Ngón tay thon dài quen thói gõ nhịp trên bàn, đầu óc xoay chuyển kết nối lại mọi chuyện, Trúc ngỡ ngàng bật thốt: "Nếu là thật thì đó cũng chỉ là tai nạn ngoài ý muốn, sau đó thể vô cớ đổ lỗi lên đầu chú tư nhà mình được đa?"
Cô hai Hoa uống cạn chén nước màu đen, đem chén rỗng trong tay đặt "cộp" lên bàn, sau đó nhận lấy chén trà dượng hai Tài đưa đến súc miệng, chờ vị thuốc trong miệng tản hết mới xen lời vào: "Ngặt nỗi là cô ả cứ cắn lấy thằng tư không buông.
Tối đó xui rủi sao mà chỉ có hai người họ ở bên ao, thằng tư thấy cô ả chới với dưới nước thì la lớn kêu người tới vớt lên.
Cô ả bất tỉnh nửa ngày, vừa tỉnh lại thì khóc tức tưởi treo tên thằng tư trên miệng miết thôi."
Trúc cẩn thận tiêu hoá từng câu từng lời vừa nghe được, vẻ mặt mờ mịt hỏi lại: "Ý chị là...!chú tư không có nhảy xuống cứu người?"
Nghe cô hỏi thế, hai Hoa bật cười vui vẻ, trong giọng nói chứa đựng mỉa mai và châm chọc: "Đúng đó, cái thằng ranh con đó còn bận đi bắt chó, thấy con gái người ta lặn thụp dưới nước thì lại ở trên bờ ôm chó đứng xem.
Chờ đến khi cô Liễu sắp chìm hẳn thì mới to tiếng gọi người tới vớt lên."1
Trúc hoàn toàn không biết nói gì để diễn tả tâm trạng của mình lúc này, trong lòng lại âm thầm bật ngón cái khâm phục cậu em chồng.
Nên khen cậu tư Rìa đầu óc thông minh linh hoạt, hay là tuổi trẻ nghịch ngợm hư hỏng?
Có thể trơ mắt nhìn một cô gái chật vật dưới nước, xem chán chê rồi mới nghĩ tới chuyện cứu người.
Bà Kim bất mãn hừ lạnh: "Còn may là thằng tư không động chạm vào người cô ta! Nhìn bề ngoài thì ngoan ngoãn có học thức, ai ngờ bên trong lại rẻ rúng đốn mạt như thế.
Khóc lóc kêu la nói thằng tư hại nó thì cũng thôi đi, nó còn luôn miệng ám chỉ thằng tư cứu nó, động chạm vào thân thể nó, nó biết sống sao bây giờ? Ông trời ngó xuống mà xem, nó đặt điều giá hoạ, ăn không nói có như thế mà không sợ trời giáng thiên lôi cơ à!"
Hai Hoa bốc một miếng mức trái cây bỏ vào miệng, vị chua chua ngọt ngọt lấn át đi cái vị đắng của thuốc, cô thích thú nói thêm: "Nực cười ở chỗ là cô ả cứ tưởng tư Rìa cứu mình, cho nên mới dám mạnh miệng nói năng như thế đó đa.
Má và chị hỏi có phải cô muốn người cứu mình chịu trách nhiệm với thanh danh của mình hay không, cô ả nức nở ngầm đồng ý, đến khi vỡ lẽ người cứu mình là một thằng hầu trong nhà thì lắp bắp nói không phải.
Sau đó dường như không thể chấp nhận nỗi sự thật mà đổ bệnh nặng, sốt cao không ngừng."
Trúc gật đầu, xem như đã hiểu mọi chuyện.
Buổi chiều vừa nhắc đến chuyện cho cô Liễu dọn ra ngoài, tối đến cô ta liền té ao, bệnh không gượng dậy nổi.
Thật đúng là trùng hợp.
Có điều cô ta té ao thì té ao, tại sao cứ khăng khăng bám lấy cậu tư không buông, chỉ e chuyện té ao này là cố ý chứ nào phải vô tình.
Mọi chuyện đều diễn ra đúng như cô Liễu mong muốn, chỉ là không ai đoán được cậu tư Rìa lại có hành động khác người như thế.
Người bình thường khi nhìn thấy người khác gặp nạn té ao, phản ứng đầu tiên phải là lập tức nhảy xuống cứu giúp.
Nhưng cậu em chồng của cô thì không như vậy.
Việc đầu tiên cậu làm là đi tìm chú chó con của mình, sau đó một chủ một chó đứng trên bờ nhìn người ta vùng vẫy dưới ao.
Cậu không vội vàng nhảy xuống cứu người, mà kêu tôi tớ đến cứu.
Nghĩ đến đây, Trúc nhịn không được mà hỏi: "Chú tư...!có biết bơi không ạ?"
Mọi người đương nhiên biết cô hỏi vậy là có ý gì, hai Hoa cười ra tiếng, vui vẻ nói: "Biết chứ, có điều dù học thế nào, nó cũng chỉ biết bơi kiểu chó mà thôi.
Nó cảm thấy kiểu bơi này quá mất mặt, cho nên cực kì không thích xuống nước.
Thành ra cô Liễu tính sai bước này rồi."
Âu cũng là do gieo gió gặt bão.
Chỉ là cô không ngờ đến cô Liễu sẽ bày mưu đặt kế trên người cậu tư.
Mới hôm trước cô ta còn dõng dạc nói hai người cách nhau tận tám tuổi, bây giờ lại vì sợ bị đuổi ra khỏi nhà mà diễn một màn kịch khôi hài, phá hỏng cả thanh danh.
Nhà phú ông có sức hấp dẫn lớn như vậy sao? Đáng giá để cô ta dày công sắp đặt như thế?
Trái lo phải nghĩ một hồi, Trúc thở dài nói: "Xảy ra chuyện lớn như vậy, sao mọi người không nói cho vợ chồng con biết đa."
Bà Kim mỉm cười thâm thuý nhìn con dâu, trêu ghẹo nói: "Chuyện gì cũng không quan trọng bằng chuyện con và thằng ba chung phòng, sao má có thể làm phiền hai đứa được chứ."
Lại nữa, nói một hồi lại quay về chủ đề "chung giường chung chiếu" rồi đa.
Ánh mắt cô đảo quanh không dám nhìn thẳng má chồng, chẳng phải xấu hổ thẹn thùng chi đâu, mà là do chột dạ vì kiểu "chung phòng" của vợ chồng cô không giống như mọi người đã nghĩ.
Trúc vội vàng bẻ lái sang chuyện khác: "Vậy chú tư đâu rồi ạ, chú ấy có ý kiến gì đối với chuyện này hay không?"
Nhắc tới thằng con trai nhỏ của mình, bà Kim vừa tức lại buồn cười, chỉ biết thở dài than: "Nó thì đưa ra được cái ý kiến gì nên hồn cơ chứ! Tối qua hỏi chuyện xong rồi thì vô tư về phòng ngủ tới sáng.
Sáng nay chưa kịp dùng bữa đã chạy ra ngoài tập tụ chơi bời rồi, con với chả cái, thật không làm người khác bớt lo được mà."
Cô hai Hoa nói thêm vào: "Hôm qua vừa nghe cô Liễu nằng nặc đòi nó chịu trách nhiệm, nó suýt nữa nhảy lên lật tung nóc nhà.
Tính tình thằng tư cũng có phải dạng hiền lành biết thương hoa tiếc ngọc gì đâu, vừa mở miệng đã nói không có hứng thú với gái lỡ thì, nói mình đang độ tuổi xanh tươi mơn mởn, còn chưa chơi đủ, miễn bàn chuyện cưới xin.
Huống chi cưới vợ là chuyện trọng đại, gia quy trong nhà còn đó, cưới rồi không dễ gì li hôn, nó tuyệt đối không chấp nhận bị người cho đội nồi như thế."
Đối với đứa con trai nhỏ này bà Kim hết lòng dung túng yêu thương, dĩ nhiên không nỡ mắng nặng lời, bèn hừ một hơi, nói: "Cái thằng ranh này chỉ biết nói năng bậy bạ.
Bình thường có khi nào nó dậy sớm thế đâu, bây giờ chắc chạy tới cửa hàng làm mình làm mẩy, ăn vạ trước mặt ba mấy đứa rồi."
Cô hai Hoa nghe thế lại trách ngược má mình: "Cũng tại ba với má nuông chiều nó quá chứ sao, mười tám tuổi đầu chứ còn nhỏ gì đâu, suốt ngày chỉ biết chơi bời lêu lỏng, học hành không tới nơi tới chốn, bảo ra cửa hàng học việc thì lủi trốn mất tiêu."
Bà Kim xua tay, nói rằng: "Nhà chỉ có mình tư Rìa là nhỏ nhất, không thương nó thì thương ai.
Trên có con và thằng ba lo chuyện mần ăn buôn bán là đủ rồi, nó chơi thì mặc nó chơi đi, nó cũng đâu thể nào chơi cả đời được, đợi lúc chán chê rồi thì tự nhiên sẽ trưởng thành thôi."
Bà đã nói đến mức này, người khác cũng không tiện nói thêm.
Suy nghĩ của vợ chồng phú ông rất đơn giản.
Nhà có của ăn của để, việc kế thừa sản nghiệp thì có con trai trưởng lo liệu, thằng tư không muốn quản thì thôi cũng chẳng sao, của cải của ông bà đủ nuôi con trai ăn sung mặc sướng cả đời.
Thấy hai người đã nói xong rồi, Trúc mới nói ra lo lắng trong lòng mình: "Chuyện cô Liễu người trong nhà đều biết thực hư ra sao, nhưng nếu có người cố ý truyền ra ngoài, đặt điều thêm mắm dặm muối e là sẽ rắc rối lớn đó đa."
Nói đâu xa, tiếng tăm "mợ ba Trúc" ngày xưa có thể xấu xa đến thế đều là do xóm làng một đồn mười, mười đồn trăm mà ra.
Cô hai Hoa cười nói rằng: "Em chớ lo xa, đứa nào to gan dám truyền tin trong nhà phú ông ra ngoài cơ chứ."
Trúc thở dài, chân thành nhắc nhở: "Không phải em lo xa gì đâu chị hai, mà chính em là người đã trải qua chuyện thế này rồi.
Mới hôm qua đây thôi chứ đâu xa, em và cô Liễu trò chuyện bên ao, trưa ra chợ đã nghe người ta bàn tán nói em hạch hoẹ cô Liễu, vô cớ gây chuyện khiến gia đình xào xáo không yên.
Em còn đang thắc mắc không biết sao người ta lại nghe ngóng được chuyện nhà mình nhanh đến thế."
Cả bà Kim và cô hai Hoa đều ngạc nhiên nhăn mày: "Còn có chuyện như vậy?"
Trúc vội trấn an, nhẹ nhàng nói: "Chuyện của con không quan trọng nữa rồi, con sợ chuyện cô Liễu và chú tư bị truyền ra ngoài, đến lúc đó sẽ ồn ào không hay.".