From Hanoi

Chương 5-1



Bố của Cường bị sỏi thận phải vào viện phẫu thuật nên cậu ta xin nghỉ về quê mười ngày, vậy là tất cả công việc dồn lại cho tôi, nhiều khi nghĩ lại giai đoạn ấy tôi cũng thấy phục chính mình, bây giờ thức đến hai giờ đêm đã thấy khó lắm rồi, thế mà ngày ấy chẳng hiểu sức lực đâu ra mà có thể thức nguyên cả tuần lễ trông quán được.

Công việc trông quán điện tử này có nhiều cái hay, phù hợp với hoàn cảnh của tôi nhưng đôi khi nó làm tôi rất khó nghĩ, khách chơi điện tử càng nhiều thì càng tốt cho quán nhưng lại không hề tốt cho bản thân họ, như thằng nhóc con ông bà chủ nhà cũ của tôi đang ngồi trên tầng hai chẳng hạn, nó bám rễ ở đây suốt mấy ngày nay làm tôi cứ lấn cấn suy nghĩ mãi, có vài lần bố mẹ nó đã sang phàn nàn chuyện ham chơi của nó với tôi rồi.

Đến gần mười hai giờ trưa, khi quán vơi khách tôi bèn leo lên tầng hai và lựa lời nhắc nó: “Này nhóc! Chơi cả ngày không mệt à, không về đi bố mẹ ở nhà lo!”

Thằng nhóc quay lại, nó bỏ tai nghe ra rồi cằn nhằn: “Ơ, cái anh này, em chơi thì em trả tiền, anh đuổi khách đấy à?”

Câu trả lời của nó làm tôi sửng sốt, sao bây giờ bọn trẻ con nói chuyện khôn ranh vậy.

“Cái gì cũng có chừng mực mới tốt em ạ!” Tôi nói. “Chơi nhiều thành nghiện chẳng làm được việc gì đâu.”

“Ơ, kệ em. Hôm nay cuối tuần được nghỉ học mà.” Nó lại đeo tai nghe vào và cắm cúi chơi tiếp. “Bố mẹ em đang đi công tác, mấy khi em được tự do thế này!”

“Bố mẹ mày mà biết là lại sang cằn nhằn anh đấy.” Tôi nhấc tai nghe của nó ra. “Mà mày học đâu cái kiểu nói chuyện với người lớn bất lịch sự thế đấy?”

“Anh khó tính thế nhỉ!?” Thằng nhóc chép miệng khó chịu. “Tại anh mà em sắp thua đây này. Anh ra chỗ khác đi. Tiện gọi cho em một phần cơm trưa luôn nhé.”

Thằng nhóc này được gia đình nuông chiều quá nên chẳng ai nói nổi, khuyên bảo thế là hết trách nhiệm rồi, tôi tự nhủ và đi ra ngoài gọi một phần cơm hộp cho nó, trên đường về tôi ghé quán tạp hóa mua một ít bánh ngọt và một vỉ sữa hộp cho mình.

Ăn trưa xong thì bà nội thằng nhóc sang tìm, nó làu bàu vài câu rồi miễn cưỡng đứng lên theo bà về.

Đến khoảng hai giờ chiều, đang bật máy cho khách thì tôi cảm thấy rất choáng váng đầu óc, cơ thể tự dưng bị chao đảo mất thăng bằng, tôi cố làm nốt cho xong rồi ra bàn quản lý ngồi. Sau đó tôi gục mặt xuống bàn rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Được khoảng chừng hai mươi phút thì có tiếng chuông điện thoại, nhận ra cuộc gọi của Lan tôi bèn bắt máy, lúc này chỉ có Lan gọi tôi mới trả lời, người khác là tôi mặc kệ rồi.

“Cậu sao vậy?” Lan ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng trả lời thều thào của tôi. “Sao giọng cậu yếu thế? Cậu bị ốm à?”

“Tớ không sao, chắc là mấy hôm thiếu ngủ nên người mệt tí thôi.” Tôi thì thào, tai tôi bỗng dưng bị ù. “Cậu có kết quả thi tiếng Anh chưa?”

“Tớ mới biết điểm xong, được 6.5 cậu ạ. Cuối cùng tớ đã đến được đích rồi.” Cô mừng rỡ khoe với tôi. “Cậu là người bạn đầu tiên tớ khoe đấy!”

“Vậy à, chúc mừng cậu nhé…” Tôi cảm thấy khó chịu toàn thân và không đủ sức tiếp chuyện cô nữa. “Tớ… có khi tớ phải lên gác ngủ một tí, người tớ mệt quá, tớ gọi cậu sau nhé…”

Tôi tắt điện thoại trong khi Lan còn ú ớ. Tôi không chịu đựng được hơn nữa, một cảm giác buồn nôn đang ào ào ập tới, tôi bịt miệng lao nhanh vào nhà vệ sinh rồi ôm lấy bồn cầu và nôn ọe liên tục.

Sau khi nôn xong, tôi nhờ người trông quán rồi leo lên trên gác, những bước chân bỗng trở nên nặng trịch như đeo chì.

Ôm bụng lết vào được trong phòng là tôi ngã vật ngay xuống tấm nệm.

Tôi nằm thở khổ sở và mệt nhọc một lúc, đầu óc vô cùng hoang mang không hiểu chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với cơ thể mình.

Vài phút sau tôi lại thiếp đi lần hai.

Nghe nói những người tu hành thâm sâu khi ngủ không mơ bao giờ vì tâm trí của họ đã được rèn giũa một cách tinh tế qua quá trình khổ luyện, tôi chỉ là một phàm phu nên hầu như lần nào ngủ cũng mơ, mọi lần giấc mơ còn có ý nghĩa một chút, còn hôm nay, ngay khi đặt mình xuống là những ẩn ức, những căng thẳng và lo âu ồ ạt kéo đến ghép thành một giấc mơ vừa vô nghĩa vừa lộn xộn.

Đầu tiên tôi mơ thấy mình đang cầm đèn pin soi cho Sơn - thằng bạn thân ngày xưa vồ ếch, nhưng không hiểu sao toàn vồ hụt, được mấy lần thì nó bảo thôi về đi hôm nay thất thu rồi.

Đi về một đoạn tôi lại đau bụng dữ dội, rồi bỗng dưng chuyển cảnh, tôi thấy mình đang nằm trong căn nhà ở quê, tôi nhớ ra sắp thi nên vội bật dậy, đúng lúc ấy chiếc bàn thờ nhà tôi đang bốc cháy ngùn ngụt, tôi kinh hãi quá bỏ chạy khỏi nhà, tôi chạy, chạy mãi, chạy đến khi quay lại thì không nhìn thấy nhà mình đâu nữa, rồi ra đến đồng, bốn bề là lúa không còn xác định được phương hướng.

Đang hoang mang thì tôi nghe thấy tiếng một người con gái gọi mình: “Kiên ơi! Kiên ơi!”, hình như tiếng của Lan, tôi nhìn ruộng lúa bốn bề xung quanh nhưng không biết tiếng gọi phát ra từ đâu.

“Lan! Lan ơi!” Tôi hoảng hốt giẫy giụa gọi tên Lan trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh.

“Tớ đây! Tớ đây Kiên ơi!”

Có ai đó đặt tay lên trán tôi làm tôi bừng tỉnh.

Tôi mở mắt ra và thấy Lan, cô rụt tay lại khi thấy tôi thức giấc.

“Cậu vừa ngủ mơ à?” Lan nhìn tôi lo âu.

“Sao cậu lại ở đây??” Tôi ngơ ngác nhìn cô.

“Tớ định mai gặp cậu, nhưng thấy hơi lo lắng nên bắt taxi qua xem thế nào.” Cô lắc đầu ái ngại.

“Trong mơ tớ nghe loáng thoáng tiếng cậu gọi tớ.”

“Ừ, nãy tớ đứng dưới nhà gọi nhưng không thấy cậu trả lời nên đi lên xem thế nào.” Lan nói. “Nhìn mắt cậu thâm quầng kìa, mặt cậu hốc hác như kiểu bị mất nước ấy, quán có chanh không tớ pha nước cho cậu uống.”

Tôi nói ở đây không có chanh, nhưng có lọ C sủi trong phòng, cô bèn cầm nó đem đi pha nước. Khi cô lấy nước lên tôi tu một hơi gần hết cốc, sau đó tôi kể cô nghe câu chuyện kinh hoàng ban nãy, tôi đoán là bị ngộ độc thực phẩm vì từ sáng đến giờ tôi chỉ ăn mấy cái bánh ngọt thôi.

“Bánh này nổi tiếng mà nhỉ…” Lan nói. Cô cầm hộp bánh lên và lật qua lật lại xem xét một hồi, rồi cô chợt nhíu mày: “Hình như… Cái tên bánh này… Tớ không chắc nữa… Nhưng có khi cậu ăn phải bánh giả rồi…”.

Chúng tôi cùng kiểm tra lại, cuối cùng phát hiện ra nó là hàng giả, cách giả mạo rất tinh vi, vỏ hộp có kiểu dáng màu sắc giống hàng thật, phải để ý kỹ mới thấy họ thêm một chữ cái vào tên sản phẩm, ai mà mua vội như tôi là mắc lừa ngay.

Thấy tôi ngồi ủ rũ vì tiền mất tật mang, Lan nói: “Bây giờ ăn uống phải hết sức cẩn thận cậu ạ, hồi tớ đi học phổ thông, mẹ tớ không bao giờ cho tớ được ăn quà vặt ở cổng trường học vì sợ mất vệ sinh. Các bác tớ toàn góp tiền về quê mua thực phẩm sạch, bây giờ đồ ăn thức uống không rõ nguồn gốc nhiều lắm…”

“Ừm.” Tôi đáp ngao ngán. “Thôi, dù sao tớ cũng nôn ra hết nên bây giờ cũng bình thường lại rồi, chỉ mệt và đói tí thôi. Mà xin lỗi cậu nhé, lúc ấy buồn nôn quá nên tớ ngắt máy, tớ định tối gọi lại cho cậu sau.”

“Không sao đâu.” Lan cười cảm thông. “Tớ lo cho cậu quá nên nhảy taxi qua xem thế nào, tớ còn mang cả chai dầu gió nữa này. Cậu không sao là tốt rồi. Hôm khác mình nói chuyện nhiều hơn nhé, bây giờ tớ về đã.”

Tôi đứng dậy đi theo tiễn Lan, vừa xuống tầng một thì thấy bà chị tôi đang đứng cãi nhau với ông xe ôm ở trước cửa quán, qua lớp kính tôi không nghe thấy họ đang cãi vã chuyện gì, nhưng chắc là chuyện tiền bạc chứ giữa họ còn chủ đề gì được nữa, chắc bà chị tôi bị “chặt chém” vì không mặc cả trước khi lên xe.

Chị tôi rất ít khi đến thăm tôi, bình thường có việc gì cũng chỉ gọi điện hoặc nói chuyện qua mạng, tiền trợ cấp ăn học của tôi thì chị chuyển khoản hàng tháng.

Khi bà chị cãi nhau xong và vào quán, tôi giới thiệu Lan với chị. Ánh mắt chị nhìn Lan làm tôi rất khó chịu, như một cái máy quét đo lường và đánh giá người đối diện ở những tiêu chí như gia đình giàu hay nghèo, địa vị xã hội đến đâu. Tôi ghét cay ghét đắng cái ánh mắt này.

Khi biết Lan chỉ là bạn học của tôi, bà chị liền nói chuyện với giọng điệu kẻ cả không khách sáo ngay.

“Tao có việc đi ngang qua đây nên đưa tiền cho mày luôn đỡ phải chuyển khoản.” Chị lấy mấy tờ tiền trong ví ra. “Mà hôm trước trên mạng mày nói ra trường định vào Nam à? Thân cô thế cô mày vào đấy làm gì?”

“Em có cậu bạn trong đấy, thằng Sơn đấy, em vào một hai năm xem thuận lợi không rồi tính.” Tôi nói.

“Tao chỉ thấy mất thời gian thôi.” Chị tôi nói. “Mày ở đây học thêm văn bằng hai kinh tế đi, để xem có chỗ quen biết nào không tao gửi gắm cho.”

“Em nói nhiều lần rồi mà.” Tôi nói. “Em không hợp làm kinh tế.”

“Thằng này lúc nào nó cũng ngang bướng em ạ.” Chị quay sang Lan giải thích. “Nếu ngày xưa nó nghe lời chị, chịu khó học trường ngân hàng thì bây giờ chị xin được việc tốt và nhàn nhã cho nó rồi.”

“Mẹ cũng từng nói em học khoa học xã hội hợp hơn mà!” Tôi đáp.

“Mẹ thì biết cái gì!! Cả đời mẹ chỉ quanh quẩn ở nông thôn thì hiểu tình hình xã hội đến đâu. Cả cái thiên hạ này đang mải mê kiếm tiền, mày nhìn xem có ai không thèm tiền, không cắm đầu vào để làm giàu, ăn còn chưa no thì mày học văn chương lịch sử để làm cái gì?” Chị tôi gắt gỏng.

“Chị im đi, chị nói em thế nào cũng được nhưng em cấm chị không nói về mẹ với cái giọng đấy!” Tôi hiền nhưng khá cục tính. “Em không lấy tiền đâu, chị cầm lại đi...”

“Thôi mày đừng sĩ nữa!” Chị tôi để tiền xuống cạnh bàn phím máy tính rồi đi ra. “Tao về còn đi đón cháu nữa, mày cứ nghĩ cho kỹ vào, vào Nam một thân một mình rồi lúc ốm đau bệnh tật ai chăm mày…”

Máu tôi sôi lên, nếu không có Lan ở đây chắc tôi đáp tiền xuống đất trước mặt bà chị rồi, sao cùng một mẹ sinh ra mà tính cách lại khác nhau như vậy hả trời?

Khi chị tôi đi khỏi, tôi ngại ngùng giải thích với Lan: “Xin lỗi cậu nhé, tớ thật sự không muốn cậu phải chứng kiến cảnh chị em tớ cãi nhau, tớ cũng cố nhịn rồi, chỉ là… chối tai quá nên tớ mới cãi lại.”

Lan bước ra chỗ chị tôi đứng ban nãy cầm mấy tờ tiền lên, rồi cô quay lại đặt tiền vào tay tôi và động viên: “Cậu cứ nhận lấy đi, chị ấy cũng lo cho cậu thôi mà. Chị em cãi nhau là bình thường, tớ với em trai cũng chí chóe suốt ngày.”

“Ừm.”

“Chị cậu cũng đẹp nhỉ, chị được mấy cháu rồi?”

“Bà ấy được hai con trai cậu ạ!” Tôi bình tĩnh trở lại, chẳng hiểu sao ở cạnh Lan tôi không thể bực tức hay nóng giận gì được. “Hồi trẻ cũng xinh, giờ già đi nhiều, đàn bà mà suốt ngày cau có thì nhanh già lắm.”

“Vậy à?” Lan cười, nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời ngày xuân. “Tớ phải rút kinh nghiệm cho mình mới được.”

* * *

Trên đường ra bến xe tôi kể cho Lan nghe về gia cảnh anh rể tôi, anh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện đang làm kiến trúc sư, tính tình hiền lành dễ chịu, cuộc sống vợ chồng họ cũng tầm tầm bậc trung.

Trong gia đình thì chị tôi là chủ nhà, chị thuộc mẫu người mạnh mẽ và cá tính, thích áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác, nhiều khi tôi thấy chị như kiểu người đa nhân cách vậy, ra đường giao tiếp với thiên hạ ngon ngọt khéo mồm bao nhiêu thì về nhà gay gắt cáu kỉnh với chồng con bấy nhiêu.

“Chị cậu mạnh mẽ thật đấy, ngược hẳn với tớ!” Lan nói. “Hồi cấp hai có lần đứa bạn học đặt điều cho tớ. Tớ ức lắm nên cãi nhau với nó trước mặt cả lớp, rồi cuối giờ về tớ vừa đi đường vừa khóc, tớ đúng mà tớ lại khóc, cậu thấy buồn cười không. Tớ là mẫu người sợ bạo lực, sợ xung đột và cãi vã.”

“Đúng là chị ấy mạnh mẽ, nhưng mạnh mẽ kiểu ấy khiến những người bên cạnh rất mệt mỏi.” Tôi lắc đầu, chuyện bà chị chán ngắt nên tôi chuyển đề tài: “Thôi thôi, đừng nhắc về chị ấy nữa. Quay lại chuyện của cậu đi, thi xong rồi cậu cảm thấy thế nào?”           

“Tớ ấy hả?” Cô ngẩng mặt nhìn trời và hít một hơi thật sâu. “Cảm giác rất nhẹ nhõm sảng khoái, cuối cùng tớ cũng trút bỏ được gánh nặng đeo trên vai mấy năm nay rồi.”

Khi ngồi chờ xe buýt tôi nói đã tìm được chỗ tập thể dục thẩm mỹ cho cô và kể luôn ý định đi tập của Trang. Lan cám ơn và nói rất vui vì có dịp thân hơn với Trang. Cô nói từ bé đến giờ cô chưa từng thần tượng một ai, cô thấy cuộc sống không cần thiết phải có thần tượng, để xem Trang có thay đổi được lập trường này của cô không.

Nói thêm một lúc thì xe buýt 09 đến trạm, khi Lan vừa bước lên xe tôi chợt nhớ ra cô đã học xong tiếng Anh nên vội bật dậy hỏi to: “À này!! Cậu thi tiếng Anh xong rồi, vậy cuối tuần mình có đi chơi nữa không??”

Cô quay lại và cố nói gì đó nhưng cửa xe đã đóng lại mất rồi. Qua lớp cửa kính tôi thấy cô đang ra hiệu gì đó bằng tay nhưng tôi không hiểu được ý nghĩa của những động tác ấy.

Tôi tiếc nuối nhìn theo chuyến xe buýt không biết từ lúc nào đã trở nên quá thân thuộc với hai đứa. Cuộc sống là thế đấy, người ta chỉ hiểu ra giá trị của một thứ khi nó sắp mất đi.

Ngẩn ngơ một lúc rồi tôi thất thểu đi bộ về quán, đi đến cổng trường học viện thanh thiếu niên thì có tiếng còi xe máy inh ỏi ở sau lưng. Lúc đầu tôi không quan tâm lắm, nhưng chiếc xe cứ lẽo đẽo theo sau và cố tình bấm còi trêu chọc làm tôi đi thêm được mười bước thì phải quay lại nhìn, hóa ra kẻ quấy rối đáng ghét ấy là Vũ.

Thái độ của hắn chuyển từ nhăn nhở sang bàng hoàng khi thấy mặt tôi. “Trời!! Sao cái mặt mày nhìn tởm lợm thế này??”

“Ngộ độc thực phẩm!” Tôi đáp gọn lỏn, đầu còn choáng váng đứng không vững nên tôi không muốn nói nhiều.

Tôi kể sơ qua sự tình cho Vũ nghe, sự quan tâm của hắn tuy có hơi thô lỗ nhưng được cái chân thành nên tôi cũng thấy được an ủi.

“Bây giờ người ta chỉ biết đến tiền thôi.” Hắn ca cẩm khi nghe xong chuyện. “Mày xem, ngày xưa cơm nấu chín để mãi có làm sao đâu, bây giờ nhìn mà xem, có cái loại gạo gì để từ sáng tới chiều là cơm đã bốc mùi thiu!? Thịt cũng thế, mẹ, thịt lợn gì mà toàn bơm nước, rán lên nó tóp teo lại, mà bơm nước còn may, tao vừa đọc báo mạng thấy bảo mới phát hiện ra cả lò giết lợn bơm thuốc an thần kia kìa!! Mẹ, chết, cứ thế này thì chết, bảo sao bây giờ nhiều người khó đẻ thế, ăn uống toàn hóa chất.”

Nghĩ đến mấy bác mình ở quê tôi chép miệng bình luận: “Nói đi cũng phải nói lại, mấy bác tao làm nông nên tao biết, làm nông cũng nhiều chi phí lắm, mà đa phần là tiểu nông không có điều kiện chăn nuôi trồng trọt quy mô lớn, không làm thế thì làm thế nào. May chăng có những trang trại lớn lấy số lượng bù vào còn được. Nuôi heo chất lượng hả? Thế thì cũng chờ cả năm đạt chuẩn khối lượng mới làm thịt, trong thời gian đấy lấy tiền đâu ra mà sống?”

“Thế cứ vì vậy mà tự đầu độc giống nòi à?” Hắn gào lên.

“Tao phân tích cho hết nhẽ thôi chứ chính tao cũng đang là nạn nhân đây này.”

Im im được vài giây, rồi bỗng dưng Vũ liên tưởng đến một chuyện… rất buồn cười: “Tình hình này có khi ra trường tao với con bồ cũng phải có chửa luôn rồi cưới. Ăn uống hóa chất thế này khéo nó lại tịt mất ấy chứ.”

Một làn gió lạnh từ đâu thổi qua làm toàn thân tôi run bắn lên, cả người sởn hết gai ốc, tôi ngồi sụp xuống ôm lấy gốc cây bàng và nôn, nhưng chỉ nôn khan thôi vì bụng trống rỗng từ trưa rồi.

Vũ dựng chân chống, rút chìa khóa và bước lại gần vỗ lưng tôi: “Nhìn mày thảm hại quá đi mất. Dạo này có khó khăn gì không? Tao đang tiết kiệm tiền để mua con Iphone 3GS, nhưng nếu mày cần tiền thì hỏi tao, chỗ anh em đừng ngại…”

Tôi ngạc nhiên ngước mắt nhìn lên, hắn hiểu ý trả lời luôn: “Dạo này tao thấy mày nói chuyện khách sáo lắm đấy!”

Đúng là từ ngày hắn đi làm thời gian anh em dành cho nhau ít hơn, tôi cũng cảm thấy có một chút khoảng cách với hắn. Tôi đứng dậy, bám tay vào thân cây và tiếp chuyện với hắn: “Không cần đâu, tao vẫn ổn, thiếu tao vay ngay. Mà mày mua hàng đấy làm gì, thấy bảo chỉ chơi điện tử là thích thôi, sao không mua con Nokia N8.”

Năm ấy Iphone mới ra đời nên người tiêu dùng còn rất nhiều điều nghi ngại.

“Thằng đồng nghiệp tao dùng con ấy, tao nghịch mấy lần thấy cũng hay hay nên định mua.” Vũ nhún vai. “Nhưng nhà báo đã nói vậy thì tao sẽ nghiên cứu thêm.”

“À. Hôm nay ít việc hay sao mà về sớm thế?” Tôi ngồi phịch xuống mép hàng rào học viện thở hổn hển. “Hôm trước đi chơi vô tình gặp người yêu mày, nó than thở là mày mới đi làm đã rượu chè nhậu nhẹt suốt ngày thế này thì không biết đến lúc thành chồng sẽ thế nào…”

“Ôi giời, đàn bà cứ hay lo vớ lo vẩn, mày phải đi làm rồi mới biết.” Vũ nói. “Muốn thầu được công trình là phải thế. Phải chiều bên này bên kia đủ thứ, nhảy nhót hát hò đú đởn đêm ngày mới được việc. Mẹ, làm rồi mới biết ông anh họ tao ăn chơi cũng tới bến, thế mà bà chị tao về quê suốt ngày khoe khoang là chồng mình vừa giỏi vừa chung thủy, biết chiều vợ thương con.”

“Mày có nói cho chị ấy biết không?”

“Không.” Hắn đáp thủng thẳng. “Tao có điên đâu, tao còn phải lo kiếm cơm, được đồng nào thì đem về cất kỹ. Tao vẫn chung thủy nhưng mình cũng phải hòa đồng, người ta uống thì mình cũng phải uống, người ta chơi thì mình cũng phải chơi, nhưng chỉ một tí thôi, mục đích chính là kiếm tiền. Thiên hạ thích ra sao thì ra, việc của một thằng nhà quê lên tỉnh như tao bây giờ là lo tích lũy càng nhiều càng ít.”

Rồi hắn cười đắc thắng và nói tiếp: “Hôm trước hai đứa tao đi xem bói, ông thầy nói năm sau bọn tao cưới là đẹp, số tao gần ba mươi là đổi vận, có khi thế thật ấy!”

“Được vậy thì tốt quá, tao rất mừng cho mày.”

“Ừ, thế mày thấy đỡ chưa, trời sắp tối rồi đây này.” Vũ nói. “Đi kiếm chỗ nào ăn tao kể chuyện tiếp cho nghe, hôm trước tao vào quán bia ôm có chuyện này hài lắm…”

“Mày chở tao qua quán để xem có nhờ ai trông hộ được không đã?” Tôi nói. “Tiện thể tao lấy cái điện thoại.”

Sau đó Vũ chở tôi một đoạn về quán điện tử.

Vũ có một thói quen rất xấu, dù là bạn thân của hắn nhưng tôi cũng thấy không thể chấp nhận được, đó là thói quen vừa đi đường vừa khạc nhổ.

Khi hắn dừng xe trước cửa quán, tôi than thở luôn: “Vũ này, mày có thể bỏ cái tật khạc nhổ đi được không, nhìn mất vệ sinh kinh khủng!”

“Ối dào, mày cứ khó tính, tao nhổ ra đường chứ có nhổ vào ai đâu.” Hắn bào chữa. “Mày vào quán xem nhờ được ai không rồi đi ăn cho sớm… Ơ… mà thằng Cường lên rồi đấy thôi!”

Tôi nhìn theo tay hắn chỉ, đúng là em Cường làm cùng với tôi, cậu ta đang lăng xăng chạy qua chạy lại tán chuyện với khách.

Tôi vào quán hỏi thăm tình hình gia đình Cường, em nói bố mình đã khỏe lại và mới xuất viện hôm qua.

Tôi nhờ cậu ta trực nốt và leo lên tầng tìm điện thoại.

Khi kiểm tra điện thoại thì tôi thấy có mấy cuộc gọi nhỡ và tin nhắn của Lan, hóa ra động tác tay ban nãy của cô có ý muốn nói tôi chờ nghe điện thoại của cô.

Tôi mở tin nhắn của Lan ra đọc và rú lên vì sung sướng. Tin nhắn chỉ có mấy dòng thế này thôi mà có tác dụng chữa bệnh thật ghê ghớm:

“Tớ gọi cho cậu mãi không được. Chắc cậu quên điện thoại ở quán. Đúng là tớ không phải qua đấy học nữa. Nhưng tớ thấy đi dạo cuối tuần như thế rất vui, mà cũng chẳng còn bao lâu nữa là tốt nghiệp rồi, bọn mình cứ tiếp tục đi với nhau như thế nhé, đi để sau này có kỷ niệm về một tình bạn đặc biệt cậu nhé.”

Tôi đang định nói với Lan những lời văn có cánh về tình bạn đặc biệt của chúng tôi thì thằng bạn thân lắm mồm ở dưới nhà bấm còi xe máy inh ỏi lên và tru tréo tên tôi y như một gã chủ nợ vậy, tôi đành tạm gác chuyện ấy sang một bên và chạy xuống nhà với hắn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.