Đợi ông ngoại và cậu hai ra thăm ruộng về cả nhà ngồi vào hai bàn ăn. Ngoài xôi gà chiên là món chính, vẫn có cơm cá kho và canh rau như thường lệ. Ông ngoại nhìn một góc tư con gà “làm nhưng”, bên ngoài là lớp xôi chiên giòn thật thơm. Ông bẻ cái đùi đưa cho a Phúc, rồi nói mọi người ăn cơm. Cậu hai cũng bẻ cái đùi cho a Duyên. Hai nhóc hớn hở ăn đùi gà, bẻ xôi ăn cùng. Mấy đứa nhỏ đều có đùi để ăn.
Mai ngồi bàn sau cũng được bà ngoại bẻ cho cái đùi gà mập, thịt dày xương nhỏ. Mai híp mắt tay xé thịt gà, tay gắp miếng xôi. Dùng dầu dừa để chiên, mùi vị hơi khác nhưng như vầy đã đủ ngon rồi.
Chưa ăn hết đùi gà thì ngoài sân có tiếng chân người, rồi nghe tiếng chào hỏi. Tam tẩu đứng dậy ra ngoài rồi vào nói:
– Là cậu ba và a Hào tới.
– Vậy hả? Con coi dọn thêm chén đũa đi.
Bà ngoại nói rồi định đứng dậy thì có một người đàn ông cỡ hơn ba mươi cùng một thiếu niên đi xuống thưa.
– Bá mẫu khỏe! Tỷ, cô ba.
– Ừ, gặp bữa ăn cơm cháu.
– Dạ,
Nói rồi hai người lên bàn trên, a Duyên và a Phúc bị đuổi xuống bàn dưới. Ha ha, sáng nay Mai đã kéo hai đứa ngồi dưới này mà không chịu. Chạy lên bàn trên rồi cũng bị kêu xuống. Ổn định xong chỗ ngồi thì nghe tiếng ông ngoại hỏi chuyện.
– Dạ, hôm qua cháu ngoài ruộng cả ngày. Tối về nhà mới hay nhà bá có khách, nghe Trần bá nói không có gì, cháu nghĩ chạy qua xem sao.
– Ừ, không có gì đâu. Cháu đã dặm lúa hết chưa. Bên đó nghe nói bị mưa lớn đầu mùa chết nhiều hả?
– Dạ, nhà nào cũng bị xoáy hốt một mảng. Cháu dặm gần xong rồi.
– Thiếu mạ thì qua đây lấy.
– Dạ, nhà con chắc còn đủ.
Bàn dưới bà ngoại dặn mợ hai:
– Còn một nữa con gà, để lại a Hào mang về cho con Bạch.
– Nương, hay để lần sau làm rồi cho.
– Con cứ gói lại đi, lần sau cái gì.
Mai nhớ lại hình như hôm đám cưới Sinh ca có nhà cậu ba, em trai mợ qua phụ giúp. Chỉ là không nhớ có ai tên Bạch không, chắc là con út của cậu ba.
Hai chị em mợ hai mồ côi cha mẹ từ nhỏ, mợ hai đã từng vất vả cuốc đất khai hoang, mượn từng hạt giống, củ khoai gieo trồng. Tiếng đồn mợ giỏi giang cần mẫn ai cũng biết. Năm đó bà ngoại có việc sang làng bên, giữa đường trúng gió ngất bên bờ rạch, nhờ có mợ đi ngang vội cõng bà lội ruộng băng đường đến lang y kịp lúc. Ân nghĩa hai nhà bắt đầu từ đó, năm sau ông bà ngoại nhờ người mai mối cho cậu hai. Có nhà ngoại giúp đỡ, còn phụ trợ để cậu ba thành gia thất, cuộc sống ngày càng ấm no. Giao tình hai nhà càng sâu.
Mai chợt nhớ đến Trần lão ông hôm qua. Từ lúc ông ấy đến và sau đó ra về, Trần lão ông không nói gì, chỉ đứng sau lưng nghe ông ngoại nói chuyện. Dáng người ông hơi gầy, thấp hơn ông ngoại một chút. Quần áo đơn sơ, râu tóc đã bạc, đôi tay gân guốc, gương mặt xương xương. Ông cứ ở đó, không một lời dư thừa nhưng ai cũng hiểu ông đến làm gì. Nghe tin nhà ngoại có khách lạ, lại có quân lính, không biết lợi hại như thế nào nhưng ông vẫn đến, làm chỗ dựa cho bạn thâm giao.
Cậu ba cũng vậy, nghe tin thì chạy đến. Phần tình nghĩa này ngàn vàng khó mua được. Chẳng trách ông bà ngoại đều quí, coi cậu như con trai trong nhà.
Buổi sáng ăn xôi sẽ no cả ngày, Mai xoa xoa cái bụng thấy thỏa mãn. Chuyện cái ghe nhỏ không biết khi nào mới bị phát hiện. Mình nên nghĩ xa hơn, làm các bước chuẩn bị đi. Nghĩ vậy Mai lên nhà trên nói nhỏ vào tai cậu hai. Cậu gật đầu thưa ông ngoại.
– Cha, con tính để a Hào qua phụ sửa ghe. Có thêm người làm để a Bình về. Ở lại lâu cũng không tiện.
Ông ngoại chưa gật đầu mà quay sang như hỏi ý cậu ba, cậu đứng dậy chắp tay nói:
– Được vậy thì tốt quá. Cháu sẽ để a Hào qua, nhờ bá phụ và tỷ phu chỉ dạy nó.
– Được, ngày mai tốt cháu dẫn qua sớm, cúng lạy tổ rồi học luôn. Mấy lúc mùa màng thì về làm ruộng.
– Dạ, đa tạ bá phụ.
– Ừ, thiếu mạ thì qua đây lấy, đừng có bỏ đất không mà tội.
– Dạ, cháu biết.
Mặt trời vừa lên thì cậu ba và a Hào lên ghe đi về. Mấy đứa con trai ha ha hi hi hẹn gặp hắn ngày mai nữa, thiệt là.
Ở nhà sau Phương thị không khỏi xúc động. A Hào đi theo học đóng sửa ghe thì nhà đệ đệ sẽ khá lên mấy hồi. Bao nhiêu năm nay, nhà bên này làm chỗ dựa cho tỷ đệ mình, ân nghĩa này làm sao báo đáp.
Từ ban đầu nhà chồng đã không chê bà mồ côi, nhà cửa trống không, ruộng đất không đủ ăn, áo quần không đủ mặc. Một chút ơn cõng mẹ chồng băng ruộng có đáng gì. Bà luôn dặn mình hết lòng hết dạ đối đãi nhà chồng. Bà luôn cảm thấy được hồi đáp gấp mấy lần công mình bỏ ra, là cha nương đã khuất để phước đức nên tỷ đệ mới có quý nhân giúp đỡ. Từ khi ở đây, công việc chính của Mai là dạy chữ và con số cho mấy đứa con trai. Việc nhà, giặt giũ mợ hai đều không để cô làm, cũng không bắt cô học vá áo, thêu hoa, làm nút như ở nhà. Mai càng thích, chỉ là cô nhớ vườn cây thuốc và mấy bộ chữ mẫu ở nhà.
Như ngày thường, cô theo ghe Bình ca ra cửa tiệm. Mấy hôm nay lo sửa cái ghe của Đoàn bá. Gỗ càng quý càng phải cẩn thận, làm hư là phải mua gỗ mới, lỗ công lại lỗ tiền. Cho nên chỉ có Bình ca tỉ mẩn làm. Sinh ca và Thất thúc thì quét sơn, vẽ hiệu cho mấy cái ghe mới, còn đóng hai hàng “ray” kéo ghe lên xuống nữa.
Cuối tháng sáu, mưa không lớn nhưng cứ chợt đến chợt đi. A Phúc và a Duyên thì ngoài chuyện cho gà vịt ăn thì rủ nhau lội rạch bắt cá bắt tôm. Mỗi lúc đến giờ học chữ thì vặn vẹo cả người như bị kiến bu, thiệt là bực mình.
Hôm trước Mai thấy loại giấy dó sơ tương đối rẻ, còn có xấp giấy màu nâu đục lổ sẵn làm từ lá cây thốt nốt, giá cũng không mắc. Mai đang muốn thử làm loại ghe lớn, nên các bản vẽ sẽ nhiều, cô cũng cần ghi lại các chỉnh sửa nữa, không thể ghi nhớ trong đầu được, lỡ nhầm lẫn thì hại nhiều hơn. Phải xin nương tiền mua mới được, không thể quá tiết kiệm.
Nghĩ là làm, cô lại chỗ a Bình đang đục đẽo, đưa ly nước rồi rù rì nói chuyện. Hôm trước a Bình chỉ thấy chiếc ghe lớn Bùi gia đã mê mẩn lắm rồi, nếu nhà mình đóng được thì đã biết mấy.
– Ừ, để ca hỏi ý cha trước, mà muội vẽ lâu không?
Mai không vội trả lời, chỉ liếc hắn. Bộ tưởng cô là thần thánh sao, cái ghe đó cấu tạo và vận hành khác hẳn loại ghe đơn giản nhà mình đang làm.
– Phải tốn công rất nhiều, còn phải tìm mua cây gỗ lớn, ghép gỗ nữa đó.
Hắn gật đầu hiểu ý, đúng rồi, đâu có dễ dàng vậy.
– Nghe nương nói cha đã đặt thêm hai cái cưa lớn, đục, bào nữa. Cũng tốn nhiều tiền rồi. À, mà nhà mình còn tiền bán mật ong và đèn cầy, chắc còn đủ.
Ha, thì ra a Bình cũng để ý chuyện tiền bạc trong nhà, không phải là không biết gì.
Buổi trưa tam tẩu chống ghe mang cơm qua tiệm, mấy đứa nhỏ đều ngồi dưới sạp tre gần bếp ăn. Hôm nay có cơm chiên với tôm, rồi cá lòng tong chiên giòn ăn với nước mắm chua ngọt, dùng dầu lúc sang chiên gà còn lại. Mợ hai và tam tẩu chế biến thêm mấy món chiên để tận dụng dầu. Đúng là ăn một bữa ngon, lỗ cả ngày công. Lúc ăn cơm mấy đứa nhỏ còn nhắc không biết khi nào lại ăn được món xôi chiên gà nữa! Ha ha, coi bộ hơi khó rồi!
Trời hơi âm u, gió trên song thổi vào hơi lạnh. Mai đang ngồi trên bộ ván học chữ thì nghe a Duyên la lớn.
– Tam ca ơi, có ghe lớn. Đến nhà mình sao?
– Đâu?
Mấy đứa đều đi ra sân ngóng nhìn về mặt sông. Đúng rồi, chiếc ghe lớn hôm qua đang rẽ nước tiến vào. Hình như người đứng mũi ghe là Bùi đại nhân. Có chuyện lớn rồi, Mai hơi nhíu mày, không nghĩ họ phát hiện nhanh vậy. Cũng may tối qua cô đã nói với ông ngoại và cậu rồi.
Sinh ca lớn nhất trong đám, ca ấy bước lên chắp tay chào Bùi đại nhân nhưng không khỏi hơi căng thẳng. Mấy đứa nhỏ phía sau làm theo chắp tay chào.
Bùi quản gia tiến lên nói:
– Đây là Tam thiếu gia, muốn gặp Nguyễn lão bàn chút chuyện. Phiền tiểu điệt mời ra đây được không?
– Được, mời vào trong ngồi.
Thấy Sinh ca ra hiệu, Hữu ca và Bình ca nhanh chân chạy ra ghe chèo về nhà. Bốn người lính theo hầu chia thành hai bên đứng nghiêm trang trước sân. A Duyên, a Phúc vừa sợ vừa hiếu kỳ, cứ lấm lét nhìn họ. Mai kéo tay hai đứa xuống bếp, thế nào bà ngoại hoặc nương cũng ra nấu nước. Cô nhóm bếp trước vậy. Nhà trên có thất thúc cũng “quen” với Bùi quản gia.
Rất nhanh, ông ngoại và cậu hai ra tới, có bà ngoại ra theo. Thấy Mai đã nấu nồi nước bà gật đầu ý là để bà lo liệu tiếp.
Nhà trên, sau mấy câu giới thiệu, chào hỏi thì Bùi đại nhân nói:
– Hôm qua, Bùi quản gia mua cái ghe kiểu mới, ta rất hài lòng. Muốn hỏi thêm chút việc. Không biết là ai nghĩ ra cách đóng ghe này?
Ông ngoại không nhanh không chậm đáp:
– Là nhà con rể của lão, ở tận Đông Hồ đóng. Loại ghe này rất tiện dụng, lại nhẹ nhàng. Nay được Bùi đại nhân vừa ý thật là vinh hạnh.
– Là nhà tiểu cô nương sao?
Bùi đại nhân nhìn thẳng vào Mai hỏi.
– Dạ phải, đại nhân. Là nhà cháu học hỏi kinh nghiệm, cộng thêm vài mẹo nhỏ gia truyền nữa. Bùi đại nhân tinh thông, chắc đã phát hiện ra. Có thể giữ kín được không? Mỗi cái ghe nhỏ này bán mười hai quan, không lời nhiều nhưng cũng đủ nhà cháu làm kế sinh nhai.
Người ta đã nói như thế rồi, Bùi đại nhân à, ngài vừa lòng rồi, phải không?
Bùi Nghĩa không nghĩ tiểu cô nương dùng mấy câu đã “chặn” miệng mình. Người ta đã nói đó là bí mật gia truyền, là chỗ kiếm ăn sinh sống rồi, không lẽ mình hỏi nữa hay đập bể nồi cơm người ta?