Ở trên đời này có ai ngốc xít như em Sương của tôi không? Khi chỉ có mình bà ngoại cũng vẫn phải gọi “bà ngoại ơi”. Tôi chạy ra đến cửa, em Sương đứng cao hơn khóa cửa một chút, mắt nó đen láy, chớp chớp hai cái nhìn tôi. Nó làm tôi mừng suýt khóc.
Tôi mở cửa cúi xuống định ôm nó một cái cho đỡ nhớ…
“Bà ngoại ơi, con mang bánh cốm qua cho bà ngoại!
Nó phi vèo qua tôi, làm tôi thấy hụt hẫng, mặt đen xì lại, tôi cắn môi tự nhủ:
“A, được nha!” Tôi xoa đầu mỉm cười đứng dậy.
Mẹ đứng đó cười hiền hòa như ánh nắng ban trưa, tóc bố tôi đã điểm nhiều sợi bạc, mặt bố hơi gầy, trống ngực tôi nao nao. Tôi mừng rỡ nói:
“Bố mẹ vào nhà đi, để con xách đồ cho mẹ!”
Tôi sấn lại gần mẹ, làm một thanh niên gương mẫu, đương nhiên rồi, giờ tôi đã cao hơn cả mẹ. Mẹ nhìn tôi cười, tôi biết mẹ đang rất mãn nguyện.
Ngoại cũng đã ra đến cửa đón em Sương, nó víu tay ngoại nói nhỏ gì đó, ngoại cười mắng yêu nó:
“Tiên sư bố nhà cô!”
Tôi nheo mắt tò mò, phải công nhận là tôi hơi ganh tị, lần nào gặp ngoại em Sương cũng có bí mật kể cho ngoại nghe, tôi thì chả có bí mật nào cả. Ngoại quay ra ôn tồn nói với bố mẹ tôi:
“Hai đứa đến rồi đấy à? Vào nhà đi, nghỉ ngơi rồi ăn cơm!”
Bảo Nhi cũng ra đón mọi người, mặt cô ấy có chút ửng đỏ, tôi đoán là Bảo Nhi hơi thẹn.
“Cháu chào hai bác!”
Cả bố mẹ và em Sương đều có vẻ ngạc nhiên với nhân vật đặc biệt của tôi, chuyện này càng khiến Bảo Nhi thêm e thẹn. Mẹ nhanh chóng đã hiểu ra, liền hiền hậu cười hỏi:
“Đây là...!?”
Tôi đỡ lời mẹ:
“Cô ấy tên Bảo Nhi, bạn gái của con!” Tôi kiêu hãnh giới thiệu với mẹ.
Bảo Nhi mặt càng đỏ hơn, em Sương cũng đã chạy lại bên cạnh nắm lấy tay Bảo Nhi, mẹ tôi đưa mắt mắng yêu tôi một cái, liền quay sang Bảo Nhi nói đỡ:
“Bác nhớ rồi, con là con gái mẹ Tâm Phương phải không? Con lớn nhanh quá, nhìn càng ngày càng xinh ra, bác không nhận ra nữa đấy!”
Bảo Nhi được mẹ tôi khen cũng đã bình tĩnh hơn một xíu, tuy là sắc hồng trên mặt vẫn chưa phai đi. Tôi theo gót mẹ, tay nắm tay còn lại của cô ấy cùng bước vào nhà.
Bữa cơm hôm nay thật đầm ấm, mọi người sum vầy đông đủ, món bánh trôi khá là đặc biệt với nhiều kích cỡ to nhỏ, mặc dù vậy cũng không ai thắc mắc cả, em Sương còn tỏ ra thú vị, con bé thích được ăn những chiếc to nhất, ngoại cười suốt đến mức những nếp nhăn cũng như muốn mờ đi.
Bảo Nhi mang món canh su hào hầm xương mà cô ấy kỳ công chuẩn bị cả buổi sáng ra, tôi thấy khuôn mặt cô ấy có chút căng thẳng, tôi nhìn cô ấy động viên, Bảo Nhi khẽ cười ngồi xuống bên cạnh tôi.
Chiếc vung bằng nhôm trắng hé mở ra, hành hoa thơm mát nồng vào hương đậm đà của sườn heo khiến dạ dày của tôi lập tức đình công. Tôi toan sấn đến gắp một miếng, không ngờ là cả ngoại, bố và mẹ đều nhìn tôi cười, tôi dừng lại còn chưa hiểu nguyên do ra sao.
Em Sương háu ăn đã nhào vào.
“Wow… w w w www!”
Mắt nó tròn xoe như hai hạt nhãn lồng, nhìn chăm chú đầy yêu thương với nồi canh. Bảo Nhi mặt đã ửng đỏ, tôi thắc mắc cũng ghé cạnh đầu em Sương nhìn vào.
…
Tôi bị xúc động mạnh làm cho đứng hình, tôi quay sang Bảo Nhi, cô ấy vẫn thẹn cúi mặt xuống, mà trong mắt tôi cô ấy cứ sáng lung linh. Nếu lúc này không có ngoại và bố mẹ ở đây tôi nhất định sẽ hôn cô ấy một cái.
Em Sương khẽ liếm môi, chầm chậm thò đũa vào. Tôi kéo nồi canh lại phía mình tinh quái nhìn nó:
“Nồi canh này là của anh...”
Mặt nó đáng thương nhìn mẹ cầu cứu:
“Mẹ, anh Phong bắt nạt con!”
Mẹ chỉ cười, ngoại vội chen vào:
“Không trêu em nữa, thôi cả nhà ăn đi cho nóng”
Ngoại đứng dậy múc cho mỗi người một bát, em Sương thè lưỡi làm mặt xấu một cái, tôi cười khoan khoái.
Món su hào om xương sở dĩ hôm nay đặc biệt là bởi Bảo Nhi đã tỉ mỉ gọt su hào thành hình trái tim, hình tam giác, hình ngôi sao, còn cà rốt thì hình mặt cười, hình trái tim nho nhỏ. Những ngôi sao cà rốt lang thang trôi trong ngân hà Xương Hầm. Em Sương gọi đó là món “canh bầu trời”, còn tôi đặt tên là “canh tình yêu”. Món canh đã kéo gia đình chúng tôi lại với nhau, và đó cũng là lần cuối cùng gia đình chúng tôi ăn bữa cơm sum vầy cùng ngoại.
Một tuần sau, ngoại tôi ốm nặng. Tôi và Bảo Nhi vội vã đưa ngoại vào viện, tình trạng sức khỏe của ngoại suy giảm nghiêm trọng, tôi gọi điện cho mẹ lòng rối bời. Đi lại ngoài phòng cấp cứu không biết đã bao nhiêu vòng, mẹ và bố tôi cũng đã đến nơi, nhìn thấy vẻ lo lắng của tôi mẹ òa khóc. Ông bác sĩ mặc áo blouse trắng bước ra từ phòng cấp cứu, mẹ lao lại gần nắm lấy tay ông ấy, mếu máo hỏi:
“Bác sĩ, mẹ tôi sao rồi?”
Ông ấy lắc đầu không nói gì cả, Bảo Nhi cũng khóc, tôi ngồi thụp xuống ghế, chết lặng đi. Ông bác sĩ đứng lại một lúc như cảm thông với nỗi đau của chúng tôi, chờ cho mẹ tôi bớt sốc mới rời đi.
“Bà cụ muốn gặp cháu Phong, ai là Phong thì vào đi” Cô y tá mở cửa phòng vội nói.
Tôi không kịp nói gì đã vội và theo vào trong, ngoại nằm bất động trên gường, mái tóc trắng như cước, hai bàn tay khô gầy, tôi ngồi sát xuống gường rơm rớm lệ. Ngoại gượng cười nói:
“Con trai lớn thế rồi mà còn khóc nữa sao?”
Tôi thấy nghẹn ở cổ, nắm lấy chặt lấy tay ngoại:
“Ngoại đừng bỏ con!”
Nước mắt ngoại khẽ trào ra, sáu năm nay ngoại chăm lo cho tôi từng miếng ăn giấc ngủ. Tôi còn chưa kịp báo hiếu ngoại, bầu trời quanh tôi như tối sầm, ngoại khẽ cười an ủi tôi:
“Ai già rồi cũng đến lúc phải chết, chết không có nghĩa là hết, chỉ là ngoại đi trước các cháu một bước, lại chờ cháu ở nơi ấy mà thôi”
Tôi khẽ gạt lệ, nghẹn ngào không nói thêm được lời nào, ngoại lại tiếp:
“Cháu lớn rồi, cũng đã phân biệt được phải trái. Bố cháu trước đây mắc phải không ít sai lầm, nhưng dù sao cũng vẫn là một người tốt, vì hoàn cảnh đùn đẩy mà ra như vậy. Nay bố cháu đã biết sai mà sửa, cháu không được phép hận bố nghe chưa!”
“Con nhớ rồi thưa ngoại!” Tôi nấc nhẹ.
Ngoại gượng nói:
“Cháu ra gọi mẹ vào đây, ngoại có chuyện riêng muốn nói với mẹ cháu.”
Tôi vâng lời ngoại, lủi thủi bước ra ngoài, mẹ nghe xong vội vã vào phòng với bà ngoại. Tôi quay nhìn ra, thấy bố đang ngồi lặng im bên ghế chờ, màu trắng của đèn hồ quang trên hành lang dường như càng soi rõ nỗi cô đơn trong lòng bố. Tôi bước lại gần, ngồi xuống ghế bên cạnh, khẽ dựa vào vai ông.
Lòng bố khẽ động, lòng tôi cũng động, đã sáu năm rồi tôi không được dựa vào vai bố. Sau buổi bố đưa tôi đến nhà ông bà ngoại, vì ngại gặp ông nên bố rất ít đến, có đến cũng chỉ chốc lát rồi về. Sáu năm trong đống nợ nần ngập đầu, bố tôi dường như đã trầm lắng hẳn đi, tóc cũng bạc ra rất nhiều. Tôi bỗng thấy lo sợ, lo nột ngày nào đó bố cũng rời xa chúng tôi như ông ngoại.
Trong phòng mẹ khóc đỏ cả hai mắt, mẹ khóc từ khi nghe điện thoại của tôi, khóc suốt cả quãng đường đến bệnh viện, đến lúc xuống xe mới gạt vội nước mắt. Vào tới viện, nhìn thấy tôi lại không cầm được nước mắt.
Giọng ngoại vẫn bình tĩnh:
“Bố mẹ sinh được một mình con, số mệnh con người sướng khổ lại do ông trời xếp đặt. Con là đứa hiểu chuyện, việc gia đình mẹ cũng yên tâm. Bố mẹ cả cuộc đời không có gì để lại cho các con, chỉ duy nhất có một căn nhà. Mẹ biết con coi nó là cả một ký ức, nhưng cái quan trọng nhất vẫn là con người, người còn thì của còn. Mẹ đã làm giấy tờ nhà sang tên của con, sau này nếu khó khăn quá cứ bán đi mà trả nợ. Bố con trước lúc mất cũng dặn mẹ như thế, nhưng vì thương thằng Phong còn nhỏ nên chưa đành.”
Mẹ nghẹn ngào khóc, không nói được gì. Dặn dò mẹ xong ngoại tôi ra đi. Cả gia đình tôi chìm vào trong u ám.
Theo lời ngoại, mẹ tôi làm thủ tục hỏa táng, đưa ngoại về an nghỉ gần ông trên nghĩa trang Yên Kỳ.
Hôm đưa tang ngoại trời mưa phùn ảo não, mẹ với em Sương khóc nhiều suốt từ Hà Nội lên đến Yên Kỳ. Bố ở bên cạnh mẹ, suốt buổi lặng im, những nếp nhăn in hằn trên trán bố làm tôi càng thêm đau lòng.
Tôi cầm ô che cho Bảo Nhi, cô ấy khóc đỏ cả hai mắt, dáng gầy mỏng manh đứng trong mưa đầu thu. Thu đến rồi, hoa hoàng lan chưa kịp nở vậy mà ngoại đã bỏ chúng tôi đi. Mưa rơi ướt cả lòng tôi, tôi ngước nhìn trời khẽ nhủ: