Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất

Chương 54: Lời cuối sách: Kiến dữ bất kiến [1]



[1] Gặp hay không gặp, Đào Bạch Liên dịch thơ.

Vào một mùa xuân mai nở, tôi viết một câu thế này trên chữ ký cá tính của mình: Biết bao phồn hoa thành mộng cũ, nhân gian hiện lại Bạch Lạc Mai. Bạn nói có cảm giác tái xuất giang hồ, tôi điềm đạm mỉm cười. Khi viết xong cuốn thi truyện này về Tsangyang Gyatso thì đã vào mùa đông lạnh lẽo, mùa đông này, Giang Nam nhiều tuyết. Khi tôi gác bút, khấn một tâm nguyện cuối cùng: nguyện non sông tươi đẹp, thời thịnh yên vui. Sau đó cứ luôn trầm mặc, mãi đến sau Tết, ngắm bên suối cỏ xanh mơn mởn, trong vườn hoa mai nở rộ, mới bừng tỉnh cảm thấy phải kịp thời tranh thủ lấy mùa xuân.

Khoảng thời gian này, tôi biết đến “Phi thành vật nhiễu II[2]”, biết trong phim có một bé gái tên Xuyên Xuyên đã đọc một bài thơ - “Kiến dữ bất kiến”. Chính bài thơ này đã cảm động muôn ngàn người, biết bao người lệ rơi đầm đìa vì nó. Trước đó, nhiều người đều cho rằng “Kiến dữ bất kiến” là do Tsangyang Gyatso viết, và mải mê truyền xướng. Mãi đến sau này mới biết là bài thơ “Ban trát cổ lỗ bạch mã đích trầm mặc” do một nhà thơ nữ hiện đại tên Trát-tây-lạp-mẫu Đa-đa[3] viết. Mà linh cảm của bài thơ này đến từ một câu nói vô cùng nổi tiếng của đại sư Liên Hoa Sinh: “Ta chưa từng rời bỏ những người tín ngưỡng ta, hay thậm chí người không tin ta, tuy họ không nhìn thấy ta, các con của ta, sẽ mãi mãi, mãi mãi được lòng từ bi của ta bảo vệ.”

[2] Phi thành vật nhiễu II: phim điện ảnh của Trung Quốc, đạo diễn Phùng Tiểu Cương, biên kịch Vương Sóc, các diễn viên Cát Ưu, Thư Kỳ, Tôn Hồng Lôi, Diêu Thần, An Dĩ Hiên...

[3] Trát-tây-lạp-mẫu Đa-đa (sinh năm 1978): tên thật Đàm Tiếu Tỉnh, nữ Phật tử người Quảng Đông, hiện tu hành ở Bodhgaya, Ấn Độ.

Còn khi tôi xem được một câu thế này của Trát-tây-lạp-mẫu Đa-đa viết, cũng cảm động sâu sắc. “Cho dù như thế, Đa-đa bằng lòng đem vinh dự quy về Tsangyang Gyatso.” Trương Ái Linh[4] từng nói, bởi vì hiểu được, cho nên từ bi. Thứ chúng ta cứ luôn theo đuổi, chẳng phải chính là giữa người và người thêm một phần hiểu nhau, thêm một phần trân trọng, thêm một phần thương xót hay sao? Tin rằng Tsangyang Gyatso cũng sẽ không muốn đòi phần vinh dự này, với tài hoa của Ngài, khí độ của Ngài, tiêu sái của Ngài, há lại để ý cách nhìn của người đời ba trăm năm sau đối với Ngài hay sao?

[4] Trương Ái Linh (1920-1995): nhà văn nữ của Trung Quốc. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của bà bao gồm "Sắc, Giới" và "Chuyện tình giai nhân".

Tsangyang Gyatso từng có được sự tôn vinh cao nhất, được trăm ngàn tín đồ thành kính lễ bái, được nhiều cô gái xinh đẹp trong thành Lhasa kính yêu sâu sắc, đã viết vô số bài thơ tình đau khổ triền miên. Dù có bài thơ “Kiến dữ bất kiến” này hay không, Ngài vẫn là vị tình tăng tuyệt mỹ nhất trong lòng người đời, trên miền đất thần bí gọi là Tây Tạng ấy, trồng đầy hoa tình. Chỉ cần người đi ngang qua nơi ấy, thậm chí người từng đọc thơ tình của Ngài, đều sẽ trúng độc. Nhưng nhiều người biết rõ là độc, lại chẳng hỏi có thuốc giải hay không, uống ực xuống, không oán không hối. Chẳng biết, đây rốt cuộc là sức hấp dẫn của văn chương, hay là sức hấp dẫn của tình yêu, hoặc là trong tối tăm được tính Phật dẫn dắt, một khi chìm lún, khó tự rút ra.

Thật ra, cả đời này của Tsangyang Gyatso đều bị vận mệnh sắp đặt, không thể đi theo phương thức của mình. Vốn sinh ra ở một miền đất nhỏ tươi đẹp gọi là Monyu, có cô gái làng bên mơ xanh ngựa gỗ bầu bạn, vốn cho rằng có thể giữ gìn hạnh phúc bình dị này, yên ổn sống trọn đời. Tiếc rằng Ngài lại là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 Lobsang Gyatso, đời này phải trả cái giá mênh mang vì ước nợ của kiếp trước. Đệ Ba Sangye Gyatso vì tiếp tục lợi dụng quyền uy của Đạt Lai thứ 5 quản lý chính vụ của Hoàng Giáo, giữ kín không phát tang mười lăm năm đối với cái chết của Lobsang Gyatso. Còn Tsangyang Gyatso cũng đã ẩn mình mười lăm năm, mãi đến khi Ngài vào ở trong cung Potala, tòa cung điện thần thánh này hoàn toàn không cho Ngài kết quả mong muốn.

Tsangyang Gyatso đã làm con cờ của Sangye Gyatso, giống một con chim bị giam cầm trong chiếc lồng hoa lệ, không có quyền lực cao nhất, mất đi vui vẻ tự do. Nếu không phải tìm được con đường thông đến thành Lhasa trong cung Potala, Tsangyang Gyatso cũng sẽ không sở hữu tình yêu ghi lòng tạc dạ ấy. Ở một quán rượu nhỏ tên Makye Ame, Phật sống Tsangyang Gyatso đã trở thành lãng tử Dangsang Wangpo, Ngài đã phải lòng cô gái Qonggyai xinh đẹp, mới bất lực hỏi Phật: Thế gian nào có đôi đường vẹn, Chẳng phụ Như Lai chẳng phụ nàng.

Có lẽ chính vì Tsangyang Gyatso là một nhà sư, cho nên tình thâm của Ngài càng khiến người cảm động. Thế gian này có nhiều tình cảm phải gồng gánh quá nhiều bất lực, muốn yêu không thể, muốn thôi chẳng nỡ. Ai lại có thể ngồi yên trên mây, dửng dưng nhìn xuống khói lửa phàm trần mà bản thân không vương chút bụi nhỏ. Tương phùng đẹp đẽ chốn trần thế luôn khiến bạn và tôi tình khó cầm lòng, chỉ là xưa nay chẳng có tình duyên nào thật sự có thể gắn bó trọn đời. Nhưng chúng ta vẫn không hề quản ngại mà yêu, đón nhận luân hồi của gặp gỡ và ly biệt, đón nhận số mệnh nhân quả duyên đến duyên đi. Hôm nay tôi là chu sa trong lòng bạn, ngày mai trăn trở lại chân trời.

Từng có biết bao tình yêu ghi lòng tạc dạ, đều bị chúng ta nhất nhất quét xuống trần ai. Luôn có một số quá khứ sẽ trở thành hồi ức lâu dài, đồng thời không thể lãng quên. Chúng ta luôn muốn có một lẽ vĩnh hằng, nhưng lại có mấy ai bằng lòng tin tưởng vĩnh viễn. Rất nhiều người, không nề ngàn núi muôn sông, đến Tây Tạng, nhặt nhạnh dấu chân của Tsangyang Gyatso. Là vì họ muốn truy tìm một đáp án đã trầm mặc ba trăm năm chăng? Hay chỉ để tìm một bờ bên kia cho tình duyên không chốn đặt tên của mình? Có những người đã quên mất đường về, kiếp này ở lại hồ Thanh Hải, làm tri kỷ trọn đời với nước hồ, trao đổi tâm tính nhu tình với một ngọn cỏ lác. Càng có nhiều người, hối hả đi về, không kịp khấn một tâm nguyện, lại chìm vào trong biển người mênh mang.

Đời người như bèo trôi, tụ tán đôi đường mờ mịt. Lần này ra đi trải qua nhiều năm, muôn dặm núi Bồng, nào đã tham vọng còn sẽ có ngày gặp lại. Sở hữu, chẳng qua là tìm về thứ mình thất lạc, mất đi, cũng chỉ là hai tay dâng trả mọi thứ có được. Xem trời đất lâu dài đều là bèo nước gặp nhau; xem tình sâu ý nặng đều là gió nhẹ mây nhạt. Đến một ngày kia, có lẽ chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới không mừng không lụy, không thêm không bớt, không lơi không siết. Chỉ là lúc ấy, ai còn cần một vòng tay ấm ấp, ngả xuống nghỉ ngơi linh hồn mệt mỏi? Ai lại muốn vào ở trong trái tim ai, bình lặng yêu nhau, âm thầm thương tưởng?

Ba trăm năm đã qua, Tsangyang Gyatso trải qua mấy lần luân hồi chuyển thế, Ngài đã tu luyện thành gì? Tôi tin rằng, người từ bi, nguyện đem bản thân héo rụng thành bùn, thiêu đốt thành tro, dù tản mát ở bất cứ ngóc ngách nào trên thế gian này, đều có thể thản nhiên đối diện. Một giấc phù du, chúng ta chẳng qua là ở trong mộng, đạo diễn bản thân, lại ở ngoài mộng, lạnh lùng nhìn nhau, cùng người trong mộng dường như người dưng nước lã.

Người mất như thế, ngàn gọi không về. Biển biếc dàu dàu, nương dâu nhợt nhạt. Đời người chìm nổi, cỏ cây cũng có tình cảm, khói bụi cũng biết ấm lạnh. Nhưng trái tim của chúng ta luôn không tìm được một chốn về bình yên, có thể yên thân gửi phận. Biết bao tâm tình cần nuôi dưỡng, biết bao lời hứa mong đợi thực hiện, còn có biết bao lỗi lầm khao khát làm lại từ đầu. Chỉ là không trở về được nữa, thời gian cuồn cuộn, như nước chảy về đông, chẳng thể quay đầu lại. Một mở một khép, một ly một hợp, một vui một buồn của ba trăm năm trước cũng chỉ là chớp mắt. Có những tình cảm rốt cuộc không thể thay thế, có những duyên phận định sẵn ngắn ngủi như vậy.

Tsangyang Gyatso từng quỳ trước Phật, thốt ra câu hỏi hoang mang mà tình sâu. Đại ái vô ngôn, không cầu mỗi người đều từ bi khoan dung như Phật, chỉ mong mỗi trái tim thêm một chút hiền lành, bớt một chút ý ác. Phải tin rằng, linh hồn của chúng ta rất đỗi yếu đuối, một bài tình ca, một đoạn câu từ, một lối gieo vần, đều có thể khiến nó bồi hồi xao xuyến. Đã là như thế, lại còn có điều gì không thể tha thứ, còn có điều gì không thể chịu đựng?

Hãy hết lòng trân trọng, trân trọng một cuộc tình duyên mà bạn và tôi sở hữu. Để núi thần hồ thánh làm chứng, nói với Tsangyang Gyatso, chúng ta cũng từng thu xếp hành tranh đến kiếp trước tìm Ngài, dù lưu lạc cùng khốn, vẫn vì Ngài dâng hiến trái tim ban sơ tinh khiết đẹp đẽ. Bất kể gặp gỡ hay không, chúng ta đều là những người từng được Ngài cứu rỗi. Đã yêu thích “Kiến dữ bất kiến” như thế, thì lấy bài thơ này làm kết cuộc, giống như khởi đầu của đoạn tình sâu ấy năm xưa.

Nàng gặp, hay không gặp ta

Ta vẫn ở đây

Không mừng, không lụy

Nàng nhớ, hay không nhớ ta

Tình vẫn ở đây

Không còn, không mất

Nàng yêu, hay không yêu ta

Yêu vẫn ở đây

Không thêm, không bớt

Nàng theo, hay không theo ta

Tay ta vẫn nơi nàng

Không lơi, không siết

Hãy ngả vào lòng ta

Hoặc là

Dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng

Bình lặng yêu nhau

Âm thầm thương tưởng.

Bạch Lạc Mai

Tháng 2 năm 2011 tại sơn trang Lạc Mai

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.