Bạch Thiếu Huy sớm biết hai hòa thượng là những cao thủ tại La Hán đường trong Thiếu Lâm tự, võ công cao, tu vi thâm hậu, vừa rồi, nhà sư thứ nhất, trượng bị chàng dùng kiếm đè bởi quá khinh địch chứ chẳng phải tài hèn.
Giờ đây, chàng phải giao đấu với người thứ hai, sư huynh của người thứ nhất, tài nghệ trên một bậc, chàng không dám khinh thường, thấy thiền trượng bay sang, lập tức chàng thoái hậu ba thước.
Nhường đối thủ xuất chiêu đầu, chàng vung chiếc tiêu chọc tới.
Nhà sư nhanh nhẹm vô cùng, không để cho chàng phản công, hừ một tiếng loan thiền trượng tiến theo, luôn tay quét tả hoành hữu, giáng xuống hoặc ngược lên, gió trượng vù vù, sóng trượng chớp ngời.
Trượng, là một loại vũ khí dài, đánh rộng, rất thích hợp với những cuộc giao đấu có khoảng cách xa, còn Trúc tiêu, một vật ngắn, bất quá dài độ thước, chỉ hữu dụng trong khoảng cách gần, cho nên Bạch Thiếu Huy luôn luôn thoái hậu, thành thử chàng bị đối phương dồn mãi.
Phạm Thù ngồi trên lưng ngựa, nhìn vào trận đấu hết sức lấy làm lạ tự hỏi :
- “Tên này quả có võ công khá, cao tăng Thiếu Lâm tại La Hán đường! Tại sao đại ca cứ nhường mãi, không chịu phản công? Nếu đổi là ta, ta đã cho lão ta rơi trượng từ lâu!”
Hắn không phải bực tức cho Bạch Thiếu Huy lâu hơn, tại cuộc chiến, đột nhiên Bạch Thiếu Huy thét lên một tiếng, kế đôi vũ khí chạm nhau thành một tiếng cốp, kinh hồn, hai bóng người vừa xáp vào nhau, lại dang ra liền. Thì ra Bạch Thiếu Huy đã nhập nội đúng lúc, Trúc tiêu đánh hất thiền trượng trở lại.
Kình lực chạm, gây chấn động cho song phương, Bạch Thiếu Huy lùi lại nữa bước, hòa thượng lùi lại ba bước.
Tường mình có thể áp đảo đối thủ dễ dàng, bất ngờ bị đối phương phản công, bức thoái lão không khó khăn lắm, nhà sư kinh hãi cả việc loạn trượng lao tới, lão thầm nghĩ :
- “Hắn còn nhỏ tuổi quá, võ công lại cao, công phu hàm dưỡng vô cùng vững chắc, chỉ dùng một ống tiêu trúc, đánh bạt được thiền trượng của mình, hắn quả là một tay đáng sợ!”
Bức thoái hòa thượng Bạch Thiếu Huy lập tức tiến lên vung trúc đánh ra tới tấp.
Giờ thì chàng nhập nội, không để rộng khoảng cách nữa, Trúc tiêu thuận lợi, thì thiền trượng mất hẳn chỗ hữu dụng, vị làm cho hòa thượng bắt đầu lúng túng.
Tiêu pháp của chàng nhanh nhẹn dị thường, biến ảo vô tưởng, một đầu tiêu điểm ra xem như hàng chục hàng trăm ngọn, điểm đủ mọi nơi, hư hư thực thực, địch không biết phải phòng thủ mặt nào, hóa giải chiêu nào cho đúng.
Hay ở chỗ cùng lúc công ra mười tám chiêu, xem thì mường tượng là một, mà biến hóa hơn trăm, hơn ngàn, hoặc tụ hoặc phân tán ảo diệu hết sức.
Hòa thượng giật mình thầm nghĩ :
- “À! hắn là đệ tử phái Hoa Sơn!”
Chàng mượn kiếm pháp phái Hoa Sơn, phổ qua tiêu, bởi chàng chẳng thể dùng tiêu pháp chính tông của Hắc Thánh Thần Tiêu Du Long Tang Cữu, sợ bại lộ hành tung. Do đó, hòa thượng lầm nên tưởng chàng là đệ tử phái Hoa Sơn. Và vì khoảng cách quá hẹp, lão không còn sử dụng được trượng pháp theo ý muốn được nữa.
Đánh rộng không được. Lão phải đánh hẹp thay vì cầm nơi đầu trượng, lão lại phân trượng ra làm hai, cầm nơi trung tâm, đánh cả hai đầu như sử dụng một đôi roi đoản.
Vô ích, chừng như lão không sở trường về vũ khí ngắn, hơn nữa một vũ khí bất đắc dĩ nên không gọn chút nào, do đó lối phản công của lão kém hiệu năng rõ rệt.
Chẳng những lão không hóa giải nổi những chiêu thức của địch, lão còn thoái hậu, tránh né luôn luôn thoái hậu, lão lùi đến sáu bảy bước rồi, và còn lùi mãi?
Lão lùi tự nhiên Bạch Thiếu Huy tiến theo, cố giữ khoảng cách hẹp, không cho lão có đất dụng võ.
Tiêu pháp càng lúc càng biến ảo phi thường.
Đột nhiên chàng thay đổi đấu pháp, đảo lộn Trúc tiêu, quét một vòng tròn, bất thình lình phóng ra ba ngọn, vừa công tả công hữu lại vừa nhắm ngực lão.
Chiêu đó có tên là “Nhất Khí Hóa Tam Thanh”, một chiêu kiếm tuyệt độc của phái Côn Lôn.
Chiêu thức đó, nếu được thi triển với một thanh trường kiếm, thì chỗ hiệu dụng không thể tương tượng nổi. Kiếm phát ra một đạo bạch quang, uốn như cái mống dài, đầu bắn tới, tuy cùng nhắm ba nơi, nhưng thật sự chỉ có mỗi một nơi, ác nhất là địch chẳng biết nơi bị nhắm thực mà hóa giải, nếu ngừa bên tả sẽ bị bên hữu, ngừa bên hữu lại bị bên tả, ngừa tả lại bị trung tâm, trừ ra loan vũ khí làm tấm bình phong che đậy cả mặt trước nhưng làm như vậy thì hiệu năng phản công mất hẳn, địch thủ sẽ thừa cái nhận phản công mà tiến tới đánh bại liền.
Chàng dùng Trúc tiêu thay kiếm, vẫn lợi hại như thường, đầu tiêu chớp lên như ba đóa hoa, vút tới cùng nhắm vào ba nơi một loạt, chẳng khác nào chàng đánh một lúc ba chiếc Trúc tiêu.
Trong phái Thiếu Lâm, chỉ có bọn tăng đồ tại La Hán đường mới được phép hạ sơn hành sự, do đó những tay nào được sai phái xuất ngoại đều được chọn lọc kỹ càng, cho nên khách giang hồ thường bị bọn Thiếu Lâm đánh bại là vì họ gặp toàn cao thủ của phái này.
Đã là cao thủ, họ phải có kiến thức hơn người nên họ nhận dễ dàng đấu pháp của địch.
Vừa phát giác ra Bạch Thiếu Huy sử dụng kiếm pháp Hoa Sơn, giờ chàng giở đến kiêm pháp Côn Lôn, hòa thượng hết sức hoang mang, vì hoang mang nên thủ pháp hơi chậm một chút, Bạch Thiếu Huy lợi dung ngay cơ hội đó, chàng cười lớn một tiếng :
- Tại hạ muốn đại sư dừng tay lại.
Câu nói vừa buông dứt, một tiếng bốp vang lên, chiếc thiền trượng bị đánh văng tuốt lên cao, đồng thời, đầu tiêu trúc đã chọt đến nơi cánh tay cầm trượng của nhà sư.
Bị cái chọt đó, nhà sư tê dại khắp người, năm ngón tay lỏng lẻo, chiếc thiền trượng theo đà Trúc tiêu quất mạnh, bay bổng luôn trên không, bắn ra xa, rơi xuống ngoài một trượng.
Bạch Thiếu Huy thu chiếc Trúc tiêu về, chưa kịp nói gì, bỗng từ bên cạnh rừng có bốn bóng người lao vút đến cục trường.
Bốn người đó tuy cùng xuất hiện một lượt nhưng không cùng một chỗ, họ ẩn ấp rái rác trong khu rừng, có lẽ họ cùng một ý niềm lo ngại cho vị sư chùa Thiếu Lâm, nên không hẹn mà cùng nhau hành động.
Họ là bốn hòa thượng, có thân hình khôi vĩ, vận tăng bào màu tro, mỗi hòa thượng cầm một đôi bạt bằng đồng, đường kính độ thước.
Gương mặt người nào cũng lộn vẻ căm hận.
Họ xuất hiện rồi, phân đứng theo vị trí tứ tượng, không nói năng gì cả, oai nghiêm như bốn pho tượng Kim Cang, trông họ thật đáng khiếp.
Họ vào trạc ngũ tuần trở lên, tất cả đều ngưng trọng thần sắc, nhìn qua cũng thừa hiểu họ là những tay có võ công cao tuyệt.
Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ :
- “Ngày trước mình từng được sư phó cho biết, trên Thiếu Lâm tự, ngoài bọn cao thủ một trăm lẻ tám người tại La Hán đường, chuyên dùng La Hán trận, trận lớn thì cần đủ một trăm lẻ tám, còn có một số cao thủ khác sở trường về Đồng Bạt trận, do bốn người lập thành. Giờ đây, các hòa thượng này đều cầm Đồng bạt, lại có đủ số người, có lẽ họ sắp bố trí Kim Cang Đồng Bạt trận, định vây hãm mình đây!”
Trông thấy bốn hòa thượng xuất hiện tại cục trường, Phạm Thù lập tức ấn nhẹ một bàn tay xuống lưng ngựa lấy đà, cứ nguyên cái tư thế đang ngồi vút lên không, tròn như một quả cầu, nhẹ nhàng đáp xuống bên cạnh Bạch Thiếu Huy.
Hắn gấp giọng gọi to :
- Đại ca! Bây giờ đến lượt của tiểu đệ đó! Đại ca phải nhường cho tiểu đệ nhé! Nhất định không cho đại ca dành nữa đâu!
Từ chỗ dừng ngựa đến cục trường khoảng cách ba trượng, lại đang ngồi, chân rút khỏi bàn đạp, vắt vẻo nơi lưng ngựa, rồi từ cái tư thế đó vọt mình lên cao, uốn vòng đáp xuống gọn gàng nhẹ nhõm, dùng thuật khinh công linh diệu như Phạm Thù, kể ra trên giang hồ chẳng có mấy tay.
Sự kiện đó khiến cho bọn hòa thượng vừa đến phải kinh khiếp, họ cùng đưa mắt nhìn nhau, như ngầm bảo nhau phải thận trọng, bởi họ gặp phải thứ lợi hại.
Chận Bạch Thiếu Huy bằng một câu rồi, Phạm Thù hướng sang bọn hòa thượng, đồng thời kiếm đã tuốt khỏi vỏ, trường kiếm lăm lăm nơi tay, sẵn sàng vung lên, không cần nhân nhượng.
Hắn cao giọng thách thức :
- Các vị còn bao nhiêu nữa, hãy gọi tất cả ra đây, cho tại hạ xuất thủ một lần để đỡ phí công!
Hòa thượng đứng phía hữu trầm giọng :
- Thí chủ ngông cuồng quá!
Phạm Thù cười ha hả :
- Có cuồng hay chăng, trong phút chốc các vị sẽ thấy, riêng tại hạ thì bao giờ cũng thích nói sự thật, thích sự thật!
Hòa thượng đối thoại sôi giận :
- Thí chủ...
Hòa thượng đứng phía tả lắc đầu, chận bạn đồng môn :
- Sư đệ không nên nói nhiều, hãy để ngu huynh hỏi các vị thí chủ mấy tiếng!
- Thí chủ là người trong phái Hoa Sơn hay phái Côn Lôn?
Phạm Thù sợ Bạch Thiếu Huy dùng lời đối đáp nhã nhặn với bọn hòa thượng này, thành ra hắn mất dịp giao thủ, vội đáp :
- Hoa Sơn cũng tốt, Côn Lôn cũng hay, muốn động thủ cứ động thủ, hà tất phải dông dài?
Hắn day lại Bạch Thiếu Huy :
- Đại ca hãy lui ra đi, phần việc này là của tiểu đệ, đại ca không được can dự!
Bạch Thiếu Huy còn lạ gì kiếm pháp tuyệt diệu của người nghĩa đệ? Nhưng trước mặt chàng, địch thủ là những cao tăng trong La Hán đường trên Thiếu Lâm tự, họ đâu phải là những tay vừa, dù tin nơi tài nghệ của Phạm Thù, chàng cũng không khỏi lo cho hắn. Huống chi địch thủ lại không dùng võ công mà dùng thất trận, phá trận không chỉ bằng võ công mà phải có trí, có mưu, mà Phạm Thù trẻ tính, nóng nảy, kém xét suy, biết đâu hắn không ỷ tài rồi lại mắc vào tay chúng?
Hơn nữa, địch đông, Phạm Thù thì đơn thế độc lực, một chống bốn cũng phải vất vả lắm mới thắng nổi, nếu không thảm bại.
Tuy nhiên, trông thấy vẻ cương quyết của Phạm Thù chàng nhận ra hắn chỉ muốn mỗi một mình hắn đối chiến với địch, chàng phải làm sao? Thật là khó xử cho chàng.
Do đó chàng do dự, chưa biết phải đứng tại chỗ, phòng hờ xuất thủ tiếp trợ Phạm Thù hay lùi lại, mặc cho hắn chiến đấu với bọn hòa thượng.
Phạm Thù đoán được thâm ý của chàng, điểm nhẹ một nụ cười thốt :
- Đại ca yên tâm đi, nghe theo tiểu đệ, lùi lại đi, khư khư chỉ có mấy tên trọc Thiếu Lâm, có đáng gì phải lo chứ? Một mình tiểu đệ thừa sức hạ chúng, hạ dễ như trở bàn tay!
À! Hắn cao ngạo quá, hắn xem thường bốn cao tăng La Hán đường, hắn lại xem thường cả uy danh của chùa Thiếu Lâm! Tự nhiên bọn hòa thượng dù trầm tĩnh đến đâu cũng sôi giận, và họ sôi giận thì nhất định có ác chiến rồi. Từ cái chỗ so tài cao thấp song phương phải đưa nhau đến chỗ ác đấu sanh tử!
Bạch Thiếu Huy thoáng đưa mắt nhìn qua các hòa thượng.
Chàng thấy làm lạ, nhận ra bốn người đều nhắm mắt, nhưng gương mặt của họ lộ rõ vẻ phẫn nộ. Họ bất động như tượng trồng. Chàng thầm nghĩ :
- “Bọn này cũng ghê gớm lắm đấy, họ quá tin ở tài nghệ họ nên không mảy may đề phòng Phạm Thù! Có lẽ họ đang vận tụ chân nguyên, sắp sửa xuất thủ!”
Chàng cho là họ dù có lợi hại đến đâu, dù Phạm Thù có kẹt vào còng chế ngự của họ vẫn có thể giải thoát như thường với kiếm pháp tuyệt luân của hắn, không thủ thắng được là một sự trên chỗ tưởng rồi, nhất định không thể nào hắn bị hạ.
Giả sử, nếu hắn có bề nào đi nữa, chàng vẫn có thể can thiệp như thường, tốt hơn nên để hắn thỏa nguyện.
Chàng gật đầu :
- Được rồi, ngu huynh lui lại đây, đứng bên ngoài, quan sát trận chiến, hiền đệ cứ xuất thủ đi!
Chàng còn dặn dò thêm :
- Hiền đệ lưu tâm nhé, bốn hòa thượng đó sắp sửa bố trí Kim Cang Đồng Bạt trận đấy, trận pháp lợi hại không kém La Hán trận đâu!
Phạm Thù cười mỉa :
- Tiểu đệ đã bảo, đại ca cứ yên trí, dù cho Đồng bạt hay Thiết bạt gì gì đi nữa, tiểu đệ vẫn xem thường, trận pháp gì đối với tiểu đệ cũng cầm như trò đùa trẻ nít!
Bốn hòa thượng nghe rõ tiếng mai mỉa của hắn, song họ không dám phân tán tâm thần đang lúc vận chân nguyên nên tất cả cùng lắng đọng thần sắc, cùng mở mắt ra, hai tay chập lại, đứng bất động.
Phạm Thù nhẹ một nụ cười, đảo mắt nhìn quanh bốn hòa thượng hét :
- Các ngươi dựng xác chết lên đó làm gì? Có muốn động thủ thì cứ giở tuyệt nghệ ra, còn chờ gì nữa?...
Cùng một loạt bốn hòa thượng mở mắt, mắt vừa mở vừa giương tròn, tám đạo tinh quang sáng rực chiếu thẳng đến Phạm Thù mường tượng bốn vị Kim Cang dọa oai với quỷ sứ.
Nhà sư đứng góc tả trầm giọng thốt :
- Nếu thí chủ còn buông lời thất kính, bần tăng sẽ cam bề thất lễ đó!
Phạn ngữ vang lên khắp bốn phía, đồng lúc bốn hòa thượng nhích đến một bước, tám chiếc Đồng bạt cùng đưa ra, tuy cử động của nhà sư không mạnh, không nhanh, nhưng công lực tiền tàng của họ rất thâm hậu, phát huy đầy đủ qua đôi bạt, bạt ngân lên boong boong, tiếng ngân xao dợn không gian thành gió, gió không cuốn, chỉ xoáy tròn, rít lên từng tiếng âm u, rùng rợn.
Phàm lập ra một trận thế, người thủ trận phải có vũ khí, nếu không thì là vật bén nhọn, thì cũng phải đánh được, đập được, hoặc ít nhất cũng phải là cung tiễn, nỏ, chứ có vũ khí nào lại là những chiếc bạt, nó sẽ làm gì được địch? Huống chi những chiếc bạt của bốn hòa thượng này lại to lớn khác thường?
Các hòa thượng sẽ sử dụng Đồng bạt như thế nào? Chẳng lẽ họ có pháp lực nhiệm màu như những vị tiên, hành giả ngày xưa, từ thiên đình đến hay từ Tây phương đến?
Tuy nhiên, Phạm Thù cứ mặc cho họ thi triển công lực, pháp lực gì, hắn cứ bằng vào sở học của hắn, quyết tâm phá vỡ trận cho kỳ được mà thôi.
Hắn điểm một nụ cười, đảo mắt nhìn quanh. thấy bốn phía đều có người án ngữ, bốn người có tám cánh tay, mỗi tay đều có một chiếc Đồng bạt tạo thành một hình bát quái.
Từ tám nơi chiếc Đồng bạt, tám lực đạo kình phát ra, tất cả đều đổ dồn về hắn, là trung tâm điểm.
Đứng bên ngoài, Bạch Thiếu Huy thầm nghĩ, chẳng biết làm cách nào Phạm Thù phá được thế trận. Thực ra chàng cũng chẳng hiểu một thế trận như vậy có công hiệu như thế nào?
Theo chàng nghĩ, phá trận đó phải giết tất cả các hòa thượng hoặc uy hiếp họ chạy đi, nếu không thì vòng vây của thế trận cứ từ từ khép lại người bị vây sẽ lúng túng trong vòng vây của tám chiếc bạt, và cuối cùng phải chịu dồn ép giữa đống bạt đến bẹp dí.
Chàng chăm chú nhìn vào cục diện xem Phạm Thù sẽ làm cách nào để phá trận.
Trong khi đó bốn hòa thượng tiến tới một bước. Vòng vây thu hẹp hơn. Đồng bạt xếp thành hình bát quái bớt lơi lỏng rời rạc hơn, tiếng boong boong lại lớn hơn.
Phạm Thù bật cười ha hả, vung thanh trường kiếm loang loáng một vòng trước mặt, đột nhiên hắn xoay vòng như chong chóng, người xoay thì kiếm xung xoay theo luôn, ánh thép chớp ngời, mũi kiếm biến ra muôn ngàn đóa hoa bạc, ào ào tản mác trong không gian, như mưa sao từ trên trời đổ xuống.
Trong tiếng ào ào của trận mưa sa đổ xuống có thoang thoảng tiếng xoảng xoảng như tiếng thép chạm vào nhau.
Bốn hòa thượng chẳng biết đối phương loang kiếm để làm gì mà Bạch Thiếu Huy đứng ngoài cũng không nhận định kịp Phạm Thù đã làm gì trong vòng quay chong chóng đó.
Bốn hòa thượng cùng nhích đến một bước nữa, cùng đưa tay đẩy tám chiếc bạt đồng đến gần hơn.
Bất ngờ tám chiếc bạt cùng rả ra, mỗi chiếc làm hai phần, cộng thành mười sáu mảnh, do một đường kính xuyên ngang chỗ tay cầm.
Thì ra trong lúc vung kiếm tạo thành trận mưa sao, Phạm Thù bằng một thân pháp và một thủ pháp cực kỳ ảo diệu, đã cho mũi kiếm viếng thăm qua đủ tám chiếc bạt, rọc mỗi chiếc một đường kính, mũi kiếm chỉ chạm sâu vào bạt đồng ba phần tư, còn lại một phần tư không đứt tiện. Nhờ đó hai mảnh bạt còn dính lại.
Bốn hòa thượng không hề hay biết cái chạm của mũi kiếm vào bạt đồng, tưởng đâu Phạm Thù múa kiếm tạo hoa dạng mà thôi, nên cùng một loạt bước tới, đẩy bạt đồng bức dồn hắn.
Nào hay, sức đẩy của họ mạnh quá, bạt đồng bị không khí ngăn cản phản lực chấn dội, làm cho phần dính của hai mảnh bạt tiện lìa.
Phạm Thù khéo tính toán làm sao, chẻ một đường kính như vậy, hắn phân ra mỗi phần còn một nửa tay nắm, thành thử bạt rã ra làm đôi, song vẫn còn kẹt trong tay của các hòa thượng.
Bạt bị chẻ, tay phải lơi lỏng, thăng bằng phải mất, bồn hòa thượng chập choạng một lúc, cố gượng lắm mới đứng vững liền, mỗi tay cầm hai mảnh nhưng đưa ra vô ích, họ cùng thõng tay xuống, thoáng nhìn nhau, rồi nhìn đối tượng.
Bạch Thiếu Huy trố mắt, mà hai lão hòa thượng đứng bên ngoài cũng trố mắt, không ai tưởng tượng được cảnh trạng vừa diễn ra.
Nhìn Phạm Thù một lúc, bốn hòa thượng lặng lẽ quay mình, mang mỗi người bốn mảnh bạt bước vào ven cây, phút chốc mất dạng, chẳng nói năng tiếng nào.
Phạm Thù gọi với theo :
- Các ngươi còn đồng bọn, cứ gọi hết ra đây, ta sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc báo hận!
Bạch Thiếu Huy quay qua hai lão hòa thượng, từ từ hỏi :
- Giò thì các đại sư có thể để cho anh em tại hạ tiến tới chứ?
Hai nhà sư lạnh lùng :
- Bần tăng cản trở hai thí chủ, là do ý tốt, chứ chẳng phải muốn làm hỏng sự việc của hai thí chủ đâu! Nếu các vị muốn đi, cứ đi!
Cả hai quay mình tiến vào rừng, nhường lối cho Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù tiến tới.
Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù mỉm cười, lên ngựa tiếp tục cuộc hành trình.
Họ theo những lối mòn, quanh co xuyên rừng, khi lên đồi, khi xuống thung lũng, một lúc khá lâu, mới đến một sơn thôn, nằm dựa chân núi Vu Sơn.
Sơn thôn gồm độ vài mươi nóc nhà, dĩ nhiên dân cư chẳng có bao nhiêu người, họ sống về nghề nông hơn là săn bắn và đốn củi.
Thực ra, những dân cư này, trước kia sống bằng nghề hướng đạo, lúc du khách bốn phương còn đổ xô về đây để lên tận đỉnh Thần Nữ Phong xem cho biết di tích một chuyện tình nửa tiên nửa tục.
Thời gian qua, du khách lần lần thưa thớt, nghề hướng đạo không còn nuôi sống số dân cư, họ xoay qua nghề nông.
Vì là nơi quy tụ du khách, tất nhiên phải có hàng quán, bán cái ăn uống, cho thuê chỗ trọ. Cũng như nghề hướng đạo, hàng quán lần lần suy giảm, cuối cùng thì ngưng thệ hẳn, thỉnh thoảng mới có một vài du khách tìm đến, nhưng rất bất thường, thành ra thức ăn, thức uống nếu có, cũng chỉ với tính cách tạm bợ thôi, chẳng còn tươm tất như ngày xưa.
Trong sơn thôn, có một ngôi quán, hiện tại thì ngôi quán đó quá tiêu điều, khi Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù tới nơi, thì vị chủ quán già nua đang ngồi ngáp ruồi nơi quầy.
Ngôi quán chỉ có vài chiếc bàn cũ kỹ với mấy chiếc ghế ọp ẹp, nếu còn hình thức một ngôi quán, là do mấy chiếc bàn ghế kê theo lối sẵn sàng tiếp khách, có ống đũa đặt giữa bàn, mặt bàn còn hoen ố những vết sạm mỡ dầu. Tất cả được điểm xuyết thêm bằng một chiếc quầy dùng làm nơi ngả lưng cho người trong quán khi uể oải, hoặc những lúc mỏi mòn chờ khách từ cung trăng rớt xuống.
Và, Bạch Thiếu Huy và Phạm Thù hiện ra, đúng là từ cung trăng rơi xuống.
Lão chủ quán hết sức hân hoan, chạy ra sân nghinh đón cả hai, tiếp tay với họ, cột ngựa vào cội cây, rồi mời cả hai vào trong ngồi.
Lão xuýt xoa mấy tiếng chiêu đãi, rồi vào trong mang bình trà, hai cái chén rót đầy mời họ.
Một ngôi quán như thế, tự nhiên chẳng có tiểu nhị, và kẻ phục dịch hẳn gồm những thân nhân lão chủ.
Chừng như lão quý khách lắm, nên cố mời cả hai uống cho kỳ được chén trà.
Cả hai nâng chén trà lên đưa vào môi, nhấp thử một chút, nghe đắng và chát vô cùng, lại chẳng có một chút hương gì cả, mường tượng là nước lá cỏ lá cây hái vội cho vào nước đun sôi, có chút màu xem được vậy thôi.
Bạch Thiếu Huy thoáng nhìn qua lão già, dừng mắt một giây nơi chiếc áo màu đất bằng bố của lão, một màu đạm bạc nhưng cũng là một màu nghi trang thông dụng nhất ở những nơi hắc điếm, nhưng chàng không đề cập đến hương vị của trà, điềm nhiên thốt :
- Anh em tại hạ là những kẻ du sơn, muốn có cái gì ăn tạm để còn thời gian lên đỉnh Thần Nữ Phong, lão trượng tùy tiện cho vài món, không cần cầu kỳ lắm, miễn có ăn nhanh chóng thì thôi!
Lão nhìn hai người một chút, nghe họ nói định lên đỉnh Thần Nữ Phong ngắm cảnh, thoáng lộ vẻ kinh dị, song vội cười, phân trần :
- Không dám giấu nhị vị, lúc này không phải mùa du sơn thưởng cảnh, khách du rất ít, cuộc sinh hoạt của lão phu phải thu gọn phần nào, nên không có gì xứng đáng cho các vị dùng, chỉ có mỗi một món mì là sẵn sàng, còn các thức ăn khác, nếu các vị muốn dung, tất phải đợi lâu một chút.
Bạch Thiếu Huy khoát tay :
- Lão trượng không phải ngại, có mì càng tốt, ăn mì cũng đỡ đói được vậy chứ, cần gì phải bày vẽ thêm ra cho mất thì giờ? Xin lão trượng cho ăn liền đi!
Lão chủ do dự một chút :
- Nhị vị có muốn uống một chút rượu chăng? Rượu của lão phu cất rất ngon đấy, tuy ở chốn cô tịch hoang vu, lão phu vẫn phải nghiên cứu cách cất rượu rất công phu, vì khách du có người khó tánh, họ dòi cho được rượu ngon, không có là họ la hét ầm lên, lão phu đến khổ với họ!
Phạm Thù gật đầu :
- Nếu có rượu ngon, lão trượng cứ cho một bình, anh em tại hạ uống thử xem sao, nếu hợp khẩu vị thì kêu thêm.
Lão chủ vâng một tiếng đoạn quay mình trở vào trong.
Đợi lão khuất dạng sau tấm vách ngăn rồi, Bạch Thiếu Huy cho tay vào mình, lấy ra hai viên thuốc do Cửu Độc Nương Tử trao cho ngày trước, chia cho Phạm Thù một viên bảo hắn uống nhanh.
Phạm Thù lấy làm lạ, dùng phép truyền âm nhập mật hỏi :
- Đại ca phát hiện điều gì khả nghi?
Tuy hỏi thế, hắn vẫn uống như thường.
Bạch Thiếu Huy đáp :
- Hiền đệ chẳng để ý sao, chén trà có hương vị rất lạ kỳ, mình nhấp một chút rồi không uống nữa, lão chủ quán sinh nghi nên quay qua mời rượu, mình bằng lòng gọi rượu, lão hớn hở ngay. Như vậy là đáng ngờ rồi!
Phạm Thù căm hận :
- Lão già khả ố!
Bạch Thiếu Huy mỉm cười :
- Tuyệt đối không nên tỏ lộ cảm nghĩ gì cả, để xem lão ấy còn giở trò gì thêm!
Vừa lúc đó, lão chủ quán trở ra, mang rượu và thức nhắm đặt lên bàn, xoa xoa hai tay vào nhau, lí nhí :
- Hai vị tạm dùng, lão phu mong hai vị không đến nỗi mất hứng!
Bạch Thiếu Huy cầm chiếc bình, rót đầy một chén, không do dự uống cạn, khà khà mấy tiếng, khen :