Hiệp Giả Hệ Thống Dị Giới Hoành Hành

Chương 94: Ngươi có vũ khúc, ta có vũ đài



Mùng một Nguyên Đán, đêm khuya tĩnh mịch, trăng sao treo giữa trời.

Cuối giờ Tý, đầu giờ Sửu, một chiếc xe ngựa với ngoại hình xa hoa tráng lệ dừng ngay trước cửa học đường, choán hết cả lối đi trong hẻm Hướng Dương.

Con bạch mã ở đầu xe đứng ngủ ngon lành, có lẽ nó đã quá mệt mỏi với những chuyện khủng khiếp vừa xảy ra khi nãy, thế giới loài người quá phức tạp với một con gia súc như nó.

Bên trong học đường, Từ Hiền xếp chồng mấy cái bàn học lên nhau để tạo khoảng trống, hắn và Bao Ngạo Thiên chia thành hai bên ngồi đối diện nhau, ở giữa có một cái bàn ngăn cách.

Lui về sau nửa thân vị, Công Tôn Thư và Triển Ngọc Đường ngồi quỳ hai bên trái phải của Bao công tử, khẳng định thân phận người chủ sự của y.

Từ Hiền còn định đi lấy nến trong phòng ra thắp sáng, nhưng sau khi thấy Bao Ngạo Thiên lấy ra hai viên dạ minh châu to như quả trứng gà, hắn cũng rất vui lòng ngồi yên tại chỗ.

Nhà tranh đã hủy, đêm lại đã khuya, Từ Hiền không tìm được chỗ nào khác để trú thân, đành đến học đường ở tạm.

Bao Ngạo Thiên vốn nên đến từ đâu thì về tới đó, có chăn ấm nệm êm nhưng y không chịu, biết được Từ Hiền chính là tên Từ tiên sinh mình muốn gặp mấy lần không được, y nào chịu bỏ qua như vậy, nhất quyết phải bám theo, giống như sợ hắn lại trốn mất.

Từ Hiền cũng bó tay với sự dây dưa của y, dù sao thì đôi bên cũng vừa chung hoạn nạn, nếu hắn vì thế trở mặt thì thật quá thiếu đạo nghĩa, cực chẳng đã cũng đành mời họ tới học đường.

Bao công tử tuy đã quen thói xa hoa, nhưng cũng không ghét bỏ việc ngồi bệt dưới sàn như thế này, ngược lại có phần cảm thấy thích thú.

Ngủ trên lớp học, cũng đã nhiều năm rồi y không làm cái việc đó, hôm nay định thử lại coi sao.

Ánh mắt hau háu nhìn Từ Hiền, Bao Ngạo Thiên nói với ngữ khí chờ mong: “Sao hả Từ tiên sinh, đề nghị của Bao mỗ, ngươi thấy thế nào?”

Đồng sinh cộng tử một lần, quan hệ coi như không cạn, y cũng không giở giọng tự xưng “bổn công tử” làm gì.

Chuyện là trên đường từ Ngạn Thủy đến học đường, sau khi giới thiệu thân phận đôi bên, Bao công tử cũng không vòng vo, báo cho Từ Hiền biết rằng y hiện đang nắm quyền quản sự của Giang Hồ Nhật Báo ở mấy chục huyện vùng này.

Lượng tiêu thụ của Giang Hồ Nhật Báo tuy rằng vẫn ổn định, nhưng mấy năm gần đây bắt đầu chạm đến bình cảnh, sợ là khó có đột phá gì hơn, cho nên Bao Ngạo Thiên nảy ra ý tưởng mở chuyên mục mới nhằm thu hút thêm tân đọc giả, dựa vào đó làm bàn đạp vượt lên Võ Lâm Thời Đại và Phong Vân Nguyệt San, trở thành tờ báo lớn nhất thiên hạ chứ không còn cái danh “một trong ba” nữa.

Nói là chuyên mục mới, nhưng đối với kẻ có ký ức tiền kiếp như Từ Hiền thì quá cũ kĩ.

Đăng tiểu thuyết nhiều kỳ.

Thế giới này lấy võ đạo vi tôn, tuy hơn chín thành người trong thiên hạ chỉ là người bình thường, nhưng điều đó cũng không khiến họ từ bỏ việc yêu thích nghe ngóng chuyện võ lâm giang hồ.

Vậy nên các trang báo đăng tin về những chuyện xảy ra trong giang hồ mới có thể tồn tại đến giờ, bởi không chỉ nhân sĩ giang hồ mà rất nhiều bánh tánh bình thường cũng muốn đọc.

Ngược lại, xã luận, luận văn gì đó về vấn đề quốc gia đại sự thì có rất ít người quan tâm.

Ngày xưa từng có vài tờ báo sáng lập ra với tư tưởng bài xích giang hồ, chỉ tìm các học sĩ, học giả, tài tử về đóng góp văn chương, các tin tức thường nhật cũng không hề nhắc đến chuyện võ lâm.

Trăm tờ báo như vậy có chín mươi chín tờ đã chết, số ít còn lại dù vẫn tồn tại nhưng cũng chỉ là thoi thóp hơi tàn, chưa biết chừng ngày nào đó liền đứt gánh chứ đừng nói đến việc cạnh tranh với ai.

Những tờ báo đó đến ngày nay đã không còn ai quan tâm đến, nhưng Bao Ngạo Thiên có, bởi y muốn tìm ra nguyên nhân vì sao một phần trong số chúng lại còn sống đến tận bây giờ.

Và thế là Bao công tử có một phát hiện, đó chính là ngoại trừ thị phi giang hồ, có không ít người đọc còn yêu thích những mẫu truyện ngắn, những truyền thuyết dân gian thi thoảng được đăng chêm vào cho đủ số.

Mà so với những mẫu truyện ngắn đó, tiểu thuyết dài kỳ lại càng được nhiều người yêu thích hơn, chỉ là giá thành khá cao do đều được in thành sách nên bách tính bình thường khó tiếp cận, cũng vì thế mà nghề thuyết thư mới tồn tại được tới ngày nay.

Thế là Bao Ngạo Thiên bỗng sinh ra một ý tưởng, thay vì in thành sách lẻ xuất bản, chi bằng lấy tiểu thuyết chia ra nhiều kỳ đăng lên báo thì thế nào?

Giá một tờ báo thì rẻ hơn mấy chục lần một quyển sách, như vậy chẳng phải sẽ khiến người đọc có một loại ảo giác là họ kiếm được món hời. Mặc dù muốn đọc hết một bộ tiểu thuyết, số tiền họ phải bỏ ra mua báo cũng ngang ngửa việc mua sách.

Ý nghĩ của Bao công tử là khả thi, nhưng có một vấn đề cốt lõi cần y giải quyết thì ý tưởng này mới thành công được, đó chính là chất lượng của tiểu thuyết.

Giang Hồ Nhật Báo đã chính thức phát hành ở vùng ven Đông Nam Đại Xương được bảy ngày, nhưng trên báo vẫn chưa xuất hiện một chương một hồi nào, bởi lẽ Bao công tử xem xét gần trăm tác phẩm rồi mà không có lấy một bộ lọt vào pháp nhãn của y.

Y cũng có mượn thế gia tộc mà liên hệ một số danh gia kỳ cựu, nhưng vừa nghe nói là đăng trên nhật báo, dù kiêng kỵ uy thế của Long Đằng Bao thị, họ vẫn kiên quyết chối từ.

Nếu là Phong Vân Nguyệt San hoặc Võ Lâm Thời Đại, có lẽ họ còn phải suy tính, nhưng Giang Hồ Nhật Báo thì vẫn là thôi đi.

Tự cho là thanh cao, họ nghĩ rằng văn chương của mình vốn nên in sách lưu truyền mới xứng với thân phận danh gia, nghĩ rằng văn hay chữ đẹp sao có thể đăng chung với mớ tin tức loạn thất bát tao kia được?

Đương nhiên, số lượng đọc giả khổng lồ của Giang Hồ Nhật Báo cũng hấp dẫn một số tay bút muốn mua danh chuộc tiếng, nhưng trình độ của những kẻ đó lại không theo nổi dã tâm của bọn họ.

Danh gia thì mời không được, tác phẩm kém cỏi thì không lọt mắt, Bao Ngạo Thiên đến giờ vẫn chưa tìm được người nào có giai tác mà lại không mắt cao hơn đầu, ngoại trừ Từ Hiền.

Theo những gì mà Bao công tử tìm hiểu được lúc mới đến Bạch Long Trấn, Từ tiên sinh là một kẻ biết kính trên nhường dưới, có thể tán gẫu với người già, chơi đùa với trẻ nhỏ, sang hèn quý tiện đều đối xử ngang hàng, chắc chắn sẽ không cho thư tịch là cao mà coi báo giấy là thấp.

Quả thật như thế, đối với Từ Hiền thì chỉ cần có thể truyền tải tri thức, sách vở cũng được, báo giấy cũng được, thậm chí đến cả vách tường, phiến đá hay lá chuối đều như nhau, không có gì khác biệt, nào nói đến cao thấp gì ở đây.

Cho nên hắn nhẹ gật đầu, từ tốn hỏi lại: “Vậy ý của Bao huynh là muốn đăng nhiều kỳ Bạch Xà Truyện?”

Tính trẻ con của Bao Ngạo Thiên lúc này bị ẩn đi tám chín phần, gật đầu rồi lại lắc đầu, y nói với giọng nghiêm túc:

“Không chỉ Bạch Xà Truyện, Từ tiên sinh nếu có những tác phẩm khác, chỉ cần đạt yêu cầu của Bao mỗ cũng có thể đăng nhiều kỳ trên báo.”

Từ Hiền nghe vậy, thần sắc nhàn nhã, không nhanh không chậm hỏi tiếp: “Như vậy nhuận bút lại tính thế nào, Bao huynh có thể cáo tri cho tại hạ?”

Chưa được ba câu đã nhắc đến tiền, nhưng thái độ của Từ Hiền lại chẳng chút nào tục, ngược lại càng khiến người ta cảm nhận được sự thẳng thắn, không thích giả bộ thanh cao của hắn.

Thật vậy, Từ Hiền không coi trọng tiền tài, “quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, vô công thụ lộc, hắn sẽ không làm.

Nhưng những gì bản thân đáng được hưởng, hắn cũng sẽ không bày bộ mặt dối trá.

Bạch Xà Truyện tuy có một phần tình tiết là do Từ Hiền tự nghĩ, nhưng đến cùng vẫn là dựa vào tác phẩm của người khác. Nếu có thể kiếm được tiền từ nó, hắn cũng sẽ không lấy làm lợi cho mình mà dùng để trả lại cho đời.

‘Người này tính tình ngay thẳng, có thể kết giao.’ Sau lưng Bao Ngạo Thiên, Công Tôn Thư gật gù nghĩ thầm, lại bắt đầu suy tính làm sao giúp công tử nhà mình thu hắn về dưới trướng.

Lúc này, chỉ nghe công tử nhà y đáp lại: “Vấn đề nhuận bút sao…” Bao Ngạo Thiên nói tới đó chợt chuyển sang chuyện khác:

“Không giấu gì ngươi, Giang Hồ Nhật Báo nhà ta kinh doanh nhiều đời, tuy vẫn ăn nên làm ra, nhưng thời gian gần đây đã bắt đầu chững lại, Bao mỗ vì muốn nhật báo tìm được mùa xuân thứ hai, nên mới nghĩ ra chuyên mục mới này, cốt yếu để thu hút thêm nhiều người đọc.”

Nói đoạn y liền giơ hai ngón tay lên mà bảo rằng: “Vì vậy, Bao mỗ hiện có hai phương án trả nhuận bút, thứ nhất chính là đánh cược.”

Bao công tử gập ngón trỏ xuống, giải thích:

“Đánh cược, nghĩa là sau khi tiểu thuyết được đăng báo, nếu doanh số bán của Giang Hồ Nhật Báo được cải thiện so với trước, vậy thì Bao mỗ sẽ trích một phần bạc từ chênh lệch tăng làm nhuận bút cho ngươi, tiểu thuyết của ngươi càng được yêu thích thì thu hoạch được càng nhiều, ngược lại thì sẽ không có một xu nào, đánh cược chính là như thế.”

Nói xong, y duỗi ngón trỏ lên lại, tiếp tục giải thích:

“Phương án thứ hai, Bao mỗ bỏ ra một khoản tiền, coi như mua đứt tiểu thuyết của ngươi, sau đó lời hay lỗ đều là chuyện của Giang Hồ Nhật Báo, không còn liên quan gì đến ngươi nữa.”

Nói đến đây, trên mặt Bao Ngạo Thiên bỗng hiện ra một nụ cười ý vị thâm trường, không kiêu không vội, hỏi ngược lại Từ Hiền:

“Vậy… Từ tiên sinh, ngươi vừa ý loại phương án nào?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.