Giếng Thở Than

Chương 20: Chuyện một mất tích và một xuất hiện



Những lá thư mà tôi in ra đây được một người gửi cho tôi vì biết tôi quan tâm đến chuyện ma. Đây là chuyện có thật. Giấy, mực, hình thức chúng chứng tỏ chuyện xảy ra vào lúc nào là vấn đề không cần bàn cãi.

Duy có một điểm không biết người viết là ai. Ông ta chỉ ký hai chữ đầu tên họ. Phong bì gửi thư không được giữ lại, thành ra họ của người nhận thư – rõ ràng là một người Anh đã có gia đình – cũng mờ mịt như họ người viết thư vậy. Tôi nghĩ chẳng cần giải thích gì thêm. May mắn là những lá thư đầu tiên cung cấp mọi điều ta mong đợi.

Thư thứ nhất .

Great Chrishall 22, tháng 12 1937

Anh Robert thân mến! Thật tiếc cho dịp vui mà em sắp bỏ qua, lý do hẳn anh cũng sẽ phải lấy làm đáng tiếc cho em. Em không thể đến chỗ anh để mừng Giáng sinh được, không thể làm khác vì cách đây mấy Giờ em có nhận được thư bà Hunt ở bà già – nói là chú Henry của chúng ta bị mất tích một cách bí ẩn, và bà đề nghị em xuống đó tham gia vào cuộc tìm kiếm. Em nghĩ, xưa nay em và cả anh nữa, đều ít gặp chú, yêu cầu này không thể coi nhẹ được. Em định đi bằng xe thư chiều nay, tối thì đến đó và sẽ không tới nhà mục sư đâu mà ở khách sạn King's Head. Anh có thể gửi thư tới nơi. Em gửi kèm theo đây một thương phiếu nhỏ anh dùng cho bọn trẻ. Em sẽ viết cho anh mỗi ngày (hy vọng không ngay nào em bị ngăn trở) kể cho anh nghe tình hình đến đâu, hãy tin chắc nếu việc giải quyết xong mà kịp về dự Giáng sinh thì em sẽ đến thái ấp. Em chỉ còn vài phút. Chúc mừng cả nhà. Em rất tiếc, xin hãy tin như vậy.

Em thân mến của anh,

W.R.

Thư thứ hai

Kíng's Head, 23 tháng 12 1937.

Anh Robert thân mến! Trước hết, không có tin tức gì về chú Henry cả, anh không nên hy vọng em về dự lễ Giáng sinh được. Tuy nhiên, ý nghĩ của em lúc nào cũng ở bên anh, chúc anh những điều tốt đẹp nhất nhân ngày lễ. Anh hãy lưu ý đừng để các cháu mất một xu nào trong việc mua quà cho em đấy nhé.

Từ khi đến đây em mới nhận ra mình đã coi nhẹ việc đã xảy ra với chú. Qua lời mọi người thì rất ít hy vọng chú còn sống, tuy nhiên khó xét được do tai nạn hay do ý đồ gì mà chú bị mang đi. Sự việc như sau. Năm giờ chiều thứ sáu ngày 19, chú đi nhà thờ đọc kinh buổi chiều, kinh ngắn như mọi ngày, xong thì thư ký đưa tin đến. Có người ốm yêu cầu chú đến thăm tại một túp nhà tranh cách đó hai dặm. Chú thăm xong đến sáu giờ rưỡi thì ra về. Em chỉ biết đến đấy. Người địa phương rất tiếc nhớ chú, chú ở đây đã nhiều năm như anh biết, và tuy rằng, anh cũng đã biết, chú chẳng phải người ôn hoà vui tính cho lắm, nhưng rất tích cực làm việc thiện, sẵn sàng chịu vất vả mất thì giờ.

Bà Hunt tội nghiệp là người coi sóc việc nhà cho chú từ khi rời Woodley, bà hầu như suy sụp. Như thể đối với bà cả thế giới không còn. Em mừng không ở tại nhà mục sư, ở ngoài được tự do hơn, em ở đây rất thuận tiện.

Nếu anh muốn biết mọi người điều tra và tìm kiếm ra sao. Trước hết việc điều tra tại nhà mục sư không lộ ra được điều gì. Em đã hỏi bà Hunt – cũng như nhiều người khác – xem ông chủ của bà có triệu chứng gì khác lạ như bị đau ốm bất ngờ, đột quỵ, hoặc ông chợt vô tình biết một chuyện gì đó. Nhưng cả bà lẫn bác sĩ đều khẳng định là không. Sức khoẻ của chú hoàn toàn bình thường. Rồi đến việc thứ hai, các ao hồ đều bị tát sạch, cánh đồng khắp vùng được lùng sục, không đi đến kết quả gì. Bản thân em cũng nói chuyện với các tu sĩ của giáo khu, quan trọng hơn, em cũng đến thăm ngôi nhà mà chú đã đến thăm người ốm.

Gia đình này chẳng có lý do gì chơi khăm chú như thế. Người ốm nằm trong giường bệnh khá nặng. Vợ của ông ta dĩ nhiên không thể làm gì được! Cũng không có gì có vẻ họ giương bẫy để chú bị tấn công trên đường về. Họ đã trả lời rằng nhiều câu hỏi trong cuộc điều tra, nay họ lại kể lại: mục sư trông vẫn bình thường như mọi khi, ông ngồi với người ốm không lâu. "Ông không có biệt tài trong cầu kinh, nhưng nếu cứ theo cách này thì người nhà thờ sống bằng cách nào?" Ông để lại một ít tiền. Một đứa trẻ trông thấy ông trèo sang cánh đồng bên kia. Ông vẫn mặc bình thường – có đeo cổ áo giả của thầy tu – có lẽ bây giờ chỉ còn ông mặc thứ đó.

Vậy là em đã trình bày mọi thứ rồi đấy. Thực tế thì không biết phải làm gì hơn, em không đem theo tài liệu làm việc, nhờ vậy mà có điều kiện thanh thảnh đầu óc để nhận định rõ mọi điều, có thể có những điều người ta bỏ qua. Em tiếp tục viết về mọi diễn biến, kể cả thuật lại những cuộc nói chuyện nếu cần – anh đọc hay không là tùy thích. Tuy nhiên, mong anh hãy giữ những lá thư này lại. Em có lý do tường thuật tỉ mỉ đấy, tuy nó chưa thành hình cụ thể.

Anh có thể hỏi "Em có tìm kiếm kỹ các cánh đồng quanh khu nhà tranh không?" Người ta đã làm việc này cả rồi nhưng mai em sẽ đến khu đất ấy. Bow Street đã được thông báo rồi và sẽ cử người xuống vào chuyến xe tối nay. Chắc gì họ đã làm được việc! Nếu có tuyết thì đã tiện việc hơn nhiều. Dĩ nhiên hôm nay em đã qui vive – cảnh giác – mọi dấu hiệu. Lúc về sương mù dày đặc quá, em đâu có sung được mà lang thang trên những đồng cỏ không quen biết, nhất là vào buổi tối, các bụi cây trông như người, một con bò rống lên ở xa xa lại tưởng như tiếng kèn báo hiệu ngày tận thế. Bảo đảm với anh, giả sử chú Henry từ một bụi cây giữa đường bước ra, tay cắp cái đầu lâu của mình, em cũng không có cảm giác nôn nao hơn lúc này. Nói thực, em thà chờ đợi một sự việc như thế còn hơn. Nhưng em phải đặt bút xuống đây, ông Lucas, cha phó phụ trách nhà thờ, đến thăm.

Sau đó: ông Lucas đến rồi đi, cũng chẳng có gì ngoài những lễ nghi xã giao thông thường. Em nhìn rõ ông không còn mong gì là mục sư còn sống, ông rất thông cảm. Em cũng nhận thức rõ, ngay cả đối với một người dễ xúc động hơn ông Lucas, hẳn chú Henry cũng khó có khả gây ra được tình cảm quyến luyến.

Ngoài ông Lucas còn có một người nữa tới thăm dưới bộ dạng của một con người ngây ngô – ông chủ King's Head – xem em có thiếu thức gì không. Lúc đầu ông ta có vẻ trịnh trọng và cân nhắc "Thưa ông, tôi nghĩ chúng ta đành cúi đầu trước đau thương giáng xuống, như người vợ tội nghiệp của tôi thường nói. Theo như tôi biết, cho đến giờ chưa tìm ra dấu vết nào của vị giữ thánh chức đáng kính của chúng ta cả, ông ta cũng chẳng phải như trong Kinh thánh mô tả là một con người tính tình khó chịu với đầy đủ ý nghĩa của nó."

Em nói – rất khéo – rằng em cho là không, nhưng không đừng được, phải nói thêm rằng, em nghe nói đôi khi giao thiệp với ông ấy cũng khó chịu chứ không phải không đâu. Ông Bowman bèn liếc em một cái rất nhanh, chỉ một thoáng lại chuyển từ cảm thông trang trọng sang diễn thuyết hùng hồn rất kích động. "Khi tôi nghĩ đến cái từ ông ấy dùng với tôi ngay ở phòng khách này, lúc mà uống chưa đến một thùng bia – điều mà tôi bảo ông ta thì ngày nào trong tuần chả có thể xảy ra cho một người có gia đình – thì rõ là ông ấy đã làm một điều sai trái và tôi đã biết ngay lúc đó, chỉ có điều tôi bị sốc khi nghe ông ta đến nỗi không giữ cái lưỡi mình nói năng bình tĩnh nữa."

Ông Bowman đột ngột dừng lại và nhìn em bối rối. Em chỉ nói "Trời ạ, tôi rất tiếc khi biết hai vị có một mối bất hòa nho nhỏ. Chắc là trong giáo khu họ tiếc nhớ chú tôi nhiều lắm phải không ạ?" Ông Bowman thở dài một cái "À, có chứ! Chú ông! Ông hiểu cho tôi, khi nói chuyện với rồi tôi quên mất ông là họ hàng, ông trông chẳng giống ông ấy chút nào. Tôi mà nhớ ra điều này, hẳn đã giữ mồm giữ miệng, hoặc đừng có buột miệng nói ra những ý nghĩ ấy."

Em bảo ông ta em hoàn toàn hiểu ông, định hỏi thêm đôi câu nữa thì có người đến gọi ông ta đi làm việc khác. Tiện đây, anh cũng đừng nên để tâm, cho rằng ông ta có điều gì phải sợ trong vụ điều tra về việc mất tích của chú Henry – mặc dù chẳng phải nghi ngờ gì, ông ta sẽ thao thức cả đêm và nảy ra ý nghĩ là em nghi ngờ ông ta có liên quan. Sáng mai có lẽ em sẽ được nghe những lời thanh minh. Em dừng bức thư ở đây cho kịp chuyến thư cuối.

Thư thứ ba.

Ngày 25 tháng 12 1937.

Anh Robert thân mến! Thật là một lá thư lạ lùng viết vào ngày Giáng sinh, và thực ra cũng chẳng vấn đề gì. Hoặc nếu có – anh sẽ là người phán xét. Chưa có yếu tố quyết định nào cả. Những người từ Bow Street nói rằng họ chẳng tìm ra một manh mối nào hết. Kéo dài quá rồi, thời tiết lại không được thuận lợi làm mọi dấu vết mờ nhạt không sử dụng được. Chẳng ai nhặt được một vật dụng gì thuộc về chú Henry.

Như em trông đợi, sáng nay tâm trí ông Bowman có vẻ bồn chồn, vừa sáng sớm đã nghe ông nói rất to – có thể là cố tình – vừa những người trên Bow Street xuống đang ở ngoài quán rượu, về vấn đề mọi người ở đây thương tiếc mục sư ra sao, và cần phải lật từng hòn đá (ông ta có vẻ thích thú câu này lắm) để tới được sự thật. Em nghĩ ông ta phải là tay hùng biện trong các cuộc chè chén nhậu nhẹt.

Trong khi em đang ăn sáng thì ông ta đến chỗ em, nhân cơ hội cầm một cái bánh nướng xốp lên, khẽ nói "Thưa ông, tôi hy vọng ông hiểu cho, tình cảm của tôi đối với người họ hàng của ông không hề bị một sự tinh quái nguy hiểm nào thúc đẩy. Elizar, cô có thể ra ngoài để lại tôi với quý ông đây, ông cần gì tự tay tôi sẽ đem tới. Xin lỗi ông, tôi xin ông biết cho, con người ta không phải bao giờ cũng làm chủ được mình, nhất là khi tâm trí họ bị tổn thương bởi những từ ngữ mà tôi đã đi hơi xa khi nói rằng không nên tận dụng (giọng ông ta cao lên và mặt đỏ lựng). Không, thưa ông, nếu ông cho phép tôi xin giải thích cho ông bằng vài từ thôi, tình trạng chính xác của mối bất hoà. Cái thùng bia – thực chất chỉ là một thùng bia nhỏ thôi.

Em nghĩ đã đến lúc ngắt lời ông ta, bảo rằng đi vào chi tiết việc này không ích gì lắm cho cả hai. Ông Bowman đồng ý, bình tĩnh nói tiếp "Vâng, xin đồng ý với ông. Như ông nói, dù ở đây hay ở đâu có lẽ nó không quan trọng đến vấn đề hiện tại. Chỉ muốn ông hiểu là cũng như ông, tôi sẵn sàng giúp một tay trong công việc trước mắt chúng ta – cũng như tôi đã nói với mấy vị quan chức chưa đến ba phần tư giờ đồng hồ trước đây – là phải lật từng hòn đá lên để tìm kiếm, dù chỉ một tia sáng mong mạnh vào câu chuyện buồn này."

Thực tế, ông Bowman theo chúng em đi thăm dò khắp nơi, nhưng cho dù em tin ông ta thiện chí, ông ta cũng không tìm được chuyện gì nghiêm túc cả. Ông ta cứ làm như sẽ gặp được chú Henry hoặc người đã gây ra sự mất tích của chú ở đâu đó, cho nên cứ đi lung tung khắp cánh đồng, rồi đưa tay lên che mắt khỏi nắng, kêu gọi mọi người phải chú ý bằng cách dùng gậy chỉ chỏ vào đàn bò và những người đang làm đồng ở xa xa.Ông cũng nói chuyện khá lâu với mấy bà già mà chúng em gặp, thái độ rất nghiêm khắc, lần nào cũng quay về chúng em nói "Tôi xem chừng bà này chẳng liên quan gì đến câu chuyện buồn này cả. Các vị có thể tin ở tôi, khu vực này không thể tìm được ánh sáng nào, trừ phi bà ấy cố tình giữ lại tin gì đó."

Như em kể với anh từ đầu, chúng em chẳng thu được hiệu quả nào cả, đám Bow Street đã rời thị trấn để về London hay đi nơi đâu thì em không biết.

Buổi chiều hôm đó em ngồi cùng với một tay đi chào hàng, một thằng cha cũng ra dáng lịch sự. Hắn biết việc đang tiến hành, tuy mấy ngày vừa rồi hắn đi trên đường thật nhưng hắn chẳng thấy ai đáng nghi cả - kẻ lang thang, những thủy thủ đi vơ vẩn hoặc bọn gypsy. Hắn xem đến no nê vở múa rối Punch và Judy [1] cũng ngày hôm đó ở W…và hỏi xem đoàn múa rối đó đã đến đây chưa và khuyên em bằng cách nào cũng nên xem đừng bỏ lỡ. Punch tuyệt hảo, con chó Toby cũng vậy, hắn chưa từng xem vở kịch nào như thế bao giờ. Những con chó Toby, anh biết đấy, là những nhân vật mới nhất của vở diễn. Bản thân em mới xem có một lần, rồi chẳng mấy chốc mọi đàn ông đều phải xem thôi.

Giờ thì anh sẽ hỏi, em viết tất cả những cái này cho anh để làm gì? Em buộc phải viết, nó gắn với một chuyện vặt rất vớ vẩn (chắc anh sẽ nói thế) – một chuyện mà trong tình trạng tinh thần của em hiện nay – khá lo lắng, chỉ thế thôi chứ không có gì khác, em phải viết ra. Anh ơi, em có một giấc mơ, tệ hại nhất chưa từng thấy. Có cái gì trong đó đàng sau câu chuyện anh chào hàng kể cũng như sự mất tích của chú Henry? Anh sẽ là người phán quyết, em không đủ bình tĩnh và tư cách để phán xét.

Nó bắt đầu với hiện tượng tấm màn được kéo ra. Em ngồi ở một vị trí không rõ trong rạp hay ngoài trời. Ngồi bên cạnh em đều có người – ít thôi – nhưng em không nhận ra họ, cũng không nghĩ đến họ mấy. trước mặt em là vở diễn Punch and Judy, sân khấu rộng hơn bình thường, có những hình thù màu đen trên nền nhà vàng đỏ. Phía sau và hai bên đen ngòm, mặt trước thì đầy đủ ánh sáng. Em ngồi lơ lửng khá cao, lúc nào cũng ngóng chờ được nghe thấy tiếng pan-pipe [2] nổi lên cùng những tiếng Roo-too-too. Nhưng đã không thấy gì thì chớ, ngược lại còn có một tiếng gì rất to, một tiếng chuông to tướng ở đàng sau, không biết từ xa tận đâu vọng tới. Tấm màn nhỏ kéo lên: vở kịch bắt đầu.

Có lẽ ai đó đã viết lại vở Punch thành một vở bi kịch nghiêm trọng, nhưng dù người viết là ai thì cách biểu diễn như thế này cũng rất thích hợp với tác giả. Nhân vật Punch có tính cách của quỷ Sa tăng. Tác giả đã thay đổi các cách tấn công của Punch, đối với một số nạn nhân thì hắn nằm chờ đợi, nhìn vào bộ mặt rùng rợn của hắn – nó vàng nhợt và cứ chăm chăm ngó quanh hai cái cánh trông như thể con dơi hút mau người trong phác thảo ghê gớm của Fuseli. Đối với những người khác, hắn ra vẻ tử tế nịnh bợ, đặc biệt với một người xa lạ không may nào đó chỉ nói được mỗi một tiếng Shallabalhah – mặc dù em không nghe thủng Punch nói những gì. Nhưng sợ nhất là đến đoạn chết chóc. Tiếng cây đập vào sọ người "cốp" một cái, mọi khi là thứ tiếng vui tai em rất thích – nay nghe như làm vỡ xương sọ, nạn nhân run rẩy co quắp chân đá lung tung. Đứa hài nhi – càng kể càng thấy kỳ quặc – vẫn sống. Punch vặn cổ nó, tiếng ngạt thở và chít chít chẳng rõ thực hay hư.

Sân khấu tối hẳn đi mỗi lần tội ác được thực hiện. Cuối cùng có một tội ác được thực hiện hoàn toàn trong bóng tối, em không nhìn thấy nạn nhân và phải mất một thời gian mới nhận biết được sự việc . Nó đi kèm tiếng thở phì phò, những tiếng bị bóp nghẹt rất khủng khiếp, sau đó Punch tới ngồi chỗ bậc lên xuống sân khấu vừa quỳ vừa nhìn vào giầy dưới chân, đôi giầy đẫm máu, đầu ngoẹo về một bên, đã thế còn cười khẩy một cách ghế gớm, một số người xem phải lấy tay che mặt, em cũng muốn làm như vậy. Tuy nhiên lúc đó phía sau sân khấu sáng lên, nhưng phía trước không phải một ngôi nhà mà là một rừng cây, có một ngọn đồi dốc thoai thoải trông rất tự nhiên, có trăng chiếu xuống. Trong quang cảnh đó, từ từ hiện lên một hình tượng trông giống như một người nhưng cái đầu rất lạ - lúc đầu em không phân biệt được. Thân hình ấy không đứng trên hai chân mà bò hoặc lết ra giữa sân khấu tới gần Punch – Punch vẫn quay lưng lại và chính lúc này em nhận ra đây hoàn toàn không phải một vở múa rối. Punch vẫn là Punch, đó là sự thực, nhưng cùng với những nhân vật khác, là một nhân vật đúng theo một ý nghĩa nào đó, cả hai hành động hoàn toàn theo ý muốn của mình.

Nhìn lại Punch, em thấy hắn ngồi suy nghĩ rất là hiểm độc, một lúc sau hình như có cái gì đó làm hắn chú ý, hắn ngồi thẳng dậy và quay lại và rõ ràng là nhìn thấy cái người ở đằng sau đang lại gần, thực tế là rất gần, hắn tỏ ra vô cùng hoảng sợ, vội cầm lấy cây gậy, chạy bổ vào trong chỉ kịp gạt cánh tay kẻ đang đuổi theo – người này đột ngột lao mạnh ra quyết tóm cho được hắn. Vì bất chợt như thế nên em rất khó nhìn ra người đuổi theo hắn trông như thế nào, chỉ biết là một dáng hình cường tráng, mặc toàn đồ đen, đeo cổ áo giả của thầy tu, đầu trùm một cái túi màu trắng.

Cuộc săn đuổi không rõ kéo dài bao lâu, lúc thì giữa các cây cao, lúc thì thoai thoải dốc xuống cánh đồng, đôi khi cả hai dáng hình mất hút độ vài giây chỉ còn vài tiếng vọng vang ra là họ vẫn còn đang chạy. Cuối cùng đến một lúc Punch kiệt lực, loạng choạng từ bên trái đi vào, ngã vật mình xuống giữa các cây cao. Người đuổi theo ở sát đằng sau chạy tới nhìn hết bên này qua bên kia. Rồi cuối cùng nhận ra hình thù dưới đất, hắn cũng quăng mình xuống, lưng quay về phía khán giả và với một động tác nhẹ, giật phăng cái túi buộc ở đầu ra – đè luôn mặt mình vào mặt Punch.

Tiếp đến một tiếng thét dài và to, rùng cả mình, em bật dậy thấy mình đang nhìn chằm chằm vào mặt – mặt ai đố anh đoán được – một con cú rất lớn, ngồi trên bậu cửa sổ đối diện ngay cuối giường em – hai cánh giương lên như hai cánh tay bọc trong vải khâm liệm. Em quắc mắt nhìn vào đôi mắt vàng khè của nó, nó bay đi. Em lại nghe thấy có một tiếng chuông lớn, tiếng chuông duy nhất, nghe như tiếng chuông đồng hồ của nhà thờ, hẳn anh cũng cho là như vậy, nhưng em chắc là không phải, và rồi em tỉnh dậy hoàn toàn.

Tất cả những chuyện đó xảy ra nửa giờ trước đây, khó lòng ngủ lại được nên em ngồi dậy, mặc áo ấm, viết những chuyện không đâu vào đâu này trong những giờ đầu tiên của ngày Giáng sinh. Em có quên cái gì không nhỉ? À, không có con chó Toby, và tên đề ở phía trước rạp, cùng với tên vở diễn Punch and Judy, là tên hai người Kidman và Gallop, và chắc chắn đây không phải vở múa rối mà ông chào hàng bảo em để ý xem.

Lúc này, em hơi buồn ngủ nên dán thư lại, gắn si.

Thư thứ tư.

Ngày 26 tháng 12 1937

Anh Robert thân mến! Tất cả đã xong. Thi thể của chú đã được tìm thấy. Em xin lỗi đã không gửi ngay thư từ tối hôm qua. Đơn giản em không đặt nổi bút lên giấy. Những sự kiện đưa đến khám phá làm em quá đỗi hoang mang và cần phải nghỉ ngơi trọn một đêm cho hoàn hồn để đối phó với tình hình. Giờ thì em gửi cho anh nhật ký của ngày hôm nay, có lẽ là ngày Giáng sinh kỳ quặc nhất mà em đã trải qua, thực tế không bao giờ muốn trải qua.

Biến cố đầu tiên không đáng kể. Ông Bowman thức cả đêm Giáng sinh, đâm ra có vẻ thích bắt bẻ, soi mói. Ít nhất cũng dậy muộn và qua những gì em nghe được, không đầy tớ trai hay đầy tớ gái nào làm cho ông vừa lòng. Các cô gái phát khóc lên, em không dám chắc ông Bowman đã xử sự ra dáng một người đàn ông. Dù sao đi nữa, khi em xuống dưới nhà, ông ta cũng khàn khàn chúc em năm mới và mùa Giáng sinh tốt đẹp. Một lát sau, trong khi đến chào em lúc ăn sáng, ông ta chẳng còn có vẻ gì yêu đời thậm chí còn có việc Byron [3] trên quan điểm về cuộc sống.

"Tôi không biết" ông ta nói "ông có nghĩ như tôi không, chứ mỗi một lần Giáng sinh tới tôi lại thấy thế giới đáng kinh tởm hơn đối với tôi. Ta hãy cứ lấy ví dụ ngay trước mắt! đấy, cô Eliza, đầy tớ của tôi, ở với tôi đã mười lăm năm, tôi rất tin tưởng - ấy thế mà sáng nay, buổi sáng thiêng liêng nhất trong cả năm, chuông rung như thế - đúng sáng nay, nếu như không vì Thượng Đế nhìn xuống chúng ta – hẳn cô ta định – tất nhiên nhiên tôi có thể đi xa hơn để mà nói rằng – đã đặt phó mát lên bàn ăn sáng của ông rồi…" Thấy em định lên tiếng thì ông ta vẫy tay "Dĩ nhiên ông có thể nói rằng chính tôi đã cất đi, đã cho vào tủ khóa lại, tôi đã làm vậy và chìa khóa đây, mà nếu không đúng chìa ấy thì cũng cùng cỡ cái chìa a, đúng thế, nhưng ông nghĩ hành động ấy sẽ tác động đến tôi như thế nào không? Không nói quá chứ, cứ như đất sụt lở dưới chân. Tôi bảo Eliza, chẳng giận dữ gì lắm chỉ cương quyết thôi, thế mà cô ta trả lời thế nào ông có biết không? Ồ, đã có cái xương nào phải gãy đâu cơ chứ! Đấy thế đấy ông ạ, nó làm tôi đau lòng, tôi không muốn nghĩ đến nữa làm gì"

Im lặng một lúc lâu, em liền bảo "Vâng, kể cúng khó chịu thật" và hỏi ông buổi lễ sáng lúc mấy giờ. "Mười một giờ" ông Bowman thở dài "Thuyết giáo của ông Lucas tội nghiệp không được như của mục sư đâu. Mục sư và tôi tuy có đôi chút bất đồng nhưng vẫn phải nói như vậy, như thế càng thêm tiếc." Em thấy rõ ông ta lúng túng phải hết sức kìm nén để khỏi bàn đến câu chuyện khó nói là cái thùng bia, nhưng rồi ông ta nói "Nhưng tôi phải nói rằng đó là vị giảng đạo hay hơn, chẳng phải vì ông ấy có lý lẽ vững hơn, hoặc cho là mình có cái quyền ấy – tuy nhiên đây không phải câu hỏi đặt ra lúc này nhất là từ tôi. Người ta có thể hỏi "Ông ấy có phải người hùng biện không?" Tôi thì tôi trả lời "Ông cháu ông ấy đây, ông có quyền trả lời thì đúng hơn vì đây là nói về chú ông mà". Nhưng người khác có thể hỏi "Thế ông ấy có nắm được giáo đoàn của mình không?" Tôi trả lời "Còn tuỳ" Nhưng như tôi đã nói, được rồi ,Eliza, cô gái của tôi ạ, tôi đến ngay giờ đây. Mười một giờ, thưa ông, ông hỏi xem ghế cầu kinh của khách sạn King's Head ở chỗ nào mà ngồi". Eliza lúc này đang đứng rằng gần cửa, để rồi em xem xem thế nào."

Giai đoạn tiếp theo là nhà thờ. Em cảm thấy cha phó Lucas muốn diễn đạt cho thật đúng các tình cảm Giáng sinh xem ra có vẻ khó khăn. Cái cảm giác không yên tâm và luyến tiếc, dù cho ông Bowman nói thế nào đi nữa, cũng thấy ở khắp mọi nơi. Em không cho là ông để ý đến buổi lễ. Em cứ cảm thấy trong người bât ổn như thế nào ấy. Đàn organ nghiên ngấu – anh hiểu em nói gì – âm thanh từ khe gỗ chứa khí nén trong đàn organ tịt hai lần trong bài thánh ca Giáng sinh. Chuông giọng tenor, có lẽ do sơ ý chăng những người kéo chuông cũng chỉ kêu thoang thoảng có một lần trong một phút suốt cả thời gian bài thuyết pháp. Tu sĩ giáo khu cử một người đi kiểm tra chuông, nhưng anh này cũng chẳng làm được gì hơn. Lễ xong em thấy thật là mừng. Lại còn một việc rắc rối chẳng ra làm sao trước buổi hành lễ. Em đến nhà thờ hơi sớm hơn một chút, và gặp hai người đang khiêng một chiếc kiệu khiêng áo rước của giáo khu về lại chỗ của nó dưới tháp chuông. Nghe hai người đó kể lại thì đã bị khiêng ra nhầm, bởi người nào đó không ở nhà thờ nên không biết . Em cũng nhìn thấy tu sĩ của giáo khu đang vội vã gấp tấm khăn phủ quan tài bằng nhung đã bị nhậy cắn – cảnh tượng này thật không phải chút nào đối với một ngày Giáng sinh.

Sau đó em ăn cơm, và vì không muốn đi ra ngoài, em đọc tờ Pickwick mới, ngồi bên lò sưởi trong phòng khách, tờ báo em để dành suốt mấy ngày nay giờ mới đọc. Cứ tưởng nhờ đó mà tỉnh ngủ, ai ngờ cứ ngủ gà ngủ gật như ông bạn Smith của chúng ta. Khoảng hai giờ rưỡi chiều, một tiếng còi xé tai, rồi tiếng cười nói từ chợ vẳng tới. Punch and Judy rồi! Đúng là vở kịch anh chào hàng đã xem ở W…Nửa mừng nửa ngán – ngán vì giấc mơ khó chịu kia in dấu trong óc – tuy nhiên em quyết định xem, sai Eliza cầm một đồng cua ron ra đưa cho đoàn múa rôi và yêu cầu đi đến trước cửa sổ em mà diễn nếu có thể được.

Đoàn diễn rất mới, tên chủ đoàn là tên Ý, Forence de Calpigi. Có cả con chó Toby đúng như em được người ta bảo trước. Mọi người ở cả B. đến xem, nhưng không cản trở tầm nhìn của em vì em đang ngồi cạnh ô cửa sổ lớn nhất ở tầng hai và cách chỗ diễn chỉ độ mười mét.

Buổi diễn bắt đầu lúc ba giờ kém mười lăm phút theo đồng hồ nhà thờ. Dĩ nhiên rất hay, em nhẹ mình thấy những nỗi ghê sợ của giấc mơ về Punch tàn sát những người khách đến thăm xấu số của hắn chỉ thoáng hiện trong đầu em rồi hết ngay. Em phì cười về sự qua đời của người trông nom việc mở máy nước, của người lạ mặt, của thầy tư tế, ngay cả của đứa con nít nhỏ. Chỉ có mỗi một điểm hạn chế, đó là con chó Toby tru lên không đúng lúc. Có vẻ có chuyện gì đó làm cho nó hoảng loạn, một chuyện đáng kể. Vì không rõ chính xác vào thời điểm nào, con chó sủa lên một tiếng ai oán, nhảy xuống các bậc sân khấu, rồi nhảy vọt qua chợ xuống một phố nhỏ. Sân khấu chờ đợi, nhưng không lâu, em nghĩ mọi người cho rằng chẳng phải đuổi theo nó làm gì, đêm nó sẽ về.

Mọi người tiếp tục xem. Punch xử sự rất trung thực với Judy, cả với mọi người nữa, cuối cùng đến lúc giá treo cổ được dựng lên, cảnh quan trọng với ông Ketch được nằm trên sân khấu. Đúng lúc này xảy ra một việc mà em chưa thấy hết được tầm quan trọng của nó. Anh đã từng dự những buổi hành quyết, đã biết cái đầu kẻ tội phạm trông như thế nào với cái mũ chụp lên nó. Chắc hẳn anh cũng như em, không bao giờ muốn phải nghĩ đến nó một lần nữa, em cũng không muốn nhắc đến nó với anh nữa ấy chứ. Nó là một cái đầu giống hệt như thế, vì em ngồi ở trên cao mà, cho nên em nhìn được bên trong cái hộp để diễn trò mà lúc đầu các khán giả chưa nhìn thấy. Em đang chờ nó lộ ra cho khán giả thấy thì thay vào đó, từ từ dâng lên trên sân khấu một mặt người không che phủ gì cả với vẻ kinh hoàng em không sao tưởng tượng nổi. Cứ như thể người đó, không rõ là ai, bị kéo lên, hai tay bị trói giật cánh khuỷu, bị kéo ra phía giá treo cổ ở đằng sau. Ngay đằng sau khuôn mặt đó là cái đầu có mũ chụp. Rồi một tiếng thét và tiếp đến là tiếng kêu đánh rầm! Cả cái hộp diễn trò rơi xuống tan tành, thấy hai cẳng chân ngó nguáy, sau đó hai hình người – mọi người nói hai, em chỉ thấy một – chạy thục mạng qua quảng trường và mất hút trong một ngõ nhỏ dẫn ra cánh đồng.

Dĩ nhiên ai nấy đuổi theo. Em cũng đuổi theo nhưng tốc độ nhanh đến chết được, cuối cùng chỉ rất ít ra đến nơi. Đó là một hố vôi. Người đàn ông chạy băng qua bờ hố vôi như một người mù, ngã gãy cổ. Mọi người tìm người thứ hai khắp nơi, mãi tới khi em hỏi họ không biết hắn đã ra khỏi chợ chưa, lúc đầu ai nấy nói rồi, nhưng khi quay lại xem mới thấy hắn ở ngay dưới cái hộp, đã chết.

Nhưng trong hố vôi còn có xác chú Henry, đầu bị chụp một cái túi, cổ họng bị cắt nham nhở. Một góc nhọn của cái túi thò ra khỏi đất nên người ta mới chú ý. Em không sao viết được chi tiết hơn.

Em quên không nói tên thật của hai người đàn ông là Kidman và Gallop. Em chắc chắn đã nghe nói về hai tên này nhưng ở đây không ai biết gì về họ cả. Lễ tang xong em sẽ đến chỗ anh, và sẽ nói anh nghe khi ta gặp nhau rằng em nghĩ thế nào về tất cả mọi chuyện trên đầy.

Chú thích :

[1] một vở múa rối hài hước, truyền thống của Anh cho trẻ con xem trong đó nhân vật chính Punch đánh nhau với vợ mình là Judy

[2] dụng cụ âm nhạc làm bằng nhiều ống nhựa dài ngắn khác nhau ghép lại, khi chơi thì thổi vào đầu ống

[3] Nhà thơ Anh (1788 -1 824) thơ ông lộ nhiều nỗi chán chường trong cuộc sống

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.