Vương hoàng gác khuỷu tay trên ghế, áo bào vàng tươi thêu hồ điệp* bao trùm thân thể gầy yếu, đầu mày chau lại, môi bặm chặt, toàn thân toát lên vẻ uy nghiêm không thường thấy. Quốc sư nhìn sắc mặt của ngài, nuốt về những lời khuyên lơn, chỉ đặt tay lên ngực hành lễ rồi ngồi xuống ghế dưới một bậc.
* Biểu tượng của tộc Điệp Cách.
Ô Hiên vừa lòng với hắn, vẫy tay gọi cung tì bưng trà châm nước cho Quốc sư. Dẫu có thế nào thì ông cũng là một vị vua, cố nhiên gai mắt kiểu quan viên tự cho rằng mình đúng mà lắm mồm khuyên bảo.
Mạc Tử Liên nhìn vết thương của Quân Huyền được băng bó xong mới đứng lên, chuông bạc trên mình đệm leng keng, đá vào tấm áo dưới đất: "Lễ vật của bổn tọa dành cho nhị vị."
Một cái đầu người lăn ra khỏi lần áo nhuốm máu, trên gương mặt dúm dó còn nguyên nét hấp hối và hai con mắt cay độc long sòng sọc. Thủy Nguyện có chút ngờ vực, nhíu mày quan sát phục sức trên thủ cấp, cõi lòng chợt trầm xuống, siết chặt tay bưng chén trà.
"Hừ." Đợi cho đám ngự y cắm đầu biến đi hết, vương hoàng mới khịt mũi hừ lạnh, chẳng hề che giấu oán hận nói: "Ngươi rất giống cha ngươi."
"Đa tạ lời khen." Y xòe tay rồi chỉ vào cái đầu người: "Hơn hai mươi năm trước cha ta đã chặt đầu tộc trưởng Xích Khu thay mẹ ta trả thù, ngài còn chưa hài lòng mà đưa mạng con cháu lão đến cho ta. Bây giờ lão đó đoạn tử tuyệt tôn rồi, ngài vui chưa?"
"Cha ngươi mơ tưởng đến Cửu công chúa của Ô thị, đây vốn là việc hắn phải làm."
Mạc Tử Liên thở mạnh ra một hơi, vẻ ngán ngẩm, ngồi xuống giường ôm lấy ca ca.
Nguồn tài nguyên ở Tây Vực khan hiếm, các tộc người rải rác và dân du mục va chạm, xung đột liên miên. Tam vương thúc của Ô Hiên - tức cha thân sinh của Cửu công chúa - ngày xưa bị tộc trưởng tộc Xích Khu sát hại, Tát Phục cũng từng vì mua nụ cười của mỹ nhân mà thay nàng trả thù cho 'cha vợ'. Bẵng qua bằng đấy năm, thời buổi loạn lạc này, bất kì một mồi lửa nhỏ nào cũng có thể khiến một bộ tộc nổi dậy.
"Hiện tại đã muộn rồi, hẳn cốc chủ đi đường cũng thấm mỏi mệt." Quốc sư vẫn tay ra hiệu cho cung nữ châm trà cho Mạc Tử Liên, nâng chén hòa hoãn bầu không khí: "Chủ nhà chúng ta không tiện thực hiện các lễ phép đãi khách với quý cốc chủ và..."
"Cốc chủ phu nhân." Y thản nhiên bổ khuyết.
"Lệnh khang lệ." Thủy Nguyện hơi bặm môi, không kìm được ánh mắt muốn nhìn mặt người đó nhưng Mạc Tử Liên cố tình ôm vai y, giấu mặt y vào lòng mình. Hắn chỉ thấy lờ mờ dáng vẻ, mỉm cười: "Thế nên lúc này bản nhân mạn phép kính cốc chủ một chén, xin mời nhị vị về nghỉ ngơi, thể thức dời sang ngày mai, khi ấy chúng ta hãy nói tiếp."
Uống cạn chén trà nóng, tuy đầu lưỡi cay đắng mà bụng dạ Thủy Nguyện buốt lạnh. Mạc Tử Liên không lần lữa nhiều lời, trả chén liền đứng dậy, mang một thân phong trần và người trong lòng đi nghỉ ngơi.
Cái đầu người Xích Khu vẫn nằm chính giữa điện.
"Bệ hạ." Quốc sư xua đuổi hết người dưới, trông nét mặt bực dọc của người bên cạnh, đánh một tiếng thở dài: "Tội tình gì bệ hạ phải làm như vậy? Ngọc thể của bệ hạ quý giá với dân ta biết bao, nếu bệ hạ có mệnh hệ gì thì tộc Điệp Cách sẽ ra sao?"
Ô Hiên quở giọng: "Vẫn còn ái khanh lo liệu đấy thôi. Có tấm gương của Cao Yên thị, Sài thị và Tát Lãng thị há dám nhúng tay vào hoàng vị."
"Bệ hạ, thần biết ngài oán hận Tát Phục không cứu Cửu công chúa nhưng Mạc cốc chủ vô can..."
"Khanh không biết! Khanh làm sao biết được!" Vương hoàng gắt gỏng đập tay ghế: "Từ ngày cô lên ngôi, có bao giờ bọn quan viên thực lòng xem cô là vua của chúng? Suốt bảy năm đầu tiên, lúc nào cũng có lời ra tiếng vào đàm tiếu, cá cược xem cô có thể sống được mấy năm. Cô biết cơ thể mình yếu, nỗi đau đớn nghẹt thở như thiêu cháy phế phổi của mỗi lần phát bệnh cứa sâu vào xương tủy cô, khiến cô không ngừng cho rằng lần này mình chết chắc rồi. Nhưng... - cô vẫn sống, cứ đau khổ tột cùng rồi lại được cứu rỗi. Hơn bốn mươi năm qua cô đã dạo quanh Quỷ Môn quan cả vạn lần. Cuộc sống không bằng cái chết như thế làm sao khanh hiểu được? Một người có cơ thể khỏe mạnh làm sao hiểu?"
Quốc sư không hé răng, lắng nghe ngài trút bỏ nỗi lòng.
"Cô khát khao làm vị vua tốt lắm chứ, song ai sẽ muốn phục vụ một vị chúa bất cứ lúc nào cũng có thể lăn đùng ra chết?" Vừng trán ngài hằn nếp nhăn, ánh mắt trở nên xa xăm, "Chỉ có A Hoan thực lòng muốn giúp cô trị vì dân tộc này. Nàng nghiêm túc làm cố vấn cho cô, hỗ trợ cô ban hành và thực thi sắc lệnh. Nàng cam chịu kham khổ đều vì muốn dân tộc này trở nên tốt hơn." Giọng ngài thoắt như bật khóc, "Cái gã Tát Phục nhăn nhở kia, có sức khỏe, có trí tuệ, cái gì cũng hơn cô. Gã lúc nào cũng ra vẻ ta đây lắm, vì sao lại không cứu nàng? Cô đã cố gắng để tạo cơ hội cho nàng và con thoát nạn. Hà cớ gã không đưa nàng trốn đi? Nỗi oán hận này cô biết trút vào đâu?"
Ngài bặt câm, chỉ phát ra tiếng thở nghèn nghẹt, đứt quãng. Đâu phải ngài không cố gắng cứu Cửu A Hoan, ngài đã từng nỗ lực trên cái thân xác đớn hèn này không chỉ mấy mươi lần song trong tất cả bi kịch, ngài không cứu được A Hoan, cũng không cứu được người con gái mình yêu, Minh Âm. Dưới đàm tiếu miệng đời, ngài còn bị gán danh 'gϊếŧ con' - ngài thề với trời mình không làm chuyện táng tận lương tâm như vậy dầu có ghét Cao Yên thị thế nào. Cả ngài cũng không biết tại sao con chết. Hồi tưởng về chặng đường đã qua, Ô Hiên nhận ra ngài chẳng làm được cái gì cho ra hồn: làm vua, làm anh, làm chồng, làm cha đều thất bại. Thật ra người ngài oán hận nhất chính là bản thân mình.
Tất cả những gì ngài làm được chỉ là ngồi vững trên cái ngai vàng lạnh lẽo đến tột cùng. Tất cả những gì ngài có cũng chỉ là một nơi cao tót vời cô độc, còn lại đều rời bỏ ngài.
Song chính mẹ ruột đã xiềng xích ngài trên ngai.
"Có rất nhiều lúc cô oán trách mẫu hậu, oán trách tại sao bà phải cố chấp đưa cô lên ngai vàng? Chỉ bởi vì quyền lực thôi ư? Nhưng mẫu hậu dẫm lên lương tâm để tranh đấu, đổ máu vô số cũng có được mấy năm cầm quyền đâu? Đoạt được cả thiên hạ mà lại đánh mất tính mạng thì có ích gì? Trao quyền cho thằng con vô dụng như cô thì có ích gì chứ? Giá như cô chỉ là một thân vương nhàn rỗi thì có phải hơn không? Ngai vàng hãy nên được trao cho người có năng lực vực dậy dân tộc Điệp Cách..."
Những lời tiếp theo Thủy Nguyện chợt không nghe vào nữa, tựa hồ có một cơn gió mạnh nổi lên thổi tan giọng nói buồn thảm của vương hoàng. Hắn tự tay dìu ngài về tẩm cung, khe khẽ dặn dò mấy lời quen thuộc, hạ lệnh bắt cung tì đeo hoa hồi chiều, cho phạt trượng rồi tống cổ về Ti Cung Vụ, răn đe đám cung nhân hầu hạ bệ hạ một trận đoạn mới trở lại tháp.
Sầm Canh vừa rửa ráy xong, đang chải đầu, bắt gặp ánh nhìn trân trân của hắn, nhướng mày hỏi: "Lần đầu thấy con người chải tóc à?"
"Sầm Canh." Thủy Nguyện xoa cổ tay buốt giá, bặm môi: "Có chuyện ta muốn hỏi."
Tháp Ngài có hai nền móng, Thư cấm nằm trên nền móng dưới cùng của tòa tháp, là một gian phòng bí mật, biệt lập dưới mặt đất, tuyệt đối cách âm, kín đáo. Quốc sư gác quyền trượng vào giá đỡ, rút ra một cuộn giấy lụa, tìm một cái tên, đọc: "Ô Cách Lỵ Mạt Chi, Nhị vương nữ, trưởng nữ của Ô Ngũ Phán vương, chị cả của Ô Ngũ vương hiện tại; từng là học trò của Nạp Lan Đại tư tế, đủ mười sáu tuổi nhận chức Giáo tập ở trong vương cung dạy dỗ cho các vương nữ; hai mươi hai tuổi lâm bệnh, phải từ chức về tịnh dưỡng, cùng năm thì qua đời. Tính từ năm ấy tới nay vừa khéo khớp với số tuổi của Nạp Lan Dao Chước.
"Nhị vương nữ Mạt Chi từng được Thái hoàng mẫu điều đến để dạy quy củ cho Cửu vương nữ và mẹ ta trước khi hai ngài vào cung; sau khi hai ngài vào cung lại được Đại tư tế dạy dỗ. Có lý nào đây chỉ là trùng hợp? Hoặc giả... Nhị vương nữ Mạt Chi chính là mẹ ruột của A Dao? Nếu vậy thì lúc hai mươi hai tuổi, bà ấy chưa từng bị bệnh mà là..."
"Mang thai." Sầm Canh tiếp lời, vuốt mép sách lụa: "Khá hợp lý, thời điểm đó Đại tư tế ba mươi hai, cũng đương tuổi tráng niên, đàn ông chững chạc, thành thục dễ thu hút gái trẻ. Với cái tính kênh kiệu của hoàng tộc, chuyện cỏ non chủ động dụ dỗ trâu già không phải là không thể xảy ra."
Lời lẽ chợ búa của gã chọc Thủy Nguyện có chút chướng tai, nhíu mày: "Nguyên phối* của Đại tư tế là Hải thị xuất thân từ một gia tộc trung lưu, lúc đó đã sinh ra hai trai, một gái: Nạp Lan Hòa Mỹ, Nạp Lan Hòa Lệnh và Nạp Lan Hòa Ý. Hòa Ý gả cho một gia đình trung lưu; Hòa Mỹ lấy con gái Sài thị, sinh ra một bé gái rồi đột ngột tạ thế; còn thứ nam Hòa Lệnh... từng được Thái hoàng mẫu có ý chỉ hôn cho Cửu vương nữ!"
* Bạn đời danh chính ngôn thuận.
Chuyện thứ nam Nạp Lan Hòa Lệnh của Đại tư tế từng được ngỏ ý chỉ hôn với Cửu vương nữ vốn là tiếng gió trong vương cung, chưa từng định xuống, có nhắc tới cũng chỉ là nói cho vui mồm. Song, nay đấy chính là một manh mối quan trọng. Thủy Nguyện cảm thấy tim đập nhanh hơn: "Nếu thực sự là vậy thì chứng tỏ Thái hoàng mẫu và Đại tư tế có mối quan hệ rất mật thiết. Nếu thực là Thái hoàng mẫu bao che cho Đại tư tế tằng tịu với Nhị vương nữ Mạt Chi, hạ sinh Nạp Lan Dao Chước thì mục đích của bọn họ..."
Hắn chợt cắn môi im bặt, ngước đôi mắt sáng quắc nhìn Sầm Canh: "Ngươi chắc chắn rằng người đàn ông kỳ bí kia trông rất giống Khê điện hạ?"
"Cực kỳ giống." Gã nhấn mạnh.
"Ta cho rằng người đàn ông đó chính là Nạp Lan Hòa Lệnh... Giả sử A Dao đúng là con của Đại tư tế và Nhị vương nữ; Khê điện hạ cũng thật là con của Nạp Lan Hòa Lệnh và Cửu công chúa; Thái hoàng mẫu và Đại tư tế thực chất có quan hệ mật thiết. Vậy thì tính ba đời kể từ Thái hoàng mẫu..." Hai bàn tay siết chặt của Thủy Nguyện thoáng run lên vì phẫn khích.
Thái hoàng mẫu Nạp Lan thị gả làm Hậu của Tiên hoàng, hạ sinh năm đứa con song ngoài Ô Hiên thì tất cả đều chết yểu. Ngày nay khó mà nói rõ nội tình tranh đấu năm xưa khốc liệt dường nào để biến một thiếu nữ đơn sơ trở thành một người đàn bà tàn nhẫn khét tiếng. Cái tiếng bảo bọc con như trứng mỏng của Thái hoàng mẫu khắp vương thành đều biết tận, y sư, người hầu chăm sóc Ô Hiên đã bị xử tử rất nhiều.
Vậy, vì sao bà lại phải đưa Ô Hiên lên hoàng vị trong khi biết rõ người con này không có năng lực? Nếu muốn bảo vệ con, lẽ ra - như bệ hạ nói - bà nên làm khác.
"Thái hoàng mẫu vừa mắt Cửu vương nữ, liền giao nàng cho Đại tư tế dạy dỗ - dựa vào đây mà nói - tại thời điểm đó nhất định Thái hoàng mẫu rất tín nhiệm Đại tư tế. Cẩn thận suy xét lại, mối quan hệ giữa Thái hoàng mẫu và Nạp Lan thị bắt đầu trở nên căng thẳng từ khi bệ hạ lên ngôi, từ lúc đó bà và Đại tư tế cũng xem như trở mặt. Nhưng Thái hoàng mẫu lại chưa từng để lộ điều tiếng về bê bối nɠɵạı ŧìиɦ của Đại tư tế. Thực khó hiểu... giữa hai phe chính trị tranh đấu, danh tiếng chính là đòn chí mạng." Thủy Nguyện nhíu mày suy nghĩ: "Rõ ràng có rất nhiều mối liên kết ở đây nhưng cũng có quá nhiều câu hỏi 'tại sao' khó lòng giải thích..."
Ví như tại sao Thái hoàng mẫu lại bồi dưỡng Cửu công chúa? Tại sao bà phải che giấu 'vụ bê bối' của Đại tư tế? Là điều gì liên kết hai con người cầm quyền này với nhau? Tại sao bọn họ muốn chỉ hôn cho Cửu công chúa với Nạp Lan Hòa Lệnh? Tại sao Thái hoàng mẫu và Đại tư tế mâu thuẫn?
"Ngươi suy nghĩ rắc rối quá." Sầm Canh phá vỡ sự trầm mặc: "Xuyên suốt tất cả mọi chuyện đều chỉ có một mối liên kết."
Gã đặt đầu lưỡi giữa môi dưới, uốn cong chạm vào hàm trên, như ve sầu thoát xác phun ra hai chữ: "Huyết thống."
Huyết thống.
Ô Hiên chảy dòng máu Nạp Lan thị và Ô thị. Nếu A Dao thật là con của Nhị vương nữ thì cũng chảy dòng máu Nạp Lan thị và Ô thị. Tương tự với Ô Khê. Mạc Tử Liên cũng có giọt máu Nạp Lan thị trong người - bà nội y là người Nạp Lan thị. Điểm chung của ba người là huyết thống của Nạp Lan thị và Ô thị. "Nếu vậy..." Quốc sư bán tín bán nghi, mi gian hằn sâu thành rãnh, "Ý ngươi là hai người họ muốn tạo ra những người con mang hai dòng máu Nạp Lan thị và Ô thị? Hà tất?"
Sầm Canh bước tới, đột ngột đập mạnh tay xuống bàn khiến giá bút đổ xuống đất, hỏi: "Cuốn sách nát kia ở đâu?"
Thủy Nguyện tính đứng dậy lấy nhưng nhận ra quyền trượng cũng rớt xuống đất, hoài nghi đáp: "Giá bên phải, hàng bảy, vị trí mười ba từ trái sang."
Gã cầm sách cổ Trường Cửu cháy xém, ném xuống trước mặt hắn, lật ra trang thứ hai. Trang giấy bị xém lửa, phân nửa đen đủi như bám muộn than, không thể đọc được ký tự. Quốc sư nhìn bản đồ sao không hoàn chỉnh trong đó, không hiểu ý đồ của gã cho đến khi gã cầm đế nến lên, cẩn thận hơ vào trang giấy.
Dưới sức nóng của ngọn lửa, từng nét chữ mảnh dẻ dần hiện ra trên nền cháy xém. Là chữ của Mạc Tử Liên.
Viết rằng: Sách tiên tri của Vu sư.
Thủy Nguyện kinh ngạc, lại có phần thảng thốt nhìn trân trối. Sầm Canh thuận miệng nói: "Mạc Tử Liên đốt sách là có ý đồ của y."
"Y đề cập đến 'sách tiên tri' và 'Vu sư' là ngụ ý gì?"
"Hầy, ngươi có lắm khuyết điểm, trong đó cái tính thực dụng là cần phải sửa đổi nhất." Gã đập gáy hắn một cái: "Thời xưa khi nước Điệp còn tồn tại, các Tư tế và Vu sư có địa vị ngang hàng nhau. Họ cùng phục vụ công việc thờ cúng, tế tự, xem thiên văn, tính phong thủy, chăm lo cho đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Dựa trên lưỡng nghi mà phân định thì: Tư tế là dương, bái trời; Vu sư là âm, thờ đất. Các Tư tế dâng lễ tế cho thần linh, cầu ơn lành cho dân tộc; các Vu sư lo việc tang ma, cầu hồn, cầu siêu.."
Nhưng từ khi mẫu quốc sụp đổ, người Điệp Cách mang theo truyền thống và nòi giống trốn vào sa mạc. Trước hoàn cảnh khốn cùng, các Vu sư bắt đầu luyện xác chết làm quân đội Thi cổ để bảo vệ người dân trước đất độc, bảo vệ hậu phương xây dựng lại nước nhà. Dần dần địa vị của Vu sư bị hạ thấp vô cùng, bị xem như là phù thủy, tà thuật.
Sầm Canh nhịp ngón tay trên bàn, nhẫn nại giải thích: "Địa vị của Vu sư vì Vu thuật cấm mà bị hạ thấp, liên hệ với 'Đại tư tế bị khai trừ' phản đối cấm thuật. Cuốn sách Thiên Trường Địa Cửu là do ông mang theo, cùng với gia quyến vợ con rời bỏ Địa thành. Ngươi con mẹ nó còn chưa nảy ra ý tưởng gì à?"
Thú thật đầu óc của Thủy Nguyện rất thực tế, dù có đọc hàng ngàn sử thi kỳ ảo thì hắn cũng chẳng mảy may lung lay khỏi thực tế. Do đó, ngay hiện tại Quốc sư vừa lưỡng lự vừa cực kỳ mâu thuẫn với chính lời mình nói ra: "Con gái ngài ấy, Đan Mi nương tử* là một Vu sư?"
* Bà nội của Sen là con một, vì xăm chu sa lên mi mắt nên có biệt danh là Đan Mi (chương 63).
Nạp Lan tông tộc là gia tộc Tư tế phục vụ điện thờ, việc một Vu sư dính hơi tà thuật xuất thân từ Nạp Lan thị hiển nhiên là chuyện rất khó chấp nhận, mà Vu nữ Đan mi còn là con ruột của Đại tư tế. Điều này lý giải vì sao mâu thuẫn nội bộ của bọn họ gay gắt đến mức đuổi cả Đại tư tế và vợ con khỏi đất mẹ.
"Vu nữ Đan Mi đã quan sát thiên văn và vẽ vào sách một 'tinh đồ' tiên đoán tương lai."
Điều này lý giải cho việc Đại tư tế bị khai trừ phải mang cuốn sách đi theo.
"Chẳng lẽ tiên đoán đó có liên quan đến người mang huyết thống Nạp Lan thị và Ô thị?" Thủy Nguyện lẩm nhẩm, trong tâm trí nhanh chóng thêu dệt nên một bức tranh hoàn chỉnh.
Nguồn cơn của mọi cớ sự bắt đầu với một bức tinh đồ tiên tri về người mang hai dòng máu Nạp Lan thị và Ô thị. Hôn phối của Thái hoàng mẫu và Tiên hoàng từ đấy mà ra, Nạp Lan Đại tư tế và bà đã luôn tìm kiếm 'người trong lời tiên tri'. Giữa dây nhợ rối ren của tham, sân, si, của vòng xoáy tranh đấu, những đứa trẻ được sinh ra rồi liên tiếp chết yểu, khiến cho Nạp Lan Đại tư tế và Thái hoàng mẫu sốt ruột, nóng nảy. Do đó dẫn đến sự ra đời của Nạp Lan Dao Chước, dẫn đến Cửu vương nữ 'được' chọn ra để gán ghép với Nạp Lan Hòa Lệnh. Nhưng mọi chuyện đã không thể theo ý muốn của hai kẻ cầm quyền muốn nắm giữ số mệnh của người khác.
"Sầm Canh, ngươi thành thật nói cho ta biết: khi bị kẹt dưới đống đổ nát ngươi đã nhìn thấy gì?" Thủy Nguyện đột ngột hỏi.
"Ta đã thấy..." Gã biết cái ngữ điệu này của hắn tức là đã gần bị thuyết phục, "Thủy phu nhân hét tên của A Dao rồi lao vào y."
"Ha ha ha!" Quốc sư chợt cười lớn, cười đến cay đắng thảm thiết, đoạn đột ngột im bặt. Hiểu, hiểu, hắn hiểu rồi - cái chết của mẹ hắn chắc chắn là cố tình. Bà đã nhìn thấu chân tướng mà quyết liệt dùng tính mạng của bản thân để khiến hắn trừ khử A Dao và Mạc Tử Liên, chỉ lưu lại mỗi Ô Khê.
Sầm Canh bỗng dưng nhớ lại một câu Mạc Tử Liên từng lẩm bẩm ở dưới đầm nước, "Vật cùng tất biến, vật cực tất phản."
Cố quá rồi thành quá cố.
Gã đặt tay lên vai Thủy Nguyện đang trầm tư, bóp nhẹ, thầm nghĩ: ngay khoảnh khắc Mạc Tử Liên bước chân vào lãnh địa vương thành, y đã không còn đường quay lại.
.
Gió nổi lên, mây tán mỏng, mảnh trăng tàn cheo leo trên bờ đá. Mạc Tử Liên nhắm mắt ngồi xếp bằng trên nệm, cái bóng mờ nhạt hắt lên đầu giường. Đồ hình Mạn Đà La trắng muốt hiện ra trên cần cổ, nội công như làn gió thoảng dập dờn tóc mai.
Bất quy. Y học theo cách thiền tĩnh của ca ca, lẩm nhẩm khẩu quyết của Mạn Châu Sa Thập Cửu Thức.
Bỗng tóc bị kéo nhẹ, Mạc Tử Liên mở mắt, quay đầu nhìn ca ca đang mơ màng lim dim. Huynh ấy nắm một cái rồi buông ra, lại nắm lên phía trên mà kéo kéo, có vẻ chắc chắn rồi mới cầm lọn tóc của y đặt lên môi, rúc cằm vào chăn ngủ tiếp.
Thực tình là y không muốn dùng thuốc an thần cho ca ca, chỉ tại lúc ngủ huynh ấy hay quấn lấy y dụi dụi lắm. Lo huynh ấy ngủ không ngoan mà động vào thương tích nên y mới dùng thuốc.
Mây tụ lại, trăng tàn khuất. Lưỡi đao bán nguyệt nhỏ ánh lên tia sáng lạnh ngắt, roi da rủ xuống dưới đất. Người thứ ba vô thanh vô tức xuất hiện trong phòng, tấm rèm mỏng phủ lên nửa thân vẻ mờ ảo.
"Tám trăm năm." A Dao lên tiếng: "Thật kiên trì. Con rắn bao vây tòa thành này đã phát điên rồi."
Mạc Tử Liên nắm chặt roi, yên lặng nhìn đối phương.
A Dao chỉ chỉ vào y rồi chỉ chỉ vào mình, tặc lưỡi: "Hai chúng ta, ta chết thì ngươi sống, ngươi sống thì ta chết. Ta đã đi tìm Minh Dư tám trăm năm, lần này lại không báo hết ơn mà chờ qua kiếp sau nữa thì ta cũng bực mình lắm." Nói rồi tay chạm vào đao.
Mạc Tử Liên nghe thấy tiếng rút kiếm sau lưng. Quân Huyền nâng mi mắt, hơi thở tỏa ra sát khí dày đặc lạnh lẽo như băng tuyết.
"Rồi, rồi. Ở trong vương cung có đánh nhau được đâu, bình tĩnh." Một người đàn ông nét mặt cứng nhắc bước ra từ sau lưng A Dao, chắp tay chào: "Ta là Nạp Lan Hòa Lệnh, nguyên là vị hôn phu sắp cưới của Cửu A Hoan, nhưng lại bị Tát Phục - cha ngươi đó Mạc Tử Liên, cướp vợ ngay trước mũi."
Lời tác giả: Nguyện cứ như người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng vậy ý, nhìn cái cách tính kế bé Sen (chương 143) là đủ thấy sự thực dụng của bản. Cỡ bạn còn hơn cả meo meo bên Thần tử nữa.
Đến đây, hẳn bạn đọc đã hiểu tại sao A Dao mỉa móc: "Nhân loại độc đoán và tham vọng, luôn thích chi phối cuộc đời của người khác để đạt được cảm giác siêu việt" ở cuối chương 146 với Nạp Lan Đại tư tế rồi nghen.