách đầy dễ chịu về bản thân. Thật tuyệt vời xiết bao khi lại một lần nữa cảm thấy tràn đầy sinh lực, thích thú và hứng khởi. Cô dẫu một mình nhưng chẳng hề cô đơn.
Vừa đi trên đường, cô vừa soạn một vở kịch về buổi tối hôm nay. Cả buổi tối ấy thấm đẫm bầu không khí hoang dã, phá cách đầy mê hoặc, đánh thức một khát khao hoang dã, phá cách nào đó vốn vẫn ẩn kín sâu trong tâm hồn Emily; khát khao được cất bước tùy ý, không dựa vào bất cứ chỉ dẫn nào ngoài của chính bản thân mình; khát khao của người du mục, của nhà thơ, của thiên tài và kẻ ngốc.
Được giải phóng khỏi lớp tuyết đè nặng cơ thể, những cây linh sam hào hứng vung cánh tay tự do cắt ngang những cánh đồng chan chứa ánh trăng. Liệu trên đời này, còn có thứ gì sánh được với vẻ đẹp của bóng những cây thích xám cân đối đang đổ xuống trên con đường dưới chân cô? Những ngôi nhà cô vừa đi qua đều ăm ắp vẻ bí ẩn đầy mê hoặc. Trong thâm tâm, cô luôn tưởng tượng rằng những người say giấc trong những ngôi nhà đó đều đang đắm chìm trong cơn mơ, và trong giấc ngủ, họ đã nhìn thấy được những điều mà khi thức, cuộc đời vẫn thường từ chối họ; cô tưởng tượng đến những bàn tya trẻ thơ thân thương chắp lại trong giấc nồng; những trái tim rất có thể đang thao thức âu sầu; những cánh tay cô đơn đang vươn ra lọt thỏm giữa sự trống rỗng của đêm; trong lúc cô, Emily, được ve vuốt bởi vẻ ma mị buổi sớm mai.
Và cũng thật dễ nảy sinh suy nghĩ những thứ khác đang ở khắp nơi; những thứ không thuộc về con người hay không nằm trong vòng sinh tử. Từ trước đến giờ, cô vẫn luôn sống trên ranh giới của xứ sở thần tiên, và lúc này đây, cô đã bước ngay trên nó. Bà Gió đang huýt lên những giao điệu lạ kỳ giữa đám lau sậy trong đầm lầy; cô dám khẳng định mình vừa nghe thấy tiếng cười tinh quái đáng yêu của những chú cú đang đậu trên cành văn sam; có thứ gì đó vừa tung tăng cắt ngang con đường cô đi; có thể là một chú thỏ, cũng có thẻ là một Người Tí Hon Xám; và lần đầu tiên trong đời, cây cối khoác lên mình bộ dạng nửa khôi hài, nửa đáng sợ. Đám kế chết khô từ năm ngoái biến thành những đoàn yêu tinh dọc hàng rào; cây bu lô vàng già cỗi đâm cành tua tủa là vị thần từ ngàn xưa vang vọng xung quanh cô: tiếng chân lộp cộp giữa cánh đồng trên đồi này chắc hẳn là của thần Pan, đang thổi sáo xuyên qua ánh trăng qua bóng tối cùng đoàn thần đồng áng đang cười đùa vui vẻ. Thật thú vị xiết bao khi tin rằng họ đang làm thế.
“Khi trở thành kẻ hoài nghi, người ta sẽ mất mát rất nhiều,” Emily nói; rồi sau đó, cô chợt nghĩ rằng đây quả là một nhận xét thông minh, và ước sao cô đang mang theo một cuốn sổ Jimmy để có thể viết lại câu này.
Vậy là, mọi đắng cay khổ sở trong tâm hồn đã được gột rửa nhờ được tẩm trong bầu không khí đêm xuân, trong khi cảm giác náo nức đang rộn lên khắp châu thân cùng luồng sinh khí ngọt ngào, kỳ lạ và hoang dã của tinh thần, Emily về đến nhà bà Ruth khi những ngọn đồi tím nhạt nhòa phía Đông cảng đang dần hiện hình rõ nét dưới bầu trời mỗi lúc một sáng rỡ hơn. Cô những tưởng cửa ra vào vẫn khóa kín; nhưng khi cô mở cửa, nắm đấm cửa vẫn xoay, và cô vào trong nhà.
Bà Ruth đã dậy, đang nhóm lửa trong bếp.
Trên đường từ Trăng Non về đây, Emily đã vẽ ra hàng tá cách thức nhằm truyền tải những điều cô định nói; ấy vậy nhưng bây giờ cô lại chẳng sử dụng bất cứ cách nào trong số đó. Đúng vào phút chót, một cảm hứng quái quỷ bất chợt nảy sinh trong cô. Bà Ruth còn chưa kịp nói – hoặc định nói – gì, Emily đã lên tiếng trước,
“Bác Ruth, cháu quay lại để nói với bác rằng cháu tha thứ cho bác, nhưng từ rày về sau, những chuyện như thế này không được phép xảy ra nữa.”
Thành thật mà nói, bà Ruth Dutton thấy nhẹ hết cả người vì Emily đã quay trở lại. Bà rất e sợ bà Elizabeth và bà Laura – người trong nhà Murray mà xích mích với nhau thì thật là cay đắng; và bà thật tâm hơi lo lắng không biết Emily sẽ gặp phải chuyện gì nếu cô thật sự đi về trang trại Trăng Non trong chiếc áo choàng không đủ che thân và đôi dép mỏng manh đó. Vì Ruth Dutton không phải người độc ác; bà chỉ là một bà gà mái cứng đầu cứng cổ, chẳng mấy thông minh, chỉ biết quanh quẩn nơi góc sân bé con con, chăm chăm tìm cách dạy dỗ một cô chim chiền chiện. Thật lòng, bà chỉ sợ Emily sẽ bị cảm lạnh và có khi viêm phổi cũng không chừng. Mà một khi Emily đã nảy sinh ý định không quay trở lại Shrewsbury… ái chà, thế thì thế nào cũng “khiến người ta bàn tán”, trong khi bà Ruth Dutton chúa ghét chuyện “bàn tán” nếu đối tượng là bà hay các hành động của bà. Vậy nên, sau khi cân nhắc hết mọi nhẽ, bà quyết định phớt lờ lời chào hỏi xấc xược láo của Emily.
“Cháu đã qua đêm ngoài phố đấy à?” bà nghiêm giọng hỏi.
“Ôi, không đâu bác; cháu về trang trại Trăng Non; chuyện phiếm với bác Jimmy và ăn uống qua loa; rồi đi bộ quay về đây.”
“Bà Elizabeth có thấy cháu không? Hay bà Laura?”
“Không ạ. Hai bác ấy vẫn đang ngủ.”
Bà Dutton ngẫm thấy đây quả là tin tốt.
“Chà,” bà lạnh lùng nói, “cháu đã vô ơn bạc nghĩa quá thể lắm, Em’ly ạ, nhưng lần này ta sẽ tha thứ cho cháu” – rồi bà bỗng nhiên im bặt. Chẳng phải sáng nay câu đó đã được nói rồi sao? Nhưng bà chưa kịp tìm được câu nhận xét nào để thế vào thì Emily đã biến mất tăm trên cầu thang. Bà Ruth Dutton bị bỏ lại cùng cái cảm giác khó chịu rằng, bằng cách này hay cách khác, bà đã không thể thoát khỏi chuyện này một cách oanh liệt như lẽ ra phải thế.