Gò cao, gió lộng, trời hồng, tóc đen phiêu bồng cùng tà áo bay, không chút ngạo nghễ khi đứng nơi cao, không chút yếu hèn khi ở dưới thấp, mãi là cô gái hiên ngang kiên cường, vĩnh viễn bình thản đương đầu với sóng gió phong ba.
Bốn mắt giao nhau, dĩ vãng ùa về khuấy động đôi bên.
Thoạt tiên, bị động là cô, sống hay chết đều do hắn định đoạt, tới giờ, xa xăm đôi nơi, tương nghịch đối nhãn, ẩn sau nụ cười, mỗi người một toan tính.
Hắn biết: tất thảy về hắn, cô đều biết; cũng như cô biết: hắn biết những điều cô đã biết.
Lòng chợt sinh dự cảm lạ kỳ – Kể từ giờ, cô sẽ dần tiến gần tới hắn, hơn thế, mỗi bước đi đều khó đoán khôn lường.
Đột nhiên muốn qua chỗ cô trò chuyện đôi câu, còn nói gì, tạm thời hắn chưa nghĩ ra, nhưng hắn tin: quãng đường xích lại, đủ để hắn nghĩ ra nội dung cuộc đối thoại.
Hắn toan dợm bước, cô lại chợt ngoái đầu.
Đằng xa, trên triền cỏ non, phía sau lưng cô, hấp hé sắc xanh nền nã màu trời, chàng trai tựa bức ngọc điêu vô thanh vô cảm, lúc nào cũng theo sát cô, đang thoáng ngẩng đầu ngắm nắng ban mai.
Nắng hồng leo lắt rọi lên khuôn cằm bạch ngọc hững hờ hé lộ, tựa dòng suối ấm mơn man da thịt, lưu luyến bịn rịn trải dài dưới chân. Không trung dần sản sinh từng quầng hào quang lấp lánh ánh vàng reo vui.
Cô đánh mắt nghiêng đầu, tủm tỉm nhìn chàng trai rồi khẽ bảo một câu. Chỉ thấy chàng trai vẫn giữ vẻ ơ thờ, ngẩng đầu chăm chú ngắm mây trôi mênh mang, đoạn hít thật sâu tận hưởng hương hoa thơm mát ngọt dịu.
Cô bèn lom khom, quanh quất kiếm tìm, cuối cùng cũng tìm được cây cỏ mật, cẩn thận vặt lá, bẻ nhành làm đôi, một nửa khẽ mút, một nửa đưa cho chàng trai, hấp háy ý cười dạy chàng ta thưởng thức.
(Cỏ mật hay còn gọi là cỏ ngọt, vị thuốc Đông y, có độ ngọt gấp 300 lần mía đường, k calo nên k sợ béo, chữa đái đường, cao huyết áp rất tốt.)
Ngọc Điêu do dự nghía nhành cỏ hồi lâu, mãi mới học theo, hé môi từ tốn mút lấy mật ngọt.
Hắn chỉ biết một Phượng Tri Vi âm trầm cơ trí, gian ngoan xảo quyệt, mỗi lần giáp mặt đều luôn tìm cớ tránh né.
Liền thấy bực bội.
Trời dần nóng, gió dần lặng, sắc vàng vụn vỡ trên từng nhành cây, không trung ngột ngạt, oi bức khôn tả.
Ninh Dịch chĩa tay chỉ thẳng về phía Tri Vi.
Tri Vi quay đầu, khó hiểu nhìn vẻ đùng đùng tức giận, môi mím mày chau, hằm hặp khó chịu của Sở Vương điện hạ. Bỗng thấy uất ức – Mới nãy ngài còn ôn hòa lắm mà, sao nháy mắt đã bốc hỏa ngùn ngụt như ngày tháng Sáu thế kia? Người đâu mà trở mặt nhanh vậy?
Hắn chỉ cô, chỉ về hoàng thành, lạnh lùng buông một câu rồi phất áo rời đi.
“Dàn xếp cho thỏa.”
Nhã nhặn mỉm cười, cô bèn cúi người, hành lễ tiễn hắn.
“Sẽ như ý ngài.”
——
Bữa sáng, Yến Hoài Thạch dẫn người đến bưng món bày tiệc. Tiệc mở cũng vì Nam Y. Tri Vi muốn nhân bữa này để Cố thiếu gia ‘ra mắt – giao lưu’ với mấy vị tể tướng, nhằm lưu lại chút ấn tượng gọi là.
Yến Hoài Thạch cũng báo tin trong thành cho Tri Vi hay, quả như dự đoán, cuộc đối đầu giữa hai cha con Đế gia chỉ có bốn từ ‘châu chấu đá xe’ vô cùng thích hợp để miêu tả.
“Thái tử cũng quá khờ khạo.” Yến Hoài Thạch lắc đầu than vãn: “Mấy năm nay, trông qua thì tưởng Bệ hạ lơ là quản sự, thực ra, ngài chưa hề bỏ bê triều chính, nới lỏng quân quyền. Mới nắm trong tay phân nửa binh lực trong – ngoài, Thái tử đã tưởng có thể áp đảo thắng thế được sao? Chậc, chậc…”
Tri Vi chắp tay sau lưng, dõi mắt nom đường chân trời xa xôi, lửa chiến máu tanh nơi hoàng thành tựa hồ thiêu đốt tầm nhìn, mắt cô liền nheo lại, lát sau mới đều giọng: “Khác biệt lớn nhất giữa Sở Vương và Thái tử chính là: rất biết tự lượng, tính tới đường lùi, chưa từng coi thường Hoàng đế Thiên Thịnh.”
Độ tinh tường, sự vững chắc trong phân tích thời thế, liệu gió chống thuyền của Ninh Dịch đã đạt tới trình xuất quỷ nhập thần, đến cả Tri Vi, thoạt đầu cũng chẳng đoán ra. Ninh Dịch biết dùng thời gian mười năm dàn kế hạ gục Thái tử, kẻ bất tài vô dụng ai ai cũng nghĩ rất dễ lật đổ. Vì rằng, lật đổ Thái tử thì dễ, nhưng lật mà không khiến Hoàng đế nghi ngờ mới khó.
Nếu đoán không lầm, nhiệm vụ của đám âm binh trước ngày hành thích chính là đảm bảo thích khách có thể thuận lợi thâm nhập nội đường, song song khống chế đám tử tôn con cháu của mấy vị đại thần đang học tại Thanh Minh viện.
Thanh Minh chính là quân cờ đầu trong kế hoạch này, thông qua học viện, Sở Vương phong lưu đã thâu tóm được phần đông đám vương tôn công tử trong triều.
Vậy thì kế hoạch này bắt đầu từ khi nào? Từ hồi lập quốc hay còn sớm hơn?
Khi tính hiểm yếu của Thanh Minh bị phát giác, Sở Vương liền lập tức ‘thể hiện lòng thành’, ‘dâng’ ngay học viện cho Thái tử quản lý.
Còn mình thì lấy danh phong lưu, dẫn đầu đám vương tôn công tử, bỏ bê triều chính, bù khú ăn chơi, ngả ngớn cùng muôn hoa, vui đùa cùng giai liễu chốn phong trần Đế Kinh.
Chắc chắn, hai gã công tử bị Tri Vi ‘xử’ trong kĩ viện và trên phố kia, đều là những quân Tốt trong bàn cờ mưu lược của hắn.
Thật giả khó phân, từng bước xoay vần, suốt bao năm nay, Sở Vương ắt hẳn đã cùng đám con ông cháu cha ngấm ngầm tạo dựng mối quan hệ lợi ích mật thiết lâu dài, khiến cho các thóp mấu chốt từ trong ra ngoài học viện đều nằm gọn trong tay hắn và Tân Tử Nghiên.
Mục đích Ninh Dịch nhắm tới, không chỉ vẻn vẹn mỗi lật đổ Thái tử mà còn muốn chiếm lĩnh sự tin yêu của Hoàng đế trong quá trình thực hiện, cũng như sự ủng hộ của đại đa số quần thần sau khi Thái tử bị truất ngôi.
Trước giờ, hắn không hề có ý xem nhẹ vị Hoàng đế khai quốc đã một tay gầy dựng lên cơ đồ bá nghiệp của Thiên Thịnh hiện nay, dù rằng ông ta đã tuổi cao sức yếu, triều chính mỏi mệt, không còn huy hoàng vẻ vang được như xưa.
Còn vị Thái tử nay sắp phát khùng, quẫn trí vẫy vùng mong tránh khỏi cảnh truất ngôi, đang bị Hổ Uy quân vây khốn phải trốn trong cung kia sẽ mãi chẳng bao giờ biết được, tâm phúc của mình là kẻ nham hiểm ngoan độc đến cỡ nào.
Xông cung thất bại, Thái tử liên tiếp bị dồn về Đông cung cố thủ, Hoàng đế muốn tất cả tranh chấp đều chỉ xảy ra trong phạm vi Đông cung.
Máu có thể nhuốm đỏ Đông cung song tuyệt đối không được vấy tới Triều Hoa điện!
Lúc này, trông Vạn Tuế gia rất đỗi bình lặng, còn truyền Tri Vi đến trướng ông ta chơi cờ. Ba ván đầu, Tri Vi thua hai thắng một, Hoàng đế vuốt râu tỏ ý hài lòng.
Liền sau đó, quân phục được lính mang vào, Hoàng đế dửng dưng liếc mắt, thần sắc vô cùng lãnh đạm dưới ánh nến vàng.
Tâm tư Tri Vi cũng như quân cờ bằng ngọc, đều lạnh buốt tay.
Xưa nay, Đế gia vốn luôn thâm trầm tựa vực sâu vạn trượng.
Cờ chơi đến khuya, láng máng có tiếng khoái mã thúc ngựa phi đêm xông thẳng vào quân doanh bẩm báo. Hoàng đế đang ngồi trầm ngâm, chợt Cạch một tiếng, mạnh tay xuống cờ, cây nến kế bên liền bập bùng chực tắt.
Tri Vi se sẽ thở dài, đứng dậy tìm cớ thoái lui: “Vi thần không giỏi cờ vây, cúi mong Bệ hạ lượng thứ bỏ quá cho vi thần.”
Hoàng đế cười khẽ, xáo lại bàn cờ, Tri Vi nhanh chóng cáo lui, chân vừa tới cửa thì Hoàng đế lên tiếng: “Cùng nghe đi.”
Tim chững một nhịp, thế nhưng lệnh vua khó trái, Tri Vi trở gót, đành ‘Dạ’ vâng lời.
Ngẩng lên thì thấy Hoàng đế trông khá mệt mỏi, Tri Vi ngỡ ngàng nhớ đến ngày Ninh Dịch bị bủa vây công kích, sau bình phong, cô cũng thấy ông ta lộ ra biểu cảm này.
Thư mật dán xi tức tốc được dâng, Hoàng đế xem xong thì giận run người, đùng đùng đập thẳng phong thư xuống bàn.
“Khốn!”
(Thư dán xi: nhựa thông + paraffin + một số nhiên liệu trộn lại rồi đốt lên tạo thành một hợp chất có độ dính gọi là xi. Nhuộm đỏ bằng son, đem dán lên mép phong thư, tạo độ cẩn mật, chỉ có người nhận thư mới có quyền bẻ gãy dấu xi để bóc ra đọc. Tương truyền Hán Lưu Bang đã dùng loại thư này.)
Chẳng rõ Thái tử cùng quẫn cỡ nào lại đem đại bác san phẳng khu ngoài Đông cung. Đông cung xưa là một phần thuộc hoàng cung, sau lấy tường hào phân cách, tách thành khu riêng. Thái tử oanh tạc phản tiến, đem quân công phá hoàng thành, đánh chiếm nội cung.
Loạn quân đến chết vẫn nghĩ mình vô tội, dọc đường sục sôi đốt giết, bắt Thập hoàng tử cùng tiểu công chúa làm con tin, khăng khăng ép Hoàng đế phải trả lại công bằng cho chúng.
Bàn rung nến đổ lăn lóc, mật thư nằm bên bốc cháy phừng phừng, giữa làn sương khói mờ mịt, Hoàng đế phẫn nộ nổi trận lôi đình.
Do nghĩ Ninh Thăng gan nhỏ, lại dễ chùn lòng, Hoàng đế mới để Thiều Ninh luôn được Ninh Thăng tin yêu nán lại hoàng cung lựa lời khuyên bảo, mong sao mọi sự được giải quyết trong êm thấm, nào ngờ Thái tử rồ dại nổi điên, đến cả thân muội cũng chẳng buông tha!
Mấy vị lão thần nghe tin, mặt mày kinh hãi hớt hải chạy vào trướng vua. Chẳng ai truy cứu do đâu Thái tử cả gan gây chuyện tày đình, chỉ lo than trách: lòng người khó đoán, kế bên Thái tử lại nhiều tiểu nhân. Thái tử đụng chuyện làm càn, Bệ hạ cũng đã nhân từ khai ân, nay lại gây chuyện bất nhân, phụ bao tâm huyết trông mong của người.
Tri Vi lạnh mặt đứng xem, dễ đến mấy lần cô thấy con trai Đông các đại học sĩ đứng trong bè lũ ăn chơi của Ninh Dịch – Chính là gã Diêu công tử, kẻ từng bị Cố Nam Y gắp bay ngón tay tại Thanh Minh ngày nào.
Hoàng đế phát tiết một thôi, dần rồi bình tĩnh, trầm giọng gọi cô: “Ngụy tiên sinh.”
Đến rồi…Đúng là chạy trời không khỏi nắng, Tri Vi ai oán kêu thầm. Đã lường trước sự việc, gói ghém rời khỏi Thanh Minh, nay vì phụng mệnh phải bấm bụng chạy tới quân doanh hầu hạ Đế vương, thiết nghĩ, có vạn quân bảo vệ chắc Hoàng đế cũng chẳng dùng tới mình, ai dè lại xảy ra cơ sự của ngày hôm nay!
Đáng lẽ thiếu gia không nên ra tay ứng cứu bữa đó, giờ thì khổ rồi, bị người ta chỉ mặt gọi tên rồi!
Khắc sau, một nghìn binh lính Hổ Uy dàn quân đợi sẵn ngoài trướng, Tri Vi nhăn nhó leo lên lưng ngựa, đoạn ngon ngọt dỗ Cố thiếu gia: “Mình đi uống rượu đi!”
Đang khó đăm đăm vì nửa đêm bị dựng dậy, thoạt nghe thấy vậy, thiếu gia liền tức tốc yêu cầu: “Loại đó ngày đó.”
Tri Vi bèn dỗ: “Yến Hoài Thạch có, dẫn thiếu gia đi tìm hắn.”
Thiếu gia nghe rồi khoái lắm, bứt ngay nhành cỏ, chia cho Tri Vi.
Tri Vi đưa lên miệng ngậm – Nhăn mặt, cỏ gì đắng ngắt không à!
Ngậm cỏ trong miệng, Tri Vi lắc lư ngồi trên lưng ngựa, lòng thì nghĩ tới lời dặn trước khi lên đường của Vạn Tuế gia. Đế vương thâm trầm lúc đó đã khẩn khoản nhờ cậy cô: “Nhất định phải cứu công chúa về.”
Vốn chẳng nghĩ Hoàng đế lại thương yêu con gái đến vậy, có lẽ đây chính là thứ tình thân duy nhất còn vương sót lại trong Ninh tộc Đế gia.
Khi khoái mã vào thành, Đế Kinh đã chặt chẽ bố trí giới nghiêm, mọi ngõ ngách trong hoàng thành đều do Hổ Uy quân chiếm đóng. Đại quân Hổ Uy vốn được Thiên Thịnh đế cai quản từ thời còn là ngoại thích của hoàng triều Đại Thành, thống soái quân đội đều là những vị lão tướng có công đầu trong việc khai quốc. Trong số họ còn có một vị là thân tín của Ninh Dịch, phó soái Thuần Vu Hồng.
Lúc này, Tây Hoa môn mịt mùng khói bụi, tiếng thét ‘giết’ rung trời chuyển đất, Ninh Dịch lãnh chỉ dẫn Hổ Uy quân càn quét loạn quân của Thái tử, còn Thái tử thì trốn trong Nam cung – Thiên Ba lầu cùng với hai con tin Thiều Ninh và Ninh Tế.
Tri Vi vân vê ống áo, thư thả ngồi trên lưng ngựa xa xăm ngắm một góc hoàng thành ngập trong biển lửa, ánh lửa rực đỏ bập bùng thiêu đốt đôi má, hắt lên vẻ trơn mịn như ngọc của làn da.
Cô không lệnh cho một nghìn binh mã xông vào trận địa, cũng chẳng cầm quân dẫn Cố thiếu gia đi cứu người mà chỉ lẳng lặng ở đó, chờ đợi!
Quả nhiên đợi một lúc thì thấy Ninh Dịch thúc ngựa phi tới, sau đó ghìm cương chậm rãi dừng bên cạnh cô.
Đôi nam nữ lặng lẽ ngồi trên lưng ngựa cùng dõi mắt trông về nơi trận địa giao tranh khốc liệt phía kia hoàng thành.
“Có những kẻ không thể sống.” Lâu sau, Ninh Dịch mới nhàn nhạt lên tiếng.
“Có những kẻ không nhất thiết phải chết.” Tri Vi cũng ôn tồn đáp: “Giả dụ như: con tin.”
“Cứu một mình Ninh Tế,” Ninh Dịch cau mày: “cũng đủ để bàn giao với Bệ hạ…” Hắn chững lại một thoáng rồi đều giọng nói tiếp: “Ta sẽ hộ nàng.”
Tri Vi tin lời này, song vẫn trầm ngâm suy tính. Cô thấy rờn rợn sống lưng khi thỏa hiệp lần đầu với Ninh Dịch về lợi ích giữa đôi bên.
Chỉ dăm câu ít ỏi đã đủ định đoạt sinh mạng của kẻ khác, Ninh Dịch dửng dưng như thế cũng là lẽ thường, thế sao đến cô cũng lại bình tâm chẳng chút áy náy?
Hoàng đế lạnh bạc, Sở Vương thâm trầm, một khi đã lọt vào vòng xoáy giao tranh của hai người họ, việc đầu tiên phải nghĩ tới chính là bảo vệ lấy thân.
Hóa ra, cô cũng chỉ là kẻ máu lạnh bẩm sinh như họ…
“Đừng làm ta thất vọng.” Hấp háy ý cười tuyệt diễm reo vui cùng ánh lửa: “Bằng không, nàng sẽ vô vọng.”
Ý vị thâm sâu pha lẫn thứ cảm xúc kỳ lạ chợt lóe qua đôi mắt hắc ngọc, Tri Vi trông mà không hiểu bèn chọn cách mỉm cười đáp lễ: “Đừng để thần vô vọng.”