Hỏa Ngục (Inferno)

Chương 32



Il Corridoio Vasariano - hành lang Vasari - được Giorgio Vasari thiết kế năm 1564 theo lệnh của người đứng đầu gia tộc Medici, Đại Công tước Cosimo I, để tạo thành một lối đi an toàn từ tư dinh của ngài tại Cung điện Pitti tới trụ sở hành chính nằm ở Cung điện Vecchio bên kia sông Arno.

Tương tự như đường hầm Passetto nổi tiếng của tòa thánh Vantican, Hành lang Vasari là một lối đi bí mật hoàn hảo. Nó kéo dài gần một ki-lô-mét từ góc phía đông của vườn Boboli tới trung tâm của cung điện cũ, chạy ngang qua cầu Ponte Vecchio và uốn lượn qua Bảo tàng Uffizi.

Ngày nay Hành lang Vasari vẫn là một nơi trú ẩn an toàn, mặc dù không phải cho các quý tộc nhà Medici mà là cho các tác phẩm nghệ thuật. Với dãy tường bảo vệ dường như vô tận, hành lang chính là chỗ cất giữ vô vàn bức tranh hiếm hoi đổ về từ Bảo tàng Uffizi nổi tiếng thế giới, nơi hành lang này chạy ngang qua.

Langdon đã đi vào đó vài năm trước trong một chuyến du lịch riêng. Chiều hôm ấy, anh đã dừng lại để chiêm ngưỡng kho tranh đẹp lạ thường trong hành lang, bao gồm cả bộ sưu tập chân dung tự họa đồ sộ nhất thế giới. Anh cũng dừng lại vài lần để ngó qua những ô cửa quan sát của hành lang, nơi mọi khách bộ hành có thể phán đoán được lộ trình của mình dọc theo lối đi nằm ở trên cao này.

Tuy nhiên, sáng hôm nay, Langdon và Sienna di chuyển qua hành lang bằng cách chạy, mong chóng thoát khỏi những kẻ đang truy đuổi họ ở đầu bên kia càng xa càng tốt. Langdon tự hỏi sẽ mất bao lâu để người ta phát hiện ra anh chàng bảo vệ bị trói. Đường hầm trải dài hun hút trước mắt, Langdon cảm thấy mỗi bước đi lại dẫn họ tới gần thứ họ đang tìm kiếm.

Cerca trova… cặp mắt chết chóc… và một câu trả lời xem kẻ nào đang truy đuổi mình.

Tiếng động cơ của chiếc trực thăng không người lái lúc này nghe xa tít phía sau họ. Càng đi sâu vào đường hầm, Langdon càng nhớ ra lối đi này quả thật là một công trình kiến trúc đầy tham vọng. Nằm cao hơn thành phố gần hết chiều dài của nó, Hành lang Vasari giống như một con rắn lớn, uốn mình qua những tòa nhà, suốt từ Cung điện Pitti, vượt qua sông Arno, chạy vào trung tâm thành cổ Florence. Lối đi hẹp, quét vôi trắng dường như trải dài vô tận, thỉnh thoảng mới hơi rẽ sang trái hoặc phải để tránh vật cản, nhưng luôn luôn tiến về phía đông… qua sông Arno.

Bất ngờ có những tiếng âm vang phía trước họ, ngay trong hành lang, và Sienna dừng phắt lại. Langdon cũng đứng lại, bình thản đặt một bàn tay lên vai cô, ra hiệu về phía ô cửa quan sát gần đó.

Khách du lịch ngay bên dưới.

Langdon và Sienna tiến lại phía ô cửa và nhìn ra, lúc này họ đang ở phía trên Ponte Vecchio - cây cầu đá thời Trung cổ có chức năng như lối đi cho khách bộ hành tiến vào thành cổ. Bên dưới họ, những vị khách du lịch đầu tiên trong ngày đang thích thú tận hưởng phiên chợ họp ngay trên cầu, mở ra kể từ những năm 1400. Ngày hôm nay, những người bán hàng chủ yêu là thợ kim hoàn và người làm đồ trang sức, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Ban đầu, cây cầu là nơi họp chợ bán thịt ngoài trời rất lớn của Florence, nhưng năm 1593 những người bán thịt bị xua đuổi vì mùi thịt ôi lọt vào Hành lang Vasari khiến khứu giác tinh tế của Đại Công tước vô cùng khó chịu.

Đâu đó trên cây cầu phía dưới, Langdon nhớ lại, chính là nơi một trong những tội ác khét tiếng nhất của Florence từng xảy ra. Năm 1216, một quý tộc trẻ tuổi tên Buondelmonte đã vì tình yêu đích thực mà từ chối cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt, và vì quyết định đó, chàng đã bị giết một cách tàn bạo ngay trên cây cầu này.

Cái chết của chàng, từ lâu vẫn được coi là “vụ án mạng đẫm máu nhất Florence”, vì nói tạo ra mối bất hòa giữa hai phe chính trị đầy quyền thế - gia tộc Guelph và gia tộc Ghibelline. Ngay sau đó, họ đã phát động chiến tranh huynh đệ tương tàn suốt nhiều thế kỷ. Vì mối cừu thù chính trị này mà Dante phải rời khỏi Florence. Nhà thi hào đã đau đớn đưa sự kiện đó vào Thần khúc: Ôi Buondelmonte, theo lời khuyên của kẻ khác, chàng thoái thác lời hứa hôn của mình, và dẫn tới tội ác như vậy!

Ngày đó, có thể tìm thấy ba tấm bảng riêng biệt gần vị trí vụ án mạng - mỗi tấm trích một dòng khác nhau từ Khổ XVI trong Thiên đường của Dante. Một trong số đó nằm ở đầu cầu Ponte Vecchio và đầy tính chất điềm báo thế này:

NHƯNG TRONG THỜI KỲ THÁI BÌNH

CUỐI CÙNG, ĐỊNH MỆNH ĐÃ MANG TỚI CHO VỊ THẦN

GIÁM HỘ BẰNG ĐÁ BỊ THƯƠNG[1] TRÊN CÂY CẦU

CỦA THÀNH PHỐ FLORENCE… MỘT NẠN NHÂN.

[1]Theo truyền thuyết, người La Mã thành lập thành phố Florence vào thế kỷ I trước Công nguyên. Họ xây hẳn một đền thờ lớn thờ thần Chiến tranh (Mars) như là vị thần bảo vệ thành phố, cùng với một bức tượng thần cưỡi ngựa. Sau này, khi người Thiên Chúa giáo đến Florence, một nhà thờ được xây dựng và ngoại giáo bị bài trừ. Người dân Florence di chuyển tượng thần Chiến tranh lên một cái bệ nằm bên sông Arno. Khi người Goth chiếm Florence, họ xô đổ bức tượng xuống sông. Đến thế kỷ VIII sau Công nguyên, khi Charlemagne xây lại thành phố, bức tượng được khôi phục và mặc dù đã hư hại, nó vẫn được đặt trên một cây cột gần đầu phía bắc cầu Ponte Vecchio. Bức tượng “bị thương” nhưng với người dân Florence, nó vẫn là biểu tượng cho sự bảo hộ của thần thánh. Bức tượng tồn tại qua cả thời kỳ của Dante và bị nhấn chìm trở lại sông Arno trong một trận lụt vào năm 1333.

Langdon rời mắt khỏi cây cầu, nhìn xuống nước sông xám xịt. Ở phía đông, ngọn tháp lẻ loi của Cung điện Vecchio nổi bật hẳn lên.

Mặc dù Langdon và Sienna mới chỉ qua được nửa sông Arno, nhưng anh thấy rõ rằng họ đã vượt qua giới hạn quay lại từ lâu.

***

Cách gần mười mét phía dưới, trên nền đá cuội của cầu Ponte Vecchio, Vayentha sốt ruột quan sát đám đông qua lại mà không thể ngờ được rằng cơ hội lập công chuộc tội duy nhất của ả, chỉ vài phút trước đã đi qua ngay trên đầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.