Hợp Ý

Chương 4



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

64c427e2910ceb140fc9a21fb0d5042ejpg

Một ngày hỗn loạn cuối cùng cũng chấm dứt.

Khi mặt trời sớm mai dần lên cao, Đỗ Yến Lễ đã ngồi vào bàn ăn sáng. Anh theo thói quen nhẩm lại lịch trình sắp tới và tổng kết những việc đã xong từ hôm qua. Nhưng vừa nhắc tới chữ “hôm qua”, Đỗ Yến Lễ vẫn cảm thấy ám ảnh trong lòng. Anh suy nghĩ hồi lâu, sau đó đành kết luận: Ít nhất cũng ký xong một hợp đồng nữa rồi…

Đỗ Yến Lễ húp một ngụm cháo loãng, mùi gạo thơm tản mát trong miệng. Gió khẽ lung lay tấm rèm, ánh nắng cũng theo đó mà chập chờn, chiếu xuống tờ báo trên tay người đàn ông.

Anh bắt đầu xem tin tức, tình hình kinh tế và tài chính không có gì mới, chuyên mục giải trí lại đăng phốt của Đan Dẫn Sanh. Đỗ Yến Lễ liếc nhìn tiêu đề bài báo.

“Câu lạc bộ Ngàn Sao”, “Đan Dẫn Sanh”, “tình tay ba”.

Từ đầu đến cuối đều không mảy may nhắc tới anh.

Người đàn ông hài lòng gật gật đầu, đống tiền rót cho đám PR coi như không uổng phí.

Bữa sáng phong phú kết thúc, đồng nghĩa một ngày làm việc mới lại bắt đầu.

Các nhân viên tập đoàn được hưởng đủ loại nghỉ lễ, nhưng đối với anh, ngày lễ cũng chẳng có nghĩa lý gì, điều duy nhất đáng để ý là các hạng mục trên tay bao giờ xong, tiếp theo đến hạng mục nào, vân vân…

Đỗ Yến Lễ chỉ quan tâm ngày Chủ nhật.

Cựu giám đốc của tập đoàn tài chính Đỗ thị là ông nội của Đỗ Yến Lễ, hiện đang ngụ trong một biệt thự ở ngoại ô thành phố. Cho nên dù bận đến đâu, cứ cuối tuần Đỗ Yến Lễ sẽ kết thúc công việc lúc 3 giờ chiều, lái xe đến biệt thự để thăm ông mình.

Biệt thự xây lưng chừng sườn núi, phía trước là suối nước, phía sau là rừng, xung quanh có đủ loại cây cỏ. Vào mùa xuân và mùa hè, ngọn núi phủ đầy hoa trên nền lá xanh mượt, đến mùa thu, lá cây phong đỏ rực như lửa, đến đông lại cô đơn hiu quạnh, từng khung cảnh đều có sắc thái thú vị của riêng nó. Ngôi biệt thự đứng lặng giữa bốn mùa này tổng cộng có bốn tầng, sảnh trước rộng rãi, hành lang xây cột chống vững vàng, vừa thênh thang vừa tráng lệ giữa núi rừng trùng điệp.

Lúc Đỗ Yến Lễ đến thì trời đã sẩm tối, biệt thự sáng đèn, chủ nhân của tòa nhà đang yên vị trong phòng ăn.

Phòng ăn ở tầng trệt đặt một chiếc bàn rất dài, tổng cộng có mười hai chỗ ngồi, có lẽ ngụ ý tốt của kiến trúc sư là “cả nhà đoàn tụ, con cháu đầy đàn.”

Nhưng hiện thực thì bao giờ cũng phũ phàng. Bởi vì hơn 10 năm nay, chiếc bàn này chỉ có hai người – Đỗ Yến Lễ và ông nội anh.

Ba mẹ Đỗ Yến Lễ đã qua đời vì tai nạn ngoài ý muốn từ khi anh còn rất nhỏ. Sau đó, Đỗ Yến Lễ đến sống cùng ông nội mình. Ngôi nhà thuở ấy vắng tanh, chỉ có anh và vài người giúp việc, ông nội hiếm khi về nhà, nhưng mỗi tối Chủ nhật ông sẽ ăn cơm với anh, cũng hỏi han tình hình sinh hoạt và học tập của anh trong tuần qua.

Đến khi Đỗ Yến Lễ trưởng thành rồi tiếp nhận Đỗ thị, tình huống của hai người lại hoán đổi cho nhau, cứ tối Chủ nhật anh sẽ quay về biệt thự ngoại ô, cùng ông dùng cơm tối, xong xuôi thì thông báo ngắn gọn tình hình công ty.

Phòng ăn rất yên tĩnh, chủ nhân không nói gì, mấy người giúp việc lục tục bưng thức ăn lên cũng cẩn thận từng li từng tí, sợ phát ra tiếng động là sẽ bị liếc ngay.

Bốn bề vắng lặng, thỉnh thoảng mới nghe thấy âm thanh nhai nuốt khẽ khàng.

Truyền thống của gia đình nhà họ Đỗ là ăn cơm không nói chuyện.

Kết thúc bữa ăn, Đỗ Yến Lễ và ông Đỗ gần như đặt đũa xuống cùng một lúc. Tiếp đó, Đỗ Yến Lễ đứng dậy, đỡ ông nội ngồi trên ghế chủ vị, chuẩn bị ra ngoài tản bộ. Đây cũng là “lịch trình lâu năm” của Đỗ gia.

Bọn họ sẽ đi dạo tầm nửa tiếng đồng hồ, trong nửa tiếng đó cũng chuyện trò đủ cho tuần vừa qua, sau đó ông Đỗ đến phòng sách làm việc riêng, Đỗ Yến Lễ cũng về nhà chứ không ngủ lại.

Ngay lúc Đỗ Yến Lễ đỡ tay ông Đỗ, ông đột nhiên mở miệng: “Yến Lễ.”

Đỗ Yến Lễ: “Dạ?”

Ông lão được anh đỡ có mái tóc hoa râm, khuôn mặt sắc sảo, mắt sáng như mắt hổ, không giận mà uy. Năm tháng không buông tha bất kỳ ai, bây giờ khuôn mặt ông đã bị nếp nhăn bao phủ, khiến ông có vẻ càng nghiêm nghị và lạnh lùng hơn.

“Có chuyện cần con làm.” Nói rồi, ông Đỗ bảo người giúp việc đem báo ra, đưa cho Đỗ Yến Lễ.

Đỗ Yến Lễ nhận lấy, nhìn ngày tháng và tiêu đề quen thuộc trước mắt. Ông Đỗ đứng cạnh lời ít mà ý nhiều: “Kèm cặp thằng nhóc này, sửa đổi mấy tật xấu của nó.”

Đỗ Yến Lễ: “Ý ông là Đan Dẫn Sanh?”

Ông Đỗ: “Ừ.”

Đỗ Yến Lễ: “…???”

Đỗ Yến Lễ chợt nghe sét đánh ngang tai!

Không phải vì cái tên Đan Dẫn Sanh tự động nhảy ra liên tục hai hôm nay, mà vì ông nội anh lại đưa ra một yêu cầu cá nhân.

Lần đầu tiên trong đời tính từ lúc hiểu chuyện, Đỗ Yến Lễ mới chứng kiến kỳ tích này.

Đỗ Yến Lễ không kiềm được, hỏi: “Ông biết gia đình nhà Đan Dẫn Sanh à?”

Ông Đỗ: “Ừ.”

Đỗ Yến Lễ lại hỏi: “Ông quen ông của Đan Dẫn Sanh sao?”

“Ừ.”

“Hai ông thân nhau lắm ạ?”

Ông Đỗ lạnh lùng liếc nhìn Đỗ Yến Lễ, bực mình gắt: “Sao càng lớn con càng nói nhiều thế.”

Thiên hạ này đại khái chỉ có một mình ông nội thấy anh nói nhiều.

Đối với người ngoài, hai vị giám đốc và cựu giám đốc của tập đoàn tài chính Đỗ thị đều tỏa hào quang chói lóa, có vẻ rất thần bí, nhưng đối với hai ông cháu, định nghĩa của họ về đối phương lại vô cùng đơn giản.

Ông nội mình nghiêm túc và không thích nói chuyện.

Thằng cháu mình miễn cưỡng coi như thành công.

Sống với ông nội bao nhiêu năm như vậy, Đỗ Yến Lễ vẫn có bản lĩnh tranh đấu.

“Ông nội, quan hệ giữa ông và đối phương sẽ quyết định phần trăm công sức con bỏ ra để uốn nắn tính xấu của Đan Dẫn Sanh.” Đỗ Yến Lễ từ tốn nhả từng chữ một, “Ngày xưa ông từng dạy con rằng vốn đầu tư tỉ lệ thuận với kết quả, con tin ông nội hiểu được ý của con.”

Ông Đỗ nhìn Đỗ Yến Lễ chằm chằm, đôi mắt hổ sáng quắc.

Đỗ Yến Lễ bình tĩnh nhìn lại, con còn lâu mới đầu hàng ông nhé.

Hai phút sau, ông Đỗ dời mắt, tức giận nói: “Hừ! Ta với ông già đó cũng khá thân…”

Đỗ Yến Lễ hiểu ra, anh đáp: “Con sẽ làm tốt việc này.”

Dứt lời, một già một trẻ lại tiếp tục công chuyện dở dang ban nãy – đi bộ tiêu cơm.

Gió đêm mơn man thổi bên má hai người, Đỗ Yến Lễ cũng tóm tắt ngắn gọn hạng mục quan trọng gần đây nhất của công ty cho ông nghe.

Có vẻ không thân thiết mấy.

Chẳng ai hỏi đối phương ăn được nhiều không, ngủ có ngon không, so với ông cháu, hai người này càng giống cấp trên với cấp dưới hơn.

Thật ra đây chỉ là thói quen của họ mà thôi. Hồi Đỗ Yến Lễ còn nhỏ, ông nội chỉ hỏi thăm về tình hình học tập và quan sát cung cách cư xử của anh, còn mấy chuyện đời thường như ăn uống ngủ nghỉ thế nào, Đỗ Yến Lễ chưa từng thấy ông nội đả động tới.

Trước khi lên 7, Đỗ Yến Lễ nghĩ ông nội không quan tâm mình. Sau đó anh phát hiện không phải ông Đỗ lạnh lùng, chẳng qua ông cho rằng mình không cần nhọc lòng với những chuyện vặt vãnh đó, tất cả thuộc về trách nhiệm của những người giúp việc. Đỗ Yến Lễ “phải” sống khỏe mạnh, không thì cứ tìm một nhóm giúp việc mới là xong.

Không thuê được giúp việc giỏi mới là thứ đáng quan ngại trong cái nhà này.

Dù mới đầu có nghĩ thế nào, về sau Đỗ Yến Lễ vô cùng tán đồng với quan điểm của ông Đỗ, cũng học theo thói quen đó. Khi về nhà ông, anh chỉ nói những vấn đề quan trọng, ví dụ như tình hình phát triển của tập đoàn vân vân, mấy chuyện khác cứ để người giúp việc phụ trách. Sau khi bọn họ làm xong công việc sẽ báo cáo với anh, anh đúng giờ kiểm tra, một khi phát hiện có chỗ sơ sót thì lập tức đổi người mới.

Đỗ Yến Lễ chưa bao giờ nghĩ cách sống này có gì sai cả, nhưng chuyện xảy ra hôm nay đã cảnh tỉnh anh.

Đây là lần đầu tiên ông nội đưa ra yêu cầu vì một người khác, ông nội thừa nhận bọn họ khá thân, thế mà mình lại chẳng biết gì.

Đỗ Yến Lễ vừa đi vừa suy nghĩ.

Có lẽ mình phải thay đổi quan điểm, mình không thể bàn chuyện công ty với ông mãi được, nếu mình mở lời trước, chắc ông nội sẽ chịu chia sẻ thôi. Đỗ Yến Lễ bèn cắt ngang đề tài: “Ông ơi, dạo này sức khỏe ông thế nào?”

Ông Đỗ cau mày nhìn Đỗ Yến Lễ, vẻ mặt bất mãn kiểu “Đừng nói nhảm nữa được không”, lạnh lùng đáp: “Công ty vẫn ổn chứ hả? Nếu ổn thì con mau biến đi.”

Đỗ Yến Lễ: “…”

Thất bại đến quá bất ngờ, anh đỡ không nổi.

Nhà họ Đỗ có Đỗ Yến Lễ đang “cô đơn”, nhà họ Đan có Đan Dẫn Sanh đang phiền não.

Không biết từ khi nào gia đình hắn đã có thói quen tề tựu đông đủ vào mỗi tối Chủ nhật, có ông bà, ba mẹ và vợ chồng chị gái, cả Đan Dẫn Sanh cũng bị bắt phải về nhà đúng giờ, ăn cơm, xem TV, trò chuyện linh tinh rồi đi ngủ, sáng hôm sau ai lại về nhà nấy.

Thật ra Đan Dẫn Sanh rất ghét mấy hoạt động kiểu này.

Bởi vì dù mở đầu thế nào, cuối cùng buổi họp mặt cũng sẽ biến thành đại hội phê phán Đan Dẫn Sanh do mẹ hắn cứ khóc lóc chỉ trích suốt.

Mà hắn có làm gì đâu? Hắn chỉ là quá hiền lành tốt bụng, không đành lòng từ chối những người muốn lao vào vòng tay hắn, thuận tiện trợ giúp bọn họ, thực hiện giấc mộng của bọn họ trong khả năng cho phép.

Vậy thôi đó.

Đan Dẫn Sanh cảm thấy mình rất là vô tội.

Hiển nhiên hắn và mẹ chưa bao giờ cùng chung quan điểm về vấn đề này.

Nhà họ Đan không có thói quen im lặng trong bữa cơm, mẹ Đan thậm chí còn đay nghiến chuyện hôm qua khi mọi người đang ăn dở: “Sanh Sanh à, mẹ đã bảo bao nhiêu lần rồi! Có phải mẹ cổ hủ đâu, con thích ai thì thích, mẹ không can thiệp. Nhưng như vậy không có nghĩa là con có thể tùy tiện làm loạn!”

“Ngoại ơi!” Cháu trai của Đan Dẫn Sanh chừng 3, 4 tuổi, đang vào thời kỳ hiếu động nhất, cậu nhóc vừa ăn trứng chưng vừa tò mò hỏi, “Làm loạn là sao hả ngoại?”

Phòng ăn lặng ngắt như tờ.

Đan Dẫn Sanh không chịu nổi gắt to: “Mẹ! Nhà đang có trẻ con đấy!”

Mẹ Đan hừ lạnh: “Mày cũng biết thế cơ à, chị mày có con, mày lên chức cậu rồi mà vẫn không biết làm gương cho cháu?”

Bà tiếp tục mắng mỏ Đan Dẫn Sanh nhưng không nhắc tới đề tài ban nãy nữa. Phòng ăn tiếp tục im lặng, Đan Dẫn Sanh thở phào nhẹ nhõm, ngay lúc hắn cảm thấy tốt xấu gì cũng xong được bữa cơm thì ông lão ngồi ghế chủ vị đột nhiên lên tiếng.

Ông Đan nói: “Được rồi, đừng nhắc lại chuyện này nữa.”

Đan Dẫn Sanh như mở cờ trong bụng: “Yêu ông nội nhất, người văn minh có khác…”

Ông Đan nói tiếp: “Con mắng nó bao năm rồi mà nó có chịu thay đổi đâu, chẳng khác gì nước đổ lá khoai. Ta đã nhờ bạn cũ tìm một thanh niên ưu tú kèm cặp Sanh Sanh, sửa đổi tính xấu của nó.”

Ông vừa dứt lời, người ngồi xung quanh đều ngây ngẩn.

Ba Đan phản ứng đầu tiên: “Bạn cũ của ba là bác Đỗ phải không?”

Ông Đan ậm ừ trong cổ họng: “Là ông già đó đó.”

Mẹ Đan ngẫm nghĩ hồi lâu, cũng đồng ý: “Cháu bác ấy đúng là không chê vào đâu được. Một nhân tài giữ mình trong sạch, năm ngoái còn lọt vào top 10 nhà doanh nghiệp thành đạt cả nước, tính tình cẩn thận, điều hành cả một tập đoàn lớn như thế mà không có sai sót gì, quả là một người thầy lý tưởng.”

Đan Dẫn Sanh đờ ra. Hình như mấy người này coi hắn là thằng nhóc 5 tuổi hay 15 tuổi chứ không phải 25 tuổi.

Hắn vội vàng cắt ngang: “Mọi người đừng tự biên tự diễn, con chưa đồng ý mà!”

Ông Đan rũ mắt: “Phản đối không có hiệu lực.”

Ba Đan: “Nếu mày dám cãi lời ông nội, ngày mai tao sẽ đăng báo đoạn tuyệt quan hệ với mày!”

Đan Dẫn Sanh: “…”

Mẹ Đan thì vẫn đang lo sợ kế hoạch bị hủy bỏ. Thân là một giáo viên, bà khổ tâm nuôi dạy thằng con hơn 20 năm trời, kết quả nó càng ngày càng sa đọa làm bà có cảm giác thất bại sâu sắc, rất cần sự giúp đỡ của bên ngoài: “Cháu của ông Đỗ có thời gian không? Đỗ thị chắc nhiều việc lắm, con sợ người ta không rảnh quản Sanh Sanh.”

Ông Đan đáp: “Lão già kia nom im ỉm với hay dỗi tí thôi, nhưng được cái nếu đã đồng ý thì ổng nhất định sẽ làm.”

“Khoan…” Đan Dẫn Sanh nghe được từ khóa: “Mẹ, mẹ vừa nói gì? Giám đốc tập đoàn Đỗ thị, Đỗ Yến Lễ?”

Ba Đan lên tiếng trách cứ: “Đương nhiên rồi, bác Đỗ và ông nội mày là bạn thân. Bình thường tao bảo mày để ý chuyện trong nhà một chút mà mày cứ thả hồn đi đâu.”

“Ha.” Đan Dẫn Sanh phì cười, “Mọi người định nhờ Đỗ Yến Lễ thật đấy à? Tên kia bảo đảm còn ăn chơi hơn con. Vụ ở câu lạc bộ Ngàn Sao không phải như báo chí nói đâu, lúc đó Đỗ Yến Lễ cũng có mặt, người trong hình là tình nhân của anh ta đấy. Nhưng không biết sao lúc đăng tin lại không thấy Đỗ Yến Lễ, để mình con hứng hết…”

Nói đoạn, Đan Dẫn Sanh bắt đầu cân nhắc có nên gọi cho tòa soạn kể lại sự thật hôm đó không, hắn muốn mọi người dẹp bỏ kế hoạch gán ghép hắn và Đỗ Yến Lễ.

Nhưng ai ngờ kết quả lại ngoài ý muốn.

Khi hắn vừa dứt lời, mọi người quanh bàn đều lẳng lặng nhìn hắn. Qua giây lát, ngay cả người chị vẫn luôn dịu dàng như nước cũng không đồng ý, cô nói: “Em không muốn đi thì thôi, đừng vu khống người khác.”

Đan Dẫn Sanh: “…”

Đan Dẫn Sanh giận dữ cười: “Được lắm, con sẽ đi. Bao giờ con phải gặp anh ta?”

Đỗ Yến Lễ.

Ha ha, Đỗ Yến Lễ.

Cuối cùng cũng đến thứ Hai.

Sau khi Đỗ Yến Lễ biết chuyện của ông nội, anh hẹn Đan Dẫn Sanh ở một tiệm cà phê dưới công ty lúc 11 giờ rưỡi.

Khi người nọ đến, Đỗ Yến Lễ còn đang nghĩ: Hình như mình muốn tránh Đan Dẫn Sanh nhiều lần lắm rồi, nhưng chưa bao giờ thành công cả.

Khó hiểu thật.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.