Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 85: Về nhà



Lúc ăn cơm chiều a Phúc chạy vào ngồi kế Mai. Trời, đầu tóc hắn còn hôi mùi bùn non, chắc cả buổi chiều lặn hụp dưới sông.

– Tỷ, nhà kia có nuôi mấy con vịt, chúng khác vịt nhà mình. Với nữa, nhà ngoại nuôi ít gà hơn nhà mình.

Dì năm nghe hắn nói cười vui vẻ trêu:

– Đâu có ai nuôi gà giỏi như a Phúc. Năm nay a Phúc chắc kiếm được nhiều tiền lắm. Sắp là tiểu phú hộ rồi.

Tiếp theo mọi người hỏi thăm a Phúc đàn gà, đàn vịt của hắn. A Phúc rất hoạt bát, vui vẻ kể chuyện làm a Duyên rất hâm mộ dựa vào mợ xin cho hắn nuôi gà vịt. Ngoại nói với nương Mai:

– Ta có dặn nhà thím sáu Điền làng bên. Heo nái nhà thím tháng sau đẻ con, thím ấy giữ lại ba con nuôi, còn lại đều bán. Ta đi xem nếu heo con khoẻ mạnh thì mua cho nhà con.

– Dạ.

Bàn trên của đàn ông ăn xong thì Sinh ca, Bình ca dọn rượu và mấy món ăn ra sân trước, đốt lửa vừa uống rượu vừa nói chuyện. Ở đây nước chưa nhiễm mặn nên chuyện tắm rửa cũng thoải mái. Múc nước sông vô lu, lắng cặn phèn hai ba ngày là dùng được.

Ngày mai là ngày lại mặt (phản bái) của tân nương. Mợ và tam tẩu soạn mấy món lễ gồm trầu cau, trà rượu và bánh da (là bánh ngọt làm từ bột nếp, nhân đậu xanh hình tròn cỡ lòng bàn tay a Phúc). Nhà tân nương gần nên cũng thuận lợi đi lại.

Mấy đứa con trai không đùa giỡn bên đóng lửa mà theo Mai học viết chữ. Lúc chiều Mai nghênh cằm nói cô học giỏi nhất là có cơ sở. Từ hôm có quyển chữ mẫu sư ông đưa Mai đã tự mày mò học, chữ nào không hiểu sẽ hỏi sư ông và Đỗ lang y. Ba ca ca nhỏ nhà cậu rất hâm mộ nhìn Mai viết từng nét lưu loát trên bảng đất. A Phúc kế bên rặn từng chữ một, bị cô nhéo lỗ tai nhăn nhó.

– Ca muốn học không? Không khó lắm đâu,

Mai cào lớp đất phẳng lại, đưa que cho a Hữu ca. Cô chỉ cách viết mấy chữ số đếm, giải thích từng chữ. Mấy ca nhà cậu cũng cần học giống a An để lo việc buôn bán sau này, cùng nhà Mai phát triển. Hai nhà cách nhau xa như vậy, cô không thể chỉ dẫn được. Trấn trên chắc có thầy đồ, đợi khi bán ghe có thêm tiền sẽ xin ông ngoại và cậu cho đi học.

Người nhà Mai đã quen cảnh mỗi đêm Mai sẽ nhắc mấy đứa con trai ôn chữ. Người lớn nhà ông ngoại đều ngạc nhiên nghe Mai nói rành rọt từng chữ. Cậu hai buông chén rượu lại xem. Cha nhỏ giọng kể chuyện quyển sách chữ mẫu và Dương ông đang tìm thầy đồ về làng cho ông ngoại nghe. Ông gật đầu nói cha làm tốt, được ông ngoại khen cha hơi ngại ngùng đứng dậy châm rượu thêm vào chén cho ông. Ha ha, mấy ngày nay cha rất áp lực! Làm việc còn ra sức hơn so với làm ở nhà.

Tân lang tân nương lại mặt tuy không trang trọng như trong lễ thành hôn nhưng cũng không ăn mặc giống ngày thường. Tam tẩu mặc áo hồng váy xanh nhạt, vấn khăn hồng, gương mặt phụ nữ mười bảy tròn đầy vẫn còn nét trẻ con nhìn thật rạng rỡ. Trên tai là đôi bông nhỏ bằng bạc, vòng cổ bằng đồng sáng loáng. Tân lang Sinh ca trong bộ quần áo xanh chàm mới tinh, khăn vấn và thắt lưng màu xanh chuối, dáng người khoẻ khoắn, da ngăm răng trắng. Hai người đốt nhang bàn thờ tổ tiên, xin phép người lớn trong nhà xong thì lên ghe chèo đi.

Hôm nay nhà ngoại cũng bận rộn nhiều việc, từ sáng sớm nhóm đàn ông đã tranh thủ dựng cột, gác kèo, lợp mái xong trong ngày luôn. Mấy đứa nhỏ cùng nhau đặt từng cây con vào sọt, vun đất rồi mang xuống ghe trước. Lúc đi cũng nhiều đồ, lúc về cũng không ít.

Lúc ăn cơm trưa, cậu hai nói sẽ tiễn một đoạn, không ngủ đêm tại Giồng Riềng mà tại Chợ Lớn sông Xà No. Từ đây đến đó mất hơn nửa ngày, hôm sau không cần khởi hành sớm, đầu giờ tỵ đi vẫn kịp.

Qua giờ cơm chiều thì đôi vợ chồng mới về. Ngoài phần trả lễ tam tẩu còn mang theo mấy loại trái cây, mấy cây con cho nhà Mai mang về nữa.

‘Trả lễ’ là hình thức mà người nhận lễ chỉ nhận một nửa, một nửa gửi về người cho. Như hôm lễ cưới Sinh ca, đàng trai mang sáu mâm lễ qua đàng gái thì người nhà đàng gái nhận xong cũng chỉ lấy một nửa ở mỗi mâm. Sáu mâm mang về còn lại một nửa gọi là trả lễ. Đương nhiên không chính xác ‘một nửa’, nhiều ít hơn một chút cũng không sao. Nếu trả về nhiều quá thì xem như là ‘chê’ lễ không nhận, trả về ít quá cũng mang tiếng không tốt.

Sáng ngày về Đông Hồ, nhà ngoại theo dặn dò đủ thứ, hiếm có dịp cả nhà được ở chung như mấy ngày này. Bà ngoại nhỏ to mấy chuyện với nương rồi cũng quyến luyến nhìn theo mấy chiếc ghe rời đi.

Chợ Lớn sông Xà No nằm bên cạnh ao sen thật lớn, cách bờ sông một đoạn. Lúc ba chiếc ghe đến thì trời đã gần tối. Có đống lửa nhỏ trước cửa sạp bán đồ đất nung, có người ở lại đây.

– Lần sau đi ngủ lại đây, sạp này ta quen, cũng an toàn hơn.

Vừa nói cậu dẫn cha sải bước đến trước sạp, kêu lớn:

– Thon, có nhà không?

– Ai?

Có tiếng đáp lại từ phía sau sạp, một người đàn ông trung niên đi ra. Ông mặc váy màu chàm, thắt lưng được quấn cuộn vắt bên hông kiểu người Chân Lạp, lưng trần, đi chân không.

– Ăn cơm chưa?

– Rồi, ai đó?

– Là, muội phu, em rể ta.

Cậu và người tên Thon nói chuyện rất thân mật. Giọng nói bá ấy ngang ngang, lơ lớ, mà dùng từ rất ngắn gọn, chắc là ít tiếp xúc với người Việt. Thói quen đàn ông Chân Lạp ở trần lúc ở nhà, ra đồng, thậm chí tiếp khách hay lúc múa hát trong làng. Người Việt thì chỉ ở trần lúc ở nhà, còn tiếp khách hay ra ngoài đều khăn áo chỉnh tề. Mùa khô ở những vùng phía trong đất liền rất nóng nên con người thích nghi thành thói quen.

Cả nhà vội vàng nhóm lửa, nấu cơm. Hữu ca quen thuộc dẫn a An chạy đến ao sen hái lá sen lớn, gói cá lóc, rắc chút muối rồi vùi dưới đống lửa. Bà ngoại đã hầm nồi canh xương từ khuya, múc mang theo, giờ được hâm nóng, không đến nỗi ăn thức ăn ‘dã chiến’ như bận đi.

Qua lần này mấy đứa nhỏ được dạy cách nhìn con nước, nấu nướng dọc đường, đi một ngày đàng học sàng khôn. Lúc trưa tụi nhỏ còn nài nỉ cậu hai kể chuyện cậu bị lạc trong rừng lúc nhỏ như thế nào. Cậu cười ha ha nói đại khái mấy câu rồi thôi, làm cả đám cụt hứng. Đêm ba mươi, bầu trời đen thẳm chí có vài ngôi sao lẻ loi nhấp nháy. Thon bá bá mang cho cậu mấy cục than gỗ lớn, có thể âm ỉ cháy cả đêm. Văng vẳng giữa màn đêm có tiếng sáo ai đang thổi, con Mực nghênh cổ sủa vu vơ.

– Trong kia là làng người Chân Lạp sống, cũng hơn hai chục nhà. Mỗi tháng vào ngày trăng rằm và ngày trăng mới đều cúng trăng, gõ trống hay thổi sáo nhảy múa. Con trai Chân Lạp phải có tài nhảy đẹp, thổi sáo hay mới kiếm được vợ.

Cậu còn kể thêm mấy tập tục khác của người Chân Lạp.

– Họ truyền nhau kinh nghiệm sống trong rừng, dưới biển, trồng bông, dệt vải. Mình phải để ý học mới được.

Trời sáng, cậu dặn dò mấy câu mới quay ghe đi về. Đường từ đây về Giá Khê đúng một ngày, không thể chậm trễ được. Tính ra quen biết nhà Lý thúc rất tốt. Trước đây cậu và ông bà ngoại chỉ neo ghe ngủ bên ngoài làng.

Xa nhà gần mười ngày rồi, dù không nói ra nhưng ai cũng trông nhanh về. Những hàng cây xanh ngút ngàn hai bên bờ không thu hút như lúc đi, chỉ kéo dài thêm thời gian chờ đợi. Tiếng bìm bịp kêu xa gần như hối thúc tay chèo.

Chạng vạng đến nhà a Sao, đống lửa lớn được đốt trước sân. Lý thúc và a Sao đang ngồi ăn cơm trên bàn. Thấy mấy người nhà Mai từ xa đã dứng dậy, chào hỏi nhau:

– Làm phiền nhà đệ nữa rồi.

– Làm gì có, mấy hôm nay trông nhà huynh đến đó, vào nhà tắm rửa trước.

Con Mực được thả lên bờ chạy lăng xăng, a Sao đốt ngọn đèn ở bếp để nương nhóm lửa. Dọn cơm ăn thì trời đã tối hẳn, Lý thúc rót cho cha chén rượu nói: – Từ lúc thành thân, phu thê đệ cùng nhau vất vả, dành dụm mong con cháu cơm no áo ấm. Giờ xem đệ còn liên luỵ a Sao, haiz,

– Sao đệ nói vậy, ai có thể dạy dỗ a Sao thay đệ được, đừng nghĩ quẩn.

Không biết có chuyện gì mà Lý thúc cảm thán vậy, mấy hôm trước vẫn vui vẻ mà. Câu tiếp theo của Lý thúc giải thích thắc mắc. Thì ra sau khi nhà Mai đi một ngày, có người từ Nam Vang xuống tìm mua trầm hương, còn mua giá rất tốt. Miếng trầm hôm trước bán gấp mua thuốc cho Lý thúc giá không tốt. Thúc thẩm của a Sao còn qua dông dài nói phải chi để lại hôm nay thì hay biết mấy.

Trời, bệnh tới chân mà còn tiếc giá cao giá thấp gì, vậy mà cũng dám nói, thiệt tình!

– Trương huynh và mấy người nữa hợp sức vào rừng sâu tìm trầm rồi.

À, hèn chi lúc nãy đi ngang qua nhà không thấy Trương bá. Lý thúc nói với a Sao:

– Con mang chậu mật ong cho Lê bá xem đi. Là a Sao tự mình đi tìm, đệ thiệt là không giúp được gì.

A Sao nhanh nhẹn ôm mấy chậu lớn để trên sạp tre nhà trước, tìm được sáu tổ luôn rồi. Cái này là cả ngày hắn đều ở trong rừng sao?

Mai đoán đúng rồi, từ hôm nhận ba quan tiền nhà Mai. A Sao liền chống bè vào rừng, tìm tổ ong lớn, hun khói, lấy mật. Nói đơn giản nhưng không dễ dàng chút nào, có tổ phải kiên trì mấy canh giờ, cả ngày mới đuổi hết ong đi, chịu vất vả biết bao nhiêu!

– Sau này đệ yên tâm rồi.

Cha vui vẻ nói, còn khen ngợi a Sao mấy câu. Mai suy nghĩ một lúc, nói nhỏ với nương xong mới cầm hai xâu tiền lớn đưa cho a Sao nói:

– Cái này là hai quan, bốn tổ ong sau không cần gấp, cuối tháng này mang đến là được.

A Sao không nhận tiền, nhìn qua cha hắn rồi nói:

– Đến cuối tháng giao tổ ong rồi nhận tiền.

Cuối cùng cha lên tiếng kiên quyết thì Lý thúc mới nhận, còn nói tiền này thúc ấy giữ ở đây, chưa cần dùng. Ý thúc lo ngại chuyện làm ăn nhà Mai không thuận lợi, có thể không mua tổ ong mà nhận lại tiền vẫn được.

Mặc dù chưa bán được cây đèn nào, nhưng Mai tin vào khả năng của dượng năm. Nếu không phải chuyện này rất tốt dượng ấy sẽ không sốt sắng như vậy. Còn về việc dặn a Sao cuối tháng mới đến là vì Mai còn nhớ có một loại ghe chuyên dùng cho các vùng có rừng ngập mặn hay mùa nước nổi. Loại ghe này có đáy nhỏ, để bớt lực cản của mặt nước, thành cao chứa được nhiều thứ linh tinh, phù hợp cho một người dùng. Về nhà Mai sẽ vẽ cho cha và Bình ca đóng mẫu, để a Sao dùng thử; đúng như kế hoạch nói với cậu hai.

Đi hết hôm nay, chiều là về đến nhà rồi, không kịp ăn sáng ở nhà Lý thúc mà vội lên ghe. Sương sớm lãng đãng trên ngọn cây, giăng giăng trên mặt sông. Phía trong rừng cũng mờ mờ ảo ảo, chẳng trách người đi rừng dậy muộn hơn nhà nông, vào rừng giờ này lạnh thấu xương.

Vĩnh ca lấy gáo múc nước sông tưới cho đám cây con. Cả nhà vui vẻ nói chuyện, cảm giác sắp về đến nhà thật dễ chịu. Có chiếc ghe của ai ở phía trước, cha cũng không muốn vượt lên.

Mai nhàn nhã dựa thành ghe ngắm hai bên bờ. Sau này sẽ thường xuyên đi lại trên ghe, tìm cách gì để giải trí cả ngày mới được, cũng không thể chơi cờ, đánh bài suốt. Mà giống nương, Cúc tỷ ngồi may vá, đan giày đan đệm cũng chán! Đúng là người ở đây không có nhu cầu giải trí gì sao? Không thấy buồn tẻ sao?

– Ca đang nghĩ gì?

Mai tò mò kéo tay a An gần đó hỏi, hắn cũng đang nhìn mông lung ra mặt sông. Lúc quay lại nhìn Mai ánh mắt đen dần thu lại suy nghĩ:

– Ta nghĩ chuyện muội nói với cậu hai hôm trước. Nếu nhà mình không nhanh chóng tìm được khách mua ghe thì sao? Lúc trước Lưu bá phải đến xưởng đặt mua người ta mới đóng, nhà mình nên làm giống vậy không?

Tuy là đóng ghe bán rất có tiền, nhưng phải có người mua mới được. Hai chiếc ghe này để ở nhà xài, giờ đóng thêm bán cho ai? Nếu không đóng tiếp thì cũng tiếc, chưa vào mùa lúa nên tranh thủ đóng. Cũng may là ghe đóng xong không cần hạ thuỷ cũng không hư hại gì, chỉ hơi chiếm chỗ. Đó là cách hắn nghĩ lúc trước nhưng lúc nghe Mai bàn với cậu hai hắn mới giật mình nghĩ. Đúng rồi, mình có thể nhờ người khác lo tìm khách mua. Nhà ngoại có dượng năm giao thiệp rộng, thêm nhà nội nữa.

Hắn định chờ lúc về nhà sẽ nói với cha nhờ ông nội. Mà thật ra chắc ông cũng đã nói với những người trong làng chài chuyện cha đóng ghe rồi. Tính tình a An cẩn thận, hơi chậm chạp, hắn luôn nghĩ tới lui mới nói.

Nghe a An nói ra Mai không khỏi khen ngợi, ‘giao tiền quỹ nuôi gà cho hắn là đúng rồi, vừa cẩn thận vừa keo kiệt’ cô nhủ bụng. Ha ha nói a An keo kiệt không ngoa chút nào. Hôm đi chợ Tết hắn chỉ nhìn đồ người ta bán, hỏi giá, rồi im lặng, chẳng có vẻ ham muốn món gì.

Hai đứa nhỏ rì rầm nói chuyện, gút lại là đợi về nhà sẽ nói cha nương. Hai ghe cách không xa nhưng nói chuyện phải lớn tiếng, cũng không gấp gáp gì.

Xế chiều đã đến đoạn sông chợ Sông Lớn, có mấy chiếc ghe xuôi ngược, nương còn gặp mấy người quen nữa. Chiếc ghe phía trước suốt đoạn đường thì ra là ghe của Trần Si thúc. Hôm nay không có Trần bá đi chung nên từ xa không nhận ra nhau. Con Mực không biết có nhận ra gần nhà không mà cũng quắn quít vẫy đuôi.

Vũng Đông Hồ vẫn êm đềm chờ đợi. Sóng nhỏ lăn tăn, nắng chiều gay gắt dát vàng từng mảng trên mặt sông. Gió biển mặn làm rát da. Xa xa là hai dãy núi thấp, bên kia là Tô Châu, bên này Bình San như vòng tay che chở Đông Hồ khỏi phong ba bão táp. Mai xem nơi này là nhà là quê của mình rồi!

Chiếc ghe chưa tới cầu ván, a Phúc đã kêu to:

– Bà nội, cô ơi!

Con Mực theo đó sủa ầm ĩ.

Bà nội từ trong nhà đi ra, miệng cười. Nếp nhăn ở khoé mắt tô điểm cho ánh mắt thương yêu tràn đầy từ đáy lòng.

– Về rồi à,

Con Mực dẫn đầu nhảy phóc lên cầu ván. Nó chạy loạn xung quanh sân rồi vào nhà đánh cái vòng như tuần tra lãnh địa, còn sủa gâu gâu.

– Nương để con mang vào, không có gì nhiều.

Nương Mai nói với bà rồi nháy mắt a Phúc, hắn hiểu ý nắm tay bà nội đi vào nhà. Vừa đi vừa hỏi đủ chuyện ở nhà, đương nhiên là chuyện đàn gà, đàn vịt của hắn. Trong nhà chỉ có bà nội, xưởng đóng ghe cũng không có ai, bà nói:

– Thấy trời mát nên mấy đứa ra ruộng nhổ cỏ, lùa vịt đi ăn rồi. À, còn nhổ khoai bên đám ruộng mới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.