Hôm trước mượn đục và cưa nhà Bùi ông được hai buổi trưa nên cây thốt nốt gần như còn nguyên. Sáng nay cha nương đi chợ Sông Lớn sẽ lấy dụng cụ ở nhà thợ rèn phía trong chợ. Mấy đứa nhỏ ở nhà chạy ra vô mong cha nương đem đồ về.
Mười quan đặt làm được hai cái đục một lớn một nhỏ, một cái cưa hai lưỡi và một lưỡi bào. Lúc trước ông nội mang vào cho một cái búa, một dao mác và một dao làm bếp. Cha nói như vậy đủ đục ghe lườn và đóng các món đồ gỗ trong nhà.
Mai nhìn mấy cây gỗ cha ngâm trong nước chuẩn bị dùng sau này ngẫm nghĩ, nếu nhà mình đóng ghe xuồng bán thì tốt quá. Lấy cái ghế tre nhỏ, Mai ngồi dưới gốc cây gần chuồng gà, dùng que tre vẽ nguyệc ngoặc trên nền đất ướt hình chiếc xuồng tam bản. Gọi là xuồng tam bản vì thân xuồng được ghép từ ba miếng gỗ lớn. Hai mũi xuồng giống nhau thon dài vươn cao hơn mặt nước. Bên trong thân xuồng là các thanh nối cố định và chịu lực ngang cho xuồng gọi là cong.
Điểm khó nhất khi làm xuồng là uốn cong ba bản gỗ để ráp khít vào nhau, ở hiện đại người ta dùng đinh đóng. Ở đây chưa có đinh nên các mối nối dùng kiểu âm dương rất kỳ công. Chính vì vậy giá đóng ghe xuồng rất cao. Người thợ làm rất lâu mới ra một chiếc, chưa kể còn có các ‘mẹo’ bí truyền của mỗi nhà để chiếc ghe đẹp, bền và nhẹ nữa.
Thất thúc và Bình ca khẩn hoang về nhìn những hình vẽ trên đất rất hiếu kỳ. Mai chỉ từng hình nói ra ý nghĩa, những chỗ khó mà cô không biết cách làm.
– Dùng nhựa cây trám đường nối thì nước không vào được.
Free Domain Name with every hosting package.
Thất thúc lên tiếng,
– Nhưng làm sao để ba miếng gỗ ráp vào được?
– Cháu nghĩ mình làm nhiều lần sẽ quen tay, ráp không khớp thì đục, bào từ từ.
Mai trả lời, rồi nói thêm:
– Thúc biết cách làm mộng không? Thuyền nhà nội làm sao?
– Thúc không biết, về nhà coi thử.
Giọng thất thúc không chắc chắn lắm, nếu nhìn mà biết làm thì chẳng phải ai cũng đóng được ghe rồi!
– Mình cứ thử xem, a Mai làm sao làm được mũi ghe? Mấy tấm gỗ cần uốn cong lên, dùng sức chúng ta không làm được.
Bình ca nghe rất kỹ thất thúc và Mai nói, nêu lên đúng trọng điểm.
– Muội có cách, đợi cha về muội nói luôn.
– Thật?
– Thật?
Hai người ngạc nhiên nhìn Mai, nếu biết được cách thì nhà họ sẽ đóng được ghe xuồng, khỏi nói là sẽ tốt biết chừng nào. Những nhà đóng ghe là những nhà giàu có trong vùng, chỉ thua quan lại địa phương thôi.
– Muội không chắc lắm, nhưng sẽ được. Tuy nhiên mình phải làm nhiều lần mới được.
Làm thử nhiều lần thì có sao đâu, nhà người ta cũng mất mấy chục năm mới tìm ra các ’mẹo’ đóng xuồng. A Bình vội ăn cơm trưa rồi cùng thất thúc đốn mấy cây gỗ to ở bìa rừng. Hai thiếu niên hăng say chọn cây, chặt cành, đốn gốc. Nhìn những giọt mồ hôi thấm ướt khăn quấn đầu và đôi tay chai sạn vì cầm cuốc, cầm búa của hai người Mai thấy đau lòng.
Nếu ở hiện đại, tuổi mười lăm mười sáu vẫn là bé trai đang đi học, vui vẻ chơi game, nghịch ngợm cùng bạn bè. Thì ở thời bây giờ đã lo sinh kế trong nhà, gánh vác công việc như người lớn.
Xế chiều cha nương về nhà mang theo giỏ đệm to nặng. Cả nhà nhìn mấy cái đục, cưa sáng loáng, sắc bén rất vui vẻ, đây là tài sản quí giá nhất nhà. Mấy món này làm từ sắt, hơi dày hơn so với đồ ở hiện đại. Ở đây người ta rèn bằng thủ công, đốt lửa thật nóng, đưa thanh sắt thô vào làm mềm rồi đập, rèn theo hình dáng dụng cụ. Nói mấy câu đơn giản chứ làm thì cả một quá trình dài ngày, rất vất vả, đôi khi có nguy hiểm nữa.
Bình ca chờ cha nương nghỉ mệt xong thì nói việc đóng thử ghe. Cha nhíu mày nghe không khỏi lo lắng, đâu có dễ dàng như mấy đứa nhỏ nói vậy.
– Ca, dù sao đã có đồ rồi, lúc rãnh làm thử cũng không tốn thêm gì. Đệ và a Bình sẽ thử.
– Đệ, a Bình tập đục ghe lườn trước. Rãnh rỗi ta sẽ đốn cây lớn ngâm nước, ít nhất phải ngâm hơn tháng mới được.
Vậy cũng tốt, hắn được dùng dụng cụ mới rồi, ha ha!
Phiên chợ kế tiếp Mai đi bán đường cùng a Vĩnh ở chợ làng. Gần hai tháng kể từ lần đầu tiên Mai đến chợ mà đã có nhiều thay đổi, chợ đông người mua bán hơn. Ở ven sông có thêm sạp bán khoai, đậu các loại, có sạp bán kim chỉ, vải bố, sợi gai. Mai vừa đến chỗ ngồi quen thuộc chưa kịp bày hàng ra thì nghe tiếng hỏi:
– A Mai, muội đến rồi. Sao hôm trước không đến?
Là Hùng huynh, đang đi đến chỗ Mai, huynh ấy cõng gùi to sau lưng mà vẫn đi rất nhẹ nhàng.
– A, huynh khoẻ.
La Hùng đi đến bày bán bên cạnh Mai, mỉm cười hỏi:
– Nhà muội khoẻ?
– A, khoẻ (biết ngươi hỏi ai rồi), hôm nay huynh không săn được thỏ à?
Mai nhìn mấy con gà rừng bị trói chân đặt trên đất. Gà rừng không mập nhưng thịt ăn ngon hơn, xương hầm cũng rất ngon.
– Không, chỉ mấy con gà rừng, có ổ trứng gà cho muội nè.
Vừa nói La Hùng vừa mang hơn chục trứng gà từ trong gùi ra.
– Muội không nhận đâu, huynh để bán đi.
Mai trả lời, nhìn Vĩnh ca thấy hắn cũng gật đầu đồng ý. Trứng gà bán không nhiều tiền như gà lớn. Nhưng mười trứng cũng được mấy văn, nhà Mai đâu thể nhận không được.
– Đâu có gì, cái này ta để dành mấy ngày cho nhà muội mà, sao không nhận.
Nói qua lại một hồi hai đứa nhỏ không nhận, La Hùng đành bán thu được năm văn. Hắn gửi gà chưa bán được cho Mai trông chừng, đi mua gạo. Nhà Hùng huynh có bà nội, cha và a Báo. Nương huynh ấy mất lúc sinh a Báo được hai mươi ngày, lúc đó La Hùng chỉ mới sáu tuổi. Hai anh em do bà nội chăm sóc, a Báo được cả nhà nuông chiều. Nói là nuông chiều nhưng trẻ em miền núi, nhà nghèo thì cũng không phải là chiều đến mức ăn không ngồi rồi hay cả ngày rong chơi. A Báo cũng làm việc nhà, học săn thú, làm thịt con mồi nhưng hắn luôn được bà nội trông nom, dặn dò.
Mai nghĩ đến khối đất cô đang làm ở nhà, là kiểu bếp ấp trứng gà vịt. Việc gà ấp trứng chú ý nhất là độ ấm. Với bếp ấp thì khi đốt lửa bên này sẽ truyền nhiệt sang phần bên kia của bếp. Việc quan trọng là giữ độ nóng ổn định và liên tục. Đàn gà trong nhà có mười mấy con mái, đến khi trưởng thành chúng có thể tự ấp trứng, nhưng Mai không biết gà rừng có khác gà nhà hay không. Do đó mấy hôm nay cô chưa vội đốt thử bếp ấp trứng. Thật ra cô rất muốn có thêm gà con nhưng giờ không còn tiền mua trứng, cha nương chắc chắn không cho cô vô rừng, mà trong rừng nguy hiểm quá.
Lúc hai đứa về nhà thì chỉ có a Phúc giữ nhà, chăm bầy gà trước sân. Cha theo Bùi ông dựng nhà trong làng, thất thúc, a Cúc, và a Bình tranh thủ ra ruộng lúc mát trời. Nắng lên cao thì hai người về nhà đục cây thốt nốt. Nương và An ca đi chợ sông lớn chưa về.
A Vĩnh lấy mấy củ khoai ăn rồi ra vườn cây thuốc, từ ngày theo sư ông học hắn ngoài việc nhà thì sẽ ở vườn cây. Chuyện rắn hổ cắn người ở hào sen làm cho mấy đứa nhỏ không dám đi ra đó một mình, lâu dần cũng quên. A Vĩnh qua lại đi học sẽ đến đó hái ngó sen, hạt sen về cho nương. Sen đã tàn gần hết nên những đài sen còn lại cái nào cũng lớn, hạt to chắc mẩy.
Trời lại đổ mưa, không lớn nhưng có gió cũng hơi lạnh, màn trời như phủ lớp vải thưa. Thất thúc và Bình ca kéo cây thốt nốt vào hiên nhà bắt đầu đục, lõi cây cứng màu nâu nhạt, từng mảnh vụn rời ra theo từng nhát đẽo.
Nương và a An không biết còn trong chợ tránh mưa hay đã lên ghe về. Đường từ chợ Sông lớn về đây cũng có vài ngôi làng ven rạch, rẽ sông vào là đến. Từ xa đã thấy dáng cha đội mưa đi về, chắc mưa nên không thể dựng nhà tiếp. Đó là lý do người dân ít dựng nhà vào mùa mưa, công việc sẽ gián đoạn.
Cha thay quần áo ướt rồi cùng đục cây thốt nốt. Cha cũng nôn nao muốn thử làm lắm, Mai hơi mĩm cười nghĩ bụng. Mỗi lần cầm bào, cầm đục cha như quên hết xung quanh. Cha chỉ nhìn từng thớ gỗ, từng đường bào, chăm chú, tỉ mỉ từng động tác.
Đục cho đến khi cây còn dày độ một tấc là được. Phần đáy có thể dày hơn một chút, hai mũi ghe thuôn nhọn để rẽ nước dễ dàng. Nếu có cha làm trong năm sáu ngày nữa là xong rồi.
Vĩnh ca và a Phúc ngồi xem một lát thì chán, chạy đi lấy rổ xuống ruộng bắt cá tôm hoặc ốc. Trời mưa như vậy là bọn cua ốc thích nhất, chúng sẽ bò ra khỏi hang hóng mưa, khoe càng, khoe râu; rất dễ cho mấy đứa trẻ vừa tắm mưa chơi đùa vừa bắt chúng.