- Nghe gì chưa? Chủ nhiệm Tiểu Diệp thăng chức rồi đấy!
- Tiểu Diệp thành Chủ tịch xã rồi!
- Trưởng thôn đã nói rồi mà! Chủ tịch xã Tiểu Diệp sắp lãnh đạo toàn xã phát triển rồi!
Tin tức như vậy bỗng chốc được truyền đi khắp nơi trong xã Xuân Trúc.
Nghe cán bộ các thôn kể lại những lời của Diệp Trạch Đào nói trong đại hội cán bộ toàn xã, nhớ rõ nội dung phát triển mà Diệp Trạch Đào nói trong cuộc họp, trái tim đang bình lặng của nhân dân xã Xuân Trúc cũng bùng lên một ngọn lửa.
- Chủ tịch xã Tiểu Diệp là một người tài năng! Tầm nhìn của cậu ấy cũng rất xa!
- Con đường dài như thế có được sửa lại không?
Cũng không phải là không có người cảm thấy ngờ vực. Mọi người cũng đưa ra rất nhiều nghi vấn.
- Nghe nói sửa đường nguy hiểm lắm, thường xuyên có người bị chết đấy!
- Thằng chó này, sợ chết thì đừng đi. Lão đây vì con cháu của mình nên phải liều mình vì con đường này. Mày cũng nghe Chủ tịch xã Tiểu Diệp nói những chuyện đó rồi đấy! Giao thông một khi được thông suốt, xã ta sẽ phất lên được. Đến lúc đấy cái gì cũng có thể vận chuyển ra bên ngoài được. Doanh nhân bên ngoài mới đến đây đầu tư được. Con cháu mình không phải có được sự phát triển tốt hơn sao?
- Dù sao nhàn rỗi cũng là nhàn rỗi, đi lao động còn có cơm ăn, lão đây đi đăng ký đây!
Những đoạn hội thoại như thế này đang diễn ra ở xã Xuân Trúc. Sự nhiệt tình trong lòng rất nhiều người tăng lên.
Thôi Vĩnh Chí gọi cho Diệp Trạch Đào đầu tiên, hỏi tỉ mỉ về chuyện sửa lại đường. Nghĩ một hồi lâu mới nói:
- Về nguyên tắc thì huyện ủng hộ, sẽ tiến hành chi viện các dụng cụ phá nổ. Nhưng không có tiền đâu, các cậu phải tự lo lấy đấy.
Thôi Vĩnh Chí cũng chỉ có thể ủng hộ. Gã cũng mặc kệ Diệp Trạch Đào. Trong suy nghĩ của Thôi Vĩnh Chí, hậu thuẫn sau lưng Diệp Trạch Đào nhất định mong Diệp Trạch Đào đạt được nhiều thành tích hơn. Chỉ cần có thành tích thì Diệp Trạch Đào chắc chắn mới có được sự phát triển lớn mạnh hơn nữa.
Nghĩ một lúc, Thôi Vĩnh Chí nói:
- Vấn đề an toàn của các cậu phải đặt lên hàng đầu. Nhất định không được xem thường.
Diệp Trạch Đào nói:
- Xin Chủ tịch huyện Thôi cứ yên tâm, chúng tôi sẽ chú trọng vấn đề này.
Trong lòng Thôi Vĩnh Chí thật ra không vui vì Diệp Trạch Đào nhanh như vậy đã làm chuyện sửa đường trở thành chuyện lớn. Nếu làm như vậy sẽ dẫn đến không ít vấn đề xảy ra.
Diệp Trạch Đào thật ra cũng thấu hiểu suy nghĩ của Thôi Vĩnh Chí. Từ sau cuộc nói chuyện với cha mình, cái suy nghĩ mượn cớ lấy vợ để phát triển của Diệp Trạch Đào cũng đã nhắc đến rất nhiều. Người này ấy à! Chỉ vì tính cái lợi trước mắt mà không tính cái lợi lâu dài. Bản thân là Chủ tịch xã phải thật lòng làm việc vì mọi người mới là lẽ phải.
Mấy ngày sau đó, Diệp Trạch Đào không ngừng ngồi xe đi đi lại lại giữa xã Xuân Trúc và thị trấn. Việc trang bị các loại dụng cụ cũng đã chuẩn bị kịp thời. Cục trưởng Công an Uông Lăng Tùng rất ủng hộ chuyện này, đã trực tiếp cho xã Xuân Trúc mượn dụng cụ phá nổ. Điều đó giúp xã tiết kiệm được không ít tiền.
Diệp Trạch Đào tự bỏ tiền của mình ra, mượn danh trạm thu mua để quyên góp hai trăm nghìn. Có hai trăm nghìn này rồi. Vấn đề cơm ăn của mọi người cũng coi như là đã được giải quyết.
Quản đốc công xưởng của cha hắn – Cao Phong Thanh cũng là người biết cách giải quyết mọi chuyện. Nghe nói Diệp Trạch Đào thiếu tiền sửa đường cũng đã mở cuộc quyên góp tiền sửa đường trên toàn huyện. Một trăm nghìn mà quần chúng quyên góp cũng là do nhà máy tiến hành thu giúp.
Bất kể là căn cứ vào ý kiến nào đi chăng nữa, thì có hắn dẫn đầu, lại có mấy doanh nghiệp quyên tiền, cộng thêm khoản quyên góp từ trạm thu mua của Diệp Trạch Đào. Trong phút chốc đã có trong tay hơn năm trăm nghìn tệ.
Thấy có được một số tiền lớn như vậy, Ôn Phương liền cười nói:
- Trạch Đào, xem ra uy tín của anh cũng rất lớn đấy!
Diệp Trạch Đào cười:
- Số tiền này cũng coi như là giải quyết được lúc nước sôi lửa bỏng này!
Ôn Phương ủng hộ hết mình, Ngưu Thường Thắng cũng ủng hộ. Trong chớp mắt đã kiếm được từng ấy tiền. Bất luận người khác có suy nghĩ như thế nào cũng không dám ngăn cản bước đi của Diệp Trạch Đào.
- Chủ tịch xã, các thôn đã gửi đến danh sách công nhân rồi. Toàn xã có mười ba thôn hành chính. Mỗi thôn đều đưa đến hai trăm người. Tổng cộng có hai nghìn sáu trăm người. Tính ra thì mỗi ngày trả cho mỗi người năm tệ tiền sinh hoạt phí, một ngày cũng phải mất mười ba nghìn tệ.
Phương Di Mai bước vào báo cáo.
Nghe được đến đấy, Diệp Trạch Đào há hốc mồm. Một ngày tốn từng ấy tiền. Xem ra người bình thường cũng không làm được con đường này. Năm trăm nghìn có đủ dùng trong một thời gian dài thế không?
- Tiến hành giảm bớt nhân công. Mỗi thôn đưa đến một trăm người là đủ rồi. Cần phải chú trọng vào chuyện quan trọng ấy.
Phương Di Mai liền cười, nói:
- Chủ tịch xã, anh cứ yên tâm, trên lý thuyết thì tốn nhiều tiền như vậy chứ thực ra các xã đều nói rồi. Lần này xã vì nhân dân mà làm chút chuyện tốt, coi như là đập nồi bán sắt. Mọi người đều sẽ nhịn bớt một phần cơm đi.
Diệp Trạch Đào nghiêm khắc nói:
- Lần này sẽ phân đoạn để làm, trách nhiệm giao cho các thôn. Nhưng cũng không thể vì vậy mà bạc đãi mọi người được. Nên cấp khoản cần cấp, mỗi một khoản tiền đều phải làm thật minh bạch, phải tiến hành công bố!
Phương Di Mai quả thật là một trợ thủ đắc lực. Mỗi một công việc đều làm rất tỉ mỉ. Diệp Trạch Đào cảm thấy mình bớt lo rất nhiều. Thấy số tiền thiếu hụt rất nghiêm trọng, Diệp Trạch Đào phút chốc cảm thấy một cách sâu sắc áp lực đang đè nặng lên vai mình.
Xem ra phải kiếm thêm tiền rồi!
Có sẵn mục tiêu trong đầu, Diệp Trạch Đào không hề phải suy nghĩ gì khác, ngay cả cuộc điện thoại gọi đến để nhắc nhở cũng bỏ mặc đó một bên. Nhân lúc đang nắm quyền trong tay, phải thật tâm vì tương lai của mọi người.
Chuyện đó đương nhiên phải làm, nhưng chuyện thật sự trở nên rất phức tạp. Mỗi ngày Diệp Trạch Đào dồn hết tâm sức vào chuyện này. Rất nhiều công việc đều phải do đích thân hắn làm.
Một tuần sau, trong cơn gió lạnh, theo kế hoạch từ các thôn về đây một nghìn ba trăm công nhân khỏe mạnh, do các vị trưởng thôn dẫn tới công trường làm việc.
Chẳng có chút khí thế nào, chỉ có một đám người quần áo tơi tả đứng ở đây.
Dụng cụ là cuốc, xẻng, dây thừng, tre trúc…
Các lãnh đạo xã do Diệp Trạch Đào và Ôn Phương dẫn đầu đều tụ tập lại nơi này.
Ôn Phương đại diện cho Đảng ủy xã lên phát biểu.
Thấy những bộ quần áo mọi người mặc đều rách nát, trong lòng Diệp Trạch Đào lại đau nhói. Có lẽ từ nay về sau, xã Xuân Trúc sẽ đi trên con đường phát triển!
Các lãnh đạo xã đều đã đến. Chuyện này là chuyện trọng đại của toàn xã. Ai cũng đều không muốn vì chuyện này mà bị nhân dân nói ra nói vào.
Vì là tổng chỉ huy nên toàn bộ công việc đều do Diệp Trạch Đào điều khiển.
Tay cầm một cái loa, Diệp Trạch Đào nhảy lên một tảng đá lớn, tâm trạng điềm tĩnh, lớn tiếng nói:
- Thưa bà con, mọi người đều biết kiềm chế sự phát triển của xã ta chính là vấn đề giao thông. Chúng ta đã đợi quá lâu rồi, nếu lại đợi nữa thì chúng ta sẽ để lỡ mất cơ hội phát triển. Đường không thông, tiền không có, chúng ta bớt ăn bớt mặc cũng muốn làm cho được chuyện này. Không có đội thi công thì chúng ta phải tự làm. Không có con đường tốt thì chúng ta phải tự sửa. Đây chính là xây con đường giàu có cho sự giàu có của thế hệ mai sau. Chúng ta rất nhiều năm về sau sẽ cảm thấy tự hào về công việc chúng ta làm ngày hôm nay.
Con cái của chúng ta nhiều năm sau chắc chắn sẽ vẫn luôn tự hào về những gì chúng ta làm ngày hôm nay!
Đều là những công nhân được dày công tuyển chọn, mọi người đều sớm hiểu sự quan trọng của việc sửa đường này. Bây giờ lại lần nữa nghe những lời Diệp Trạch Đào nói, trong lòng tràn đầy cảm giác tự hào.
- Chúng ta không có yêu cầu quá cao. Chúng ta chỉ muốn mặc một bộ quần áo ấm. Chúng ta không muốn ăn sơn hào hải vị, chúng ta chỉ muốn cả nhà quây quần bên nhau ăn bữa cơm nóng hổi. Hôm nay, chúng ta phải dựa vào chính đôi tay mình, vì gia đình, vì tương lai của thế hệ sau. Là đàn ông thì đi theo tôi làm. Hãy nói cho tôi biết, các vị có phải là đàn ông không!
Giọng nói của Diệp Trạch Đào vang vọng trong gió.
- Là đàn ông!
Một nghìn người cùng đồng thanh hô to.
- Rất tốt, chúng tôi có sức khỏe, cũng có lòng tin để sửa thông con đường này!
- Chủ tịch xã, anh hãy hạ lệnh đi!
- Chủ tịch xã, anh yên tâm, ở đây không có ai là đàn bà!
Mọi người xôn xao bàn tán.
- Ai nói đàn bà thì không thể làm chuyện này. Chúng ta tự mang đồ ăn của chúng tôi, mọi người thử xem ai sẽ hơn ai!
Trong lúc nói chuyện thì thấy mấy người phụ nữ cũng cầm trong tay dụng cụ đi đến.
Rất nhanh sau đó nơi này tập trung rất nhiều phụ nữ.
Thấy có nhiều thôn dân tự giác đến đây như vậy, trong lòng Diệp Trạch Đào bắt đầu cảm thấy xúc động. Ai nói quần chúng vẫn chưa giác ngộ. Sau khi họ xác thực được mức độ của sự việc, trên người họ cũng có rất nhiều khí thế lắm chứ.
Các lãnh đạo xã cũng há hốc cả miệng ra. Không ngờ lại có nhiều người đến như vậy. Liếc nhìn Diệp Trạch Đào đang đứng trên tảng đá, mọi người đều biết từ nay về sau, uy tín của Diệp Trạch Đào ở xã Xuân Trúc nhất định không thể nào bị lay động.
- Thưa các bà con, sửa đường có rất nhiều nguy hiểm!
Diệp Trạch Đào lớn tiếng nói.
- Chủ tịch xã, anh yên tâm. Đây là việc của mọi người. Có chuyện gì xảy ra thì chúng tôi sẽ tự giải quyết. Nhất định không gây thêm phiền phức cho anh!
Một người phụ nữ to khỏe lớn tiếng nói.
- Đúng vậy! Chủ tịch xã, đây là trách nhiệm của thôn chúng tôi, là chuyện của riêng chúng tôi!
Nghe những lời này của mọi người, Diệp Trạch Đào cố nén lại tình cảm của mình. Lần đầu tiên hắn nhận ra được sức mạnh của quần chúng.
- Từ này trở đi, chúng ta là một tập thể chiến đấu. Chi bộ Đảng là trung tâm của các vị. Tôi hi vọng trong cuộc chiến vì sự nghiệp đấu tranh cho cuộc sống của chính mình, không có một thôn nào bị lạc đơn vị!
Chỉ tay vì phía những lá hồng kỳ đang cắm, Diệp Trạch Đào nói:
- Các vị có thấy không? Những lá cờ đỏ này chính là trung tâm của các vị. Là cờ này cắm ở nơi nào, các vị sửa lại đường ở nơi đó. Hãy làm cho con đường lên thị trấn này trải đầy cờ đỏ.
Luồng không khí lạnh kéo tới, ngọn gió núi thổi làm những lá cờ đang cắm trên đất bay phần phật trong gió.
Nhìn vẻ mặt mọi người một hồi lâu, Diệp Trạch Đào trầm giọng hô to:
- Bây giờ sẽ trao cờ!
Nhảy xuống khỏi tảng đá, Diệp Trạch Đào bước đến chỗ cắm hồng kỳ.
Mọi người dường như tiến hành một nghi thức trang nghiêm vậy. Tất cả đều im lặng nhìn Diệp Trạch Đào.
Dùng tay phất lá cờ, Diệp Trạch Đào xoay người nhìn mọi người hô to:
- Âm Lương Thiến nhận cờ!
Chỉ thấy Trưởng thôn Dương Phẩm Chí của Âm Lương Thiến lên phía trước mặt Diệp Trạch Đào một cách hết sức nghiêm túc. Vẻ mặt cực kỳ nghiêm nghị nhận lấy lá cờ đỏ.
Sau khi Dương Phẩm Chí nhận cờ, quay người về phía thôn dân Ba Sản, giơ lá cờ lên cao, vẫy vẫy một lúc:
- Âm Lương Thiến là như vậy!
Âm thanh phát ra từ đám người đó.
- Thôn Trúc Khê nhận cờ!
Lại rút ra một lá cờ.
Triệu Đại Lâm bước nhanh về phía trước, vẻ mặt cũng rất nghiêm túc nhận lấy lá hồng kỳ, hiên ngang trước gió, lớn tiếng nói:
- Mọi người nghe rồi đó, công trình của thôn Trúc Khê là tốt nhất!
Các Trưởng thôn lần lượt từng người bước lên phía trước nhận hồng kỳ. Trong tích tắc, những lá cờ đỏ trong gió lạnh bỗng trở nên thật bắt mắt!
Các thôn dân lần đầu tiên nhận thấy lá cờ đỏ này lại trang nghiêm như vậy. Trong tim mỗi người đều đang chảy một luồng nhiệt huyết.
Tần Quế Đông theo sự phân công của Phương Di Mai, cầm máy ảnh không ngừng quay quay chụp chụp mọi thứ ở nơi này!