Trưa hôm sau, Lưu bá và một nhóm người lớn đi từ phía nhà cũ bá ấy qua ruộng nhà Mai. Cha nương đi đến chào hỏi, người lớn tuổi nhất trong nhóm chắc là Lưu tam ông hỏi:
– Ruộng nhà cháu đây sao?
– Dạ phải, cháu đang khai khẩn thêm miếng này.
Cha chỉ phía ruộng lúa đã sắp trổ đòng đòng trả lời, còn chỉ miếng đất đang làm nói thêm. Lưu tam ông có vẻ rất thích, đưa mắt nhìn ruộng lúa trải dài từ nhà Lưu bá sang nhà Mai. Người đàn ông trẻ rất cao lớn đứng bên cạnh chỉ phía hào sen hỏi:
– Nguyễn gia có hơn chục mẫu bên đó xanh tốt quá, đất chỗ đó tốt hơn bên này?
Mặc dù ông đang hỏi nhưng giọng gằn xuống như khẳng định.
– Nguyễn bá ở đây hơn mười năm rồi, lại có tay nghề làm ruộng giỏi nhất làng nữa.
Lưu bá giải thích. Nguyễn bá trong lời Lưu bá nói là ông nội của a Tùng bị rắn cắn lúc trước. Nghe cha nói là nhà ông ấy đến đây ở lâu nhất, lâu hơn Dương ông mấy năm, chỉ là ông lo làm ruộng, trồng khoai, nuôi heo (nhà ông là nhà có nuôi ba con heo duy nhất trong làng), rất ít ra ngoài. Thường ngày chỉ có Nguyễn bá cha a Tùng qua lại với người trong làng. Cha rất thích nói chuyện với bá ấy, vẫn hay nhắc ông là người đúng đắn, mực thước, hiểu biết.
– Miếng đất nhà cũ hơi nhỏ, xây nhà xong chỉ còn lại một ít sân vườn. Đất ruộng cũng hẹp mà dài nữa.
Người đàn ông trẻ nhất chắc là tam đường đệ của Lưu bá rồi, ông ấy có vẻ không hài lòng lắm với miếng đất dựng nhà và ruộng.
– Tam thúc và hai đệ đi xem phía bên kia nhà cháu, đất ruộng gần bờ sông. Trong làng kia vẫn còn chỗ dựng nhà, nhưng ra ruộng hơi xa.
Nói thêm mấy câu thì nhóm người rời đi, xem thêm mấy chỗ nữa. Mai không quan tâm lắm chuyện nhà đó. Mai không biết là sau này cô ‘phải quan tâm’ chuyện nhà đó nhiều!
Ăn trưa xong cả nhà ngồi quanh mấy rổ trứng vịt, nương chỉ dẫn:
– Chọn trứng vừa vừa, không lớn quá, không nhỏ quá, không bị trầy xước.
Nương cầm miếng vải bông lau nhẹ trứng được chọn, đặt riêng trong rổ. Vĩnh ca cẩn thận đếm một chục mười sáu trứng vào một giỏ đưa cha đặt vào ngăn trên lò ấp. Tổng cộng được hơn ba giỏ, bốn mươi tám trứng. Giỏ tre được lót lớp vỏ cây mềm, thấm mước. Mai nhớ là trứng vịt rất cần độ ẩm trong khi ấp, nên vỏ cây thấm nước sẽ giữ độ ẩm cao, mỗi ngày chỉ vẫy nước sáng, trưa, chiều và tối là được.
Xếp trứng xong cả nhà hồi hộp nhìn nương nhóm lửa. Chỉ cần giữ ngăn trên ấm áp như lườn gà là được. Nói vậy mọi người rất dễ hiểu, chạy ra sân bắt gà vào bếp so. Bắt đầu bây giờ phải luôn có người trực ở bếp canh lửa. Ban ngày chủ yếu là Cúc tỷ, tỷ ấy không cần ra ruộng mà lo việc trong nhà và bếp.
Chiều hôm sau thất thúc về làng chài, Bùi ông kêu cha đi dựng nhà. Một mình Bình ca không làm được khung uốn gỗ nên hắn đóng mấy món đồ trong nhà. Đầu tiên là mấy cái ghế đẩu cao, kệ gỗ, móc gỗ treo quần áo trong nhà, giàn gỗ phơi quần áo sân sau. An ca, Vĩnh ca theo phụ gõ gõ đóng đóng suốt ngày.
Trong nhà có thợ mộc đã quá, qua mấy ngày mà trong nhà thêm mấy món đồ tiện dụng thật thoải mái. Nương nhìn mấy cái móc phơi đồ vừa ngạc nhiên vừa vui vẻ. Treo đồ như vậy vải sẽ không nhăn, giặt xong móc lên phơi ngoài sân rồi mang vào thật tiện. Trời mưa nhanh không sợ lấy vào không kịp. Mấy kệ nhỏ móc nón lá, treo quần áo cho mỗi người nhìn gọn gàng. Cha đi dựng nhà về thấy cũng xăm soi từng món, rất hứng thú. Còn dặn Bình ca làm thêm gửi cho nhà nội, ngoại; bảo đảm hai nhà sẽ thích; ông cười hì hì nói vẻ rất đắc ý.
Ăn cơm trưa xong, Lưu bá mẫu ôm rổ tre qua chơi. Từ ngày có ghe Tương huynh mỗi sáng sớm làm lái đò đưa khách đi chợ Sông Lớn. Đến xế huynh ấy về nhà, ra ruộng nhổ cỏ, còn khẩn thêm phần đất hướng gần bờ sông nữa. Lưu bá cũng theo Bùi ông dựng nhà kiếm thêm tiền. Giống cha Mai tranh thủ sáng sớm, chiều tối ra thăm lúa. Thỉnh thoảng bá mẫu mang giỏ đệm, chiếu do tam Mi, tứ Mi làm ra chợ bán. Bá mẫu tin tức linh thông, lần nào đến cũng nói cho nương nghe chuyện làng trong, làng ngoài. Mai và Cúc tỷ ngồi nghe hai người nói như một cách giải trí.
– Haiz, nhà nội a Tương nhắn tin, a Chí đầu tháng tám chọn ngày tốt dựng nhà trong đây.
– Vậy à, chọn chỗ nào?
– Haiz, cái này ta nói nhà ngươi biết thôi, chọn tới chọn lui không hài lòng chỗ nào. Nói xung quanh chỗ đất nhà ngươi là thuận tiện nhất, nói sao lúc trước chúng ta không để dành cho người trong họ.
Mai nghe xong há miệng chữ O luôn, nương cũng nhíu mày nhưng không nói gì.
– Ta nói chẳng phải lúc trước sợ cực nhọc, còn chê cha a Tương không biết tính sao. Đất này cũng có phải của họ Lưu đâu, thiệt là. Chọn miếng gần nhà ngươi đó, tính là khẩn đất gần Nguyễn gia ra tới bìa rừng luôn, chắc muốn có đất tốt giống nhà họ.
– Đất gần Nguyễn gia có hơn mười mẫu, cũng mất hai ba năm.
– Người ta nói là trong một năm sẽ khẩn xong đó, nhà người ta có nhiều con trai.
Nói xong câu này, bá mẫu bĩu môi tiếp:
– Nhiều con trai còn phải xem con trai có chịu làm hay không nữa.
Nương cũng gật gật đầu nói:
– Ta nghe nói a Trục cao lớn khoẻ mạnh.
A Trục là con trai trưởng nhà Lưu tam bá, năm nay mười chín tuổi, mới cưới vợ tháng giêng năm này. Lưu tam bá có năm con trai, hai con gái, con gái lớn a Ngọc bằng tuổi Vĩnh ca và cô gái út a Châu nhỏ hơn Mai một tuổi. Có một điều nữa là bác ba gái là người trong họ với tam ba mẫu của Mai – nương của Hân ca.
– Lâu lâu gặp không nói, bây giờ ngày nào cũng thấy còn không biết sao, haiz,
Nói đến đâu rồi? Mai lo nhớ chuyện nhà Lưu tam bá bỏ lỡ một đoạn.
– Chị dâu ngươi còn biết làm việc, còn nàng ta chỉ tay thôi. Mấy lần lễ Tết, nàng ngồi chiếu trên tiếp khách chứ không xuống bếp như chúng ta đâu.
À, là nói bác ba gái Lưu.
– Mới vào trong này chắc sẽ nhờ tẩu hết rồi.
– Ừ.
Lưu bá mẫu trả lời, bà không dám nói thêm là a Chí mới hôm trước còn nói. ‘Người ngoài như Lê tứ ca còn giúp, trong nhà chúng ta đều nhờ ca hết’. Cái gì mà nhờ hết! Định chỉ tay cho nhà bà làm sao?
Lúc đầu nhà bà có giúp Lê tứ, nhưng người ta cũng có qua có lại. Mấy lúc a Tương đi chành, mấy đứa con trai bên này hái nấm, bắt cá, tôm đều mang qua nhà bà. Còn đường, cách làm dầu người ta cũng chỉ làm. Sau này mấy đứa nhỏ lớn lên nhà bà còn phải nhờ nhiều. Dù sao có mấy việc con gái không ra mặt làm được, một mình a Tương không gánh xuể phải nhờ thêm a Bình, a An giúp đỡ. đọc chương mới tại dienvan.space
Tuy nói giúp đỡ người ta cũng không nên tính toán, nhưng cũng nhìn người để giúp. Lê tứ và cha a Tương là bạn từ nhỏ, tính tình hiền lành, nói ít làm nhiều. Nguyễn thị và mấy đứa nhỏ chăm chỉ, làm việc không ngơi tay, ai mà không thích giao du.
Than thở xong, bá mẫu đứng dậy đi về, ra đến cổng gọi lớn vào trong.
– Trong làng có chuyện gì sao? Đông người vậy, a Vĩnh cháu chạy đi coi thử.