Tối hôm đó sau khi rời khỏi toà nhà hội sở, tôi vội vã đến chỗ hẹn.
Chỉ trễ áng chừng hơn hai phút, nhưng vẫn như mọi khi, người đó rời đi không hề đợi tôi lấy một lần. Tôi ngồi trong quán ăn nhỏ, thở dài mở điện thoại ra gửi tin nhắn đến người ấy: "Thật sự xin lỗi."
Không có tin nhắn hồi đáp.
Tôi gọi cho mình một đĩa mỳ Ý kèm một cốc nước soda chanh bạc hà, lặng lẽ nhìn ra ánh đèn nơi con phố tấp nập ngoài cửa sổ.
Cơn mưa lại ập tới, đem theo gió lạnh lùa vào trái tim.
Tôi chưa từng nghĩ, mình sẽ cảm thấy cô đơn đến vậy.
Về đến nhà đã hơn mười giờ tối. Nhìn căn hộ trống trải ảm đảm, tôi thở dài, ngả người xuống ghế sô pha. Đầu tóc, quần áo ướt nhẹp, từ sâu thẳm trong tim đều run lên vì lạnh, nhưng tôi vẫn lười nhác chẳng buồn cử động.
Điện thoại trong túi áo rung lên, có tin nhắn mới.
Tôi vội vã mở ra xem, nhưng hoá ra lại là của một người không ngờ đến.
"Chị Trang ơi, em Nhi nè. Chị đã về nhà chưa ạ? Nhường em áo khoác có bị lạnh lắm không chị?"
Bật cười, tôi nhắn lại cho em: "Sao biết số điện thoại của chị vậy?"
Vài phút sau em đã trả lời: "Dạ, là mẹ cho em đó ^o^. Ừm, hôm nay cám ơn chị nhiều nha."
Thật ra tôi không quan tâm nhiều rằng mình sẽ giúp ai, cho đi và nhận lại những gì. Tôi đơn giản vì muốn làm như vậy, với ai đi chăng nữa, tôi cũng sẽ đối xử thế thôi.
Chuyện hôm nay với em, tôi cũng không nghĩ ngợi gì.
"Không sao, em ổn hơn rồi chứ?"
Tôi đặt điện thoại xuống mặt bàn, đứng dậy lấy khăn lau mái tóc ẩm ướt.
Nhìn mình trong gương lại thở dài một tiếng, không nghĩ thanh xuân lấy đi thật nhiều điều. Gương mặt tôi không có gì nổi trội, thậm chí khi cười còn rất gượng gạo khó coi. Mắt thì mắt một mí, còn thêm cái mũi chẳng cao thanh thoát gì, nói chung là ai cũng nhận xét tôi thoạt nhìn cực khó gần gũi.
Điều làm tôi thấy mình đặc biệt hơn một chút, chắc là cái bớt to đùng ở trên trán. Dù mọi người khuyên bảo thế nào, tôi cũng không chịu tẩy nó đi.
Bởi tôi sợ, nếu cái bớt ấy biến mất, thì bố mẹ sẽ chẳng tìm lại được tôi nữa.
Sư cô nói, cũng là một ngày mưa, mẹ đem tôi bỏ trước cổng cô nhi viện cùng mảnh giấy ghi họ tên cùng ngày tháng năm sinh.
Lê Kiều Trang – thứ duy nhất khiến tôi biết mình còn có bố, hoặc là mẹ họ Lê.
Cũng là điều duy nhất khiến tôi cho đến giờ vẫn chờ đợi, chờ một phép màu mang bố mẹ trở về bên mình.
Điện thoại trên mặt bàn lại phát sáng. Tôi vừa đánh răng vừa xem tin nhắn của em.
"Em vừa bị mẹ mắng vì tội vô ý, hic. Em không sao đâu ạ, chị đừng lo."
"Ngủ sớm đi nhé, chúc em ngủ ngon."
"Dạ, chị cũng vậy. Mai gặp ở văn phòng nha chị."
Một cô gái năng động và dễ thương.
Tôi mỉm cười, đặt điện thoại lên đầu giường, lắng nghe tiếng mưa rả rích bên ngoài cửa sổ mà nặng nhọc chìm vào giấc ngủ.
Vì tối hôm trước ngấm mưa lạnh, nên buổi sáng tỉnh dậy đầu đau như búa bổ.
Ở văn phòng làm việc, tôi ho như cuốc kêu, đến mức mà chị Yến còn phải ngóc đầu sang hỏi: "Này, mày yếu vậy em? Hôm qua không đem theo áo mưa hả?"
Tôi vừa xì mũi, vừa lắc đầu, giọng lạc cả đi. "Vâng, ai nghĩ trời mưa chứ?"
"Thế mày không biết đường tấp vào mà mua tạm cái áo mưa à? Rét như thế mà mày đi người không, chị cũng chịu mày."
Đầu giờ chiều, trên vách ngăn lại vang lên tiếng gõ cộc cộc. Tôi kinh ngạc ngẩng đầu, phát hiện từ lúc nào ở thành vách đã có một vỉ thuốc cảm cúm và chai siro ngậm ho. Ở bên dưới còn có mảnh giấy note màu hồng cùng dòng chữ xinh xắn: "Đừng để ốm nặng nha, em ngồi một mình sẽ buồn lắm."
Tôi bật cười, nghiêng người sang bàn bên cạnh nhìn em.
"Cám ơn em nhé." Tôi nói.
Em kéo ghế dịch lại gần tôi, hạ giọng thì thầm. "Hứa nha, đừng ốm nặng."
"Sẽ cố."
Tôi cất mảnh giấy note vào trong ngăn kéo, nhìn thuốc trên bàn mà tự nhiên lại tủm tỉm cười.
Hình như đã rất lâu rồi, tôi không được ai quan tâm như thế.
Em giống như một chú chim nhỏ, vào một ngày nắng chợt xuất hiện trước mái hiên, dùng âm thanh ngọt ngào làm cuộc sống tẻ nhạt của tôi bừng sáng.
Gõ ba tiếng lên vách bàn, Lan Nhi cười rộ ngó sang nhìn tôi.
"Chị, tối nay đi xem phim cùng em không? Con bạn em nó chia tay người yêu rồi, vé xem phim vứt cho em luôn."
"Bạn bè đang buồn mà nhìn em vui vậy à?" Tôi đùa.
"Dạ, vì được đi xem phim không mất xu nào đó."
Thật ra trong lòng tôi đang có chút buồn chán, vì ban nãy người đó gửi tin nhắn đến: "Xin lỗi, tối nay không rảnh, hẹn hôm khác."
Đã bao lâu rồi nhỉ? Hình như hơn một tháng rồi không gặp. Có nói chuyện vài câu thì chắc cũng kết thúc bằng một biên lai tôi chuyển tiền chu cấp cho người đó.
Tôi là một người luôn sống trong thiếu thốn, từ vật chất đến tình cảm, nên tôi thực sự không muốn đối phương phải trải qua những cảm giác kinh khủng đến như vậy. Chỉ là, tôi không biết sự bù đắp ấy có khiến tôi trở nên tốt lành hay không, hay chỉ trực vỡ oà rồi chẳng thể hàn gắn.
Có lẽ thấy tôi lại ngẩn người, Lan Nhi khẽ lay tôi một cái. "Chị Trang, hôm nay chị sao vậy?" Em dịch ghế vào sát tôi, lo lắng nhìn tôi mà hỏi, "Chị chẳng tập trung gì cả. Có chuyện gì hay sao ạ?"
Tôi mỉm cười, cố che đậy nỗi cô đơn trong lòng. "Phim gì vậy, rạp nào? Em có muốn ăn gì trước không?"
"Em biết mà, chị không bỏ rơi em đâu."
Lan Nhi reo lên, vui vẻ ôm lấy cánh tay tôi. Trước khi bấm tháng may xuống hầm xe, tôi còn nghe sếp Hạnh gọi với theo: "Hai đứa đi nhớ về sớm đấy nhé."
"Rồi mà, mẹ cứ lo không đâu. Con đi với chị Trang chứ đi với ai đâu mà."
Hai mươi tám tuổi, đột nhiên thấy bản thân thật lúng túng trước thế giới ngập tràn năng lượng của em.
"Chị chưa từng đi xem phim hả?"
Ngồi trên ghế chờ, em kinh ngạc nhìn tôi hỏi, giống như thấy điều kỳ diệu trong cuộc sống vậy. Tôi tay cầm hai cốc nước, còn ôm thêm túi bỏng ngô, chỉ lắc đầu cười khổ.
Thật ra cũng từng rủ người kia cùng đi, nhưng nhận lại đều là lời từ chối vì không có thời gian rảnh.
"Yên tâm, giờ có em rồi." Lan Nhi ra vẻ rất quyết tâm, còn mạnh dạn cúi đầu hút cốc coca trên tay tôi nữa. "Em sẽ không để chị sống nhàm chán như vậy nữa. Chị Yến nói đúng thật, chị giống hệt mấy người cổ đại ấy."
"Chị chán đến mức đấy cơ hả?"
Em đột nhiên chăm chú nhìn tôi, ánh mắt tinh nghịch thường ngày chuyển sang dịu dàng. "Nhưng không hiểu sao, em lại cứ thích xán lấy chị. Đúng là trái tính trái nết nên hút nhau phải không?"
Rạp chiếu giờ cao điểm đông đúc, nhưng trong mắt tôi hiện tại chỉ còn lại hình bóng của em.
Em cười, cũng không để ý tới ánh mắt tôi kỳ lạ. "Ở cạnh chị, em cảm thấy được che chở, thật đấy. Chị không thấy trên văn phòng, em cả tháng nay toàn ỉ vào chị đó hả?"
Cũng không có để ý nhiều, vốn dĩ tôi cũng chẳng hay quan tâm đến những chuyện xung quanh.
"Cho nên, từ giờ ngoài là đồng nghiệp, cứ xem em là em gái, hoặc một người bạn nhé? Cứ tâm sự với em nếu thấy bí bách trong lòng. Thật ra, vé xem phim hôm nay là của em mua đấy. Em chỉ là muốn đi cùng chị ra ngoài chơi thôi..."
Kinh ngạc nhìn em, chẳng thốt ra được lời nào.
Nếu em biết sự thật về con người tôi, liệu em còn sẵn sàng bên cạnh làm bạn với tôi nữa không?
Từ nhỏ đến lớn, tôi đều không có bạn.
Những năm tiểu học, hễ trong lớp xảy ra vấn đề gì, tất thảy đều đổ lỗi cho tôi. Cô giáo cũng vì số đông mà ngấm ngầm thừa nhận điều đó, đến mức tôi sợ hãi cả việc đến trường.
Nguyên nhân chỉ vì tôi là đứa không cha không mẹ, không được giáo dục một cách đoàng hoàng, nên mọi sai trái đều là lỗi của tôi.
Tôi không nhận được sự thương cảm từ người lớn, bởi trong mắt họ, tôi vốn dĩ chỉ là đứa trẻ có tính ăn cắp vặt, hỗn láo và dối trá.
Tôi không có như vậy. Tôi nhớ mình đã ôm sư cô mà khóc suốt một tiếng đồng hồ vì oan ức, nhưng nước mắt không khiến cuộc sống của tôi tốt hơn, không làm mọi người tin tưởng, không thể khiến tôi có nổi một người bạn chân thành...
"Chị Trang, đừng buồn nữa nhé? Còn có em ở đây mà."