Vào ngày diễn ra vòng đấu loại thời tiết ấm lên trông thấy, nhóm vận động viên chỉ mặc quần đùi và áo may ô, phơi nắng một lúc là đã toát mồ hôi. Phía dưới Doãn Thiên Dương mặc quần đùi và đi giày chạy còn bên trên thì mặc áo nỉ rộng thùng thình, cậu đội một chiếc mũ che nắng rồi đứng trên khán đài nhìn ngó xung quanh.
Đồng đội lững thững đi đến, trên tay còn cầm theo bữa sáng, sau khi ngồi xuống bên cạnh thì hỏi: “Ê Thiên Dương, hôm nay ông cũng chưa phải thi à?”
“Có, tôi thi chiều.” Doãn Thiên Dương ngồi vắt chéo chân, “Tôi ở nhóm hai đây, chỉ là chạy cự li dài xếp sau chạy cự li ngắn nên phải đầu giờ chiều, giờ tôi đến để cổ vũ cho đội trưởng.”
Lúc này đội trưởng đang thực hiện xoạc chân, mặc quần đùi xanh lá trên đường chạy đỏ sẫm, đầu tiên là ngồi xuống dang rộng chân sau đó chuyển sang xoạc chân đứng thẳng, người gần như ngả ra sau hạ thấp eo xuống.
Mới hơn chín giờ mà trời đã nắng vỡ đầu, dưới ánh mặt trời không thể nhìn rõ được chữ trên màn hình điện thoại, Doãn Thiên Dương ngồi phơi nắng mà muốn rơi lệ, rầu rĩ nói: “Chắc chắn buổi chiều còn nắng hơn nữa, tôi toi rồi.”
Lo lắng chưa được mấy phút thì ngay lập tức đã bị tiếng súng phát lệnh thu hút sự chú ý, thì ra nhóm đầu tiên thi chạy cự li ngắn đã bắt đầu, trận đấu này không có khán giả và người thân, ở đây tất cả đều là vận động viên nên tiếng hò hét cổ vũ cũng thưa thớt hơn hẳn.
Tần Triển uống mấy ngụm nước uống thể thao rồi chạy đến trước khán đài vẫy tay, Doãn Thiên Dương giống như người cổ đại rút một chiếc loa từ trong tay áo ra, đó là cái mà Nhiếp Duy Sơn ném được trong đêm hội hoa đăng dịp tết Nguyên Tiêu.
Phần thi chạy cự li ngắn diễn ra rất nhanh, chỉ chớp mắt một cái là nhóm đầu tiên đã kết thúc, Doãn Thiên Dương nhìn Tần Triển đi tới vạch xuất phát bèn mở loa thử âm thanh. Chờ sau khi trọng tài giơ súng phát lệnh lên thì cậu cũng đưa loa đến bên miệng.
“Đoàng” một tiếng, toàn bộ vận động viên đứng tại vạch xuất phát bật người xông về phía trước, Doãn Thiên Dương phản ứng cực nhanh, hét vào loa: “Tần Triển! Tần Triển! Long uy hổ đảm! Tần Triển! Tần Triển! Long uy hổ đảm!”
Tất cả vận động viên đứng xem xung quanh đều quay đầu lại, khi trận thi đấu vừa mới kết thúc thì huấn luyện viên mới hùng hùng hổ hổ đi tới, quát: “Mẹ nó hét vớ vẩn cái gì đấy! Cậu là trọng tài à mà cầm loa! Ném qua đây cho tôi!”
Loa của Doãn Thiên Dương cứ như vậy mà bị lấy mất, Tần Triển nhễ nhại mồ hôi đi tới khán đài, vui vẻ nói: “Này Thiên Dương! Vừa nãy tôi nghe thấy hết đấy! Nếu không thì cũng chẳng chạy nhanh được như vậy!”
“Còn nói gì nữa.” Doãn Thiên Dương gục mặt xuống, “Loa mất rồi, trọng tài còn mắng tôi nữa.”
“Không sao, buổi chiều tôi sẽ hét hết cỡ cho ông.” Tần Triển an ủi cũng không có tác dụng gì. Doãn Thiên Dương mơ hồ cảm thấy lo lắng, liệu ấn tượng của cậu với các huấn luyện viên khác có xấu đi không, nếu làm ảnh hưởng đến thành tích thì làm sao bây giờ, trời đã nắng như vậy vốn là bất lợi cho việc phát huy.
Càng nghĩ càng khó chịu, cậu đứng dậy chuẩn bị đi rồi nói với vẻ chán nản: “Tôi đi ăn cơm đây, ăn sớm tiêu hóa sớm.”
Tâm trạng chán chường vẫn cứ kéo dài đến trước giờ thi, buổi chiều Doãn Thiên Dương mặc áo may ô làm nóng người trên sân tập, BIB số sau lưng cũng bị đính lệch hết cả.
“Ê Thiên Dương, điện thoại của ông kêu này!” Tần Triển chạy buổi sáng được hạng nhất nên toàn thân hăng hái, buổi chiều tự nguyện làm phụ tá cho mọi người.
Doãn Thiên Dương ngồi trên sân nhổ cỏ, đoạn nói: “Tắt đi, tôi không có tâm trạng nghe.”
Tần Triển nói với giọng tiếc nuối: “Thật hả? Anh Sơn gọi.”
“Vậy thì tôi nghe một lát.” Doãn Thiên Dương chạy đến chỗ bóng râm nhận cuộc gọi rồi khẽ “alo” một tiếng. Sau khi nghe thấy thì Nhiếp Duy Sơn cũng trả về một tiếng cười trầm khàn, đoạn nói: “Nghe có vẻ tâm trạng không tốt à.”
Doãn Thiên Dương tố khổ: “Loa mất rồi, người khác không thể cổ vũ cho tớ nữa.”
“Lời cổ vũ của người khác quan trọng vậy à? Tớ sẽ ghen tị đấy.” Không biết Nhiếp Duy Sơn đang làm gì mà giọng điệu có vẻ biếng nhác, rất nhàn nhã, rồi hắn thong dong đọc một khẩu hiệu, “Thiên Dương, Thiên Dương, vui sướng hân hoan.”
Rốt cuộc Doãn Thiên Dương cũng lộ ra một nụ cười: “Là giương cánh bay lượn!”
Nhiếp Duy Sơn nói: “Bay lượn nhiều thì mệt lắm, còn dễ bị ngã, tớ chỉ hy vọng cậu luôn luôn vui vẻ.” Nói xong thì chợt dừng lại trong giây lát, nói lời phòng trước, “Có phải đấu loại xong là có thể về nhà đúng không? Không cần biết có thể tham gia giải đấu chính thức không, nếu được thì chúng ta cùng chúc mừng, nếu không được thì tớ sẽ làm cậu vui vẻ trở lại, nhưng mà mấy ngày nay tớ không ở nhà nên sẽ phải chờ một thời gian.”
Doãn Thiên Dương vừa nghe được hai câu trước thì lâng lâng hạnh phúc, đến khi nghe xong câu cuối thì trong lòng lại hơi lo lắng, vội hỏi: “Cậu đi đâu đấy?”
“Ở chỗ mẹ tớ, bà ấy nhớ tớ nên bảo tớ sang ở mấy ngày.” Nhiếp Duy Sơn thấp thỏm nói dối.
Ai ngờ trong tức khắc Doãn Thiên Dương trở nên vui mừng: “Thật à! Thế thì cậu ở lại một thời gian đi!” Cậu nói hai ba câu rồi ngắt máy, tâm trạng cũng được cải thiện hoàn toàn, lần ăn cơm vào dịt Tết ấy cậu có nói với Phong Nhã Nam là ngày thường nên quan tâm đến Nhiếp Duy Sơn nhiều hơn một chút, xem ra là có hiệu quả rồi!
Nhóm đầu tiên còn một vòng cuối cùng, Doãn Thiên Dương phủi phủi cỏ dính trên quần rồi chuẩn bị vào sân, lúc này cậu chẳng còn thấy bầu trời nắng chói chang nữa mà chỉ cảm thấy tiết xuân thật tươi đẹp.
Vào giây phút phát súng lệnh vang lên cậu còn đang mỉm cười, quả nhiên là vui sướng hân hoan.
Trong điện thoại đã chỉ còn lại âm báo máy bận, Nhiếp Duy Sơn chậm chạp nhấc điện thoại ra khỏi tai rồi tiện thể đưa mắt nhìn thời gian. Hắn đã đứng bán khăn quàng và vòng trang sức trên đường thương mại sầm uất này cả buổi sáng, mệt thì không mệt chỉ là đứng lâu nên chân có hơi mỏi.
Đã tiêm một mũi dự phòng cho Doãn Thiên Dương xong, hắn cũng đoán chừng chẳng giấu được người trong nhà bao lâu nữa nên quyết định buổi tối sau khi kết thúc công việc sẽ cùng Nhiếp Phong gọi điện báo tin về.
Hơn bảy giờ tối, trong phòng khách ti vi đang được mở, một nhà ba người vừa ăn cơm vừa xem bản tin thời sự, thím ba nấu cơm xong thì ra chút mồ hôi nên không kìm được mà nói: “Cũng không biết Tiểu Sơn tới nhà mẹ nó có mang đủ quần áo không, hai ngày nay trời nóng lên nhiều.”
Nhiếp Dĩnh Vũ nghe thấy chữ “Sơn” thì bỗng căng thẳng, cúi đầu và hai miếng cơm rồi rũ mắt nói: “Chắc là có mang, mà không thì bác gái cũng sẽ mua cho anh con thôi.”
Cậu ta nói xong thì âm thầm nói sang chuyện khác, bèn hỏi chú ba: “Bố ơi, ông thế nào rồi ạ? Lát nữa bố mẹ có vào viện không?”
“Ăn xong thì đi, đã cho cơm vào hộp giữ nhiệt rồi.” Chú ba ăn cơm có phần vội vàng, gần đây bận chăm sóc người bệnh nên làm việc gì cũng nhanh nhẹn hơn ngày thường, “Ông bình phục rất tốt, ở một thời gian nữa là có thể xuất viện.”
Nói xong thì dừng lại liếc nhìn Nhiếp Dĩnh Vũ: “Gần đây không có thời gian rảnh quan tâm đến con, không có chuyện gì chứ? Đúng rồi, không phải cuối tuần phải đi học thêm hả, không đi à?”
Nhiếp Dĩnh Vũ thấy đổi chủ đề thành công thì không khỏi thả lỏng đôi chút, đoạn trả lời: “Giáo viên ở lớp học thêm nói là gần đây trường bọn họ kiểm tra nghiêm ngặt nên buổi học tuần này sẽ hoãn lại, hoặc là học bù sau ạ.”
“Được rồi, con tự biết ——” Chú ba còn chưa nói hết lời thì bị tiếng chuông điện thoại cắt ngang, ông đứng dậy đi ra phòng khách cho nhỏ tiếng ti vi lại rồi ấn nghe điện, “Alo, tôi nghe.”
Nhiếp Dĩnh Vũ gắp một miếng cá.
“Thầy Lưu? À, chào thầy, chào thầy!”
Thầy Lưu, giáo viên chủ nhiệm của bọn họ họ Vương mà, Nhiếp Dĩnh Vũ hơi hoang mang.
“Tiểu Sơn xin nghỉ? Đâu có, mấy ngày nay nó tới nhà mẹ nó ở.”
Đã nhiều ngày Nhiếp Duy Sơn không đến trường nhưng Kiến Cương chỉ nghĩ là bệnh của hắn chưa khỏi, một tuần trôi qua, đến cuối tuần ông định đến thăm rồi hỏi xem tuần sau có thể đi học lại hay chưa. Chú ba vẫn chưa biết rõ đầu đuôi câu chuyện nên sốt ruột ngồi xuống sô pha hỏi: “Thầy nói là sáng hôm thứ hai vừa rồi tôi gọi điện cho thầy xin nghỉ ấy ạ?”
“Thầy Lưu à, thật sự xin lỗi, đợi tôi làm rõ mọi chuyện rồi sẽ gọi lại cho thầy ngay, làm phiền thầy rồi.”
Điện thoại vừa cúp, lập tức thím ba hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy? Tiểu Sơn không đi học à?”
Nhiếp Dĩnh Vũ còn muốn cố đấm ăn xôi thêm lần nữa: “Có phải anh con ở nhà bác gái bị bệnh không ạ?”
“Chả phải cái gì hết!” Chú ba quát một câu rồi bắt đầu lục phần ghi chép cuộc gọi, phát hiện ra vào lúc sáu giờ sáng hôm thứ hai đúng là ông đã gọi điện cho Kiến Cương, giương mắt nhìn về phía Nhiếp Dĩnh Vũ, không đến một giây là đã đoán ra được, “Thằng nhóc mày còn giả vờ à! Mấy cái trò vặt vãnh đấy của mày mà bố còn không nhận ra thì khỏi cần làm bố của mày nữa!”
Nhiếp Dĩnh Vũ thấy mọi việc đã bại lộ thì từ bỏ việc chống cự, ăn ngay nói thật: “Anh con không tới nhà bác gái, anh ấy đi gặp bác cả ạ.”
Thím ba hoảng sợ nói: “Không phải bác cả con ở Quảng Châu à?”
Nhiếp Dĩnh Vũ thật sự rất sợ tiếp sau đây sẽ bị ăn đòn nên nói với giọng yếu ớt: “Bác cả con nhập viện, người của bệnh viện báo cho anh con nên anh con ngồi tàu hỏa suốt đêm tới chỗ bác cả.”
Còn chưa kịp đợi Nhiếp Dĩnh Vũ kể lại rõ ràng đầu đuôi mọi chuyện thì điện thoại của chú ba lại đổ chuông lần nữa, trên màn hình nhấp nháy hai chữ “Tiểu Sơn”, không biết là chú ba nôn nóng hay là tức giận mà khi ấn nút nhận cuộc gọi đầu ngón tay cứ run rẩy không thôi.
Ở đầu bên kia Nhiếp Duy Sơn nói: “Chú ba ạ, cháu là Tiểu Sơn, cháu đang ở cùng bố cháu ạ.”
“Cháu!” Mới vừa rồi chú ba còn có biết bao lời quở trách muốn nói nhưng lúc này lại không thốt được ra khỏi miệng, thậm chí gương mặt ông còn đỏ bừng cả lên, mãi một lúc sau mới bật ra một câu, “Thằng bé này… Trước hết để bố cháu nhận điện thoại đi.”
Bên kia đổi thành Nhiếp Phong nghe điện, rốt cuộc cảm xúc của chú ba cũng bình tĩnh trở lại.
Đợi Nhiếp Phong kể lại hết mọi chuyện xong thì Nhiếp Duy Sơn mới nhận lại máy rồi nói: “Chú ba ạ, dù thế nào thì chú cũng đừng trách Tiểu Vũ, từ đầu tới cuối đều là ý của cháu, cháu bắt nó phải làm như vậy ạ. Chú cũng không cần lo cho cháu và bố cháu, càng đừng để ông nội biết được, hai ngày nữa cháu sẽ về ạ.”
Báo tin về nhà xong thì hòn đá trong lòng hai bố con cũng được đặt xuống, trong căn phòng khách nhỏ hẹp tràn ngập mùi thơm thoang thoảng, là mùi canh phổi heo đang được ninh nhỏ lửa trong bếp. Bầu không khí trở nên yên tĩnh, Nhiếp Duy Sơn và bố hắn xa nhau quá lâu nên kỳ thực giữa cả hai chẳng có chuyện gì để có thể tán gẫu, hơn nữa sau khi Nhiếp Phong thay đổi thì toàn thân luôn quẩn quanh hơi thở áy náy nặng nề, đối xử với hắn cũng luôn cẩn thận từng li từng tí.
“Bố, chúng ta nói chuyện một lát đi, canh còn phải đun nửa tiếng nữa mới được.” Hắn ngồi dựa vào lưng ghế, hai chân để dưới bàn ăn mở rộng ra, cả người cũng thả lỏng, “Đúng rồi, bố có nhận được thư của con không ạ?”
Nhiếp Phong trả lời: “Nhận được, nhưng chưa kịp trả lời, bố nhớ là hỏi về việc khắc ngọc Quan Âm à?”
“Vâng, đã khắc xong rồi ạ.” Thật ra trong lòng Nhiếp Duy Sơn có chút tiếc nuối, hắn rất muốn biết Bạch gia đánh giá thế nào về tác phẩm thứ hai của hắn, nhưng đáng tiếc giờ nói gì cũng đã muộn rồi. Tuy nhiên dù không còn cơ hội để được chỉ dạy về kỹ thuật thì trong lòng hắn vẫn tò mò, bèn hỏi: “Bố này, bố có biết cái người Bạch gia kia không, con nhắc đến trong thư ấy.”
“Biết, người trong nghề không ai là không biết.” Nhiếp Phong đan tay vào nhau đặt lên bàn, nhìn qua có vẻ rất nghiêm túc, “Đinh Hán Bạch, bố ông ta là Đinh Duyên Thọ, không biết phải hình dung thế nào nhưng tóm lại là cực kỳ trâu bò.”
Nhiếp Duy Sơn tràn đầy hứng thú hỏi: “So với cụ của con thì ai giỏi hơn ạ?”
“Nói riêng về tay nghề thì lão Đinh lợi hại, người ta cả một đời là theo nghề này, quả thật đã tự tạo dựng thành một phái.” Nhiếp Phong mím môi, bắt đầu chỉ rõ khuyết điểm, “Cụ nội của con vô cùng thông minh, có đầu óc, điêu khắc đá ngọc đối với ông ấy mà nói là một sở thích, không phải cái nghề để kiếm cơm, cho nên ông ấy hoàn toàn chỉ dựa vào thiên phú. Về sau ông ấy phát hiện đánh bài còn thú vị hơn khắc ngọc nên cứ thế đánh mất hết ngân hàng tư nhân và đất đai trong nhà, chỉ là cũng coi như trong họa có phúc.”
Nhiếp Duy Sơn tò mò hỏi: “Phúc gì ạ?”
Nhiếp Phong nói: “Nếu như ông ấy không để mất thì nhà chúng ta chính là địa chủ, kết quả ông ấy thua sạch trở thành bần nông, tránh được cảnh bị đấu tố.” Nói xong lại thở dài, “Khi còn bé ông ấy luôn dắt bố đi chơi khắp nơi, quả nhiên sau đó bố lại theo bước ông ấy.”
“Đừng nói chuyện mọi người nữa, nói đến Bạch gia đi ạ.” Nhiếp Duy Sơn không muốn nghe Nhiếp Phong tự kiểm điểm bản thân.
“So với bố mình thì Đinh Hán Bạch nổi tiếng hơn, bởi vì ông ta quá khác người.” Nhiếp Phong vừa nghĩ vừa nói, “Mấy đời nhà họ Đinh đều theo nghề này, chủ yếu là truyền lại tay nghề, tuy không tính là dòng dõi thư hương nhưng cũng là một gia đình có khuôn phép. Những người có tuổi trong nghề đều nói Đinh Hán Bạch đã thay đổi nề nếp của nhà họ Đinh, chuyển hướng sang kinh doanh.”
Mấy ngày nay nhờ buôn bán nhỏ mà Nhiếp Duy Sơn kiếm lời được ít tiền, bèn nói lời bất bình: “Không phải sĩ, nông, công, thương là quan niệm của xã hội cũ à, vẫn còn coi thường việc kinh doanh thế sao?”
“Không phải coi thường, mà là động tĩnh ông ta gây ra quá lớn.” Nhiếp Phong nói, “Nghe đâu người tên Đinh Hán Bạch này rất ngông cuồng, hơn nữa không nói lý lẽ, đoán chừng là một người tài cao mà gan cũng lớn. Ông ta trở mặt với người trong nhà từ rất sớm, bỏ ra ngoài tự gây dựng sự nghiệp riêng, sau đó gác lại tay nghề chuyển sang kinh doanh đồ cổ, cuối cùng trở nên giàu có. Thật ra đa số những kẻ thì thầm sau lưng ông ta đều là do ghen tị, người có tay nghề có thể kiếm được vài đồng tiền nhưng một món đồ gốm sứ nếu định giá đúng cách thì có thể ăn hết nửa đời người, không phải ai cũng có bản lĩnh ấy.”
Nhiếp Duy Sơn cảm thấy Bạch gia có phần khác người, cách nói chuyện cũng không hề khách sáo, bèn tò mò hỏi: “Tại sao ông ấy lại trở mặt với người nhà ạ?”
Nhiếp Phong nói với vẻ đùa cợt: “Trẻ con đừng hỏi.”
Lời vừa nói ra lại càng giống như nhử mồi khiến người ta tò mò hơn, Nhiếp Duy Sơn nhõng nhẽo đòi hỏi, chỉ còn thiếu nước giả vờ khóc mấy tiếng. Nhiếp Phong bị lèo nhèo đành bất đắc dĩ cười nói: “Bố có thể nói nhưng con đừng thấy khó chịu. Trong giới có đủ các loại lời truyền miệng nhưng ý nghĩa thì không khác nhau mấy, lão Đinh có năm đồ đệ giỏi, Đinh Hán Bạch vừa là con trưởng vừa là đại đồ đệ còn những đồ đệ khác đều là anh em họ gì đó, chỉ có sư đệ nhỏ nhất là đứa trẻ mà gia đình ông ta thu dưỡng. Nghe đâu ông ta ép buộc người sư đệ này ở bên mình, cũng có người nói vốn dĩ là hai người bọn họ ngấm ngầm qua lại với nhau nhưng tóm lại là lão Đinh không cho phép, cuối cùng ông ta dứt khoát trở mặt với người trong nhà.”
Nhiếp Duy Sơn sững sờ: “Bạch gia cũng thích con trai?”
“Ừ, nếu không thì ông ta cũng đâu nổi tiếng đến thế, làm chuyện gì cũng không hề tầm thường.” Nhiếp Phong nói xong thì dừng lại, “Cũng thích con trai? Cũng?”
Nhiếp Duy Sơn tự biết bản thân lỡ lời nên vội tìm cách che giấu: “Giờ trên mạng có rất nhiều chuyện thế này, khá là phổ biến ạ.” Nhiếp Phong không suy nghĩ nhiều, chỉ cảm thán: “Không ngờ con lại gặp được ông ta, đúng là duyên phận khó có được”
Trong vô tình cả hai đã trò truyện được một lúc lâu, nồi canh trên bếp đã có thể tắt lửa, Nhiếp Duy Sơn lót hai miếng vải rồi bê nồi đất xuống, vừa múc canh vừa nói: “Bố, hồi bé bố rất hay kể cho con nghe mấy chuyện linh tinh vớ vẩn, lâu rồi con chưa được nghe.”
Nhiếp Phong cười khổ: “Có phải trước đây thấy bố rất phiền đúng không?”
“Không, con rất thích nghe.” Nhiếp Duy Sơn múc đầy vào hai bát, trả lời xong thì bắt đầu húp canh. Rốt cuộc lúc này phòng khách đã yên tĩnh trở lại, hai bố con đều không lên tiếng nữa.
Sau khi thuận lợi vượt qua vòng đấu loại thì Doãn Thiên Dương tự cho phép bản thân bung xõa, hết ăn bậy uống bạ rồi lại la hét loạn xạ, chỉ cần xuất hiện trong tầm mắt của huấn luyện viên thì ăn chắc là sẽ bị mắng. Tần Triển là đội trưởng nên dù thế nào cũng phải ra dáng người đứng đầu, nếu không thì chắc chắn đã bắt tay nổi loạn cùng cậu.
Hai ngày sau, khi tất cả thành viên của đội điền kinh đều đã kết thúc thi đấu thì rốt cuộc cũng được trở về nhà, Doãn Thiên Dương thu dọn đồ đạc của mình xong thì cười đắc ý nói: “Tôi chưa báo kết quả cho người nhà đâu, chuẩn bị về cho bọn họ một niềm vui bất ngờ.”
Ngồi xe buýt quay về thành phố, trên đường đi cả bọn hết đùa giỡn rồi lại hát hò, cả tinh thần và thể chất đều được thư giãn hoàn toàn kể từ khi tập huấn tới nay. Tần Triển ngồi ở hàng đầu đứng dậy vỗ tay rồi làm bộ nói: “Các đồng đội, tôi muốn nói hai câu, mặc dù mọi người đều thuận lợi thông qua đấu loại nhưng trận đấu thật sự còn đang chờ chúng ta, cho nên không được lơ là, phải huấn luyện nghiêm túc hơn nữa, phải giữ vững đến khi kết thúc giải đấu.”
Ai ngờ Tần Triển lại vung tay lên: “Nhưng cũng phải chú ý kết hợp giữa tập luyện và nghỉ ngơi, vậy nên tối mai gặp nhau tại quán malatang ở chợ đêm! Tôi mời nước ô mai!”
Về đến trường Thể thao, Doãn Thiên Dương đón xe về thẳng con hẻm nhà mình, sau khi xuống xe ở đầu ngõ thì tung tăng đi vào trong, trông như thể là áo gấm về làng. Đến đầu hẻm, trước tiên cậu đưa tay sờ sờ đầu sư tử đá rồi sau đó mới quay người đi về nhà, còn chưa tới trước cửa đã hét to: “Thiên Đao! Anh của mày về rồi đây!”
Tiếng chó sủa liên tiếp truyền từ trong sân ra, ngay sau đó trông thấy Thiên Đao lao xuống bậc thang. “Ô, có thể tự mình nhảy qua cửa rồi à.” Doãn Thiên Dương ôm chó con vào lòng, đi vào trong sân lại kêu lên, “Sao không ai ra đón vận động viên Olympic thế này!”
Doãn Thiên Kết bước từ trong nhà ra, cười nói: “Ngài vừa thi đấu ở Tổ chim(*) về đấy à?”
(*)Sân vận động Tổ chim hay có tên chính thức là Sân vận động Quốc gia được xây dựng để sử dụng trong Olympic 2008.
“Chị! Em nhớ chị chết mất!” Doãn Thiên Dương thả chó con xuống rồi chạy tới ôm Doãn Thiên Kết rồi nhấc lên xoay một vòng trên không, xoay xong thì đi vào nhà kéo Doãn Hướng Đông và Bạch Mỹ Tiên lại để kể chuyện mấy ngày đi tập huấn vừa qua, kể xong thì cậu nhìn ra sân, “Lúc con không ở đây bố mẹ có tưới nước cho cây táo không ạ?”
“Tưới rồi, còn tưới rất nhiều.” Bạch Mỹ Tiên xoa mặt con trai, “Gầy rồi, để mẹ nấu mấy bữa ngon cho con tẩm bổ.”
Doãn Thiên Dương khoát tay: “Không cần vội, đợi Tiểu Sơn về rồi hẵng làm ạ, hai bọn con cùng tẩm bổ.”
Kết thúc tập huấn thì phải đi học trở lại, sáng hôm sau không những Doãn Thiên Dương không bám giường mà ngược lại còn dậy sớm hơn hẳn, bởi vì đến trường thì có thể gặp Nhiếp Duy Sơn, nỗi khổ tương tư này nếu còn không được giải tỏa thì cậu phát độc mà chết mất.
Nhét hai quả trứng gà vào hai túi quần đồng phục, ra đến đường cái cậu lại mua thêm hai chiếc bánh rán rồi treo mỗi bên tay lái một cái. Cứ thế một đường ngào ngạt mùi hương bánh rán cậu lái xe tới trường, vừa bước vào lớp thì đã bị bao vây, không gặp một thời gian nên lúc này mọi người nô nức tán gẫu đùa giỡn, thậm chí chẳng còn ai đếm xỉa đến việc làm bù bài tập.
Doãn Thiên Dương ngồi về chỗ rồi ngẩng đầu nhìn lên bảng, đoạn nói: “Chỗ ngồi mới chả ổn gì cả, quá lộ liễu.”
Quay đầu nhìn lại, chỗ ngồi của Nhiếp Duy Sơn trống không, đợi đến khi cậu ăn xong phần bánh rán của mình rồi mà Nhiếp Duy Sơn vẫn chưa tới. Tiếng chuông vào học vang lên, giáo viên Tiếng Anh bước vào ngồi trông giờ tự học buổi sáng, cậu lén lút gửi tin nhắn dưới ngăn bàn: “Đã bắt đầu giờ tự học rồi, cậu chạy nhanh chút đi!”
Nhắn xong thì lại hớn hở bổ sung một câu: “Tớ về rồi, có mua bánh rán phần cậu đấy! Cho hẳn hai quả trứng, nhất cậu rồi nhớ!”
Nhắn xong ngẩng đầu lên thì đối diện ngay với ánh mắt của giáo viên Tiếng Anh nên cậu vội vàng cất điện thoại, bắt đầu nghiêm túc ngồi học. Tiết tự học đã trôi qua trong dày vò nhưng vẫn không thấy bóng dáng Nhiếp Duy Sơn đâu, Doãn Thiên Dương nói với giọng buồn phiền: “Đệch, chắc không phải là hôm nay không đi học đấy chứ.”
Tiểu Mặc nói: “Nhiếp Duy Sơn ấy hả? Cả tuần trước cậu ấy đều không tới.”
Doãn Thiên Dương sửng sốt: “Thật không đấy? Tại sao?”
“Chắc là bị bệnh, không rõ lắm.” Tiểu Mặc soi vào tấm gương giấu trong hộp bút, “Không phải các cậu thân lắm à, cậu ấy không nói với cậu hả, mọi người trong lớp cũng thắc mắc sao cậu ấy nghỉ lâu thế, hơn nữa một ngày trước đấy cậu ấy còn chạy ra ngoài nghe điện thoại trong giờ Toán nữa.”
Doãn Thiên Dương lờ mờ cảm thấy hình như mình bị lừa, cậu nhìn điện thoại thì phát hiện vẫn chưa có tin nhắn trả lời nên cắn răng kìm chế để không gọi điện cho đối phương. Nếu Nhiếp Duy Sơn lừa cậu hoặc giấu cậu chuyện gì đó thì cậu muốn để đối phương chủ động thừa nhận.
Rồi sau đó không ai tức giận nữa, lại vẫn tốt đẹp như xưa.
Cả buổi sáng trôi qua, Nhiếp Duy Sơn không có tin tức gì.
Giờ nghỉ trưa kết thúc, Nhiếp Duy Sơn vẫn không có tin tức gì.
Buổi học chiều cũng đã xong, chẳng lẽ Nhiếp Duy Sơn làm mất điện thoại?
Sau khi kết thúc tiết tự học buổi tối, Doãn Thiên Dương thu dọn sách vở rồi hét lên: “Hay là chết rồi?! Đồ khốn!”
Vội vàng phóng xe đạp về nhà, cậu chạy thẳng sang hẻm Nhất Vân, sau khi ném xe đạp sang một bên thì cậu lao vào trong sân. Trong nhà chỉ có thím ba nên cậu dừng chân lại, sợ hỏi bừa lại gây ra chuyện gì không hay nên cậu đành đứng rối rắm một lúc rồi quay người ra về.
Dắt xe đi ra, vừa tới đầu hẻm thì bất chợt đụng phải Nhiếp Dĩnh Vũ. Nhiếp Dĩnh Vũ suýt chút nữa ngã khỏi xe đạp leo núi của mình, ngạc nhiên nói: “Ơ anh Dương Dương, anh đi tập huấn về rồi à?”
Cuối cùng Doãn Thiên Dương cũng coi như tìm được bia ngắm, bèn quát: “Nhiếp Dĩnh Vũ, anh mày đâu?”
“Anh em…” Hôm qua Nhiếp Dĩnh Vũ bị bố cậu ta tra tấn, bây giờ lại bị Doãn Thiên Dương chất vấn thì trong bụng tích đầy nỗi khổ tâm, “Anh em đi Quảng Châu.”
Chẳng trách lúc gọi điện Nhiếp Duy Sơn nhắc tới Quảng Châu, còn hỏi cậu đã ăn sữa hai lớp chưa. Nhiếp Dĩnh Vũ kể lại ngắn gọn mọi chuyện một lần nhưng Doãn Thiên Dương không để tâm nghe, chỉ lẩm bẩm: “Cậu ấy cách mình hơn một nghìn kilomet.”
Nhiếp Dĩnh Vũ thấy Doãn Thiên Dương bỏ đi bèn gọi: “Anh Dương Dương…”
Dần dần bóng dáng Doãn Thiên Dương biến mất ở đầu hẻm, mấy giây sau trong con hẻm sát vách truyền ra một tiếng hét vang dội, “Mẹ! Con không muốn đi học! Con cũng muốn đi Quảng Châu!”
Nhiếp Dĩnh Vũ thở hắt một hơi, cảm thấy toàn thân đều mỏi mệt. Cậu ta về nhà ăn qua loa chút gì đó, sau đó đi tắm rồi ra ngoài, muốn đi dạo loanh quanh để thư giãn đôi chút.
Dạo bộ đến gần khu chợ đêm, thời tiết đã ấm dần lên nên quán xá và người đi đường cũng tăng lên nhiều. Cậu ta không thích cái mùi hỗn hợp của đủ các loại đồ ăn vặt trộn lẫn vào nhau nên không bước lại gần mà chỉ đi dạo bên rìa xem mấy quầy sách.
“Này, ai lấy bò viên đấy? Bắn hết vào người tôi rồi đây này!”
Từ cửa hàng malatang chếch phía đối diện truyền ra một tiếng hét, âm thanh còn có phần quen thuộc, Nhiếp Dĩnh Vũ ngẩng đầu nhìn thoáng qua thì trông thấy Tần Triển đang cầm giấy ăn ra sức lau cổ áo.
“Cải thảo và súp lơ đúng là kim đồng ngọc nữ trong giới malatang, tôi phải vỗ tay tán thưởng vì chúng nó.” Tần Triển lau xong thì tiếp tục ăn, bị cay đến mức hít hà liên tục, “Nước ô mai có cần lạnh không? Tôi đi mua đây!”
Mấy đồng đội còn lại bắt đầu hét lên như điểm danh, Tần Triển vội kêu: “Không nhớ được đâu! Lạnh hết nhớ!”
Nhiếp Dĩnh Vũ cầm bản in lậu “Thiên long bát bộ” trên tay nhưng ánh mắt lại chăm chú vào cửa hàng malatang, lắng nghe tiếng hò hét tranh cãi của nhóm người Tần Triển rồi dường như tâm trạng cũng trở nên tốt hơn.
Thậm chí còn có phần muốn cười.
Cậu ta tiện tay nhặt một hòn đá lên rồi vung tay ném đi. “Ái.” Lưng Tần Triển bị đập một cái, cậu ta cúi đầu liếc mắt nhìn rồi lại coi như không có gì, tiếp tục chờ mua nước ô mai của mình.
“Bốp!” Lại một phát nữa.
Ngay lập tức Tần Triển nhảy phắt sang bên cạnh rồi đưa tay ôm vai: “Đệt! Ai đấy!” Lần này đập trúng vào xương nên có cảm giác đau vô cùng, cậu ta xoay người trừng mắt nhìn xung quanh rồi đột nhiên trông thấy Nhiếp Dĩnh Vũ.
Nhiếp Dĩnh Vũ đứng dưới ngọn đèn đường, trong tay còn cầm một quyển sách. Chẳng phải câu thơ kia được viết thế này sao, “Bỗng nhiên quay đầu lại, người ở ngay trước mắt, chốn lửa đèn tàn lụi”.
Tần Triển lúng ta lúng túng nói: “Sao lại là cậu chứ.”
Nhiếp Dĩnh Vũ cười nói: “Lâu rồi không gặp, Triển Triển.”