Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 79: Làng Giá Khê Thượng



Trong xưởng gỗ, cha đưa tay lần theo vết ghép trát nhựa cây đã khô,

– Được rồi, hạ thuỷ đi.

Chỉ chờ có vậy, mấy người lớn cùng nhau kéo chiếc ghe năm bản theo ‘ray’ xuống cầu ván trước nhà. Ray này là ‘sáng tạo’ của Mai, thật ra là bắt chước cách người hiện đại làm đường ray để đưa ghe hạ thuỷ nhanh nhẹ hơn.

Chiếc ghe này được đóng lâu nhất, hơn tháng dài. Có điều hơn một tháng có là bao so với mấy năm chứ. Trước đây nhà ông nội phải dành dụm mấy năm mới mua được ghe đánh cá. Giờ con trai chỉ mất hai tháng đã đóng được, ông mừng biết bao nhiêu.

Chiều hôm đó đống lửa lớn ở sân sáng rực, ông nội uống mấy chén rượu nếp cùng Dương ông, Bùi ông kể chuyện xưa chuyện nay. Trời đứng gió, cái nóng ban ngày chưa tản đi, mấy đứa nhỏ không tụm quanh đống lửa nướng đồ ăn như mọi khi mà ngồi trên chiếc ghe mới chèo vòng vèo ngược xuôi trên con rạch trước nhà.

Hân ca dẫn đầu ôm gối chiếu ra muốn ngủ trên ghe tối nay. Trời nóng như vậy ngủ trên ghe đúng là mát mẻ, sướng như tiên. Nhà nội vào đông người nên chỉ có đàn bà con gái ngủ trong nhà kín đáo, còn lại đều tự chọn ngủ ở xưởng gỗ hay trên ghe. Giờ có thêm chiếc ghe mới hạ thuỷ còn thơm mùi gỗ, mùi nhựa cây nên mấy đứa con trai giành nhau ngủ.

Trong bếp nhà sau, nhóm đàn bà đã ăn cơm xong đang ngồi nói chuyện, bà nội nói:

– Đúng dịp này, cả nhà đi thăm nhà sui gia. Ta và tiểu cô a Bình ở lại trông nhà giúp mấy ngày.

Nương đương nhiên là muốn rồi, chỉ ngại có người nói ra nói vào. Ngũ cô hiểu ý cười nói:

– Tẩu ngại gì, lần này cũng không phải đi chơi, có chuyện cần làm. Đi đông người có chuyện gì tính toán bàn bạc mới tốt.

Bà nội nghe ra ngũ cô có ý khác, nhìn nương,

– Mấy hôm trước nhà đông, có khách tới lui nên chưa nói cha nương biết. Lần này đi về nhà ngoại a Bình cũng có chuyện cần làm.

Bà nội nghe xong như không tin, kêu Mai ôm chụp đèn ra cho bà xem. Bà giật mình nhìn cây đèn màu vàng trong tay. Có những hình ảnh trong ký ức tưởng không bao giờ thấy nữa, bỗng nhiên gặp được không khỏi nhắc nhở đến những người xưa, cảnh cũ.

Trăng hạ tuần treo lơ lửng trên cao, Hoàng thị trằn trọc không ngủ được. Đã bao nhiêu năm rồi bà không còn nghĩ đến cảnh cũ, bốn mươi năm có lẻ rồi. Phụ thân, mẫu thân chắc không ai hương khói. Bào huynh, bào đệ còn mất ra sao, còn sống thì lưu lạc phương nào?

Ngày xưa bà cũng từng sống trong lầu son gác tía, bạch lạp (đèn cầy) lung linh, hoa đăng rực rỡ. Tất cả bà đã chôn vùi vào ký ức để yên phận làm người đàn bà lam lũ ở làng chài xa xôi, ẩn dật để tồn sinh. Quá khứ vàng son như là giấc mộng giữa đêm trăng, tỉnh giấc nhìn hiện thực chợt cất tiếng thở dài. Bên kia giường có tiếng trở mình, Hoàng thị khẽ lau hai giọt nước mắt chưa kịp rơi xuống chiếu.

Đêm thật tĩnh lặng. Lòng người ước gì cũng lặng như thế.

Theo lời bà nội, cả nhà Mai sắp xếp đi nhà ngoại. Ngoài bà nội và lục cô, a Bảo cũng ở lại đây phụ giúp làm việc. Ngũ cô dặn dò Vinh ca cách chăm sóc chục gà con, hái rau tươi xếp lên ghe tiễn nhà nội về làng chài.

Cha dẫn Vĩnh ca đi xin phép với Đỗ lang y. Nhìn cái ghe mới đang được xếp hành trang cả nhà lên.

– Tám người nhà ta lên đủ không?

– Đệ thấy đi hai cái mới đủ chỗ, cũng ở mấy ngày trên ghe đó.

– Nhưng ở nhà không có ghe, lúc nương cần làm sao?

– Còn cái ghe lường này, mà nương cần đi đâu có a Tương bên kia, lo gì.

– Nương thấy đi hai chiếc đi.

Bà nội ‘chốt’ lại ý kiến sau cùng. Cúc tỷ chia đồ đạc trên hai ghe, rộng chỗ hơn nên nhét thêm hai cặp gà, hai cặp vịt. A Phúc ôm con Mực, mang nó theo hay không đây?

Tối hôm trước khi đi a An đưa cho thất thúc túi tiền và quyển sổ nhỏ, dặn dò ghi chép chuyện mua bán ở nhà.

– Ca, mình mang theo một ít, mua thêm trứng gà nhà về lai giống.

Ở nhà dưới nương cũng vô phòng nói nhỏ với bà nội, lát sau mới đi ra.

Đêm này thế nhiên Mai mất ngủ, cứ nôn nao trong dạ như là trẻ nhỏ. Lúc trước, lần đầu được đi xa nhà mà Mai còn nhớ là đi Đà Lạt. Năm đó cô học lớp ba, cũng đi cả nhà theo đoàn công ty ba đang làm việc. Lần đó là mùa hè, lên tới Đà Lạt thì trời mưa liên tục hai ngày, trời ẩm ướt mà còn lạnh nữa. Mỗi sáng ba dậy sớm mua sữa đậu nành nóng hổi cho Mai và anh hai. Trời lạnh uống sữa nóng thật ngon! Ký ức giống như dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về, những chuyện tưởng đã quên bỗng nhiên nhớ lại. Lần đầu gặp anh Sơn là khi hai đứa cùng chọn chai Sting ở căn tin. Lâu rồi mình không nghĩ về anh ấy nữa, hai năm trung học rồi hai năm đại học cho mối tình đầu đơn phương, không dài lắm phải không?

Gà gáy canh tư rồi, phải ngủ một chút mới được! Xem như giấc mộng! Ngày mai mới là cuộc sống thực!

Mới chợp mắt một lát đã nghe tiếng nương thức dậy, nấu cơm ăn sáng. Mai lơ mơ làm theo cả nhà, thưa bà nội, lên ghe, chui vô mui ngủ tiếp. A Phúc cũng vậy, hai chị em được nương đắp mền, kéo phên tránh gió, ấm áp chìm vào giấc ngủ.

Đường từ Đông Hồ đi Giá Khê qua chợ Sông Lớn, dọc theo sông Giang Thành một đoạn. Sau đó có ngã ba rẽ vào con rạch hướng tây đi tiếp. Cha chèo ghe lớn phía sau, Bình ca cùng nương chèo ghe nhỏ đi trước.

– Đói bụng chưa, dậy ăn cơm nè.

Thấy hai đứa nhỏ thức dậy, Cúc tỷ kéo phên ra hỏi. Nắng sớm lấp lánh trên mặt sông. Hai bên bờ cây đước mọc thành rừng, thỉnh thoảng chen vào những mảng lau sậy chen chúc. Đi gần một canh giờ mà cảnh vật xung quanh cũng không thay đổi, giống như chỉ có một thước phim được chiếu liên tục. Đương nhiên là có thay đổi, núi Tô Châu ở bên phải đã từ từ chuyển ra sau lưng rồi.

Hơi buồn chán, Mai bẻ vội một nhánh cây chìa ra sông, xếp lá thử thổi, không kêu. Phải chi có con sáo sậu như Tương huynh để chọc nó hót thì hay biết mấy.

Một lúc sau bốn đứa nhóc trên xuồng cũng nghĩ ra được trò chơi chập ăn, trò rất đơn giản chọn mấy lá cây gần bằng nhau, đánh số từ một đến mười, mỗi đứa một bộ, tự xếp theo ý mình. Bốn đứa ra bài, lá nào lớn nhất thì ăn mấy lá kia. Thua là bị nhéo lỗ mũi.

Tiếng cười đùa vang trên bờ sông. Tiếng sủa của con Mực góp vui làm mấy con chim vụt bay lên. Giống như hiệu ứng domino từng nhóm kêu quang quác bay lên, tụi chim này cũng làm quá!

Bữa cơm trưa đơn giản bằng xôi đậu xanh ăn với tôm khô, cá kho. Trong nhà có An ca và a Phúc thích ăn xôi nhất, hắn còn khoa trương nói muốn ăn xôi thay cơm. Hai nải chuối chín ngọt lịm, Mai còn chấm thêm mật ong nữa, ăn thật ngon. Con Mực gặm xong cá khô cúi xuống thành ghe uống lấy uống để nước sông mát lạnh.

– Cha nghỉ chút đi, con chèo cho.

Cúc tỷ vừa rửa nồi xôi bằng nước sông vừa nói.

– Ừ, con giữ lái là được, không cần gắng sức chèo.

– Con biết.

Ghe nhỏ bên kia nương và Bình ca thay phiên chèo. Bên này cha một mình chèo từ khuya đến giờ đã rất mệt rồi. Mai dọn đồ trong mui gọn gàng để có chỗ cho cha ngã lưng. A An chưa đủ sức chèo ghe lớn, hắn trèo qua ghe nhỏ chèo thay Bình ca.

Giữa trưa hai chiếc ghe lặng lẽ, chậm chạp xuôi theo dòng. Tiếng chim cò gọi nhau, tiếng lá tràm xào xạc trong gió như điệu ru con của mẹ thiên nhiên mấy ngàn năm qua.

Mặt trời nghiêng dần về phía tây, bóng rừng tràm từ từ phủ lên mặt nước sông. Khoảng rừng này thưa hơn, thấp thoáng có vài mái nhà. Nương tấp ghe vào bờ, Bình ca bước lên cầu ván lung lay hỏi thăm làng Giá Khê.

– Xuống chút nữa, đến rừng cây giá, có con sông lớn ra biển là tới.

Xem ra gần đến nơi rồi, mấy lần trước Lý thúc cùng a Sao cũng khoảng giờ này đến nhà Mai. Cây giá gần giống như tràm, nhìn từ xa cũng không khác mấy. Nên khi ghe đến ngã ba con sông lớn rẽ hướng biển mới biết là đang ở trong rừng cây giá như người nọ chỉ.

Dòng nước chảy hơi xiết, ánh mặt trời chiếu thẳng vào mắt, Mai lấy nón lá cho cha đội. Mấy gốc cây nhiễm mặn sẫm màu, lớp vỏ ngoài bong tróc. Mùa khô mực nước xuống thấp, lộ ra khoảng thân cây xù xì gần hai thước.

Nhà gần bờ sông được dựng như kiểu nhà sàn, cao hơn mực nước nhiều. Có mấy cầu cây đi vào, đến gần ngôi nhà vang tiếng trẻ con khóc, nương hỏi vào:

– Tẩu cho hỏi đây là làng Giá Khê thượng phải không?

– Phải, thím tìm nhà ai?

– Ta tìm nhà Lý huynh, a Sao.

– Thím là thân nhân? Đằng kia, trong làng.

– Cảm ơn, không phải. Nhà ta ở Đông Hồ, có quen biết thôi.

Thấy nương chào cảm ơn xong, Bình ca chèo lên phía trước, làng Giá Khê thượng hiện ra trong, khói bếp lãng đãng trên vài nóc nhà lá.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.