Cơn mưa tưởng chừng không bao giờ ngừng, cũng như bầu trời tưởng chừng không bao giờ hửng sáng.
Thông báo hoãn chuyến bay bằng nhiều ngôn ngữ lặp đi lặp lại nhiều lần. Bãi đậu máy bay lộ rõ vẻ chật chội. Mọi người chỉ đành chờ đợi, bức bí lạ thường.
Bốn giờ chiều tháng bảy, cơn mưa xối xả bất chợt ập đến phủ kín khoảng không. Trừ chờ đợi, không còn có thể làm được gì khác. Tất cả mọi than phiền, nóng nảy, không hài lòng của mọi người đều phải nhường chỗ cho nó, lắng nghe nó trút hết tâm sự, chờ đợi nó bình tĩnh.
Tang Nhu lặng lẽ nhẩm thầm trong bụng. Sau khi đến được sân bay Diwopu ở Tân Cương, cần đợi thêm mười một tiếng nữa mới có thể chuyển sang chuyến bay khác. Do đó, cô vẫn dư dả thời gian để hao phí ở đây.
Sân bay cung ứng thức ăn, nước uống, tạp chí, và nút điều chỉnh âm thanh ti vi.
Tang Nhu ôm cứng món hành lý duy nhất — cái ba lô leo núi dung tích 34 lít, dựa lưng vào ghế ngồi, ngước đầu nhìn lên màn hình ti vi treo.
Trên bản tin quốc tế, khung ảnh đã chuyển sang Afghanistan. Con đường đầy ổ, hố do xe tăng tàn phá. Đạn pháo khiến thành thị vốn đã lạc hậu biến thành đống hoang tàn đổ nát. Trong bức tranh mịt mờ, các phần tử vũ trang che mặt cầm súng dọa giết ba người đàn ông quốc tịch Mỹ. Vải đen bịt kín mắt, họng súng đè ngay thái dương.
Tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Ả Rập, bản tin rối tinh chẳng khác nào tình hình thế giới. Tang Nhu ngẩn ngơ, mắt đăm đăm nhìn màn hình không chớp, đột nhiên hít một hơi thật sâu, cúi đầu.
Đeo ba lô leo núi lên, quan sát xung quanh một vòng, Tang Nhu đi tới khu vực hút thuốc. Bật lửa đã bỏ lại ở cửa kiểm tra an ninh nên cô nhờ cậu nhân viên bên cạnh mồi giúp. Chiếm lấy một góc trong không gian nhỏ hẹp, cô vùi đầu mải mê hút thuốc, rít một hơi sâu, hút hết cả một điếu thuốc dài. Chỉ trong khoảnh khắc này, cô mới có thể khống chế cơn run rẩy ở tay trái.
Hút xong một điếu thuốc, Tang Nhu quay về cửa lên máy bay tiếp tục chờ đợi. Ti vi đã chuyển sang tiết mục giải trí, vị trí của cô cũng đã bị chiếm mất, chỉ có thể lặng lẽ dựa vào cửa sổ sát đất, quan sát tình hình ngoài bãi đậu máy bay. Sấm chớp nhỏ dần, mấy chiếc máy bay nối đuôi nhau biến mất sau màn mưa tầm tã. An toàn rồi ư? Liệu có bị sấm sét đánh trúng không? Liệu có chết ở tầng bình lưu không? Liệu có còn được thấy mặt đất nữa không? Cô vẫn luôn thấy trước đủ loại tai họa xảy đến với mình, dù rằng chúng chưa từng thành sự thật.
Vào những lúc thế này, Tang Nhu cảm thấy trừ cầu nguyện với vị thần nơi phương xa, không việc gì có thể giúp cô được cứu rỗi. Tựa như mưa gió ngoài kia, như chuyến bay bị lỡ giờ, không biết có thể đến nơi thuận lợi được không. Tất cả đều là số phận đã định sẵn. Cô không sợ, nhưng rất khó chịu.
Đúng bảy giờ, máy bay đi Urumqi lăn bánh trên đường băng. Tang Nhu cảm thấy dù có trải qua mười mấy năm nữa, cô cũng sẽ nhớ như in mỗi một giây phút, mỗi một cử động của mình trong buổi chiều của năm 2012 này.
Khoảnh khắc máy bay rẽ tan tầng mây mù mịt và màn mưa trắng xóa để tiến vào tầng bình lưu, vầng trăng tròn sáng tỏ chiếu rọi xuống những đám mây cuồn cuộn bên dưới cánh máy bay. Mây tụ lại thành cụm, tông mình vào nhau. Tia chớp, tiếng sấm che kín trời đất. Tang Nhu nhìn ra ánh chớp chợt lóe chợt tắt ngoài cửa sổ, cảm giác thế giới này vừa bao la lại vừa trống rỗng.
Bên cạnh là một cô gái người Pakistan hoặc Ấn Độ, cô ấy bọc chăn kín người, nặng nề ngủ say. Các nữ tiếp viên đi lại khẽ khàng, êm ái, trong khoang máy bay tối nhờ, các cô ấy đều rất đẹp. Tang Nhu cũng định ngủ một lát, biết là cần phải tiết kiệm sức lực, biết là vẫn còn đoạn đường hành xác phía sau.
Lúc máy bay hạ cánh, thành phố sáng rực ánh đèn gần sát bên vai, tựa như một thành phố mô hình trên bàn cát sắp bị cỗ máy khổng lồ này nghiền nát.
Đa phần hành khách đã bất chấp mưa gió về nhà. Nhưng Tang Nhu thì không. Cô dụi đôi mắt cay xè, kéo thật kín chiếc áo gió dài tay, cố chống chọi với nhiệt độ điều hòa thấp quá mức trong sân bay và cơn buồn ngủ. Cô kiểm tra lại thông tin đổi chuyến bay, đường bay và cửa kiểm tra an ninh mấy lần rồi mới xoay người đi ra khỏi sân bay. Vẫn còn chín tiếng đồng hồ nữa, cô phải cố ép mình ăn chút gì đó.
Đêm tháng bảy ở Tân Cương, vòm trời trong veo không một gợn tạp chất, độ ẩm trong không khí cũng không cao. Tang Nhu dừng chân bước vào một quán ăn ngẫu nhiên, gọi một bát mì xắt hình lá cờ.
Chỉ là lúc này, đừng nói nuốt xuống, đến cả nhai cô cũng không làm nổi. Mỗi một viên mì nho nhỏ đưa vào miệng tựa hồ đều có thể tưởng như một lần hành trình thức ăn phải trải qua lực ép của yết hầu và thực quản để xuống được tới dạ dày.
Nếu giờ có người hỏi cô, rằng: Cô muốn đi đâu? Tại sao?, chắc chắn cô sẽ không biết phải trả lời thế nào.
Sao cô có thể nói với người ta, rằng cô đã từng sợ hãi cái chết đến thế, nhưng bây giờ, cô lại có việc vượt lên trên cả nỗi sợ và cái chết cần phải làm.
Trên chiếc bàn bóng vết dầu có một cuốn sổ ghi ý kiến, bên trong toàn là những chữ Duy Ngô Nhĩ như bức vẽ nguệch ngoạc, như mật mã nan giải của người cổ đại. Tang Nhu lật vài trang rồi cầm bút, viết xuống cuốn sổ những dòng hán tự duy nhất.
“Có lẽ em không thể bình an trở về nơi này, có lẽ em không thể tìm được anh. Có lẽ đây là bức thư cuối cùng em viết cho anh. Chết cùng tình yêu, hay sống mà xa cách, em không biết cái nào là tốt hơn, cái nào, là ác nghiệt hơn.”