Đèn neon, những tòa nhà cao chọc trời, dòng xe dòng người qua lại không ngừng, như con thoi, vượt qua mười ba múi giờ, tôi đã ở đây, Newyork Manhattan, thành phố ầm ĩ náo nhiệt hấp dẫn như nam châm khiến người ta vừa hận vừa yêu này.
Trên máy bay mười bốn tiếng đồng hồ, mắt vẫn mở thao láo, tôi bắt buộc mình phải ngủ, nhưng không thành công.
Tô Bác đón tôi ở sân bay, câu đầu tiên là nói về đôi mắt như bị đánh hai quyền của tôi, đen đều hai bên, sau đó đau lòng ôm lấy tôi, lái xe chạy qua những tòa nhà cao tầng cao vút tận mây, vùn vụt qua những nẻo đường nơi trung tâm kinh tế toàn cầu, đến nhà của anh.
Tôi vừa thấy giường là lăn ra ngủ, tóm lại là ngủ từ hừng đông cho tới chạng vạng tối, Tô Bác chuẩn bị thức ăn chờ tôi.
“Nói đi.” Anh vẫn chậm rãi cắt miếng bò bít tết, chỗ góc cạnh thoáng bị cháy xem, cắt ra thì thịt vẫn mang chút hồng, anh chỉ vào chỗ ngồi đối diện bảo tôi ngồi xuống, tỏ vẻ nghi ngờ: “Bị gì kích thích vậy?”
“Oa! Đây là loại thịt bò mềm mịn, ăn vào miệng thì tan trong truyền thuyết kìa.” Tôi nâng dao nĩa chuẩn bị khởi động, thì bị cái nĩa của Tô Bác đè lại.
“Nghĩ xem mình đang ở địa bàn của ai, đừng ra vẻ nữa.”
Tôi tự biết tâm cơ của mình còn lâu mới bì được với anh, dứt khoát ném nĩa vào mâm, xòe rộng hai bàn tay: “Được rồi, được rồi, em thi đậu tư pháp rồi, đột nhiên cảm thấy rất tự tin vào tương lai của mình, em nghĩ hẳn là nên tìm một nơi rộng lớn hơn, cho nên đã từ chức, đến đây… tìm anh nương tựa!”
Tô Bác liếc tôi một cái: “Cho em thêm một cơ hội.”
Tôi bị anh làm cho sợ hãi, cúi đầu vặn vặn góc áo.
“Không chịu nói? Vậy…” Anh làm bộ cầm điện thoại lên: “Để anh gọi điện thoại cho ông chủ của em, hỏi một chút xem là ai làm em giận, hả?”
Anh muốn gọi cho Từ Uân!!! Làm sao được chứ, tôi chồm qua đoạt lấy điện thoại, nhưng cách cái bàn rộng như vậy làm sao đoạt được.
“Vậy là cậu ta…” Tô Bác im lặng lấy thịt bò của tôi cắt thành từng khối nhỏ, rồi lại đặt trước mặt tôi, “Mấy ngày anh cậu ấy đều gọi cho anh, phiền chết đi được, em nói xem, không thì anh nói cho cậu ấy biết, em ở đây nhé?”
Tô Bác cười quỷ dị, tôi đáp một câu: “Liên quan gì đến em.”
“Vậy để anh gọi điện…”
“Ai nha!” Tôi rất tức giận, “Anh à, anh phiền thật đó, em đâu còn là con nít nữa đâu, xin anh đừng lo nhiều như vậy nữa!”
Lần này cuối cùng Tô Bác cũng chịu bỏ qua cho tôi, chúng tôi im lặng ăn bữa tối, cả phòng khách chỉ có tiếng dao nĩa va chạm vào đồ sứ, trong trẻo đến chói tai.
“Bao giờ dẫn em đi gặp chị dâu?” Qua một hồi lâu, rốt cuộc tôi cũng tìm được một đề tài để mở miệng, phá vỡ cục diện bế tắc.
“Ngày mai đi.”
Hình như giữa hai anh em đã hình thành một loại ăn ý không nói thành lời, tôi không lên tiếng, anh cũng không nói không rằng, nhưng tôi cảm thấy, anh ấy biết tôi muốn nói cái gì, cho nên ngay lúc tôi vừa mở miệng, Tô Bác lập tức cắt đứt lời tôi.
“Anh, trước khi em sang đây, em có…”
“Ăn xong rồi đúng không?” Anh lạnh lùng đứng dậy thu dọn đồ đạc, xoay người vào phòng bếp, tôi cũng vào, anh tiện tay đóng cửa lại, tôi thấy cái lưng thẳng tắp của anh hơi cong xuống, như là thở dài, rồi thẳng lại rất nhanh, anh nói qua cánh cửa: “A Hạnh, anh hi vọng em, đừng nhắc chuyện này nữa.”
Có lẽ là Tô Bác nghe được, cũng có thể là không nghe được, giọng nói của tôi đã bị tiếng nước át đi, cái thành phố này rất lạnh, gió thổi qua những tòa nhà xi măng cốt thép quét ngang qua tôi, tôi nghĩ, có lẽ đã từng, Tô Bác đã từng nhìn thành phố này, chỉ là cô đơn.
Tôi ngoan ngoãn trở về phòng ngủ, trong lòng của tôi có rất nhiều lời muốn nói, tôi sẽ không nói với Từ Uân, bởi vì giữa chúng tôi chưa bao giờ tri âm tri kỉ nói chuyện với nhau, mà tôi cũng không dám tự tiện liên lạc với Đinh Tự, nhưng tôi cũng không dám mất liên lạc với anh ấy, vì vậy tôi quyết định giả bộ như chưa từng xảy ra chuyện gì, tiếp tục dùng thân phận S tiểu thư để viết thư cho anh ấy.
“D tiên sinh,
Tôi phải nói là, phong thư của anh gửi tôi khiến tôi rất xúc động, tôi đã làm một chuyện mà có thể tôi sẽ phải hối hận cả đời, nhưng quả thật như anh nói, tôi đã làm, cần gì phải quản anh ta, quản kết quả khỉ gió ấy như thế nào, cuối cùng tôi đã làm việc mà tôi đã suy đi nghĩ lại nhiều lần.
Đúng như anh nói, có vài người, một khi để lỡ sẽ không bao giờ ở bên mình nữa.
Tôi rất không thích số lẻ, bởi vì muốn kết thành đôi thì nhất định sẽ bị dư lại một số, tôi không thích mình là người bị dư lại ấy, vâng, tôi sợ cô đơn, sợ yêu nhau nhưng không thể ở cạnh nhau đến lúc cuối cùng, cho nên không thể đồng ý trong tình yêu, có người phải rời đi.
Từ khi tôi biết chuyện, tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ cãi cọ nhau, họ kết hôn hơn hai mươi năm, luôn lắng nghe tiếng nói của con cái, trong mắt người khác họ không còn gì để tiếc nuối.
Đi khám thì phát hiện mẹ tôi bị bệnh ung thư, là lúc tôi học cấp ba, hai người họ giấu tôi, chờ khi kỳ thi kết thúc, tôi về nhà, cảm thấy có gì đó không thích hợp, đã đến giai đoạn cuối mất rồi.
Đêm đó, tôi đem sách vở xé nát hết rồi quăng chúng vào thùng rác, một mình trốn trong chăn khóc lớn, cha tôi tìm sách trong sọt rác rồi dán lại cho tôi, kéo tôi từ trong chăn ra, bảo tôi là: con à, bây giờ con khóc càng đau lòng thì mẹ con nghe được càng khó chịu mà thôi.
Tôi hỏi ông, khi ông biết ông có rơi lệ không?
Ông nói lúc ông biết, ông không quan tâm đến việc có rơi lệ hay không, chỉ đếm khoảng thời gian còn lại của mẹ, có thể cùng mẹ làm cái gì, chỉ thế mà thôi.
Ông nói, con à, con đau lòng cho mẹ con, mẹ con thì đau lòng cho con, bà ấy còn muốn nhìn thấy con tốt nghiệp, muốn nhìn con kết hôn sinh con đẻ cái, con khóc, chính là nhắc nhở bà, bà ấy đã sắp mất những thứ tốt đẹp này rồi.
Vì vậy tôi và ba vẫn như trước kia, vẫn cười yên bình, cùng mẹ đi tái khám, đi tản bộ, mẹ muốn ăn cái gì, cha đều cố gắng thỏa mãn.
Có một ngày, mẹ nói muốn đi xa nhà một chuyến, cha đeo kính đặt mua vé máy bay, tra lộ trình, hai người cứ như vậy xuất phát. Tôi muốn ngăn, nhưng cha đã đứng bên cạnh hỏi tôi, cái mũ mới của cha có đẹp không, lại nói, nhóc con à, trước kia vì nhiều nguyên do nên cha vẫn chưa có cơ hội đưa mẹ con đi chơi, có thể lần này, là chuyến du lịch cuối cùng của cha mẹ.
Bọn họ đi một tuần, mỗi khi đến một chỗ nào đó đều nhờ người khác chụp hình hộ, sau khi về nhà thì mẹ rám đen, gầy hơn, và bệnh tình cũng nặng hơn.
Đến thời kì cuối, mỗi ngày mẹ đều đau đến mức nửa đêm phải thức dậy, có lần tôi rời giường đi ngang qua phòng mẹ, mỗi tiếng mẹ rên đau như kim châm vào tim tôi, tôi im lặng dán người vào góc tường, tôi nghe cha nói chuyện xưa của cha mẹ, họ quen nhau bên bờ hồ vào một trận mưa to, bởi vì có một chiếc dù đưa qua đưa lại. Khi nhận giấy kết hôn, cha đã từng nói sẽ chăm sóc mẹ cả đời, ông vẫn luôn nhớ câu nói kia mãi không dám quên, lúc sinh anh trai, thai vị nằm không đúng chỗ, lúc sinh sẽ dễ gặp nguy hiểm, mà suýt nữa vì một suy nghĩ sai lệch cắt đứt tình cha con.
Cha cố đè nén giọng nói, chớp mắt đã ba mươi năm trôi qua, con trai đã học xong, ở nước ngoài tự mình gây dựng sự nghiệp. con gái cũng đã trưởng thành, đã sắp có thể giương cánh bay cao, cha mẹ đã già, tóc cũng đã bạc trắng, tôi đã từng nói sẽ chăm lo cho bà cả đời, đời này chỉ mới qua một nửa, bà đã vội lìa xa tôi mất rồi.
Đau đớn của mẹ không thuyên giảm, cha đã gầy nhiều, ông cố gắng dùng sức ôm lấy mẹ chỉ mong có thể làm giảm cơn đau của bà, xương tay của ông trắng nhợt, gân xanh trên cổ tay hằn rõ, thật giống như chỉ cần ông ôm không chặt thì sẽ lập tức mất đi, tôi thấy nước mắt nơi khóe mắt ông, khi đó, nhất định ông rất sợ.
Tôi nhớ đêm đó rất rõ, mẹ ngăn không cho ông gọi điện thoại, bà nói bà sợ âm thanh lạnh buốt nơi bệnh viện, muốn mang theo tôn nghiêm mà đi, sau đó, trước ánh mắt cha con tôi, mẹ bình tĩnh nhắm mắt lại.
Trước khi đi, tay bà vuốt mặt cha tới khóe miệng, như muốn khắc nét cười ấy vào đầu, bà nói, ông già, tôi đi trước, ông phải sống thật tốt, đời này, tôi không thể giúp ông nữa rồi.
Cha nén lệ mà cười, ông cầm tay mẹ, cả người run lên, ông nói, đời này đã hết rồi, kiếp sau, hết kiếp sau rồi đến kiếp sau nữa, tôi vẫn sẽ chăm sóc cho bà, bà phải nhớ kĩ bộ dáng của tôi, tôi sẽ tìm bà nhanh thôi.
Mẹ gọi tên cha một tiếng, sau đó hô hấp bình lặng, rất bình lặng, lặng lẽ biến mất, lúc nhắm mắt lại, tay của bà vẫn còn nằm trong tay cha, cha không nhịn được nữa, ông gào khóc như một đứa trẻ.
Lúc hỏa táng, cha yên lặng đứng trước lò thiêu, cứ như vậy nhìn thân thể quen thuộc bị lửa đốt thành tro tàn.
Thời gian sau đó, cha bị bệnh nặng một trận, sốt cao không lùi, phải hơn nửa năm mới dần dần khôi phục, khi đó tôi cảm thấy cha là lạ, một mình ông trong phòng, thả những tấm hình chụp trong khi du lịch trên đầy sàn nhà, cầm rồi lại buông, có thể không ăn không uống cứ ngốc ấy cả ngày.
Nhiều lần tôi thấy bóng lưng đã còng xuống của ông, muốn khuyên ông, nhưng tôi chợt phát hiện có một lực lượng mạnh mẽ vô hình không cho tôi tiến vào, đó là một thế giới hạnh phúc tự xây dựng cho mình, người ngoài không thể xâm nhập làm phiền ông.
Lúc tâm trạng của ông tốt, tôi sẽ tản bộ với ông, mỗi một bước đi ông đều nhắc tới mẹ, vào ngày nào đó tháng nào đó, bọn họ cùng ngồi trên chiếc ghế dài này, hoặc là có lần nào đó ông không nhớ nổi, cái túi nhựa ông xách bị đứt, mẹ đứng bên cạnh lầm bầm rồi ngồi xổm xuống nhặt từng hạt, từng hạt một…
Vụn vặt, tất cả đều là những chuyện nhỏ bình dị vô cùng.
Tôi nói với cha, ở thế giới bên kia nhất định mẹ sẽ sống tốt, nguyện vọng lớn nhất của bà là muốn chúng chúng ta phải tiếp tục sống.
Cha nhìn mặt hồ ngẩn người, con gái, một mình bà ấy bên kia làm sao mà sống tốt cho được chứ, cuối cùng cha cũng phải đi cùng bà ấy thôi. Người cả đời này, không phải xem sống thọ được bao lâu, mà phải xem sống cùng với ai, tâm bị lấy đi cả rồi, phải sống tiếp là một chuyện vô cùng gian nan.
Trang Tử đã nói, tương cứu trong lúc hoạn nạn, không bằng ở chốn sông hồ quên nhau.
Điển cố: Chuyện kể rằng có hai con cá bị sa vào vùng nước cạn, để sinh tồn, hai con cá nhỏ dùng miệng hà hơi ấm cho nhau, tình cảnh như thế làm cho người cảm động.
Nhưng sinh tồn như thế không phải là bình thường, thậm chí là tội nghiệp. Đối với hai con cá mà nói, lý tưởng nhất là chúng bơi được ra biển rộng lớn vô tận, mỗi con có nơi thuộc về riêng bản thân chúng. Cuối cùng, bọn chúng quên mất vùng nước cạn kia. Mỗi con ở một phương, sống hạnh phúc, quên đi lẫn nhau, quên đi những ngày sống dựa vào nhau.
Lời bình : Con cá quên được, có khi có thể sống bình yên. Còn nếu như trong hai có một con không quên được thì sao? Con người đối với tình cảm cũng như thế…”Tương nhu dĩ mạt”, có lúc cần thiết cho sinh tồn, không còn cách nào khác. “Tương nhu dĩ mạt” làm người cảm động nhưng “tương vong vu giang hồ” – quên hết chuyện trước kia cũng là cần thiết.
Có thể lãng quên, có thể bỏ qua cũng là một hạnh phúc.
Khi đã chính thức yêu nhau rồi, vĩnh viễn cũng không thể làm ‘ở chốn giang hồ quên nhau’ được.
Vương Sóc từng viết một quyển tiểu thuyết, tên gọi là “Một nửa ngọn lửa, một nửa nước biển”, chuyện về một nữ sinh đại học bị hấp dẫn bởi một tội phạm toàn thân tỏa ra khí chất thần bí, mà không tài nào tự thoát ra được, cô ấy cố gắng dùng sức mạnh tình yêu để làm thức tỉnh nội tâm điên rồ của anh ta, cuối cùng lại mất lý trí cùng tiến hành trả thù.
Có đôi khi xem rấ nhiều chuyện xưa, cảm thấy, cảm thấy như có một quan niệm nào đó đang nổi loạn, không phải ngược luyến thì không phải tình yêu, phảng phất chỉ có trải qua bình minh trước bão táp rồi đột ngột phát hiện mình đã mất đi người yêu khắc cốt ghi tâm, thẩn thờ trên bãi biển rộng mênh mông nghênh đón một bình minh mới, lúc này mới có thể gọi là tình yêu.
Chính là trước giờ tôi vẫn hướng tới, là loại bình yên khi ở bên cạnh nhau, hòa tan tình cảm vào từng chi tiết trong sinh hoạt, là loại tình yêu tế thủy trường lưu*.
*Tế thủy trường lưu: dùng tiết kiệm thì sẽ xài được lâu.
Tình yêu như vậy, một khi mất đi, sẽ tạo thành thương tổn mang tính hủy diệt, cho dù gió bão đã qua, chỉ còn lại một người thì sinh mệnh cũng đã không còn màu sắc như trước nữa.
Cuối cùng chúng ta cũng thảo luận đến chữ L rồi, giữa Lose và love, tôi vẫn quyết định chọn cái phía sau.
p/s: Đi qua tiệm nhỏ nơi góc đường, một con robot nhỏ đã hấp dẫn tôi, đó là người máy Wall-E cuối cùng, được đặt song song với Eva, chờ tôi kiếm được tiền rồi sẽ mua nó về, Wall-E đã bị người khác mua mất rồi, chỉ còn lại trơ trọi một mình tiểu thư Eva, đang đợi tôi tìm lại Wall-E của cô ấy về, nhưng mà tôi đã tìm ở mấy con phố rồi mà vẫn chưa tìm được.
S tiểu thư.”
Rất kì lạ, sau khi tôi lấy hết dũng khí gửi những lời kia cho Đinh Tự nghe thì tôi cảm thấy rất bình tĩnh, mặc kệ anh ấy trả lời như thế nào, tôi cũng có thể đối mặt.
Tôi muốn ở lại thành phố này một chút, mặc dù có thể nó không hoan nghênh tôi.
Có tiếng gõ cửa phòng ngủ, tôi quăng một câu sao vậy, đáp lại là giọng nói hơi khàn của Tô Bác.