Hồng Lâu Mộng

Chương 43: Ngồi rỗi bày trò, góp tiền ăn sinh nhật



Ngồi rỗi bày trò, góp tiền ăn sinh nhật

Mối tình không dứt, vốc đất viếng oan hồn

Vương phu nhân thấy Giả mẫu hôm ấy ở vườn Đại Quan chỉ bị cảm xoàng, không đến nỗi nặng, mời thầy thuốc uống vài thang là khỏi, nên mới bảo Phượng Thư sắp sửa đồ vật gửi cho Giả Chính. Đương khi bàn bạc thì Giả mẫu cho người lại gọi, Vương phu nhân dẫn Phượng Thư đến, hỏi:

- Hôm nay cụ đã khoan khoái hẳn chưa?

- Khá lắm rồi. Vừa rồi chị đưa sang bát canh thịt gà rừng tôi nếm thấy ngon, lại ăn vài miếng thịt, trong bụng dễ chịu.

Vương phu nhân cười nói:

- Đó là canh chị Phượng nấu dâng cụ đấy. Chị ấy thành tâm hiếu thảo, không uổng công cụ ngày thường thương yêu chị ấy.

Giả mẫu gật đầu cười nói:

- Đáng khen nó có lòng nghĩ đến tạ Nếu còn thịt sống, mang rán vài miếng rồi ướp muối, ăn với cháo thì ngon hơn. Canh ấy ngon thực, nhưng không hợp vị với cháo.

Phượng Thư nghe nói, sai người đến bảo nhà bếp. Giả mẫu lại cười bảo Vương phu nhân:

- Ta sai người gọi chị đến, nói chuyện. Đến ngày mồng hai này là sinh nhật của cháu Phượng. Hai năm trước ta vẫn muốn làm sinh nhật cho nó, nhưng cứ gần đến ngày lại bận việc, rồi quên khuấy đi. Năm nay con cháu đầy đủ chắc cũng rỗi việc, chúng ta nên làm một bữa tiệc cho vui.

Vương phu nhân cười nói:

- Con cũng nghĩ thế. Giờ cụ đã cao hứng thì nên bàn sẵn việc ấy đi.

- Ta nhớ mấy năm trước không cứ sinh nhật của cháu nào, đều đem lễ vật đến mừng, như thế vừa tục, mà tình lại thêm sợ Ta nghĩ một cách mới, vừa thân mật lại vui hơn.

- Cụ thấy nên làm thế nào thì làm.

- Nay chúng ta học lối nhà thường dân, mỗi người góp phần mình vào, được bao nhiêu tiền lấy cả ra sửa tiệc, như thế có được không?

- Tốt lắm. Nhưng không biết góp thế nào cho phải?

Giả mẫu nghe nói, rất vui, liền sai người mời Tiết phu nhân, Hình phu nhân, các cô, Bảo Ngọc, Vưu Thị, vợ Lại Đại và những người quản sự đến. Bọn a hoàn, bà già thấy Giả mẫu rất cao hứng, cũng đều vui mừng, vội chia nhau đi mời, đi báo tin các nơi.

Một lúc, già trẻ, trên dưới đến chật ních cả nhà. Tiết phu nhân ngồi đối diện với Giả mẫu; Hình phu nhân và Vương phu nhân ngồi hai cái ghế trước cửa buồng; chị em Bảo Thoa năm sáu người ngồi cả trên bục; Bảo Ngọc ngồi vào lòng Giả mẫu; còn những người khác đều đứng đầy cả nhà. Giả mẫu vội bảo mang mấy cái ghế nhỏ lại cho mẹ Lại Đại và mấy bà già có thể diện ngồi. Theo tục lệ phủ Giả, những người hầu bố mẹ mà đã có tuổi, thì có thể diện hơn những người chủ còn trẻ tuổi. Vì thế Vưu Thị, Phượng Thư phải đứng. Mẹ Lại Đại và ba bốn người già xin lỗi rồi ngồi xuống ghế. Giả mẫu cười kể lại câu chuyện lúc nãy cho mọi người biết. Nghe vậy, ai chẳng muốn góp vuỉ Những người thân với Phượng Thư thì bằng lòng, cũng có người lại muốn chiều chuộng Phượng Thự Vả chăng họ đều là những người có thể bỏ tiền được, nên vừa nghe thấy, ai nấy đều vui vẻ vâng lời.

Giả mẫu nói trước:

- Ta bỏ ra hai mươi lạng.

Tiết phu nhân cười nói:

- Tôi cũng theo cụ, xin bỏ hai mươi lạng.

Hình phu nhân, Vương phu nhân cười nói:

- Chúng con không dám sánh với cụ, xin kém một bực, mỗi người góp mười sáu lạng thôi.

Vưu Thị và Lý Hoàn cũng cười nói:

- Chúng cháu thế nào cũng phải kém một bực, mỗi người xin góp mười hai lạng.

Giả mẫu liền bảo Lý Hoàn:

- Cháu là đàn bà góa không làm gì, lấy tiền đâu ra mà góp. Thôi ta góp hộ cho.

Phượng Thư vội cười nói:

- Xin cụ đừng cao hứng quá, nên tính kỹ đã rồi hãy chuốc lấy việc. Một mình cụ đã phải nhận hai phần, bây giờ lại góp cho chị Lý. Lúc cao hứng cụ nói thế, chốc nữa nghĩ xót ruột lại lẩm bẩm: chỉ vì con Phượng mà ta phải tốn kém. Rồi ngon ngọt dỗ dành cháu phải bù ngấm bù ngầm ba bốn lần tiền vào đó. Cháu có phải mơ ngủ đâu!

Mọi người nghe nói cười ầm lên.

Giả mẫu cười nói:

- Cứ như ý cháu thì làm thế nào?

Phượng Thư cười nói:

- Chưa đến ngày sinh nhật, cháu đã thấy khó chịu rồi. Tự mình chẳng bỏ ra lấy một đồng, mọi người phải lo lắng hộ, như thế cháu chẳng đành lòng tí nào. Chi bằng để cháu góp hộ phần cho chị Lý. Đến hôm ấy cháu ăn thêm mấy miếng nữa, thế là sung sướng lắm rồi.

Bọn Hình phu nhân đều cho là phải, Giả mẫu mới nghe lời.

Phượng Thư lại cười nói:

- Cháu còn muốn nói một câu này nữa; riêng phần cụ đã hai mươi lạng, lại còn phải góp phần cho cô Lâm và chú Bảo; phần dì Tiết đã hai mươi lạng, lại phải góp cho cô Bảo, như thế là công bằng. Còn hai mẹ, mỗi vị có mười sáu lạng, phần mình đã ít lại không hề góp cho ai, như thế chẳng công bằng tý nào. Cụ chịu thiệt nhiều quá!

Giả mẫu cười ầm lên, nói:

- Cháu Phượng lúc nào cũng về hùa với tạ Nó nói rất phải. Nếu không có cháu thì ta bị bọn họ lừa rồi!

Phượng Thư cười nói:

- Xin cụ cứ bắt hai mẹ phải nhận phần của hai người kia, mỗi vị góp thêm một phần là đúng.

Giả mẫu nói:

- Công bằng lắm, cứ nên làm như thế.

Mẹ Lại Đại đứng dậy cười nói:

- Như thế là không đúng! Tôi tức thay cho hai bà. Một bên là nàng dâu, một bên là cháu gái nội, mà không về hùa với mẹ chồng và bà cô 1, lại đi bênh người khác, như thế là nàng dâu cũng như người ngoài, cháu nội thành ra cháu gái ngoại mất!

Giả mẫu và mọi người nghe nói cười ầm lên.

Mẹ Lại Đại lại hỏi:

- Các mợ góp mười hai lạng thì chúng tôi phải kém đi một bực chứ?

Giả mẫu nói:

- Không được, các bà tuy đáng kém một bực, nhưng tôi biết các bà đều là tài chủ cả. Địa vị tuy kém, nhưng tiền thì lại nhiều hơn họ. Các bà nên đóng bằng họ mới phải.

Giả mẫu lại nói:

- Còn các cô, chằng qua góp tý thôi, mỗi người góp một tháng lương là đủ.

Lại quay lại bảo Uyên Ương:

- Bọn chúng bay họp nhau lại bàn việc góp tiền đi.

Uyên Ương vâng lời, đi một lúc rồi dắt Bình Nhi, Tập Nhân, Thái Hà đến, lại còn mấy a hoàn nữa, người hai lạng, kẻ một lạng, ai nấy đều góp cả.

Giả mẫu hỏi Bình Nhi:

- Không nhẽ mày không làm sinh nhật cho chủ mày à? Sao lại góp vào đám này?

- Cháu làm riêng không kể, đây là việc công, cháu cũng xin góp một phần.

- Con bé này thế mới ngoan chứ.

Phượng Thư lại cười nói:

- Trên dưới góp đủ rồi. Còn hai bà dì, có đóng hay không, cũng nên hỏi một lời cho phải lẽ, nếu không các bà lại cho là khinh.

Giả mẫu nói:

- Phải đấy! Quên họ thế nào được? Chỉ sợ họ không được rỗi, bảo một đứa a hoàn đến hỏi xem.

A hoàn đi một lúc về trình: "Mỗi vị xin góp hai lạng."

Giả mẫu vui cười nói:

- Mang bút giấy lại đây, tính xem được bao nhiêu.

Vưu thị khẽ mắng Phượng Thư:

- Con ranh con tham quá! Các bà các thím góp tiền lại làm sinh nhật cho mày, còn chưa đủ à? Sao mày kéo cả hai người nghèo xác này vào!

Phượng Thư khẽ cười nói:

- Đừng có nói bậy! Chốc nữa ra ngoài tôi sẽ kể tội cho chị! Họ làm gì mà khổ? Họ có tiền đem cho người khác cũng uổng, chi bằng giữ lại để chúng ta cùng vui.

Số tiền đã góp đầy đủ cộng lại được hơn một trăm năm mươi lạng.

Giả mẫu nói:

- Làm tiệc vui một ngày không hết đâu.

Vưu Thị nói:

- Không mời khách ngoài, tiệc rượu lại không tốn mấy, món tiền này tiêu làm ba ngày cũng đủ. Trước hết, hát không phải mất tiền, đỡ được món ấy.

Giả mẫu nói:

- Cháu Phượng xem bọn nào hát hay thì gọi!

Phượng Thư nói:

- Bọn hát ở nhà, chúng ta đã nghe chán rồi. Bây giờ chịu tốn ít tiền, gọi bọn khác đến hát.

Giả mẫu nói:

- Việc này ta giao cho vợ cháu Trân, đừng để cho cháu Phượng phải lo nghĩ đến, cho nó nghỉ một ngày mới phải.

Vưu thị vâng lời, nói chuyện một lúc, ai cũng biết Giả mẫu mệt, liền dần dần ra về.

Vưu Thị đưa Hình phu nhân, Vương phu nhân ra, rồi đến đằng Phượng Thư bàn việc làm sinh nhật, Phượng Thư nói:

- Chị không cần hỏi tôi, chỉ theo ý cụ mà làm là đủ.

- Cái con ranh này, mày tốt số quá! Tao tưởng có việc gì kia! Thành ra gọi chúng tao đến chỉ có việc ấy thôi. Góp tiền chưa đủ, lại còn phải lo liệu các cái nữa. Mày định tạ tao cái gì nào?

- Chị đừng giở trò nữa! Tôi có gọi chị đến đâu mà phải tạ! Nếu chị sợ phải lo thì vào trình với cụ sai người khác cũng được.

- Xem kìa, nó vênh cái mặt lên thế đấy! Tao bảo cho mày hay, hãy dẹp cái lối ấy đi. Nước đầy thì trào đấy!

Hai người lại nói chuyện một lúc nữa, Vưu Thị mới ra về.

Hôm sau, Vưu Thị vừa mới dậy rửa mặt, chải đầu, đã thấy có người mang tiền đến phủ Ninh, Vưu Thị hỏi:

- Ai mang tiền đến đấy?

- Già Lâm đấy.

- Gọi bà ấy vào.

Bọn a hoàn xuống buồng dưới gọi vợ Lâm Chi Hiếu lên.

Vưu Thị mời ngồi xuống ghế thấp, rồi vừa chải đầu vừa hỏi:

- Trong gói ấy có bao nhiêu tiền đấy?

- Tiền này là của bọn chúng tôi góp lại mang đến trước. Còn cụ và các bà chưa góp.

Đương nói thì bọn a hoàn đến trình:

- Bên bà Cả và Tiết phu nhân cho người mang phần tiền đến.

Vưu Thị cười mắng:

- Bọn ranh con này! Chỉ nhớ nhưng việc không đâu ấy thôi! Chẳng qua hôm qua cụ cao hứng, cố ý học cách nhà thường dân góp tiền, thế mà chúng mày cứ nhớ mãi, cho là việc to tát, sao không nhận lấy, mời họ uống nước trà rồi cho họ về.

Bọn a hoàn cười rồi mang tiền vào. Tất cả là hai gói, có cả phần tiền của Đại Ngọc và Bảo Thoa.

Vưu Thị hỏi:

- Còn thiếu ai nữa?

Vợ Lâm Chí Hiếu nói:

- Còn thiếu cụ, bà Hai, các cô và bọn chị em chúng tôi.

- Còn của mợ Cả các chị đâu?

- Mợ qua bên nhà, số tiền ấy mợ Hai đã cầm cả rồi.

Vưu Thị rửa mặt chải đầu xong, sai người kéo xe đến phủ Vinh. Trước hết đến buồng Phượng Thự Thấy Phượng Thư đã gói tiền cẩn thận, đương định đưa sang. Vưu Thị hỏi:

- Đã đủ cả chưa?

- Đủ rồi! Cầm đi, mất thì tôi không chịu lỗi đâu!

- Tao không tin, phải đếm ngay ở đây.

Vưu Thị đếm lại, thấy không có phần Lý Hoàn, cười nói:

- Mày lại định giở trò ma đấy! Sao không thấy phần chị Cả mày?

- Như thế không đủ à? Thiếu một phần cũng được, nếu không đủ tôi sẽ đưa sau.

- Hôm qua mày làm bộ trước mặt mọi người, bây giờ lại chối với tao, tao không nghe đâu. Tao cứ đến hỏi cụ.

- Chị ghê gớm lắm! Hễ sau này có việc gì tôi cứ làm cho rõ môn rõ khoai, lúc ấy chị đừng có trách.

- Thôi phần ấy không đưa cũng được. Nếu ngày thường mày không tử tế với tao, khi nào tao chịu nghe?

Nói xong, lấy phần Bình Nhi ra, và bảo:

- Bình Nhi! Lại lấy phần của mày về, hễ không đủ tao sẽ bù cho.

Bình Nhi hiểu ý, cười nói:

- Xin mợ hãy cứ tiêu đi, nếu thừa sẽ đưa lại cháu cũng được.

- Thế ra chỉ để cho chủ mày làm bậy, chứ không cho tao được làm ơn hay sao?

Bình Nhi đành phải nhận lấy tiền.

Vưu Thị lại nói:

- Tao xem chủ mày thật là khôn khéo! Vớ món tiền này định tiêu vào việc gì? Tiêu không hết sau này bỏ vào quan tài mà mang chôn à!

Nói xong, đi đến buồng Giả mẫu, hỏi thăm và nói mấy câu chuyện phiếm rồi đến buồng Uyên Ương bàn công việc. Vưu Thị nhất thiết đều theo ý Uyên Ương, cốt làm thế nào cho Giả mẫu vui lòng là được. Hai người bàn định xong xuôi. Khi trở về Vưu Thị lấy hai lạng bạc giả lại cho Uyên Ương, và nói: "Tiêu không hết đâu."

Nói xong, đi đến buồng Vương phu nhân nói chuyện. Nhân lúc Vương phu nhân đi vào Phật đường, Vưu Thị giả lại phần tiền cho Thái Vân. Vì Phượng Thư không ở đấy, nên Vưu Thị giả cả hai phần tiền cho dì Chu và dì Triệu nữa. Họ không dám nhận. Vưu Thị nói:

- Đáng thương các dì quá, làm gì có tiền mà góp? Nếu thím Phượng biết thì tôi nhận cho.

Hai người cám ơn rối rít rồi nhận lấy món tiền.

Chả mấy lúc đã đến ngày mồng hai tháng chín. Người trong vườn đều nghe nói Vưu Thị bày biện linh đình lắm, không những có tuồng, còn có cả các trò chơi và cô gái mù kể chuyện nữa, nên ai đấy đều sắp sẵn đến xem để góp vui, Lý Hoàn lại bảo các chị em:

- Hôm nay là ngày họp thi xã, đừng ai quên đấy. Bảo Ngọc không thấy đến, chắc là không biết, hay lại ham chơi ở đâu mà quên hẳn việc này?

Nói xong, liền bảo a hoàn đi xem Bảo Ngọc làm gì, mời ngay lại đây. A hoàn đi một lúc về nói:

- Tập Nhân nói là cậu ấy đi từ sáng sớm rồi:

Mọi người đều lấy làm lạ, nói:

- Không lẽ cậu ấy lại đi vắng. Con a hoàn này lẩn thẩn lắm.

Rồi lại sai Thúy Mặc đi. Một lúc Thúy Mặc về, nói:

- Cậu ấy đi vắng thật. Nghe nói có người bạn nào chết, cậu ấy đi viếng tang đấy.

Thám Xuân nói:

- Nhất định không đúng. Dầu sao hôm nay anh ấy cũng không thể đi đâu được. Mày gọi Tập Nhân đến đây để tao hỏi.

Vừa nói xong, Tập Nhân đến, bọn Lý Hoàn đều nói:

- Dù hôm nay có việc gì, chú ấy cũng không nên ra khỏi nhà: một là ngày sinh nhật thím Hai, cụ rất cao hứng, mọi người trong hai phủ đều góp vui, thế mà chú ấy lại đi à? Hai là, hôm nay là ngày chính thi xã đầu tiên, chú ấy không xin phép lại dám tự tiện lẻn đi?

Tập Nhân thở dài nói:

- Chiều hôm qua cậu ấy nói sớm hôm nay có việc cần phải đến phủ Bắc Tĩnh vương, rồi về ngaỵ Tôi có khuyên cậu ấy đừng đi, cậu ấy nhất định không nghe. Sớm dậy, cậu ấy mặc quần áo trắng đi ra, chắc là trong phủ Bắc Tĩnh vương có người hầu nào mất, cũng chưa biết chừng.

Bọn Lý Hoàn nói:

- Nếu quả thực thế, chú ấy cũng nên đi, nhưng phải về ngay chứ.

Nói xong, mọi người lại bàn định: "Chúng ta cứ làm thơ trước đi, khi anh ấy về sẽ phạt." Vừa lúc ấy, Giả mẫu sai người lại mời. Mọi người rủ nhau đến, Tập Nhân trình việc Bảo Ngọc đi vắng. Giả mẫu không vui, sai người đi đón.

Nguyên là Bảo Ngọc có một tâm sự riêng, hôm trước đã dặn Dính Yên:

- Ngày mai ta phải đi sớm, mày sắp hai con ngựa ở cửa sau chờ đấy, không cần người đi theo nữa. Mày bảo cả Lý Qúy biết là ta sang phủ Bắc Tĩnh vương. Nếu có ai đi tìm, bảo nó ngăn lại, không cần phải đi, cứ nói rằng phủ Bắc Tĩnh vương mời ta ở lại, thế nào ta cũng về ngay.

Dính Yên không hiểu đầu đuôi làm sao, đành phải vâng lời, sắp hai con ngựa từ sớm, chờ ở cửa sau vườn, Khi trời sáng, Bảo Ngọc mặc thuần đồ trắng từ cửa bên đi ra, không nói một lời, lên ngựa, cúi lưng phóng thẳng theo đường phố. Dính Yên đành cũng lên ngựa quất roi đi theo sau, rồi hỏi:

- Cậu đi đâu đấy?

- Đường này đi đâu?

- Đây là đường ra cửa bắc, đi đường này vắng lắm, chẳng có gì vui đâu.

- Chính ta muốn đến chỗ thanh vắng.

Nói xong, Bảo Ngọc cùng ra roi. Ngựa đã ngoặt qua hai quãng đường vòng, ra khỏi cửa thành.

Dính Yên càng ngơ ngác, đành cứ theo riết, đi một mạch đến bảy, tám dặm đường. Chỗ này người ở thưa thớt. Bảo Ngọc mới dừng ngựa, quay lại hỏi Dính Yên:

- Ở đây có bán hương không?

- Có, nhưng không biết cậu cần dùng thứ gì?

Bảo Ngọc nghĩ một lúc rồi nói:

- Thứ hương khác không tốt, phải có thứ đàn hương, vân hương, giáng hương mới được.

- Ba thứ hương này khó tìm lắm.

Bảo Ngọc có ý băn khoăn. Dính Yên thấy thế, liền hỏi:

- Cậu cần hương để làm gì? Cháu thấy cậu thường đeo hương tán sẵn ở trong túi, sao không lấy ra mà dùng?

Bảo Ngọc nhớ ra, đưa tay sờ vào cái túi đeo trong áo, thấy hai thỏi nằng nặng, mừng quá, nhưng lại sợ không được thành kính. Suy nghĩ: "Hương đeo trong mình còn tốt hơn là hương mua ở ngoài". Rồi lại hỏi đến lư hương. Dính Yên nói:

- Thôi đi, ở nơi đồng không mông quạnh này làm gì có lử Muốn dùng lư sao cậu không bảo trước để cháu mang sẵn ở nhà đi có được không?

- Đồ gà mờ! Nếu mang được ở nhà đi thì chả phải chạy mửa mật như thế này.

Dính Yên nghĩ một lúc cười nói:

- Cháu nghĩ ra rồi, không biết bụng cậu thế nào. Cháu tưởng không những cậu cần cái ấy, mà còn cần cái khác nữa. Ở đây chắc không sẵn. Bây giờ chúng ta chịu khó đi đến am Thủy Tiên, chừng hai dặm thôi.

- Am Thủy Tiên ở đây à? Tốt lắm! Chúng ta đi đi.

Bảo Ngọc ra roi chạy trước, ngoảnh lại bảo Dính Yên:

- Sư cô ở am Thủy Tiên thường lui tới nhà ta, giờ đến đấy mượn cái lư hương chắc người cũng bằng lòng.

- Không cứ là nhà ta thường đến lễ ở đó mà ngay những chùa chúng ta không quen biết, họ cũng chẳng dám từ chối. Chỉ có một điều: cậu xưa nay vẫn ghét am Thủy Tiên, thế mà tại sao bây giờ thấy nói đến đấy, cậu lại vui mừng thế?

- Ngày thường ta rất ghét người đời không hiểu gì cả, bạ thần nào cũng cúng, miếu nào cũng xây. Đó đều là các cụ hoặc các bà ngày trước có tiền mà ngu xuẩn, hễ thấy nói có thần là xây miếu thờ ngaỵ Trong dã sử hay tiểu thuyết nói gì thì họ cho là có thực, chứ chẳng biết thần ấy là người nào. Ví như trong am Thủy Tiên thờ Lạc Thần 2, nên gọi là am Thủy Tiên, chứ làm gì có vị Lạc Thần. Đó là lời của Tào Tử Kiến bịa đặt ra, ai ngờ bọn ngu xuẩn lại đắp tượng để thờ. Giờ nhân tiện hợp với ý muốn của ta, nên đến đấy mượn để dùng thôi.

Nói xong hai người đã đến cửa am. Sư già thấy Bảo Ngọc đến bất ngờ, mừng quá như thấy rồng trên trời rơi xuống, liền chạy lại chào, rồi sai bà vãi đến giữ ngựa. Bảo Ngọc vào am, không lạy tượng Lạc Thần, chỉ đứng ngắm nhìn thôi. Tuy là tượng đất, nhưng cũng có cái dáng bay vút như chim hồng kinh, sợ uốn lượn như con rồng lẩn khúc, hoa sen mọc trên sóng biếc, mặt trời chiếu ráng sớm mai. Bảo Ngọc tự nhiên nước mắt nhỏ xuống.

Sư già mời vào uống nước, Bảo Ngọc mượn cái lư để đốt hương. Sư già đi một lúc, sắp cả hương và ngựa giấy mang đến. Bảo Ngọc nói:

- Các thứ tôi không dùng, chỉ dùng lư hương thôi.

Liền sai Dính Yên mang lư hương ra vườn sau, tìm một chỗ sạch sẽ, nhưng không được. Dính Yên hỏi:

- Trên bờ giếng kia có được không?

Bảo Ngọc gật đầu, cùng đi đến đó, đặt lư hương xuống. Dính Yên đứng sang một bên, Bảo Ngọc lấy hương ra đất, rơm rớm nước mắt, vái một cái rồi quay lại bảo cất đi. Dính Yên vâng lời, nhưng chưa cất, liền cúi đầu lễ mấy lễ và khấn:

- Tôi là Dính Yên đã hầu cận cậu Hai mấy năm nay, chỉ có ngày hôm nay đi lễ, cậu ấy không bảo gì tôi, mà tôi cũng không dám hỏi. Tuy tôi không biết tên tuổi vị âm hồn được tế này là gì, nhưng chắc là một vị chị em, vào bậc thông minh thanh nhã, có một không hai ở trên đời này. Tâm sự cậu Hai không nói ra được, vậy tôi xin khấn thay: cậu Hai tôi tưởng nhớ người như thế này, nếu người có linh thiêng, nên thường thường đến thăm nom cậu Hai tôi. Người ở cõi âm, phù hộ cho cậu Hai tôi kiếp sau sinh làm con gái, để cùng chị em các người vui đùa một nơi, không còn là hạng mày râu nhơ bẩn nữa.

Khấn xong, Dính Yên lạy mấy lạy rồi bò dậy.

Bảo Ngọc chưa nghe nó khấn hết, đã không nhịn được cười liền đá nó một cái và nói:

- Đừng nói bậy, người ta biết lại cười cho đấy!

Dính Yên đứng dậy, mang lư hương, cùng đi với Bảo Ngọc rồi nói:

- Cháu đã nói với nhà sư là cậu chưa ăn sáng, bảo họ tiện thể dọn mấy thứ, cậu chịu khó ăn tạm một ít. Cháu biết hôm nay ở nhà bày tiệc to, vui nhộn lắm, vì thế cậu mới lánh đến đây. Ở đây yên tĩnh một ngày cũng đủ vui rồi. Nếu cậukhông ăn thì không thể chịu được đâu.

- Không uống rượu vui, nghe hát, ở đây tùy tiện ăn một ít cũng chẳng sao.

- Thế mới phải. Nhưng cháu xin nói điều này: chúng ta đi đến đây, ở nhà tất có người không yên tâm. Nếu không, đến chiều về cũng chẳng sao. Nhưng vì có người không yên tâm, thì cậu nên về nhà ngay mới phải. Một là để cụ và bà Hai yên lòng, hai là lễ ở đây đã xong rồi, chẳng qua chỉ có thế thôi. Về nhà nghe hát uống rượu, dù không phải là ý muốn của cậu, nhưng cũng để hầu cha mẹ cho trọn đạo hiếu. Nếu chỉ vì việc lễ này, cậu không nghĩ đến cụ và bà đương mong đợi, thì âm hồn nào nhận lễ của cậu cũng không an tâm. Cậu nghe xem cháu nói thế có phải không?

Bảo Ngọc cười nói:

- Ta đoán được ý mày rồi, chắc mày nghĩ rằng chỉ có một mình mày đi theo ta thôi. Khi về mày sợ bị lỗi, nên giở những điều to lớn ra khuyên tạ Ta đến đây chỉ cốt làm lễ xong sẽ về uống rượu nghe hát, chứ không phải bỏ đi suốt ngày. Giờ đã thoa? được ý muốn rồi, nên về nhà mau để cho mọi người yên tâm.

- Thế phải lắm.

Hai người vào đến chùa, nhà sư đã dọn lên một mâm cơm chay.

Bảo Ngọc ăn qua loa một ít. Dính Yên cũng ăn. Xong rồi hai người lên ngựa theo đường cũ về nhà. Dính Yên ở đằng sau dặn:

- Cậu đi ngựa cẩn thận đấy. Con ngựa này không quen cưỡi mấy, phải cầm cương cho chặt.

Hai người về đến thành, vẫn theo cửa sau vội đi về viện Di Hồng. Bọn Tập Nhân đi vắng, chỉ có mấy bà già trông nhà, thấy Bảo Ngọc về, đều mừng rỡ, nói:

- A di đà phật! Cậu về rồi! Tý nữa thì chị Tập Nhân điên mất! Ở trên ấy đương uống rượu đấy, cậu lên ngay đi.

Bảo Ngọc nghe nói, vội cởi quần áo trắng ra, mặc quần áo đẹp, hỏi:

- Tiệc bày ở đâu?

- Ở nhà hoa lơn mới dựng.

Bảo Ngọc chạy vội đến nhà hoa, đã văng vẳng nghe thấy tiếng đàn sáo ca hát. Vừa đến bên nhà trống, thấy Ngọc Xuyến ngồi một mình ở dưới thềm sùi sụt khóc. Thấy Bảo Ngọc đến, Ngọc Xuyến thở dài một cái, chép miệng nói:

- Úi chà! Phượng hoàng đã đến rồi! Đi vào ngay đi! Chốc nữa không về có lẽ cả nhà nhao lên đấy.

Bảo Ngọc cười nói:

- Chị thử đoán xem tôi đi đâu nào?

Ngọc Xuyến quay đi, chỉ lau nước mắt thôi. Bảo Ngọc rầu rầu đi lên nhà hoa chảo Giả mẫu và Vương phu nhân. Mọi người mừng rỡ như được thấy chim phượng hoàng.

Bảo Ngọc vội đến chúc mừng Phượng Thự Giả mẫu và Vương phu nhân đều nói:

- Em mày chả biết hay dở gì cả. Có việc cần, sao không nói trước mà lại lẻn đỉ Thế còn ra làm sao nữa! Lần sau còn thế thì chờ bố mày về, ta sẽ mách nó đánh cho.

Giả mẫu lại mắng người hầu:

- Tại sao chúng mày cứ nghe lời nó? Nó bảo đi đâu cứ cúi đầu mà đi, không trình qua một tiếng?

Rồi lại hỏi Bảo Ngọc:

- Cháu đi đâu về đấy? Đã ăn uống gì chưa? Có bị sợ gì không?

- Người nàng hầu của Bắc Tĩnh vương Chết, hôm nay cháu đến chia buồn. Cháu thấy đức vương khóc nhiều quá, không tiện bỏ về ngay, vì thế phải ngồi lại một lúc.

- Từ nay cháu còn lẻn đi như thế, không trình ta trước, nhất định ta bảo bố mày đánh cho!

Bảo Ngọc vâng lời. Giả mẫu lại muốn đánh người đi hầu, nhưng mọi người khuyên:

- Xin cụ bớt giận, cậu ấy đã hứa xin chữa. Vả chăng cậu ấy đi về không xảy ra chuyện gì, cả nhà cũng nên yên lòng để vui một lúc.

Lúc đầu, Giả mẫu còn nóng ruột, giờ thấy Bảo Ngọc về vui quá, hết cả giận, nên việc công bỏ quạ Giả mẫu lại sợ Bảo Ngọc khó chịu, hoặc chưa ăn uống, hay đi đường bị sợ hãi, nên tìm hết cách dỗ dành. Tập Nhân cũng chạy đến phục dịch. Mọi người lại ra xem hát.

Hôm đó diễn vở Kinh thoa ký 3, Giả mẫu và Tiết phu nhân đều mủi lòng rơi lệ, có người cười, người giận, lại có người mắng nữa.

1      Tức Vương phu nhân.

2      Lạc Thần tên là Bật Phi, tương truyền là con gái họ Nhân. Khi Tào Tháo đánh Viên Thiệu, bắt được Nhân Thị mang về. Tào Thực xin không cho, đem cho con trưởng là Tào Phị Tào Phi lập Nhân Thị làm hoàng hậu, sau có tội bị chết. Tào Thực nhớ Nhân Thị quá khi đến bến Lạc Thủy thấy Nhân Thị hiện ra. Thào Thực vui mừng làm bài Lạc Thần Phú.

3      Tích vợ Vương Thạch Bằng là Tiến Ngọc Liên nghe đồn chồng lấy vợ lẽ, đâm đầu xuống sông tự tử, nhưng lại có người cứu. Vương Thạch Bằng cũng nghe đồn vợ đã chết rồi liền đặt một bàn tế.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.