Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 44: Mạc thị quan nhân



Cuối tháng sáu mưa nhiều, bầu trời lúc nào cũng như cuộn bông ngậm nước, sẵn sàng trút xuống bất cứ lúc nào. Ruộng lúa, vườn rau và miếng đất vừa khai hoang trồng đậu, khoai xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. Chen giữa màu xanh là màu vàng của bông mướp, màu tím của bông rau muống.

Nước trên rạch, mương quanh nhà đã gần đầy, lên xuống theo thuỷ triều. A Phúc thích nhất là mỗi chiều nhảy xuống con rạch nhỏ tập lội. Ở làng chài hắn chỉ được tắm ở gần bờ biển, hay bị sóng lớn dập vào bờ. Ở đây có thể lội dọc theo con rạch, khi có mấy ca ca tắm chung, hắn có thể ra rạch lớn trước nhà.

Cha chặt hai bẹ dừa nước làm phao cho a Phúc, mấy ngày sau là A Phúc biết lội rồi. Ngày nào hắn cũng lặn hụp dưới rạch, thỉnh thoảng mò mấy con vọp ở trong gốc dừa nước đem về cho nương luộc ăn cơm.

Mai muốn tập lội nhưng nương không cho, con gái không thể xuống rạch tắm như con trai được. Mai đành nói:

– Vậy lỡ con rớt xuống sông thì làm sao? Sẽ chết chìm luôn!

– Nói bậy bạ, xui xẻo. Con làm sao rớt xuống được?

Mai giả dụ nhiều trường hợp như đi đường trợt chân té, đi ghe lúc trời mưa, vân vân thì nương mới đồng ý. Tắm song rạch thì rất thích nhưng người hôi bùn non, nhất là tóc. Mỗi lần tắm xong phải gội mấy lượt bồ kết mới sạch. Lúc trước Mai đã học bơi nên học lại cũng nhanh. Cơ thể nhỏ sức yếu nên chỉ bơi đoạn ngắn, dù sao ở rạch hoặc sông nhỏ cũng không chìm được.

Chiều hôm đó nhà có khách là Dương ông trưởng làng. Mai chợt nhớ chuyện văn tự ba mẫu đất. Lúc người lớn nói chuyện trong nhà trên, Mai giả vờ cho gà ăn gần cửa nghe.

– Văn tự chưa có, nghe nói bên Chân Lạp không quản xứ này nữa. Haiz,… mấy làng xung quanh đây đều lo lắng, nghe nói văn tự đã có trước đây có thể bị huỷ luôn.

Dương ông thở dài nói.

– Giờ tính sao?

– Phải chờ thêm coi sao.

Dượng năm nghe xong góp lời:

– Mấy tháng gần đây nghe đồn Tân Quốc Vương lên ngôi ban vùng này cho Mạc thị quan nhân cai quản, thực hư không rõ.

Dương ông hơi giật mình hỏi

– Mạc thị quan nhân ở Nam Vang (1) sao?

– Phải, ta có biết mấy người cùng nguyên quán Quảng Đông với ông ta nói lâu lắm rồi họ cũng gặp ông chỉ nghe tin tức thôi. Nghe nói Mạc thị quan nhân giao du rộng rãi khắp các vùng tự Lũng Kỳ (2) đến Cà Mau, từng ra đảo Coh Tral (3), đi Xiêm La (4) mấy năm.

Dượng nói là không rõ thực hư nhưng nói chuyện rất hào hứng, ha ha ha, chắc đây là chuyện ‘tám’ của mấy người đàn ông khi tụ tập.

Cha ít ra ngoài, nghe chuyện càng lo lắng:

– Có ảnh hưởng đến chúng ta không?

Dương ông có vẻ lão luyện hơn nói:

– Lo gì, dân quèn như chúng ta họ chẳng để tâm đâu, nộp thuế đầy đủ là được. Ông ta quản thì quản, mà ta nghĩ thà như vậy còn yên tâm hơn, giặc cướp đến còn có người đứng ra chống đỡ.

– Dương bá nói phải, là ai cũng thu thuế. Ta nộp cho ai cũng vậy.

Xem ra cần vài năm nữa thì Vũng Đông Hồ này mới trở thành Trấn HàTiên thịnh vượng. Nhà Mai lúc đó cũng có căn cơ ở đây, sẽ sống tốt. Bây giờ mình chịu vất vả tích luỹ, lúc đó sẽ có cơ hội phát tài.

Nói thêm vài chuyện làng xóm nữa thì Dương ông đi về. Mai thấy ông đi qua hướng mấy nhà mới dựng sau. Chắc ông báo tin tức mới về Mạc thị quan nhân. Không biết Mạc gia bằng xương bằng thịt như thế nào? Nhớ không lầm thì ông ấy đã bốn năm mươi tuổi rồi?

Sắp đến giờ cơm chiều nên cha không ra ruộng mà xem chuồng gà. Mấy con gà đã ra lông cánh, lông đuôi, nương nói có ba con gà trống, còn lại là gà mái. Cha nương sẵn dịp chặt lông cánh bọn chúng, làm hàng rào cao hơn, sửa lại mái che và nâng giàn tre làm chỗ ngủ cao hơn.

Lúc ăn tối xong, dượng thấy mấy đứa nhỏ học tính toán bằng que tre hơi ngạc nhiên. Mai chợt nhớ dượng buôn bán chắc có bàn tính gỗ của người hoa. Quả nhiên dượng mang từ ghe lên một bàn tính cỡ mâm gỗ pha trà còn mới. Mấy đứa nhỏ ngồi xung quanh nghe dượng chỉ cách tính, có căn bản cửu chương đã học nên a An và thất thúc rất nhanh đã biết. Mai chỉ biết nguyên lý tính, cô vẫn nghĩ mình nhẩm theo phương pháp hiện đại nhanh hơn. Cô lấy que tre vẽ lại hình dáng bàn tính trên nền đất.

Ngày hôm sau ai cũng bận rộn, cha mượn ghe dì dượng cùng An ca chèo dọc bờ sông tìm dừa khô, còn hái hai rổ núm tràm. Nương và Mai đi đào măng, còn lại ở nhà lột vỏ dừa, nấu dừa, nấu đường.

Buổi trưa ăn cơm xong, dì kéo Cúc tỷ ngồi bên cửa sổ chỉ cách làm mấy kiểu tóc mới dì thấy bên ngoài. Mai nhìn dì khéo léo chải, xoắn tóc qua bên phải, cố ý chừa lại mỗi bên một lọn nhỏ, tết bím, vấn hai vòng sau ót dùng trâm gỗ giữ rồi lại thả dài thành kiểu tóc thiếu nữ thật đẹp.

Tiếp đó hai ba kiểu tóc khác vấn tóc cao gần đỉnh đầu rồi chia làm hai thả dài xuống vai. Vừa làm dì vừa nói kiểu nào nên dùng lúc nào, nào là kiểu đơn giản lúc ở nhà, kiểu đoan trang lúc đi chợ hay làm khách, kiểu thanh tân để đi hội làng, hội chùa. Nương nghe cũng phì cười dì út lắm chuyện:

– Suốt ngày bận rộn việc trong nhà, ở đó mà làm tóc kiểu này kia, muội thiệt là,

– Tỷ nói vậy sao được, a Cúc đến tuổi rồi, chăm chút sẽ tìm được lang quân như ý.

Cúc tỷ thẹn thùng liếc dì,

– Cháu, cháu không làm đâu!

Đang nói chuyện thì nghe tiếng cha chào hỏi khách.

– Lưu huynh, mời vào.

– Đệ không cần khách sáo, ta đến mời vợ chồng đệ sáng mai đến Lễ cúng tân gia nhà ta, đầu giờ tỵ.

Người đàn ông vào nhà cũng không khách sáo mà nói luôn.

– Được, sáng mai vợ chồng đệ đến giúp một tay.

– Ha ha, đến vui cùng nhà ta là được.

Lưu bá cười ha ha rồi nói tiếp:

– Ta đi mời thêm vài nhà quanh đây, cũng thuận tiện chào hỏi. Hôm khác cùng đệ nói chuyện.

– Được, huynh đi đi.

Cha tiễn Lưu bá xong vào bếp hỏi nương:

– Sáng mai nàng xem mình tặng lễ gì?

– Một cân đường được không?

– Được.

Lễ Tân gia thường chọn ngày tốt để gia đình cúng trời đất khi vào nhà mới ở. Nhà Lưu bá lúc trước và nhà Mai tiết kiệm nên cúng cùng lúc với ngày Cất Đòn Đông. Mai chưa đến xem nhà vị Lưu bá này, nghe nói là nhà lớn năm gian chính, hai gian phụ; cột chính được chọn mua từ Cần Vọt (5) đưa vào. Bùi ông khen gỗ tốt, lên nước đen bóng. Cha đến làm mấy ngày là đẽo gọt đầu cột, kèo đẹp mắt, cộng thêm các thúc bá trong làng đến làm nữa mới xong kịp ngày tốt.

Từ ngày vào đây, cha nương chỉ qua lại vài nhà trong làng, dịp này biết thêm vài nhà ‘bà con xa không bằng láng giềng gần’ sau này giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Lưu bá mẫu gần như giao thiệp hết các nhà trong làng, dù sao bá mẫu cũng lớn lên ở đây, có vài nhà mới chuyển đến là bá mẫu chưa thân quen. Mai còn nghe lén bá mẫu nói với nương đang tìm mối cho Tương huynh. Năm sau huynh ấy mười tám tuổi, đến tuổi lấy vợ rồi mà hai năm nay chưa tìm được mối hôn sự nào.

Sáng sớm hôm sau dì dượng năm lên ghe về Trấn Giang, ngoài dầu và đường gửi theo, nương còn gói mực khô, tôm khô nhà nội mang vào, mật ong, măng tươi và núm tràm. Tối đó dượng tính tiền dầu, đường đưa cha, nhưng cha không nhận nói khi nào bán hết hẳn đưa tiền cũng được. Sau đó hẹn với dượng khi nào có người đi ghe lên Trấn Giang sẽ gửi hàng ở nhà ngoại.

Tiễn dì dượng, ăn sáng xong thì cha nương dẫn theo a Phúc đi nhà Lưu bá trong làng ăn Lễ Tân gia. Mai kéo Vĩnh ca ra sau vườn chăm sóc mấy cây thuốc. Từ hôm Vĩnh ca theo sư ông học, hắn bắt đầu tự trồng cây thuốc giống trong tịnh xá trồng ở vườn sau. Mai đương nhiên khuyến khích hỗ trợ. Có mấy cây tên gọi khác hiện đại nhưng Mai nhớ được công dụng cũng đào gốc mang về trồng.

– Cỏ mực: hạn liên thảo: cầm máu

– Cây vú sửa đất: thiên căn thảo, cỏ sửa: kiết lỵ

– Cây đu đủ: mộc qua

Mai lẩm nhẩm trong đầu, phải ghi lại mới được.

Vấn đề phát sinh là a Vĩnh và cô không biết chữ. Cô lo lắng nhớ không đúng, hoặc khi cần nhớ không ra, có cách nào ghi chép lại. Sư ông không biết nhiều chữ, ông học chữa bệnh truyền miệng từ vãi ở chùa. Cộng thêm hơn hai mươi năm trị bệnh cho mọi người tích luỹ thêm kinh nghiệm. đọc chương mới tại dienvan.space

Mai chỉ mấy cây a Vĩnh mang về, hỏi tường tận công dụng và cách sao, sắc thuốc. Sư ông bắt đầu chỉ a Vĩnh cách sắc thuốc, sao khô trước sau đó dạy cách nhận biết vài loại cây thuốc có trong chùa hoặc quanh nhà.

Tác giả: VRSS

________________________________________________

(1): Nam Vang là Phnonh Penh ngày nay

(2): Lũng Kỳ là khu vực sát biên giới Việt Nam – Cambodia, bên kia sông Giang Thành

(3): Coh Tral là Đảo Phú Quốc ngày nay

(4): Xiêm La là Thái Lan ngày nay

(5): Cần Vọt là tỉnh Kampot sát biên giới Việt Nam – Cambodia ngày nay.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.