Bồi Dính ở ngoài cửa nói với a hoàn nhỏ rằng đã tìm thấy viên ngọc của cậu Bảo Ngọc rồi. A hoàn vội vàng về tin với Bảo Ngọc. Mọi người giục Bảo Ngọc ra hỏi, còn họ đều đứng chờ ở hành lang. Bảo Ngọc cũng thấy yên tâm, liền chạy ra cửa hỏi:
- Mày lấy được ở đâu thế? Đưa đây nhanh lên.
- Lấy thì chưa lấy được, còn phải chờ người ta đứng nhận nữa kia.
- Mày nói nhanh lên, vì sao mà biết, để tao sai người đi lấy.
- Lúc nãy cháu ở ngoài này nghe nói ông Lâm đi nhờ thầy đoán chữ, cháu liền đi theo. Nghe nói phải tìm ở các hiệu cầm đồ, cháu không đợi thầy ấy nói xong liền chạy đến mấy hiệu cầm đồ, ra mẫu cho họ xem. Có một nhà nói "có". Cháu bảo đưa cho xem. Họ đòi biên lai. Cháu hỏi: "Cầm bao nhiêu tiền?" Họ nói: "Có viên thì cầm ba trăm đồng! Có viên thì cầm năm trăm đồng. Hôm trước có một người cũng đem một viên ngọc như thế cầm ba trăm đồng tiền hôm nay lại có một người cũng đem viên ngọc như thế cầm năm trăm đồng tiền".
Bảo Ngọc không đợi nó nói hết lời liền bảo:
- Mày đem mau ba trăm hoặc năm trăm đồng tiền đi chuộc về đây, chúng ta xem có đúng hay không?
Tập Nhân đứng trong gắt:
- Cậu đừng có nghe nó! Lúc nhỏ, tôi nghe anh tôi nói, có người thường bán những viên ngọc nhỏ. Khi thiếu tiền tiêu, họ đem đi cầm, chắc rằng hiệu cầm đồ nào cũng có.
Lúc đầu, mọi người nghe vậy đang kinh ngạc, đến khi nghe Tập Nhân nói, nghĩ lại, ai cũng bật cười và nói: "Mời cậu Hai vào thôi, đừng có nghe cái thằng dại ấy nữa. Thứ ngọc nó nói đấy chắc không đúng đâu". Bảo Ngọc cũng cười. Bỗng thấy Hình Tụ Yên về. Số là Tụ Yên đến am Lũng Thúy gặp Diệu Ngọc, không kịp nói chuyện phiếm, liền nhờ cô ta cầu tiên ngay. Diệu Ngọc cười nhạt rồi nói:
- Tôi đi lại với cô là vì biết cô không phải là hạng người ham danh lợi. Hôm nay sao lại nghe những lời đồn nhảm ở đâu, tới quấy rầy tôi thế. Vả lại tôi cũng không hiểu cầu tiên là thế nào.
Nói xong, toan bỏ đi. Tụ Yên trong lòng ân hận mình đã trót đến, nghĩ thầm: "mình biết tính khí cô ta như thế. Nhưng đã lỡ nói ra, không có lẽ về suông. Mình cứ nói cho ra lẽ là cô ta có biết cầu tiên, thì cũng không tiện". Tụ Yên đành phải nói rõ cho cô ta nghe là việc này có quan hệ đến tính mệnh bọn Tập Nhân. Thấy Diệu Ngọc hơi cảm động, Tụ Yên hến đứng dậy lạy mấy lạy. Diệu Ngọc thở dài:
- Hà tất chị phải lo hộ cho người ta như thế! Từ khi tôi tới kinh đô đến nay, chưa hề ai rõ tôi biết cầu tiên. Nay cô tung chuyện ra, sợ sau này họ đến quấy rầy, tôi không được ở yên.
Tụ Yên nói:
- Tôi cũng chỉ vì không đành tâm trong phút chốc, lại biết thế nào cô cũng mở lòng từ bi. Nếu sau này có ai đến nhờ cô thì bằng lòng hay không là tùy cô, ai dám bắt buộc?
Diệu Ngọc cười, rồi gọi đại bà thắp hương. Cô ta mở rương lấy bàn cát và sọt ra, viết mấy đạo bùa, bảo Tụ Yên làm lễ. Cầu khân xong, cô ta đứng dậy, cùng Tụ Yên cầm sọt, không bao lâu cái sọt viết mấy câu rất mau như sau:
Ôi! Đến không dấu vết đi cũng không,
Dưới núi Thanh Ngạnh dựa cây thông.
Muốn theo tìm, núi muôn trùng.
Vào cửa ta đây góp nhau cùng.
Viết xong, cái sọt dừng lại. Tụ Yên hỏi:
- Cầu vị tiên gì?
Diệu Ngọc nói:
- Cầu đức Quải tiên 1 đấy.
Tụ Yên chép lại câu thơ tiên cho, rồi nhờ Diệu Ngọc đoán hộ. Diệu Ngọc nói:
- Điều đó không thể được, ngay tôi cũng chẳng hiểu. Cô cứ cầm về, ở nhà họ, thiếu gì người thông minh.
Tụ Yên đành phải về. Vừa vào đến sân, mọi người đã hỏi ngay: "Thế nào?" Tụ Yên không kịp trả lời, đưa bản sao bài thơ cho Lý Hoàn. Bọn chị em và Bảo Ngọc dành nhau xem, đều đoán: "Muốn tìm ngay thì không thể được, nhưng mất thì không
mất, chưa biết đến lúc nào đó, không tìm mà lại thấy. Nhưng núi Thanh Ngạnh không biết ở đâu?"
Lý Hoàn nói:
- Đó là lời nói bóng của tiên, ở nhà mình đây làm gì mà có núi Thanh Ngạnh? Chắc là có ai sợ bị xét ra, đem vất vào dưới hòn đá núi, có cây thông nào đó cũng chưa biết chừng. Chỉ có câu: Vào cửa ta đây " là nói vào cửa nhà ai?"
Đại Ngọc nói:
- Cầu vị tiên nào?
Tụ Yên nói:
- Cầu vị Quải tiên.
Thám Xuân nói:
- Nếu là cửa tiên thì khó vào lắm!
Tập Nhân trong lòng hoảng hốt, liền bắt bóng bắt gió tìm lung tung, không có một hòn đá nào là không lục tìm, nhưng chẳng hề thấy. Khi về nhà, Bảo Ngọc cũng không hỏi có tìm thấy hay không, chỉ cười khì. Xạ Nguyệt hoảng lên nói:
- Ông trẻ ơi! Thật là ông bỏ mất ở đâu, hãy nói rõ ra. Chúng tôi dù có chịu tội, cũng trắng ra trắng, đen ra đen chứ!
Bảo Ngọc cười nói:
- Tôi nói bỏ mất ở ngoài, các chị không nghe ; bây giờ chị lại hỏi tôi, tôi biết sao được?
Lý Hoàn và Thám Xuân nói:
- Hôm nay xoay mãi từ sáng đến giờ đã canh ba rồi. Cô Lâm mệt quá đã bỏ về rồi. Chúng ta cũng nghỉ một chút, ngày mai lại tìm thôi.
Nói xong, mọi người ra về. Bảo Ngọc cũng nằm ngủ. Tội nghiệp Tập Nhân suốt đêm khóc rồi lại nghĩ, không sao ngủ được.
Đại Ngọc về nhà, sực nhớ đến câu chuyện "vàng ngọc" trước đây lại đâm ra mừng rỡ, nghĩ bụng lời nói của hòa thượng và đạo sĩ thật không tin được. Nếu thật "vàng" và "ngọc" là có duyên, thì sao Bảo Ngọc lại làm mất ngọc đi được? Hoặc vì mình mà duyên "vàng" "ngọc" của họ bị chia rẽ cũng chưa biết chừng!". Nghĩ vậy Đại Ngọc thấy yên tâm, chẳng kể gì cả ngày khó nhọc, lại đem sách ra xem. Tử Quyên thì lại thấy mệt, luôn luôn giục Đại Ngọc đi ngủ.
Đại Ngọc nằm xuống lại nghĩ đến việc hoa hải đường, nghĩ thầm trong bụng viên ngọc ấy là tự trong thai mang ra, không phải là vật tầm thường, đến hay đi đều có quan hệ. Nếu hoa ấy là điềm tốt thì không mất ngọc. Xem thế thì hoa ấy nở là điềm không lành. "Có lẽ anh ấy gặp việc không lành chăng?" Cô nghĩ như thế lại cảm thấy thương tâm. Nhưng khi nghĩ đến việc hôn nhân thì hình như hoa ấy lại nên nở, mà viên ngọc lại nên mất. Đại Ngọc cứ nghĩ vơ nghĩ vẩn, khi buồn khi vui, mãi đến canh năm mới ngủ.
Hôm sau Vương phu nhân sai người đến các hiệu cầm đồ tra hỏi. Phượng Thư thì ngấm ngầm kiếm cách dò tìm. Luôn mấy ngày xoay xở không có chút manh mối gì.
Cũng may là Giả mẫu và Giả Chính chưa biết. Bọn Tập Nhân ngày nào cũng sợ nơm nớp. Bảo Ngọc mấy ngày liền không đi học, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chẳng nói chẳng rằng, bơ phờ ủ rũ. Vương phu nhân nghĩ anh ta vì mất ngọc mà như thế nên cũng không để ý.
Một hôm Vương phu nhân đang bực mình, thì thấy Giả Liễn tới hỏi thăm sức khỏe, rồi cười hớn hở nói:
- Hôm nay nghe nói ông Giả Vũ Thôn sai người đến báo tin với chú rằng: "Ông Cậu 2 nhà ta được thăng chức nội các đại học sĩ, vâng chỉ vào kinh, định đến ngày hai mươi tháng giêng năm sau làm lễ tuyên ma 3. Công văn đã do trạm gửi đi rồi. Trạm này mỗi ngày đi ba trăm dặm. Chắc rằng ông Cậu đêm ngày đi gấp. chỉ già nửa tháng là có thể đến nơi. Cháu đến trình để thím rõ.
Vương phu nhân nghe nói hết sức vui mừng. Bà ta đang lo nghĩ bên ngoại ít người, nhà họ Tiết lại suy sụp, em thì làm quan ở tỉnh ngoài, không chăm nom cho mình được. Nay nghe nói em được thăng chức về kinh, nhà họ Vương vinh hoa rực rỡ, sau này Bảo Ngọc sẽ có nơi nương tựa, nên tạm bỏ qua việc mất ngọc. Suốt ngày chỉ trông em trai mau mau tới kinh.
Một hôm Giả Chính đi về, nước mắt ràn ruạ, thở hổn hển mà nói:
- Mau mau đi thưa với cụ, sắm sửa vào cung ngay! Đừng đem theo nhiều người, chỉ một mình bà theo hầu cụ vào cung.
Nghe nói quí phi bỗng mắc bệnh nặng. Hiện nay thái giám đang chờ ở ngoài. Ông ta nói là Viện thái y đã tâu rõ, đó là chứng đàm quyết 4 không thể nào chữa được.
Vương phu nhân nghe nói, khóc ầm lên. Giả Chính nói:
- Lúc này chưa phải là lúc khóc. Mau đi vào trình với cụ. Nói cho nhẹ nhàng, đừng làm cụ chết khiếp đấy!
Giả Chính nói rồi đi ra, dặn người nhà chờ sẵn. Vương phu nhân nín khóc, vào mời Giả mẫu, chỉ nói Nguyên phi có bệnh muốn vào cung hỏi thăm. Giả mẫu nghe nói, miệng niệm Phật và nói:
- Lại ốm nữa. Lần trước đã làm cho ta khiếp vía, sau mới biết là nghe lầm. Lần này mong rằng lại lầm nữa thì may mắn lắm.
Vương phu nhân vừa trả lời, vừa giục bọn Uyên Ương mở rương lấy quần áo mặc cho Giả mẫu. Bà ta cũng vội vàng về phòng, ăn mặc tề chỉnh, rồi trở sang chờ Giả mẫu. Sau đó, hai người ra nhà ngoài rồi lên kiệu vào cung.
Nguyên Xuân từ khi được chọn vào cung Phượng Tảo, được nhà vua rất yêu thương, dần dần thân thể béo ra, nên đi đứng cũng mệt. Mỗi ngày có lúc nhọc mệt thì thường sinh ra chứng đờm. Hôm trước hầu tiệc trở về, gặp phải lạnh, bệnh trở lại. Không ngờ lần này bệnh rất nặng, đờm tắc nghẹt, chân tay giá lạnh. Cung nhân tâu lên,vua cho gọi thái y chữa chạy, ngờ đâu thuốc uống không vào, dùng luôn mấy liều thuốc thông quan cũng không thấy có hiệu quả. Bọn nội quan lo sợ, tâu xin sắp sẵn hậu sự. Vì thế, truyền gọi bà con họ Giả vào thăm.
Giả mẫu và Vương phu nhân vào thấy Nguyên phi hỉ đờm tắc đầy miệng, không nói năng được. Trông thấy Giả mẫu, Nguyên Xuân muốn khóc, nhưng không có nước mắt. Giả mẫu lại gần hỏi thăm, nói vài câu an ủi. Một chốc ở ngoài đệ hàn danh sách của bọn Giả Chính vào. Cung tần tâu lên. Lúc đó mắt Nguyên phi không ngoảnh nhìn được nữa, dần dần sắc mặt thay đổi. Bọn nội quan và thái giám định tâu lên ngay cho vua biết, sợ rằng nhà vua bảo các cung phi khác đến trông nom, nếu để bà con họ ngoại ở lâu không tiện, nên mời ra ngồi chờ ở cung ngoài.
Giả mẫu và Vương phu nhân nỡ nào rời ngay nhưng vì lễ nghi của nhà vua như thế, đành phải đi ra, cũng không dám khóc lóc chỉ đau xót trong lòng mà thôi.
Ngoài cửa cung, có các quan đứng chờ tin tức. Chẳng bao lâu thấy có thái giám đi ra, lập tức truyền gọi khâm thiên giám. Giả mẫu biết là có chuyện chẳng lành, nhưng vẫn chưa dám nhúc nhích. Một lát, thái giám nhỏ truyền dụ ra:
- Giả nương nương qua đời!
Năm ấy là năm Giáp Dần Tiết lập xuân vào ngày mười tám tháng mười hai, mà ngày Nguyên phi mất là ngày mười chín tháng mười hai theo thời tiết thì đã qua năm Mão tháng dần thọ bốn mươi hai tuổi.
Giá mẫu đau xót, đành phải lên kiệu về nhà. Bọn Giả Chính được tin cũng thương khóc từ dọc đường về đến nhà. Hình phu nhân, Lý Hoàn, Phượng Thư, Bảo Ngọc ra ngoài nhà lớn chia đứng hai hên đón tiếp hỏi thăm sức khỏe Giả mẫu, Giả Chính và Vương phu nhân, rồi mọi người khóc lóc.
Hôm sau, sáng dậy, những người có phẩm cấp đều vào cung dự lễ tang. Giả Chính là quan bộ công, tuy rằng việc gì cũng làm theo quy chế sẵn có, nhưng các quan trên cũng chìu ý, chăm sóc ông ta ít nhiều. Bọn đồng sự cũng cứ hỏi ông ta rồi mới làm. Vì thế, ông ta bận cả hai nơi, không phải như đám tang Thái hậu và Chu phi trước.
Giả phi không có con cái, chỉ đặt thụy hiệu "Hiền thục quý phi" theo quy chế của nhà vua.
Nhưng người nhà họ Giả, đàn ông đến đàn bà, ngày nào cũng vào cung rất là bận rộn. May mà gần đây, Phượng Thư đã khá, trông nom việc nhà được. Chị ta lại còn phải sắp đặt việc đón tiếp và mừng Vương Tử Đằng sắp vào kinh. Anh ruột Phượng Thư là Vương Nhân biết chú được vào nội các cũng đem gia quyến vào kinh. Phượng Thư trong lòng vui mừng, dầu có ít nhiều lo lắng, nhưng thấy người nhà mình đông đúc như thế, cũng tạm khuây. Vì thế, trong người so với trước, có phần khá hơn.
Vương phu nhân thấy Phượng Thư lại lo liệu việc nhà như trước, san sẻ một nửa công việc của mình, lại thấy ông em sắp vào kinh. Mọi việc yên ổn, nên cảm thấy được yên tĩnh ít nhiều. Chỉ có Bảo Ngọc là người không có chức vị gì. Anh ta lại cũng không đi học. Đại Nho biết trong nhà anh ta có việc nên cũng để mặc. Giả Chính thì bận, cố nhiên là anh ta không có thì giờ tra hỏi đến.
Đáng lẽ ra thì nhân cơ hội này Bảo Ngọc có thể tha hồ vui chơi với bọn chị em. Không ngờ từ sau khi mất ngọc, Bảo Ngọc đâm ra uể oải, ăn nói cũng lẩn thẩn chứ không như trước. Ngay cả lúc bọn Giả mẫu khi đi khi về, nếu có ai bảo đến hỏi thăm thì anh ta cũng đến. Nhưng nếu không ai nói thì cũng thôi. Bọn tập Nhân trong bụng lo lắng, nhường lại không dám nói động đến, sợ anh ta giận. Hàng ngày cơm nước đưa lên trước mặt thì anh ta cũng ăn, không đưa đến cũng không đòi hỏi.
Tập Nhân thấy tình hình này, không giống con người tức giận, mà giống người có bệnh. Nhân lúc rảnh, Tập Nhân đến quán Tiêu Tương nói với Tử Quyên:
- Chẳng hiểu cậu Hai có vẻ như thế nào ấy, nhờ cô khuyên giải cho.
Tử Quyên nói ngay với Đại Ngọc. Nhưng Đại Ngọc nghĩ đến việc hôn nhân của Bảo Ngọc nhất định là mình rồi. Giờ đây gặp anh ta thấy khó coi. "Nếu anh ta đến đây, vốn ăn ở với nhau một chỗ từ khi nhỏ, tất nhiên không thể bỏ anh ấy được nhưng
bảo mình đi tìm anh ấy thì nhất định không được". Vì thế Đại Ngọc không chịu đến.
Tập Nhân lại nói riêng với Thám Xuân. Không ngờ Thám Xuân trong bụng biết rõ rằng hoa hải đường nở quái gở, viên ngọc mất càng lạ lùng, tiếp đó là Nguyên Phi qua đời, nên đoán biết việc nhà không lành. Ngày ngày buồn bực, còn bụng dạ nào khuyên Bảo Ngọc. Vả lại, dù là anh em đấy, nhưng trai gái vẫn phải phân biệt, nên chị ta đến một vài lần, thấy Bảo Ngọc ra chiều uể oải. Do đó cũng không năng qua lại nữa.
Bảo Thoa cũng biết việc mất ngọc. Nhân vì hôm nọ, Tiết phu nhân sau khi bằng lòng về việc hôn nhân giữa chị ta với Bảo Ngọc, liền về nhà nói với con. Tiết phu nhân còn nói rõ:"Tuy dì có nói, nhưng mẹ cũng chưa nhất định nhận lời, còn nói đợi anh con về đã. Con có bằng lòng không?"
Bảo Thoa nghiêm nét mặt nói:
- Mẹ nói thế không đúng. Việc của con gái là do cha mẹ làm chủ; giờ cha con mất rồi, mẹ nên làm chủ lấy ; không nữa thì hỏi anh con. Sao lại hỏi con?
Tiết phu nhân thấy vậy càng thêm yêu mến con gái, nghĩ rằng chị ta được nuông chiù quen từ lúc nhỏ, nhưng vẫn trong trắng khiêm nhường. Vì thế, bà ta không nhắc đến Bảo Ngọc trước mặt Bảo Thoa. Cố nhiên Bảo Thoa cũng không khi nào nhắc đến hai tiếng "Bảo Ngọc". Nay nghe nói mất ngọc, tuy chị ta rất là nghi ngờ sợ hãi, nhưng hỏi ra không tiện, đành chỉ nghe người khác bàn tán làm như không can gì đến mình cả.
Tiết phu nhân cũng có sai người qua hỏi thăm tin tức một vài lần. Nhân vì việc của con là Tiết Bàn ; nên bà ta bực bội, chỉ mong sao ông anh đến kinh đô để nhờ cứu vớt cho con khỏi tội.
Lại biết Nguyên Phi đã mất, nhà họ Giả công việc bận rộn, may được Phượng Thư đã khỏe trông nom việc nhà. Vì thế cũng không năng qua bên ấy.
Chỉ khổ cho Tập Nhân. Chị ta hết sức dịu dàng hầu hạ, khuyên lơn là an ủi. Nhưng Bảo Ngọc vẫn không hiểu gì. Chị ta đành chỉ nói thầm mà thôi.
Qua mâý ngày, linh cửu của Nguyên Phi đã đưa vào tẩm miếu. Bọn Giá mẫu phải đi đưa đám mất mấy hôm. Không ngờ Bảo Ngọc càng ngày càng ngớ ngẩn sốt nóng chẳng phải, đau ốm cũng không, nhưng ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí nói năng cũng không ra đầu ra đuôi gì nữa cả. Bọn Tập Nhân và Xạ Nguyệt càng hoảng sợ đã thưa với Phượng Thư mấy lần. Đôi khi Phượng Thư cũng qua thăm, ban đầu tưởng chỉ là anh ta không tìm được ngọc nên đâm tứt. Nhưng giờ đây xem ra thì giống như người mất hồn nên đành phải hàng ngày mời thầy thuốc chạy chữa. Uống luôn mấy thang thuốc, bệnh tình chẳng bớt chút nào, mà lại có phần tăng thêm. Hỏi đau chỗ nào thì Bảo Ngọc cũng không nói. Mãi đến khi việc tang Nguyên Phi xong. Giả mẫu nhớ Bảo Ngọc, thân hành vào vườn thăm hỏi. Vương phu nhân cũng theo sang. Bọn Tập Nhân bảo Bảo Ngọc ra đón và hỏi thăm sức khỏe. Bảo Ngọc tuy nói là có bệnh. Nhưng hằng ngày vẫn dậy đi lại. Bây giờ Tập Nhân bảo ra đón Giả mẫu thì anh ta cũng theo lời hỏi thăm sức khỏe như thường. Chỉ có điều là tất cả điều do Tập Nhân đứng bên bày vẽ cho. Giả mẫu thấy thế liền nói:
- Tưởng là cháu ốm như thế nào nên ta sang thăm. Nay thấy bộ dạng cháu vẫn thường, lòng ta cũng đỡ lo.
Vương phu nhân thấy thế cố nhiên vẫn yên lòng. Nhưng Bảo Ngọc chẳng trả lời gì cả, chỉ cười hì hì. Bọn Giả mẫu vào nhà trong ngồi nói chuyện với Bảo Ngọc. Hễ Tập Nhân bày cho câu gì thì anh ta nói câu ấy, khác hẳn ngày thường, giống hệt người ngây vậy.
Giả mẫu càng nhìn càng đâm nghi ngờ, liền nói:
- Khi ta mới đến, chẳng thấy nó có bệnh gì. Giờ nhìn kỹ thì bệnh này quả là nặng thật. Bộ dạng như là người mất hồn ấy. Vì sao mà sinh ra như thế?
Vương phu nhân biết không thể giấu được, lại thấy bộ dạng Tập Nhân rất đáng thương hại, đành phải đem những lời Bảo Ngọc trước đây nói với Giả mẫu. "Bảo Ngọc xem trò ở Phủ Lâm An Bá, đánh rơi mất viên ngọc ". Bà ta cũng nơm lớp lo ngại, chỉ sợ Giả mẫu bực lên, lại nói thêm:
- Hiện đã sai người tìm khắp nơi, phụ tiên, đi bói, đâu đâu cũng nói là tìm ở hiệu cầm đồ. Thế nào rồi cũng thấy.
Giả mẫu nghe nói hoảng hốt vùng đứng dậy, nước mắt ràn ruạ nói:
- Ngọc ấy mất làm sao được! Các người thật không hiểu gì cả! Nhưng chẳng nhẽ cha nó cũng bỏ qua đi à?
Vương phu nhân biết Giả mẫu giận, liền bảo bọn Tập Nhân quỳ xuống, rồi dịu dàng cúi đầu xuống thưa:
- Con sợ cụ kinh hoảng, ông con giận, nên đều không dám trình báo.
Giả mẫu thở dài và nói:
- Viên ngọc là cái bản mệnh của thằng Bảo. Vì mất đi cho nên nó mời mất hồn mất vía như thế! Để thế được à? Viên ngọc này cả thành ai cũng biết. Đời nào nhặt được họ lại để cho các người tìm ra. Mau mau sai người mời cha nó đến để ta nói chuyện.
Vương phu nhân và Tập Nhân đều sợ khiếp vía, liền van
- Bà mà giận, khi nhà con về thì càng sinh to chuyện. Hiện nay Bảo Ngọc đang ốm, xin cứ giao cho chúng con cố sức tìm kiếm.
- Các người sợ cha nó đâm giận thì đã có ta đây.
Liền bảo Xạ Nguyệt sai người đi mời. Một lúc người đi mời về thưa:
- Ông lớn đang đi tạ khách chưa về.
Giả mẫu nói:
- Không cần anh ấy cũng được. Chúng bây cứ nói là ta bảo tạm thời chưa cần trách phạt bọn người hầu. Ta bảo thằng Liễn tới, viết giấy treo giải thưởng, dán ở chỗ lúc trước nó qua lại nói rằng: "Ai nhặt được ngọc đưa đến sẽ thưởng một vạn lạng bạc, ai biết người ta nhặt được, đưa tin đến rồi tìm ra được thì thưởng năm ngàn lạng." Nếu quả có người nhặt được đưa đến thì không nên tiếc bạc. Làm như thế chắc sẽ tìm được. Nếu cứ để mấy người nhà mình tìm thì suốt đời rồi cũng không ra.
Vương phu nhân cũng không dám nói rõ. Giả mẫu sai người nói với Giả Liễn, giục anh ta cứ thế mà làm.
Giả mẫu lại bảo:
- Dọn tất cả đồ dùng và dắt Bảo Ngọc đến chỗ ta ở, chỉ sai Tập Nhân và Thu Văn theo sang. Còn nửa đều ở lại trong vườn mà coi nhà.
Bảo Ngọc nghe nói cũng chẳng hỏi lại gì cả, chỉ một mực cười khì. Giả mẫu liền dắt Bảo Ngọc đứng dậy. Bọn Tập Nhân nâng đỡ và cùng đi ra ngoài vườn.
Về đến phòng mình Giả mẫu bảo Vương phu nhân ngồi, xem mọi người dọn dẹp cho Bảo Ngọc ở vào phòng bên trong, rồi hỏi Vương phu nhân:
- Chị biết ý ta không? Ta nghĩ trong vườn ít người, cây hoa ở Viện Di Hồng bỗng dưng chết đi rồi lại nở, có vẻ quái gở. Trước kia, nhờ có viên ngọc, trị được tà ma, nhưng bây giờ ngọc đã mất rồi, sợ tà khí dễ dàng xâm phạm. Vì thế, ta đưa nó đến đây ở chung một chỗ. Mấy ngày sắp đến, không cần bảo nó đi ra ngoài. Thầy thuốc có đến thì bảo cứ ở đây mà xem.
Vương phu nhân nghe nói, liền đỡ lời:
- Cụ nghĩ rất phải. Bây giờ Bảo Ngọc ở chung với cụ, cụ là người có phúc lớn, có gì cũng trấn áp được.
- Phúc với phận gì! Chẳng qua nhà ta ở có phần sạch sẽ yên tĩnh hơn, kinh kệ cũng nhiều, có thể tụng niệm để trấn lĩnh tâm thần. Chị thử hỏi Bảo Ngọc xem có thích ở đây không?
Bảo Ngọc nghe nói cứ cười hoài. Tập Nhân bảo nói tốt, Bảo Ngọc cũng nói tốt.
Vương phu nhân thấy dạng bộ như thế ứa nước mắt, nhưng ở chỗ Giả mẫu không dám khóc ra tiếng. Giả mẫu biết Vương phu nhân hoảng sợ, liền nói:
- Chị cứ về thôi. Ở đây đã có ta lo liệu. Đến tối anh ấy về thì bảo không cần đến gặp ta. Các người cứ đừng nói gì là được.
Sau khi Vương phu nhân về. Giả mẫu bảo Uyên ương tìm chút thuốc an thần, theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc cho Bảo Ngọc uống.
Chiều hôm ấy, Giả Chính về nhà, ngồi trong xe nghe người đi đường nói với nhau.
- Người ta ai muốn phát tài cũng rất dễ dàng.
Người kia hỏi:
- Dễ cái gì?
- Hôm nay nghe nói cậu con ở trong phủ Vinh mất ngọc gì đó, dán giấy nói rõ hình dạng lớn nhỏ và màu sắc của viên ngọc, hứa rằng ai nhặt được đưa đến sẽ thưởng một vạn lạng bạc, ai đưa tin cũng thưởng năm ngàn lạng đấy.
Giả Chính tuy không rõ, nhưng trong bụng lấy làm lạ. Về đến nhà, liền gọi người coi cửa hỏi về việc đó. Người coi cửa nói
- Chúng con trước đây cũng không biết. Giữa trưa hôm nay, cậu Hai Liễn truyền lời cụ, bảo người đi dán chúng con mới biết.
Giả Chính than thở:
- Thật là nhà đến lúc suy, đẻ ra cái của nợ ấy! Lúc mới đẻ đã đồn đại khắp phố, được mười mấy năm trời thì tiếng đồn đã hơi đỡ, bây giờ lại viết giấy lung tung để tìm ngọc, còn ra cái lề lối gì nữa.
Nói xong, ông ta vội vàng vào trong nhà hỏi Vương phu nhân. Vương phu nhân nói rõ đầu đuôi cho Giả Chính nghe. Giả Chính biết là do ý định của Giả mẫu, không dám chống lại, chỉ trách Vương phu nhân mấy câu, rồi ra ngoài bảo người nhà ngấm ngầm bóc cái giấy ấy đi, đừng cho cụ biết. Không ngờ giấy ấy đã bị bọn vô lại bóc mất rồi.
Cách ít lâu, có người đến cửa phủ Vinh nói muốn đưa viên ngọc đến. Người nhà nghe vậy mừng lắm, liền bảo:
- Đưa đây tôi trình cho.
Người ấy rút trong bọc ra một tờ giấy treo giải thưởng, chỉ
cho người coi cửa xem và nói:
- Đây không phải là giấy treo giải thưởng của phủ nhà các ông à. Trong giấy nói rõ ai đưa ngọc đến thì thưởng một vạn lạng bạc. Hai ông ạ! Giờ các ông thấy tôi nghèo. Nhưng chốc nữa tôi lĩnh được bạc, tức là ông nhà giàu đấy. Các ông đừng có coi khinh tôi.
Bọn người canh cửa thấy anh ta nói giọng cứng lắm, liền bảo:
- Thì anh hãy cho chúng tôi xem một tí, mới tiện vào trình chứ.
Người ấy ban đầu không chịu, sau nghe nói có lý liền đưa viên ngọc ra, đặt trong bàn tay giơ lên một cái mà nói:
- Có đúng không?
Bọn người nhà này lâu nay hầu hạ ở ngoài, chỉ huyết có ngọc. Nhưng cũng không mấy khi được thấy ; bây giờ mới thấy hình dạng viên ngọc ấy, vội đàng chạy vào trong, có vẻ tâng công tranh nhau báo trước.
Hôm đó, Giả Chính và Giả Xá đều đi vắng, chỉ có Giả Liền ở nhà. Bọn người coi cửa vào thưa. Giả Liễn hỏi:
- Có thật thế không?
Người coi cửa nói:
- Chúng con chính mắt trông thấy rồi, nhưng anh ta không chịu đưa, đòi gặp chủ nhà. Một tay giao bạc, một tay giao ngọc.
Giả Liễn cũng mừng, vội vàng vào thưa với Vương phu nhân và trình ngay với Giả mẫu, làm cho Tập Nhân mừng quá, chắp tay niệm Phật. Giả mẫu không hề đổi lời. vội vàng nói ngay:
- Mau mau bảo cháu Liễn mời người ấy vào thư phòng, đem ngọc xem, rồi giao bạc ngay cho người ta.
Giả Liễn theo lời, mời người ấy vào, lấy lễ khách mà tiếp ôn tồn cám ơn và nói:
- Xin mượn viên ngọc đem vào nhà trong cho người chủ viên ngọc xem. Còn bạc thì không kém một ly.
Người ấy đành phải đưa ra một cái bao lụa hồng. Giả Liễn mở ra xem, quả nhiên một viên ngọc, đẹp sáng chói lọi. Giả Liễn xưa nay vốn không đề ý, bây giờ thì cầm xem kỹ. Xem đi xem lại những chữ trên viên ngọc, cũng phảng phất nhận ra được, nào là "trừ tà chuỳ " gì gì ấy. Giả Liễn xem xong mừng quá, liền gọi người nhà tiếp đãi rồi vội vàng đưa viên ngọc vào cho Giả mẫu và Vương phu nhân xem. Phượng Thư thấy Giả Liễn vào. liền giật ngay lấy ngọc, không dám xem trước, đưa ngay đến tay Giả mẫu. Giả Liễn cười nói:
- Chút việc như thế, mợ cũng không để tôi tâng công!
Giả mẫu mở ra xem thì thấy viên ngọc mờ tối hơn trước, liền lấy tay lau. Uyên Ương đem kính lại. Giả mẫu đeo kính lên xem một hồi rồi nói:
- Lạ thật! Viên ngọc thì vẫn đúng. Nhưng tại sao sắc ngọc khác trước.
Vương phu nhân xem một hồi cũng nhận không ra, liền gọi Phượng Thư lại xem. Phượng Thư xem rồi nói:
- Giống thì giống, nhưng sắc không đúng lắm chi bằng nói chú Bảo tự xem lấy thì biết.
Tập Nhân đứng một bên nhìn, cảm thấy chưa chắc đã đúng, nhưng vì mong mỏi quá, nên cũng không dám nói là không giống. Phượng Thư cầm viên ngọc ở trong tay Giả mẫu, rồi cùng Tập Nhân đưa lại cho Bảo Ngọc xem. Lúc đó, Bảo Ngọc vừa ngủ dậy.
Phượng Thư nói với anh ta:
- Ngọc của chú tìm được đây rồi.
Bảo Ngọc mắt còn ngái ngũ lờ đờ, cầm lấy viên ngọc trong tay cũng không thèm nhìn, vứt ngay xuống đất và nói:
- Các người lại lừa tôi!
Nói rồi chỉ cười khẩy.
Phượng Thư vội vàng nhặt viên ngọc lên và nói
- Lạ thật! Sao chú không nhìn mà biết?
Bảo Ngọc cũng không trả lời chỉ nồgi cười.
Vương Phu Nhân lúc đó cũng vào trong phòng, thấy bộ dạng Bảo Ngọc như thế liền nói
- Thôi, không cần nói nữa. Viên ngọc kia là một vật kỳ quái. Nó mang viên ngọc từ trong thai ra, thế nào nó cũng biết. Chắc là người ta thấy hình dáng nói trên giấy niêm yết của ta rồi theo mẫu mà làm ra đấy thôi.
Lúc đó mọi người đều vỡ lẽ. Giả Liễn ở phòng ngoài, nghe như thế liền nói
- Đã không đúng thì đưa đây để tôi hỏi nó. Việc người ta như thế nầy mà nó còn dám đến đánh lừa à?
Giả Mẫu vội gạt đi
- Cháu Liễn đem trả cho nó, bảo nó đi về thôi. Nó là một người cùng cực quá, không có cách gì nữa, thấy nhà mình có việc ấy, mới tìm cách lừa gạt một ít tiền đó thôi. Bây giờ không may nó đã mất tiền toi lại không lừa được chúng ta. Theo ý ta cũng đừng nên làm tội nó, cứ đem trả cho nó, bảo là không phải của nhà ta, rồi cho nó vài lạng bạc. Làm như vậy, thì người ngoài nghe thấy có tin tức gì, họ mới dám đưa lại cho mình. Nếu mình làm tội nó thì sau dầu có được viên ngọc thật đi nữa, cũng không ai dám đưa đến.
Giả Liễn vâng lời đi ra. Ngừơi kia chở mãi chẳng thấy ai, trong lòng hồi hộp, bỗng thấy Giả Liễn hầm hầm đi ra.
1 Một nhân vật thần thoại trong số bát tiên mà người Trung Quốc nói đến và vẽ thành tranh.
2 Tức Vương Từ Đằng.
3 Khi sắp phong chức tể tướng, thì viết tờ chiếu bằng giấy to đọc cho các quan nghe, cho nên gọi là "tuyên ma".