Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 77: Tháng Giêng thuận lợi



Từ bến ghe vào chùa không xa lắm, một đoàn người tiến về đây. Giữa đoàn có hai người khiêng cái võng điều, trên võng là lão phu nhân tóc đã bạc gần hết. Phía sau có mấy người mặc áo lụa, được mấy cô gái cầm đèn soi đường.

Dương ông cùng sư ông đón tiếp nhà phú hộ, nhóm người đi theo phía sau nghe chuyện đông đúc. Mai không vào trong mà cùng a Vĩnh đi ra phía ao sen xem đèn.

– Chùa Tô Châu bên kia chắc náo nhiệt lắm, đèn đuốc sáng cả một vùng kìa.

Vĩnh ca chỉ hướng núi Tô Châu, lưng chừng núi là mảng sáng ẩn hiện giữa rừng cây. Lúc chiều Hùng huynh và a Báo đến sớm, nghe An ca dặn trứng gà, gà con a Báo gật đầu nhận lời. Hắn sẽ mang đến nhà Mai như lần trước. Hai huynh đệ vội trở về khi trời vừa tối. Cha nương và ngũ cô đã về nhà, còn dặn mấy đứa nhỏ đi đứng cẩn thận, không về trễ quá.

Cảnh cũng đã xem xong, a Vĩnh đi tìm mọi người cùng nhau về. Mai bước lại khóm dừa thân lùn, ai đó đã đặt cái đèn dưới gốc dừa.

– Chút nữa nhờ ngươi. Nhớ không? A Liên, a Liên, nói đi.

– À, a, a, li, li

– Không phải a Li, là Liên, Liên

Là Tương huynh và con sáo sậu, đang hẹn ai sao? A Liên là ai? Mai mỉm cười đi nhẹ ra xa, mình không muốn làm bóng đèn đâu. Đêm nay trăng đẹp, gió hiền thích hợp cho nam thanh nữ tú hẹn hò. Lưu bá mẫu đang sốt ruột tìm mối cho Tương huynh, không biết thì ra huynh ấy có người trong lòng rồi.

Chưa kịp thấy bóng người hẹn hò với Tương huynh thì nhóm nhà Mai và nhà Lưu bá đã ra. Cả nhóm cùng nhau vui vẻ đi về. An ca và Hân ca cầm hai cây đuốc chia nhau dẫn đường và phía sau. Lúc đến ngã rẽ vào nhà Mai, Hân ca nói:

– Ta đưa tam Mi, tứ Mi về.

A An đưa đuốc cho tứ Mi đứng phía trước. Nghe tiếng nói, nương cầm đuốc ra đón mấy đứa nhỏ nói:

– Nhanh, đi ngủ đi, trễ rồi.

Qua Tết Nguyên Tiêu là hết những ngày thư nhàn. Công việc ngoài đồng đang chờ người nông dân. Trước ngày chợ phiên, con gái lớn Nguyễn bá hạ sinh một bé gái. Tỷ ấy rất yếu may nhờ Đỗ lang y bốc mấy thang thuốc mới qua khỏi nguy hiểm.

Hôm nay cha dẫn Mai đi cùng đến chợ làng, gặp nhà bán đồ gốm trong chợ:

– Nhà huynh có làm được giống cái này không?

Vị bá bá xem cái chụp bằng tre kỹ càng rồi nói:

– Ta không rõ lắm, huynh có thể theo về gặp thúc phụ ta được không?

– Được, ta chờ.

– Không cần đâu, giờ ta đi liền.

Nói xong, bá ấy quay vào trong sạp dặn.

– Cha về nhà, qua giờ mùi trở lại. Hai đứa trông sạp cẩn thận.

– Dạ.

Men theo sông Giang Thành về hướng Đông, đi gần hai canh giờ đến đoạn sông hơi hẹp thì rẽ trái vào con rạch nhỏ. Trên ghe Sùng bá nói nhà ông đã ba đời làm nghề gốm. Thúc thúc ông đã qua tuổi lục thập vẫn là thợ cả trong lò. Ngoài sạp chợ ở làng Đông Hồ, nhà ông còn có sạp ở chợ Lũng Kỳ. Đến chỗ rộng con rạch thì bá ấy neo ghe vào bến, đi bộ một đoạn nữa.

Lò gốm rất rộng, trải rộng gần một mẫu đất, đất sét được vun thành mấy đống lớn. có loại thô còn lẫn đá, loại được sàng lọc thì mịn màng. Phía xa là lò nung cao, lửa đã đốt, khói bay lên thành cụm. Lần đầu tiên Mai đến xem lò gốm, không khỏi hiếu kỳ nhìn đông nhìn tây.

Sùng bá đi vào hai gian nhà bên phải.

– Thúc, có khách tìm.

Sau khi chào hỏi, cha Mai đưa cái chụp đan bằng nan tre, diễn tả ý định làm bằng đất nung. Sùng ông xem xét cái chụp, gật đầu nói:

– Được, ta làm được. Lê tứ điệt muốn làm như thế nào?

– Thúc làm trước một cái. Nếu dùng tốt ta sẽ đặt ba mươi cái.

Sùng ông đồng ý làm một cái mẫu. Ông hẹn phiên chợ sau nhà Mai đến sạp ở chợ làng nhận là được. Mai nhìn ông lão râu tóc đã bạc phơ mà vẫn rất tráng kiện, giọng nói sang sảng không khỏi nể phục. Đôi bàn tay ông rất lớn, các ngón tay dài, khớp đầy vết chai. Đôi bàn tay này đã làm ra những món đồ bằng đất đỏ au, đủ dạng đằng kia sao?

Lúc đi ra Mai không khỏi nhìn lại lò gốm lần nữa nơi ba đời nhà Sùng ông gầy dựng!

Xong việc làm chụp đèn bắt đầu đến việc tìm mua sáp ong. Lúc ở trên ghe đi về, hai cha con bàn chuyện cần làm tiếp. Cha đang nôn nao muốn làm xong ghe năm bản mẫu mới, nếu đi nhà Lý thúc sẽ mất hai ngày nữa.

– Cha, nhờ Lưu bá và Tương huynh đi cùng con là được.

– Không được.

Về nhà bàn lại chuyện đi Giá Khê nương cũng không cho Mai đi một mình. Tính tới lui chưa có cách vẹn toàn, đành gác lại chờ cha xong chiếc ghe năm bản trước. Nhờ hôm trước có hai nhà đã đốn gỗ, ngâm nước nên giờ có đủ gỗ lớn để đóng ghe năm bản.

Mũi ghe thuôn dài vươn cao sẽ lướt nhẹ nhàng. Cha chăm chút vuốt từng đường bào, bụi mạt cưa bay theo từng cơn gió thoảng qua, dính trên mặt, tay và lưng áo ông. Bên này Bình ca đục thanh cong, mỗi ghe cần hơn mười cong nên Bình ca đã làm rất thành thục. Ghe lần này dài mười hai thước (1), cần mười sáu cong nên BÌnh ca nhiều việc hơn, từng cái cong được xếp dài cạnh vách nhà. Thất thúc và Hân ca đang chuẩn bị các bước trước khi ghép ván. Nói chuẩn bị vì chỉ hai người rất khó ghép được ván đáy hay ván be. Người đỡ, người làm dấu, người làm mộng, người ghép khớp nên mỗi lần ghép đều cần cả bốn người làm. Mai còn tiến thêm một bước ‘đánh dấu’ các ghe do nhà mình sản xuất. Cô và a An lo chuẩn bị để sơn nhãn hiệu lên thành ghe và làm dấu bí mật trong góc khuất của chiếc ghe.

Rất nhanh đến ngày chợ phiên, hôm nay Mai và An ca đi bán ở chợ làng và đến nhận mẫu chụp đèn ở sạp đồ gốm. An ca cao khoẻ hơn qua mấy tháng. Một mình ca ấy có thể chèo ghe tam bản trôi chảy. Hai đứa không dùng ghe lườn quanh co trong mấy con rạch nhỏ mà xuôi theo men bờ vũng Đông Hồ đến chợ rất nhanh. Vừa ra đến vũng Đông Hồ đã thấy hai chiếc bè cũng đang xuôi dòng phía trước, chắc họ cũng đi chợ.

Chợ họp như thường lệ, Mai tò mò dõi nhìn xem hai nhà ở vũng Đông Hồ bán cái gì. Họ bán mấy con cò, le le, một rổ tôm càng, a một con kỳ đà to nữa. Lúc họ kéo con kỳ đà còn sống đi vào chợ làm mọi người đều nhìn. Thịt kỳ đà bổ dưỡng mà túi mật có thể bán cho lang y hoặc hiệu thuốc. Chỉ là xung quanh đây sẽ ít người mua được.

– Cháu nghĩ thúc đến hỏi nhà phú hộ xem có mua nó hay không? Hoặc thúc đến chợ Sông Lớn chắc có người mua.

Mặc dù chưa quen biết nhưng Mai nghĩ họ mới đến chưa rành thuỷ thổ, giúp mấy lời cũng tốt. Vị thúc thúc hơi dừng lại nhìn Mai, suy nghĩ rất nhanh gật đầu như cảm ơn nàng rồi dặn dò thím đi cùng. Hai nhà họ chọn chỗ bày bán ở phía ngoài gần mé công. Thúc ấy thì đi ra bè đi về hướng nhà phú hộ.

Hai anh em đi đến chỗ cũ thì thấy a Báo đang bán hàng rồi. Hôm nay còn có hai con chồn xám. A Báo vừa giúp tay xếp đường vừa nói:

– Ca ta mang trứng và gà con cho nhà ngươi đó. Ta nói để ta đi mà ca ấy không cho.

Mai nghĩ bụng ‘làm sao mà huynh ấy để ngươi đi’. Cô liếc a Báo mặt mũi sáng láng, đang hưng phấn kể chuyện làm sao cha hắn săn được hai con chồn xám này. Hắn còn hỏi chuyện An ca làm gì tối Tết Nguyên Tiêu, còn hít hà ước gì hắn được ở lại.

A An lớn hơn a Báo một chút nhưng tính khí trầm tĩnh hơn nhiều. Có thể là bản tính của a Báo sôi nổi, nhiệt tình. Ở nhà hắn không phải được nuông chiều, những việc cần làm hắn đều biết làm. Hắn cũng có chí, biết tự kiếm tiền mua cung tên mình thích, biết săn thú, luyện võ cũng coi là có bản lĩnh.

– A Báo, trong rừng có tổ ong không? Nếu có nhà ta cũng muốn mua, sáp ong cũng được.

Đang huyên thuyên nghe Mai hỏi hắn chậm một nhịp mới đáp:

– Có, ong ruồi được không?

– Ong gì cũng được.

– Được, ta gặp sẽ lấy về cho ngươi.

– Ngươi biết lấy tổ ong, phải cẩn thận đó.

– Ha ha, ta đương nhiên biết, không cần lo.

Hắn vỗ tay lên ngực bảo đảm. ‘Phải nói Hùng huynh nhắc chừng hắn mới được’, lỡ bị ong đốt lại mất công a Vĩnh trị cho hắn.

Đợi hơn nửa buổi chợ, Mai đi đến sạp đồ gốm. Sùng bá thấy Mai vội quay lưng vào trong ôm ra khối tròn được gói kín bằng rơm. Mai vui vẻ nhận lấy,

– Cảm ơn bá, cháu mang về cho cha xem. Phiên chợ sau đến gặp bá.

– Được, cháu mang về đi.

A, hơi nặng, Mai dằn lòng không mở ra xem liền. Dù sao về nhà xem cũng không muộn, cũng tránh ánh mắt của nhiều người.

– Cái gì vậy?

– Là đồ của cha ta mua. Bán xong ngươi về nhà ta luôn hay sao?

– Ừ.

Mai chưa muốn lộ chuyện làm đèn cầy, nên lảng sang chuyện khác. Mà a Báo cũng dễ bị gạt ghê!

Bên kia vị thúc thúc quay về, vác con kỳ đà ra bè. Vậy là thúc ấy bán cho nhà phú hộ rồi.

– Nhà phú hộ đãi tiệc khách bên Tô Châu, nghe nói là thông gia tương lai.

– Thông gia? Là cho công tử hay tiểu thư vậy?

– Ta không biết, vài ngày nữa là biết liền.

Mấy thím buôn bán gần đó cũng đoán được nhà ai mua con cự đà, không quên tám chuyện nhà phú hộ. Ra giêng bàn chuyện hôn nhân là đúng lệ rồi.

Trên đường về An ca dạy a Báo chèo ghe. Hắn làm chiếc ghe xoay mòng mòng làm Mai vịn chặt thành ghe.

– Ta học sau, ca chèo đi.

Chiếc ghe lại êm ả lướt về nhà. Chim én về từng đàn bay liệng trên không. Đồng lúa chỉ còn trơ lại rơm khô và gốc rạ. Bọn chúng cũng không ngại, chăm chỉ tìm kiếm thức ăn, nhảy nhót vui đùa.
(1): 1 thước = 0.47m

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.