Hà Tiên - Cuộc Sống Điền Viên

Chương 89: Mở tiệm bán hàng



Gian nhỏ phía trước xưởng gỗ không tránh khỏi vụn mạt cưa phủ đầy. Mai lấy cây chổi rơm quét sạch tấm ván rồi ngồi xếp bằng vẽ vẽ lên bảng đất.

Các loại ghe lớn nhỏ, nặng nhẹ đều có ưu khuyết điểm của nó. Mai đang muốn làm ghe một hoặc tối đa hai người ngồi, cần nhất là đủ nhẹ và nhỏ để dùng trong những chỗ nước nông, khoảng không hẹp; đương nhiên là chỉ chở được ít đồ nhẹ thôi. Giống như a Sao, hắn dùng ghe này để tiến vào sâu trong rừng ngập mặn, tìm và chở tổ ong về. Hoặc mùa nước nổi một người đi giăng câu, đánh cá cũng thuận tiện. Một ngày có thể đi thăm câu mấy lần, không tốn nhiều sức, tuổi thiếu niên vẫn dùng được.

Trước kia mỗi lần học bài hay làm bài đều phải nghe nhạc, giống như phải có mới được. Đến đây gần một năm không có nhạc, không có phim ảnh dần dần cũng quen.

A Phúc chạy ra gọi mọi người ăn cơm làm Mai hơi giật mình, đã trưa rồi sao? Nhìn ra bên ngoài, mặt trời đã lên đỉnh đầu, nắng gay gắt, mồ hôi cũng dính dính sau lưng mà Mai không biết.

– Dương ông tìm được thầy đồ rồi hả cha?

– Còn chưa tìm được. Cũng chưa biết năm nay nộp thuế sản vật như thế nào. Lần này Dương ông lên trấn không thuận lợi.

Mỗi năm nghe tin nộp sản vật cả làng đều lo lắng chuẩn bị tiền, vật đi nộp. Năm nay không có tin gì lại càng lo lắng hơn. Thu thuế, thu sản vật là chuyện quan trọng của các quan sở tại, vậy mà bây giờ họ không quan tâm, nghĩa là có chuyện khác quan trọng hơn. Mà chuyện quan trọng đó luôn khiến người dân đen lo lắng nhất, bắt đi lính? Chiến tranh?

Dương ông còn có chuyện chưa nói với Lê tứ. Dù sao Lê tứ là nông dân cũng không biết nhiều chuyện thế sự. Giữa các trưởng làng quanh vùng đều nghe được tin Tân Quốc vương có lệnh để Mạc quan nhân cai quản vùng này nhưng chưa có sắc chỉ xuống địa phương nên chưa thông báo rộng rãi.

Vùng này và phía Cà Mau, Giá Khê, mấy đảo ngoài kia trước nay không ai quản vì xa xôi, đất rừng hoang vu. Chỉ có vài ngôi làng do từng nhóm người Việt, người Chân Lạp, người Hoa sinh sống. Những người đến đây phải xa quê hương vì nhiều lý do. Vì mưu cầu sự sống, họ chịu rất nhiều vất vả, mồ hôi, nước mắt và cả máu để khẩn hoang trồng trọt, săn thú, đánh bắt, còn bị cướp biển hoành hành. Mấy năm gần đây cướp biển ít đi nhưng cuộc chiến sinh tồn với cái đói, bệnh tật, với thú dữ trên rừng dưới nước vẫn diễn ra ngày ngày.

“Thời gian ngắn nữa thôi mọi người sẽ biết, đây là tin vui”, Dương ông nghĩ. Ông nghe nói Mạc thị quan nhân là người kinh lược, rành chuyện thương mã, giao du rộng. Hy vọng ông ấy sẽ mở mang làng ấp, cuộc sống sẽ an ổn hơn.

– Con bắt đầu làm đèn cầy chưa? Kịp giao cho dượng năm không?

Lúc đi chợ về Mai đã thuật lại chuyện Sùng ông giao chụp đèn cho nhà ngoại. Cha vừa mừng vừa lo nên hỏi, chuyện làm đèn này Mai chưa chỉ dẫn người trong nhà làm.

– Ngày mai bắt đầu làm cha, sẽ kịp. Chiều nay con,…

Đang nói chuyện thì nương về, sớm hơn so với ngày thường. Cúc tỷ dọn thêm chén mới cho nương cùng ăn cơm. Nương hơi rầu rầu nói:

– Trong chợ có hai nhà bán đường rồi, mình làm ít hơn chút không?

Cả nhà đã nghe Mai nói chuyện này, cũng đoán chuyện ở chợ Sông Lớn nên không phản ứng lớn. Nương hơi ngạc nhiên nên An ca thuật lại mấy chuyện hồi sáng.

– Mùa này là đường ngon nhất, ngọt nhất. Con nghĩ mình vẫn làm tiếp, để dành ăn hoặc bán từ từ.

Nói xong Mai nháy mắt ra hiệu a An, hắn gật đầu nói tiếp:

– Cha làm thêm hai chái nhà được không?

Rồi hắn nói rành mạch chuyện ở thêm người. Còn chuyện Mai cần chỗ làm đèn kín đáo chút, không nên làm ở bếp, nhiều người thấy.

– Chái bếp rộng chút để ta dời lò ấp qua được không?

Ngũ cô lên tiếng. Lúc gần đây bán gà con, trứng gà, có nhiều người quen đi thẳng vào nhà sau nói chuyện, cũng hỏi dò chuyện ấp trứng nên hơi bất tiện. Cả nhà bàn chuyện dựng thêm hai chái. Mai lại đang vui trong lòng ‘Ngũ cô đã vượt qua được rồi!’.

– A Mai, sáng nay ngồi vẽ mẫu ghe mới sao?

Mỗi lần a Bình thấy cô chăm chú vẽ lên bảng đất hắn liền biết. Sáng nay hắn bận rộn cưa xẻ gỗ nên không đến nhìn. Giống như những người thợ yêu thích say mê công việc, hắn luôn muốn học cái mới, tỉ mỉ bào đục cả ngày trong xưởng.

– Phải.

Mai nói sơ mẫu mới như thế nào, dùng làm gì, còn nói chuyện cô đã nói với cậu ra sao.

– Cậu nói sao?

– Sao không nói nương nghe?

Cha và nương đều không dằn được hỏi, a An đắc ý cười, Mai liếc hắn nói:

– Ca nói tiếp đi. Hắn đương nhiên vui lòng nói ra mấy ý nghĩ hai đứa đã trao đổi với nhau. Cả chuyện cùng cậu hai nói lúc ở vàm sông ngã bảy. Thất thúc hớn hở nói:

– Cha đã nói những chỗ quen hết rồi. Đúng như a An nói, người ta sẽ thích đến nhà mình mua ghe hơn.

– Vậy mốt mình đến nhà ngoại nhiều ngày đi trấn trên nhìn mấy cửa hàng được không? Biết đâu còn xem được đốt pháo múa lân nữa.

A Phúc cái hiểu cái không nói. Lần này đi nhà ngoại nghe mấy anh con cậu kể chuyện lên trấn trên xem cửa hàng khai trương đốt pháo múa lân hắn rất say mê, cứ tiếc là mình không được xem.

Khoan đã, ‘cửa hàng’ không phải là ‘đầu ra’ mình đang tìm cho đường, dầu nhà mình sao? Thay vì cạnh tranh bán ở chợ phiên, mình bán ở nhà. Dân cư xung quanh đây bắt đầu đông rồi, thay vì chờ đến chợ phiên thì hàng ngày nếu cần đều có thể đến đây mua. Nhà mình còn bán gà con, trứng gà, trứng vịt; còn mật ong nữa. Làm đèn cầy chỉ dùng sáp ong nên Mai vẫn đang nghĩ cách bán mật ong. Mật ong không khó bán, các tiệm dược liệu đều muốn mua mật ong. Mai muốn đợi khi có nhiều sẽ đi một chuyến lên Trấn Giang bán, hoặc nhờ dượng bán cùng với đèn cầy. Bây giờ bán một ít ở cửa hàng nhà mình luôn, rất tiện lợi.

Đợi dịp không bằng sẵn dịp, Mai nói:

– Hay là nhà mình dựng thêm phía trước tiệm tạp hoá đi.

– Tiệm tạp hoá là gì?

Giải thích xong ý tưởng của mình, Mai đứng dậy uống chén nước mật ong bàn bên, nói tiếp:

– An ca tính tiền nhanh nhất, ca làm tiểu nhị đi.

Hắn cười tít mắt nhìn Mai, trúng ý rồi phải không? Mai đã sớm nhìn ra a An rất thích chuyện buôn bán mà cũng có khả năng nữa.

– Đệ, đệ bán phụ được không?

– Đệ biết tính tiền không? Làm mất tiền thì sao?

– Đệ, đệ,…

Ai biểu ngày thường kêu hắn học không chịu học.

– Đợi đệ học tốt mới ra tiệm bán.

– Dạ, tối nay đệ học.

A Phúc nhanh nhảu đáp ứng. Nghe mấy đứa nhỏ hào hứng nói mà không bị cản, xem ra người lớn cũng xuôi xuôi chuyện này rồi. Cha nói:

– Hết tháng này, tháng sau là lo cuốc đất, sạ lúa rồi. Nhiều việc quá làm không xuể.

– Thúc, lúc đó ông bà nội, nhị bá, cha nương cháu vô làm phụ mà lo gì.

– Phải đó thúc, cha nương cháu, ca tẩu cũng vô.

Hân ca, Bảo ca đều ủng hộ chuyện này, ngũ cô cười nói:

– Tẩu cháu đang mang thai cũng bị cháu lôi đi làm ruộng, coi chừng cha cháu đánh nát đít.

Ha ha, cả nhà đều cười a Bảo nôn nóng. Ai không biết người lớn trong nhà đều trông đứa cháu chắt đầu tiên này.

– Vậy cũng được, để tam Mi bán võng đệm ở tiệm mình đi. Chứ bá mẫu mới mang thai không tiện đi chợ xa. A Tương vẫn chưa về, bên đó neo người quá.

Chắc là sáng nay đi bán chung bá mẫu ôm nghén nên rất khó chịu. Cha gật đầu, còn một người khác cũng nhanh chóng gật gật. Ha ha, Mai cười thầm, Hân ca cũng biết nhìn quá. Tam Mi tỷ đẹp người đẹp nết, khéo tay lại chăm chỉ. Chẳng trách ca ấy nhất quyết không đi xem mắt mà chờ người ta. Tỷ ấy nhỏ hơn Cúc tỷ mấy tháng, theo ý nhà Lưu bá lo chuyện Tương huynh xong sẽ đến tam Mi. Chuyện Tương huynh chưa biết như thế nào, đương sự không có mặt đành phải chờ.

Bữa cơm trưa kéo dài hơn ngày thường. Nói xong chuyện thì cả nhà buông đũa, kéo nhau ra sân bàn xem dựng chái dài rộng bao nhiêu, cửa tiệm đặt ở đâu, kích thước sao. Cuối cùng chọn cửa tiệm đặt trước cổng vào nhà, bên hướng từ vũng Đông Hồ vào, có cửa sau đi tắt vào trong sân để tiện việc ra vào bán hàng. Dựng ba gian nhỏ phía trước, hai gian nhỏ chỗ nấu nướng và lồng đặt gà vịt con.

Lần trước làm thử một tổ sáp ong đèn cầy, Mai đã ghi nhớ cách làm. Lần này nương, ngũ cô và Cúc tỷ cùng làm, Mai và a An chiết mật vô bình gốm cất giữ, tính giá bán mật ong. Mai còn chạy ra xưởng xem đóng ván ghe mới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.