Khát Vọng Đổi Đời

Chương 6



Bất giác Christine thở phào nhẹ nhõm, dứt khỏi dòng hồi tưởng. Ngay cả những ý nghĩ về mọi nỗi bất hạnh mà nàng đã trải qua trong thời thanh nữ cũng chẳng làm cho nàng mệt mỏi. Cái ý định của mẹ định cho nàng đi chơi một chuyến quả thật là vô nghĩa. Tại sao nàng lại phải đến đó, tại sao nàng lại phải đến với người dì và những người khác mà nàng không hề quen biết và chẳng có điều gì chung với họ. Nhưng, lạy Chúa tôi, nàng biết làm sao được khi chính mẹ lại muốn như vậy, khi chính điều đó làm cho mẹ sung sướng. Có nên cưỡng lại ý mẹ không, mà cưỡng lại để làm gì? Mình mệt mỏi quá rồi! Mệt mỏi quá rồi! Sau khi đã chịu đầu hàng số phận, Christine mở ngăn kéo trên, lấy ra một tờ giấy, cẩn thận gập đôi lại và lót ở giữa một tờ giấy có hàng kẻ để viết cho thẳng hàng, nàng bắt đấu viết lá đơn gửi ban giám đốc bưu điện Vienna xin được nghỉ phép theo đúng luật lệ đã quy định. Nàng còn viết thêm, do những lý do gia đình đột xuất đề nghị cho người đến thấy nàng vào đầu tuần sau. Nét chữ của nàng đều đặn, rõ ràng, với những nét móc cầu kỳ và những nét nhấn đẹp đẽ. Bức thư thứ hai, Christine viết cho chị gái đang sống ở Vienna, nhờ chị xin hộ chiếu xuất cảnh đi Thụy Sĩ cho mình, mượn chị chiếc va li nhỏ và yêu cầu chị về đây để bàn bạc về việc chăm sóc mẹ khi nàng đi vắng. Trong những ngày tiếp theo, Christine bình thản chuẩn bị cho chuyến đi. Nàng chẳng hề mong ngóng một điều gì, cũng chẳng vui mừng hay thích thú, dường như chuyện đó chẳng có quan hệ gì đến nàng mà chỉ có quan hệ đến một điều duy nhất là nghĩa vụ và công việc, những điều ấy chính là lẽ sống của nàng.

Suốt cả tuần lễ Christine chuẩn bị cho chuyến đi. Chiều nào nàng cũng may vá, giặt giũ và sửa lại quần áo. Thêm vào đó, người chị, đáng lý ra phải mua cho nàng một vài thứ bằng số đô la mà gia đình đã gửi thì lại cho nàng mượn những bộ áo váy của mình: nào là chiếc áo bành tô đi đường màu váng chóe và chiếc áo len xanh, nào là món đồ nữ trang tráng men mà mẹ đã mua ở Venice trong tuần trăng mật và cuối cùng là chiếc va li nhỏ bằng mây đan (“Cần phải tiết kiệm” - chị nàng, một người đàn bà tiểu thị dân nhút nhát đã khuyên nàng như thế). Vậy là tốt rồi, bà chị nói, ở nơi nghỉ mát trên núi ấy người ta cũng chẳng diện lắm đâu, mà nếu có cần gì thì mua ngay ở đây cũng được. Cuối cùng ngày lên đường đã tới. Chiếc va li bằng mây được Franz Fuchsthaler, một giáo viên ở làng bên cạnh xách hộ. Anh rất muốn bày tỏ tình cảm của mình trong một dịp như thế này. Fuchsthaler là một thanh niên vóc dáng trung bình, gầy còm, có cặp mắt màu xanh nhạt rụt rè sau cặp kính. Sau bức điện ấy, anh đã đến ngay gia đình Hoflehner sẵn sàng giúp đỡ nàng trong mọi việc. Trong khắp vùng Klein-Reifling anh chỉ quen thân với gia đình Hoflehner. Hơn một năm nay vợ anh phải nằm trong bệnh viện lao Alland và tất cả các bác sĩ đã phải thú nhận rằng bệnh tình của chị ta vô phương cứu chữa. Hai đứa con của họ được những người bà con mang về nuôi ở thành phố khác. Chiều tối nào anh cũng ngồi nhà một mình, trong những căn phòng vắng lặng như nhà mồ, đắm mình trong công việc yêu thích, đó là việc sưu tầm bộ mẫu thực vật. Bằng nét chữ rõ ràng đẹp đẽ, anh ghi chú tên những loài hoa đã được ép khô. Tên Latinh viết bằng mực đỏ, còn tên Đức viết bằng mực đen. Anh còn tự tay đóng lại những tập sách mỏng màu nâu gạch yêu thích của mình do nhà xuất bản Reclam ấn hành bằng những chiếc bìa dày với những họa tiết trang trí lòe loẹt, còn ở gáy sách anh viết những hàng chữ in bằng một ngòi bút vẽ kỹ thuật nhỏ xíu. Sau đó vào lúc đêm khuya, khi những người láng giềng đã ngủ cả, anh cầm cây đàn violon, mắt nhìn vào tập nhạc tự tay chép lấy và chơi những giai điệu của Schubert, và Mendelssohn. Anh chơi không hay lắm nhưng rất say mê. Nếu không làm những việc đó thì anh lại lấy những cuốn sách mượn ở thư viện ra và chép những bài thơ hoặc những đoạn văn mà anh thích thú vào những tờ giấy mỏng gập tư. Khi đã chép được một trăm tờ như vậy anh lại đóng chúng vào một cuốn album bìa bọc giấy bóng. Giống như những người Ả Rập chép kinh Koran, anh thích những kiểu chữ tròn có những nét mảnh và nét đậm, để cho những hàng chữ im lặng ấy có thể làm sống dậy niềm sung sướng không thể diễn tả bằng lời và nỗi xúc động khi anh đọc chúng. Đối với một người khiêm tốn, lặng lẽ sống trong căn nhà do hội đồng xã cấp (căn nhà không có vườn bên cửa sổ), đối với một người như vậy thì sách chính là hoa trong nhà. Anh xếp chúng thành những hàng ngay ngắn, nổi bật lên trên giá sách, nâng niu chúng như người thợ làm vườn già nua nâng niu những bông hoa. Những ngón tay gầy, trắng nhợt chạm khẽ vào những cuốn sách như chạm vào những đồ trang sức quý giá, mong manh. Người giáo làng không bao giờ bước chân vào quán rượu trong xóm. Anh sợ bia và khói thuốc lá không khác gì những người sùng đạo sợ điều ác. Mỗi khi phải đi ngang qua cái chốn khủng khiếp ấy anh thường nhăn mặt rảo bước để khỏi phải nghe thấy những tiếng la hét, chửi rủa của những người say rượu. Kể từ khi vợ phải đi nằm bệnh viện, gia đình Hoflehner là nơi duy nhất anh đến chơi vào những lúc rảnh rỗi. Anh thường đến nhà họ sau bữa cơm chiều, nói dăm ba câu chuyện vu vơ hoặc đọc sách cho họ nghe. Hai mẹ con Hoflehner đặc biệt thích thú khi anh đọc tập Những bông hoa đồng nội của Adalbert Stifter, ông ta là người đồng hương với họ. Và khi đọc đến những đoạn xúc động, giọng nói khô khan của anh ta trở nên sôi nổi và giàu âm điệu. Đôi khi rời khỏi trang sách nhìn sang mái đầu hơi nghiêng với những lọn tóc sáng của người thiếu nữ đang chăm chú lắng nghe, người thanh niên vốn rụt rè, tẻ nhạt ấy bỗng trở nên sôi nổi lạ thường. Anh cảm thấy ở trong căn nhà này mọi người hiểu được anh. Người mẹ cũng nhận thấy tình cảm của anh, người thầy giáo. Bà đoán rằng ánh mắt của anh ta khi nhìn về phía con gái chắc chắn sẽ trở nên khác hơn, mạnh dạn hơn khi số phận của vợ anh đã được định đoạt. Nhưng Christine thì vẫn im lặng, bình thản. Từ lâu rồi nàng đã đánh mất thói quen suy nghĩ về bản thân.

Người giáo làng vác chiếc va li trên vai phải, không để ý đến những tiếng cười chế giễu của lũ trẻ con gặp dọc đường. Chiếc va li chẳng lấy gì làm nặng vậy mà anh vẫn cứ phải thở hồng hộc mới theo kịp Christine đang nóng ruột vội vã bước đằng trước. Nàng không ngờ cuộc chia tay lại trở nên nặng nề như vậy. Bất chấp mọi sự ngăn cản của bác sĩ, mẹ nàng đã lên xuống cầu thang đến ba lần, dường như là linh cảm thấy một nỗi sợ hãi kỳ lạ nào đó và không thể nào chia tay được với con gái. Christine phải ba lần dìu người đàn bà già yếu, nặng nề, khóc sướt mướt trở lên cầu thang, mặc dù đã sắp đến giờ tàu chạy. Còn sau đó, khi đã được đặt lên giường, bà vừa nức nở vừa lầm bầm và thở dài não ruột. Cảnh ấy vẫn thường xảy ra trong những tuần lễ gần đây. Chính trong tình cảm như vậy Christine đã chia tay với mẹ và giờ đây nỗi lo lắng về người mẹ bỗng dâng lên, day dứt trong lòng. Chưa bao giờ mẹ nàng lại xúc động như hôm nay. Lạy chúa phù hộ, đừng có chuyện gì xảy ra với mẹ khi mình không có ở đây… Ngộ nhỡ lúc đêm hôm mẹ cần gì đó, trong khi chị gái ở Vienna chỉ về với mẹ vào ngày chủ nhật. Đúng ra thì cũng có một cô gái làm việc ở lò bánh mì sốt sắng hứa chiều nào cũng sẽ đến chăm sóc mẹ, nhưng nàng chẳng thể nào hoàn toàn tin tưởng vào điều đó. Chính cô ta vẫn thường bỏ mặc mẹ mình để chạy đi khiêu vũ… Không, lẽ ra mình chẳng nên đi làm gì, chẳng nên nghe theo những lời thuyết phục, năn nỉ của mẹ. Những cuộc du lịch như vậy chỉ dành cho những người không có mẹ đang ốm nằm nhà, chứ không phải để cho mình… Còn nếu phải đi đâu đó thì chẳng nên đi xa để bất cứ lúc nào cũng kịp trở về. Mà chuyến đi này có ích lợi gì cho mình kia chứ? Chẳng lẽ mình sẽ sung sướng lắm sao khi suốt thời gian ấy lúc nào cũng phải lo lắng, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện không biết giờ này mẹ có cần gì không, rằng đêm hôm chẳng có ai bên mẹ, còn những người chủ nhà ở tầng dưới sẽ chẳng bao giờ nghe thấy hoặc chẳng muốn nghe thấy tiếng chuông mẹ gọi. Họ cũng chẳng yêu quý gì mẹ con mình, nếu có quyền, họ đã đuổi mẹ con mình đi từ lâu… Còn người y tá trực ở Linz thì cũng chẳng thể hy vọng gì nhiều. Khi mình yêu cầu chị ta tranh thủ ghé đến thăm mẹ vào buổi trưa và buổi chiều thì chị ta nói “được” nhưng giọng nói thì khô khan, lạnh nhạt và ai mà biết được chị ta có ghé lại hay không… Hay là mình đánh điện cho dì, không đi nữa? Đối với dì, việc mình đến hay không có nghĩa lý gì đâu, chỉ có mẹ là cho rằng điều ấy rất quan trọng đối với gia đình mình… Nếu không, tại sao dì mình lại không thường xuyên trao đổi thư từ từ Mỹ và trong những lúc khó khăn như thế này sao không gửi ít đồ về như mọi người vẫn thường làm… Biết bao nhiêu những kiện hàng như thế đã qua tay mình ở bưu điện, nhưng chẳng có kiện nào của dì gửi cho mẹ… Không, quả đúng là mình đã dại dột nghe theo lời mẹ, mình cần phải hủy bỏ chuyến đi này trong khi vẫn còn chưa muộn. Chẳng hiểu tại sao nhưng mình cảm thấy sờ sợ. Mình chẳng muốn đi tí nào hết, chẳng muốn đi.

Người thanh niên nhỏ nhắn, rụt rè có mái tóc màu bạch kim phải cố gắng lắm mới không bị tụt lại sau Christine để an ủi và động viên nàng. Anh hứa chắc chắn ngày nào cũng sẽ đến thăm mẹ nàng, vì vậy nàng chẳng nên lo lắng làm gì. Những người khác thì anh không dám nói, còn chính Christine, anh cho rằng nàng có quyền được nghỉ ngơi. Đã bao năm nay nàng làm việc cần cù, chưa hề nghỉ lấy một ngày. Giá như nàng không hoàn thành nghĩa vụ của mình trong mọi công việc thì chính anh sẽ là người đầu tiên khuyên nàng không đi nữa. Không, Christine khỏi phải lo lắng gì cả, ngày nào anh cũng sẽ gửi thư báo cho nàng biết mọi tin tức. Vừa thở dốc anh vừa vội vã nói với Christine tất cả những gì chợt đến trong đầu để cho nàng yên tâm. Và thực tế, những lời thuyết phục kiên trì ấy cũng làm cho nàng nhẹ nhõm đôi chút. Christine hầu như không nghe rõ những lời anh nói nhưng nàng cảm thấy có thể hoàn toàn tin tưởng vào con người ấy.

Trên sân ga đã vang lên tiếng chuông báo hiệu tàu sắp đến, người bạn trai khiêm tốn đi tiễn nàng thỉnh thoảng lại bối rối ho khan vài tiếng. Christine nhận thấy anh ta cứ đổi hết chân nọ sang chân kia, hình như muốn nói một điều gì đó nhưng không dám. Cuối cùng anh ta rụt rè lấy từ túi áo ngực ra một vật gì đó trăng trắng, được gấp lại cẩn thận rồi bối rối trao cho nàng. Không, lẽ dĩ nhiên đó chẳng phải là một món quà nào cả mà chỉ là một biểu hiện khiêm tốn về sự quan tâm của anh ta đối với nàng và có lẽ vật ấy sẽ rất cần thiết cho nàng. Christine ngạc nhiên mở băng giấy ra. Đó là tấm bản đồ chỉ đường cho nàng đi từ Linz đến Pontresina. Tất cả núi non, sông ngòi, thành phố dọc theo đường sắt đều được ghi rõ bằng một nét chữ nhỏ xíu màu đen. Những ngọn núi được đánh dấu bằng những đường gạch chéo, chỗ thưa, chỗ dày tùy theo độ cao của chúng. Các độ cao được ký hiệu bằng những con số nhỏ li ti, các dòng sông được diễn tả bằng những nét chì xanh, các thành phố được khoanh lại bằng những nét chì đỏ, còn khoảng cách giữa các thành phố được ghi ở phía dưới trong một bảng riêng, ở góc phải, giống y hệt tờ bản đồ dành cho học sinh của Viện Địa lý. Người giáo làng đã sao lại tờ bản đồ ấy với tất cả tình yêu và niềm say mê của mình, đồng thời cảm thấy vô cùng sung sướng bởi một công việc thích thú như vậy. Christine đỏ bừng mặt. Nhận thấy món quà nhỏ của mình đã làm cho nàng thích thú, con người khiêm tốn ấy phấn khởi hẳn lên. Anh lấy ra một tờ bản đồ khác hình vuông có những đường viền màu vàng. Đây lại là tờ bản đồ thành phố Engadine được anh can lại từ tờ bản đồ quân sự khổ lớn của Thụy Sĩ, với tất cả những con đường lớn nhỏ với ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng có. Ở chính giữa tờ bản đồ là tòa nhà được khoanh lại bằng một vòng tròn màu đỏ. Theo lời anh giải thích thì đó chính là khách sạn nơi nàng sẽ sống trong thời gian tới. Điều này anh biết được từ tờ tạp chí Baedeker cũ. Như vậy là nhờ tấm bản đồ này Christine có thể tự mình xác định phương hướng trong mọi cuộc dạo chơi mà không sợ bị lạc. Nàng xúc động cám ơn anh. Có lẽ người thanh niên ân cần này đã lặng lẽ đến Linz và Vienna để mượn những sách báo cần thiết và suốt những buổi chiều vừa qua đã cặm cụi tô vẽ bằng những chiếc bút chì gọt đi gọt lại hàng trăm lần và bằng những ngòi bút đặc biệt anh đã mua cho mục đích ấy, để hoàn thành món quà nhỏ tặng nàng. Lẽ dĩ nhiên điều ấy cũng hoàn toàn phù hợp với công việc mà anh vốn yêu thích và phù hợp với khả năng kinh tế của mình. Chuyến du lịch chưa khởi hành của Christine đã được anh ta nghĩ đến và chăm chú theo dõi trên từng cây số. Có lẽ suốt ngày đêm anh chỉ nghĩ đến chuyến đi của nàng, nghĩ đến những gì đang đợi nàng ở phía trước và hộ tống nàng trên mỗi chặng đường. Với lòng biết ơn, Christine chìa tay ra cho người thanh niên, ngạc nhiên vì chính sự bạo dạn của mình và dường như đây là lần đầu tiên nàng nhìn thấy đôi mắt của anh qua cặp kính, cặp mắt màu xanh da trời trong sáng, chân thành như cặp mắt một đứa trẻ. Nhưng trong lúc nàng nhìn anh, cái khoảng xanh thẳm sáng rực rỡ ấy bỗng tối lại và sâu hơn vì quá xúc động. Trong lòng nàng dâng lên một tình cảm ấm áp mà trước đó chưa lần nào nàng cảm thấy khi có mặt anh, một sự đồng cảm và tin cậy chưa bao giờ có đối với một người đàn ông. Trong giây phút đó, cái cảm giác mơ hồ ấy bỗng hình thành rõ rệt trong trí nàng. Christine chân thành giữ bàn tay của anh lâu hơn mọi khi. Còn anh cũng cảm thấy sự biến đổi đó trong tình cảm của nàng. Trái tim đập dồn dập trong lồng ngực, hơi thở trở nên gấp gáp hơn, anh cố chọn những từ ngữ thích hợp để nói với nàng. Nhưng ngay lúc ấy đoàn tàu đen nhẻm bỗng ập đến như một con quái vật khổng lồ bị chọc tức. Làn hơi nóng phả ra trước mũi đoàn tàu suýt nữa làm bay mất tờ giấy trong tay nàng. Chỉ còn lại một phút, Christine vội vã bước vào trong toa và từ cửa sổ nàng chỉ nhìn thấy chiếc khăn tay trắng đang vẫy vẫy rồi nó cũng nhanh chóng biến hẳn trong làn khói mờ đục. Sau đó Christine chỉ còn lại một mình, lần đầu tiên trong cả cuộc đời nàng chỉ có một mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.