Tôi mua vé máy bay gần nhất rồi cùng Bạch Khai rời đi, sau khi xuống sân bay còn phải chuyển sang tàu lửa. Hai ngày sau mới coi như đã đến nơi.
Dọc theo đường đi, tâm trạng của tôi rất khó miêu tả. Từ trước tới giờ tôi chưa từng kinh doanh qua nhà xưởng, thậm chí mua xong bán ra bằng cách nào cũng không biết. Hơn nữa tôi không biết sẽ có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi lần này, nói chung là vô cùng bất an.
Tin tức về nhà xưởng này không phải do tôi nghe ngóng được, mà là tự đưa đến cửa.
Làm trong cái nghề này lâu như vậy, đương nhiên tôi cũng phải nắm bắt hình thức kinh doanh hiện đại, chẳng hạn như bỏ tiền thuê quảng cáo trên các trang web mua bán. Nhiều căn nhà vào tay tôi đều dựa theo cách này.
Nhưng nhà xưởng này lại không như vậy. Đối phương không dựa theo cách thức liên hệ trên quảng cáo mà gọi điện cho tôi, cũng không phải thông qua môi giới mà là trực tiếp gửi bưu kiện đến tận nhà.
Nội dung trong bưu kiện rất đơn giản, đại khái là cần bán nhà xưởng, giá cả hữu nghị, liên hệ Lão Khâu. Tiếp theo là địa chỉ.
Đi cùng theo đó là một vài ảnh chụp của nhà xưởng, ảnh chụp đã lâu, độ phân giải rất thấp. Thông qua ảnh chụp có thể thấy thời điểm đó nó vẫn còn hoạt động, không có dây chuyền sản xuất, chỉ có vài công nhân đang chế tác mũ.
Nếu là bình thường thì loại bưu kiện kiểu này đã bị tôi coi như rác rưởi mà vứt đi, cũng chỉ là mấy trò đùa dai hoặc là lừa đảo rẻ tiền mà thôi. Nhưng sau khi tôi nhìn đến những tấm ảnh kia, bản thân quyết định không thể không đi một chuyến.
Lý do rất đơn giản, tôi cảm thấy tấm ảnh chụp những công nhân làm mũ rất quen mắt. Nói đúng hơn, tôi đã từng nhìn thấy chiếc mũ như vậy. Chính là chiếc mũ mà ông già kia mang, trong lần đến cửa hàng của Phòng Vạn Kim tôi cũng đã bắt gặp.
Tuy rằng ảnh chụp không được rõ ràng, nhưng nhìn từ hình dáng tổng thể thì không có gì khác nhau. Những chiếc mũ này, dù thế nào đi nữa tôi cũng phải đến xem thử.
Bạch Khai không biết chuyện cái mũ, sau khi nghe tôi kể lại, y cũng đồng ý lần này không thể không đi. Bưu kiện này quá thần bí, chắc chắn là có vấn đề. Hơn nữa cho dù trở về tay không thì vẫn tốt hơn chán so với việc ngồi nhà nhìn ảnh nghĩ linh tinh.
Đông Bắc rất lạnh, tôi là người phương Bắc nên chịu đựng giá rét không thành vấn đề. Chỉ có Bạch Khai là không ổn lắm. Chúng tôi chuẩn bị áo lông chống rét, cuối cùng hai cái áo của tôi cũng phải nhường cả cho y, người nọ vẫn ồn ào kêu còn lạnh.
Nơi chúng tôi định đến là một thị trấn nhỏ giáp biên giới, trước đây tôi chưa từng đến, nhưng đã từng nghe bạn bè nói qua. Ở đây rất hỗn loạn, biên giới thường xuyên xuất hiện buôn lậu súng đạn và ma túy trắng trợn ngay trên đường cái.
Vậy nên sau khi tới nơi chúng tôi đều rất cẩn thận, dù ở trong khách sạn thì vẫn đi nghiên cứu tình huống chung quanh một chút, lỡ đâu có chuyện gì bất ngờ xảy ra thì cũng không đến mức bị động chạy trốn.
Xưởng làm mũ ở một trấn nhỏ thuộc vùng ngoại thành, cách nơi chúng tôi ở khoảng 30 phút đi xe. Nếu là thành phố lớn thì khoảng cách này cũng khá gần, nhưng ở trấn nhỏ thì đã bằng dạo quanh thị trấn ba vòng rồi.
Khách sạn chúng tôi ở đã được xem như là khách sạn tốt nhất, nhưng nói thẳng ra cũng chẳng khác gì cái nhà nghỉ. Tuy vậy hệ thống sưởi cũng không tệ, Bạch Khai vào phòng được một lúc thì trên người chỉ còn cái quần cộc.
Nghỉ ngơi một đêm, sáng sớm hôm sau chúng tôi lập tức lên đường.
Trấn nhỏ rất vắng vẻ, không có xe taxi, chỉ có mấy cái xe ba gác thỉnh thoảng lướt qua, chúng tôi vẫy tay một cái là dừng lại ngay, đưa tiền báo địa điểm, lái xe nói một tiếng sau là đến. Sau đó chúng tôi tìm được một chỗ cho thuê xe máy, theo con đường nhỏ gập ghềnh đi đến chỗ nhà xưởng.
Nhà xưởng cũng không khó tìm, chủ yếu là bên cạnh chẳng có bất cứ nhà cửa gì. Đứng xa xa nhìn đã thấy quá cũ kĩ, không có cửa sổ nào còn kính.
Cánh cửa sắt của nhà xưởng đóng chặt, dây xích phía trên đã rỉ sét. Nhìn vào bên trong thấy không ít tuyết đọng.
Tôi gọi một tiếng Lão Khâu, không ai trả lời.
Vốn dĩ tôi cũng không ôm hi vọng, đẩy cửa một chút xem xem có thể trèo vào trong không. Trèo được một nửa, bên trong xuất hiện một ông bác, người lùn tịt, trên người mặc đồ da Đông Bắc, đầu đội mũ. Che kín mít.
Tôi vừa nhìn thấy cái mũ thì suýt chút nữa đã lăn từ trên cửa xuống. Chiếc mũ này quả nhiên giống hệt cái tôi từng thấy trước kia.
Ông bác mở cửa cho chúng tôi, tôi thuận tay đưa qua một điếu thuốc, tỏ ý muốn làm quen.
Kết quả ông bác chỉ ê ê a a xua tay, tôi và Bạch Khai hai mặt nhìn nhau. Là người câm?
Tôi thăm dò hỏi ông ta, bác có phải là Lão Khâu không? Chúng tôi tới xem nhà.
Ông bác lại a a hai tiếng, gật đầu, xoay người dẫn chúng tôi qua một khoảng sân nhỏ, tiến vào trong xưởng.
Bên trong có lẽ vẫn còn khí sưởi nên rất ấm. Nhà xưởng không lớn, chỉ chừng ba bốn trăm mét vuông. Bên trong trống không, không có máy móc. Ông bác chỉ căn phòng nhỏ nằm trong góc xưởng, dẫn chúng tôi vào.
Căn phòng này là chỗ ngủ của ông ta, bài trí rất đơn giản, một cái giường xếp, một cái lò than nhỏ, còn lại đều là mấy thứ linh tinh như chậu rửa mặt, phích nước nóng, vân vân...
Tôi và Bạch Khai ngồi một chốc, uống nước ấm ông bác đưa, sau đó bắt đầu hỏi về tình huống của căn nhà xưởng này.
Bởi vì trước mặt là một người câm nên giao lưu rất khó khăn, chúng tôi chỉ có thể hỏi mấy câu có hay không, đúng hay sai, hỏi nửa ngày cũng chẳng hỏi được gì.
Cuối cùng Bạch Khai mất hết kiên nhẫn, dứt khoát kêu tôi ra ngoài tự tìm hiểu với y. Ra khỏi cửa, tôi hỏi Bạch Khai, anh nhìn ra chỗ này có vấn đề gì không?
"Mắt anh mù hả? Chỗ này có cái mẹ gì mà vấn đề chứ, có là quỷ cũng bị đông đá mất!" Bạch Khai hắt xì một cái, nói, Tiểu Khuyết, anh có cảm thấy nhà xưởng này là cái trong mấy tấm hình không?
Tôi dáo dác nhìn xung quanh, đồ trong nhà xưởng đã không còn, rất khó so sánh. Loại nhà xưởng này không khác nhau mấy về cách xây dựng, cùng một kiểu tường kiểu nền như vậy, không thể nào mà phân biệt được. Vì thế tôi hỏi Bạch Khai, ý của anh là căn xưởng này cũng là đồ phục chế sao?
Bạch Khai nói, cũng không đến mức đó, vừa nãy lúc đi vào tôi có lén xem qua vài thứ, anh đi với tôi.
Bạch Khai kéo tôi đến một góc tường, trên mặt đất có mấy viên gạch nằm lộn xộn. Y lấy chân đá mấy viên gạch qua một bên, chỉ tay kêu tôi nhìn.
Tôi cúi người xuống, có thể thấy được một ít dấu vết lạ trên mặt đất, nhìn rất quen mắt, nhưng tôi tạm thời không nghĩ ra mình từng thấy ở đâu.
Tôi hỏi y, cái gì đây? Nước tiểu của anh hả?
Bạch Khai đáp lời, tiểu cái bà nội anh, cái này là vết xi măng, có người từng quấy xi măng ở chỗ này, gần đây nhất định nhà xưởng này đã bị sửa lại!
Tôi nhớ đến vài chuyện, hồi còn nhỏ lúc nhà hàng xóm xây nhà tôi có chạy đến xem. Thời điểm đó thi công khá đơn giản, cát, đá, xi măng đắp đống dưới đất, cát thì dùng lưới sắt lọc qua, trên đống cát làm một cái hố rồi quấy xi măng luôn ở trong. Sau đó vận chuyển từng sọt xi măng thành phẩm đi, đắp gạch xây nhà.
Tôi nghĩ chẳng lẽ trước đó nhà xưởng đã sắp sụp? Bình thường thì nếu vách tường có khe nứt cũng phải dùng xi măng sửa lại, nơi này không biết đã tồn tại được bao nhiêu năm rồi, bị hư hỏng cũng là lẽ đương nhiên.
Tôi định quay vào phòng tìm ông bác, nhưng ông ta đã đứng trước cửa phòng nhìn chúng tôi.
Tôi liền hỏi ông ta, nhà xưởng gần đây có sửa cái gì à?
Thấy ông ta gật đầu, tôi hỏi thêm, là chỗ đó sao? Đối phương chỉ tay lên mặt tường sau lưng tôi rồi lại a a mấy tiếng. Tôi thầm tán thưởng năng lực phân tích của mình, quả nhiên bức tường đó từng gặp vài vấn đề. Ai ngờ lúc quay đầu lại thấy Bạch Khai nhìn bức tường với vẻ mặt kỳ quái, nghi hoặc hỏi ông bác, trên tường trước kia có cái gì phải không? Lấy xi măng che rồi?
Nghe y nói vậy, tim tôi hẫng một nhịp, thấy ông bác lại a a gật đầu. Tôi hỏi y, trên tường có cái gì?
"Mắt của tôi có phải máy siêu âm đâu, cơ mà anh xem, rõ ràng màu sắc chỗ xi măng này mới hơn những chỗ khác." Bạch Khai duỗi tay sờ sờ, lại nói, chỗ xi măng này đối diện với một cái cửa sổ, cửa sổ này không bình thường, không thể nhìn ra chỗ nào hết.
Tôi quay đầu nhìn lại, quả nhiên thấy trên bức tường đối diện có một cái cửa sổ, nhìn không được hài hòa cho lắm, thứ nhất là vị trí rất kỳ lạ, cao hơn nhiều so với mấy cái cửa sổ chung quanh.
Thứ hai, từ cửa sổ nhìn ra ngoài, cách đó không xa có một cái bệ nhỏ cao cao, không phải do được dựng lên mà giống như dùng xẻng san bằng một đoạn sườn núi.