Cơm chiều vừa xong
trời cũng sụp tối. Dọn dẹp hai mâm cơm rồi thì đốt một chén đèn dầu ở
nhà trên, người lớn ngồi bàn nói chuyện, con nít ngồi hàng hiên. Hôm nay không có gió lớn, ngoài bãi có một hai nhà đã chuẩn bị lên ghe đánh cá, tiếng nói xôn xao xa xa vọng đến.
Nhóc Phúc chạy đến gần Mai,
tay cầm ống tre lúc trưa nhà Tiêu thúc cho. Trên đường đi nhóc không nỡ
uống hết nước thốt nốt mà để dành lại. A Trúc nhỏ hơn A Phúc mấy tháng
đang cầm cái chén nhỏ đi theo.
- Đệ không uống hết nước sẽ chua đó.
Bình ca nói.
- Đệ biết.
A Phúc vừa nói vừa rót từ trong ống tre ra nứa chén.
- A Trúc, muội và Mai tỷ uống cái này. Ca, An ca, Vĩnh ca sẽ uống hết trong ống nhé.
- Dạ,
A Trúc bưng cái chén đến ngồi cạnh Mai trên ngạch cửa. Mai nâng chén cho
bé uống một hớp, rồi mình mới uống. Nhìn gương mặt thoả mãn của bé, Mai
cũng thấy vui. Nước thốt nốt này chắc mới được lấy sáng nay nên giờ vẫn
chưa bị lên men chua, nhưng nếu để vài giờ nữa, không khí dịu mát của
đêm sẽ làm nó lên men ngay. Ba anh em trai bên kia vừa chỉ trỏ phía bãi
vừa thì thầm nói chuyện rất hưng phấn.
- Lúc sáng nhà Lưu bá con đã đi vô trong đó phụ dựng nhà. Con có gặp trên đường không?
Ông nội ngồi trên ghế hỏi cha Mai.
- Dạ không cha. Chắc Lưu bá đi đường trong, con đi đường ngoài.
Đầu Mai nhi chưa hết hẳn nên con đi đường ngoài, tuy xa hơn nhưng dễ đi chút.
- Ừ, đã khoẻ hẳn chưa? cần mời lang y nữa không?
- Đỗ lang y nói chỉ cần uống ba thang này nữa là khoẻ. Cẩn thận trông
chừng xem có bị choáng váng, nhức đầu, nôn mửa thì báo ông biết.
- Trời, nếu bị bệnh lại có kịp đi mời ổng không? Mời nữa thì tốn bao nhiêu? Hay chú thím tư bị lang băm gạt rồi!
Tam bá mẫu lại khan giọng lên tiếng, hình như bà rất 'nhạy cảm' khi nhắc đến tiền.
- Đỗ lang y đã ở làng Đông Hồ mấy năm rồi, trong làng ai cũng biết. Sao đi gạt ta chứ.
Cha Mai lên tiếng giải thích.
- Nhưng mà,...
- Cha có nghe tiếng ông ấy.
Tam bá mẫu vừa nói tiếp hai tiếng thì bị ông nội chặn lại, bà đành im lặng.
Nhị bá hỏi cha:
- Lưu Hà đệ mới đến đó hơn một năm đã có thể dựng nhà. Đệ thấy trong đó làm được không?
- Nhà Lưu ca dựng cũng lớn, xung quanh đất ruộng trồng lúa, khoai, đậu.
Cá tôm thì bắt trong vũng, trong mương, cũng không lo đói.
Cha
Mai cứ tuần tự kể lại mấy việc đã thấy ở làng Đông Hồ, có mấy chuyện Mai không biết như: Mỗi tháng nước lớn sẽ có ghe xuồng từ miệt thứ lên mua
bán đồ. Mấy người trong làng cũng quá giang ghe đó lên chợ.
Năm
rồi, miệt trong nước nổi cao hơn bình thường, nhiều gia đình không chịu
được nên theo ghe đi vào sống phía trong làng Đông Hồ tránh con nước,
rồi ở lại luôn. Cha còn kể mấy chuyện nghe được từ Bùi ông cho cả nhà
nghe nữa.
Mấy đứa nhỏ ngoài sân nghe một đoạn cũng bị doạ nên đều rúc vào ngồi trên ván gần người lớn. Vĩnh ca, An ca lần đầu nghe nên
rất chăm chú, hai mắt sáng như sao. A Phúc đã nghe rồi mà vẫn dóng tai
nghe lại, còn thì thầm bổ sung thêm lời cha kể làm Mai nhịn cười nhìn.
Đúng là cái gì sợ thì thích nghe, càng nghe càng sợ.
Nương Mai
ngồi góc bên này thấy cha kể xong liếc qua thì gật gật đầu ra hiệu. Mai
lên tinh thần, biết là hai người sắp nói tới điểm chính đây. Từ khi nghe Cúc tỷ kể tình hình trong nhà, cô cũng suy nghĩ đến việc này.
Thời này rất coi trọng đạo hiếu, tam đại - tứ đại đồng đường là việc thường. Nhưng ở vùng đất mới xa xôi này, cộng thêm nhiều tộc người sống chung,
văn hoá trộn lẫn vào nhau nên mọi thứ cũng 'linh động'. Muốn thuyết phục ông bà nội cho nhà Mai chuyển ra ngoài nên làm cách nào đây?
- Cha, nương,...
Cha Mai ấp úng rồi cũng cương quyết nói:
- Con định theo Lưu ca vô trong đó làm ruộng rẫy sinh sống.
Không khí trong nhà trầm lại, mấy đứa nhỏ đang tự doạ mình sau khi nghe kể chuyện cũng tỉnh lại.
- Con,... ý con là sao?
Bà nội lắp bắp nói, giọng đã nghẹn lại. Đây là đứa con đầu ruột thịt của
bà, lúc nhỏ vì để cả nhà hoà thuận nên chịu không ít thiệt thòi. Dù bây
giờ cưới vợ sinh con, coi như trưởng thành nhưng bà vẫn yêu thương;
trong lòng muốn chăm sóc nó, con cái nó cho đến hết đời. Giờ nó lại muốn chuyển ra ngoài sống, cách xa bà, hỏi sao bà không đau lòng.
-
Cha, vết thương ở chân con,... sau này con và tụi nhỏ cũng khó tự mình
đi biển được. Làm ruộng thì đỡ hơn, ít ra cũng đủ ăn no.
Ai cũng
trầm mặc suy nghĩ, lời của cha Mai là sự thật. Nghề đi biển đánh cá thu
nhập cao hơn nhưng sóng to, gió lớn; giữa biển không đủ sức là không thể làm. Ở lại làng chài mà không đi biển thì lấy gì ăn? Người làng chài
đâu có làm lúa gạo, lương thực gì? Bây giờ còn ông bà thì nhà Lê nhị, Lê tam sẽ phụ chia nhau thức ăn.
Sau này ông bà mất rồi, hai nhà
kia có nguyện ý hay không còn phải xem lại. Huống chi cả gia đình tám
người chẳng lẽ cứ bám người ta, dù là họ hàng cũng không ngẩng mặt lên
được. Vậy nên tiếp tục bám biển mưu sinh hay làm ruộng kiếm ăn?