Hỏa Thần

Chương 7



TEL AVIV

Dina im lặng một lúc lâu. Yossi và Rimona say sưa lắng nghe với vẻ tò mò của một đứa trẻ. Trông Yaakov như muốn nuốt từng lời của cô, không phải vì anh ta bắt đầu tin vào giả thuyết Dina đưa ra mà vì anh muốn biết câu chuyện sẽ đưa mình đến đâu. Gabriel ước gì mình có thể nói được điều gì đó. Khi Dina đặt một bức ảnh mới lên máy chiếu - hình ảnh một người đàn ông đầy quyến rũ đeo kính râm, đang ngồi trong một quán cà phê ngoài trời. Nhưng hình ảnh tràn về tâm trí Gabriel lúc này không phải là tấm ảnh đen trắng trước mặt mà là bề mặt tấm tranh sơn dầu đã bị mài mòn và ố vàng theo thời gian. Dina tiếp tục nhưng Gabriel không còn nghe thấy gì nữa. Anh đang cố xua đi cái ký ức u ám vốn đã chìm vào quên lãng. Hình ảnh cậu bé Gabriel hối hả chạy dọc trên khoảng sân nhuốm đầy máu trong một căn hộ ở Paris với khẩu súng Beretta trong tay. “Đây là Sabri al-Khalifa”, Dina nói. “Bức ảnh được chụp ở đại lộ Germain ở Paris năm 1979. Đội tình báo của Văn phòng đã nhanh tay chụp được bức ảnh này. Đây là bức ảnh cuối cùng của hắn”.

AMMAN, GIOÓCĐAN : THÁNG 6 NĂM 1967

Vào lúc 11h sáng, một thanh niên điển trai với nước da hơi tái và mái tóc đen bước vào trụ sở chiêu quân của lực lượng Palestine ở khu phố thương mại Amman. Tay nhân viên ngồi trực ngoài sảnh có vẻ mặt cau có. Lãnh thổ của người Arập đã được phân định. Cuộc chiến tranh giành chủ quyền Palestine lần thứ hai đã kết thúc. Thay vì giành lại được đất đai từ người Do Thái thì tai họa lại ập xuống đầu phía Palestine. Trong vòng 6 ngày, quân đội Israel đã đánh tan liên minh Ai Cập, Syria và Gioócđan. Giờ đây bán đảo Sinai, cao nguyên Golan và Bờ Tây thuộc quyền kiểm soát của lực lượng Do Thái và hàng ngàn người Palestine bị trả về các trại tị nạn.

“Tên gì?”, tay nhân viên hỏi cộc lốc.

“Sabri al- Khalifa”

Hắn giật bắn người và ngước nhìn lên. “Vâng, anh đấy à” và hắn nói tiếp, “tôi đã từng chiến đấu với cha anh. Mời anh theo tôi”.

Ngay lập tức, Sabri được đưa vào trong xe hơi: Chiếc xe lao đi vun vút ngang qua thủ đô của người Do Thái và dừng lại ở một ngôi nhà an toàn. Tại đây, Sabri được giới thiệu với một người đàn ông nhỏ thó, trông không mấy ấn tượng, A’one.

“Ta đang đợi cậu”. A’one nói “Ta biết cha cậu. Ông quả là một chiến binh tuyệt vời”.

Sabri mỉm cười. Hắn đã quen với việc nghe nhiều lời ca tụng về cha mình. Từ lúc sinh ra tới giờ, lúc nào hắn cũng được kể về những chiến tích lẫy lừng của người chiến binh tài ba đến từ Beit Sayeed. Hắn còn biết rằng những người Do Thái đã bình địa làng mạc để tra tấn và trừng phạt những người đã ủng hộ cha hắn. Số phận của Sabri al-Khalifa không đến mức thê thảm như những người dân tị nạn khác. Hắn được đưa đến một nơi thanh bình ở Beirut và học tại những ngôi trường tốt nhất của châu Âu. Ngoài tiếng Arập bản xứ, hắn còn nói khá trôi chảy tiếng Pháp, Đức và Anh. Nhờ được hưởng nền giáo dục quốc tế hắn ta trở thành một tài sản giá trị đối với những kế hoạch của người Palestine. A’one sẽ chắc chắn sẽ không bỏ phí hắn ta.

“Phong trào Palestine bị chọc thủng bởi những kẻ phản bội và những kẻ hai mang”. A’one nói. “Mỗi lần chúng ta cử một đội biệt kích qua biên giới, bọn Do Thái đều nằm chờ sẵn. Chúng ta phải loại trừ bọn chúng ra khỏi hàng ngũ nếu muốn trở thành một đội quân hùng mạnh. Tôi nghĩ rằng công việc đó sẽ hấp dẫn cậu vì cậy có thể trả thù được cho cha mình. Chẳng phải ông ta đã bị giết bởi một tên hai mang sao?”

Sabri gật đầu với vẻ nghiêm trọng. Chuyện này hắn cũng đã được nghe kể.

“Cậu sẽ làm việc cho ta chứ?”. A’one hỏi. “Cậu sẽ chiến đấu vì dân tộc, giống như cha cậu chứ?”

Sabri ngay tức khắc đến làm việc ở Jihaz al Razd, một chi nhánh cơ quan tình báo của Palestine. Trong vòng một tháng kể từ khi nhận nhiệm vụ, hắn ta đã vạch mặt được 12 kẻ hai mang Palestine. Sabri đã chứng minh được hành động phản bội của chúng và tự mình ban phát súng ân huệ cho từng tên như một lời cảnh báo cho những kẻ có mưu đồ phản quốc.

Sau sáu tháng ở Jihaz al Razd, Sabri được mời đến gặp A’one lần thứ hai. Địa điểm lần này là một nơi an toàn khác lần trước. Luôn phập phồng lo sợ những kẻ ám sát Israel, vị lãnh đạo lực lượng Palestine phải ngủ mỗi đêm một nơi khác nhau. Mặc dù lúc đó Sabri chưa biết được tương lai của mình ra sao, nhưng hắn ta biết sau này mình cũng sẽ phải sống theo cách đó.

“Chúng tôi có kế hoạch cho cậu”. A’one nói. “Một kế hoạch đặc biệt. Cậu sẽ trở thành một chiến binh tuyệt vời. Thậm chí không thua gì những chiến công của cha cậu. Rồi cả thế giới sẽ nhanh chóng biết đến cái tên Sabri al-Khalifa”

“Kế hoạch thế nào?”

“Phải đợi đến khi thời cơ chín muồi, Sabri. Nhưng chúng tôi sẽ chuẩn bị cho cậu ngay từ bây giờ”.

Hắn ta được chuyển đến Cairo trong vòng 6 tháng để chuẩn bị cho một cuộc huấn luyện khủng bố khắc nghiệt dưới sự giám sát của tổ chức bí mật người Ai Cập, Mubarat. Trong thời gian ở Cairo, hắn ta được giới thiệu với một phụ nữ trẻ tuổi Palestine tên là Rima, con gái một quan chức cấp cao của tổ chức khủng bố. Đó dường như là một cặp đôi hoàn hảo, và hôn lễ bí mật được nhanh chóng tổ chức chỉ với sự tham gia của các thành viên Tổ chức khủng bố và sĩ quan tình báo Mubarat. Một tháng sau, Sabri được gọi quay trở lại Goócđan để bắt đầu giai đoạn tiếp theo của quá trình huấn luyện. Hắn để Rima ở lại Cairo với cha cô mà không biết rằng nàng đang mang thai một bé trai. Ngày đứa trẻ ra đời như báo một điềm gở đối với người Palestine: tháng 9 năm 1970.

Thời gian đó, vua Hussein của Gioócđan lo ngại về thế lực đang ngày càng bành trướng của người Palestine sống trên lãnh thổ mình. Phần lãnh thổ phía Tây có thể được xem là một bang với hàng loạt trại tị nạn bị cai trị bởi lực lượng vũ trang hùng hậu Palestine, những kẻ đã công khai miệt thị chính quyền của quốc vương Hashemite. Vua Hussein lo sợ sẽ mất nốt vùng lãnh thổ còn lại nếu ông không đánh đuổi được những kẻ ở nhờ Palestine ra khỏi vùng đất của mình. Tháng 9 năm 1970, ông ra lệnh cho quân lính Bedouin hung bạo thi hành triệt để sứ mệnh.

Đội quân lính của A’one không cân sức với quân lính Bedouin. Hàng ngàn người đã bị tàn sát và một lần nữa, thêm1967 nhiều người Palestine bị đày ải, lần này là đến các trại tị nạn ở Libăng và Syria. A’one muốn trả đũa quốc vương Gioócđan và tất cả những kẻ phản bội sự nghiệp của mình. Ông muốn thực hiện những hành động khủng bố đẫm máu và gây sự chú ý trên phạm vi toàn thế giới. Hy vọng những hành động đó sẽ làm cộng đồng thế giới lo ngại và làm dịu đi phần nào cơn khát trả thù đang ngày càng dâng cao. Các cuộc tấn công được thực hiện bởi một tổ chức bí mật. Vì thế tổ chức giải phóng Palestine của A’one tự xem mình là một lực lượng cách mạng chính nghĩa đấu tranh giải phóng cho người dân bị áp bức. Abu Iyad, một bản sao của A’one, được giao nhiệm vụ tổng chỉ huy, còn việc đề ra sách lược hành động thì do người con trai của tay chiến binh vĩ đại của làng Beit Sayeed đảm nhiệm. Tổ chức này có tên là Tháng Chín Đen để tưởng nhớ đến những người Palestine đã thiệt mạng ở Gioócđan.

Lực lượng trên được Sabri sàng lọc từ những đội quân giỏi nhất của A’one. Giống với cha mình, hắn chỉ tuyển chọn những người cũng xuất thân từ tầng lớp danh giá như hắn, và phải hiểu biết về thế giới bên ngoài chứ không chỉ gói gọn trong trại tị nạn. Sau đó, hắn đến châu Âu để tập hợp đội ngũ gồm thành phần những nhà trí thức Palestine sống lưu vong. Hắn ta cũng thiết lập mối quan hệ với những nhóm khủng bố châu Âu cánh tả và tổ chức tình báo bài Do Thái. Đến tháng 11 năm 1971, tổ chức Tháng Chín Đen chính thức hoạt động công khai. Đứng đầu danh sách tấn công của Sabri là vua xứ Gioócđan, Hussein.

Cuộc tấn công đẫm máu bắt đầu tại chính nơi hắn được huấn luyện. Trong chuyến thăm chính thức đến Cairo, Thủ tướng Gioócđan đã bị ám sát tại sảnh khách sạn Sheraton. Nhiều cuộc tấn công khác liên tiếp nổ ra. Xe hơi của đại sứ Gioócđan bị phục kích tại Luân Đôn. Máy bay của Gioócđan bị tấn công và các hãng hàng không của Gioócđan lần lượt bị đánh bom. Ở Bonn, năm nhân viên tình báo người Gioócđan đã bị giết hại trong hầm chứa của một căn nhà.

Sau khi trả đũa Gioócđan xong, Sabri quay sang những kẻ thù thực sự của người dân Palestine, những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái của Israel. Tháng 5 năm 1972, tổ chức Tháng Chín Đen đã cướp máy bay phản lực của hãng hàng không Sabena, buộc nó hạ cánh ở sân bay Lod, Israel. Vài ngày sau đó, dưới sự chỉ đạo của tổ chức Tháng Chín Đen, những kẻ khủng bố từ lực lượng Hồng Quân của Nhật tấn công hành khách tại sảnh đến của sân bay Lod với súng máy tự động và lựu đạn, làm thiệt mạng 72 người. Điện khẩn được gửi đến những quan chức cấp cao Israel và những quan chức chính trị Do Thái khắp lãnh thổ châu Âu.

Sabri vẫn liên tục giành chiến thắng. Rạng sáng ngày 5 tháng 9 năm 1972, hai năm sau ngày bị trục xuất khỏi Gioócđan, sáu tên khủng bố Palestine đã leo rào vào khu vực Olympic tổ chức ở Munich và đột nhập vào căn hộ tại Connollystrasse 31, nơi đón tiếp những thành viên của đội Olympic Israel. Hai người Israel bị giết, chín người khác bị bắt làm con tin. Hai mươi bốn giờ sau đó, trong khi 900 triệu người trên toàn thế giới đang mải mê theo dõi những trận cầu thì chính phủ Đức phải đi đàm phán với bọn khủng bố yêu cầu thả những con tin Israel. Thời hạn thương lượng đã hết. Vào lúc 10 giờ 10 phút tối, hai chiếc trực thăng chở bọn khủng bố và những con tin cất cánh từ sân bay Furstenfeldbruck. Kế hoạch giải cứu con tin gấp rút của chính phủ Tây Đức lâm vào bế tắc ít phút trước khi hạ cánh. Toàn bộ 9 con tin đã bị ám sát bởi những thành viên của tổ chức Tháng Chín Đen.

Niềm vui tràn ngập thế giới Arập. Sabri al-Khalifa, kẻ chỉ đạo hành động trong một căn hộ bí mật ở Đông Đức, được chào đón như một anh hùng ngay khi trở về Beirut. “Cậu đúng là con trai của ta”. A’one đã nói thế khi ông vòng tay ôm lấy Sabri. “Cậu đúng là con trai ta”.

Ở Tel Aviv, Thủ tướng Golda Meir hạ lệnh cho lãnh đạo cơ quan tình báo phải tiêu diệt toàn bộ tổ chức Tháng Chín Đen để trả thù cho 11 nạn nhân đã thiệt mạng ở Munich. Với biệt danh Wrath of God, tổ chức này do Ari Shamron, người đã từng được giao nhiệm vụ kết liễu trùm khủng bố khát máu Shaikh Asad năm 1948, chỉ huy. Trong vòng 25 năm, đây là lần thứ hai Shamron được giao lệnh giết một người đàn ông mang họ al- Khalifa.

Dina rời căn phòng và khuất dần vào bóng tối, nhưng vẫn tiếp tục phần còn lại của câu chuyện, như thể không hay biết Gabriel đang ngồi đối diện phía cuối bàn, chỉ cách cô 3m.

“Lần lượt từng tên trong tổ chức Tháng Chín Đen bị truy sát và thủ tiêu bởi đội Wrath of God của Shamron. Tổng cộng 12 tên bị giết bởi những tay sát thủ của Văn phòng, nhưng Sabri al-Khalifa, kẻ Shamron muốn loại trừ nhất thì vẫn nhởn nhơ ngoài tầm tay ông. Thậm chí hắn còn đáp trả. Hắn giết một nhân viên của Văn phòng ở Madrid. Hắn tấn công tòa đại sứ Israel ở Bangkok và ám sát Đại sứ người Mỹ ở Xu-đăng. Những cuộc tấn công của hắn ta ngày càng trở nên không thể đoán trước được, cũng giống như tính cách của hắn vậy. A’one đã không thể tiếp tục dối trá về việc không hề dính dáng gì đến tổ chức Tháng Chín Đen nữa, khi mọi sự chỉ trích đều đổ lên ông, thậm chí từ cả những người đã từng ủng hộ ông. Vì dẫu Sabri đã gây nhiều cản trở cho tiến trình hòa bình, thế mà A’one vẫn luôn bao bọc hắn”.

Dina ngưng lại và nhìn Gabriel. Dưới ánh sáng hắt ra từ màn hình máy chiếu, khuôn mặt anh không chút cảm xúc. Mắt anh dán vào đôi bàn tay đang nắm chặt trên bàn.

“Anh có muốn kể đoạn kết của câu chuyện này không?”, cô hỏi.

Gabriel vẫn không rời mắt khỏi đôi bàn tay mình trước khi tiếp lời Dina.

“Shamron được mật báo rằng Sabri có quan hệ với một cô gái ở Paris, một nhà báo phía cánh tả tên là Denis. Cô nàng vẫn một mực tin rằng hắn là một nhà thơ Palestine và là kẻ tự do. Sabri hoàn toàn giấu nhẹm chuyện hắn đã có vợ và một đứa con. Shamron định lợi dụng cô ta nhưng ông đã từ bỏ ý nghĩ đó. Có vẻ đây chỉ là một cô gái ngây thơ tin vào tình yêu thực sự với Sabri. Sau đó, chúng tôi cho người đến Paris để theo dõi cô ta. Một tháng sau, Sabri xuất hiện”.

Anh dừng lại và ngước nhìn màn hình.

“Hắn đến căn hộ của cô ta lúc nửa đêm. Trời quá tối nên khó mà nhận diện được hắn. Vì thế Shamron mạo hiểm quyết định đợi cho đến khi có thể nhìn hắn rõ hơn. Bọn họ “vui vẻ” với nhau cho đến xế trưa, rồi đi ăn ở một quán cà phê trên đại lộ Germain. Đó là lúc chúng tôi chụp được bức ảnh này. Sau bữa trưa, chúng quay về căn hộ. Trời vẫn còn sáng, nhưng Shamron yêu cầu cứ để hắn đi”.

Gabriel bỗng nhiên im lặng và một lần nữa anh nhìn chằm chằm vào hai bàn tay mình. Đôi mắt anh nhắm hờ trong chốc lát.

“Tôi theo sát bọn chúng. Hắn vòng tay ôm eo cô ả, những ngón tay nằm gọn trong túi quần sau của cô ta. Còn tay phải hắn thì nằm trong túi áo khoác. Đó là nơi cất giữ khẩu súng. Hắn có quay lại và nhìn thấy tôi, nhưng rồi vẫn tiếp tục bước đi. Bọn họ đã uống hai chai rượu vang cho bữa trưa và tôi nghĩ có lẽ lúc đó phán đoán của hắn không còn nhanh nhạy nữa”.

Thêm một khoảng lặng khác, rồi sau khi liếc nhanh nhìn khuôn mặt của Sabri, anh lại trầm tư nhìn vào hai bàn tay mình. Khi Gabriel bắt đầu nói tiếp, giọng nói của anh có chút thờ ơ như thể anh đang mô tả chiến công của ai khác vậy.

“Chúng dừng lại ở cổng. Denis đã say mèm và cười vang. Cô ta nhìn xuống ví, bắt đầu lục tìm chìa khóa. Sabri hối thúc cô. Hắn ta lại muốn vui vẻ với cô ả lần nữa. Đáng ra tôi đã có thể giết chết hắn ở đó, nhưng vì có quá nhiều người trên đường nên tôi đi chậm lại và đợi cô ta tìm ra cái chìa khóa chết tiệt đó. Tôi bước ngang qua chúng khi cô ta tra chìa khóa vào ổ. Sabri nhìn tôi một lần nữa và quay mặt đi. Chúng bước vào trong hành lang. Tôi quay người lại giữ cánh cửa trước khi nó kịp đóng lại. Lúc đó Sabri và cô gái đang ở giữa khoảng sân nhỏ. Hắn nghe thấy tiếng bước chân tôi và quay người lại. Bàn tay hắn thọc ngay vào túi áo khoác và tôi có thể nhìn thấy báng súng của hắn. Sabri đã mang theo khẩu Stechkin. Đó là món quà từ một người bạn ở KGB . Tôi vẫn chưa móc súng của mình ra. Chúng tôi gọi đó là quy tắc của Shamron. Ông ta thường nói rằng “Chúng ta không cần phải đi loanh quanh trên đường với khẩu súng trên tay như những tên găng-xtơ”. Ông cũng hay dặn tôi rằng. “Chỉ một giây thôi, Gabriel. Đó là tất cả những gì cậu có. Một giây thôi. Chỉ có những tay súng thiện xạ mới rút súng và bắn trúng mục tiêu được trong một giây”.

Gabriel lướt mắt toàn bộ căn phòng và chăm chú nhìn từng thành viên trong đội một lúc trước khi tiếp tục câu chuyện.

“Ổ đạn của khẩu súng Beretta có 8 viên, nhưng tôi phát hiện ra rằng nếu tôi nén những viên đạn thật chặt, tôi có thể dồn được 10 viên. Sabri còn chưa kịp thủ súng. Khi hắn đang quay người lại để nhìn thì tôi đã nổ súng rồi. Chính vì thế tầm nhìn của hắn bị hạn chế - tôi nghĩ viên đạn đầu tiên và viên thứ hai trúng tay trái của hắn. Tôi chồm tới trước và quật ngã hắn. Cô gái la thất thanh, lao vào đánh tôi từ phía sau bằng túi xách của cô ta. Tôi bắn hắn 10 phát rồi mở ổ đạn và nhét viên đạn dự phòng vào. Chỉ có một băng đạn duy nhất, và đây là viên đạn thứ mười một. Mỗi viên đạn ghim vào đầu hắn là để trả thù cho một người dân Do Thái đã bị băng đảng của Sabri giết hại tại Munich. Tôi đặt thẳng nòng súng vào tai hắn và bắn. Cô gái quỳ sụp xuống bên thi thể hắn và kêu gào tôi là kẻ giết người. Tôi quay trở lại hành lang và bước ra đường. Một chiếc xe phóng đến. Tôi leo lên phía sau”.

Chỉ có Yaakov, người đã từng chứng kiến những hành động giết người trong Vùng bị chiếm đóng, là dám phá vỡ không khí im lặng đang bao trùm cả căn phòng. “Vậy Asad al-Khalifa và con trai của hắn, Sabri có liên hệ gì với những việc xảy ra ở Rome?”

Gabriel nhìn Dina, ánh mắt anh cũng hàm chứa câu hỏi tương tự. Dina lấy bức ảnh của Sabri ra và thay bằng một bức ảnh của Khaled tại đám tang cha hắn.

“Khi nghe tin chồng mình bị giết ở Paris, Rima đã cắt cổ tay tự tử trong phòng tắm ở khu Beruit. Khaled phát hiện thi thể mẹ mình trong bồn tắm đầy máu. Và rồi hắn trở thành một đứa trẻ mồ côi, cả cha mẹ đều bị giết hại, đại gia đình bị phân tán đi tứ phương. A’one đã nhận hắn làm con nuôi và sau đám tang, Khaled biến mất”

“Vậy hắn đi đâu?”. Yossi hỏi.

“A’one nhận thấy ở đứa trẻ có những tính cách có thể có lợi cho cuộc chiến khủng bố và phải bảo vệ nó bằng mọi giá. Chúng tôi nghĩ rằng hắn ta đã đưa nó đến châu Âu dưới một cái tên giả để sống với một gia đình lưu vong giàu có người Palestine. Tất cả những gì chúng tôi biết là trong vòng 25 năm qua, Khaled al-Khalifa chưa hề xuất hiện. Cách đây 2 năm tôi bàn với Lev mở một cuộc điều tra bí mật về hắn. Nhưng tôi không tài nào tìm ra tung tích của hắn. Cứ như thể sau đám tang, hắn bốc hơi trong không khí vậy”. Gabriel quay sang Yossi. “Vậy giả thuyết của cô là gì?”. “Tôi tin rằng A’one đã chuẩn bị cho hắn nối bước theo người cha và cả ông nội tiếng tăm của hắn. Tôi tin rằng hắn đang bắt đầu hành động”.

“Tại sao?”

“Tôi tin rằng A’one đã can thiệp vào chuyện này, và ông ta đang làm điều đó theo cách duy nhất của mình, đó là bạo lực và khủng bố. Ông ta sử dụng Khaled như một thứ vũ khí”.

“Vẫn chưa có cơ sở”. Yaakov nói. “Đây đơn thuần chỉ là cuộc tấn công của một nhóm khủng bố nào đó ở châu Âu nhằm vào chúng ta. Chúng ta không thể mất thời gian đi tìm kiếm một bóng ma được”.

Dina đặt một bức ảnh mới lên máy chiếu. Đó là bức ảnh một tòa nhà đổ nát.

“Buenos Aires, năm 1994. Một vụ đánh bom xe tải đã san bằng trung tâm cộng đồng người Do Thái vào bữa ăn trưa của ngày lễ Shabbat. 87 người chết. Không lực lượng nào đứng ra chịu trách nhiệm”.

Một bức ảnh khác, một tòa nhà tan hoang hơn.

“Istanbul, 2003. Hai quả bom gài trong xe hơi đồng thời phát nổ bên ngoài nhà thờ chính của thành phố. 28 người chết. Cũng không bên nào đứng ra chịu trách nhiệm ".

Dina quay về phía Yossi và nhờ anh bật đèn lên.

“Cô nói cô có bằng chứng chứng minh Khaled liên quan đến Rome”. Gabriel nói, nheo mắt vì ánh sáng đột ngột. “Nhưng cô chưa đưa ra được gì ngoài sự phỏng đoán”.

“Tôi có chứng cứ, Gabriel à”.

“Vậy mối liên hệ là gì?”

“Beit Sayeed”.

Họ khởi hành từ đại lộ King Saul trong một toa xe tải của Văn phòng vài phút trước bình minh. Vì cửa sổ toa xe được gắn bằng những tấm kính sẫm màu và chống đạn, nên dù mặt trời đã lên cao nhưng bên trong vẫn tối đen. Ngay khi họ đến Petah Tikvah, mặt trời đang ló dạng phía ngọn đồi Judean. Đó là vùng ngoại ô hiện đại của Tel Aviv với những ngôi nhà lớn và bãi cỏ xanh ngắt. Nhưng nhìn qua tấm kính sậm màu của toa xe, hình ảnh hiện về trong tâm trí Gabriel chỉ là những căn nhà đá trước kia và cuộc chống chọi của dân định cư từ Nga trước cuộc thảm sát của Sheikh Asad và đội quân thánh chiến của hắn.

Phía xa Petah Tikvah mở ra một vùng thảo nguyên bao la rộng lớn. Dina hướng dẫn tài xế đi vào đường hai chiều ven con đường quốc lộ mới xây. Họ chạy khoảng vài dặm rồi rẽ vào một đường mòn bẩn thỉu giáp ranh với một vườn cây ăn trái mới trồng.

“Ở đây”, Dina đột nhiên nói. “Dừng ở đây”.

Chiếc xe chạy vòng rồi dừng lại. Dina bước xuống và tiến nhanh vào bên trong vườn cây. Gabriel bước theo sau, Yossi và Rimona đi hai bên, còn Yaakov đi phía sau. Họ đi đến cuối vườn cây. Cứ khoảng 1m lại có một hàng cây được trồng một cách ngay ngắn. Xen lẫn giữa chúng là các bụi cỏ dại màu xanh. Dina dừng lại và quay mặt về phía mọi người.

“Chào mừng đến Beit Sayeed”, cô nói

Cô ra hiệu cho mọi người tiến lên phía trước. Rất dễ để nhận ra rằng họ đang đứng giữa tàn tích của một ngôi làng. Những tàn tích ấy vẫn còn hiển hiện rõ rệt trên nền đất xám: những túp lều tranh, bức tường đá, một quảng trường nhỏ và suối nguồn bao quanh. Gabriel nhận thấy nó rất giống với nhiều ngôi làng ở thung lũng Jezreel Valley và Galilee. Dù những người chủ mới của khu đất cố phá hủy những ngôi làng Arập nhưng vết tích đó vẫn còn lưu lại.

Dina dừng lại kế bên suối và mọi người tập trung xung quanh cô. “Vào ngày 18/4/1948, khoảng 7 giờ tối, một toán quân của Palmach đã bao vây Beit Sayeed. Sau một hồi đọ súng, những tay lính Arập bỏ chạy, để lại ngôi làng không sức chống đỡ. Khung cảnh hỗn loạn xuất hiện khắp nơi. Và tại sao họ lại không còn sức chống cự? Ba ngày trước đó, hơn một trăm cư dân ở Deir Yassin đã bị giết bởi những thành viên của băng nhóm Irgun và Stern Gang. Dĩ nhiên là quân đội Arập ở Beit Sayeed không đời nào chịu một cái chết tương tự như vậy. Có lẽ họ không mất nhiều thời gian để đóng gói đồ đạc và bỏ trốn. Khi ngôi làng bị bỏ hoang, người Palmach đã cho phá hủy những ngôi nhà”.

“Vậy mối liên hệ với Rome là gì?”. Yaakov nôn nóng hỏi.

“Daoud Hadawi”.

“Ngay khi Hadawi được sinh ra, nơi này đã bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới”.

“Đúng thế”. Dina nói. “Hadawi được sinh ra trong trại tị nạn Jenin, nhưng gia đình hắn xuất thân ở đây. Bà của hắn, cha hắn cùng những người cô, chú và anh em họ của hắn đã trốn khỏi Beit Sayeed trong tối ngày 18/4/1948”.

“Vậy ông hắn thì sao?”. Gabriel hỏi.

“Ông ta bị giết vài ngày trước đó, gần Lydda. Anh thấy đấy, ông của Daoud Hadawi là một trong những thuộc hạ thân tín của Sheikh Asad. Đó là người đã bảo vệ Sheikh vào cái đêm bị Shamron giết. Hắn ta cũng là người mà Shamron đã đâm trước khi đột nhập vào nhà”.

“Tất cả chỉ có thế thôi à?”. Yaakov hỏi.

Dina khẽ lắc đầu. “Hai cuộc nổ bom ở Buenos Aires và Istanbul diễn ra vào ngày 18/4 lúc 7 giờ tối”.

“Lạy Chúa”. Rimona lầm bầm.

“Còn có một điều nữa”. Dina nói, quay về phía Gabriel. “Cái ngày anh giết Sabri ở Paris, anh nhớ chứ?”

“Khoảng đầu tháng 3” Gabriel nói, “nhưng tôi không nhớ chính xác ngày nào”.

“Đó là ngày 14/3”. Dina nói.

“Cùng ngày với sự kiện ở Rome”. Rimona nói.

“Chính xác”. Dina nhìn xung quanh những dấu vết còn lại của ngôi làng cũ. “Nó bắt đầu ở chính đây trong Beit Sayeed hơn 50 năm qua. Đó là Khaled người đã chỉ huy Rome và hắn ta sẽ tấn công chúng ta lần nữa trong 28 ngày tới”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.