Tháng ba năm nay đủ, đúng chiều ngày ba mươi Lý thúc và a Sao đến. Mai mang rổ đậu và chén mật ong sang cúng dường chùa về thì thấy chiếc ghe nhà Trương bá neo ở cầu ván. Ở trong nhà cha và Lý thúc đã nói xong chuyện tổ ong thì sang chuyện cái ghe. Ở ngoài này mấy đứa nhỏ đã kéo a Sao ra xem ghe mới, chỉ hắn làm sao đứng chèo, làm sao ngồi chèo để không mất cân bằng. Lúc cha và Lý thúc đi ra xem thì cái ghe đã được chèo đi qua đến con rạch nhà Lưu bá. Lý thúc cảm kích luôn miệng nói cảm ơn.
– Đệ nói ơn nghĩa cái gì. Giống như lần trước, đệ đổi lại tổ ong, có phải nhận không đâu.
Tuy là nói vậy, nhưng Lý Trám biết đây là nhà Lê tứ huynh có ý giúp đỡ cha con hắn. Đâu phải mình cha con hắn biết tìm lấy tổ ong, hắn cũng không phải người nói nhiều nên ghi trong lòng ân tình này.
– Ta có thử làm cái chèo riêng cho đệ, chút đệ chèo thử xem.
– Được, đệ muốn đến thăm Đỗ lang y và Nguyễn huynh trước khi trời tối. Sáng mai đệ về sớm.
– Ừ, đi đi, về nhà ta ăn cơm.
– Đệ biết.
Quầng sáng đỏ rực dần chìm xuống mặt biển hứa hẹn những ngày nắng nóng sẽ tiếp diễn. Trên ruộng đã có vài người dân đang cuốc đất, nhổ cỏ chuẩn bị vụ mùa. Mấy hôm nay có Vinh ca vào giúp, đã cuốc được hơn hai mẫu đất rồi. Cha còn tham việc khẩn thêm phần đất cao sát mé rừng.
Dạo gần đây nhiều người trong làng rủ nhau thành nhóm đi vào rừng. Có nhóm săn được con nai đực với bộ gạc quý giá, làm các nhóm khác hăng hái. Tuy nhiên Dương ông và Nguyễn gia khuyên mọi người cẩn thận. Tiếng gầm xa gần và lần mặt đất rung chuyển năm trước luôn nhắc nhở người ta những nguy hiểm đâu đó trong rừng.
Cha không giỏi chuyện săn bắn, ông thích những công việc cần mẩn. Mỗi ngày ông chăm chỉ làm ruộng, đóng ghe; không có ngày nghỉ, dãi dầu mưa nắng nhưng làm ra hạt lúa, vợ con ăn no là được rồi.
– Vài hôm nữa ta vào làng mài lưỡi cuốc, lụt hết rồi. Làm có quen không?
Cha đang cuốc đất, thấy Vinh ca đứng gần, cha hỏi ca ấy.
– Có gì không quen, cháu thấy việc nhiều hơn nhưng không mạo hiểm lênh đênh giữa biển, lại không thức đêm thức hôm, cháu mập lên rồi chứ.
– Hứ, là ca đang chọc đệ sao?
Ha ha, Vinh ca liếc Hân ca đang cuốc đất đằng kia. Đúng là a Hân có mập lên một chút. Cánh tay a Hân chắc khoẻ hơn không ít, tinh thần cũng hăng hái, hay đùa giỡn với mấy đứa nhóc. A Bảo cũng rất chăm chỉ học bào học đục, không còn la cà rong chơi. Ở làng chai, mỗi khi rãnh việc hắn đều theo đám con trai loi choi lên núi, xuống biển phá phách. Nhà tứ thúc ở hơi cách biệt, với nữa cả nhà đều làm việc thì a Bảo cũng phải làm theo.
Ở đây tứ thúc tứ thẩm quản không chặt như ở nhà nội. Hơn nửa ở đây nhà cửa rộng rãi, bây giờ chái nhà bên kia là chỗ ngủ riêng của tụi con trai. Buổi tối tụi nó còn đùa giỡn ầm ầm. Muốn ăn cá, tôm hay gà vịt chỉ cần nói thì tứ thẩm và ngũ cô đều nấu cho ăn. Nhóc Phúc cũng mập lên thấy rõ, hai má, bắp tay bắp chân tròn lẳng như củ khoai.
Lúc nãy ngũ cô bắt cặp vịt vào nhà, nấu canh măng vịt đãi Lý thúc và a Sao. Nhờ năm mẫu đất này nhà nội không cần mua gạo ăn từng tháng nữa, để dành được tiền. Thêm tiền bán ghe của thất thúc và a Hân đem về, cuộc sống thoải mái hơn. “Lúc con mình ra đời cũng không túng thiếu, là nhờ nhà tứ thúc hỗ trợ”, a VInh nghĩ bụng.
Mấy ngày nay vào đây mới thấy cả nhà tứ thúc từ nhỏ đến lớn quay vòng trong công việc, có vất vả và có những niềm vui.
Buổi tối có thêm Dương ông, Nguyễn bá và hai nhà Lưu bá đến ăn cơm. Nhóm người lớn hào hứng xem kiểu ghe mới.
– Hôm trước ta thấy lạ, mà chưa đến xem được, nhìn giống hột vịt thiệt chứ.
Dương ông cười ha ha nói.
– Cái này mai mốt nước lên tha hồ giăng câu, vớt tôm, nhẹ dữ hông?
– Cỡ a Sao, a An tự đi một mình được rồi.
Nói xong chuyện ghe xuồng thì quay lại bàn tròn nói chuyện vụ mùa sắp tới, rồi ai có tin gì mới đều kể. Mấy đứa nhỏ hiếu kỳ nghe từng chuyện từng chuyện rất chăm chú. Nguyễn bá ít nói hơn mọi người, ông quan sát nhanh ngôi nhà Lê tứ. Mới có một năm mà nhà này đã thay đổi không ít. Những nhà trong làng đều nhìn vào sự thay đổi của nhà này mà làm theo. Giống như chuyện nuôi gà rừng, vịt nước, cứ tưởng là chỉ nuôi để có thêm thức ăn trong nhà. Không ngờ là gà vịt thành đàn, kiếm thêm không ít tiền làm nhà nào trong làng cũng bắt đầu nuôi theo.
Chuyện xưởng đóng ghe này nữa. Mấy nhà trao đổi công lao động mà cũng có ghe rồi. Cái ghe là phương tiện kiếm ăn thiết yếu nhất. Lê tứ làm chuyện này đã mang đến miếng cơm manh áo cho người ta. Tiếng lành đồn xa, Làng Đông Hồ chẳng mấy chốc sẽ đông đúc, khá giả hơn.
Lưu bá mẫu mang thai được ba tháng, đã bớt ốm nghén. Gương mặt bá mẫu đã bắt đầu nở nang cộng với ít đi chợ bán hàng nên da trắng hơn. Bá mẫu ngồi đan đệm lát và nói chuyện phiếm với nương và ngũ cô.
– Tam tẩu bên kia muốn mở cửa tiệm giống bên này đó, còn đang tính xem bán cái gì. Tẩu ấy không muốn suốt ngày ra ruộng, giờ a Ngọc cũng như tiểu thơ người ta, không động móng tay.
– Vậy việc nhà ai làm?
Việc nhà của nhóm đàn bà con gái thời nào cũng nhiều vô tận. Thời này không có máy móc hỗ trợ thì làm mãi không hết. Nhà bên đó có bốn người phụ nữ, hai người lớn không làm thì ai làm? Con dâu và a Trân làm sao, a Trân cũng không phải siêng năng giỏi giang gì lắm, dồn hết cho con dâu làm à?
– Mua, cái gì cũng muốn mua, không mua thì nhờ người khác làm. Haiz,… hôm trước ta nghe nói còn sang nhờ nhà mới Lâm gia bên kia, thấy người ta đan đục cũng nói muốn mấy cái.
– Thiệt là,…
– Hình như chưa làm xong ba mẫu đất thuế phải không?
– Chưa, mắt thấy còn tháng nữa sạ lúa rồi, cũng không biết tính sao.
Bá mẫu và nương mỗi người một câu nói chuyện hàng xóm, mà nhiều nhất là chuyện nhà Lưu tam bá. Thứ nhất là nhà bên đó ở gần nhất, lại hay “ảnh hưởng” đến hai nhà bên này. Thứ hai là nhà Lưu tam bá hơi khác người ta, làm nhiều chuyện khiến người ta không hiểu.
Nhà Lưu tam bá con trai nhiều, lại đang tuổi lao động nhưng không hiểu sao không thích theo nghề đi biển. Lúc dời vào đây quả quyết sẽ khẩn hoang nhiều ruộng để sống khá giả. Mấy tháng nay lại bỏ hoang ruộng, nhóm con trai chuyển là lái đò, rồi đi rừng săn bắn. Nghe Lưu bá nói làm lái đò cũng không chăm chỉ như người ta, lúc đi lúc không sẽ dần mất khách hết.
Hay là nhà họ chưa biết nên làm nghề nào thích hợp? Mai lắc đầu tự nhủ: thật ra là lười biếng thôi, muốn làm ít hưởng nhiều. Thấy nhà người ta khá giả thì ham muốn nhưng lại không cần mẫn làm việc. Nghề đi biển, đi săn gặp lúc may mắn thì kiếm tiền nhiều, nhưng mà đâu phải lúc nào cũng gặp may. Hơn nữa mình cũng phải có tài có sức mới bắt được may mắn.
Lúc dọn món thịt nấu măng lên, Mai cười nói Lý thúc:
– Mời thúc ăn ‘đặc sản’ nhà cháu xem có ngon như gà nướng đặc sản của Trương bá không?
Cha nói phải, còn khen món gà nướng của Trương bá ăn rất ngon làm mọi người đều tò mò. Lý thúc phải kể lại câu chuyện đi lạc trong rừng của Trương bá.
– Ta cũng muốn nếm thử.
– Dương bá yên tâm, lần sau đến đây ta sẽ mang gia vị đến. Lê huynh chắc biết làm rồi.
Ha ha, cha Mai cười nói chỉ nhìn qua, làm sao ngon như Trương bá làm chứ. Cứ như vậy mọi người lại ‘gầy’ thêm chầu nhậu khác có món gà nướng ‘gia truyền’.
Trời còn tờ mờ thì Lý thúc và a Sao đã rời đi, về sớm trả xuống sớm cho nhà Trương bá. Lần này cần nhiều tổ ong nên thúc ấy hẹn ngày mùng mười sẽ mang đến. A Sao một mình chống ghe nhỏ xuôi theo con rạch ra Đông Hồ. Nhìn hắn nhanh nhẹn lướt nhẹ đi Mai cảm thấy yên tâm. Từ đây hắn và Lý thúc đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất rồi, mỗi ngày sẽ tốt hơn.
Mai luôn cảm phục ý chí của a Sao. Một đứa nhỏ như vậy, phải trải qua đau thương, biến cố lớn mà hắn vẫn kiên cường. Mong rằng hắn sẽ vượt qua, vết thương bên trong tâm hồn hắn sẽ lành để hắn bình an lớn lên.
Lần này Lý thúc và a Sao đã vui vẻ, gương mặt không còn hiện nét ưu thương nữa. Cái ghe này sẽ giúp cả a Sao và Lý thúc kiếm sống, không còn mặc cảm chuyện thương tật và nghèo túng nợ nần.