Sau khi tôi và Bạch Khai đều đã uống cạn một ly rượu, Tiền chưởng quỹ mới nói, tôi cũng không khiêm tốn nữa, chừng này tuổi rồi, hai người cứ gọi tôi là anh Tiền đi. Đừng nhìn chằm chằm tôi thế, vừa ăn vừa nghe tôi kể là được. Tôi lớn tuổi rồi nên ăn uống cũng không tốt như trước nữa, hai người đừng quá khách sáo.
Tôi và Bạch Khai nghe vậy bèn động đũa, cô gái rót rượu vẫn đứng bên cạnh như một người hầu.
Không biết Tiền chưởng quỹ uống rượu gì, tôi nghĩ chắc là rượu tự ủ, rõ ràng độ cồn rất cao, uống mấy ly đã choáng váng cả đầu óc. Bên kia, Bạch Khai đang vùi đầu ăn ngon lành như quỷ đói.
Tiền chưởng quỹ không hề gắp đồ ăn, chỉ vừa nói vừa uống rượu. Những viên gạch mà các cậu thấy hôm nay đã là những viên cuối cùng rồi, cái túi kia cũng được gửi chung, có lẽ ông chủ Giang cũng biết.
Thấy tôi gật đầu, Tiền chưởng quỹ liền tiếp lời, trước khi tôi tìm đến cậu, cậu Bạch đã kể sơ qua tình hình lúc trước cho tôi. Thật ra tôi không định nói hết đâu, nhưng hôm nay tôi sẽ phá lệ vì cậu. Ông chủ Giang, hẳn cậu cũng biết chiếc quan tài đó chứ?
Nếu không phải vì mới uống rượu, tôi đoán mặt mình sẽ lập tức trở nên trắng bệch.
Tôi trả lời, tôi biết, ngài đã thấy nó rồi sao?
Tiền chưởng quỹ giơ năm ngón tay, hồi tôi năm tuổi đã từng thấy nó.
Vậy rốt cuộc quan tài to chừng nào? Tôi gần như đứng bật dậy, ly rượu nghiêng ngả sắp rơi xuống được cô gái đứng cạnh đỡ lấy.
Không thấy được trọn vẹn. Tiền chưởng quỹ lắc đầu, có vẻ đang cố vắt óc nhớ lại. Nghề của tôi đa phần là gia truyền, cả tôi cũng vậy. Trước kia tôi hay theo cha để học hỏi, tổ tiên nhà họ Tiền ban đầu làm nghề đóng giày. Từ năm tôi ba tuổi, tuy chưa vào nghề nhưng cũng theo cha thấy qua những thứ thật giả lẫn lộn. Năm tôi năm tuổi, trong nhà bỗng có khách tới. Mẹ tôi kéo tôi vào phòng trong, không cho ra ngoài gặp khách. Lúc ấy tôi vô cùng tò mò nên đã lén nhìn qua khe cửa, thấy cha tôi và những vị khách bí ẩn thì thầm bàn chuyện gì đó hết cả một buổi sáng. Sớm hôm sau, cha tôi đã đưa tôi ra ngoài.
Ông chủ Giang, nhìn cậu còn trẻ, chắc hẳn vẫn còn cha mẹ ở nhà?
Tiền chưởng quỹ lại châm một điếu thuốc lá sợi tự cuốn rồi nói, khi ấy tôi còn quá nhỏ, sáng nào mẹ tôi cũng nấu một bát cháo cho tôi. Tôi học nghề từ cha, bắt đầu dậy sớm từ năm ba tuổi, mỗi sáng thức dậy đều được húp cháo do mẹ nấu. Nhưng bát cháo hôm đó lại khác, mẹ tôi cho rất nhiều hoa quế vào, nhiều hơn hẳn mọi lần.
Tôi hiểu được ý của Tiền chưởng quỹ, nói vậy tức là mẹ ông ta đã sớm qua đời. Tôi bèn kính một ly rượu, Tiền chưởng quỹ đừng quá đau buồn, nghề chúng ta phải làm quen với chuyện sống chết thôi.
Đúng thế! Tiền chưởng quỹ vội quay lại câu chuyện. Tuy còn nhỏ nhưng trong người tôi có giác quan thứ sáu, dù không biết mình phải đi đâu nhưng tôi có một cảm giác rất mãnh liệt, nhất định không thể đi cùng cha. Chuyến này e rằng sẽ không bao giờ gặp lại mẹ nữa.
Vậy nhưng tôi vẫn bị cha đưa đi, tôi không biết đường, chỉ mang máng nhớ được đã đi ba ngày ba đêm. Những kẻ trước đây tới tìm cha cũng theo cùng. Đến khi chúng tôi tới một doanh trại bên bờ sông, người ta dựng rất nhiều lều ở đó, người qua kẻ lại tấp nập. Đây là lần đầu tôi thấy nhiều người như vậy nên hơi sợ hãi, cha liền đưa tôi đến bờ sông bắt cá, đồng thời nói rằng tôi phải quan sát con sông này cho kỹ, nhiều người cả đời này cũng không thấy được đâu.
Dù gì khi đó tôi cũng chỉ là một đứa con nít, ở đây hai ngày đã bắt đầu quen, chạy lung tung chơi đùa trong doanh trại. Thi thoảng tôi lại bắt gặp vài gương mặt mới lạ, lâu lâu cũng có mấy đứa trẻ trạc tuổi tôi. Chúng tôi chơi cùng nhau, thời gian trôi qua rất nhanh.
Một đêm nọ, cha tôi bị đánh thức, lúc ấy tôi đang ngủ trong lòng cha nên tất nhiên cũng tỉnh lại. Ông vội vàng lấy đồ nghề rồi theo bọn họ ra ngoài, còn tôi thì không sao ngủ tiếp được nữa, bèn lén lút bám theo. Bên ngoài đèn đuốc sáng trưng như ban ngày, mọi người túm tụm bên bờ sông, dõi ra xa nữa thì thấy chiếc quan tài khổng lồ cao chừng hai tầng lầu! Tôi sợ bị cha phát hiện sẽ trách phạt nên không dám tiến lại xem, chỉ nhìn một lát rồi dò dẫm quay lại lều ngủ.
Đó chính là lần duy nhất tôi thấy chiếc quan tài kia.
Tiền chưởng quỹ kể chuyện rất sinh động, trong đầu tôi đã mường tượng được hết. Ngược lại Bạch Khai chỉ cắm cúi ăn, có vẻ y đã từng nghe rồi nên không quá để ý.
Tổ tiên của ngài là thợ đóng giày sao? Tôi nhịn không được hỏi. Những người ở bờ sông đều là người trong giới, một thợ đóng giày có thể làm được gì? Ở bộ phận hậu cần à?
Bạch Khai nói, anh lại không hiểu rồi. Ai bảo thợ đóng giày thì sẽ đóng giày? Tôi cho anh biết, đây chỉ là cách gọi trong nghề thôi, anh mà nghe xong là sợ hết hồn đấy! Anh Tiền, mau giảng giải cho anh ta đi!
Tiền chưởng quỹ mỉm cười hiền hậu rồi nói, không dám nhận, có lẽ ông chủ Giang mới vào nghề không lâu nhỉ? Thợ đóng giày cũng không cao thâm gì, từ xưa ma quỷ đã phân cấp bậc, oán khí và âm khí càng nặng thì khoảng cách với mặt đất càng gần, đi đường sẽ tạo ra âm thanh. Người thường không nghe được nhưng người trong nghề thì khác, vì thế thợ đóng giày là một công việc phải tiếp xúc với ma quỷ. Cậu chỉ cần hiểu như vậy là được.
Tôi bừng tỉnh đại ngộ, hóa ra đây cũng là một nghề trừ tà đuổi quỷ.
Vậy cha của ngài đêm đó đã làm gì? Tôi thấy hơi khô miệng, bèn tự rót cho mình một ly rượu.
Tôi không rõ lắm, sau đó cha tôi thường ra ngoài vào ban đêm. Khi ấy tôi không thể hiểu được những việc mà các bậc trưởng bối làm, cho đến khi tôi tiếp nhận việc làm ăn của gia tộc. Lần theo các ký ức ngày xưa, tôi nghĩ cha tôi đã làm "quỷ bao cước".
"Quỷ bao cước" là một loại bàng môn tả đạo, rất hiếm người làm. Tác dụng của nó khá đơn giản, tạm thời che giấu âm khí và oán khí của quỷ, khiến tụi nó bước đi không có âm thanh.
Cha tôi đã làm chuyện này ở doanh trại.
Cuối cùng tôi đã hiểu vì sao Tiền chưởng quỹ không muốn nhắc đến việc này, bởi có khác gì đang nói xấu cha mình đâu. Nhưng tôi không rõ, dù tôi biết mục đích của quỷ bao cước, nhưng dùng ở nơi đó để làm gì? Bao nhiêu cao thủ đều tập trung lại, chắc hẳn sẽ rất khó che giấu được?
Tôi hỏi, sau này cha ngài cũng không nói cho ngài biết vì sao lại làm vậy ư?
Không, sau này ông ấy chưa bao giờ đề cập đến chuyện này nữa. Tiền chưởng quỹ hơi nhích người như thể đang lo lắng. Tôi đã suy xét cẩn thận, có hai mục đích. Thứ nhất, trong quan tài có rất nhiều quỷ cần đi qua doanh trại mà không để ai phát hiện. Thứ hai, quỷ từ bên ngoài tiến vào, đồng thời cũng cần phải che giấu tai mắt người khác.
Cho dù là cái nào thì đều chứng tỏ một vấn đề, lần đó thật sự có kẻ gây khó dễ ở bên trong.
Tiền chưởng quỹ kể đến đây thì dừng lại thật lâu, sau đó cầm đũa lên nói, mau ăn thôi, chuyện ban nãy hai người xem như chưa từng nghe thấy. Cha tôi mất lâu rồi, đồ vật nên vùi xuống đất cũng đã sớm chôn theo cả.
Tôi không dám hỏi nhiều, e rằng ông ta đã nói hết những gì có thể nói, thế là tôi bèn dẫn dắt câu chuyện sang mấy viên gạch. Vậy ngài nghĩ những viên gạch này dùng để làm gì? Từ đâu đến?
Bạch Khai dùng đũa gõ lên đũa tôi, không phải đã nói rồi sao! Anh Tiền đã bảo không muốn dính dáng đến chuyện này, khi nào ăn xong thì hai ta sẽ bàn sau. Tôi đã hiểu rõ rồi, chuẩn bị lát nữa đấm lưng xoa vai hầu hạ ông đây đê!
Bữa ăn kéo dài rất lâu, từ giữa trưa đến tận hơn bốn giờ chiều. Tiền chưởng quỹ sắp xếp hai phòng cho chúng tôi nghỉ ngơi. Ông ta thoạt nhìn có vẻ quê mùa nhưng bày trí trong nhà lại vô cùng xa hoa đắt đỏ, gu thẩm mỹ không tệ, chẳng rõ vì sao ông ta lại không tiêu tiền vào việc chăm sóc bản thân.
Tôi không có tâm trạng dạo quanh nhà, bèn theo Bạch Khai đã ăn no căng bụng vào phòng. Tôi vứt hết thể diện để rót trà cho Bạch Khai, không phải tôi chấp nhận để y sai bảo, chẳng qua tôi lo y uống quá nhiều rượu nên lát nữa lại nói nhăng nói cuội, chỉ tổ nghe xong thêm mệt não.
Bạch Khai uống trà, mùi rượu nồng nặc dần bớt đi.
Tiểu Khuyết, anh nhớ không, chúng ta từng thảo luận xem vì sao Tần Nhất Hằng đều phải đưa anh theo mỗi lần đi xem nhà?
Không phải vì trên người tôi có thứ gì à?
Đúng vậy! Hôm nay tôi sẽ nói cho anh biết, rốt cuộc Tần Nhất Hằng muốn tìm thứ gì mà phải đi qua nhiều tòa nhà đến vậy.
Tôi vừa uống một ngụm trà, suýt nữa là phun hết ra. Mẹ kiếp, ý anh là tìm gạch?! Là mấy viên gạch đó?!
Bạch Khai đáp, đúng vậy! Chắc chắn những viên gạch đến từ cùng một chỗ, sau đó bị người ta chia ra xây thành tường của các căn nhà rải rác khắp cả nước. Anh hiểu không? Tần Nhất Hằng đang tìm nó! Những căn nhà ấy không phải tự nhiên mà trở thành nhà ma!