Một đêm bình yên trôi qua. Trời mờ sáng ghe đánh cá đã về. Nhà nào cũng bận rộn trên bến. Đàn bà con gái nhanh tay lựa cá lớn, cá nhỏ, tôm thành từng thúng riêng. Cá lớn mang bán, còn lại cá nhỏ đều rửa sạch chuẩn bị làm nước mắm. Mọi năm chỉ làm nước mắm đợt tháng chín sau tiết trung thu. Năm nay có thương lái đặt mua nên trong làng nhà nào cũng tranh thủ đánh bắt cá làm từng thùng nước mắm nhỏ.
– Bà nội, để cha đóng thêm mấy thùng lớn cho nội làm nước mắm, đỡ phải mỗi ngày đều làm.
– Cha cháu chưa đóng bao giờ, làm được không?
– Mình nhìn người ta làm học theo chắc được.
Trước đây Mai có nghe chuyện những làng làm nước mắm dùng thùng gỗ lớn. Nước mắm làm ra ngon hơn, mà cái thùng làm từ gỗ tốt sẽ xài được cả trăm năm, càng dùng thường xuyên càng bền chắc. Rãnh rỗi mình thử làm xem sao.
Nghe hai bà cháu nói chuyện, ông nội đang chỉ nhị bá tam bá xếp mấy thùng mắm đã làm xong vào góc sân nói:
– Ừ, nói cha cháu học làm. Nhà mình dùng thử trước, dùng được tốt có thể bán những nhà trong làng này. Mà lúc rãnh rỗi hẳn làm, vẫn lo đóng ghe.
– Dạ.
– Cha hay để a Vinh vào trong đó phụ một tay. Cái ghe nhỏ đó rất tiện lợi, mà giá rẻ hơn chắc sẽ có nhiều người mua. Mùa nước năm nay bán được sẽ tốt.
Nhị bá nói với ông nội. Hôm qua nghe Hân ca, Bảo ca nói cái ghe mới đó chèo nhẹ nhàng ra sao làm mấy người lớn đều tò mò.
Ông nội còn chưa trả lời thì cửa trước có khách, không phải một mà ba người khách. Họ mang theo mâm trầu cau và hai bình rượu, là người Chân Lạp. Ông nội và nhị bá đều rất ngạc nhiên mời vào.
– Lê huynh, nhà ta đường đột đến thăm. Đây là thúc thúc ta gọi là Bàu pra (phiên âm tiếng Việt). Chuyện hôm qua là con trai ta gây ra lỗi. Ta đã dạy dỗ nó. Nó cầu xin cưới con gái nhà huynh. Mong huynh đồng ý.
Vừa chào hỏi xong, vị này nói ngay, ông ấy chỉ lớn hơn nhị bá vài tuổi. Có lẽ vì ông ấy đến hỏi vợ cho con trai nên xưng hô với ông nội là huynh đệ. Ông nội trầm mặt không trả lời.
Người Việt, người Chân Lạp sống cùng nhau bao nhiêu năm nay nhưng có những tục lệ khác biệt. Đối với người Việt, chuyện kết thông gia luôn có người thứ ba là ông bà mai ở giữa hai nhà. Dù cho hai nhà rất thân cận cũng sẽ luôn mời người làm mai. Nên việc nhà này tự mình đến đây nói chuyện cưới gả là không hợp lễ.
– Bá bá,
Thiếu niên đi theo thấy ông nội trầm mặt, nói được hai tiếng thì bị cha hắn khoát tay kêu im. Hắn bối rối rồi phục quỳ xuống làm mọi người giật mình. Ông nội đành lên tiếng:
– A Tân, đỡ hắn đứng lên đi. Tục lệ xưa nay người Việt nên có trầu cau và người mai mối. Nhà các vị chọn ngày lành tháng tốt, nhờ bà mai đến đi.
Được lời ông nội, ba người nhà họ vui vẻ ra mặt, bảo đảm theo đúng lễ rồi đứng dậy xin phép về. Ông nội nhận lễ hai bình rượu và trả lễ mâm trầu, hàm ý là nhà bên đó cần theo lục lễ kết thông gia.
Chuyện hôn nhân của lục cô không ngờ xảy ra nhanh vậy. Người thiếu niên đó là người tặng hai viên ngọc trai cho lục cô sao? Nhà họ đã xử lý hai viên ngọc ra sao? là bán đi hay vẫn giữ làm của trong nhà?
Mai chỉ đứng sân sau lén nhìn vào trong nên loáng thoáng thấy vóc người, không nhìn rõ mặt. Dáng người thiếu niên cao, hơi gầy, da đen sạm, đầu quấn khăn ngũ sắc rất bắt mắt. Đàn ông Chân Lạp cũng mặc váy như đàn bà. Nghề dệt và thêu của họ rất tinh tế, tỉ mỉ. Họ lại thích hoa văn và màu sắc rực rỡ nên cách ăn mặc và trang sức rất dễ phân biệt so với người Việt.
Người này sẽ là dượng của mình sao? Nghề mò ngọc nguy hiểm trùng trùng, haiz, lục cô tính sao bây giờ? Mai không khỏi nghĩ ngợi lo lắng cho tương lai lục cô.
Thật ra ông nội không thể từ chối nhà người ta. Người Chân Lạp thường dùng vật quý hiếm làm tín vật kết thân mà cũng xem như vật đính thân, nhà gái nhận vật đó là xem như đồng ý. Chuyện lục cô nhận quà sớm muộn cũng truyền ra ngoài. Hôm nay nhà họ mang trầu rượu đến, xung quanh mọi người đều thấy, ai cũng đoán ra được họ là đến cầu hôn lục cô.
Trong buồng bà nội thở dài nói:
– Chuyện này do con làm, không thể từ chối nhà người ta được. Nương thật không muốn gả con qua nhà bên đó, dù gì sinh hoạt lễ nghĩa cũng khác. Duyên phận này con nhận vậy, mong là a Tau sẽ đối xử tốt với con.
Lục cô cúi đầu, mái tóc dài che hơn nửa gương mặt. Cô đã gặp và nói chuyện với người thanh niên đó, chắc cũng đồng ý. Hay là cô nghĩ đơn giản là trao đổi mà không nghĩ chuyện lại đến nhanh? Mai không hiểu lục cô nghĩ gì, dù sao ông bà nội đã quyết định rồi.
Sáng nay nương Mai định quay lại nhà ở Đông Hồ. Xảy ra chuyện này không khí trong nhà thật trầm lặng, còn chưa biết tính sao thì ông nội đi xuống nhà sau nói:
– Ta nói a Vinh theo về nhà con đỡ đần công chuyện ít lâu. Chuyện ở đây có ta lo rồi, về đi để lỡ việc trong đó. Ông khoát tay lúc thấy nương định từ chối. Nhị tẩu đưa Vinh ca túi đồ, mấy đứa nhỏ chào đi về.
– Nói tứ thúc cháu không cần lo lắng, chuyện này tính vậy thôi.
– Dạ.
Vinh ca dạ rồi cùng đi ra bãi. Trên đường về có Vinh ca chèo lại xuôi con nước nên vừa qua giờ mùi đã đến nhà. Lúc mấy đứa nhỏ ra ngoài nương mới kể cho cha và ngũ cô nghe chuyện, Vinh ca đứng phía sau cha nhắn lời ông nội dặn.
– Cháu biết nhà bên đó không? Ở gần Chùa Lớn trong Cần Vọt à?
– Không phải thúc, trong Cần Vọt là nhà bên ngoại hắn, nhà nội hắn ở làng chài Xà Xía, gần gò đá xanh.
– À, ta nhớ chỗ đó rồi. Nhà bên đó mò ngọc sao?
Cha lo lắng nhà chồng lục cô làm nghề mò ngọc. Nghe nói vùng biển đó là nơi người mò ngọc hay tìm được hoàng ngọc. Hai viên ngọc lục cô có là hoàng ngọc, hay được tìm thấy ở ven bờ. Nơi đó có rặng san hô hay đá ngầm, nước không sâu như khi tìm hắc ngọc nhưng cũng có nguy hiểm.
– Cháu không rõ lắm.
– Cha nói với nương nhà bên đó có nghề dệt vải.
Nương nói thêm lời bà nội kể.
– Chuyện đột ngột quá, mấy ngày này cha nương sẽ hỏi thăm. Tam tẩu cũng sẽ về nhà ngoại a Hân hỏi xem sao. Dù sao đã đồng ý rồi, chỉ liệu xem nên làm sao cho phải thôi.
– Ừ, đành vậy.
Mặt cha dàu dàu lo lắng, rồi cũng đứng dậy ra xưởng làm việc. Nương nói với ngũ cô:
– Ta mới kể nương chuyện La gia thì xảy ra chuyện a Hạnh. Nương nói cha cũng thấy a Hùng được, còn chuyện gia cảnh này kia thì để trong này tìm hiểu. Muội thấy sao?
Thấy ngũ cô còn ngại ngùng không nói gì, nương nói tiếp:
– Muội ngại gì, phận đàn bà như chúng ta may rủi do trời, người ta nói mặc người ta.
Ngũ cô không dám ý kiến này nọ trong chuyện hôn nhân của Cúc tỷ. Cô sợ vận xui của mình ảnh hưởng đến cháu gái.
– Muội thấy mấy lần huynh đệ La gia đến cũng lễ phép, biết làm việc nên muội đoán người lớn trong nhà chắc hiểu lý lẽ. Hai nhà qua lại mấy lần cũng thuận.
– Ừ, tối nay ta bàn với chàng, ngày mai nhắn bà mai thu xếp đợi chuyện a Hạnh xong thì định ngày cho a Cúc.
– Muội thấy vậy phải.
Không biết có phải vì chuyện lục cô làm nương lo lắng hay không mà nương không do dự nữa. Mấy ngày sau nương nhắn lời nhờ bà mai sắp xếp lục lễ, coi như đã đồng ý rồi. Chỉ là không vội mà đợi sang năm mới định ngày thành thân.
Không nghĩ đến hai viên ngọc trai lại làm cho duyên phận của lục cô và a Cúc có biến chuyển nhanh như vậy. A Cúc còn đỡ lo, không đột ngột lắm. Hơn nữa Mai đã đế ý tánh tình của Hùng huynh bấy lâu nay. Cô tin là mình không lầm.
Còn lục cô thì sao? Liệu cô sẽ thích nghi với những khác biệt trong sinh hoạt và văn hóa giữa người Chân Lạp và người Việt không? Đây là duyên phận hay nợ lục cô phải trả vì hành động nông nổi của mình?