Hồng Lâu Mộng

Chương 89: Người đâu vật còn đây, công tử làm bài từ



Người đâu vật còn đây, công tử làm bài từ

Bóng cung ngỡ là rắn, Tần Khanh đành tuyệt thực

Phượng Thư vừa ngủ dậy đang bực mình. lại nghe a hoàn nói như vậy, giật mình vội vàng hỏi:

- Việc quan gì thế?

- Cháu cũng chẳng biết. Vừa rồi thấy người hầu trai ở cửa trong vào, thưa với ông lớn, có việc quan rất khẩn cấp, nên bà lớn bảo cháu đi tìm cậu Hai.

Phượng Thư nghe nói là việc trong bộ Công, mới hơi yên tâm liền nói:

- Em về thưa với bà, cậu Hai chiều hôm qua ra ngoài thành có việc cần, đến nay vẫn chưa về, nên cho người tìm cậu Cả Trân thôi.

A hoàn vâng lời đi ra.

Một chốc Giả Trân đến, gặp người trong bộ, hỏi rõ ràng, rồi vào nhà nói với Vương phu nhân:

- Người trong bộ đến trình: Hôm qua Ty coi sông có tâu: Ở miền Nam vỡ đê, ngập mất mấy phủ, châu, huyện, cần phải chi tiêu công quĩ, sửa sang đê điều. Các quan trong bộ Công lại phải đi trông nom lo liệu. Vì thế trong bộ cho người đến báo tin với ông lớn.

Nói xong Giả Trân lui ra. Giả Chính về, người nhà trình lại tất cả. Từ đó cho đến mùa đông, ngày nào Giả Chính cũng bận việc quan. Nhờ vậy việc học của Bảo Ngọc cũng hơi lỏng lẻo. Nhưng Bảo Ngọc cũng sợ Giả Chính biết, nên thường thường vẫn phải tới trường, ngay cả chỗ Đại Ngọc cũng không mấy khi đến.

Một hôm, vào trong tuần tháng mười. Bảo Ngọc ngủ dậy, đi học. Trời bỗng trở lạnh, thấy Tập Nhân đã sắp sẵn một gói áo quần, nói với Bảo Ngọc:

- Hôm nay trời lạnh lắm, buổi sớm và buổi chiều phải mặc cho ấm.

Nói xong, chị ta đem gói áo ra, chọn một chiếc cho Bảo Ngọc mặc, lại gói một chiếc nữa, bảo a hoàn nhỏ đem giao cho Bồi Dính và dặn:

- Trời lạnh, coi chừng sắp sẵn, để khi cậu cần mà thay.

Bồi Dính vâng lời, ôm lấy gói áo, theo Bảo Ngọc đi.

Bảo Ngọc đến trường đang làm bài, bỗng nghe gió thổi sột soạt trên cửa sổ. Đại Nho nói:

- Tiết trời thay đổi rồi!

Ông ta mở cửa sổ ra xem thì thấy về phía tây bắc, trong đám mây đen, dần dần bay về phía đông nam.

Bồi Dính chạy vào nói với Bảo Ngọc:

- Cậu ạ, trời lạnh rồi, mặc thêm áo vào.

Bảo Ngọc gật đầu. Bồi Dính đem áo tới. Trông thấy áo, Bảo Ngọc bỗng ngẩn người. Bọn học trò nhỏ đều chăm chú nhìn, thì ra cái áo ấy chính là áo lông công năm trước Tình Văn đã mạng cho.

Bảo Ngọc nói:

- Tại sao lại mang cái áo ấy đến? Ai đưa cho mày thế?

- Các chị ở trong ấy gói đưa cho cháu đấy.

- Ta không lạnh lắm, chưa mặc đâu, hãy gói lại thôi.

Giả Đại Nho tưởng là Bảo Ngọc thấy áo quí không dám mặc, nên trong bụng cũng mừng là Bảo Ngọc biết tiết kiệm. Bồi Dính nói:

- Cậu mặc lấy kẻo bị lạnh cháu lại mắc lỗi. Cậu thương cháu với.

Bảo Ngọc bất đắc dĩ phải mặc áo vào, rồi ngồi ngơ ngẩn.

Đại Nho tưởng Bảo Ngọc xem sách, nên cũng không chú ý. Đến chiều tan học, Bảo Ngọc nói dối người mệt, xin phép nghỉ một ngày. Đại Nho nhiều tuổi, ngày thường chỉ làm bạn với mấy đứa trẻ cho đỡ buồn, lại đau yếu luôn nên bớt một cậu học trò cũng đỡ lo một tý. Vả lại ông ta cũng biết Giả Chính bận việc. Giả mẫu thì nuông chiều cháu, cho nên thấy Bảo Ngọc xin nghỉ, liền gật đầu cho ngay.

Bảo Ngọc chạy một mạch về nhà, vào chào Giả mẫu và Vương phu nhân, cũng nói như vậy. Mọi người tất nhiên đều tin. Bảo Ngọc ngồi một chốc rồi về trong vườn. Thấy bọn Tập Nhân. Bảo Ngọc không cười nói như mọi ngày, cứ mặc cả áo nằm xuống giường. Tập Nhân nói:

- Cơm chiều dọn rồi, cậu ăn ngay hay để lát nữa?

- Tôi trong bụng không được khoan khoái, không ăn đâu. Các chị ăn đi thôi.

- Thế thì cậu cũng nên thay cái áo kia ra. Áo ấy không chịu được giày vò như thế đâu.

- Không cần thay.

- Áo này là thứ mềm mỏng, mà cậu xem đấy, những đường kim mũi chỉ thật là công phu, không nên giày vò như thế.

Bảo Ngọc nghe nói hợp với ý nghĩ của mình liền thở dài một tiếng và nói:

- Thế thì chị gói lại mà cất đi, từ nay tôi không mặc nữa đâu.

Nói xong đứng đậy cởi áo ra. Tập Nhân định đến đỡ lấy thì Bảo Ngọc đã gấp lại rồi.

Tập Nhân nói:

- Tại sao hôm nay cậu lại siêng năng cẩn thận như thế?

Bảo Ngọc không đáp, xếp áo xong rồi hỏi:

- Cái gói áo này đâu rồi?

Xạ Nguyệt vội vàng đưa cái gói lại để Bảo Ngọc tự gói lấy tử tế rồi chị ta ngoảnh lại nháy mắt nhìn Tập Nhân mà cười.

Bảo Ngọc cũng không để ý, ngồi buồn rũ ra! Bỗng nghe tiếng chuông đồng hồ lớn "keng keng" đánh mấy tiếng. Bảo Ngọc cúi đầu nhìn cái đồng hồ nhỏ trong người thì đã chỉ đến khắc thứ hai đầu giờ Dậu rồi. Một lúc sau, bọn a hoàn nhỏ thắp đèn lên. Tập Nhân nói:

- Cậu không ăn cơm thì húp lấy nửa bát cháo nóng, đừng nhịn như thế, nhịn đói sinh ốm lại làm tội chúng tôi.

Bảo Ngọc lắc đầu nói:

- Tôi không đói, ăn gắng vào lại càng khó chịu.

- Đã thế thì cậu ngủ sớm đi.

Tập Nhân và Xạ Nguyệt buông màn giải nệm tử tế. Bảo Ngọc nằm xuống nhưng cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Đến gần sáng mới mơ màng ngủ thiếp đi, chừng gần ăn xong bữa cơm thì lại tỉnh dậy. Lúc đó Tập Nhân và Xạ Nguyệt đều đã dậy. Tập Nhân nói:

- Đêm qua tôi nghe cậu cứ trằn trọc mãi đến tận canh năm, tôi không dám hỏi. Sau đó tôi ngủ quên mất, không biết cậu có ngủ được không?

- Tôi cũng ngủ được một lát, không biết tại sao lại thức dậy liền.

- Cậu xem có khó ở không?

- Có gì đâu, nhưng chỉ thấy trong lòng buồn bực.

- Thế thì hôm nay có học không?

- Hôm qua tôi đã xin nghỉ một ngày. Tôi định đi chơi trong vườn một hôm cho khuây khỏa, nhưng lại sợ lạnh. Chị bảo chúng nó dọn một gian nhà, bày một cái lư hương, để bút nghiên giấy mực ở đấy, rồi các chị cứ làm công việc của mình, tôi phải ngồi yên một buổi mới được, đừng bảo chúng nó tới quấy rầy tôi.

Xạ Nguyệt đỡ lời:

- Cậu cần yên tĩnh để làm bài, ai dám đến quấy rối nữa.

Tập Nhân nói:

- Như thế cũng tốt, đỡ phải lạnh, ngồi yên một lát tâm thần cũng thư thái đấy.

- Nhưng cậu đã không muốn ăn cơm thì hôm nay định ăn gì nói cho sơm sớm, để bảo nhà bếp làm.

- Cái đó tùy thôi, đừng làm ồn lên, nhưng phải có mấy thứ quả để vào trong nhà cho thơm.

- Ở phòng nào hơn? Các phòng đều không được sạch sẽ, chỉ có cái phòng trước kia chị Tình Văn ở, lâu nay bỏ không. Xem chừng còn sạch sẽ hơn, nhưng hơi lạnh.

- Không hề gì, đem chậu than vào đấy là được.

Tập Nhân vâng lời.

Đang nói chuyện thì thấy một a hoàn nhỏ mang đến một khay trà, trong có một cái bát và một đôi đũa ngà. Nó đưa cho Xạ Nguyệt và nói:

- Đây là chị Hoa bảo làm nên bà già ở nhà bếp đưa đến.

Xạ Nguyệt đỡ lấy, thấy một bát canh yến sào, liền hỏi Tập Nhân:

- Chị dặn họ làm đấy à?

- Chiều qua cậu Hai không ăn cơm, lại trằn trọc suốt đêm, sáng nay chắc là đói, cho nên tôi bảo bọn a hoàn nhỏ nói với nhà bếp làm đấy.

Tập Nhân vừa nói vừa gọi bọn a hoàn nhỏ dọn ra. Xạ Nguyệt hầu cho Bảo Ngọc ăn và súc miệng xong, thấy Thu Văn chạy vào nói:

- Phòng bên kia đã dọn xong, chờ một chốc than bén, cậu hãy sang.

Bảo Ngọc gật đầu, nhưng trong lòng vẫn băn khoăn, không buồn nói năng gì. Một lúc a hoàn nhỏ đến mời và nói:

- Bút nghiên đều sắp đặt tử tế rồi.

Bảo Ngọc gật đầu nói: "Biết rồi".

Lại một a hoàn nhỏ vào nói:

- Cơm sáng có rồi, cậu định ăn ở phòng nào?

- Mang vào đây thôi, bày vẽ làm gì.

A hoàn nhỏ vâng lời đi ra. Một lúc cơm bưng lên. Bảo Ngọc nói với Tập Nhân và Xạ Nguyệt:

- Trong bụng tôi sao mà buồn bực thế? Ăn một mình sợ nuốt không trôi. Hai chị cùng ngồi ăn với tôi có thể ngon miệng, tôi ăn được nhiều cũng nên.

Xạ Nguyệt cười nói:

- Đó là cậu cao hứng nói như thế chứ chúng tôi đâu dám.

Tập Nhân nói:

- Thực ra thì cũng được, chúng ta đã nhiều lần ngồi chung uống rượu với nhau. Có điều một đôi khi làm cậu đỡ buồn thì được chứ cứ thế mãi thì còn ra thể thống gì nữa?

Nói đoạn ba người ngồi xuống. Bảo Ngọc ngồi giữa, Tập Nhân và Xạ Nguyệt ngồi hai bên, cùng ăn cơm. Ăn xong, a hoàn bưng trà súc miệng, rồi dọn mâm đi. Bảo Ngọc tay bưng chén trà, lặng lẽ như nghĩ ngợi gì, lại ngồi một lúc rồi hỏi:

- Nhà bên kia dọn xong chưa?

Xạ Nguyệt nói:

- Đã nói xong rồi, bây giờ cậu lại còn hỏi.

Bảo Ngọc ngồi một lát rồi qua phòng bên kia, tự mình thắp một nén hương, bày lên mấy thứ quả, bảo mọi người đi ra, đóng cửa lại. Bọn Tập Nhân ở ngoài im lặng, không một tiếng động. Bảo Ngọc đưa ra một tờ hoa tiên đỏ, miệng khấn mấy câu rồi cầm bút viết:

"Chủ nhân Viện Di Hồng kính đôi giấy này để linh hồn chị Tình biết. Chén chè nén hương, ngõ hầu tới hưởng!"

Từ rằng:

Cùng sát cánh, tình khăng khít đôi ta,

Ngờ đâu đất bằng nổi phong ba,

Cho thân kia bỗng hóa hồn ma!

Cùng ai chuyện đượm đà?

Nước chảy xuôi lại quay ngược được a?

Cỏ hoài mộng khó mong tìm được,

Áo thúy vân còn khoác đây mà!

Lệ chảy lòng xót xa!

Viết xong Bảo Ngọc châm vào đầu nén hương đốt ngay và ngồi yên lặng chờ cho nén hương cháy hết mới mở cửa ra. Tập Nhân nói:

- Sao cậu lại ra? Chắc buồn quá chứ gì?

Bảo Ngọc cười, rồi vờ nói:

- Ban nãy trong lòng tôi thấy buồn phiền, mới tìm chỗ yên lặng để ngồi một lúc. Nay đã đỡ rồi, nên ra ngoài dạo chơi đấy.

Nói xong đi một mạch đến quán Tiêu Tương, vừa đến sân đã hỏi:

- Cô Lâm có ở nhà không?

Tử Quyên ở trong hỏi: "Ai đấy?" Rồi vạch màn trông ra cười nói:

- Té ra cậu Hai. Cô tôi ở trong nhà. Mời cậu vào chơi.

Bảo Ngọc cùng Tử Quyên đi vào. Đại Ngọc ngồi ở phòng trong nói với ra:

- Chị Quyên mời cậu Hai vào trong này ngồi.

Bảo Ngọc vào đến cửa phòng trong, thấy một đôi câu đối viết trên giấy tím vẽ rồng mây bằng vàng:

Trăng trong vẫn đó ngoài song biếc

Người cũ còn đâu trên sử xanh.

Bảo Ngọc nhìn thấy, cười rồi đi vào, hỏi:

- Cô em làm gì thế?

Đại Ngọc đứng dậy, bước ra mấy bước, cười nói:

- Mời anh ngồi. Em đang viết kinh, còn hai hàng nữa thôi. Chờ em viết xong sẽ nói chuyện.

Đoạn gọi Tuyết Nhạn pha trà.

- Em cứ ngồi mà viết cho xong đi.

Bảo Ngọc vừa nói vừa ngắm nghía bức tranh treo giữa nhà vẽ Hằng Nga có một người hầu gái; và một nàng tiên cũng có một người hầu gái bưng một cái gì dài dài như cái bọc áo.

Ngoài hai vị tiên ra chỉ điểm xuyết đám mây, không có gì khác. Lối vẽ hoàn toàn sơ sài giống lối phác họa của Lý Long Miên ngày xưa, bên trên đề mấy chữ: "Đấu hàn đồ" 1 Liền hỏi:

- Bức tranh này có phải mới treo lên không?

Đại Ngọc nói:

- Vâng. Hôm qua chúng nó dọn dẹp nhà cửa, em chợt nhớ đến, mới lấy ra treo lên đấy.

- Tích ấy ở đâu ra?

- Anh biết thừa, còn hỏi người ta.

- Trong chốc lát, tôi chưa nghĩ ra. Cô nói cho tôi biết với.

- Anh lại không nghe câu thơ: "Thanh Nữ, Tố Nga không sợ rét; Dám đua vẻ đẹp trước trăng sướng" à?

- Ừ nhỉ! Cảnh này mới mẻ và nhã thật! Lúc này đem ra treo lại càng hợp.

Nói đoạn chạy lại nhìn ngang nhìn ngược các nơi. Tuyết Nhạn bưng trà đến. Bảo Ngọc uống trà. Chờ một chốc Đại Ngọc mới viết xong kinh, rồi đứng dậy nói:

- Xin lỗi.

Bảo Ngọc cười, nói:

- Cô vẫn giữ cái lối khách sáo ấy.

Bảo Ngọc nhìn kỹ thấy Đại Ngọc mặc cái áo lông thêu hoa, ngoài khoác cái khăn choàng bàng da cáo trắng, đầu búi tóc, cài chiếc trâm vàng, không cắm hoa, bên dưới mặc quần bông thêu thật chẳng khác gì:

Cây ngọc rỡ ràng phơi trước gió;

Sen vàng thơm ngát nở bên sương.

Bảo Ngọc hỏi:

- Hai ngày nay em có gảy đàn không?

- Không, vì em viết kinh đã giá cả tay rồi, còn gảy đàn sao được nữa.

- Không gảy cũng được. Tôi nghĩ, đàn tuy là vật thanh cao, nhưng không phải thứ hay ho gì. Xưa nay người ta gảy đàn sinh ra lo buồn oán giận, chưa hề thấy ai gảy đàn mà được giàu sang sống lâu cả. Vả lại, muốn gảy thì phải nhớ bản đàn, nên mất công. Theo tôi, em vốn đã yếu, đừng nên bận lòng về việc đó.

Đại Ngọc nghe nói, nhoẻn miệng cười. Bảo Ngọc chỉ tay lên vách, hỏi:

- Có phải cái đàn này không? Sao mà ngắn thế?

- Đàn này không phải ngắn đâu, vì khi em còn nhỏ, học gảy các đàn khác đều không vừa tầm, nên làm riêng cái này. Tuy không phải là thứ gỗ đồng khô sém đuôi 2, nhưng các bộ phận hạc tiên, phượng vĩ phối hợp rất chỉnh tề; long trì, nhạn túc 3 cao thấp đúng cách thức. Anh thử xem cái vằn gỗ 4 có phải như lông trâu không? Vì thế cho nên âm vận cũng trong trẻo.

- Mấy hôm nay em có làm thơ không?

- Từ khi lập thi xã tới nay em chẳng mấy khi làm.

- Thôi, em đừng giấu tôi nữa, tôi nghe em hát câu gì… "Hoài công lo lắng, sao bằng trăng giữa trời kia lòng trong trắng" phổ vào đàn nghe rất réo rắt. Có phải thế không?

- Anh ở đâu mà biết?

- Hôm nọ tôi ở Lục Phong hiên qua đây, nghe em gảy, tôi sợ làm gián đoạn, cho nên im lặng nghe một hồi rồi đi. Tôi đang muốn hỏi em: tại sao đoạn trước đều bằng cả, mà đoạn sau lại bỗng chuyển sang trắc, là có ý gì?

- Đấy là âm điệu tự nhiên trong đáy lòng người ta, làm thế nào thì nó ra thế, chứ có nhất định sao được.

- Thế à! Đáng tiếc tôi không phải là tri âm, nghe cũng uổng thôi! Xưa nay tri âm dễ có mấy người?

Bảo Ngọc nghe xong biết lời nói của mình nông nổi quá lại sợ chạnh lòng Đại Ngọc. Ngồi một chốc, Bảo Ngọc thấy trong lòng có nhiều câu muốn nói, nhưng không biết nói gì. Về phần Đại Ngọc thì câu vừa rồi chẳng qua buột miệng nói ra, nay nghĩ lại thấy có phần lạnh nhạt quá, nên cũng ngồi im. Bảo Ngọc đoán chừng Đại Ngọc nghi ngờ gì mình liền thẫn thờ đứng dậy nói:

- Thôi, em hãy ngồi, tôi còn đến đằng cô Ba một tý.

- Anh gặp cô Ba, nhờ hỏi thăm hộ tôi một tiếng.

Bảo Ngọc nhận lời rồi đi ra.

Đại Ngọc đưa ra đến cửa phòng rồi đi vào, buồn bực ngồi một mình, nghĩ bụng: "Gần đây Bảo Ngọc nói chuyện nửa úp nửa mở, khi thân mật khi lạnh lùng, không biết là ý tứ gì?"

Đại Ngọc đang ngồi nghĩ ngợi, thì thấy Tử Quyên chạy lại nói:

- Cô không viết kinh nữa à? Tôi cất bút nghiên đi nhé?

- Tôi không viết nữa đâu. Chị cất đi thôi.

Nới xong cô ta chạy vào phòng, nằm trên giường, suy nghĩ. Tử Quyên vào hỏi:

- Cô uống trà nhé?

- Không uống đâu. Tôi nằm một tý. Chị ra ngoài thôi.

Tử Quyên vâng lời đi ra, thấy Tuyết Nhạn đang ngẩn người đứng một mình ở đây. Tử Quyên lại gần hỏi:

- Mày cũng đang có tâm sự gì phải không?

Tuyến Nhạn nghe nói, giật nảy mình nói:

- Đừng làm ồn lên, hôm nay tôi nghe một câu chuyện, tôi nói với chị, xem có lạ không? Nhưng chị đừng có nói với ai đấy!

Nói đến đó, Tuyết Nhạn hất hàm về phía trong nhà, ra hiệu, rồi đi trước gật đầu bảo Tử Quyên theo ra. Đến phía thềm bên ngoài, Tuyết Nhạn nói nhỏ:

- Chị có nghe nói cậu Bảo hỏi vợ không?

Tử Quyên nghe vậy cũng giật mình, và hỏi:

- Câu nói ấy ở đâu mà ra? Có lẽ không thật đâu.

- Sao lại không thật? Ai cũng biết cả, chỉ chúng mình là không nghe thấy thôi.

- Mày nghe ở đâu thế?

- Chị Thị Thư nói đấy. Nghe đâu là con quan phủ, gia tư cũng giàu, người lại đẹp.

Bỗng thấy Đại Ngọc ho một tiếng, hình như đã dậy. Tử Quyên sợ Đại Ngọc nghe thấy, liền nắm lấy Tuyết Nhạn xua tay ra hiệu rồi trông vào trong nhà. Thấy trong nhà vẫn im lặng. Tử Quyên lại khẽ hỏi nhỏ Tuyết Nhạn:

- Thị Thư nói như thế nào?

- Hôm trước cô bảo tôi đến cảm ơn cô Ba. Cô Ba đi đâu vắng, chỉ có Thị Thư ở nhà. Chúng tôi ngồi nói chuyện, tình cờ nhắc đến chuyện cậu Bảo hay nghịch ngợm. Chị ta nói: "Cậu Bảo chẳng biết rồi ra thế nào, chỉ biết chơi đùa, không ra dáng người lớn. Đã dạm vợ rồi mà còn ngốc nghếch như thế. Tôi hỏi chị ta: "Có chắc chắn không?" Chị ta nói: "Chắc chắn rồi, ông Vương nào đó làm mối. Ông Vương là bà con bên phủ Đông, cho nên không cần phải thăm dò, nói là xong ngay."

Tử Quyên, cúi đầu nghĩ ngợi: "Chuyện này lạ thực!" Rồi lại hỏi:

- Tại sao trong nhà không thấy ai nói đến?

- Thị Thư cũng nói, ý cụ cho rằng: nói lộ ra sợ cậu Bảo Ngọc lại nghĩ vơ nghĩ vẩn cho nên không nhắc đến. Thị Thư nói với tôi rồi dặn đi dặn lại, nhất thiết đừng nói lộ ra, để họ lại cho là mình bép xép.

Nói đến đó, Tuyết Nhạn lấy tay chỉ vào trong nhà:

- Vì thế, trước mặt cô, tôi cũng không hề nhắc đến. Nay chị hỏi không lẽ tôi giấu chị.

Vừa nói đến đó thì nghe con vẹt bắt chước tiếng người, gọi: "Cô về rồi, pha nước mau lên". Tử Quyên và Tuyết Nhạn giật nẩy mình, ngoảnh lại chẳng thấy có ai, liền mắng con vẹt mấy tiếng. Hai người vào nhà thì thấy Đại Ngọc vừa ngồi xuống ghế, đang thở hổn hển.

Tử Quyên ân cần hỏi han. Đại Ngọc hỏi:

- Hai chị đi đâu? Gọi không thấy người nào cả.

Nói đoạn, đi vào vật mình ngả lưng lên giường và bảo buông màn. Tuyết Nhạn và Tử Quyên vâng lời đi ra. Hai người nghi ngờ là câu chuyện vừa rồi, bị cô ta nghe được, chỉ còn cách là đừng nhắc nhở gì đến.

Ngờ đâu Đại Ngọc vốn đã sẵn một bầu tâm sự, lại nghe trộm được câu chuyện của Tử Quyên và Tuyết Nhạn. Tuy nghe không rõ lắm, nhưng cũng đã hiểu được bảy tám phần. Cô ta thấy hình như bị ai vứt xuống bể. Nghĩ trước, nghĩ sau, thật là đúng như trong giấc chiêm bao ngày trước, muôn sầu nghìn tủi, chất chứa trong lòng. Suy tính trước sau, chi bằng chết đi cho rảnh, để đừng trông thấy cái chuyện bất ngờ, lại càng khó chịu. Cô ta lại nghĩ đến cảnh khổ của mình không cha không mẹ và quyết định từ nay về sau hàng ngày mình cứ giày vò thân mình, như thế một năm, năm bảy tháng, thế nào cũng thoát khỏi nợ đời. Đại Ngọc định ý như thế, nên chăn cũng không đắp, áo cũng không mặc, cứ nhắm mắt lại giả ngủ.

Tử Quyên và Tuyết Nhạn tới hầu mấy lần, không thấy Đại Ngọc động đậy gì cả, lại không dám gọi. Bữa cơm chiều hôm ấy, Đại Ngọc cũng không ăn. Sau khi lên đèn, Tử Quyên vạch màn ra xem, thấy Đại Ngọc đã ngủ rồi; chăn, nệm đều tụt xuống dưới chân. Tử Quyên sợ cô ta lạnh, nhè nhẹ đắp chăn lên. Đại Ngọc cứ nằm im, chờ Tử Quyên ra rồi lại tụt chăn xuống.

Tử Quyên hỏi Tuyết Nhạn:

- Câu chuyện vừa rồi thật hay giả đấy?

- Sao lại không thật?

- Tại sao Thị Thư biết?

- Vì Tiểu Hồng nghe bên nhà nói rồi thuật lại.

- Lúc nãy chúng ta nói chuyện, không khéo cô nghe được thì phải. Mày xem vẻ mặt cô vừa rồi, chắc không phải là tự nhiên mà thế. Từ nay về sau, chúng ta đừng nhắc chuyện ấy nữa.

Nói xong, hai người cùng thu xếp định đi nghỉ. Tử Quyên vào xem, thấy chăn nệm của Đại Ngọc tụt xuống, lại nhè nhẹ kéo lên.

Hôm sau, vừa hửng sáng, Đại Ngọc đã thức dậy, cũng không gọi ai, chỉ một mình ngồi ngẩn người ra. Tử Quyên tỉnh dậy, thấy Đại Ngọc đã dậy rồi, sợ hãi hỏi:

- Sao cô dậy sớm thế?

- Ngủ sớm thì dậy sớm chứ sao đâu?

Tử Quyên vội vàng đứng dậy, đánh thức Tuyết Nhạn, hầu hạ Đại Ngọc chải đầu rửa mặt.

Đại Ngọc soi gương, ngơ ngẩn nhìn mình. Nhìn một lúc, nước mắt chảy ràn rụa, ướt đẫm khăn. Thật là:

Đem bóng gầy này soi mặt nước;

Mình thương tớ với, tớ thương mình.

Tử Quyên đứng một bên cũng không dám khuyên, sợ vô tình làm Đại Ngọc thêm nhớ lại chuyện cũ. Một lát sau, Đại Ngọc chải đầu rửa mặt qua loa, ngấn lệ trong mắt vẫn còn chưa ráo, lại ngồi một lát rồi gọi Tử Quyên:

- Chị đốt hương lên.

- Cô chẳng ngủ được mấy tý, đốt hương làm gì? Định viết kinh phải không?

Đại Ngọc gật đầu, Tử Quyên nói:

- Hôm nay cô dậy sớm quá, giờ lại viết kinh, e mệt đấy.

- Sợ gì! Viết xong sớm chừng nào hay chừng ấy. Vả lại tôi cũng không phải là thích viết kinh, chỉ là mượn công việc viết lách để giải buồn. Sau này các chị thấy nét chữ của tôi cũng như thấy mặt tôi vậy.

Nói đến đó, nước mắt lại chảy ròng ròng.

Tử Quyên nghe đoạn, chẳng những không khuyên, lại cũng chảy nước mắt, không nín được nữa. Đại Ngọc đã định sẵn chủ ý. Từ đó về sau, cố ý giày vò thân mình, chẳng nghĩ gì đến cơm nước, ngày một yếu dần. Mỗi khi Bảo Ngọc đi học về, cũng thường nhân lúc rảnh đến hỏi thăm. Nhưng Đại Ngọc biết mình đã lớn, tuy có nhiều điều muốn nói nhưng không thể dùng tình tứ khêu gợi như khi còn nhỏ, vì thế nỗi niềm tâm sự không thể nói ra. Bảo Ngọc muốn dùng lời nói thực để an ủi, thì lại sợ Đại Ngọc đâm giận, bệnh càng thêm nặng. Hai người gặp mặt nhau, chỉ dùng những lời khuôn sáo mà khuyên lơn an ủi, thật là: "thân quá hóa sơ".

Giả mẫu và Vương phu nhân thương yêu Đại Ngọc nhưng chỉ biết mời thầy chữa bệnh và cho rằng đó là bệnh thường, biết sao được căn bệnh trong đáy lòng cô ta. Bọn Tử Quyên tuy hiểu ý, cũng không dám nói. Từ đó Đại Ngọc càng ngày càng yếu dần. Sau độ nửa tháng tỳ vị càng hư, cháo cũng không ăn được nữa.

Hằng ngày nghe ai nói gì Đại Ngọc cứ tưởng như họ nói chuyện Bảo Ngọc cưới vợ; thấy người trong Viện Di Hồng không kể trên dưới đều có vẻ lo liệu cho Bảo Ngọc cưới vợ. Tiết phu nhân đến thăm, Đại Ngọc không thấy Bảo Thoa, lòng lại càng ngờ vực. Do đó càng không muốn để ai đến thăm cũng không chịu uống thuốc, chỉ muốn mau chết. Trong khi mơ ngủ, Đại Ngọc thường nghe như có người gọi "mợ Hai Bảo". Trong lòng ngờ vực nên thấy gì cũng đâm nghi ngờ. Hôm ấy, Đại Ngọc không ăn được nữa, cháo cũng không nuốt vào, chỉ còn hơi thở thoi thóp chờ chết.

1      Ngày xưa Thái Ung thấy người ta đốt gỗ cây đồng khô, ông biết là gỗ tốt có thể dùng làm đàn, liền xin về làm một cây đàn; tiếng rất trong, nhưng đầu đuôi bị cháy sém, nên gọi là tiểu vĩ cầm (đàn sém đuôi).

2      Hạc tiên, phương vĩ, long trì, nhạn túc, đều là những danh từ riêng dùng để chỉ các bộ phận trên cây đàn.

3      Vằn gỗ trên đàn, cái nào như lông trâu là thứ đàn tốt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.