Năm 2017, tôi gom tiền mua quyển sách do họa sĩ tôi thích vẽ trang bìa, đó là quyển “Hữu Phỉ 1: Thiếu niên du”. Sau khi xem quyển sách ấy, tôi bắt đầu những ngày tháng đu theo Pi Pi.
“Hữu phỉ quân tử, Như thiết như tha, Như trác như ma.” Vừa nhìn tên sách là tôi nghĩ ngay đến bài “Kỳ áo” (Vệ phong) này trong “Quốc phong” (Kinh thi), tưởng đây là tiểu thuyết ca ngợi hình tượng nam chính. Tra cứu nghĩa thì “phỉ” (匪) chỉ “phỉ” (斐), ngụ ý cái đẹp của quân tử là ở tích lũy học hành giáo dục, tu dưỡng đạo đức. Sau đó tôi xem tiểu thuyết thì thấy có lẽ là một từ ba ý. “Hữu Phỉ” một là chỉ “phỉ” của nam chính Tạ Doãn – mỹ nam tam công chúa; hai là chỉ “phỉ” của nữ chính Chu Phỉ, hoa núi như phỉ; ba là chỉ “phỉ” của 48 trại – phụng chỉ làm phỉ, nơi do hiệp khách giang hồ Nam đao Lý Chủy lập ra ở Thục Sơn để thu nhận những kẻ cùng đường trong thiên hạ.
Anh hùng không sợ gian nguy, đao kiếm vĩnh viễn hướng về phía trước. Đúng như tiêu đề phụ của sách xuất bản: thiếu niên du – ly hận lâu – đa tình lụy – vãn sơn hà, tiểu thuyết này kể về câu chuyện truyền kỳ của thanh niên Tạ Doãn và thiếu nữ Chu Phỉ rèn luyện qua khó khăn trắc trở để trưởng thành thành anh hùng một đời. Giang hồ mưa gió mịt mù, hậu nhân Nam đao – Chu Phỉ phụng mệnh mẫu thân rời khỏi nơi mình sinh ra và lớn lên là 48 trại để xuống núi chấp hành nhiệm vụ, bất ngờ gặp lại Tạ Doãn – thanh niên từng xông vào sơn trại lúc đêm khuya khiến phụ thân nàng rời nhà xa xứ, hai người cứ thế cuốn vào phân tranh giang hồ sâu không lường được. Khi bí mật động trời “Hải Thiên Nhất Sắc” bị phủ bụi 20 năm dần dần bị vạch trần, hiệp khách giang hồ thế hệ trước lui về thoái ẩn, các thiếu niên thiếu nữ cũng từng bước trưởng thành thành “hữu phỉ quân tử” chân chính. Đoạn cuối truyện, thân thế Tạ Doãn dần được tiết lộ, Chu Phỉ cũng trở thành tân Nam đao, tiểu thư nhà quan đồng hành cùng họ – Ngô Sở Sở trưởng thành thành người chỉnh lý thành công di tích các phái, Lý Thịnh bị tỷ muội hà hiếp cũng trưởng thành thành người dẫn đầu võ lâm thời đại mới, Lý Nghiên chỉ biết gào khóc cũng có thể một mình cáng đáng một phương.
“Hồng y giai nhân bạch y hữu, Triêu dữ đồng ca mộ đồng tửu.” Thế giới giang hồ có thơ có rượu, có cầm được buông được, có ân oán và yêu hận tình thù. Vô Thường và Tề vật quyết trong đao pháp Chu Phỉ, vẻ phong lưu và Thấu Cốt Thanh của Tạ Doãn “dưới cổ toàn là chân”, Lý Thịnh bỏ nhà ra đi, Lý Nghiên miệng rộng, Ngô Sở Sở nghiêm túc, Dương Cẩn đen, Ưng Hà Tòng mặc nữ trang, Vô Thất của Lý Cẩn Dung, Chu Dĩ Đường nho nhã, xương trắng của Lương Thiệu, Vô Phong của Lý Chủy, Đoàn Cửu Nương si tình, Vũ Y ban của Nghê Thường phu nhân, Đồng Minh đại sư đạm nhạt, Sơn Xuyên kiếm của Ân Văn Lam, Sưu Hồn châm của Kỷ Vân Trầm, Phù Dung thần chưởng của Hoa Chính Long, Ân Bái âm u, lòng yêu thích của Chu Thần, Chu Tước chúa Mộc Tiểu Kiều hỉ nộ vô thường, dây trận của Ngư lão, Bắc Đẩu thất tinh hung ác, tứ tượng núi Hoạt Nhân Tử Nhân hỉ nộ vô thường, câu “Những người chúng ta, không gò không bó, không lễ không pháp, không cần lưu danh muôn thuở, không ngại tiếng xấu muôn đời, chỉ cầu không thẹn với trời, không thẹn với đất, không thẹn với mình” đầy trang nghiêm, câu “Ngoài quỷ thần ra, kẻ cất bước giữa thế gian đều là phàm nhân, vì sao con không dám tin, rằng đao trong tay mình có thể không gì không phá?” đầy kiên định… mỗi nhân vật trong truyện đều cực kỳ sinh động, câu chuyện của mỗi người đều khiến người ta thán phục hoặc thổn thức.
Tôi thích nhất đoạn này trong quyển 5 “Thơ vạn quyển, rượu ngàn chung”:
“Cái gọi là “Vô Thường”, có sinh lão bệnh tử, vui quá hóa buồn, lại có tìm đường sống trong chỗ chết, cảnh còn người mất.
Tình đời như biển cả, mà phàm nhân là chiếc lá dập dềnh theo con sóng.
Vô Thường trong chín thức Phá Tuyết vốn mênh mang và bi thương.”
“Cuộc đời phàm nhân từ sinh ra đến chết đi, yêu hận đều vội vã, kết quả, thứ còn lại chỉ là sáu chữ “cầu không được, giữ không được” mà thôi.”