Hãy Để Cô Ấy Đến Bên Tôi

Chương 2: Bội phục từ trong tim





Chuyển ngữ: Hoa Linh Linh

Lâm Thành, mùa đông. 

Tháng 11 dần đến gần, mùa đông ở Lâm Thành cũng lặng lẽ đến theo. Trước kia vào thời điểm này, thành phố ở phía tây bắc nội địa này sẽ dần không còn náo nhiệt nữa. Nhưng năm nay lại xuất hiện một vài cảnh tượng khác thường. Đặc biệt là khuôn viên trường Tây Đại nằm ở góc đông nam của thành phố, thoạt nhìn có thể thấy náo nhiệt lạ thường.


Trong hai ba tháng qua, đề tài thảo luận sôi nổi nhất tại Tây Đại chính là việc thầy giáo Quý Minh Viễn của Học viện Quản lý đột ngột từ chức. Quý Minh Viễn là ai chứ? Sợ là ở tất cả những ngôi trường nổi tiếng về khoa học kỹ thuật và khoa học quản lý, không ai không biết đến cái tên này. 

Chỉ xét riêng về lý lịch, người này đã đủ xuất sắc rồi – Tốt nghiệp tiến sĩ từ Ivy League(1) của Mỹ. Sau khi trở về nước, trước tiên đến làm giảng viên tại trường đại học Thanh Hoa hàng đầu cả nước, sau chuyển đến Học viện Quản lý của Tây Đại giữ chức vụ phó giáo sư, chủ trì qua rất nhiều quỹ khoa học tự nhiên cấp tỉnh và quốc gia, đạt giải quỹ thanh niên xuất sắc toàn quốc, kết quả nghiên cứu nhiều lần được quốc gia khen thưởng và hơn 50 bài báo đã được đăng trên các tạp chí chính thống trong và ngoài nước về lĩnh vực này. Với những nghiên cứu khoa học như vậy, cho dù ở trong học viện quản lý với rất nhiều thanh niên xuất sắc và viện sĩ của Tây Đại đi nữa cũng đủ làm người khác chú ý rồi, chưa kể người đó chỉ là một học giả trẻ vừa tròn 32 tuổi. Có một tương lai đầy hứa hẹn không thể chắc chắn hơn.

(1) Ivy League là tên gọi của nhóm 08 trường đại học, viện đại học có hệ thống triết lý giáo dục và chất lượng đào tạo hàng đầu nước Mỹ.

Trong trường, Quý Minh Viễn cũng rất được yêu thích. Trước giờ Tây Đại vẫn luôn mở các lớp học đại cương, nói là nằm trong chương trình học, nhưng thực tế đều là các lớp toạ đàm. Chương trình học này vô cùng rộng, có một môn về khoa học quản lý do Học viện Quản lý chủ giảng. Trước khi Quý Minh Viễn đến trường, bộ môn này vẫn luôn do các giáo viên của Học viện Quản lý luân phiên giảng dạy. Nhưng sau khi Quý Minh Viễn đến, bộ môn này có thể nói là do anh đảm nhận hết. Những môn học khác không có anh, mọi người có thể nói là đi để học hỏi thêm kiến ​​thức, riêng môn quản lý khoa học này, là vì Quý Minh Viễn mà đến. 

Trong diễn đàn nội bộ của Tây Đại, có một mục chuyên để đánh giá giáo viên, mỗi khi hết thúc một học kỳ sẽ có một cuộc bình xét. Dưới mục môn học đại cương, trong rất nhiều chủ giảng, Quý Minh Viễn vẫn luôn đứng đầu, địa vị trước sau không đổi. Tất nhiên trong này có sự ảnh hưởng từ kiến ​​thức phong phú của Quý Minh Viễn, nhưng nhiều hơn cả là do sự hấp dẫn từ cá nhân anh.


Ở Tây Đại có một câu nói rằng, lên lớp của Quý Minh Viễn không cần mang theo bút và vở. Không phải vì sau mỗi buổi học sẽ được gửi ppt, mà là vì lên lớp chỉ nghe anh giảng thôi cũng đã đủ rồi, căn bản không có cách nào để tâm ghi chép nữa. Ở Tây Đại nhân tài đông đúc này, không hiếm giáo viên xuất sắc có những cách giảng dạy hay, dí dỏm và hài hước, nhưng giáo viên có gương mặt anh tuấn, lại có thể dùng thái độ vô cùng tự nhiên và ung dung để giải thích những nội dung khô khan khó hiểu ban đầu trong sách ra một cách dễ hiểu, dễ tiếp cận nhất thì không nhiều. Loại người này, bản thân anh đã mang theo khí thế mạnh mẽ bức người, nhưng lại cứ như được tắm trong gió xuân(2), khiến bạn không thể cảm nhận được dù chỉ một chút cảm giác bị IQ đè bẹp và cao cao tại thượng. Đối với loại người này, tất cả những gì bạn có thể làm ngoài bội phục ra, chính là khuất phục.

(2)Nguyên văn 春风化雨/Xuân phong hoá vũ: Có nghĩa là được tắm gội trong gió mưa xuân, nên rất thoải mái dễ chịu, ví như được sự giáo dục lành mạnh của các bậc minh sư. Được học với các thầy cô giỏi như được tắm gội trong mưa xuân gió xuân, như được “Xuân phong hóa vũ!”

Phẩm đức cao quý, thanh cao, chỉ có thể ngưỡng mộ, bội phục từ trong tim. Quý Minh Viễn chính là loại người như vậy.

Mỗi khi Tây Đại mở cổng thông tin bắt đầu cho sinh viên chọn môn tự chọn cho học kỳ mới, môn quản lý học do Quý Minh Viễn đứng lớp đều sẽ là chiến trường bi thảm của nhiều sinh viên, đây là một bài khảo nghiệm về hệ thống chọn môn, tốc độ mạng, tốc độ tay và nhân phẩm vận khí của mỗi người. Thế mà năm nay khi mọi người mở hệ thống chuẩn bị bắt đầu một đợt chém giết lẫn nhau mới, lại phát hiện chủ giảng của môn quản lý học đã đổi người, về phần Quý Minh Viễn, lật cả trang mạng lên cũng không tìm được chương trình học nào của anh! Thật là kỳ lạ.

Sau một trận ồn ào, trên diễn đàn trường lan truyền tin Quý Minh Viễn đã từ chức và trở về Yên Thành. Lúc đầu nhiều người còn không tin, đến khi đánh cũng không đánh được nữa liền nối tiếp nhau khóc lớn. Thầy Quý thần tiên ơi, tại sao thầy lại đi rồi! Thầy mau trở lại đi mà!


*

Trong phòng học của Học viện Quản lý lúc này là một mảnh yên tĩnh, mọi người đều ngồi trước vị trí của mình lách cách gõ bàn phím, hoặc là vội vàng viết báo cáo dự án, hoặc là viết bài báo. Đây là trạng thái hàng ngày của phòng học này, mỗi người đều thuộc một nhóm nghiên cứu lớn hoặc nhỏ, trong tay có những tài liệu chưa xem hết, những đề tài chưa hoàn thành và những bài báo chưa viết xong. Chỉ có liều mạng như vậy, mới có thể gửi đi một bài báo chính bằng tiếng trung hoặc tiếng anh trước khi tốt nghiệp, mới giành được tư cách bảo vệ luận văn thạc sĩ và thuận lợi cầm được bằng tốt nghiệp. Đây là cuộc sống bận rộn hàng ngày của một sinh viên hệ thạc sĩ trong ba năm, hoàn toàn khác với cuộc sống của một sinh viên đại học.

Hứa Giai Ninh tranh thủ viết xong bảng tổng kết rồi gửi đến hộp thư của Ông Na trước 4 giờ. Gần đến cuối năm, lại sắp đến lúc viết sổ ngân sách xin đề tài, Ông Na với tư cách là giáo viên trẻ nòng cốt của học viện, đương nhiên cũng sẽ tham gia vào việc này, cô ấy đã bắt đầu chuẩn bị từ sớm, để sinh viên của mình thu thập tài liệu chuẩn bị sơ bộ. Thông thường những nhiệm vụ như vậy sẽ thuộc về bạn học của cô, Tôn Đồng, nhưng kể từ khi Hứa Giai Ninh đến, Ông Na liền giao những nhiệm vụ đó cho cô. Bảng tổng kết tài liệu nghe có vẻ đơn giản, chỉ là tổng hợp những nghiên cứu của người trước, nhưng trên thực tế, nó thực sự là một việc khá rườm rà và cần sự tinh tế tỉ mỉ, nó đóng vai trò là nền tảng của cả đề tài. Làm tốt bảng tổng kết, sau này việc chọn hướng nghiên cứu, phương pháp và viết báo cáo tổng kết sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. So với Tôn Đồng, Hứa Giai Ninh là một cô gái sẽ càng cẩn thận tỉ mỉ và nghiêm túc hơn. Ngoài việc này ra, tiếng anh của cô cũng rất tốt, đọc tài liệu nước ngoài có thể nói là không gặp bất cứ trở ngại gì, hiệu quả hơn Tôn Đồng phải dịch từng đoạn một trên google nhiều. Ông Na sau khi nghĩ một hồi, liền nhận thức được cô sinh viên này quả thật rất tốt, nên hễ là nhiệm vụ như thế này, cô ấy đều sẽ giao cho cô mà không cần cân nhắc.





Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.