Hỡi Người Tình

Chương 15



Sở thích số một của người Thiệu Hưng, nghe nói là rượu Thiệu Hưng. Còn sở thích số hai, có lẽ là kịch Thiệu Hưng. Thế nên, Hàn Đinh và La Tinh Tinh chỉ cần hỏi thăm bất kỳ ai đó trên đường, là vẫn có thể dễ dàng tìm thấy nhà máy rượu Bách Niên Hồng và đoàn kịch Bách Hoa Thiệu. Thiệu Hưng vốn không rộng. Đoàn kịch Bách Hoa Thiệu cách nhà nghỉ của Hàn Đinh và La Tinh Tinh không xa là mấy. Lúc hai người tới tòa nhà gạch trông rệu rạo, xuống cấp, đoàn kịch vẫn trong giờ làm việc. Nhưng không hiểu sao, ở đây vắng tanh, không một bóng người. Hàn Đinh và La Tinh Tinh đi từng tầng một lên tầng bốn, rồi lại từ tầng bốn xuống tầng một. Mãi sau, mới tìm được một ông già ở cửa nhà vệ sinh nam. Hai người hỏi thăm về kép Lý. Hóa ra, các diễn viên trong đoàn kịch đã ra rạp từ chiều. Mấy hôm nay, đoàn kịch đều có buổi diễn riêng phục vụ học sinh trung, tiểu học.

Hàn Đinh và La Tinh Tinh lại tức tốc đi tới rạp. Đến nơi, mặt trời đã chếch về hướng tây. Buổi diễn dành cho học sinh trung, tiểu học cũng sắp kết thúc. Trên sân khấu, tiếng chiêng trống inh ỏi, tiếng hô giết vang rần. Phía hậu trường, mọi người tất bật tới lui. Hàn Đinh và La Tinh Tinh phải hỏi thăm mấy người mới tìm được kép Lý. Ông vừa rời sân khấu, còn chưa kịp tẩy trang. Nghe nói luật sư của Long Tiểu Vũ muốn gặp, kép Lý sốt sắng dẫn Hàn Đinh và La Tinh Tinh tới ngồi ở một góc vắng vẻ trong hậu trường, nhiệt tình trả lời mọi câu hỏi. Mặt kép Lý tô vẽ hung dữ, nhưng giọng nói của ông lại dịu dàng, đôn hậu. Hàn Đinh không nhận ra tuổi tác của ông Lý. Nhưng dựa vào giọng nói có thể đoán, ông ít nhất cũng phải bốn mươi, năm mươi. Ông Lý nói, ông và bố Long Tiểu Vũ là bạn rất thân, đều quê Thạch Kiều. Bố Long Tiểu Vũ sau này sở dĩ mở gánh kịch, phần nhiều do chịu ảnh hưởng của ông Lý. Bởi ông là người con duy nhất của Thạch Kiều trở thành nghệ sĩ kịch Thiệu Hưng chuyên nghiệp. Không chỉ các làng xã, thị trấn, mà sau này, cả thành phố Thiệu Hưng đều biết tiếng ông. Khi nhắc đến bố Long Tiểu Vũ, đôi mắt vẽ viền đen của người nghệ sĩ già chợt ầng ậng nước. Ông nói:

- Bố Tiểu Vũ hát kịch không hay lắm, nhưng ông ấy rất tốt, làng xã nào cũng biết. Một người tốt hiếm có!

- Bác ấy tốt ở điểm nào ạ? - Hàn Đinh hỏi.

- Ông ấy tốt với vợ. Sau khi vợ bỏ đi, lại tốt với con. Ông ấy nuôi dạy Tiểu Vũ với vai trò của một người cha, người mẹ, và người thầy. Nhiều người mai mối cho đám này, đám khác, nhưng ông ấy đều nhất quyết không chịu đi bước nữa. Tất cả vì nghĩ đến con. Mong con trai trưởng thành nên người, có tiền đồ sáng sủa. Vùng thôn quê, mọi người rất yêu quý ông ấy. Ai tốt với ông ấy một, thì ông ấy tốt lại mười, ơn suối trả sông, ơn sông trả bể. Người trong nghề chúng tôi coi trọng nhất chuyện ấy. Với một nghệ sĩ bươn chải, lăn lội bên ngoài như ông ấy, điều này càng quan trọng. Khi ông ấy mất, chúng tôi đều thương tiếc ông ấy. Con trai ông ấy có khó khăn gì, chúng tôi đều sẵn sàng giúp đỡ. Thế nên, khi biết Tiểu Vũ không có việc làm, tôi đã giới thiệu và bảo lãnh cậu ấy với lãnh đạo đoàn kịch, kiếm cho cậu ấy một chân trong đoàn kịch.

- Cậu ấy đã làm tạp vụ cho đoàn kịch, phải không ạ?

- Vâng. Tiểu Vũ rất giống bố. Thường ngày ít nói, nhưng trong bụng, cậu ấy rất trọng tình cảm. Cậu ấy rất cảm kích những người tốt với mình, cả những người trước đây tốt với bố cậu ấy. Để đền đáp, cậu ấy sẵn sàng làm mọi việc. Giả như có bảo phải chết, cậu ấy cũng không từ. Một lần, con bé nhà tôi bị một đám lưu manh ngoài phố bắt nạt. Cậu ấy trông thấy, liền một mình xông vào đánh nhau với sáu tên lưu manh, máu me đầy người cũng mặc. Sáu tên kia sợ quá, bỏ chạy. Hồi ấy, con bé nhà tôi đang học trung học. Sau lần ấy, ngày nào Tiểu Vũ cũng dậy sớm, đưa con bé đến trường. Bây giờ, con bé đã đi làm, nhưng vẫn hay kể về Long Tiểu Vũ. Rằng anh Vũ thế này, anh Vũ thế kia. Con bé rất nhớ cậu ấy. Thế nên bây giờ, tôi vẫn chưa nói cho con bé biết chuyện xảy đến với Tiểu Vũ. Vợ tôi, tôi cũng chẳng kể. Bà ấy rất quý Tiểu Vũ. Thật sự tôi không hiểu, sao chuyện ấy lại có thể xảy ra với Tiểu Vũ. Cậu ấy chưa bao giờ chủ động gây sự với ai. Sau này có người bảo với tôi là cậu ấy đã giết người. Thật sự, tôi không thể nào tin được!

- Hồi làm việc trong đoàn kịch của các bác, Long Tiểu Vũ biểu hiện thế nào ạ?

- Biểu hiện ấy à? Đương nhiên là tốt! Cậu ấy làm việc rất chăm chỉ, chịu khó. Ai nhờ việc gì cũng giúp. Anh chị có biết chuyện cậu ấy đã học đại học không nhỉ? Cậu ấy là người có văn hóa! Cánh nghệ sĩ già trong đoàn kịch chúng tôi đều quý cậu ấy, bảo cậu ấy sau này nhất định có tiền đồ. Chậc. Tôi chưa bao giờ gặp ai có số khổ hơn cậu ấy. Từ nhỏ, đã phải theo gánh kịch đi diễn khắp thôn cùng xã, chẳng được học hành trường lớp gì. Ấy thế mà thi đỗ được vào đại học. Quá giỏi! Tiếc là, sau khi bố cậu ấy mất, cậu ấy bỏ học về quê chèo thuyền kiếm sống, khó khăn, vất vả lắm. Tội nghiệp cậu ấy. Nếu như cậu ấy có giết người thật, thì chắc chắn là do bị người khác dồn ép. Còn thì không đời nào!

Hàn Đinh không muốn để người kép già tiếp tục cảm thán Long Tiểu Vũ với lời lẽ đầy cảm thông, thương cảm như thế trước mặt La Tinh Tinh. Anh sợ, những lời lẽ như thế sẽ khiến La Tinh Tinh càng nhìn nhận vụ án này theo cảm tính. Anh ngắt lời người kép già, chuyển sang đề tài khác:

- Long Tiểu Vũ làm ở đoàn kịch bao lâu ạ?

Người kép già nghĩ một lát:

- Không lâu lắm. Độ vài tháng.

- Sao anh ấy lại thôi làm ạ? Anh ấy xin nghỉ việc ạ?

- Vâng. Cậu ấy ở nhà bạn gái. Mẹ bạn gái cậu ấy bị bệnh phong thấp, đi lại không tiện. Ngày nào Tiểu Vũ cũng cõng bà ấy đi khám bệnh, còn phục vụ cơm nước cho bà ấy. Nhưng đoàn kịch chúng tôi thường xuyên phải đi diễn ở bên ngoài. Mỗi lần như thế phải mươi bữa, nửa tháng. Cậu ấy hay xin nghỉ, nên lãnh đạo đoàn kịch không hài lòng, gặp cậu ấy để nói chuyện. Cậu ấy cũng không còn cách nào khác, đành thôi không làm nữa. Tôi cũng chẳng có cách nào. Trong đoàn kịch có một bà đóng đào già giới thiệu cậu ấy đến một đơn vị văn hóa gõ văn bản bằng máy vi tính. Vì hồi học đại học, cậu ấy đã học vi tính. Bà ấy rất thương Tiểu Vũ. Chồng bà ấy làm ở đơn vị ấy. Nhà lại có sẵn máy vi tính, nên đưa cho Tiểu Vũ dùng. Nhưng đây chỉ là công việc tạm thời. Lúc có văn bản mới đánh, còn không thì thôi. Tiền kiếm được chẳng là bao. Sau này, khi mẹ bạn gái Long Vũ đã có thể đi lại, làm được việc này, việc kia, cậu ấy mới đi tìm việc ở nơi khác. Trước khi đi, cậu ấy còn cẩn thận gọi điện thoại chào tôi cơ mà.

Nhắc đến Long Tiểu Vũ, người kép già cứ thao thao bất tuyệt, ánh mắt đầy trìu mến. Hàn Đinh và La Tinh Tinh đã ra khỏi rạp kịch, đứng trên phố nhìn bóng tịch dương rủ xuống phía chân trời. Vậy mà giọng nói trầm khàn của người kép già cơ hồ vẫn văng vẳng bên tai, khiến lòng anh và nàng trĩu lại. Ít ra, sau khi nghe lời kể của vị giám đốc nhà máy rượu Bách Niên Hồng và ông kép Lý, sự nhìn nhận của Hàn Đinh với Long Tiểu Vũ, trong thâm tâm, đã có một chút thay đổi. Anh không vì thế mà khẳng định Long Tiểu Vũ không giết người, nhưng cảm giác rằng, Long Tiểu Vũ, có lẽ, là một người tốt thật. Nếu không, tại sao lại có nhiều người nói tốt về anh ta đến thế? Tại sao La Tinh Tinh lại yêu anh ta đến thế? Chuyện anh ta giết Tứ Bình có thể là thật. Nhưng cũng có thể, trong chuyện này, thật sự là đã có một việc gì đó thật đặc biệt, một nguyên nhân gì đó thật đặc biệt!

Hàn Đinh và La Tinh Tinh chậm rãi quay về trong ánh tịch dương đỏ như máu. Bóng hai người càng lúc càng dài. Chẳng ai còn tâm trạng nói chuyện. Ánh nắng hắt lên mặt đất dần nguội lạnh. Làn gió thoảng trên sông phả hơi buốt thấu xương. Nhưng Hàn Đinh vẫn cảm thấy toàn thân nóng ran. Anh không phân biệt nổi, trong suy nghĩ của anh hiện đang có mấy phần hoang mang, mấy phần hoài nghi và cả mấy phần bế tắc.

Chập tối, hai người ăn vạ vật mấy thứ ngoài phố, coi như bữa tối. Về đến nhà nghỉ ven sông, trời đã tối. Vừa bước vào cửa, một nữ nhân viên quầy lễ tân đã hỏi thăm:

- Anh chị ở phòng số ba tầng hai, phải không ạ? Đằng kia có người tìm anh chị.

Hai phụ nữ đang ngồi trên chiếc trường kỷ cạnh tường mé trái quầy lễ tân. Một cô gái đặc sệt nhà quê độ mười sáu, mười bảy tuổi. Và một người đàn bà trung niên gầy yếu. Người đàn bà trung niên mệt nhọc vịn vào cô gái trẻ đứng lên. Đôi mắt ốm yếu hướng về Hàn Đinh.

Hàn Đinh nhận ra, đó chính là mẹ Tứ Bình, người anh đã gặp ở tòa án Bình Lĩnh.

Có thể, bởi vết đau ông bố Tứ Bình để lại trên người Hàn Đinh vẫn chưa bình phục nên vừa trông thấy bà mẹ Tứ Bình, Hàn Đinh ngay lập tức có phần căng thẳng. Anh cảnh giác nhìn ngó xung quanh. Thấy trong ngoài sảnh, ngoài hai người đàn bà sức trói gà không chặt ra, không còn bất kỳ ai khả nghi, bèn tiến về phía họ. Hàn Đinh lúng túng, không biết nên xưng hô với bà mẹ Tứ Bình thế nào:

- Bác... bác tìm cháu ạ? Bác có phải mẹ Tứ Bình không ạ?

Bà mẹ Tứ Bình một tay chống nạng, một tay vịn vào vai cô gái, tiến lên một bước:

- Cậu... Cậu có phải là luật sư ở Bắc Kinh không?

- Vâng. Bác tìm cháu có việc gì ạ?

Thấy La Tinh Tinh đứng cạnh Hàn Đinh, bà mẹ Tứ Bình định nói, nhưng lại thôi. Hàn Đinh vội giới thệu:

- Cô ấy là trợ lý của cháu. Có việc gì, mời bác lên phòng cháu nói chuyện được không ạ?

Hàn Đinh chợt nhớ ra bà mẹ Tứ Bình bị bệnh phong thấp. Anh nhìn chân bà, ái ngại hỏi:

- Liệu bác có lên gác được không ạ?

Bà mẹ Tứ Bình nhúc nhắc người về phía trước, run rẩy:

-... Được.

Tới phòng của Hàn Đinh chỉ phải leo một tầng gác, nhưng bà mẹ Tứ Bình đi rất chậm chạp, vất vả. La Tinh Tinh và cô gái trẻ, mỗi người một bên, dìu bà đi từng bậc lên tầng hai, rồi vào phòng Hàn Đinh. Trong phòng chỉ có duy nhất một ngọn đèn bàn sáng lờ mờ. Bà mẹ Tứ Bình và cô gái ngồi tạm trên giường. Khuôn mặt họ chìm trong bóng tối.

Bà mẹ Tứ Bình lên tiếng trước:

- Hôm nay anh chị tới nhà tôi, tôi biết. Sau, tôi nghe bà hàng xóm bảo anh chị trọ ở đây, nên tôi nhờ cháu đây là con gái bà ấy dìu tôi đến. Tôi... tôi muốn gặp anh chị. Tranh thủ lúc bố Tứ Bình vừa ra ngoài uống rượu.

Hàn Đinh thân thiện gật đầu với bà mẹ ốm yếu của Tứ Bình, nói:

- Bác... bác đến tìm chúng cháu thế này, có phải vì có chuyện gì muốn trao đổi với chúng cháu, phải không ạ?

Ánh mắt thiếu sức sống của bà mẹ Tứ Bình run rẩy đầy nặng nhọc trên khuôn mặt Hàn Đinh. Bà mếu máo:

- Tôi... tôi muốn biết, rằng Tiểu Vũ, thằng bé rốt cuộc đã thế nào. Sau này, thằng bé sẽ ra sao?

Hàn Đinh mấp máy môi, nhưng không biết nên trả lời thế nào. Anh quá đỗi nghi hoặc trước câu hỏi của bà. Anh không thể nào ngờ rằng, mẹ Tứ Bình - người đàn bà gần như không thể tự mình xuống giường vì bệnh tật - đã giấu chồng, nhờ người quen dìu từng bước tới đây, rồi đi lên cầu thang, tới căn phòng này, không phải vì con gái đẻ của mình là Tứ Bình, mà vì Long Tiểu Vũ - kẻ bị tình nghi đã giết chết con gái bà! Hàn Đinh cơ hồ quên mất thân phận của mình, bộc lộ hẳn tâm trạng sửng sốt, hoài nghi.

- Long Tiểu Vũ? Bác quan tâm đến Long Tiểu Vũ ạ? Nhưng anh ta là kẻ tình nghi đã giết chết con gái bác cơ mà...

Mẹ Tứ Bình thổn thức:

- Sao thằng bé có thể hại con Tứ Bình được? Nó tốt với con bé lắm... cả với tôi nữa. Lúc tôi ốm liệt giường, toàn thằng bé chăm sóc. Thằng bé nấu cơm, giặt giũ cho tôi, còn cõng tôi tới bệnh viện. Không có nó, bây giờ, tôi vẫn chưa đi lại được. Thằng bé giống như con đẻ tôi vậy. Mà có khi, con đẻ tôi cũng chẳng thể chu đáo với tôi như thằng bé... Lúc ở với tôi, suốt ngày nó gọi tôi là u. Thằng bé không có u, tôi chính là u của nó! Sao thằng bé có thể hại con Tứ Bình được, tôi không tin! Tôi đã nói với thằng bé rồi. Sau này, kể cả khi chuyện nó với con Tứ Bình không thành, tôi vẫn cứ coi nó như con đẻ. Tôi muốn có một đứa con trai như nó! Thằng bé có thể không thành chồng thành vợ với con Tứ Bình. Cần gì phải hại con bé. Tiểu Vũ không phải là đứa như thế...

Mẹ Tứ Bình vừa kể, vừa khóc, vừa lấy khăn tay lau nước mắt. Bà đã coi Long Tiểu Vũ như con đẻ. Thậm chí, có khi, tình cảm bà dành cho Tiểu Vũ còn lớn hơn cả tình cảm dành cho cô con gái tính khí thất thường. Cái chết của cô con gái như nỗi đau từ trên trời giáng xuống. Bà đã chịu đựng được. Nhưng bây giờ, có người bảo với bà rằng, con trai bà đã giết chết con gái bà. Nỗi đau đớn ấy, làm sao bà chịu đựng nổi?

La Tinh Tinh rơi nước mắt. Mắt Hàn Đinh cũng đỏ hoe.

Mắt đỏ hoe, nhưng Hàn Đinh vẫn can đảm nêu câu hỏi:

- Tình cảm Tiểu Vũ và Tứ Bình là thế, sao bây giờ các bác lại không muốn thừa nhận rằng hai người đã từng yêu nhau? Vì sao các bác lại trình bày với bên công an rằng, hai người chưa bao giờ có quan hệ yêu đương?

Mẹ Tứ Bình vừa khóc, vừa lắc đầu. Mãi sau, mới câu được câu mất kể lại đầu đuôi:

- Đấy là bố Tứ Bình nói thế. Ông ấy cũng ép tôi phải nói như thế. Ông ấy không muốn người ta kháo nhau rằng, bạn trai con gái chúng tôi là kẻ giết người. Ông ấy sợ như thế sẽ mất mặt! Ông ấy sợ, nếu không nói như thế, sẽ không nhận được tiền bồi thường. Nếu để người ta biết Tứ Bình bị bạn trai giết, người ta sẽ bảo rằng chúng tôi đều là người một nhà, rằng chúng tôi tự giết lẫn nhau và sẽ không bồi thường... Thật, có chết tôi cũng không thể tin được. Hai đứa chúng nó tốt với nhau, yêu nhau là thế, sao lại có thể giết nhau!

Lúc tiễn mẹ Tứ Bình, Hàn Đinh nói với người đàn bà đau khổ tột bực ấy rằng:

- Vâng. Cháu cũng không tin. Cũng giống như bác, cháu không tin Long Tiểu Vũ lại làm điều ấy. Anh ấy là người trọng nhân nghĩa, trọng tình cảm, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Bỗng dưng xảy ra chuyện như thế, thật không hợp tình, hợp lý. Cháu đến Thiệu Hưng, mục đích là để làm rõ nguyên nhân chuyện này! Cháu sẽ tìm hiểu sự thật để bào chữa cho anh ấy!

Đây là lần đầu tiên Hàn Đinh thể hiện thái độ như vậy trước mặt La Tinh Tinh. Và cũng kể từ thời khắc ấy, thâm tâm anh đã đưa ra một quyết định, rằng: Anh sẽ tìm hiểu Long Tiểu Vũ thật toàn diện, sâu sắc. Tìm hiểu mọi việc xảy ra giữa Long Tiểu Vũ và Chúc Tứ Bình. Cân nhắc, suy ngẫm lại từng chứng cứ mà Viện kiểm sát đưa ra. Xuất phát từ lập trường bị cáo vô tội để chất vấn toàn diện những lời cáo buộc - mà nhìn bề ngoài tưởng như rất kín kẽ ấy!

Tối hôm ấy, Hàn Đinh bèn bắt tay chuẩn bị cho phương án bào chữa nghi phạm vô tội. Anh nói chuyện gần như cả đêm với La Tinh Tinh. Anh bảo La Tinh Tinh kể cho anh mọi chuyện liên quan đến Long Tiểu Vũ. Kể cả chuyện hai người quen nhau như thế nào, có tình cảm với nhau ra sao. Sau gần một năm Long Tiểu Vũ bỏ trốn, hai người đã gặp lại ở Bắc Kinh như thế nào. Hàn Đinh nói với La Tinh Tinh: Tất cả những vấn đề này đã không còn là bí mật riêng tư giữa em và Long Tiểu Vũ, mà là những tình tiết anh buộc phải tìm hiểu và nắm chắc, với tư cách là người bào chữa cho Long Tiểu Vũ. Những điều em kể phải là sự thật. Bởi bất kỳ một sự che giấu nào dù là vô tình hay hữu ý, bất kỳ một sự sửa đổi, thêm bớt nào không đúng với sự thật, cũng sẽ khiến cho cuộc bào chữa đi sai hướng và cuối cùng là thất bại.

Tối hôm ấy, hai người nói chuyện đến tận khuya, rồi lại tiếp tục cho đến khi trời sáng. La Tinh Tinh kể lại mối tình đẹp giữa nàng với Long Tiểu Vũ bằng giọng kể lúc được lúc mất, trong những giọt nước mắt ngắt quãng. Sự đẹp đẽ của mối tình ấy đương nhiên bao gồm cả sự chia ly sau này giữa hai người. Với họ, sự chia ly ấy từng là sự vĩnh biệt rõ ràng. Trong một năm chia ly, mọi kỳ vọng ẩn sâu trong trái tim hai người đều tất tật tiêu tan. Thế nhưng, sự trùng phùng của họ tại Bắc Kinh sau một năm lại vượt qua sức tưởng tượng. Quả thực, Hàn Đinh chưa từng có một mối tình như thế. So với Long Tiểu Vũ, chuyện tình giữa Hàn Đinh và La Tinh Tinh - chuyện tình trước đây anh vẫn ngỡ là lãng mạn tột bậc nhưng cũng sóng gió vô ngần - ngay lập tức trở nên quá đỗi bình thường, giống như dưa cà mắm muối.

Trời sáng. Hàn Đinh và La Tinh Tinh rời khỏi nhà nghỉ ven sông. Mệt bã người. Hàn Đinh vốn định sau khi kết thúc chuyến điều tra tại Thiệu Hưng, sẽ đưa La Tinh Tinh tới Lan Đình và Thẩm Viên(8) chơi một chuyến. Trong suy nghĩ của Hàn Đinh, La Tinh Tinh là một cô gái đẹp, chỉ có điều hơi thiếu một chút trình độ văn hóa. Đi thăm những di tích văn hóa như thế sẽ giúp nàng mở mang thêm kiến thức. La Tinh Tinh cũng đồng ý với kế hoạch của Hàn Đinh. Dường như, với mỗi di tích lịch sử, mỗi phong cảnh của Thiệu Hưng, nàng đều có một hứng thú đặc biệt, muốn nán lại chiêm ngưỡng và nghiền ngẫm thấu đáo. Thế nhưng giờ đây, khi đã rời khỏi nhà nghỉ, đi trên bờ sông bảng lảng sương sớm sau một đêm nói chuyện rã rời, cả hai đều không đả động gì đến hành trình đã lên kế hoạch từ trước. Họ đi bộ, xuyên qua một con hẻm xưa cũ. Ra tới phố, họ bắt xe buýt đi về hướng ga tàu hỏa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.