Ngài Tưởng và bà Cát đưa tiễn cô đến bến tàu Queen, đội ngũ đưa tiễn vô cùng rầm rộ. Nhưng đến khi thuyền rời bến mà cả buồng hạng nhất chỉ có mỗi một mình cô, ngay tới mấy cô gái Nhật Bản hàng xóm cũng rất ngạc nhiên.
Không có nhiều lời từ biệt, cũng không có đau buồn chia ly. Sở Vọng cho rằng vì ngài Tưởng và bà Cát thường đến Thượng Hải nên mới như vậy, nhưng không ngờ là hai người ấy đã có thu xếp khác ổn thỏa hơn.
Hai người bọn họ chỉ nói: “Sẽ có người đón cháu ở Thượng hải.” Nhưng không nói rốt cuộc là ai đón.
Lần này đi là thuyền của Nhật, dịch tên ra khá văn vẻ, gọi là Tuyết Thương Hoàn. Lần đầu tiên đến Hương Cảng cũng là thuyền Nhật, có điều lúc ấy ở trong phòng lớn nên không cảm thấy gì; bây giờ ở phòng đơn, thứ gì cũng be bé: trong nhà vệ sinh be bé có bồn cầu màu trắng cùng chậu rửa mặt màu đồng bạc, sau chiếc ghế sofa nhỏ sơn đen là một bức tường, kéo ra sẽ là một chiếc giường. Đồ dùng làm bằng gỗ với màu chủ đạo là hai màu đen trắng, khăn trải giường trắng tinh tươm, một đầu que gỗ được đập dập làm thành bàn chải đánh răng, guốc gỗ, quần áo ngủ cũng được chuẩn bị đâu vào đấy; tuy nhỏ nhưng rất biết lợi dụng không gian, bởi vậy mà trông không hề chật hẹp chút nào. Nhỏ nhưng thoải mái, cùng với âm điệu tiếng Nhật nhỏ nhẹ của cô gái phòng bên đã dễ dàng ru ta vào giấc ngủ.
Thuyền vừa xuất phát lúc chiều tối, dừng ở Hương Cảng, có rất nhiều người phương Tây lên thuyền. Lúc nhân viên Đông Dương đến mời cô đi ăn cơm, cô nghe thấy người châu Âu tuấn tú phòng bên dùng tiếng Anh nói chuyện với cô gái người Nhật, còn cô gái kia thì trả lời lại bằng tiếng Nhật. Cô cảm thấy lạ, tới khi cẩn thận nghe kỹ thì mới nhận ra, té ra đó là tiếng Anh kiểu Nhật, chứ không cô còn nghĩ từ khi nào mà tiếng Anh và tiếng Nhật có thể trao đổi hiểu nhau như vậy.
Trên đường đi ăn về lại đụng người kia, anh ta phô trương đứng trước cửa nói chuyện, tay giơ lên, nhìn là biết người Ý giỏi tán tỉnh. Nghe thấy hành lang có tiếng động, anh ta quay người lại, quan sát cô một lượt từ đầu tới chân, tưởng cô cũng là bạn của mấy người trong phòng kia nên ra vẻ thân thiện chào “konichiwa”. Sở Vọng vờ như không hiểu, anh ta lại đổi thành “chào cô” bằng tiếng Quảng. Nhưng cô còn chưa trả lời, thì cánh cửa bên cạnh lập tức đóng lại cái rầm, suýt nữa đã làm gãy mũi anh ta. Sở Vọng cảm thấy vui vui, cười khoát tay: “Notte!”* Rồi cũng đóng của lại, rửa mặt chải đầu đi ngủ.
(*Notte trong tiếng Ý nghĩa là màn đêm, có lẽ tác giả muốn nói là “buona notte” nghĩa là chúc ngủ ngon.)
Thuyền chòng chành làm cô mơ màng thiếp ngủ, vừa ngủ một giấc đã đến Thượng Hải. Cô choàng tỉnh, mặc kệ đồ đạc đi ăn cơm trước. Trước đó ngài Tưởng đã nhờ người ở trên thuyền, nên khi thuyền còn chưa cập bờ, các nhân viên phục vụ quan tâm chăm sóc cô rất chu đáo nhiệt tình, còn ưu tiên chuyển hành lý cô xuống. Lúc đứng trên boong lại gặp người Ý kia —— thời gian hai ngày đủ để anh ta “thua keo này bày keo khác”, lại ôm ấp một mỹ nhân phương Đông khác, cũng xem như không uổng công chuyến này. Đằng sau vang lên âm thanh quen thuộc, Sở Vọng ngoái đầu, mấy cô gái Nhật Bản nọ cũng nhìn thấy người Ý kia, bỏ qua hiềm khích trước, hai người họ nhìn nhau cười đầy hiểu ý. Trong tay cô gái ấy cầm một tấm bản đồ, ái ngại hỏi: “Anh có rành Thượng Hải không?”
“Đi Hồng Khẩu à?”
Trái lại cũng khá rành, “Mùa đông ở Kobe lạnh quá, Singapore ấm áp hơn. Mới được nghỉ nên đi thuyền đến Thượng Hải chơi, cả cha và anh đều đang ở Hồng Khẩu.”
Thì ra là học sinh thời đại mới được nghỉ đông, kết bạn ra ngoài du ngoạn, mọi thứ đều mới mẻ.
Cô gái người Nhật lại hỏi: “Người nhà cô cũng ở Thượng Hải hả, hay là từ Hương Cảng đến Thượng Hải chơi?”
Cô ngạc nhiên, quay đầu cười nói, “Đi công tác.”
Các cô gái kia kinh ngạc: “Nhìn cô nhỏ thế này mà!”
Có vài quân nhân Nhật Bản thuộc đội thủy quân lục chiến chưa thay quân phục, đứng cách đó không xa gọi tên con gái và em gái. Cô gái kia chào tạm biệt cô, chen qua đám đông, chạy đến ôm chầm lấy người thân đã lâu không gặp.
Mọi người kẻ đón người đưa tựa như một chiếc đèn kéo quân, như người trong kịch; chỉ mình cô là khách đứng xem. Nhân viên xách vali cho cô không biết ngoại ngữ nên dọc đường đi chỉ toàn im lặng, trưng ra gương mặt lạnh băng. Thượng Hải lạnh hơn Hương Cảng nhiều, cô hối hận vì chỉ mặc mỗi áo khoác dài bên ngoài sườn xám. Gió lạnh thổi qua bắp chân khiến cơ thể lạnh cóng, côc siết chặt quần áo, hà hơi thổi sương mù, đi theo mặt lạnh nhấc bước về trước đầy vô định, cũng không biết có phải như được đám lính quân bài dẫn đến xứ sở diệu kỳ đầy tàn khốc của Alice không.
Suy nghĩ rời rạc, đầu óc bị đóng băng tới mức không nghĩ được gì, không hề phát hiện mấy chiếc vali đã được đặt xuống đất, các nhân viên cũng đã rời đi. Cô nhìn mấy chiếc vali trên đất, ngẩn người ngơ ngác, nhất thời quên mất mình đang ở đâu.
Mỗi lần một mình đi tới một nơi mới, làm bạn với cô chỉ có hai chiếc vali to tướng rộng 28 tấc. Xuống máy bay, đẩy hành lý ra cửa quốc tế, những người đồng hành đều có bạn, chỉ một mình cô vẫn lẻ loi —— những lúc như ấy cũng thường thường ngẩn ngơ như vậy.
Thậm chí Sở Vọng còn không phát hiện ra có người đã đứng cạnh đợi cô một lúc lâu. Lúc này, người ấy đi tới vỗ nhẹ vào tay cô, cười hỏi: “Đứng đực ra đấy làm gì?”
Nói rồi cũng không đợi cô hoàn hồn, rất tự nhiên xách mấy chiếc vali lên xe.
Tận khi ngồi vào xe thì cô mới hoàn hồn, nhìn chằm chằm người bên ghế lái với vẻ khó tin: “Anh Tạ?”
Tạ Trạch Ích chỉ nhìn đường chứ không nhìn người, nhưng cũng biết cô đang nghĩ gì, trong chớp mắt như biến thành người bạn quen biết nhiều năm, thuận miệng hỏi: “Thượng Hải có lạnh không?”
“Lạnh hơn Hương Cảng.” Cô cúi đầu ngẫm nghĩ, “Sao anh Tạ lại tới đây?”
“Không thể không mời mà tới được hả?” Vẫn là phong cách như trước.
Sở Vọng nhớ lại vẻ mặt của hai người khi ở bến tàu Queen, lúc này mới bừng tỉnh, cười bảo, “Sao dám làm phiền anh Tạ chứ.”
“Tôi luôn sẵn lòng cống hiến sức lực vì các quý cô.” Anh từ từ lái xe, “Ăn đồ Quảng không?”
“Ăn ở trên thuyền rồi, giờ tôi không đói.”
“Từ Hương Cảng đến Thượng Hải lại đi ăn đồ Quảng, đúng là ngớ ngẩn.” Rồi anh lại hỏi, “Bình thường cô ba thích ăn gì?”
Sở Vọng đáp, “Không đói thật mà.”
“Đi đường vất vả, không ngon miệng cũng là chuyện thường. Tôi biết một đầu bếp có thể làm được món Bắc Kinh Quảng Đông Thượng Hải, ăn cũng không tệ. Trước cứ quay về nghỉ ngơi cho lại sức đã, tôi mời anh ta đến, mỗi loại làm mấy phần, đợi em dậy thì ăn.”
Sở Vọng bất lực cười, “Thôi thì đặc sản đi vậy.”
Thấy cô buồn ngủ, Tạ Trạch Ích không nói gì thêm. Từ Bến Thượng Hải lái xe vào tô giới Pháp, xe chạy êm ru trong im ắng, bên trong xe chỉ có tiếng hô hấp cực nhẹ.
Đợi tới lúc tỉnh dậy, hành lý đã được Tạ Trạch Ích xách lên lầu. Cũng không biết cô đã ngủ bao lâu, lúc này trời đất tối sầm, chỉ còn lại những ngọn đèn hai bên con đường chật chội mờ nhạt.
Đẩy cửa xe đi ra, Sở Vọng theo Tạ Trạch Ích bước vào cổng nhà trọ. Cô đưa tay sờ bụng, lúc này đã đói thật rồi. Đi đến bên ngoài cánh cửa rào màu cam trước bức tường xanh, nhấn chuông gọi thang máy, nhưng đợi mãi vẫn không thấy thang máy xuống. Sở Vọng không hiểu nổi cấu tạo thang máy thời dân quốc, hai người cứ thế đứng đợi dưới ngọn đèn sợi đốt u ám một lúc lâu, đợi mãi làm Tạ Trạch Ích bật cười.
“Đợi thang máy thì đủ chợp mắt làm một giấc luôn rồi.” Đưa ra đúc kết xong, anh xoay người đi ra ngoài, quay đầu lại mời cô đi trước, “Đành phải đi cầu thang bộ vậy.”
Một đường từ sảnh đến cầu thang là những bức tường sơn màu xanh lá cây, thảm vàng đỏ, giống như khách sạn cũ vẫn còn tồn tại trên đồi Montmartre. Mọi thứ đều mới mẻ… Từ cầu thang đi lên, trước mỗi cánh cửa màu nâu vàng đều được dát một tấm kính màu xanh nhạt, mơ hồ hắt ra ánh sáng.
Có tiếng trẻ con khóc ầm ĩ vọng đến từ cánh cửa bên này.
“Là một gia đình người Xô Viết. Một cụ bà cùng một cặp vợ chồng và ba cậu bé tóc đỏ.” Chỉ hai câu đã tóm tắt gia đình người ta, cùng với đặc thù trong tòa nhà này —— là sinh quyển của một đám đông tiểu tư sản, có khả năng kinh tế cao trong thành phố này.
“Đến ba đứa bé người Xô Viết, chắc hai vợ chồng phải chịu đựng nhiều lắm.” Sở Vọng thở dài.
Đi lên tầng nữa thì lại nghe thấy tiếng ra-đi-ô, khúc hát kịch như ẩn như hiện truyền tới —— “Thiếp đây có một mối tình, gảy đàn cất tiếng mời người cùng nghe.”
“Ừm. Ở đây đúng là Thượng Hải rồi.”
“Nếu đây không phải là Thượng Hải, thì cô ba nghĩ tôi lừa em đến đâu?”
Lúc này là ở thời kỳ người châu Âu sửa nhà xây nhà, giữa tầng và tầng rất cao, bình thường phải trên bốn mét, hoặc thậm chí là năm mét. Nên cầu thang giữa hai tầng kề nhau rất cao. Lại lên một tầng nữa, đột nhiên ánh sáng tối hẳn, mỗi một bậc cấp đều chật hẹp, cô đi giày cao gót suýt nữa đạp hụt.
Tạ Trạch Ích đi đằng sau đỡ lấy khuỷu tay cô, đợi cô đứng vững thì im lặng đi lên trước. Sở Vọng nhìn không thấy gì, phải lần sờ từng bậc từng bậc một để đi lên, cầu thang vốn quá dài nay lại như đường lót gạch trải giữa không trung.
Thi thoảng lại nghe thấy tiếng của Tạ Trạch Ích từ xa truyền đến, đi đôi với tiếng kim loại rất nhỏ vang lên: “Đèn ở tầng này hay bật không lên, ngày mai tôi sẽ đi mua bóng đèn mới thay cho em.” Rồi chợt anh mở một cánh cửa ra, bật sáng đèn trong phòng lên để cô đi lên thuận lợi. Tạ Trạch Ích cười nói, “Có phải thấy cầu thang dài lắm không?”
“Phòng ở tầng này đều thế cả à?”
“Ừ.” Anh gật đầu, “Người Pháp xây nhà toàn tùy tâm, chắc hôm đó tâm trạng tốt nên mới xây tầng này cao như vậy.”
“Cao thì tốt ở đâu?”
“Cũng chẳng có gì. Chỉ là nếu về muộn quá thì đành phải leo cầu thang. Rồi đèn bị hư, lúc đi lên sẽ có cảm giác dài đằng đẵng…”
“Thì những lời tâm sự nói ra sẽ thật lòng hơn à?” Sở Vọng đột nhiên nhớ đến “Tâm Kinh”.
“Tự mình tâm sự với mình? Như thế thì lạ quá.” Tạ Trạch Ích cười cười, “Chẳng qua là có nhiều chuyện muốn nói hơn thôi.”
Sở Vọng cũng cười, “Tôi tưởng anh Tạ nói chuyện như thế là do bẩm sinh mà ra.”
“Thì ra hình tượng của tôi trong lòng cô ba là thế ư?”
Biết người này hay nói những câu chặn họng người khác nên cô chỉ cười cười, xoay người đi vào phòng.
Lần đầu tiên Sở Vọng kiểm tra nhà mình, có một sức sống mới mẻ. Tạ Trạch Ích đứng ngoài ngã rẽ hành lang, không đi tới mà bật đèn hành lang cho cô lên rồi quay người đi vào bếp.
Ngôi nhà đã được trang hoàng đâu vào đấy. Bởi vì được sửa vào mùa hè nên tông màu ngọc lam trông lạnh hơn hẳn vào mùa đông lúc này. Đi qua. đồ gia dụng bằng gỗ đào khiến cô rất bất ngờ, mang lại hơi ấm xa xưa; dây điện và dây đồng đều được sửa sang lại theo ý cô. Bước vào cửa là một căn phòng khách nho nhỏ, đi vào trong là phòng bếp; ở bên kia hành lang dài có ba cánh cửa: một phòng tắm có bồn tắm, đi vào trong là hai căn phòng ngủ.
Tạ Trạch Ích đã ở đây trước cô một thời gian, vậy mà vật dụng trong nhà đều mới toanh, không dính một hạt bụi, nhưng không phải là kiểu sạch sẽ lạnh lẽo của nhà mới không có hơi người, mà là sự sạch sẽ tinh tươm có khói lửa ấm áp.
Đến lúc đi ra, trên bàn được dọn đầy mấy món thức ăn đã hâm sẵn: thịt kho, thịt viên, sủi cảo hấp và rau xanh.
Tạ Trạch Ích đứng ở cửa, đối diện với ánh mắt cô, lập tức cười hỏi, “Nhìn tôi như thế làm gì?”
“Không thể cảm động được sao?”
“Cũng không phải do tôi nấu, không cần cám ơn tôi làm gì. Còn tôi lại không biết đây là chỗ của ba, nên phải là tôi cám ơn em mới đúng.” Nói đoạn, anh dặn dò, “Nghỉ ngơi cho khỏe đi.”
Thấy anh sắp đi, cô hỏi, “Vậy còn anh Tạ nghỉ ở đâu?”
“Tạm thời ở ký túc xá trong cục đã. Đợi tìm được nhà trọ, tôi sẽ nhanh chóng chuyển đồ đi.” Nghĩ ngợi một lúc, trước khi đi anh bổ sung thêm một câu, “Gần đây nơi này rất an toàn, em không cần phải lo lắng.”