Giải Mật

Chương 3-3



Sự bí ẩn của Kim Trân bắt đầu từ buổi chiều hôm ấy, tức là ngay buổi chiều Trịnh Thọt và ông Lily mật đàm, bắt đầu tiết lộ. Buổi chiều hôm ấy, Trịnh Thọt đưa Kim Trân đi bằng chiếc xe Jeep, đến tối mới về, vẫn là chiếc ô tô con đưa về. về đến nhà, ánh mắt Kim Trân bắt đầu tỏ ra bí ẩn, đã lâu Kim Trân không nhìn những người trong gia đình bằng ánh mắt thân thiết, có thể nói sự bí ẩn lộ ra ở hành vi, cho mọi người cảm giác sau khi đi với ông Trịnh, cậu có sự ngăn cách với người trong nhà. Hồi lâu sau, ông Lily vặn hỏi, cậu ta mới thở dài, ấp úng:

“Thầy Hiệu trưởng đưa em đến một nơi mà em không muốn đến.”

Nói năng rất nhẹ nhàng, nhưng lại rất nặng nề, khiến những người có mặt, ông Lily, bà vợ và thầy Dung, đều ngạc nhiên.

Ông Lily hỏi: “Có chuyện gì?”

Cậu ta nói: “Em cũng không biết phải nói thế nào, lúc này em chỉ có thể nói những điều không thể nói.”

Những ánh mắt vốn căng thẳng thêm căng thẳng.

Bà Lily khuyên: “Nếu em thấy không nên đi thì thôi, không nhất thiết phải đi.”

Kim Trân nói; “Không đi không được.”

Bà Lily nói: “Đâu có chuyện? Thầy Hiệu trưởng (chỉ ông Lily) là thầy Hiệu trưởng, em là em, thầy đồng ý không thể nói là em phải đồng ý. Cô thấy em vẫn nghe lời thầy, việc này em tự quyết định, muốn đi thì đi, không thích đi thì thôi, để cô nói giúp em.”

Kim Trân nói: “Không thể được.”

Bà Lily nói: “Tại sao không?”

Kim Trân nói: “Họ đã chấm rồi thì không ai có thể từ chối.”

Bà Lily nói: “Cơ quan nào, đơn vị nào mà quyền hành to vậy?”

Kim Trân nói: “Không thể nói ra.”

Bà Lily nói: “Ngay cả với cô giáo cũng không thể nói được à?”

Kim Trân nói: “Không thể nói với bất cứ ai, em đã tuyên thề...”

Ngay lúc ấy, ông Lily vỗ tay, đứng dậy, rất hiên ngang, nói: “Thôi, đừng nói gì nữa, bao giờ đi? Quyết định chưa? Chúng ta chuẩn bị cho Trân.”

Kim Trân nói: “Đi ngay trước khi trời sáng.”

Đêm hôm ấy cả nhà không ai ngủ, mọi người bận chuẩn bị cho Kim Trân, đến bốn giờ sáng, hành lí đã sẵn sàng, chủ yếu có sách vở, áo quần mùa đông, tất cả đóng vào hai cái thùng giấy. Chuẩn bị thêm những đồ dùng hàng ngày, tuy Kim Trân và ông Lily nói, có những thứ có thể tạm thời mua sắm, khỏi cần đem theo, nhưng hai người phụ nữ chừng như không kiềm chế nổi, cứ lên lên xuống xuống, moi óc suy nghĩ, lúc là cái đài thu thanh, lúc là bao thuốc lá, lúc gói trà, thuốc chữa bệnh, rất chi tiết, rất kiên nhẫn, nhét đầy va li. Gần năm giờ, mọi người xuống tầng dưới, bà Lily tâm trạng rối bời, không thể vào bếp lấy thức ăn sáng cho Kim Trân, bà đành bảo con gái làm. Nhưng bà vẫn ngồi trong bếp, không rời nửa bước chỉ huy con gái, yêu cầu này khác. Không phải thầy Dung không biết nấu nướng, mà vì bữa ăn này rất không bình thường, bữa ăn tiễn biệt. Trong lòng bà Lily, bữa ăn tiễn biệt phải đạt được bốn yêu cầu:

1. Món chính là một tô mì mang ý nghĩa bình an, trường thọ;

2. Mì phải là mì kiều mạch, mì kiều mạch mềm hơn mì bình thường, mang ý nghĩa con người có thể co, có thể duỗi;

3. Gia vị nhất thiết phải có dấm chua, ớt cay và nhân đào, nhân đào đắng, ý nói có cả chua cay ngọt đắng, trong đó ba vị chua, cay, đắng để lại nhà, ra đi chỉ có ngọt ngào.

4. Số lượng thà ít hơn nhiều, vì đến lúc ăn Kim Trân sẽ không bỏ thừa một tị nước canh nào, tượng trưng cho sự viên mãn, trọn vẹn.

Thật ra, đấy là tấm lòng của bà Lily hơn là một tô mì, tô mì là lời chúc mừng và mong đợi.

Tô mì ngụ ý sâu sắc được đưa lên bàn, bà Lily bảo Kim Trân ăn, bà ngồi bên cạnh lấy ra một miếng ngọc có khắc hình con hổ nằm, ấn vào tay Kim Trân, bảo cậu ta ăn xong rồi cài vào thắt lưng, đem theo nó sẽ gặp may. Đúng lúc ấy, ngoài cửa có tiếng ô tô dừng lại. Chỉ lát sau, ông Trịnh đưa người lái xe vào, sau khi chào hỏi mọi người, ông ta bảo người lái xe đưa hành lí của Kim Trân lên xe.

Kim Trân vẫn lặng lẽ ăn hết tô mì, cậu ta im lặng từ lúc bắt đầu ăn, im lặng không lời nào có thể tả nổi. Tô mì đã ăn không còn một giọt nước canh nào, nhưng cậu ta vẫn lặng lẽ ngồi yên, không có ý đứng dậy.

Trịnh Thọt đi tới, vỗ vai cậu ta, tưởng như đã là người của anh ta, nói: “Chào mọi người đi, tôi chờ cậu ở xe.” Anh quay đầu, chào bà Lily và thầy Dung.

Căn phòng lặng lẽ, những ánh mắt lặng lẽ thu lại, ngưng đọng. Tay Kim Trân vẫn nắm chặt viên ngọc, cậu đang cố bóp viên ngọc, tiếng động duy nhất trong căn phòng.

Bà Lily nói: “Em để nó vào lưng quần, nó sẽ cho em vận may.”

Kim Trân đưa viên ngọc lên hôn, chuẩn bị nhét vào lưng quần.

Ngay lúc ấy, ông Lily cầm lấy viên ngọc tròng tay Kim Trân, nói: “Chỉ những kẻ phàm phu tục tử mới cần nó đưa lại may mắn, em là một thiên tài, hãy tin vào tài năng của bản thân.” Nói xong, ông rút từ trong túi ra cây bút máy đã dùng nửa thế kỉ nay, đưa cho Kim Trân, nói: “Em cần cái này hơn, em ghi lại những suy nghĩ của mình, dừng để nó trôi mất, em sẽ nhận ra không có ai bằng mình.”

Kim Trân lặng lẽ hôn cây bút máy rồi cài nó lên ngực áo. Bên ngoài có tiếng còi ô tô, chỉ một tiếng rất ngắn. Kim Trân như không nghe thấy, vẫn ngồi im.

Ông Lily nói: “Họ đang giục em đấy.”

Kim Trân vẫn ngồi bất động.

Ồng Lily nói: “Em đi làm việc cho nhà nước, phải vui vẻ chứ.”

Kim Trân vẫn ngồi bất động.

Ông Lily nói: “Trong nhà là nhà của em, ngoài kia là đất nước, không có đất nước sẽ không có nhà, đi đi, đừng mất thì giờ nữa.”

Kim Trân vẫn ngồi bất động, tưởng như nỗi buồn li biệt gắn chặt cậu vào cái ghế, không động đậy nổi.

Bên ngoài lại có tiếng còi ô tô, tiếng còi dài hơn vừa rồi. Ông Lily nhìn Kim Trân vẫn ngồi yên, ông đưa mắt nhìn bà vợ, như bảo hãy nói với nó một câu.

Bà Lily đi tới, hai tay nhẹ nhàng đặt lên vai Kim Trân, nói: “Đi đi, em, đằng nào cũng phải đi, cô chờ thư em.”

Bàn tay bà Lily như làm Kim Trân bừng tỉnh, cậu mơ màng đứng dậy, vội vàng bước ra cửa, nhưng vẫn im lặng, bước chân nhẹ nhàng giống như những bước mộng du, khiến những người trong gia đình đều không hiểu ra sao, giống như mộng du cùng cậu ta. Ra đến cửa, Kim Trân bỗng quay lại, quỳ thụp xuống, cúi lạy ông bà Lily, nói với giọng đầy nước mắt:

“Mẹ, con đi, dù đến chân trời góc biển nào con cũng là...” Đó là sự việc xảy ra lúc hơn năm giờ sáng ngày mười một tháng sáu năm 1956, vào thời điểm ấy, Kim Trân thiên tài toán học suốt hơn một chục năm sống tại Đại học N yên tĩnh và ồn ào, như một cái cây, như một truyền thuyết, bước vào con đường bí mật, không quay trở lại. Trước lúc đi, cậu ta đề nghị ông bà Lily cho cậu được gọi là Dung Kim Trân, cậu chia tay với cái tên mới, thân phận mới, từ cuộc chia tay đầy lưu luyến, cảm động đến khuôn mặt đầm đìa nước mắt, cả người ra đi và người ở lại đều hiểu đây là cuộc chia li không bình thường. Có thể nói không quá rằng, từ đấy về sau không ai biết Kim Trân đi đâu, cậu ta biến mất trong bóng tối của buổi bình minh cùng chiếc xe Jeep, lại giống như một cánh chim đưa cậu ta đến một thế giới khác. Có cảm giác cái tên mới (hoặc thân phận mới) làm một bức màn đen che khuất quá khứ và tương lai của Kim Trân, ngăn cách cậu ta với thế giới hiện tại. Từ đấy về sau, mọi người chỉ biết cậu ta ở đâu đấy, cái nơi có địa chỉ gửi thư:

Hòm thư số 36 - thành phố C.

Hình như rất gần ngay bên cạnh.

Nhưng chẳng ai biết đấy là nơi nào.

(Ghi theo lời kể của thầy Dung)

Tôi đã từng hỏi mấy sinh viên đã tốt nghiệp về làm việc ở các bưu cục, hòm thư số 36 của thành phố này là đơn vị nào, ở đâu? Câu trả lời đều không biết, tưởng như đấy là địa chỉ ngoài trái đất. Lúc đầu tôi cư nghĩ địa chỉ này ở ngay trong thành phố, nhưng khi nhận được thư của Kim Trân, thời gian thư đi trên đường đã mách bảo với tôi, đấy không phải là chuyện có thể bịt được mắt mọi người. Có thể nơi ấy rất xa, có thể là dưới lòng đất một nơi thật xa.

Lá thư đầu tiên Trân viết sau khi rời gia đình được ba ngày, chúng tôi nhận được vào ngày thứ mười hai. Trên bì thư không có địa chỉ người gửi, góc bì thư vẫn đề địa chỉ là một câu nói của Mao Chủ tịch: sống vĩ đại, chết vinh quang. Là thủ bút của Mao Chủ tịch, được in màu đỏ. Đặc biệt bì thư không có dấu bưu cục xuất phát, chỉ có dấu bưu cục nhận. Tất cả các thư sau đều như thế, cùng một loại bì thư, cũng không có dấu bưu cục phát, thời gian chuyển thư gần bằng nhau, khoảng tám, chín ngày. Cho đến khi Cách mạng Văn hoá bắt đầu, câu nói của Mao Chủ tịch được thay bằng lời bài hát được lưu hành rộng rãi thời đó: Ra khơi nhờ tay lái vững. Còn nữa không có gì thay đổi. Bí mật quốc gia là gì? Từ những bức thư bí ẩn của Trân mà tôi biết được chút ít.

Mùa đông năm Trân đi, tháng mười hai, vào một buổi tối, ngoài trời gió to, nhiệt độ bỗng hạ thấp, lúc ăn cơm, cha bỗng cảm thấy đau đầu, mọi người đều nghĩ cha bị cảm lạnh, cha uống mấy viên Aspirine rồi lên lầu đi nằm. Mấy tiếng đồng hồ sau, khi mẹ lên giường đi ngủ, phát hiện người cha vẫn nóng, nhưng đã tắt thở. Vậy là cha đã đi, tưởng như mấy viên thuốc uống trước khi đi ngủ là thuốc độc, chừng như cha biết không có Trân đề tài nghiên cứu khoa học của cha đã bị đẻ non, cho nên cha dứt khoát kết thúc đời mình.

Tất nhiên, sự thật không phải thế, là bởi máu tràn màng não đã cướp sinh mệnh của cha.

Có gọi Trân về hay không, lúc đầu tôi rất do dự, chỉ nghĩ Trân đi chưa được bao lâu, nơi công tác của nó rất quan trọng và bí mật, lại rất xa. Lúc ấy tôi đã xác định Trân không ở thành phố này. Cuối cùng mẹ quyết định gọi Trân về, mẹ nói: Trân mang họ Dung, gọi mẹ bằng mẹ, nó là con của mẹ, cha qua đời tất nhiên phải gọi về. Vậy là tôi đánh điện cho Trân, báo để Trân về chịu tang.

Nhưng không phải là Trân về mà là một người lạ, anh này thay mặt Trân đến đặt vòng hoa viếng cha. Vòng hoa rất lớn, lớn nhất trong số những vòng hoa đưa đến viếng, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy không được an ủi, thậm chí còn buồn đau hơn. Nói thật, chúng tôi hiểu Trân, nếu có thể về Trân sẽ về, Trân là người coi nghĩa tử là nghĩa tận, hễ biết thể nào Trân cũng tìm mọi cách để về, không phải là người sợ hãi điều gì. Trân không về, tất nhiên chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều, không hiểu tại sao, có thể người đến viếng đã nói không rõ ràng, những là sau này gia đình có chuyện gì, khả năng Trân về thăm là rất ít, những là họ là anh em thân thiết với Kim Trân, họ đến là thay mặt Trân; những là anh ta không thể trả lời gia đình, chuyện ấy không thể nói, vân vân. Tôi nghe và nghĩ, có lúc nghĩ đã có chuyện gì xảy ra với Trân rồi chăng, chết chẳng hạn. Nhất là từ đấy về sau thư của Trân cứ thưa dần, ngắn dần, hơn nữa năm nào cũng vẫn vậy, chỉ thấy thư không thấy người, càng ngày tôi càng nghĩ Trân không còn sống trên đời này nữa. Trong một cơ quan vừa bí ẩn vừa bí mật có liên quan đến an nguy quốc gia, có thể sinh mệnh rất dễ vĩ đại, cũng dễ giành được vinh quang, nhưng cũng đưa lại cho gia đình hiện tượng giả người chết như đang sống. Có thể nói đấy là phương thức để chúng tôi thể hiện sự vinh quang, là một bộ phận của vinh quang. Tóm lại, Trân theo năm tháng không về thăm nhà, không trông thấy con người Trân, không nghe tiếng nói của Trân, chỉ dựa vào những bức thư, tôi không còn tin Trân có thể bình an trở về.

Đến năm 1966, Đại Cách mạng Văn hoá bùng nổ, trái bom chôn vùi trong số phận tôi mấy chục năm cũng bùng nổ, một tờ báo chữ to vạch tội tôi, bảo tôi yêu tha thiết con người kia (bạn trai của thầy Dung), thế là đủ loại suy luận, giả tưởng ma quái, táo tợn, li kì liên tiếp xuất hiện, nào là ngoài anh ấy ra tôi không lấy ai, nào là yêu anh ấy tức là yêu Quốc Dân đảng, nào là tôi là tình nhân của Quốc Dân đảng, tôi là gián điệp của Quốc Dân đảng, vân vân, họ nói đủ thứ, nói chắc như đinh đóng cột, không được phép nghi ngờ.

Ngay buổi chiều báo chữ to dán lên, mấy chục sinh viên nhao nhao đến bao vây nhà tôi, có thể cái uy của cha tôi còn dư lại, chúng chỉ hò hét không xông vào nhà lục soát, về sau ông Hiệu trưởng kịp thời đến khuyên bọn chúng. Đấy là tai hoạ đầu tiên của tôi, chừng như chỉ đến thế, không có những hành vi quá khích.

Hơn một tháng sau, tai hoạ thứ hai đến với tôi. Mấy trăm con người áp giải ông Hiệu trưởng, theo sau là mấy nhân vật quyền uy của trường, họ đến và xông vào nhà tôi, lôi cổ tôi ra, chụp lên đầu cái mũ có chữ “Tình nhân Quốc Dân đảng”, đẩy vào tốp người bị phê đấu, đưa đi bêu rếu như một lũ tội phạm. Sau đấy, họ nhốt tôi vào nhà vệ sinh cùng một cô giáo khoa hoá vốn có dư luận sinh hoạt thiếu lành mạnh, ban ngày lôi ra đấu, buổi tối bắt viết kiểm điểm. Hai chúng tôi bị cạo nửa đầu, người không ra người ma không ra ma. Một hôm, trong buổi phê đấu, mẹ trông thấy tôi, bà hoảng sợ quá, ngất ngay tại chỗ.

Mẹ nằm bệnh viện không biết sống chết thế nào, bản thân không biết là người hay ma, những ngày này tôi như trong chảo mỡ nóng. Tối hôm ấy, tôi lén gửi cho Trân một bức điện, điện chỉ một câu: “Nếu còn sống hãy về cứu chị!” Bức điện với danh nghĩa mẹ. Hôm sau, một sinh viên đồng cảm với tôi giúp tôi đánh điện. Điện gửi đi rồi, tôi suy nghĩ các khả năng, khả năng lớn nhất là không có hồi âm, kế đó là khả năng có người về như hồi cha chết, tôi nghĩ không có khả năng Trân về, càng không dám nghĩ Trân xuất hiện một cách nhanh chóng. 

Hôm ấy, thầy Dung cùng với “đồng đảng” tiếp nhận sự phê đấu ở toà nhà khoa hoá. Hai người đứng ở bậc thềm sảnh ra vào, đầu đội mũ, ngực đeo tấm biển có những chữ thật to, hai bên là cờ đỏ và băng khẩu hiệu, dưới là sinh viên và cán bộ giảng dạy, chừng hai trăm người, họ ngồi, người phát biểu đứng dậy, cảm giác rất có trật tự.

Cứ như vậy, bắt đầu từ mười giờ sáng, vừa vạch tội, vừa phê phán. Đến trưa, họ ăn cơm tại chỗ, thầy Dung và những người bị đấu ngồi đọc “Lời dạy của Mao chủ tịch”, đến hơn bốn giờ chiều, hai người đứng chân đã tê mỏi, khuỵu xuống. Lúc ấy, một chiếc ô tô có gắn quân hiệu bỗng chạy tới, đứng trước toà nhà, khiến mọi người phải chú ý. Ba người từ trên xe bước xuống, hai người cao to kèm giữa một người thấp bé, đi thẳng vào hiện trường đấu tố. Họ sắp bước lên bậc thềm thì bị Hồng vệ binh canh gác ngăn lại, hỏi họ là ai. Người nhỏ con đi giữa nói với vẻ hách dịch:

“Tôi đến đưa bà Dung Nhân Dịch đi.”

“Anh là người thế nào?”

“Người đến đưa bà ấy đi.”

Một Hồng vệ binh thấy người kia nói năng đàng hoàng, mặt cau có, lớn tiếng đáp:

“Mụ ấy là tình nhân của Quốc Dân đảng, không được đi!”

Người nhỏ con giận dữ nhìn anh Hồng vệ binh kia, lớn tiếng chửi thẳng: “Láo! Nếu bà ấy là Quốc Dân đảng, vậy tao đây cũng là Quốc Dân đảng à? Nói cho mày biết, hôm nay tao phải đưa bà ấy đi bằng được, tránh ra!”

Nói xong, họ gạt những người ngăn cản, bước lên thềm.

Lúc ấy, không biết ai đó gào to: “Chúng dám chửi Hồng vệ binh chúng ta, gô cổ chúng lại!”

Mọi người đứng bật dậy, tràn ra, vây lấy anh kia và tung đòn hội chợ. Nếu không có người bảo vệ, người kia chắc đã chết vì đòn hội chợ, rất may hai người bảo vệ anh ta cao lớn, xem ra là người bản lĩnh cao cường, chỉ vài động tác đã tạo thành vòng tròn để người kia đứng ở giữa, hai người như hộ vệ, hô to:

“Chúng tôi là người của Mao Chủ tịch, ai đụng đến chúng tôi người đó không phải là người của Mao Chủ tịch, không phải là Hồng vệ binh. Chúng tôi là người thân nhất của Mao Chủ tịch, tránh ra, tránh ra!”

Dựa vào sự dũng cảm, hai người cứu được người bé nhỏ ra khỏi vòng vây, một người hộ tống anh kia chạy, một người nữa chạy theo sau, nhưng bỗng quay lại, rút khẩu súng lục từ trong người ra, bắn chỉ thiên, hét lên: 

“Đứng lại! Mao Chủ tịch cử tôi đến đây.”

Tiếng súng và vẻ uy nghiêm của anh ta đã trấn áp được đám đông, họ đứng lại nhìn thẳng vào anh ta. Nhưng phía sau có ai đó hô to: Hồng vệ binh không sợ chết, không sợ hắn. Xem ra sắp xảy ra xô xát. Lúc ấy anh ta lấy từ trong túi ra một cuốn sách bìa đỏ, trên bìa có in hình quốc huy, mở ra một trang, giơ cao, nói thật to:

“Các người thấy đây, chúng tôi là người của Mao Chủ tịch! Chúng tôi chấp hành nhiệm vụ của Mao Chủ tịch giao, kẻ nào dám ngăn cản, Mao Chủ tịch sẽ cử quân đội đến bắt. Lúc này chúng ta đều là người của Mao Chủ tịch, có gì thì nói với nhau, mời lãnh đạo của các đồng chí đứng ra, Mao Chủ tịch sẽ nói chuyện.”

Có hai người tách khỏi đám đông, người kia cất súng, gọi hai người đến thì thầm điều gì đó, hai người bị thuyết phục, quay lại nói với đám đông rằng anh ta đúng là người của Mao Chủ tịch, yêu cầu mọi người về chỗ cũ. Chỉ lát sau, hiện trường trở nên yên tĩnh, hai người chạy xa mấy chục mét cũng quay lại, một người dẫn đầu đám đông đi tới bắt tay người bé nhỏ, một người nữa giới thiệu cho mọi người biết anh ta là anh hùng của Mao Chủ tịch, yêu cầu mọi người vỗ tay. Tiếng vỗ tay thưa thớt, chứng tỏ mọi người vẫn còn thắc mắc về người anh hùng này. Có thể sợ xảy ra chuyện gì nữa, người bắn súng không để người anh hùng đến gần, anh ta đi tới thì thầm điều gì, đưa anh kia lên xe, bảo lái xe cho xe chạy, còn anh ta ở lại.

Xe nổ máy, người anh hùng thò đầu ra cửa xe, kêu to:

“Chị, chị đừng sợ, em đi gọi người đến cứu chị.”

Người ấy là Kim Trân, Dung Kim Trân.

Tiếng gọi của Kim Trân vang vọng trên đầu mọi người, dư âm vẫn chưa tan thì đã có thêm một chiếc xe Jeep gắn quân hiệu chạy đến, dừng gấp trước cái xe của Kim Trân. Ba người từ trong xe chui ra, hai người mặc quân phục sĩ quan, họ đến nói gì đó với người vừa bắn súng, sau đấy giới thiệu để anh ta làm quen với một người. Người này là nhân vật số một của Hồng vệ binh nhà trường, vẫn gọi là Tư lệnh Dương.

Mấy người đứng bên chiếc xe bàn bạc một lúc, thấy Dương với vẻ nghiêm khắc đi đến đám Hồng vệ binh, không nói câu nào, giơ cao sách đỏ hô to Mao Chủ tịch muôn năm, những người ngồi dưới hô theo, hô cho đất rung núi chuyển. Hô xong, anh ta nhảy lên bậc thềm, lấy cái mũ trên đầu và tấm biển đeo trước ngực thầy Dung, nói với mọi người ngồi dưới: “Tôi xin bảo đảm với Mao Chủ tịch, bà không phải là tình nhân của Quốc Dân đảng, mà là chị của anh hùng chúng ta, là người thân của Mao Chủ tịch, là đồng chí cách mạng nhất của chúng ta.”

Nói xong, anh ta lại giơ nắm tay, liên tiếp hô to:

Mao Chủ tịch muôn năm!

Mao Chủ tịch muôn năm!

Mao Chủ tịch muôn năm!

Hô xong, anh ta lấy huy hiệu Hồng vệ binh xuống, tự tay gài cho thầy Dung. Ngay lúc ấy lại có người hô khẩu hiệu, hô không ngớt, giống như hô để đưa tiễn thầy Dung, thật ra là để che chở cho thầy Dung, tiếng hô khẩu hiệu sẽ làm mọi người bớt chú ý đến thầy. Vậy là thầy Dung giữa tiếng hô khẩu hiệu như sóng trào, kết thúc giai đoạn lịch sử bị cách mạng trừng phạt.

(Ghi theo lời kể của thầy Dung)

Nói thật, ngay lúc bấy giờ tôi không nhận ra Trân. Mười năm không gặp, trông Trân còn gầy hơn xưa, Trân đeo cặp kính dày như đít chai, giống như một ông lão, khiến tôi không dám nhận, cho đến khi Trân gọi chị, tôi mới như bừng tình giấc mơ. Nhưng giấc mơ ấy vẫn không tỉnh lại nổi, cho đến nay tôi vẫn nghi ngờ sự việc hôm ấy là mơ hay thực?

Khoảng thời gian từ khi gửi bức điện đi cho đến khi gặp lại Trân rất ngắn, có thể ở ngay thành phố này. Trân về, tỏ ra là người vừa có quyền, vừa bí ẩn, hình như đã trở thành nhân vật quan trọng. Hôm Trân ở nhà, người bắn súng giống như cái bóng luôn bám sát Trân, có cảm giác như bảo vệ lại như theo dõi, quản lí Trân không để tự do, chúng tôi nói gì với nhau, anh ta cũng can dự, không cho hỏi chuyện này, không cho nói chuyện kia. Cơm tối có ô tô đưa đến, về danh nghĩa nói là tránh phiền hà cho chúng tôi, thật ra là sợ chúng tôi bỏ thuốc độc vào thức ăn. Ăn xong, người kia giục Trân đi, mẹ và Trân yêu cầu, anh ta mới để Trân ở lại một đêm. Việc ấy hình như rất nguy hiểm đối với Trân, vì thế có thêm hai chiếc xe con nữa đến, bố trí canh phòng cửa trước cửa sau nhà tôi, có đến bảy tám người, mặc quân phục có, mặc thường phục có, anh ta và Trân ngủ cùng phòng trước khi ngủ, anh ta đi xem xét săm soi khắp lượt. Hôm sau, Trân đòi đi thăm mộ cha, bị họ từ chối thẳng thừng.

Vậy là, Trân về như giấc mơ, như một giấc mơ ở lại một đêm, ra đi cũng như một giấc mơ.

Qua lần gặp mặt ấy, Trân vẫn là điều bí ẩn đối với chúng tôi, thậm chí rất bí ẩn, điều mà chúng tôi biết rõ là Trân vẫn sống, đã lấy vợ, nghe nói lấy vợ cách đây ít lâu, vợ cùng làm một chỗ, chúng tôi không có cách nào biết được Trân đang làm việc gì, ở đâu, chỉ biết cô ấy tên là Cù Lợi, người Bắc Kinh. Cứ nhìn vào hai tấm ảnh Trân đưa về, cô này cao to hơn Trân, trông khoẻ mạnh, có điều ánh mắt rất buồn, giống như Trân, không thích thổ lộ bản thân. Trước khi đi, Trân ấn vào tay tôi một cái phong bì, rất dày, nói là của vợ gửi, bảo lúc nào Trân đi rồi hãy mở ra xem. về sau tôi xem, trong đó có hai trăm đồng và một lá thư của vợ Trân viết, thư nói cấp trên không đồng ý để cô cùng Trân về thăm nhà, rất xin lỗi. Khác với Trân, cô ta gọi mẹ tôi là má, má kính yêu.

Trân đi được ba hôm, người vẫn thay mặt đơn vị của Trân đến chúc mừng gia đình chúng tôi mỗi kì lễ tết, đưa đến cho chúng tôi một văn bản của Quân khu cùng với Ủy ban Cách mạng của tỉnh, nội dung nói: Dung Kim Trân được Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân uỷ trung ương phong tặng danh hiệu Anh hùng cách mạng, gia đình Cách mạng, gia đình Vinh quang, không một đơn vị nào, tổ chức hoặc cá nhân nào được đụng đến, không được có bất kì hành vi sai trái nào đối với bản thân người anh hùng. Trên văn bản còn ghi thêm: những ai vi phạm đều bị coi là phản cách mạng. Văn bản do chính Tư lệnh quân khu kí. Văn bản này như một thanh bảo kiếm, dựa vào nó, từ nay về sau gia đình chúng tôi không gặp bất cứ một rắc rối nào, kể cả tôi. Dựa vào văn bản ấy, anh trai tôi được về lại Đại học N, sau đấy được ra nước ngoài cũng là nhờ nó. Anh tôi nghiên cứu siêu dẫn, hồi ấy, thử hỏi trong nước lấy đâu ra điều kiện? Phải ra nước ngoài. Nhưng thử nghĩ, hồi ấy ra nước ngoài khó khăn đến chừng nào? Với một ý nghĩa nào đó, vào những năm tháng đặc biệt ấy, đúng là Trân đã tạo cho chúng tôi điều kiện sống và môi trường công tác bình thường, thậm chí có thể gọi là lí tưởng.

Nhưng Trân đã có cống hiến to lớn đến mức nào cho đất nước để có được vinh quang và quyền uy thần kì đến vậy, thậm chí Trân có thể xoay chuyển thời đại một cách dễ dàng trong lòng bàn tay mình, quả là một bí mật lớn đối với chúng tôi. Sau lần Trân về cứu tôi, người của khoa hoá lan truyền dư luận bảo Trân là người có công làm ra bom nguyên tử của nước ta, tin đồn rất cụ thể. Tôi chợt cảm thấy có thể tin được, bởi vì, về mặt thời gian rất phù hợp, nước ta thử thành công bom nguyên tử vào năm 1964, đúng khoảng thời gian Trân đi; thứ hai, về mặt chuyên ngành cũng đúng, nghiên cứu bom nguyên tử cần có nhà toán học tham gia; một điều nữa là, theo tôi nghĩ, chỉ có làm việc ấy Trân mới phải bí mật đến thế, quan trọng và vinh dự đến thế. Mãi đến những năm tám mươi, trong danh sách Nhà nước khen thưởng những người có công làm ra bom nguyên tử và bom khinh khí, không có Trân, không biết có phải Trân đổi tên hay chỉ là tin đồn? 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.