Nghe Lão Khâu nói vậy, tôi rất muốn ra cửa xem thử. Hình như Bạch Khai cho rằng tôi định đi mở cửa nên y bèn kéo tôi lại, thấp giọng nói, đừng đi, tôi biết chuyện gì đang xảy ra rồi.
Dứt lời, y kéo tôi tới một góc, thấy Lão Khâu vẫn yếu đến nỗi chưa thể gượng dậy được, y mới nói: "Hôm nay có quỷ họp chợ, theo lý thuyết thì không thể xuất hiện ở đây được, tôi nghĩ lão ta đã dùng thủ đoạn gì đó."
Tôi khó hiểu nhìn Bạch Khai rồi hỏi y, vậy có nên khống chế Lão Khâu không? Lỡ như ông ta chạy đi mở cửa thì sao?
Bạch Khai bảo không sao, trong thời gian ngắn Lão Khâu sẽ chưa thể khôi phục được. Hiện giờ đi ra ngoài không an toàn, tốt nhất vẫn nên ở trong phòng. Tôi nghe vậy cũng yên lòng, cho dù bên ngoài thật sự có thứ gì đó thì chúng tôi cũng chỉ ngồi một chỗ giết thời gian giống như trước mà thôi.
Sau khi châm một điếu thuốc, tôi vừa để mắt đến Lão Khâu vừa hỏi Bạch Khai về quỷ họp chợ. Có lẽ Bạch Khai cũng cảm thấy ngồi không quá nhàm chán nên y mới kể cho tôi nghe một câu chuyện, hơn nữa đây không đơn thuần là truyền thuyết hay điển cố điển tích, mà là chuyện do chính bản thân y trải qua.
Bạch Khai nói quỷ họp chợ đã có từ xa xưa, về bản chất thì không khác lắm so với chợ của người sống, đều ước định sẵn một ngày, chẳng hạn như mồng bảy hoặc ngày rằm, đồng thời cũng chọn một địa điểm để tụ tập họp chợ. Thậm chí nhiều khu vực ở nước ta vẫn còn giữ thói quen như vậy. Điểm khác nhau duy nhất là chợ của người sống thì mua bán rau củ quả, trái cây, gia súc, gia cầm, hoặc là quần áo giày dép. Còn chợ quỷ thì mua bán đồ vật để ma quỷ sử dụng, ví dụ như áo ấm, ngựa xe, súc vật. Đương nhiên súc vật này cũng không phải đồ sống, nói trắng ra chính là đồ giấy.
Chợ quỷ xuất hiện vì thời xưa thường có người chết bởi điều kiện chữa bệnh không tốt, hoặc là chiến tranh thiên tai càn quét, tồn tại rất nhiều cô hồn dã quỷ không người thờ cúng, thậm chí có cả những trường hợp mất hết người thân, chỉ đành lẻ loi đói khổ du đãng nơi nhân gian.
Tuy nhiên trên đời này có quỷ hồn không ai thờ phụng thì cũng sẽ có ma quỷ gia cảnh thịnh vượng, người nhà hiếu thuận, đồ vàng mã cúng bái dùng hoài không hết. Vậy nên bọn họ sẽ mang đồ dư thừa đến chợ quỷ để trao đổi, nhưng trao đổi cái gì? Đó chính là "lai sinh vận" của những cô hồn dã quỷ đáng thương không hương khói cung phụng kia.
"Lai sinh vận" chỉ là một cách gọi bao hàm rất nhiều thứ, tỷ như phúc vận phù hộ cho con cháu trong nhà, năng lực báo mộng cho con cháu, thậm chí là trao đổi cả vận mệnh đầu thai kiếp sau. Nói thẳng ra thì nó giống như giao dịch theo nhu cầu mà thôi, vì vậy chợ quỷ diễn ra khá ổn định, kéo dài qua rất nhiều năm.
Trước đây khi Bạch Khai mới vào nghề, y vẫn hay theo chân sư phụ. Sư phụ của y rất nghiêm khắc, nhưng Bạch Khai là một kẻ trời sinh đã không thích gò bó theo khuôn phép cũ, nói đơn giản là học sinh cá biệt, thế nên giữa hai thầy trò vẫn thường nảy sinh vài mâu thuẫn nhỏ.
Nhiều lần sư phụ tức giận đến nỗi không muốn dạy Bạch Khai nữa, nhưng rồi nghĩ đến Bạch Khai có thiên tư trời phú, không làm nghề này thì quá uổng phí, thế là sư phụ đành nhẫn nhịn cái tính ương bướng của y. Lúc ấy Bạch Khai còn đang ở độ tuổi nông nổi, tự cho là sư phụ e sợ mình nên càng thêm táo tợn.
Có lần hai thầy trò đi treo gương cho một nhà giàu có nọ, gia đình này vốn là doanh nhân nông dân, có một mảnh sân vô cùng rộng. Bình thường chúng ta hay ở nhà lầu, dù to đến đâu cũng không quá trăm mét vuông, hơn nữa người dân thành thị đa phần không tin chuyện ma quỷ, vì thế rất hiếm người treo gương. Nhưng ở nông thôn lại hoàn toàn khác, đặc biệt là nhà có một cái sân lớn như vậy, treo bao nhiêu cái gương, treo ở chỗ nào, tất cả đều có đạo lý riêng.
Vốn dĩ việc này rất đơn giản, chỉ cần hoạt động chân tay chút mà thôi, một mình Bạch Khai đã lo được rồi. Nhưng trùng hợp là chủ nhà lại có quan hệ với họ hàng của sư phụ, tuy sư phụ tin tưởng vào khả năng của Bạch Khai nhưng vẫn sợ tính cách của y sẽ dễ làm phật lòng người ta, đành phải theo tới.
Lúc đó Bạch Khai còn nhỏ tuổi, đang trong thời kỳ muốn thể hiện bản thân nhưng không được xã hội công nhận. Chính vì thế khi thấy chỉ có một việc cỏn con mà sư phụ cũng phải đi theo thì Bạch Khai rất khó chịu, chẳng qua không thể biểu hiện ra mặt nên mới âm thầm bực bội trong lòng.
Hôm đó bọn họ treo hết tổng cộng mười ba cái gương lớn bé, cái cuối cùng phải treo trên xà nhà cao nhất theo như điển cố minh kính cao huyền (*), trấn trạch trừ tà. Xà nhà rất cao, chắc chắn sư phụ không trèo lên được, đành nhường lại cho Bạch Khai, vì thế y mới bắc một cái thang để trèo lên.
(*) Minh kính cao huyền (明镜高悬): Trên đại đường ở nha môn của quan viên thời cổ, đa phần đều có tấm biển "Minh kính cao huyền" (gương sáng treo cao). Ý nghĩa là bản thân có thể thấy rõ thị phi, có thể phân biệt thiện và ác, trung thành và gian nịnh. Thành ngữ này nguyên tác là "Tần kính cao huyền", điển xuất từ Tây Kinh tạp ký quyển 3 (Nguồn: Huỳnh Chương Hưng)
Lẽ ra treo gương xong thì thôi, nhưng Bạch Khai lại bắt gặp một giỏ trứng gà đỏ được giấu trên xà nhà. Thứ này rất quan trọng trong tập tục địa phương của họ, lấy "ấp" trong trứng gà ấp nở ra gà con, "cao" trong đặt trên xà nhà cao, cộng lại mang hàm nghĩa là "cao phúc" (*).
(*) "Ấp" trong Hán Việt là phu (fū) + Cao (gāo), hai từ này ghép lại đọc gần giống "Cao phúc" (gāo fú), hiểu đơn giản là mong cho gia đình được nhiều may mắn, sung sướng, hạnh phúc.
Một khi cái giỏ trứng đã đặt lên đó rồi thì nhất định không được động vào, không thì theo phong tục nơi này, "cao phúc" đã bị người khác đem đi, gia đình sẽ có người chết.
Bạch Khai làm sao biết được chuyện đó, y tò mò duỗi tay khẽ sờ thử. Thật ra y cũng biết chừng mực, chỉ chạm nhẹ một cái thôi, thứ "cao phúc" kia chẳng mảy may chút động đậy. Nhưng tất cả những hành động của y lại bị sư phụ ở phía dưới nhìn thấy hết, sư phụ sợ Bạch Khai gặp rắc rối nên mới lập tức mắng y.
Bạch Khai vốn đã khó chịu trong lòng, bây giờ bỗng dưng lại bị sư phụ mắng, y trở mặt không thèm treo gương nữa, leo xuống rồi vụt chạy ra ngoài.
Khi ấy Bạch Khai định bụng sẽ dựa vào bản lĩnh của mình để lăn lộn khắp nơi, nhưng đến lúc trời bắt đầu trở tối thì y vẫn không đành lòng rời khỏi thôn. Sau một khắc bốc đồng, y lại nghĩ về sư phụ, cuối cùng Bạch Khai mới nhận ra sai lầm của mình, bèn quay về nhà người ta để xin lỗi sư phụ.
Mặc dù sư phụ của y tức giận nhưng chuyện người ta nhờ vẫn phải làm cho xong, sau khi dạy dỗ vài câu thì Bạch Khai lại trèo lên. Lần này y làm việc nhanh nhẹn, chuẩn bị leo xuống dưới thì vô tình nhìn thấy vài bóng người phản chiếu trong gương, nhưng khi y quay đầu tìm thì lại không thấy nữa. Bạch Khai biết đó là quỷ, chỉ là y hơi tò mò, căn nhà này rõ ràng mới được xây cất, sao lại có nhiều ma quỷ du đãng trong nhà được.
Sau khi leo xuống, Bạch Khai liền kể hết tất cả cho sư phụ nghe. Bấy giờ sư phụ cũng chẳng thể tiếp tục tức giận được nữa, vốn dĩ thiên chức của thầy là dạy bảo học trò mà. Vì vậy sư phụ mới giảng cho Bạch Khai biết đêm nay có quỷ họp chợ.
Việc lần này kéo dài hơn dự kiến, người nhà nọ thấy thời gian đã trễ, nhân tiện mời hai thầy trò nghỉ lại một đêm. Sư phụ cũng không từ chối, vì thế hai người bèn ở lại phòng dành cho khách.
Một đêm dài đằng đẵng, Bạch Khai trằn trọc suy nghĩ về quỷ họp chợ. Y đã từng nhiều lần đến chợ quỷ, đó cũng chỉ là một phiên chợ trước khi bình minh lên, vào khoảnh khắc mà trời đất còn nhập nhoạng. Nơi đó có đủ mọi thứ tốt xấu lẫn lộn, có ma quỷ, có những kẻ trộm mộ buôn bán tang vật, những giao dịch bất chính, nhiều vô kể. Nhưng Bạch Khai lại chẳng thấy hứng thú, lần này rốt cuộc y mới tìm được cảm giác mới mẻ nên hưng phấn không thôi.
Y nhẹ giọng gọi tên sư phụ, thấy sư phụ còn đang ngủ say, bèn lén lút chuồn ra khỏi nhà. Y cầm theo một cái gương, nhờ vào ảnh phản chiếu của nó để tìm đường.
Bản thân Bạch Khai cũng chẳng phải người tầm thường, y dễ dàng tìm được địa điểm quỷ họp chợ. Tuy nhiên sau khi đi vào thì y khá thất vọng. Thứ nhất, chợ quỷ đương nhiên không có người sống nên chẳng náo nhiệt như y tưởng tượng. Thứ hai, đôi mắt của người thường không thể nhìn thấy bất cứ thứ gì, chỉ loáng thoáng bắt gặp vài bóng người trong gương.
Sau khi lượn vài vòng trong chợ, Bạch Khai vẫn chưa gặp chuyện gì thú vị. Hơi lạnh ban đêm khiến cho y khó chịu, vừa chuẩn bị đi về thì y đột nhiên phát hiện một người sống cũng đang dạo quanh chợ. Bóng dáng người nọ mông lung mơ hồ, một tia sáng cháy đỏ cho thấy người nọ dường như đang hút thuốc.
Bạch Khai tin chắc rằng mình đã gặp phải người cùng nghề, bèn đi đến xin một điếu thuốc. Bình thường y hay bị sư phụ để mắt nên chẳng dám giấu thuốc lá trong người, bấy giờ cơn thèm thuốc mới bắt đầu bốc lên. Y bước nhanh đến rồi giơ tay vỗ vai người nọ.