Giờ Đang Nơi Đâu

Chương 15: Vợ bé và thợ may (1)



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sau khi ngài hầu tước Kiều nhận được tin tức kết hôn của con gái, ông lập tức đi thuyền trở về từ Anh Quốc.

Quần áo mới của ba đứa nhỏ đã có trước khi hầu tước Kiều về: áo len tay ngắn xuân hè, váy ngắn, đầm dài và áo ngủ kiểu phương Tây, mỗi thứ hơn mười bộ.

Còn chưa kịp mặc thử, bà Kiều đã lại đến ra oai phủ đầu: “Lúc nào mặc đồ gì đều có quy định cả. Buổi sáng trước khi ăn sáng, phải thay áo ngủ thành áo tay ngắn mới được ngồi vào bàn ăn. Sau này những thói quen đó sẽ theo các cháu suốt đời. Nếu có khách đến, lúc ở nhà tiếp khách phải đổi thành đầm dài kiểu Tây. Nếu mặc nhầm, không chỉ có ta sẽ phạt mấy đứa, mà sẽ còn bị người ta chỉ trỏ cười nhạo. Giờ chưa phải là tuổi để mặc sườn xám, nên ta đã đặt làm mấy bộ váy hơi rộng cùng với giày đế bằng. Đợi thêm vài tuổi nữa, ra ngoài phải mặc sườn xám và đi giày cao gót.”

Ba đứa nhỏ gật đầu như gà mổ thóc.

Lúc này dì Triệu chợt đi tới, báo cáo với bà Kiều: “Xe đến bến tàu đón ông Kiều đã về rồi ạ, đi cùng còn có ngài Saumur, được ông chủ mời từ Paris đến, nói là để may váy cưới cho cô cả.”

Bà Kiều nghiêm túc hỏi ba đứa nhỏ, “Thế bây giờ nên mặc gì đây?”

Ba đứa nhỏ đồng thanh trả lời: “Váy dài kiểu phương Tây.”

Bà Kiều bày tỏ trẻ nhỏ dễ dạy.

Đầu hè có trận mưa bụi, xe phanh cái *két* ở ngoài cửa, bà Kiều lập tức dẫn bốn cô gái xếp thành một hàng đứng đợi ở trên bậc thềm. Người hầu đầy tớ đứng phía sau, chia nhau ra che ô cho chủ.

Ông Kiều là người đầu tiên xuất hiện từ trên bậc thềm: vì đi trên biển gần một tháng, thiếu trái cây rau tươi, không hấp thụ đủ vitamin nên bên khóe miệng có vết loét. Đường chân tóc khá cao —— xem ra độ cứng của đồ uống* Anh Quốc trong thời đại này vẫn cao như trước. Tóc mai hoa râm, thấp hơn chiều cao trung bình của dân Anh nhưng lại cao hơn mức trung bình của người Trung Quốc, ông mặc âu phục giày da, bụng hơi phệ, song vẫn nhận ra hồi còn trẻ là một chàng trai tuấn tú.

(*Độ cứng của nước là số đo hàm lượng các ion kim loại Ca2+, Mg2+. Uống nhiều nước cứng gây ra hiện tượng rụng tóc.)

Ông thấy vợ và con gái dẫn theo mấy đứa trẻ đáng yêu đứng xếp hàng chào đón mình, trong lòng vô cùng vui vẻ.

Mọi người lần lượt gọi “cậu” “dượng” “cha”, cũng đón tiếp cái ôm vô cùng nhiệt tình từ ông Kiều.

Rồi ông giới thiệu người thứ hai với bọn họ —— ngài Saumur người Pháp từng là thợ may trong hoàng gia Anh Quốc. Ngài đây khá cao, đứng với ông Kiều trông không khác gì chú Thoòng và Xã Xệ*. Ngài Saumur thân thiện hôn má theo kiểu miền Nam nước Pháp với mọi người, dọa Doãn Yên và Chân Chân sợ hãi. Kiều Mã Linh đứng cạnh cười an ủi: “Đừng sợ, ngài ấy chỉ muốn chào hỏi hai em thôi.”

(*Chú Thoòng và Xã Xệ là hai nhân vật trong bộ truyện tranh “Chú Thoòng”. Ảnh.)

c15

Sau khi giới thiệu xong, dưới bậc thang có một cô gái da trắng phúng phính chừng hai mươi tư hai mươi lăm tuổi đi lên. Tóc cô ấy có màu đay, trên mặt lấm tấm tàn nhang, cũng vì thiếu vitamin mà môi bị lột da. Cô ấy ôm một đứa bé trai bốn năm tuổi trong ngực, tóc của thằng bé có màu nâu đậm, đôi mắt xanh lam như cơn gió thổi qua bờ biển, nhưng từ ngũ quan có thể nhận ra đó là con lai.

Sở Vọng lập tức ý thức được có chuyện, không hay rồi…

Quả nhiên, trong sự nghi ngờ của bà Kiều và Kiều Mã Linh, ông Kiều nghiêng đầu, vẫy tay với cô gái da trắng, chỉ vào bà Kiều rồi nói, “Người này, em phải gọi bà ấy một tiếng bà cả, tiếng Trung thế nào ta đã dạy em rồi.”

Người phụ nữ da trắng dùng tiếng Trung cứng nhắc gọi: “Chào bà cả…”

Bà Kiều suýt thì bất tỉnh, may có dì Triệu và Kiều Mã Linh đỡ lấy. Bà miễn cưỡng đứng vững, run giọng hỏi, “Chuyện, chuyện từ khi nào?”

Ông Kiều cúi đầu như không có mặt mũi nào đối mặt với bà, nhướn mày nói, “Từ mấy năm trước rồi.”

Sắc mặt của ông Kiều cũng không được tốt, ông không nhìn bà Kiều nữa mà quay sang cười gượng với Kiều Mã Linh, nói, “Mã Linh, đây là dì của con, tên là Mitchell, là người Bồ Đào Nha. Đây là em trai con, Leon. Leon, đây là chị của con, Mã Linh.”

Mitchell sắc mặt nhợt nhạt dùng tiếng Anh chậm rãi nói: “Mã Linh, dì vẫn hay nghe cha con nhắc đến con.”

Kiều Leon bập bẹ gọi, “Chị ơi.”

Kiều Mã Linh: “…”

Lâm Sở Vọng nhìn bóng dáng bác cả như chực ngã trong gió mưa, không khỏi thở dài: nhà họ Kiều tự dưng có thêm một bà vợ bé người da trắng, đúng là trong nhà bốc hỏa rồi…

Hôm nay vừa có khách lại vừa có hậu bối. Khách đi đường xá xa xôi, không thể để người ta dầm mưa được. Kiều Mã Linh biết lúc này tâm trạng của mẹ đang vô cùng phức tạp, nhưng dù thế nào đi nữa cũng không thể để người ngoài cảm thấy nhà mình mất quy củ, bèn miễn cưỡng xốc lên tinh thần mà nói, “Ngài Saumur, dì, Leon, ngoài này mưa lớn, đừng dầm mưa nữa, vào nhà trước đã.”

Chị phủi đi tro bụi trong nội tâm, sai dì Triệu dẫn khách vào nhà.

Sau khi mọi người đã vào, Lâm Sở Vọng đi theo dì Triệu, nghe thấy dì Triệu khuyên bà Kiều: “Có lão gia nhà ai mà chẳng tam thê tứ thiếp!”

Bà Kiều: “…”

Dì Triệu lại khuyên: “Huống hồ bà là lớn, cô ta chỉ là lẽ. Tới cái đất Cảng Thơm này, theo quy định, cô ta phải vấn an bà mỗi ngày.”

Bà Kiều đã mất nửa hồn trong mưa gió, nhưng vẫn cười gằn hai tiếng, “Vấn an ư? Sợ là ta không chịu nổi!”

Dì Triệu: “Bà chủ à… Dù gì cũng có con rồi, không thể làm gì được nữa, bà đành nhẫn nhịn đi vậy.”

Bà Kiều điều chỉnh lại cảm xúc, gương mặt không khác gì bảng màu.

“Được lắm… Nhà ai mà không có lẽ?” Một lúc sau, bà thở hắt ra rồi nhếch mép, mỉm cười đi theo sau mọi người vào phòng.

Mọi người ngồi trong phòng khách, Kiều Mã Linh đang định đi ngâm hồng trà Ceylon thì bị bà cả Lâm chặn lại. Bà nháy mắt với chị, lớn tiếng nói, “Lấy Bích Loa Xuân cậu con cho người đưa tới ở trên nóc tủ lại đây, ngâm một bình.”

Kiều Mã Linh ngạc nhiên, “Bình nào ạ?”

Bà Kiều dùng tiếng Thiệu Hưng nói ra tên dân gian của Bích Loa Xuân, “Là bình “hương thơm chết người”.”

Kiều Mã Linh lập tức hiểu ý, xoay người đi lấy trà.

Kiều Mã Linh lấy bộ trà cụ gốm Bạch Định ra, mấy đứa nhỏ không uống được nên chỉ lấy năm cốc trà.

Kiều Mã Linh cầm bình pha trà, rửa cốc đưa trà, khép tay nâng cốc… Một loạt động tác liền mạch lưu loát, được thực hiện bởi một cô gái phương Đông đang tuổi thanh xuân có dung mạo xuất chúng, tựa như bản dập của tập tranh vẽ mỹ nhân từ thời phong kiến được truyền vào châu Âu thông qua con đường tơ lụa, khiến người da trắng thở dài ngợi khen.

Thấy tròng mắt xanh to tròn vô hồn của bà lẽ Mitchell co lại vì thán phục, trên mặt bà Kiều vụt qua nụ cười đắc ý khó thấy.

Ông Kiều biết vợ mình đang ra oai, chỉ cười một tiếng rồi cầm cốc lên ngửi mùi trà, sau đó quay sang dạy MitChell và ngài Saumur cầm cốc thế nào, thưởng thức trà ra sao.

Bà Kiều cứng mặt, rồi nghiêm giọng bảo Kiều Mã Linh dẫn ba em gái đi thay đồ.

Thay vớ lụa trắng, giày ba-lê và váy bó sát người đi ra, ba đứa nhỏ xếp thành một hàng trước mặt khách. Kiều Mã Linh ngồi ngay ngắn trước đàn dương cầm, trước khi ngón tay hạ xuống phím đàn, chị ngẩng đầu lên, dịu dàng cười hỏi ba em gái, “Cảnh đầu tiên trong Hồ Thiên Nga của Tchaikovsky nhé?”

Ba đứa nhỏ đồng loạt gật đầu.

Người ngồi trên sofa vội ngồi nghiêm chỉnh, xốc tinh thần chuẩn bị thưởng thức tiết mục do các cô gái nhà hầu tước biểu diễn cho các vị khách đường xa.

Vũ khúc nhón chân vang lên từ ngón tay của Kiều Mã Linh, ba cô bé như ba chú thiên nga con mới lớn, đôi giày mũi nhọn giẫm bước trên sàn gỗ phòng khách phối hợp với bộ âm thấp vang dội, tựa như khúc nhạc đệm tiếng trống. Dáng múa dịu dàng đồng bộ, những tia nắng nhẹ hắt vào phòng khách qua khung cửa sổ, theo động tác tay chân mềm mại, chùm sáng giao thoa xen kẽ tạo nên cảnh đẹp.

Kết thúc điệu múa, ba cô bé cúi người chào trong tiếng khen ngợi của khách. Bà Kiểu ngẩng cao đầu ngạo nghễ mỉm cười, sai dì Triệu dẫn ba đứa nhỏ về phòng học tiếng Anh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.