Lúc này, Thị trưởng Jerry Kennedy nhìn vào chiếc đồng hồ đang chễm chệ ngự trên bàn ông trong Tòa thị chính.
Đó là quà của các học sinh trường Tiểu học Thurgood Marshall, ngôi trường nằm trọn vẹn trong vùng chiến sự ở khu Tám, Đông Nam Đặc khu tặng ông. Kennedy đã rất cảm động trước cử chỉ ấy. Không ai coi trọng thành phố Washington. Washington, trung tâm chính trị; Washington, trụ sở của Chính phủ liên bang; Washington, địa điểm của các vụ bê bối, ồ, đó mới là thứ thu hút tất cả sự chú ý. Nhưng không ai biết, hay quan tâm, bản thân thành phố này vận hành ra sao và ai là người điều hành nó.
Tuy nhiên, bọn trẻ ở trường Thurwood Marshall thì có. Ông đã đến nói chuyện với chúng về lòng danh dự và tầm quan trọng của việc lao động chăm chỉ lẫn tránh xa ma túy. Tất nhiên, toàn là những lời nói vô vị. Nhưng có vài đứa trong số những học sinh đang ngồi ở phòng thể chất bốc mùi và ẩm thấp ấy (bản thân nó cũng là nạn nhân của một vụ bê bối của ban giám hiệu) đã ngước những ánh măt ngưỡng mộ ngọt ngào lên nhìn ông. Rồi chúng tặng ông chiếc đồng hồ để cảm ơn về bài nói chuyện.
Giờ Kennedy đang chạm vào nó. Nhìn vào mặt đồng hồ: bốn giờ năm mươi.
Vậy là FBI đã suýt soát ngăn chặn được tên điên. Nhưng rồi họ lại không thể. Một vài người đã chết, vài người khác bị thương. Khắp thành phố, người ta ngày càng hoảng loạn. Kích động. Đã có tới ba vụ súng vô tình cướp cò, gây ra bởi những người mang súng bất hợp pháp hòng tự vệ. Họ tưởng đã trông thấy Digger trên phố hay trong sân sau nhà mình và bắt đầu nổ súng, cứ như những tay hàng xóm đầy thù hận ở Tây Virginia vậy.
Rồi lại còn những bản tin nhiếc móc Kennedy và cảnh sát Đặc khu vì không đủ khả năng đương đầu với các tội ác như thế. Vì đã nhu nhược và lẩn tránh. Một bài báo thậm chí còn gợi ý rằng sở dĩ không gọi được điện cho Kennedy khi vụ xả súng ở nhà hát xảy ra là vì ông bận buôn điện thoại để kiếm vé đi xem trận bóng bầu dục yêu thích. Các phản hồi đối với lần xuất hiện trên truyền hình của ông cũng không tốt. Một biên tập viên, một nhà bình luận chính trị, đã trích dẫn nguyên văn lời Nghị sĩ Lamier rằng ông đang "lạy lục bọn khủng bố". Anh ta cũng cố nhét từ '"hèn nhát" vào bài bình luận của mình. Tới tận hai lần.
Điện thoại đổ chuông. Wendell Jefferies đang ngồi đối diện thị trưởng cầm lấy ống nghe trước, "ừ, được rồi." Anh ta nhắm mắt rồi lắc đầu. Nghe thêm một lúc, rồi anh ta gác máy.
"Sao ?"
"Họ đã sục sạo toàn bộ nhà hát ấy mà không thể tìm nổi một chút xíu bằng chứng. Không có dấu vân tay nào. Cũng chẳng có nhân chứng đáng tin cậy".
"Chúa ơi, hắn là loại gì vậy, người vô hình à ?"
"Họ có vài đầu mối nhờ một cựu đặc vụ."
"Cựu đặc vụ à ?", Kennedy hỏi một cách không chắc chắn.
"Chuyên viên phân tích tài liệu. Anh ta tìm được vài điều, nhưng không nhiều."
Ngài thị trưởng phàn nàn, "Chúng ta cần lính, cần cảnh sát tràn ra từng góc phố, chứ không cần cựu nhân viên đẩy giấy".
Jefferies nghiêng mái đầu bóng nhẫy một cách nhạo báng. Hình tượng cảnh sát ở mọi góc phố của Đặc khu Columbia nghe hấp dẫn thật đấy, nhưng tất nhiên nó chỉ là giấc mơ hoang đường.
Kennedy thở dài. "Có thể hắn chưa nghe thấy tôi nói. Bản tin trên truyền hình ấy."
"Có thể".
"Nhưng đó là hai mươi triệu đô la !" Kennedy tranh cãi với đối thủ vô hình của mình, Digger. "Vì lý do quái quỷ gì mà hắn lại không liên lạc với ta ? Hắn có thể có hai mươi triệu đô đấy."
"Họ suýt bắt được hắn. Có thể lần tới sẽ bắt được."
Khi đi ngang cửa sổ, Kennedy dừng lại. Nhìn vào nhiệt kế đo nhiệt độ ngoài trời. 0,5 độ c. Mới nửa giờ trước đó, còn là 3,3 độ.
Nhiệt độ đang giảm...
Các đám mây tuyết đang lởn vởn trên đầu.
Tại sao mi lại ở đây ? Ông lặng lẽ hỏi tên Digger một lần nữa. Tại sao lại là ở đây ? Tại sao là lúc này ?
Ông ngước mắt lên nhìn hình ảnh mái vòm hình chiếc bánh cưới của tòa nhà Capitol. Khi Pierre L'Enfant nghĩ ra bản "Hoạch định thành phố Washington" năm 1792, ông ta đã yêu cầu một người vẽ bản đồ vẽ một đường kinh tuyến nam bắc rồi một đường khác vuông góc với nó, chia thành phố thành bốn phần và điều đó vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Tòa nhà Capitol nằm ở giao điểm của hai đường ấy.
"Tâm của những sợi tóc vắt ngang", một vị luật sư kêu gọi kiểm soát súng ống đã từng nói như vậy trước một phiên đối chất ở Quốc hội, nơi Kennedy tới làm chứng.
Nhưng tầm ngắm của kính thiên văn đầy ẩn ý như thế chẳng khác nào đang nhắm thẳng vào ngực Kennedy.
Thành phố với diện tích một trăm lẻ một kilomet vuông đang rung chuyển và ngài thị trưởng của nó thì tha thiết mong nó không sụp đổ. Ông là người Washington gốc, bản thân việc đó đã ngày càng hiếm, dân số của thành phố giảm từ hơn tám trăm ngàn người xuống còn xấp xỉ nửa triệu. Và mỗi năm mỗi vắng thêm.
Thành phố này là chốn lai tạp kỳ quặc của thể chế chính trị, chỉ mới nhận được quyền tự trị từ những năm 1970 (trừ vài năm ngắn ngủi ở thế kỷ trước, khi tham ô và sự yếu kém trong công tác quản lý đã nhanh chóng đẩy thành phố tới chỗ bị phá sản và bị buộc trở về tay Quốc hội). Hai mươi lăm năm trước, các nhà làm luật của liên bang đã trả lại dây cương cho thành phố. Từ đó về sau, một vị thị trưởng cùng mười ba thành viên của Hội đồng thành phố đã phải chật vật để kiểm soát tỷ lệ phạm tội (đã có những lúc Đặc khu là nơi có tỷ lệ án mạng cao nhất nước Mỹ), hoạt động của các trường học (tỷ lệ thí sinh dự thi thấp hơn tất cả các thành phố lớn khác), cân bằng thu chi (lúc nào cũng âm) và xoa dịu nạn phân biệt chủng tộc (người gốc Á, người da màu và người da trắng chống lại lẫn nhau).
Khả năng Quốc hội lại tiến lên tiếp quản thành phố một lần nữa là hoàn toàn có thật; các nhà làm luật đã tước bỏ toàn quyền chi tiêu của thị trưởng.
Đó sẽ là một thảm họa, bởi vì Kennedy tin rằng chỉ ông mới có khả năng cứu nguy cho thành phố và công dân của mình, trước khi nơi này phun trào thành một ngọn núi lửa của tội phạm, vô gia cư lan các gia đình ly tán. Hơn bốn mươi phần trăm thanh niên da màu ở D.c. có tên "trong hệ thống": trong tù, trong thời gian hưởng án treo hay đang bị truy nã. Vào những năm Bảy mươi, khoảng một phần tư các gia đình trong Đặc khu chỉ có mẹ hoặc bố, nhưng giờ, con số ấy đã lên tới gần ba phần tư.
Bản thân Jerry Kennedy đã được nếm trải những điều sẽ xảy ra nếu thành phố tiếp tục đà lao xuống dốc của nó. Năm 1975 khi còn là một luật sư làm việc cho Sở giáo dục của Đặc khu, ông đã tới công viên Mall, khoảng đất rộng đầy cây cỏ với Đài tưởng niệm Washington, nhân ngày thể hiện lòng người tử tế, một sự kiện để đoàn kết các chủng tộc. Ông nằm trong số hàng trăm người bị thương khi cuộc chiến chủng tộc nổ ra giữa đám đông. Chính vào ngày hôm đó, ông đã từ bỏ kế hoạch chuyển đến Virginia và tranh cử vào Quốc hội. Ông quyết định trở thành thị trưởng của thủ đô. Thề có Chúa, ông sẽ sửa chữa nơi này.
Ông cũng biết cách phải làm thế nào. Với Kennedy, vấn đề rất đơn giản. Câu trả lời chính là giáo dục. Bạn cần phải giữ được lũ trẻ trong trường học, một khi làm được việc đó thì tính tự tôn và nhận thức rằng chúng được quyền tự lựa chọn cuộc sống sẽ đến. (Phải, tri thức có thể cứu rỗi bạn. Chính nó đã cứu rỗi ngài thị trưởng. Nó đã cứu ông thoát khỏi cái nghèo ở Đông Bắc D.C., đưa đẩy ông vào trường Luật William và Mary. Nó cũng cho ông một người vợ xinh đẹp, thông minh, hai đứa con trai thành đạt cùng một sự nghiệp đáng tự hào.)
Tất nhiên, không ai bất đồng với giả thuyết ban đầu rằng giáo dục có thể cứu rỗi con người. Nhưng làm thế nào để giải được bài toán đố là đảm bảo bọn trẻ được học hành tử tế thì lại là chuyện khác. Đảng Bảo thủ khăng khăng đưa ra tiêu chuẩn mỗi người phải sống thế nào, và nếu người ta không yêu quý hàng xóm láng giềng hay sống theo những giá trị của gia đình thì đó là vấn đề của họ. Chúng tôi tự học tại nhà; tại sao người khác không thể ? Còn Đảng Tự do thì rên rỉ và đòi ném thêm tiền vào các trường học, nhưng tiền chỉ làm được mỗi một việc là giảm tiến độ mục rữa của cơ sở vật chất. Nó chẳng thể làm gì để khiến sinh viên ở lại trong các tòa nhà ấy.
Đây chính là thử thách dành cho Gerald David Kennedy. Ông không thể vẩy cây đũa thần và mang các ông bố về với các bà mẹ, cũng chăng thể phát minh ra thuốc giải độc cho cocaine, hay tước súng khỏi tay của những người sống cách trụ sở Hiệp hội Súng trường quốc gia hai mươi tư cây số.
Nhưng ông đã nhìn ra cách làm thế nào để giữ bọn trẻ trong Đặc khu tiếp tục việc học của chúng. Kế hoạch của ông gần như có thể tổng kết trong một từ: hối lộ.
Mặc dù ông và Wendell Jefferies gọi nó bằng một cái tên khác: Dự án 2000.
Trong năm vừa qua, với sự trợ giúp của vợ, Jefferies và vài đồng sự thân cận khác, Kennedy đã đàm phán với các thành viên của Hội đồng Nghị viện Đặc khu để đánh thêm một loại thuế nữa lên các công ty đang hoạt động tại Washington. Tiền sẽ được chuyển vào quỹ để trả tiền mặt cho các học sinh tốt nghiệp trung học, với điều kiện chúng không dùng ma túy và chẳng dính dáng đến tiền án tiền sự nào.
Nhưng chỉ sau một cú đột kích, Kennedy đã khiến mình phải hứng chịu toàn bộ cơn thịnh nộ của giới chính trị. Đảng Tự do gạt bỏ ý tưởng ấy vì nó có thể là nguồn cơn cho sự tham ô trên diện rộng, chưa kể đến vấn đề tự do nhân quyền khi ép buộc kiểm tra ma túy bằng luật. Đảng Bảo thủ thì chỉ cười nhạo. Tất nhiên các tập đoàn nằm trong diện chịu thuế cũng có ý kiến riêng. Lập tức nhiều lời đe dọa được đưa ra: Các công ty chính dọa sẽ rời bỏ hẳn Đặc khu, chất vấn về các khoản quỹ của ủy ban hoạt động chính trị; thêm vào đó, tiền cứng, tiền mềm của chiến dịch tranh cử đã biến mất khỏi ngân quỹ Đảng Dân chủ; thậm chí cả những lời bóng gió về chuyện sẽ công khai bí mật đời tư (tất nhiên ông làm gì có, nhưng cứ thử nói thế với cánh báo chí sau khi họ đã nắm trong tay những cuộn băng mờ ảo ghi hình một cặp nam nữ bước vào khách sạn số Sáu hay nhà trọ Kỳ nghỉ mà xem).
Thế nhưng, Kennedy vẫn sẵn sàng mạo hiểm tất cả. Trong suốt những tháng đàm phán trên Đồi Capitol về dự thảo trên với Hội đồng, ông phát hiện ra có thể nó sẽ được thông qua, chủ yếu vì được đồng đảo quần chúng hưởng ứng.
Thế rồi một viên chức thành phố, Gary Moss, đã lấy đủ dũng cảm để đến gặp FBI với bằng chứng về một âm mưu tham nhũng lớn liên quan đến việc xây dựng và bảo trì trường học. Các cuộc điều tra ban đầu cho thấy hệ thống đường điện lẫn công trình nề ở một vài trường đã tồi tệ tới mức có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến toàn bộ giáo ban và học sinh. Vụ bê bối cứ thế phình ra, và hóa ra nó liên quan đến một cơ số các nhà thầu chính, nhà thầu phụ lẫn vài quan chức cấp cao trong Đặc khu mà trong số họ có một vài người là bạn lâu năm do Kennedy tiến cử.
Đích thân Kennedy đã ca tụng Moss và ném mình vào việc nhổ tận gốc tham nhũng. Nhưng báo chí, chưa nói đến các đối thủ của ông, tiếp tục tìm cách gắn ông với vụ bê bối. Cứ mỗi bài báo về việc trả lương cho "ban quản lý Kennedy", mà có khá nhiều bài như vậy, lại ăn mòn dần dần sự ủng hộ cho Dự án 2000.
Đáp lại, ngài thị trưởng đã làm việc mình làm giỏi nhất: Ông phát biểu hàng chục bài mô tả tầm quan trọng của hoạch, mặc cả với Quốc hội và các nghiệp đoàn giáo viên để tìm kiếm sự ủng hộ, thậm chí còn đi cùng bọn trẻ từ trường về nhà để nói chuyện với các ông bố, bà mẹ về chuyện tại sao Dự án 2000 lại quan trọng với tất cả mọi người trong thành phố. Các con số trong cuộc trưng cầu dân ý rất ổn định và với Kennedy cũng như Jefferies, có vẻ như họ sẽ giữ vững được tình thế.
Thế rồi tên Digger xuất hiện... giết chóc mà không hề bị trừng phạt, thoát khỏi những hiện trường tội ác đầy chật người, rồi lặp lại hành vi ấy. Và ai bị buộc tội nào ? Không phải FBI bí ẩn, mà là mục tiêu yêu thích của tất cả mọi người: Jerry Kennedy. Nếu tên điên kia còn giết thêm một thường dân nào nữa, ông tin rằng Dự án 2000, niềm hy vọng cho tương lai thành phố của ông, sẽ chỉ còn là chú thích cuối trang đầy chua chát trong tiểu sử của Kennedy mà thôi.
Đó chính là lý do tại sao Jefferies đang gọi điện thoại. Người trợ lý lấy tay che ống nói.
"Anh ta đây rồi", Jefferies nói.
"Đâu ?", Kennedy cáu kỉnh hỏi.
"Ngay bên ngoài. Trong sảnh." Rồi anh ta nhìn kỹ ngài thị trưởng. "Ngài lại ngại ngần phải không ?"
Chàng trai thon gọn thật, Kennedy nghĩ, trông cậu ta mới hoàn hảo làm sao trong bộ vest nhập khẩu, với cái đầu cạo trọc và cà vạt lụa siết vào cổ họng.
"Chắc chắn tôi phải nghi ngại rồi."
Ngài thị trưởng nhìn ra một khung cửa sổ khác không có tầm nhìn ra Capitol. Ở đằng xa, ông có thể thấy ngọn tháp biểu trưng của trường Đại học Georgetown. Ngôi trường của ông. Ông và Claire sống không xa trường lắm. Ông nhớ mùa thu vừa rồi, hai ngươi đã cùng đi bộ trên những bậc cầu thang dốc, nơi vị linh mục từng bị vấp ngã trong những cảnh cuối phim Trừ tà.
Chính vị linh mục đã hy sinh bản thân để cứu lấy cô gái bị quỷ dữ đoạt hồn.
Chà, đúng là điềm báo.
Ông gật đầu. "Được rồi. Tới nói chuyện với anh ta đi !"
Jefferies cũng gật. "Chúng ta sẽ vượt qua chuyện này, Jerry. Sẽ làm được". Rồi anh ta nói vào điện thoại, "Tôi sẽ ra ngay".
Bên ngoài sảnh chờ của văn phòng thị trưởng, một người đàn ông đẹp trai trong bộ vest hai hàng khuy đang dựa vào tường, ngay bên dưới bức chân dung một vị chính trị gia của thế kỷ XIX.
Wendell Jefferies bước đến chỗ anh ta.
"Chào Wendell !"
"Slade ." Đây là tên của anh ta, tên khai sinh, dù bạn có tin hay không, với họ là Phillips, bạn sẽ tưởng bố mẹ anh ta đã biết trước đứa trẻ sơ sinh đẹp đẽ của mình một ngày kia sẽ trở thành biên tập viên thời sự đẹp trai của một kênh truyền hình. Thực tế, anh ta chính là như vậy.
"Đã xem tin trên bộ phận hình. Tên khốn đó đã bắn hai đặc vụ, đóng vai Phantom trong nhà hát với chục tên con hoang tội nghiệp trong chiếc quần bó."
Trên sóng truyền hình, với chiếc tai nghe xoắn nơi cái cổ luôn được cạo sạch sẽ, Phillips nói khác. Ở những nơi công cộng, anh ta lại nói khác. Với người da trắng, anh ta cũng nói khác. Nhưng Jefferies là người da màu, thế nên Slade muốn Wendell nghĩ rằng mình nói ngôn ngữ của anh ta.
Phillips nói tiếp, "Hạ một, tôi nghĩ vậy".
Jefferies không chỉ ra cho phát thanh viên biết rằng trong ngôn ngữ bang hội hè phố thì từ "hạ" tức là "bắn chết" chứ không phải "cho đèn chùm đè chết".
"Suýt thì tóm được thủ phạm nhưng hắn đã chuồn mất."
"Tôi cũng nghe như vậy", Jefferies nói.
"Vậy là anh chàng này sẽ xóa sạch những điềm gở của chúng ta và khiến chúng ta dễ thở hơn ?" Đây là lời ám chỉ tới cuộc họp báo sắp tới của Kennedy.
Hôm nay, Jefferies không có chút kiên nhẫn nào với loại người như Slade Phillips. Anh ta chẳng hề cười. "Thế này nhé. Tên khốn này sẽ tiếp tục gây án. Không ai biết hắn nguy hiểm tới mức nào."
"Hắn nguy hiểm".
Jefferies phất tay ra hiệu im lặng. "Chuyện này đã đủ tồi tệ lắm rồi."
“Tôi biết."
"Tất cả mọi người sẽ soi Ông ấy."
Ông ấy. Chữ Ô viết hoa. Jerry Kennedy. Phillips hiểu ngay.
"Chắc chắn rồi."
"Vì vậy, chúng tôi cần được giúp đỡ", Jefferies nói, hạ giọng tới cao độ cộng hưởng với âm thanh tiền trao tay.
"Giúp đỡ."
"Hai mươi lăm cho vụ này."
"Hai mươi lăm."
"Anh mặc cả à ?", Jefferies hỏi.
"Không, không. Chỉ là... nhiều quá. Anh muốn tôi làm gì ?"
Tôi muốn ông ấy...
"Kennedy."
Jefferies thở dài "Phải. Ông ấy vượt qua chuyện này như một người hùng. Ý tôi là người hùng đích thực. Nhiều người đã chết và có thể sẽ còn nhiều người hơn. Hãy tập trung vào chuyện ông ấy đi thăm các nạn nhân và đối đầu với bọn khủng bố, tôi không biết, hãy nghĩ ra cái gì đó thật thông minh về chuyện bắt tên sát nhân. Và lôi sự chú ý ra khỏi người ông ấy để chĩa vào những kẻ làm hỏng chuyện."
"Khỏi..."
"Ngài thị trưởng", Jefferies nói. "Kennedy không phải là người..."
"Không, ông ấy không chỉ đạo vụ án này." Phillips hắng giọng. "Đó có phải là điều anh định nói không ?"
"Đúng", Jefferies nói. "Nếu có bất kỳ trục trặc nào, hãy đảm bảo rằng ông ấy đã không được thông báo và đã làm hết sức để sửa chữa."
"Chà, đây là kiểu chiến dịch Feebie đúng không ? Vậy là chúng ta chỉ có thể..."
"Đúng vậy Slade, nhưng chúng ta không muốn đổ lỗi cho Cục điều tra", Jefferies nói với đứa cháu mười tuổi của mình cũng bằng giọng điệu y hệt.
"Không à ? Chính xác là tại sao nhỉ ?"
"Chỉ là không làm vậy thôi."
Rốt cuộc Slade Phillips, một người chỉ quen đọc bài ăn sẵn từ máy nhắc vở, đã hiểu. "Tôi không hiểu, Wendell. Thế anh muốn tôi làm gì ?"
"Tôi muốn anh thử một lần làm phóng viên thực thụ."
"Chắc chắn rồi." Phillips bắt đầu soạn bài trong đầu. "Vậy là Kennedy giơ đầu chịu trận. Ông ấy lãnh đạo cảnh sát. Ông ấy tới bệnh viện... Chờ đã, không đi cùng vợ à ?"
"Đi cùng vợ chứ", Jefferies kiên nhẫn trả lời.
Phillips gật đầu về phía phòng Báo chí. "Nhưng chờ đã... chúng ta đang nói... ý tôi là, người của tờ Post nói Kennedy chẳng đến thăm ai cả. Họ sẽ phản bác lại cho mà xem."
"Không, không, ông ấy đã tới thăm những gia đình muốn giữ kín danh tính. Ông ấy đi thăm suốt cả ngày nay."
"Ồ, thế à ?"
Thật kỳ diệu vì những gì mà hai lăm ngàn đô la có thể mua cho bạn, Jefferies nghĩ.
"Nhưng tôi phải làm gì với ngoại cảnh ? Ý tôi là nếu câu chuyện nói về việc ông ấy ở bệnh viện".
Jefferies quát, "Thì cứ chiếu đi chiếu lại những cảnh quay năm giây một như các anh vẫn làm ấy. Tôi không biết. Hoặc có thể chiếu cảnh xe cứu thương ở Metro".
"Được rồi. Thế còn phần kẻ tội đồ ? Tại sao anh lại nghĩ là sẽ có một kẻ tội đồ ở đây ?"
"Trong những tình huống như thế này, lúc nào chả có."
"Được rồi, anh cần một kẻ nào đó đứng ra gánh tội. Nhưng không phải là..."
"Không phải Cục."
"Được rồi", Phillips nói. "Nhưng chính xác thì tôi phải làm thế nào ?"
"Đó là việc của anh. Nhớ là: ai, cái gì, ở đâu, khi nào và tại sao. Anh là phóng viên cơ mà." Anh ta nắm cánh tay Phillips và hộ tống viên phóng viên xuống cuối hành lang. "Đi làm phóng sự đi !"